Gia Tô Bí Lục Tân Thời(tiếp theo và hết)

Chiến dịch mạ lỵ

Trên đây chúng tôi có nhắc đến William D. Rubinstein và các con số của ông cho thấy số người Do-Thái bị Quốc Xã giết tại các nuớc Công giáo thí ít hơn con số tại các nước không Công giáo. Nhận xét vế tác giả Hitler’s Pope, Rubinstein cho rằng mặc dù chân dung đức Piô do Cornwell vẽ có phức tạp hơn chân dung do Hochhuth vẽ, nhưng rõ ràng đã được vẽ trong cùng một tinh thần. Vì thẩy đều là những chiến dịch quái ác nhằm mạ lỵ và ám hại danh thơm tiếng tốt người khác. Tác giả sách ấy nhất đán đọc sai và hiểu sai cả các hành động của Pacelli lẫn ngữ cảnh (context) trong đó các hành động kia xẩy ra. Cornwell đơn cử hai trường hợp để lên án đức Piô XII: đó là việc ngài án binh bất động trước việc đầy 2,000 người Do-Thái Rôma đi Auschwitz trong hai tháng 9 và 10 năm 1943, và việc ngài không có hành động cương quyết đối với vụ đầy hàng loạt người Do-Thái Hung gia lợi đi Auschwitz trong các tháng 5,6 và 7 năm 1944, đợt diệt chủng cuối cùng của Quốc Xã. Tuy nhiên, nếu nhìn vào chi tiết, câu chuyện sẽ ra khác.

Người ta biết rằng năm 1938, có tất cả 12,800 người Do-Thái tại Rome. Ðầu năm 1943, con số ấy là 12,000 người. Ðến tháng 9 năm đó, nhiều người trong số ấy đã trốn đi, chỉ còn vào khoảng 8,000 người ở lại. Trong tháng ấy, khỏang 1,000 bị bắt, và tháng sau, 1,000 người khác bị bắt. Chính Cornwell khẳng định rằng: “một số không rõ người Do-Thái còn ở lại đã thoát khỏi bị bắt nhờ đi trốn tại các cơ sở tôn giáo có qui chế ngoại giao do Vatican bảo vệ tại Rome, gồm luôn chính Kinh Thành Vatican”. Con số ấy hiện nay ai cũng rõ: vào khoảng 5,000 trong số 8,000 người kia đã được che chở kiểu này. Nói cách khác, vào khoảng 5/6 tổng số người Do-Thái tại Rome trước chiến tranh đã sống còn chủ yếu do sự giúp đỡ của công giáo. Còn tại Hung gia lợi, mấy trăm ngàn người Do-Thái bị đầy vào chỗ chết trong một khoảng thời gian ngắn ngủi không thể tin được tức trong khoảng từ 15 tháng 5 đến 8 tháng 7 năm 1944. Vụ diệt chủng được tổ chức với độ chính xác kiểu dây chuyền này là do chính hung thần Adolf Eichmann chỉ huy. Mặc dù nhìn nhận rằng “các sáng kiến của Pacelli tại Hung cũng như tại các nơi khác chắc chắn có góp phần vào các cố gắng cứu người của Công Giáo”, nhưng “việc phản kháng của ngài quá chậm không ngăn cản được vụ đầy ải gần nửa triệu người Do-Thái khỏi các vùng tỉnh” (chỉ tại các vùng nông thôn Hung gia lợi mà thôi, người Do-Thái tại Budapest không bị đầy ải). Tuy nhiên, sự thật có khác thế. Trước nhất, Cornwell nói lầm rằng nhà cai trị Hung lúc đó, Ðô Ðốc Miklos Horthy (1868-1957), là một người Công giáo. Ðúng ra ông theo giáo phái Calvin. Không cần nói cũng đủ thấy Horthy không coi đức Piô XII là đại diện đức Kitô trên trần gian. Thứ hai, ngày 25 tháng 6 năm 1944, Pacelli có kêu gọi Horthy ngưng vụ đầy ải. Horthy đồng ý với lệnh trực tiếp từ Hitler phải đầy người Do-Thái dưới chiêu bài đưa họ đi lao động chân tay tại các nhà máy ở Ðức. Tuy nhiên, một loạt các nguồn tin ngoại quốc cũng như Hung gia lợi liên tiếp cho ông biết sự thật giữa các tháng 3 và 7 năm 1944 và thúc giục ông chấm dứt các vụ đầy ải. Một số các thúc giục này có trước các thúc giục của Pacelli, một số có sau. Nếu những thúc giục ấy có ‘quá trễ’ thì chúng vẫn còn sớm hơn so với các thúc giục của Franklin Roosevelt, của Hồng Thập Tự Quốc Tế, của Quốc Vương Gustaf của Thụy Ðiển, và của Văn Phòng Do-Thái tại Palestine (do David Ben-Gurion cầm đầu). Cuối cùng Horthy ngưng các vụ đầy ải vào ngày 8 tháng 7. Ðiều quan trọng hơn nữa, là nếu Horthy hành động sớm hơn, Quốc Xã có thể không những không đếm xỉa đến quyết định của ông mà chắc chắn còn đảo chính lật đổ ông để đưa ra một chính phủ cực đoan thân Quốc Xã thay thế. Thực tế chuyện ấy đã xẩy ra thật vì giữa tháng 10, Ðức đã dàn dựng cuộc đảo chính đưa Ferenc Szalasi, một lãnh tụ thân Quốc Xã của Arrow Cross, lên làm thủ tướng. Thật rất khó mà thấy được Pacelli đã có thể làm được gì để xoay chiều các biến cố bi thảm trên. Một sự kiện mà chính Cornwell cũng phải thừa nhận là các đại diện Công giáo tại Hung, nhất là Angelo Rotta, sứ thần Tòa Thánh, đã tỏ ra hết sức tích cực nhân danh người Do-Thái.

