BAGHDAD- Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế cho biết các kỹ sư đã sửa chữa xong một trạm bơm cung cấp nước ở Baghdad để phục vụ cho gần một triệu dân

Phần lớn dân Baghdad hiện nay đã có nước sạch để dùng.

Tổ chức Chữ thập Đỏ Quốc tế cũng nói người ta đang nỗ lực khôi phục lại hệ thống cung cấp điện rất cần thiết cho cuộc sống người dân sau cuộc chiến do Hoa Kỳ khởi xướng.

Hiện gần như ngày nào cũng có biểu tình ở Baghdad kêu gọi quân Hoa Kỳ thiết lập lại trật tự kỷ cương ở trong thành phố.

Phóng viên BBC ở Baghdad Richard Galpin nói đã có một số tiến triển, với việc quân đội bảo vệ các địa điểm quan trọng và tuần tra xung quanh thành phố để giảm nạn cướp bóc.

Cảnh sát Iraq cũng đã được huy động trong tuần và tung ra ngoài đường cùng với quân lính thủy đánh bộ Mỹ.

Hiện vẫn chưa rõ tại sao nguồn điện tại Iraq lại bị cắt hồi đầu tháng thế nhưng ngày càng nhiều công nhân nhà máy điện quay trở lại làm việc và đường dây bị chiến tranh làm hư hỏng cũng đang được sửa chữa lại.

Các phóng viên của chúng tôi nói vẫn có hy vọng là mạng lưới điện sẽ được hồi phục, ít nhất là tại các địa điểm quan trọng như các bệnh viện, trong một vài ngày tới.

Vấn đề tại Basra

Người phát ngôn của Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế Florian Westphal nói các biện pháp vừa được liên quân áp dụng đã cải thiện tình hình an ninh tại các thành phố chính ở Iraq thế nhưng tình hình vẫn còn khá bất ổn.

Tuy nhiên ông Westphal nói với BBC Online rằng hiện còn quá sớm để phán quyết liệu liên quân có tuân thủ đúng các quy định của Hiệp ước Geneva về cung cấp viện trợ nhân đạo và ổn định trật tự.

Hoa Kỳ đã thành lập một trung tâm điều hành hoạt động quân và dân sự ở Baghdad để đối phó với các vấn đề nhân đạo khẩn cấp.

Ông Westphal cũng nói rằng tình hình cung cấp nước vẫn còn đang tồi tệ ở thành phố lớn thứ hai Iraq là Basra, tuy nhà máy nước ở đây đã hoạt động trở lại.

Ông Westphal nói: "Người dân đang đục lỗ trên đường ống để lấy nước".

Thế nhưng người lãnh đạo của Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế tại miền Nam Iraq Andres Kruesi nói điều cần thiết nhất không phải là hàng cứu trợ.

Ông Kruesi nói: "Chúng tôi không cần lượng lớn hàng cứu trợ, chúng tôi đang khủng hoảng về điều hành chính phủ. Các cơ quan chính quyền địa phương đều không hoạt động". (bbc)