BAGHDAD - Cho đến lúc này giới lãnh đạo tôn giáo và chính trị Iraq đã thống nhất mục tiêu bàn thảo xây dựng một chế độ liên bang và dân chủ cho Iraq.

Đó là nội dung mới nhất từ phiên họp về tương lai Iraq do Hoa kỳ giúp tổ chức.

Họ đã ra thông cáo sau cuộc họp ở thành phố cổ tên là Ur ở miền Nam Iraq, tức là một khu quân sự gần Nasiriyah, tuyên bố Iraq mới phải đa nguyên, tuân thủ pháp luật, đồng thời phải giải thể đảng Baath của ông Saddam Hussein.

Trong vòng mười ngày tới giới chính khách và tôn giáo Iraq sẽ tái họp lại.

Mở đầu phiên họp đặc phái viên của Nhà Trắng là ông Zalmay Khalilzad tuyên bố rõ là Hoa Kỳ hoàn toàn không quan tâm đến chuyện tự cầm quyền Iraq.

Và cuộc họp ở căn cứ không quân ngoại ô Nasiriyah đã đánh dấu bước đầu tiên trong các cố gắng thiết lập chính quyền dân sự mới kể từ sau khi chính quyền Saddam Hussein mất quyền kiểm soát Iraq.

Ít nhất là giới lãnh tụ lưu vong người Iraq và đại diện các nhóm sắc tộc đi đến thỏa thuận chung là sẽ tái họp trong vòng mười ngày tới.

Thế nhưng theo tin của phóng viên BBC tại đó là Damien Gramaticas thì có một tổ chức của người Shia đóng ở Iran lại không đến dự họp để phản đối vai trò của Hoa Kỳ trong tiến trình này.

Đây có thể là một trở ngại lớn vì người Shia chiếm khoảng 60% dân số Iraq.

Còn theo ước tính của phóng viên BBC thì nhóm bỏ họp có lực lượng vũ trang lên đến khoảng 15.000 quân, tức là một nhóm đáng kể trong thời hậu chiến ở Iraq.

Thế nhưng bình luận về chuyện hội đồng tối cao cách mạng Iraq, tức là nhóm chính trị Shia lưu vong sang Iran bỏ họp này, bộ trưởng quốc phòng Mỹ không xem đây là chuyện quan trọng và nói đó chỉ là một diễn biến bình thường trong quá trình dân chủ.

Bản thân ông Chalabi là một người được Hoa Kỳ đưa về Iraq hồi mấy tuần trước cũng chỉ gửi một đại diện đi họp thay.

Liên hiệp quốc cũng không có đại diện đến dự họp. Hiện tại chưa rõ Hoa Kỳ sẽ dành cho Liên Hiệp quốc vị trí như thế nào trong công cuộc tái thiết Iraq.(bbc)



Ông Ahmad Fawzi là đại diện của Liên hiệp quốc tại Luân Đôn thì cho biết sẽ tuân thủ đúng yêu cầu của hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, và dù có kinh nghiệm và bí quyết trong công việc tái thiết nhưng không bị lực lượng chiếm đóng khuất phục, và hiện chỉ tiến hành các chức năng cứu trợ nhân đạo cho Iraq.