Đánh lạc chú ý

Ðiểm chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là thế này: uy quyền của đức Giáo hoàng, hay của Roosevelt hay của bất cứ ai khác trong việc gián chỉ Hitler khỏi nạn diệt chủng rất có giới hạn, vì lúc ấy hắn đã nắm được quyền bá chủ Âu Châu. Chỉ chú mục vào các hành động của đức Giáo Hoàng hay của Ðồng Minh mà thôi là quên mất sự kiện luân lý chính yếu này là chính Hitler và bọn Quốc Xã đã thi hành Nạn Diệt Chủng, chính bọn chúng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với những gì đã xẩy ra. Ðối với quá nhiều sử gia, trong vụ Diệt Chủng, bọn Quốc Xã xuất hiện như một lực lượng tự nhiên không giải thích được và sức mạnh tàn diệt của nó có tra vấn cũng bằng thừa, trong khi phê phán lại chú mục vào những thiếu sót đổ trên đầu những ai không có khả năng ngăn cản được cuộc sát nhân của chúng. Cái điều hoàn toàn bất công ấy đáng ra phải là hiển nhiên, ấy vậy mà các kệ sách vẫn đầy các công trình về “các thất bại” của Ðồng Minh cũng như những sách chỉ trích Pacelli. Nhẹ nhất, những sách đó đã có công dụng đánh lạc chú ý khỏi các thủ phạm thực sự; nặng hơn, chúng hàm nghĩa một đồng cân luân lý (moral equivalence) giữa những tên sát nhân hàng loạt và những người, dù hữu hiệu hay không, đã cố gắng chận đứng bàn tay tội ác của chúng lại.

Cũng cần nhấn mạnh một khía cạnh bất công khác: tại sao lại chỉ chú mục vào Công Giáo mà thôi? Tiến sĩ Margherita Marchione, một chuyên gia về Vatican, nhân khi đề cập đến Ủy Ban Sử Học Hỗn Hợp giữa Công Giáo và Do-Thái, có nhắc lại một sự việc liên quan đến vụ Kristallnacht (Ðêm Kính Bể) trong đó Quốc Xã triệt hạ 1,400 hội đường và cửa hàng Do-Thái tại Ðức và Áo. Mấy ngày sau, báo chí Ðức đăng tải các lời tuyên bố của các thần học gia Lutheran là những người, thay vì kết án hành vi bạo ngược trên, đã tỏ ra hài lòng vì cuộc bách hại ấy đã khởi sự đúng vào ngày sinh nhật của Martin Luther. Theo Andrea Tornielli, trên tờ Il Giornale ngày 13 tháng 11 năm 1998, các đồ đệ của Hitler khi thi hành kế hoạch bách hại trên đã tìm thấy kế hoạch đó ngay trong chính cuốn Von den Juden und ihren Lugen của Luther viết năm 1543 được Justus Jonas dịch từ tiếng Ðức qua tiếng Latinh. Năm 1936, cuốn này được lưu hành với lời biên tập của nhà thần học tin lành, tiến sĩ Linden. Ấn bản tiếng Ý, với lời bình luận của Attilio Agnoletto, được ấn hành năm 1997. Trong cuốn sách này, Luther khuyên rằng: “các Ðạo Trưởng (Do-Thái) không được phép dạy học và người Do-Thái phải bị công chúng không tin tưởng và cấp giấy thông hành”. Ông cũng cho rằng: “phải áp đặt mọi thanh niên và người tráng kiện Do-Thái, cả đàn ông lẫn đàn bà, phải làm việc, để tự họ kiếm lấy miếng ăn bằng chính mồ hôi của họ”. Khỏi nói ai cũng thấy, bọn Quốc Xã đã dùng những lời ấy để biện hộ cho các trại tập trung của chúng ra sao. Ấy thế mà trong các buổi tưởng niệm Ðêm Kính Bể, người ta chỉ tố cáo đức Piô XII, mà không nhắc gì đến những nhà thần học từng vỗ tay và cho in lại những luận điệu phỉ báng người Do-Thái!

4. THÔNG ÐIỆP DẤU KÍN

Ðạo trưởng Melanie Aron, trong bài Edith Stein – Jewish Saint? mà chúng tôi giới thiệu trên đây cho rằng năm 1938, Edith Stein có thỉnh cầu đức Piô XI viết một tông thư bênh vực người Do-Thái. Ðạo trưởng cho hay: “theo tài liệu chính thức của Công giáo, thỉnh cầu trên không được thỏa mãn lúc ấy, phần lớn do việc xử lý nó một cách thiếu sót”. Cũng theo ông, “Năm 1986, tuyên bố của Chủ Tịch Đại Học Thánh Giá giải thích rằng Ðức Giáo Hoàng có ủy nhiệm cho hai linh mục Dòng Tên soạn thảo một tài liệu lên án việc bách hại vì lý do chủng tộc. Việc bùng nổ Thế Chiến II và cái chết của Ðức Giáo Hoàng đã ngăn cản việc công bố các cố gắng ấy”.

