Gia Tô Bí Lục tân thời(tiếp theo)

3. CÁC CÁO BUỘC CỦA CORNWELL

Trở lại với Giáo Hoàng Hitler, ta thấy Cornwell đã đi khá sâu vào chi tiết trong việc kết án ngài là giáo hoàng của Hitler, không phải vì nhát gan thỏa hiệp hay những tính toán phàm trần trục lợi, mà do bẩm tính độc đoán và bài Do-Thái. Hai cái bẩm tính ấy đã dẫn ngài đi hết sai lầm này đến sai lầm khác mà sai lầm quan trọng nhất là đã tạo cơ hội để Hitler lên cầm quyền không người chống đối qua tông hiệp ký với hắn, và khi hắn lên cầm quyền rồi thì việc tàn sát người Do-Thái đã không được ngài lên tiếng chỉ trích công khai, mặc cho hắn sát hại 6 triệu người Do-Thái.

Tông hiệp (concordat)

Trước nhất về các tông hiệp, Cornwell trình bày các tông hiệp của đức Piô XI và Piô XII dưới một cái nhìn hoàn toàn sai lạc. Ông ta nói đi nói lại rằng chúng được đưa ra để củng cố việc tập quyền trong Giáo Hội Công Giáo bằng cách tăng cường vị thế của giáo hoàng, bất kể đến hàng giáo phẩm địa phương. Thực ra, mục đích đệ nhất đẳng của các tông hiệp luôn luôn là để giữ an toàn và bảo vệ quyền tự do thờ phượng của các tín hữu (đặc biệt trong các xứ nơi người Công giáo là thiểu số và đang bị tấn công) cũng như các yếu tố chính yếu của đời sống Công giáo, như tính cách thánh thiêng của hôn nhân, giáo dục công giáo cho trẻ em, và tự do phát triển các hiệp hội Công giáo. Nếu có những điều khỏan qui định về việc bổ nhiệm các giám mục, thì tông hiệp cũng chỉ tuân hành các nguyên tắc chỉ đạo mà Công Ðồng Vatican I đã đúc kết và Bộ Giáo Luật 1917 đã phản ảnh mà thôi, không phải là đường lối riêng của Ðức Piô XI hoặc của các phụ tá của ngài như Pacelli.

Về Tông hiệp ký với Serbia và tác dụng của nó với Thế Chiến I, Cornwell cho rằng theo hiệp ước này, Serbia trao cho Vatican quyền kiểm soát tôn giáo trong các khu vực mới thuộc vùng Balkan mà nước này đã dành được trong các cuộc chiến tranh tại đó, ngược với ước muốn của Áo-Hung muốn có quyền kiểm sóat ngoại giao đối với các quyền lợi công giáo bên trong Serbia. Ðiều này khiến người có tinh thần quốc gia Áo rất tức giận và đã “góp phần vào những căng thẳng dẫn chính phủ Áo tới chỗ phỗng tay trên” vào mùa hè 1914. Ở đây cần làm sáng tỏ hai điểm. Trước nhất, nếu Tông hiệp thoả mãn các đòi hỏi của Áo về quyền ngoại giao (extraterritorial powres) tại Serbia, thì điều ấy có hẳn sẽ không làm người có tinh thần quốc gia Áo khỏi nổi giận hay không? Và điều chắc chắn là một cơ cấu trung lập, như Vatican, để bảo vệ các quyền lợi công giáo tại Serbia hẳn phải là một giải pháp tiến bộ, có tính quốc tế cho cái thế lưỡng nan ấy. Thứ hai, các nguyên nhân làm bùng nổ Thế Chiến I thì có nhiều, bắt rễ từ nguồn hệ thống liên minh đã có từ 30 năm trước. Nó là một tranh chấp vùng leo thang thành một thảm họa thế giới vì tham vọng và nhận định sai lầm của tất cả các quốc gia Âu Châu. Thành thử hết sức hoài nghi nếu cho rằng Tông Hiệp ký với Serbia đóng một vai trò quan trọng gây ra Thế Chiến ấy. Như nước Anh chẳng hạn, không biết các lãnh tụ của họ có biết gì đến Tông Hiệp ấy hay không nữa. Mặt khác, như linh mục Gumpel nhận định, khi ký tông hiệp này, Pacelli lúc ấy chỉ giữ một chức vụ phụ thuộc. Mỗi giai đoạn thương thảo nhất nhất đều được cấp trên của ngài là hồng y Quốc Vụ khanh và chính đức Bênêđíctô giám sát.

