Vatican (AsiaNews) - Hôm 12/03/2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp kiến đoàn đại biểu Giáo Trưởng Đoàn Do Thái giáo và Ủy ban Giáo hoàng về liên lạc tôn giáo với người Do Thái. Trong diễn từ của mình, ngài cho hay rằng đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo và Do Thái Giáo là "cần thiết và khả thi", Đức Thánh Cha hy vọng rằng cuộc hành hương của ngài đến Thánh Địa dự trù diễn ra vào tháng Năm tới có thể góp phần vào công việc này "để các tín hữu Do Thái giáo, Kitô giáo cũng như Hồi giáo có thể sống trong hòa bình và hòa hợp nơi Thánh Địa này". Trong suốt chuyến đi này, "mục đích của tôi là cầu nguyện đặc biệt cho quà tặng quý báu của hiệp nhất và hòa bình cả trong khu vực và gia đình nhân loại trên toàn thế giới".

Sau việc "đình hoãn" trong quan hệ ngoại giao với Giáo Hội Công Giáo tiếp sau những sự kiện liên quan đến việc Giám Mục Williamson từ chối Nạn Diệt Chủng, vốn trì hoãn hai tuần lễ phiên họp thông thường với Ủy ban Giáo hoàng về liên lạc tôn giáo với người Do Thái, trong diễn từ dành cho các giáo sĩ Do Thái giáo, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn và mong muốn được nhắc lại "dấn thân của cá nhân của tôi để thúc đẩy viễn tượng được đặt ra cho các thế hệ tiếp theo diễn tả trong Tuyên Ngôn Nostra Aetate (Thời Ðại Chúng Ta – hay Tuyên ngôn về Quan hệ của Giáo hội với các Tôn giáo Ngoài Kitô giáo) của Công Đồng Vatican II". Cũng trong ngày 12/03, Đức Thánh Cha Bêneđictô XVI bày tỏ lòng biết ơn đến người Do Thái trong một bức thư gửi cho các giám mục trên toàn thế giới, trong thư ngài chỉ ra rằng "những người bạn Do Thái của chúng ta" có hiểu biết tốt hơn nhiều người Công Giáo về ý nghĩa của việc tha vạ tuyệt thông cho các giám mục Lefebvre.

Đức Thánh Cha cho hay: "Giáo Hội nhận ra rằng khởi đầu của đức tin Giáo Hội được tìm thấy trong sự can dự thiêng liêng mang tính lịch sử nơi đời sống của người Do Thái và nơi đây mối quan hệ vô song của chúng ta được có được bằng nền tảng đó". "Các Kiô hữu vui sướng nhận ra rằng cội rễ của chính họ được tìm thấy trong cùng sự tự mặc khải của Thiên Chúa, trong đó kinh nghiệm tôn giáo của người Do Thái được nuôi dưỡng". Đề cập đến tiến bộ trong những năm gần đây trong suốt 7 phiên họp giữa Giáo Trưởng Đoàn Do Thái giáo và Ủy ban Tòa Thánh Vatican, Đức Thánh Cha nêu bật lên rằng: "chư huynh đã trở nên ngày càng nhận thức được các giá trị chung làm căn bản cho các truyền thống tôn giáo tương ứng của chúng ta. Chư huynh đã suy tư về tính thiêng liêng của đời sống, các giá trị gia đình, công bằng xã hội và tư cách đạo đức, tầm quan trọng Lời Thiên Chúa được diễn tả trong Kinh Thánh đối với xã hội và giáo dục, các mối quan hệ giữa tôn giáo và thẩm quyền dân sự cùng với các quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm".

Đối với Giáo Sĩ Đoàn, cuộc hội kiến với Đức Thánh Cha "đánh dấu một thay đổi tích cực trong sự canh tân đối thoại giữa chúng ta". Tuyên bố được Giáo trưởng Shear-Yashuv Cohen đưa ra cũng nhấn mạnh đến "những tuyên bố rõ ràng và minh bạch chỉ trích việc phủ nhận Nạn Diệt Chủng" được Đức Thánh Cha đưa ra. Vị giáo sĩ cũng bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc về bản chất bài Do Thái rõ rệt của văn bản dự thảo cho hội nghị Liên Hiệp Quốc" về chống phân biệt chủng tộc, Durban 2 (dự kiến diễn ra tại Geneva vào các ngày từ 20-24/4). Đức Thánh Cha đã được yêu cầu đưa ra tuyên bố chỉ trích từ Tòa Thánh Vatican. Giáo trưởng thúc giục: "Chúng tôi đánh giá cao việc xây dựng vai trò quan sát viên của Tòa Thánh Vatican trong nỗ lực chống lại những tuyên bố xuyên tạc, và chúng tôi hy vọng rằng Tòa Thánh sẽ lên tiếng phàn nàn về cuộc công kích nhắm vào nhà nước Do Thái này".