Nữ Thánh Edith Stein

Ở đây, ta thấy một điều đáng lưu ý. Dù Ðạo Trưởng Aron đã có nhiều tiếp xúc với Công Giáo qua các cố gắng đối thoại của ông, nhưng khi nói về Công Giáo và lịch sử của Giáo Hội này, ông tỏ ra không thành thạo bao nhiêu, và do đó, người ta rất hoài nghi phẩm chất các điều ông viết. Tỉ như khi ông đề cập đến Chủ Tịch Đại Học Thánh Giá, người ta không hiểu ông nói về ai. Mặt khác, ai cũng biết bức thư Edith Stein thỉnh cầu đức Piô XI lên tiếng phê phán Quốc Xã được viết và gửi cho ngài ngày 12 tháng 4 năm 1933, chứ không phải năm 1938. Bức thư này được tìm thấy trong các Văn Khố của thời 1922-1939 vừa được Tòa Thánh mở cho công chúng. Bà viết như sau: “Với tư cách một đứa con của dân tộc Do-Thái, người nhờ ơn Chúa, trong 11 năm qua cũng là một đứa con của Giáo Hội Công Giáo, con xin mạo muội thưa với người Cha của thế giới Kitô giáo về điều đang áp chế hàng triệu người Ðức. Ðã mấy tuần nay, chúng con nhìn thấy nhiều tội ác tại Ðức đang chế nhạo bất cứ cảm thức nào về công lý và nhân đạo, chứ đừng nói chi đến lòng yêu người lân cận. Ðã nhiều năm nay, các lãnh tụ của chủ nghĩa Quốc Xã từng rao giảng lòng thù hận đối với người Do-Thái. Giờ đây khi đã nắm được chính quyền và đã trang bị vũ khí cho các kẻ ủng hộ, trong đó nhiều thành phần là tội phạm có chứng cớ, cái hạt giống thù ghét kia đã nẩy mầm. Vừa mới đây, chính phủ nhìn nhận có những quá trớn đã xẩy ra. Ðến mức nào, chúng con không thể nói được, vì công luận hiện đang bị bịt miệng. Tuy nhiên, xét theo những gì con đã học được qua các liên hệ bản thân, đó không hề chỉ là những ngoại lệ đặc thù. Dưới áp lực của phản ứng ngoại quốc, chính phủ phải quay về với những phương pháp dịu nhẹ hơn. Khẩu hiệu của Chính phủ hiện nay là không một người Do-Thái nào bị hại dù chỉ là một sợi tóc. Nhưng qua các biện pháp tẩy chay - cướp kế sinh nhai, các danh dự dân chính và cả quê cha đất tổ nữa – chính phủ đã đưa nhiều người đến chỗ tuyệt vọng; chỉ trong vòng tuần qua, qua các báo cáo tư, con được thông báo về 5 trường hợp tự tử do hậu quả các vụ thù nghịch trên. Con xác tín rằng đây là tình trạng phổ quát sẽ còn liên lụy đến nhiều nạn nhân khác. Người ta có thể lấy làm tiếc những người bất hạnh kia đã không đủ sức mạnh nội tâm thâm hậu hơn để chịu đựng nỗi bất hạnh của mình. Nhưng dù gì thì trách nhiệm cũng phải đổ lên đầu những kẻ đẩy họ tới điểm tuyệt vọng ấy và cũng đổ trên đầu những ai im hơi lặng tiếng trước những việc xẩy ra như vậy.

“Mọi chuyện đã xẩy ra và đang tiếp tục xẩy ra trên căn bản hàng ngày từ một chính phủ tự mệnh danh là “Kitô giáo”. Nhiều tuần rồi, không những người Do-Thái mà cả hàng ngàn tín hữu Công giáo tại Ðức, và con tin, khắp thế giới nữa, đang chờ đợi và hy vọng Giáo Hội đức Kitô sẽ gióng lên tiếng nói của mình để chặn đứng sự lạm dụng nhân danh đức Kitô này. Há việc ngẫu tượng hóa chủng tộc và quyền lực nhà nước đang được truyền thanh rót vào ý thức quần chúng không phải là một rối đạo (heresy) công khai hay sao? Há các cố gắng tiêu diệt máu huyết Do-Thái không phải là một xúc phạm đến nhân tính thánh thiêng nhất của Chúa Cứu Thế chúng ta, của đức Nữ Trinh chí thánh và của các Tông Ðồ đó sao? Há điều đó không 180 độ đi ngược lại hành xử của Chúa và Ðấng Cứu Thế chúng ta, đấng, ngay trên Thập Giá vẫn còn cầu nguyện cho những kẻ bách hại đó sao? Và há điều này lại không là một vết đen đối với hồ sơ Năm Thánh vốn được hoạch định như là một năm của hòa bình và hoà giải hay sao?

“Chúng con hết thẩy, là con cái trung thành của Giáo Hội và là những người nhìn thấy các điều kiện tại Ðức bằng con mắt rộng mở, sợ rằng nếu sự im lặng còn tiếp tục lâu hơn, thì uy tín của Giáo hội sẽ tệ hại hơn nữa. Chúng con xác tín rằng về lâu về dài sự im lặng này không thể mua được hòa bình với chính phủ hiện nay của Ðức. Vì hiện nay, cuộc đấu tranh chống Công Giáo đang được tiến hành thầm lặng và ít tàn bạo hơn so với người Do-Thái, nhưng cũng không kém phần hệ thống hơn. Chẳng bao lâu nữa, không còn một người Công Giáo nào có thể còn giữ được chức vụ tại Ðức trừ khi vô điều kiện hiến mình cho diễn trình hành động mới.”

Lời tiên đoán của Edith Stein thật đúng. Nhưng không hẳn đúng vì sự im lặng của Giáo Hội Công Giáo, cho bằng đúng vì đó là chiến thuật giai đoạn của Quốc Xã. Chẳng phải một sớm một chiều Quốc Xã có chủ trương diệt Do-Thái và diệt bất cứ ai chống đối lại đường lối của nó, trong đó có Công Giáo. Chủ trương ấy đã có từ lâu, từ cả chục năm trước khi chúng nắm quyền. Giáo hội Công giáo biết rõ kế hoạch của Quốc Xã: một khi tiêu diệt được các lực lượng đối kháng về quân sự, họ sẽ tính tội giáo hội Công Giáo, như trên kia ta đã thấy. Sự im lặng mà Edith Stein nhắc đến như một tín hữu, Giáo Hội, như một định chế, đã xem sét và đã có đáp ứng mà Giáo Hội cho là thích hợp.