Còn về tông hiệp ký với Hitler, ta biết Pacelli, trong tư cách Sứ Thần tại Ðức và sau này là Quốc Vụ Khanh, rất quan tâm kết thúc một tông hiệp với Ðức. Ngài đảm nhận việc này khi Ðức còn có một chính phủ dân chủ. Khi Hitler lên cầm quyền vào ngày 30 tháng Giêng năm 1933, Ngài không ủng hộ việc ký kết một thỏa ước như thế ngay với Hitler. Trước thái độ ấy, Hitler đưa ra nhiều tuyên bố trấn an cho rằng mình đoan hứa sẽ bảo vệ hai ngành Kitô giáo chính tại Ðức là các giáo hội Thệ Phản và Công giáo, nhưng Pacelli và nhiều vị khác không tin tưởng các tuyên bố ấy và muốn chờ xem liệu Hitler có ra lệnh chấm dứt những vụ bách hại người Công giáo đang xẩy ra ở nhiều nơi hay không.

Trong một chuyển hướng bất ngờ, Hitler tự ý đề nghị một tông hiệp hết sức có lợi cho Giáo Hội Công Giáo. Thử hỏi đức Piô XI và Quốc Vụ Khanh Pacelli của ngài có nên từ khước đề nghị ấy hay không? Nếu Giáo Hội từ khước, Hitler chỉ cần công bố các nhượng bộ của hắn và tuyên bố: “tôi đã chìa bàn tay hòa bình ra, nhưng người ta từ chối nó phũ phàng. Vậy thì nếu họ không muốn hòa bình, họ sẽ có chiến tranh”. Các cuộc thương thảo ngắn ngủi sau đó gặp nhiều khó khăn cho cả hai phía. Cuối cùng, Hitler, vì muốn các cuộc thương thảo này kết thúc sớm, nên đã đưa ra nhiều nhượng bộ đáng kể; bởi vì dù sao thì hắn cũng có tôn trọng tông hiệp đâu!

Cornwell cũng lầm lẫn khi chủ trương rằng trong tông hiệp có điều khỏan buộc người Công giáo phải từ bỏ các hoạt động chính trị và xã hội. Thực ra trong tông hiệp không có điều khoản nào như thế, cũng không có cả những thoả hiệp ngầm thuộc loại như vậy. Ðiều 32 của tông hiệp chỉ nói rằng các giáo sĩ và các tu sĩ không được làm thành viên các đảng chính trị hoặc tham gia các đảng chính trị. Không có điều nào qui định như thế đối với giáo dân Công giáo. Cũng nên thêm một điều: ở phần Nghị Ðịnh Bổ Túc, điều 32 này nói như sau: (hai bên) hiểu rằng những qui định tương tự liên quan đến sinh hoạt trong các đảng phái chính trị sẽ được Chính Phủ Liên Bang đưa ra cho các thành viên các giáo hội không phải là Công Giáo. Việc hạn chế đã trở thành bắt buộc đối với hàng giáo sĩ và tu sĩ dòng tu tại Ðức chiếu theo điều 32 này sẽ không bao hàm bất cứ sự hạn chế nào trong lời giảng dạy và giải thích công khai và có tính qui luật (prescribed) các giáo huấn và nguyên tắc tín lý và luân lý của Giáo hội. Ðiều 31 bảo đảm sự tự do đầy đủ cho các hiệp hội Công giáo về tôn giáo, văn hoá và xã hội, cả các nghiệp đoàn nữa. Cornwell còn cho rằng Ðảng Trung Tâm, do áp lực của Pacelli, đã tự động giải tán. Ngoài nhiều nguồn tài liệu đáng tin khác, ta thấy bài báo của Giáo sư Robert Leiber, một cộng sự viên gần gũi nhất của Pacelli trong nhiều thập niên, đã chứng minh rằng Pacelli không bao giờ gây bất cứ ảnh hưởng nào đối với Ðảng Trung Tâm, trái lại rất không vui khi thấy nó tự giải tán và giải tán trước khi tông hiệp được ký kết. Thực ra, người không thích các đảng chính trị Công Giáo là đức Piô XI, chứ không hẳn đức Piô XII. Vì đức Piô XI lo phát triển Công Giáo Tiến Hành (ai cũng biết ngài muốn được người ta gọi là Giáo Hoàng của Công Giáo Tiến Hành), chứ không phải các đảng chính trị. Cho nên với hiệp ước Latran, mà việc thương thảo không có sự tham dự của Pacelli vì lúc đó ngài đang phục vụ tại Ðức, Ðảng Popular Party của Công Giáo Ý đã phải tự giải tán. Có lẽ Cornwell suy diễn từ biến cố này qua biến cố Center Party của Ðức chăng?

