BAGHDAD - Hoa Kỳ đang chuẩn bị bắt đầu những bước đi đầu tiên nhằm thành lập một chính thể mới tại Iraq sau khi liên quân lật đổ chính phủ của ông Saddam Hussein.

Ðại diện các nhóm Iraq lưu vong hiện đang được chở tới một căn cứ không quân ngoại ô thành phố Nasiriya để gặp gỡ thủ lĩnh các bộ lạc và tôn giáo địa phương.

Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng đây là cuộc đầu tiên trong một loạt các cuộc họp và sẽ có thảo luận kỹ càng trước khi có bất kỳ động thái nào trong việc thành lập một chính phủ lâm thời.

Thế nhưng phóng viên BBC tại Kuwait, Malcolm Brabant, nói rằng đang có những lo ngại rằng sự vui mừng của người dân trước việc chế độ Sađam Hussein sụp đổ sẽ chuyển thành sự tức giận trước cái mà nhiều người cho là 'Hoa Kỳ xâm lược' đất nước họ.

Ðiều hành cuôc gặp nói trên là đặc sứ Hoa Kỳ Zalmay Khalizad, người cũng đã đóng vai trò tương tự trong việc thành lập chính phủ lâm thời hậu Taleban tại Afghanistan.

Tướng về hưu Jay Garner được Hoa Kỳ chỉ định để điều hành Iraq cho tới khi chính phủ lâm thời được thành lập cũng sẽ có mặt tại đó.

Mâu thuẫn

Thế nhưng một trong những nhóm Hồi giáo Shia lớn của Iraq, nhóm Hội đồng tối cao của Cách mạng Hồi giáo Iraq, trụ sở tại Iran, đang tẩy chay cuộc họp này để phản đối vai trò của Mỹ.

Một trong những lãnh đạo Iraq hồi hương, ông Ahmed Chalabi của đảng Quốc dân Ðại hội, được xem như lựa chọn của Bộ Quốc phòng Mỹ cho vị trí lãnh đạo đất nước, thế nhưng ông này lại nói với tờ Le Monde của Pháp rằng ông không phải 'ứng cử viên' cho bất cứ cương vị nào.

Phân tích gia khu vực của đài BBC Sadeq Saba nói rằng lập trường cứng rắn của Hội đồng Tối cao cho Cách mạng Hồi giáo Iraq chứng tỏ rằng hiện các nhóm người Shia Iraq vẫn không tỏ ra tin tưởng người Mỹ.

Họ sợ rằng Washington đang có kế hoạch lập ra một chính phủ bù nhìn thân Mỹ ở trong nước, và không muốn các nhóm Hồi giáo Shia thân Iran đóng vai trò gì đáng kể trong tương lai của Iraq.

Người Hồi giáo Shia chiếm 60 phần trăm dân số Iraq và tổ chức Hội đồng Tối cao, hiện có khoảng 15000 chiến binh, được coi là một trong những nhóm đối lập quan trọng nhất.

Vai trò của Liên hiệp quốc

Hiện vẫn chưa rõ chính xác là Hoa Kỳ sẽ để cho Liên hiệp quốc đóng vai trò như thế nào trong việc thành lập chính phủ Iraq mới.

Liên hiệp quốc sẽ là quan sát viên trong cuộc họp ở Nasiriya.

Tướng Garner nói rằng các thành tựu thu được tại thành phố cảnh Umm Qasr ở miền Nam Iraq sẽ được sử dụng như mô hình để thiết lập thể chế dân chủ trong nước.

Mối quan hệ với các thủ lĩnh địa phương ở Umm Qasr đã giúp người dân thành phố bắt đầu quá trình dân chủ của họ và phát động các dự án dân sự, ông nói với đài BBC.

Tướng Garner nói mục đích của các cuộc họp đã được kế hoạch là dùng đối thoại để khuyến khích các lãnh đạo tiềm năng của Iraq nắm quyền điều hành nước mình.

Ông cũng nhấn mạnh rằng quân đội Anh và Mỹ sẽ vẫn có vai trò nhân đạo ở nước này.

Ai cập và Jordan đã kêu gọi rút toàn bộ quân nước ngoài khỏi Iraq và thành lập chính thể đại diện cho người dân Iraq sau cuộc họp ở Cairo giữa Tổng thống Ai cập Hosni Mubarak và Vua Abdullah của Jordan.

Ngoại trưởng Jordan nói rằng chính phủ mới của Iraq phải có đa số là người Iraq từ trong nước.(bbc)