Tông thư Mit brennender Sorge

Trái với điều Ðạo Trưởng Aron viết trên kia, đức Piô XI đã đáp ứng thư thỉnh cầu của Edith Stein (cũng như nguyện vọng của nhiều người, như chính Edith Stein nhìn nhận) qua việc công bố tông thư Mit brennender Sorge và cho đọc trong mọi nhà thờ Ðức, Chúa nhật Lễ Lá năm 1937. Cornwell không nhắc gì đến đóng góp của Edith Stein mà cho rằng công lớn nhất trong việc công bố tông thư là của phái đoàn đại diện các giám mục Ðức do 3 hồng y dẫn đầu gồm Bertram, Faulhaber và Schulte tới Rome trung tuần tháng Giêng năm 1937. Trước phái đoàn hùng hậu này, “Pacelli không còn lựa chọn nào khác hơn là phải liên lụy đến Ðức Thánh Cha”. Ngài đưa phái đoàn đến gặp đức Piô XI lúc đó đang đau nặng. Nghe lời trình bầy của phái đoàn, đức Piô XI đồng ý ban hành một tông thư. Faulhaber bèn lập tức viết dự thảo đầu tiên và trao cho văn phòng Quốc Vụ Khanh vào sáng ngày 21 tháng 1. Pacelli hiệu đính dự thảo và thêm các tư liệu về lịch sử của tông hiệp. Tông thư gửi toàn thể giám mục hoàn cầu này là tài liệu duy nhất thuộc chuyên loại được viết bằng tiếng Ðức. Như thế để mọi người thấy rõ tài liệu ấy lo lắng đến hoàn cảnh nào và nước nào. Trong Tông thư này, đức Piô XI cho hay trong nhiều năm qua, phía ký tông hiệp với Giáo Hội đã “gieo cỏ lùng của ngờ vực, bất hòa, thù hận, vu khống, hận thù tận gốc công khai và giấu ẩn chống lại Ðức Kitô và Giáo Hội Người, được nuôi dưỡng bằng hàng ngàn gốc nguồn khác nhau và xử dụng bất cứ phương tiện nào có được”. Thay thế cho niềm tin đích thực vào Thiên Chúa, ngài cho hay, họ đã thần thánh hóa chủng tộc, dân tộc và nhà nước. Ngài cảnh giác các giám mục phải canh chừng những thực hành độc hại tất yếu phải phát sinh từ những chủ trương trên và ngài kêu gọi phải nhìn nhận luật tự nhiên.

Cornwell nhìn nhận rằng dù với lối văn nói quanh (circumlocution) quen thuộc của một vị giáo hoàng, tông thư này “chứa những ngôn từ mạnh mẽ. Bọn Quốc Xã coi tông thư như một hành vi phá hoại chế độ. Các cơ sở nhận in tài liệu này bị trưng thu và nhiều nhân viên của các cơ sở này bị bỏ tù; khi hồng y Bertram và tổng giám mục Orsenigo phản kháng, họ nhận được lời phản công gay gắt từ bộ ngoại giao Ðức và bộ Giáo Vụ của Kerrl. Heydrich ra lệnh trưng thu mọi ấn bản của tài liệu. Kerrl gửi các giám mục Ðức một bức thư cho rằng tông thư “nguyên tuyền đi ngược lại tinh thần tông hiệp… đầy những vụ tấn kích chống lại phúc lợi và lợi ích của quốc Gia Ðức”. Hitler giận đến độ công kích tông thư này trong diễn văn ngày Quốc Tế Lao Ðộng mồng 1 tháng 5. Nhân khi kêu gọi các công dân phải vâng lệnh, hắn cảnh giác mọi người phải “khuất phục nếu không sẽ bị nghiền nát”, cho hay: nhà nước không bao giờ khoan thứ bất cứ cuộc thách thức nào phạm đến uy quyền của mình. Ðối với các giáo hội cũng thế “Khi họ dùng đủ mọi cách – tác phẩm, tông thư, v.v…- với ý đồ đảm nhiệm những quyền lợi vốn chỉ thuộc nhà nước, chúng ta sẽ đẩy họ trở lại các sinh hoạt thiêng liêng đặc trưng của họ”. (Hitler’s Pope, tr.183).

Không phải chỉ riêng bọn Quốc Xã nhìn ra bản chất tông thư duy nhất nhằm vào chúng. Theo Cornwell, bản chất tông thư này cũng được nhiều người Công Giáo cũng như không Công giáo coi như “biểu tượng cho việc lên tiếng đầy can đảm của ngôi vị giáo hoàng”. Chỉ có điều mặc dù nhìn nhận phần đóng góp quan trọng của Pacelli trong bản văn cuối cùng cũng như trong việc dàn xếp khéo léo để tông thư được công bố tại Ðức, Cornwell hàm ý cho rằng vì Pacelli, “tông thư đã tới trễ và không đích danh lên án chủ nghĩa Quốc Xã và Hitler”. Thử hỏi liệu nêu đích danh Quốc Xã và Hitler, tông thư có xoay chiều được bọn chúng hay không. Hãy đọc phản ứng của Hitler trên đây hoặc nhận định của Goebbels về việc chúng chỉ chịu rời các phủ bộ trong bộ áo quan!

Humani Generis Unitas

Hình như Ðạo Trưởng Aron liên hệ sai hai tài liệu khi cho rằng Vatican không thỏa mãn thỉnh cầu của Edith Stein. Quả thế, ngoài tông thư Mit brenneder Sorge, đức Piô XI còn nghĩ đến việc công bố một tông thư khác mà có người cho là nhằm đả kích chủ nghĩa bài Do-Thái. Tông thư này được soạn cho ngài ít ngày trước khi ngài qua đời vào năm 1939 nhưng sau đó người ta cho rằng đã bị đấng kế vị là Piô XII dẹp bỏ, và việc dẹp bỏ này, như trên đã nói, được nêu lên như một yếu tố tố cáo khuynh hướng bài Do-Thái của đức Piô XII. Bây giờ, bản thảo tông thư ấy đã được công bố qua cuốn The Hidden Encyclical of Pius XI, do Georges Passelecq và Bernard Suchecky biên tập, Harcourt Brace xuất bản. Cornwell gọi bản thảo tông thư này là “Tông Thư Thất Lạc” (the Lost Encyclical). Ông cho hay dự án soạn thảo được trao cho Bề Trên Dòng Tên, người Ba-Lan, tên là Wladimir Ledochowski. Vị này ủy dự án cho ba linh mục thuộc Dòng mình là Gustav Gundlach (Ðức), Gustav Desbuquois (Pháp) và John LaFarge (Mỹ). LaFarge đã từng tham dự chiến dịch chống chủ nghĩa chủng tộc tại Mỹ và là tác giả cuốn Inter-Racial Justice mà đức Piô XI, một ‘con mọt sách’, có đọc. Ðối với LaFarge, Giáo Hội Công Giáo phải coi việc thực hiện sự bình đẳng chủng tộc như mục tiêu hàng đầu trong thế kỷ 20. Còn Gundlach vốn là tác giả một mục chống chủ nghĩa bài Do-Thái trong ấn bản năm 1930 của bộ Lexikon fur Theologie und Kirche trong đó ông chủ trương chủ nghĩa bài Do-Thái về sắc cũng như chủng tộc là phản Kitô-giáo.