Một câu hỏi khác là đức Piô XI và đức Piô XII có tin rằng Hitler sẽ giữ các cam kết của mình hay không. Người ta biết rằng, chỉ vài tuần sau khi ký kết tông hiệp, Tùy Viên toà đại sứ Anh bên cạnh Tòa Thánh, Yvonne Kirkpatrick, có thảo luận vấn đề này với Hồng Y Pacelli. Kirkpatrick hỏi sau khi lên cầm quyền, liệu Hitler có tỏ ra hòa dịu hơn không. Pacelli đáp lại rằng ngài không thấy có lý do gì biện minh cho một thứ lạc quan dễ dãi như thế. Ngài còn thêm: chắc chắn Hitler sẽ không tôn trọng tông hiệp, chỉ hy vọng ông ta không vi phạm tất cả mọi điều khỏan cùng một lúc. Theo Larry B. Stammer, Los Angeles Times, ngày 22 tháng 8 năm 2003, trong một phúc trình ngoại giao vừa được tìm thấy, gửi cho TT Roosevelt, một viên chức ngoại giao Mỹ cho hay: từ 1937, Hồng Y Pacelli đã từng miêu tả Hitler như “một tên vô lại không đáng tin” (an untrustworthy scoundrel) và là “một con người căn để độc ác”

Phản ứng đối với tông hiệp

Trái với lời tố cáo của Cornwell, các giám mục Ðức rất thuận hảo và được tham khảo đầy đủ về dự án tông hiệp. Thực thế, hội nghị toàn thể các giám mục Ðức được tổ chức cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm 1933, đã chuyên đề bàn về dự án này và sau đó lúc nào cũng được tham khảo. Việc này cũng được áp dụng đối với mọi tầng lớp lãnh đạo trong Giáo Hội Công Giáo Ðức. Tất cả đều hy vọng rằng ít ra Tông Hiệp cũng đem lại cho người Công Giáo Ðức một thời gian xả hơi và cho Giáo Hội Công Giáo nói chung một tài liệu hợp pháp, có giá trị trong lãnh vực luật quốc tế, để phản kháng các vi phạm sau này.

Trên L’Osservatore Romano, trên đài phát thanh Vatican và từ hàng giám mục Ðức, đã có nhiều tuyên bố cho thấy bản Tông Hiệp này không hề ngụ hàm một phê chuẩn nào đối với ý thức hệ Quốc Xã, một ý thức hệ không được Giáo Hội chấp nhận và sẽ không bao giờ được chấp nhận. Nhiều sự việc như thế đã nói ngược lại các khẳng định của Cornwell cho rằng đối với người Công Giáo Ðức, không những Giáo Hội nhìn nhận ý thức hệ Quốc Xã, mà còn ngăn cấm họ không được bảo vệ Ðức Tin Công Giáo chống lại các công kích của Quốc Xã.

Xem ra các hiệu quả đầu tiên của Tông Hiệp khá tích cực. Hitler ban hành một số sắc lệnh qua đó các vi phạm trước đây chống lại quyền lợi của người Công Giáo được hủy bỏ. Tuy nhiên không bao lâu sau, những vi phạm đầu tiên đã xẩy ra đối với Tông Hiệp. Mỗi lần như thế, Giáo Hội đều lên tiếng phản đối, nhưng hầu như không có kết quả, đôi lúc còn không được phúc đáp. Ai cũng biết Pacelli không hề có thiện cảm với Hitler. Linh Mục Gumpel nhận xét rằng tựa đề giật gân trên sách của Cornwell đã và đang bị chỉ trích bởi ngay những người ít khắc nghiệt nhất đối với chủ đề của ông. Ông không chủ trương rằng đức Piô XII là bạn thân của Hitler nhưng cho rằng Hitler sẽ không kiếm đâu ra một giáo hoàng sẵn sàng hòa hoãn với hắn và chế độ của hắn hơn thế.

Điện văn lúc lên ngôi

Trong ngữ cảnh ấy, Cornwell nhắc đến thông điệp đức Piô XII gửi Hitler ngay sau khi được bầu vào ngôi giáo hoàng. Ông ta không biết rằng thủ tục ngoại giao đòi một giáo hoàng vừa được bầu phải gửi một thông điệp riêng cho tất cả các người đứng đầu các nước có liên hệ ngoại giao với Vatican. Thông điệp gửi cho Hitler đã được thảo luận chi tiết với các hồng y Ðức đang tham dự mật nghị lúc ấy. Không một chữ nào trong thông điệp ấy cho thấy ngài nhìn nhận những điều Hitler chủ trương. Chính chính phủ Ðức hiểu rất rõ điều ấy và họ rất thất vọng khi Pacelli được bầu. Báo chí do Quốc Xã kiểm soát đã đưa ra những lời bình luận tiêu cực về đức Piô XII, cho thấy trong tư cách quốc vụ khanh, ngài đã chứng tỏ đầy đủ lòng thù ghét đối với đảng Quốc Xã và những gì nó đại diện. Trong lễ đăng quang của đức Piô XII, ngược với các chính phủ khác, Ðức chỉ cử đại sứ của mình bên cạnh Tòa Thánh tham dự. Báo chí quốc tế lúc ấy viết rằng điều này rõ ràng cho thấy mối liên hệ giữa Tòa Thánh và chính phủ Hitler đang ở một mức thấp nhất. Chính Cornwell cũng xác nhận trong lễ đăng quang này, Ðức là chính phủ duy nhất “không gửi một khuôn mặt quốc gia đáng kính nào đến, mà bằng lòng với sự hiện diện của đại sứ Diego von Bergen tại Vatican của mình” (tr.212).

Trong tông thư đầu tiên, Summi Pontificatus (1939), đức Piô XII lên án việc các nuớc lớn gây hấn chống các nước nhỏ, điều mà mọi người hiểu chỉ có ý ám chỉ sự xâm lấn của Nga đối với Phần Lan và của Ðức Quốc Xã đối với Ba-Lan. Bọn Quốc Xã ngăn cấm việc phổ biến tông thư này tại Ðức. Cornwell coi tông thư này loãng nhách (wishy-washy) và vô nghĩa. Nhưng nếu như thế, thì tại sao Ðồng Minh lại cho máy bay thả 88,000 bản tông thư này trên khắp nước Ðức? Ðầu tiên Cornwell không nhắc đến sự kiện này, mãi đến khi người ta đem chúng ra làm bằng chứng chống lại, ông ta mới hạ cấp các biến cố ấy, chỉ bởi vì chúng không ăn khớp với luận đề Giáo Hoàng Hitler của ông ta.