Trước khi đề cập thêm về diễn trình soạn thảo, Cornwell cho biết rằng không chắc đức Piô XI có đọc dự thảo đệ trình hay không vì lúc đó ngài bệnh nặng, chỉ sống thêm ít lâu nữa mà thôi. Cũng không có bằng chứng gì về phản ứng của Ngài đối với dự thảo tông thư. Càng không có bằng chứng gì về chỉ thị công bố dự thảo ấy, nhưng “có bằng chứng chắc chắn là giữa lúc đức Piô XI qua đời và mật nghị viện hồng y, Pacelli đã cho dẹp bỏ bản tông thư đó” (Hitler’s Pope, tr.191). Bằng chứng như thế nào, Cornwell không nói thêm.

Cả Cornwell lẫn George Sim Johnston, trong bài Pius XI’s “Hidden Encyclical” on Anti-Semitism: An Appraisal, cho hay dự thảo trên được hoàn thành tại Paris và qua Thu năm 1938 được trình cho Vatican. Nếu điều này đúng, thì rất có thể đức Piô XI đã đọc dự thảo này và phản ứng của Ngài là một phản ứng đau buồn. Thực vậy, Cornwell kể lại câu chuyện chung quanh diễn trình soạn thảo này như sau: đức Piô XI tiếp John LaFarge tại biệt thự mùa hè Castel Gandolfo ngày 22 tháng 6 năm 1938, ngài nói với ông: “Con hãy nói điều con phải nói nếu con là giáo hoàng”. Với lời tâm huyết ấy, đương nhiên ngài hy vọng LaFarge tiếp nối tinh thần tông thư Mit brennender Sorge. Nhưng như ta sẽ thấy, dự thảo tông thư do LaFarge lãnh trách nhiệm soạn thảo đã không làm được như vậy. Và đó có thể là lý do khiến ngày 6 tháng 9, đức Piô XI vừa khóc vừa nhắc đến thân phận người Do-Thái tại Âu Châu. Cornwell tiếp tục câu chuyện như sau: “Một nhóm hành hương Bỉ tặng ngài cuốn sách lễ cổ. Mở đến lời cầu nguyện thứ hai sau khi nâng Mình Thánh lên trong Thánh Lễ, đức Giáo Hoàng đọc to đoạn trong đó Thiên Chúa được cầu xin chấp nhận lễ vật dâng hiến như đã nhận lễ vật của Abraham. Ngài nói: Mỗi lần Ta đọc những lời: của lễ của tổ phụ Abraham chúng con, Ta không khỏi xúc động sâu xa. Các con nhớ kỹ: chúng ta gọi Abraham là tổ phụ chúng ta, là tổ tiên chúng ta. Chủ nghĩa bài Do-Thái như thế không thể dung hợp với ý niệm cao vời này, với cái thực tại cao thượng mà lời cầu nguyện này diễn tả. Rồi vừa khóc, ngài vừa nhắc đến thân phận người Do-Thái tại Âu-Châu. Ngài nói: Kitô hữu không thể tham gia chủ nghĩa bài Do-Thái. Chúng ta nhìn nhận rằng mỗi người có quyền tự vệ và có quyền xử dụng những phương thế cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Nhưng chủ nghĩa bài Do-Thái không chấp nhận được. Về phương diện thiêng liêng, tất cả chúng ta đều là Do-Thái” (Hitler’s Pope, tr.190).

Trên đây là trích đoạn từ Hitler’s Pope, không phải từ đâu khác. Tháng 9 là gì nếu không là “qua Thu”, mà “qua Thu” thì dự thảo trên đã được đệ trình cho Vatican. Với Một Lo Lắng Nẫu Lòng (dịch thoáng Mit brenneder Sorge), hẳn đức Piô XI phải đòi đọc cho bằng được dự thảo chính ngài ra lệnh soạn thảo, để nếu được thì cho công bố ngay, vì ngày giờ của ngài kể như là gần lắm rồi. Nhưng không ngờ, dự thảo tông thư không đáp ứng nguyện vọng của Ngài. Thực thế, đọc nó người ta mới thấy tại sao nó đã không được công bố: bởi nó chỉ là một bước thụt lùi trong liên hệ giữa Giáo Hội và cộng đồng Do-Thái. Có một điều nghịch lý là nhà xuất bản Harcourt Brace, khi cho công bố tài liệu trên, có mục đích tố giác Vatican. Họ nhờ Gary Wills, một nhà văn chống Vatican hàng đầu, viết dẫn nhập. Nhưng ngay cả Gary Wills cũng không tránh khỏi kết luận là không nên cho công bố thông điệp này vào lúc đó. Dù ý định của họ có là gì đi nữa, hai người chủ biên là Georges Passelecq và Bernard Suchecky đã mang lại cho ta câu chuyện về hành động của Chúa Thánh Thần trong việc gìn giữ Giáo Hội khỏi mắc một lỗi lầm tai hại.

Thực thế, bản thảo Humani Generis Unitas (tên của tông thư) khởi đầu rất hay, đưa ra nhiều luận chứng vững chắc chống chủ nghĩa chủng tộc dựa trên tính ‘đơn nhất’ của loài người. Các soạn giả nói rất hay về phẩm giá của nhân vị và việc các nền triết học duy chủng tộc tân thời đã phá hoại cái phẩm giá ấy ra sao. Nhưng khi bàn đến chủ đề đặc thù về các mối liên hệ của Giáo Hội với Do-Thái Giáo (Judaism), các soạn giả không còn nhắc gì đến nhân phẩm nữa mà gần như coi người Do-Thái là một thứ pariah (đẳng cấp thấp nhất theo quan điểm Ấn Ðộ) về tôn giáo và xã hội. Bởi họ cho rằng việc người Do-Thái từ khước Ðức Kitô ‘là căn bản chính đáng cho việc phân biệt người Do-Thái ra khỏi toàn bộ nhân loại về phương diện xã hội’, và ‘tiếp xúc với người Do-Thái có thể dẫn tới những nguy hiểm thiêng liêng cho linh hồn’. Tóm lại, các soạn giả rất đúng trong nỗ lực kết án chủ nghĩa bài Do-Thái về chủng tộc, nhưng họ sai lầm khi ủng hộ chủ nghĩa bài Do-Thái về tôn giáo. Họ vẫn còn duy trì ý niệm lỗi thời cho rằng người Do-Thái bị chúc dữ lịch sử đổ lên họ, một chúc dữ khiến họ trở thành kẻ bị ruồng bỏ của nhân loại. Cái ý niệm này vẫn chưa ra khỏi đầu óc lớn như LaFarge, một phần vì người Công giáo lúc ấy vẫn còn sợ người Do-Thái “chuyên chở” mầm độc tân thời. Phải chăng cái dai dẳng thành kiến này khiến đức Piô XI đau buồn chăng và chính ngài quyết định không cho công bố dự thảo tông thư. Thành ra, việc không cho công bố tài liệu ấy là một may mắn, chứ không phải bất hạnh như Cornwell chủ trương.

Lạ một điều chính Cornwell cũng phải nhận đây là một bản văn thiếu sót. Nó “chứa đầy tính chất bài Do-Thái cổ truyền của Công giáo. Tông thư cho rằng người Do-Thái phải chịu trách nhiệm về chính số phận họ. Thiên Chúa đã chọn họ để dọn đường cho công cuộc cứu chuộc của đức Kitô nhưng họ đã khước từ và hạ sát Người. Thì nay, mù quáng vì giấc mộng chiếm hữu trần gian và thành công vật chất, họ đáng bị nạn huỷ diệt trần đời và thiêng liêng mà họ đã tự chuốc lấy cho chính họ. Trong một phần khác, bản văn nhắc đến những nguy hiểm thiêng liêng do việc tiếp xúc với người Do-Thái gây ra, bao lâu việc thiếu lòng tin và lòng thù nghịch đối với Kitô giáo của họ còn tiếp tục. Do đó, theo dự thảo, Giáo Hội Công Giáo buộc phải cảnh cáo và giúp đỡ những ai bị đe dọa bởi các phong trào cách mạng mà những người Do-Thái bất hạnh và bị hướng dẫn sai lạc kia tham gia với quan điểm lật đổ trật tự xã hội” (Hitler’s Pope, tr.191).

Cornwell cũng trích nhiều đoạn khác để chỉ trích dự thảo tông thư này, như đoạn nói Giáo hội không nên tham dự vào các sinh hoạt thuần túy chính trị. Bản văn chỉ ra cái nguy hiểm của việc “Giáo hội có thể tự hại mình trong việc bênh vực các nguyên tắc Kitô giáo và nhân đạo bằng cách tự để mình bị kéo vào những nền chính trị hoàn toàn của trần đời”. Theo Cornwell, cái ý niệm nhiêu khê diễn tả trong mấy giòng trên đã được triển khai thêm ở phần cuối bản văn như sau: “Giáo hội chỉ quan tâm đến việc giữ gìn gia tài chân lý của mình… Những vấn đề hoàn toàn thế tục, trong đó dân tộc Do-Thái có thể thấy mình đang can dự vào, không phải là các quan tâm của Giáo Hội”.

Dù thế, Cornwell vẫn đặt câu hỏi: “Tại sao tông thư đã không được hoàn tất đúng thì giờ và trao cho Ðức Giáo Hoàng?”. Ông tự trả lời như sau: “Chúng ta không biết. Vì tất cả những thiếu sót trong tư cách một bản kết án toàn bộ chủ nghĩa bài Do-Thái, dường như các linh mục Dòng Tên và có lẽ cả Pacelli nữa, người có ảnh hưởng chủ yếu suốt thời bệnh hoạn của đức Piô XI, đã không muốn đổ dầu thêm cho Quốc Xã qua việc công bố tài liệu này” (Hitler’s Pope, tr.192). Nếu thế thì đây là một cái công chứ đâu phải là một cái tội! Thật đúng như linh mục Pierre Blet từng nói với các phóng viên Ý: Cornwell có những cái nhìn hết sức lộn xộn về lịch sử.

Chú Thích

1) Về tờ New York Times, ta thấy Kenneth L. Woodward, trên tờ Newsweek số 30 tháng 3 năm 1998, trích lại hai bài xã luận. Một của ngày 25 tháng 12 năm 1941: “Tiếng nói của đức Piô XII là một tiếng nói đơn độc trong cái thinh lặng và tối tăm bao phủ Âu Châu mùa Giáng Sinh này… Ngài có lẽ là nhà cai trị duy nhất còn lại của Lục Ðịa Âu Châu dám dóng tiếng lên phản đối”. Hai của ngày 18 tháng 3 năm 1998, một vài ngày sau khi Vatican công bố tài liệu We Remember: “Người ta cần một khảo sát đầy đủ về các hành xử của Giáo Hoàng Piô… Giờ đây trách nhiệm trên vai Gioan Phaolô và các vị kế nhiệm là phải đưa ra những bước kế tiếp để hoàn toàn nhìn nhận sự thất bại của Vatican không dám chân phương chống lại tội ác từng tác quái khắp Âu Châu”.