Mưu toan đảo chánh

Sau khi chiếm đóng Ba-Lan, một nhóm các tướng lãnh cao cấp của Ðức, từng chống đối Hitler, đã liên lạc với Ðức Piô XII, yêu cầu ngài chuyển đến chính phủ Anh một thông điệp để hỏi nếu họ thành công trong việc lật đổ Hitler thì chính phủ Anh có sẵn sáng ký với họ một hòa ước danh dự không. Dù việc chuyển giao một thông điệp như thế trong danh nghĩa quốc trưởng một nước trung lập không những là một việc bất thường mà còn rất nguy hiểm nữa, nhưng Ðức Piô XII, trong hai dịp riêng rẽ, đã chuyển giao thông điệp ấy qua trung gian bộ trưởng Anh cạnh Tòa Thánh là Francis D’Arcy Osborne. Cornwell chỉ nhắc sơ đến việc này mà không đánh giá các hàm ý của nó. Ông ta cũng lầm lẫn khi nói rằng từ phía Ðức, đề nghị này do Ðại tá Hans Oster, trong khi thực sự do đại tướng (4 sao) Ludwig Beck. Lúc còn là sứ thần tại Berlin, Pacelli đích thân biết Beck và từng khen ngợi sự trung thực và liêm khiết của vị tướng này. Rất tiếc kế hoạch không diễn tiến khả quan. Tuy nhiên nhờ dịp này và qua trung gian của người môi giới là tiến sĩ Josef Muller, một luật sư người Bavaria, đức Piô XII bắt đầu nhận được các phúc trình đều đặn và chi tiết về các hành vi tàn ác của Quốc Xã tại Ba-Lan. Với những dữ liệu ấy, ngài khởi thảo một lá thư bí mật gửi các giám mục Âu Châu tựa đề là Opere et Caritate như đã đề cập ở phần trên đây.

Opere et caritate

Cornwell giải thích hành động của đức Piô XII trong vụ này một cách hết sức tùy tiện. Ông cho rằng hành động ấy chứng tỏ ngài không hề nhát gan như nhiều người thuờng nghĩ, và chính vì vậy việc ngài không lên tiếng chống lại Hitler trong chính sách tàn sát người Do-Thái có một nguyên nhân sâu xa hơn nhiều và mang tính tích cực, tích cực thù ghét người Do-Thái. Và sự thù ghét này có từ lúc còn nhỏ và xuất hiện rõ nhất trong biến cố tại Munich. Nhưng sao thù ghét mà lại dùng hết cách để cứu sống gần một triệu người Do-Thái? Nhiều người cho rằng việc cứu sống này không hẳn do các chỉ thị trực tiếp của Ðức Giáo Hoàng. Nghĩ như thế là họ đã quên không đọc hồi ký của Ðại Ðạo trưởng Do-Thái tại Rome hồi ấy là tiến sĩ Zolli, ông nhắc đến bức thư đức Piô XII gửi các giám mục Ý ra lệnh phải tạm ngưng thi hành luật Nhà Kín để mở cửa đón tiếp các nạn nhân Do-Thái. Mới đây, William Doino, một chuyên viên người Ý, khám phá ra hai tài liệu quan trọng cho thấy đức Piô XII trực tiếp can dự vào việc giúp đỡ các nạn nhân Do-Thái rất sớm. Tài liệu thứ nhất là thư ký tháng 10 năm 1940 gửi Giuseppe Palatucci, giám mục Campagna miền Nam nước Ý, chỉ thị ông trao tiền “để giúp đỡ các người Do-Thái bị giam giữ”, được ngài gọi là những người “đang đau khổ vì các lý do chủng tộc”. Vị giám mục này vốn đã can dự vào việc trợ giúp người Do-Thái qua người cháu của mình là Giovanni Palatucci, cảnh sát trưởng tại Fiume, miền Ðông Bắc Ý. Palatucci từng phân phối giấy căn cước giả cho 5,000 người Croatian gốc Do-Thái, giúp họ trốn khỏi các trại giam địa phương đến nơi tương đối an toàn hơn là điạ phận phía Nam Ý của ông chú, một công việc đã đem lại cái chết cho anh tại Dachau sau này. Một tháng sau, lại một bức thư khác ngài gửi cho vị giám mục này có kèm ngân phiếu 10,000 lire để “trợ giúp các người Do-Thái đang bị giam tại địa phận của Ðức Cha”