Quả thế, trước đây, nghĩa là trong chính Thế Chiến II và cả thời gian sau này, New York Times luôn ca ngợi nghĩa cử của đức Piô XII đối với người Do-Thái. Ðến nỗi Ðức Ông Stephen DiGiovanni, một sử gia Giáo Hội và chánh xứ một họ đạo thuộc giáo phận Bridgeport, CT, đã thu thập và in ra một cuốn tài liệu trích đăng lại các bài tường thuật của New York Times, tựa là Pius XII and the Jews as Reported by the New York Times.

2) Tờ New York Times, số Chúa Nhật 17 tháng 10 năm 1999, trên trang nhất, có báo động độc giả về việc bắt giam 13 người Iran gốc Do-Thái bị kết tội làm gián điệp cho Israel. Cái viễn tượng những phiên tòa trình diễn nhằm khích động các cảm quan chống Do-Thái của đa số quần chúng Hồi Giáo tại Iran sẽ gây họa lớn cho cộng đồng Do-Thái tuy nhỏ bé nhưng rất đáng kính tại đây. Tờ báo này phúc trình rằng: “Các nhóm nhân quyền bên ngoài Iran cho hay các lời kết tội đã được thổi phồng vì lý do chính trị. Còn tại Iran, các phát ngôn viên của các tổ chức Do-Thái phần lớn tránh không muốn thảo luận đến trường hợp này, họ nói rằng các phản kháng của người Do-Thái, ở đây cũng như ở ngoại quốc, chỉ tổ làm vấn đề ra xấu hơn”. Bề ngoài mà xét, thật khó mà chọn lựa thái độ. Nếu những người Iran gốc Do-Thái kia bị kết án về các tội danh thổi phồng và bị toà án “cách mạng” của Iran xử treo cổ, những người lên tiếng phản kháng việc bắt giữ họ có thể bị mang tội đã làm cho số phận họ ra tệ hơn lắm ạ. Mặt khác, nếu những thương thảo im lặng của cộng đồng Do-Thái tại Iran cứu được mạng của 13 người kia, thì sự khôn ngoan trong việc thể hiện thận trọng và theo đuổi đường lối ngoại giao trước một kẻ tử thù hẳn sẽ được khen ngợi. Tuy nhiên nếu hành động ngoại giao ấy thất bại, những người chủ xướng nó hẳn sẽ bị kết tội đồng loã hoặc tệ hơn nữa phạm tội chống quốc gia (Commonweal, Nov 5, 1999)

3) Ý tưởng cho rằng Vatican, hay người công giáo Ðức không chịu ảnh hưởng tai hại của Vatican, có thể ngăn cản được Hitler, sau khi hắn được bổ nhiệm làm thủ tướng năm 1933, là một cách đọc lịch sử vừa theo lối tiểu thuyết vừa sai lạc.Hãy nghe lời ghi của Joseph Goebbels trong nhật ký của hắn: “Một khi chúng tôi đã nắm được quyền, chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ nó. Họ sẽ phải kéo xác chết của chúng tôi ra khỏi các phủ bộ”. Ðã đành không một định chế quan trọng nào tại Ðức, kể cả Giáo Hội Công Giáo, thoát được trách nhiệm về sự xụp đổ của Cộng Hòa Weimar. Nhưng nếu đặt trách nhiệm cuối cùng của việc Hitler nắm quyền lên đôi vai khổ hạnh của đức Piô XII thì quả là một cách đọc các biến cố một cách quá đơn giản đến thành vô lý. Như chính nhà kiểm sách, John Morley, đã nhận xét, Cornwell vừa khuếch đại uy quyền và ảnh hưởng của đức Piô XII (cả dám tố cáo ngài đã góp tay khởi đầu Thế Chiến I) vừa không chịu ngữ cảnh hóa theo lịch sử các chọn lựa Pacelli phải đối đầu trong tư cách Quốc Vụ Khanh và sau đó trong tư cách Giáo Hoàng. Những sai lầm tê dại này, tuy thế, vẫn không ngăn cản được James Carroll khỏi công bố một điểm sách không phê phán về cuốn Giáo Hoàng Hitler trên Atlantic Monthly (October 1999) và cũng không ngăn cản được người điểm sách của New York Times (26/9/1999) nuốt trửng luôn từ lưỡi câu, cần câu đến phao câu cuốn niên biểu đầy những điểm gây tranh luận của Cornwell. Một lần nữa, cái khôn ngoan ước lệ xem ra rất khoái coi đạo công giáo và chủ nghĩa phát xít đồng nghĩa với nhau. Cái bản năng lại giống (atavistic instinct) này liều mình chỉnh bệnh sai các căn bệnh hiện nay của Công Giáo trong khi tầm thường hóa cả bản chất căn để của chủ nghĩa Quốc Xã lẫn những khủng khiếp đáng tởm của Nạn Diệt Chủng. (Commonweal, Nov 5, 1999)

4) Không riêng gì đức Piô XII, cả các vị tiền nhiệm của ngài cũng không thoát khỏi ngọn bút bất kính của Cornwell. Hãy nghe ông nói về đám tang của đức Piô IX: “Khi đoàn xe tang tới gần sông Tiber, một bọn phản giáo sĩ người Roma đe dọa liệng quan tài của ngài xuống sông. Chỉ nhờ có một toán dân quân xuất hiện, xác của Piô Thứ Chín mới thoát cơn xỉ nhục cuối cùng” (tr.15). Và về đám tang của đức Lêô XIII: “Xác ngài chỉ được tẩm liệm vào ngày hôm sau, và vì nóng bức, nghi thức hôn chân trần vị giáo hoàng quá cố đã được bỏ qua trong dịp này. Sau nghi thức an táng theo tập tục, nhân viên chôn cất buộc phải dùng chân đá vào quan tài mới xô được xác ngài vào vị trí. Biến cố này lọt vào mắt Giuseppe Sarto, Thượng phụ Venise, khiến ngài khiếp đảm nhận xét như sau với một đồng nghiệp: ‘Xem kìa. Các Giáo Hoàng kết liễu như thế kià!” (tr.34)