Với Nga Sô Cộng Sản

Người ta biết tháng 6 năm 1941, Hitler thình lình xâm lăng Nga. Thấy tình trạng cực kỳ nguy hiểm cho quân đội Nga lúc ấy, Hoa Kỳ quyết định cung cấp viện trợ quân sự cho Nga dưới hình thức tiếp liệu. Quyết định này khiến nhiều người công giáo Hoa Kỳ phản đối. Trong thông điệp Divini Redemptoris (1937), Ðức Piô XI đã nghiêm khắc ngăn cấm người công giáo không được hợp tác với chế độ cộng sản vô thần Nga, là chế độ thù nghịch với Giáo Hội Công Giáo. Cho nên hợp tác trong kỹ nghệ chiến tranh bằng cách cung cấp viện trợ quân sự cho Stalin là điều họ nghĩ không nên làm. Ðức Piô XII đã đích thân can thiệp và chỉ thị cho sứ thần Tòa Thánh tại Washington, Tổng Giám mục Amleto Cicognani (sau này là hồng y quốc vụ khanh), liên lạc với các giám mục Hoa Kỳ và ra lệnh cho các ngài công bố những lời sau: “Thái độ của Tòa Thánh đối với học thuyết Cộng Sản trước sau vẫn như một. Tuy nhiên, Tòa Thánh không hề chống nhân dân Nga. Giờ đây, chính nhân dân Nga đang bị tấn công một cách bất công và đang đau khổ rất nhiều do hậu quả cuộc chiến bất chính này. Chính vì thế, người Công giáo không hề có bất cứ chống đối nào trong việc hợp tác với chính phủ Hiệp Chúng Quốc giúp đỡ nhân dân Nga trong tất cả các trợ giúp họ cần.”.Cornwell tuyệt đối im lặng đối với sự can thiệp hết sức quan trọng này của Ðức Piô XII. Nếu thực sự ngài là “Giáo Hoàng của Hitler” thì hiển nhiên ngài phải có chủ trương ngược hẳn lại hoặc ngay cả tuyên một thánh chiến chống Nga theo Stalin chứ!

Cứu 8000 người Do Thái tại Rome

Cornwell cũng không bao giờ tự hỏi tại sao kế hoạch truy nã 8,000 người Do-Thái tại Rome bỗng nhiên bị ngưng lại sau khi khoảng 1,000 người trong số ấy bị quân đội Hitler bắt giữ trong tháng 10 năm 1943. Ông ta đã trình bày sai lạc cuộc phỏng vấn xẩy ra ngay sau đó giữa quốc vụ khanh Maglione và đại sứ Ðức von Weizsacker, là người được mời vào Vatican theo yêu cầu khẩn cấp của Ðức Piô XII. Weizsacker sợ rằng một phản đối công khai của Vatican sẽ khiến Hitler nổi khùng, đã đưa ra một ấn tượng hơi quá nhẹ kí về thái độ của Tòa Thánh. Thái độ ấy đã được làm sáng tỏ tại tòa án Nuremberg, một tòa án mà Cornwell hoàn toàn làm ngơ (xem trên).