5) Các văn khố sau khi triều đại của Ðức Piô XI bắt đầu hiện vẫn còn niêm phong. Thông báo mới nhất của Văn Khố cho hay theo quyết định của Ðức Thánh Cha, các văn khố ngoại giao thuộc Toà Khâm Sứ tại Munich và Berlin cũng như thuộc Phân Bộ Thứ Hai của Phủ Quốc Vụ Khanh - trước đây gọi là Giáo Vụ Ðặc Biệt, {Extraordinary Ecclesiatical Business}, sẽ chỉ được mở cho các học giả từ tháng 2 năm 2003

6) Không chỗ nào cho thấy Cornwell dựa vào các công trình bác học lớn về đức Piô XII do các nhà nghiên cứu quan trọng thuộc cả hai phía Do-Thái và Kitô giáo biên soạn như Micahel Marrus, John Morley, John Conway và Owen Chadwick. Một số tác phẩm của họ tuy có được liệt kê trong thư mục của Cornwell nhưng xem ra ông không xử dụng chút nào. Ông còn không thừa nhận công trình lớn lao của Marrus trong lãnh vực này. Ông cũng không xử lý một cách tổng hợp và đầy đủ các tài liệu văn khố đã được Vatican công bố (John T. Pawlikowski, Christian Century, Feb 23, 2000).

7) Cornwell, trong lời bạt, viết như sau về Scholder: “Món nợ lớn nhất của tôi và cũng là lời tán dương (homage) của tôi xin dành cho công trình bác học bậc thầy của cố văn hào Klaus Scholder với công trình của ông về Tông Hiệp Liên Bang của Pacelli với Hitler và các hậu quả của nó đối với giáo hội Công giáo tại Ðức đã đưa lại một tiêu điểm mới trên sự thất bại của Công Giáo chống lại việc lên cầm quyền cuả Hitler và bọn Quốc Xã” (tr. 373).

8) Ở chương cuối cùng của Sách, Cornwell có nhắc đến phúc trình này như một bằng chứng cho thấy bộ tài liệu ADSS của Tòa Thánh không đầy đủ và do đó Tòa Thánh vẫn chưa nói hết về đức Piô XII và trách nhiệm của ngài đối với Holocaust. Trong hồi ký Ne Jamais Desespérer (đừng bao giờ thất vọng) xuất bản tại Paris năm 1998, Riegner có cho hay: “phúc trình của chúng tôi tiết lộ hoàn cảnh bi thảm của người Do-Thái tại một số các quốc gia Công Giáo, hoặc tại một số quốc gia có đông người Công Giáo, như Pháp, Romania, Poland, Slovakia, Croatia…. Các hoàn cảnh ấy được trình bầy chi tiết theo từng quốc gia. Chúng tôi đã có thể miêu tả các biện pháp Quốc Xã xử dụng để tiêu diệt toàn bộ dân tộc Do-Thái”. Bộ ADSS cho thấy Quốc Vụ Viện Tòa Thánh có nhận được phúc trình trên của Riegner và đồng nghiệp của ông là Richard Lichtheim, và tài liệu đó vẫn còn thuộc sở hữu của Toà Thánh, vì trong cuốn thứ 8, trong phần phụ chú (footnote) có nhắc đầy đủ đến nội dung văn kiện này về những biện pháp bài Do-Thái. Nhưng chính phúc trình thì không được in trọn trong bộ tài liệu này.

9) Ðiều óai oăm, là chính thái độ của Riegner. Robert A. Graham S.J, một trong bốn thành viên trong ban ấn hành bộ tài liệu thời chiến của Vatican, khi nhận định về chiến dịch công kích đức Piô XII, cho biết Hội Ðồng Các Giáo Hội Thế Giới, dưới sự lãnh đạo của Tổng thư ký Visser’t Hooft, đã quyết định không công khai lên án Quốc Xã, nhưng âm thầm triển khai các kế hoạch giúp người Do-Thái của mình. Hội Hồng thập tự Quốc tế có trụ sở tại Geneva cũng thế: Nhiều thành viên muốn có lời kết án công khai trước các tàn ác dã man của Quốc Xã, nhưng Hội đã đi đến kết luận rằng một phản đối công khai a) sẽ không đem lại hiệu quả nào, và b) nó còn phương hại đến các điều lợi mà Hội đang thực hiện cho các người bị giam giữ. Không ai ngày nay đi tra vấn sự hợp lý của các quyết định trên. Nhưng lại chĩa mũi dùi công kích vào đức Piô XII là người có cùng một quyết định. Trong phản ứng riêng của mình đối với quyết định tiêu cực (không công khai phản đối) của Hồng Thập Tự, chính đại diện tại Geneva của Tổng Hội Do-Thái Thế Giới (World Jewich Congress), Gerhart Riegner, đã chấp nhận tính cách hợp lý thích đáng của nó. Nếu có điều cần làm để cứu các người Do-Thái đang bị đe dọa, thì điều đó cần được theo dõi, thay vì phản đối: ‘Tôi tin rằng – ông ta (Carl Burckhardt) nói với Ðại diện Ủy Ban - phản đối chỉ cần trong trường hợp thực sự không còn gì khác phải làm trong lúc ấy. Nhưng nếu ai đó vẫn còn có thể có một chút ảnh hưởng nào đó và họ muốn tự chế không muốn phản đối, thì điều cần là phải hành động chứ không phải tự mãn với việc thụ động ghi chép những tin tức về người bị đầy ải’. Quan điểm của Riegner, chuộng hành động hơn lời nói, quả trái ngược với ám ảnh trổi vượt hiện nay muốn có những phản kháng công khai, như thể những phản kháng ấy là những mục đích tự tại không bằng.”(How to Manufacture a Legend: The Controversy over the Alleged Silence of Pope XII in World War II). Ấy thế mà nay, Riegner đang góp phần vào chiến dịch công kích đức Piô XII một cách khá mạnh mẽ (xem thêm nhận định của ông nhân dịp công bố tài liệu We Remember của Tòa Thánh).