Theo lệnh của Ðức Piô XII, Thiếu tướng Rainer Stahel, tư lệnh quân sự Ðức tại Rome và là một sĩ quan Áo thuộc trường phái cũ, đã được tiếp xúc. Vị tướng nhân đạo này đã gửi một điện tín trực tiếp cho Heinrich Himmler, thủ lãnh Gestapo, cho rằng chiến dịch bạo hành chống người Do-Thái tại Ý làm cản trở kế hoạch quân sự của ông trong việc tăng cường các sư đoàn Ðức hiện đang còn chiến đấu cách xa Rome và rất có thể tạo ra các vấn đề nghiêm trọng ngay tại Rome nữa. Ðiều ấy có thật nhưng không kém phần quan trọng là nỗi bất bình của ông về các hành động tàn ác của Gestapo và lòng cảm thương của ông đối với người Do-Thái.

Việc can thiệp của vị tướng này thành công – Himmler lập tức ngưng không trục xuất nữa. Hàng ngàn người Do-Thái, do lệnh của Ðức Piô XII, nhờ thế đã được dấu kín tại Vatican và trong hơn 150 cơ sở tại Rome. Dĩ nhiên Cornwell hoàn toàn bỏ qua những sự việc ấy hoặc làm giảm tầm quan trọng của chúng.

Giải pháp chung cụộc

Liệu Ðức Piô XII có biết rõ mức độ tàn sát người Do-Thái hay không? Ngài có nhận được một vài tin tức đáng ngại về việc trục xuất người Do-Thái và các tội ác phạm đến họ. Trong số đó, có phúc trình của Gerhard Riegner. Trong hồi ký Ðừng Bao Giờ Thất Vọng (Ne Jamais Desespérer), ông này cho rằng bộ tài liệu ADSS của Toà Thánh đã bỏ không đăng một văn kiện chủ yếu chính ông trao cho sứ thần Toà Thánh, Filipe Bernadini, tại Berne nhờ chuyển giao về Vatican ngày 18 Tháng Ba năm 1942. Riegner viết rằng: “văn kiện này tiết lộ hoàn cảnh bi đát của người Do-Thái tại một số các quốc gia Công Giáo, hoặc tại một số quốc gia có đông người Công Giáo, như Pháp, Romania, Poland, Slovakia, Croatia…. Các hoàn cảnh ấy được trình bầy chi tiết theo từng quốc gia. Chúng tôi đã có thể miêu tả các biện pháp Quốc Xã xử dụng để tiêu diệt toàn bộ dân tôc Do-Thái”. Hàm ý của cả Riegner lẫn Cornwell trong vụ này là đức Piô XII biết rất rõ nội dung của “Giải Pháp Chung Cuộc”. Thực ra vấn đề không hẳn như thế. Vì đã từ lâu, không thể nào kiểm chứng được sự thật khách quan của rất nhiều tin tức hoặc tuyên bố. Chắc chắn đến tận cuối Thế Chiến II, ngài mới biết rõ những tội ác rùng rợn nhằm vào hàng triệu người Do-Thái. Thực thế, thời chiến, tin đồn rất nhiều và đôi khi những tin đồn ấy hoặc thiếu nền tảng hoặc ít nhất cũng phần lớn phóng đại. Một thí dụ điển hình là trường hợp trong đó, Lord Selborne, bộ trưởng kinh tế chiến tranh và quản trị viên các chiến dịch đặc biệt, đã nói với một kháng chiến quân Ba-Lan năm 1943 như sau: “Trong Thế Chiến I, tin đồn loan truyền khắp Âu Châu cho rằng lính Ðức khoái trá giữ chân các trẻ nhỏ và đùa dỡn đập đầu các trẻ nhỏ này. Dĩ nhiên chúng tôi biết những tin đồn ấy không đúng sự thật, nhưng chúng tôi đâu có làm gì để nói ngược lại. Những tin đồn ấy quá tốt đối với tinh thần dân chúng chúng tôi”. Như trên đã trình bày, chính các nhà lãnh đạo cộng đồng Do-Thái tại Ðức cũng không lượng giá được các tin đồn ấy, nên số lớn đồng đạo của họ sau khi trốn thoát khỏi Ðức, đã quay trở lại để rồi bị chết thảm.

Giảm cấp hay không giảm cấp nạn Diệt Chủng

Cornwell cho rằng đức Piô XII im hơi lặng tiếng trước hoạ Diệt Chủng Do Thái. Tuy nhiên, ngài liên tiếp lên tiếng kết án những kẻ bất công bách hại và giết người chỉ nguyên vì lý do họ thuộc về một quốc gia hay một tộc người nào đó. Tộc người nào được đức Piô XII nói đến đây nếu không phải là Do-Thái? Ðiều ấy được cả thế giới tự do lúc ấy hiểu nên đã có rất nhiều bài báo ca ngợi đức giáo hoàng vì những gì ngài nói cho người Do-Thái cũng như những gì ngài nói về bọn Quốc Xã. Bọn chúng điên cuồng công kích nội dung ngài nói trong diễn văn Giáng Sinh năm 1942. Chúng phát biểu có ghi chép như sau: ‘Ở đây, ông ta (đức giáo hoàng) kết án mọi điều chúng ta chủ trương và ông ta đã biến mình thành cái loa tuyên truyền cho bọn Do-Thái con buôn chiến tranh’. Sở dĩ trong bài diễn văn này, đức Piô XII nói về “hàng trăm ngàn” nạn nhân, là vì lúc ấy không có chứng cớ gì là con số nạn nhân sẽ lên đến, hay sắp sửa lên đến, hàng triệu người. Cornwell kết tội ngài giảm cấp nạn Diệt Chủng. Ông ta đâu có xét đến điều người ta biết lúc ấy.

Ðức giáo hoàng không nhắc đích danh người Do-Thái vì những lý do rất đúng. Sau khi công bố tông thư Mit brennender Sorge, trong đó chủ nghĩa chủng tộc một lần nữa bị kết án (nó đã từng bị Thánh Bộ Tín lý ra nghị định kết án năm 1928: “Giáo Hội lên án gắt gao điều ngày nay được mệnh danh là chủ nghĩa bài Do-Thái”), việc bách hại người Do-Thái không những không bị ngưng mà còn gia tăng. Khi các giám mục Hòa Lan công khai phản đối vào tháng 7 năm 1942 việc trục xuất các công dân Do-Thái của họ, thì việc trục xuất ấy được tăng nhịp độ và nới rộng đến những người Do-Thái đã trở lại đạo Công Giáo. Khi giám mục Munster, Clemens August von Galen, muốn lên tiếng chống lại việc bách hại người Do-Thái tại Ðức, các trưởng lão Do-Thái trong địa phận ngài khẩn khoản xin ngài đừng làm như thế bởi điều ấy chỉ tổ gây hại cho họ. Một số hội đồng giám mục, mà trước hết là hội đồng giám mục Ba-Lan khẩn trương yêu cầu đức Piô XII đừng công khai kết án việc bách hại người Ba-Lan và người Do-Thái vì điều ấy không cứu được mạng ai mà còn gia tăng việc bách hại.

Những hoàn cảnh ấy cần phải được lưu ý khi phê phán trung thực tác phong của đức Piô XII. Ngài có cùng một chủ trương như Hồng Thập Tự Quốc Tế: to tiếng phản đối chẳng thực hiện được gì và chỉ gây hại. Hội Ðồng Ðại Kết các Giáo Hội vừa được khai sinh lúc ấy, đặt trụ sở tại Thụy Sĩ, cũng đạt tới một kết luận như thế. Phương thế duy nhất cứu được người Do-Thái, vì vậy, phải là bí mật nhưng có hiệu quả cho họ nơi nương náu, cung cấp thực phẩm và quần áo, và di chuyển họ tới các nước trung lập. Ðức Piô XII đã làm việc ấy một các không chính phủ nào hay tổ chức nào có thể sánh được, như chính nhiều giới chức và cá nhân Do-Thái đã chứng thực.

(còn tiếp)