Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Ông Charles Pope là linh mục thuộc tổng giáo phận Washington DC. Ngài có bằng tiến sĩ thần học về Thánh Kinh và phụ trách một lớp học hỏi Kinh Thánh tại Quốc Hội Hoa Kỳ dành cho các dân biểu, thượng nghị sĩ và các nhân viên làm việc tại đây.

Trong số ra tháng Tám của tờ Our Sunday Visitor, ngài đã trả lời một câu hỏi mà nhiều người góa chồng hay goá vợ đặt ra với ngài.

Câu hỏi đặt ra có thể tóm tắt là:

Thưa cha, gần đây người phối ngẫu của con đã qua đời sau nhiều năm chung sống. Con mong mỏi được có ngày đoàn tụ với nhau trên thiên đàng. Nhưng một số người nói với con rằng mối lương duyên của chúng con đã kết thúc bởi cái chết của người bạn đời và Chúa Giêsu nói rằng khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng. Sau nhiều năm chung sống, viễn tượng gặp lại nhau làm ngơ như hai người xa lạ thật sự khiến con thấy buồn.

Đức Ông Charles trả lời như sau:

Chắc chắn nhiều người có thể nhận ra nỗi đau trong câu hỏi này. Nhưng có lẽ đó là một nỗi đau không cần thiết, phát sinh từ việc đọc Lời Chúa một cách máy móc. Trong Tin Mừng Máccô, Chúa Giêsu đã trả lời một câu hỏi dựa trên một giả thuyết cực đoan được đặt ra bởi những người Sađốc về một người phụ nữ đã lần lượt kết hôn với bảy anh em khác nhau và không có con với bất kỳ ai trong số họ. Họ nêu ra điều này không phải như một câu hỏi về hôn nhân mà như một cách để bắt bẻ giáo huấn về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã gạt sang một bên lập luận này như Thánh Máccô đã thuật lại như sau:

Có những người thuộc nhóm Sađốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta rằng: ‘Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.’ Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. Cả bảy người đều không để lại một đứa con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ.”

Đức Giêsu nói: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Môsê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!” (Mc 12:18-27)

Như đã nói ở trên, những người Sađốc đặt ra điều này không phải như một câu hỏi về hôn nhân nhưng như một cách để chứng minh rằng giáo huấn về sự phục sinh của Đức Giêsu xem ra vô lý.

Điều đầu tiên cần lưu ý là Chúa Giêsu chỉ nói về hôn nhân một cách thoáng qua. Câu trả lời của Ngài cho một tình huống rất khó xảy ra này được đưa ra để dạy bảo chúng ta một cách trang trọng về thực tại sống lại của những người đã chết. Trong câu trả lời của Ngài, Chúa Giêsu không có chủ ý phát triển đầy đủ một giáo huấn về những gì sẽ xảy đến trên Thiên đàng đối với những người từng là vợ chồng với nhau.

Do đó, chúng ta không nên vội vàng đưa ra kết luận rằng một cuộc hôn nhân dài ở đời này sẽ chẳng có ý nghĩa gì ở đời sau. Trên thiên đàng, cơ thể và tâm hồn của chúng ta sẽ được hoàn thiện. Cũng vậy, các mối quan hệ cơ bản của chúng ta như tình nghĩa phu thê và tình gia đình sẽ không bị loại bỏ hoặc lãng quên. Chắc chắn những người là vợ chồng ở đời này sẽ trải nghiệm một sự kết hợp hoàn hảo hơn nhiều trên Thiên đàng. Họ sẽ tận hưởng sự hiểu biết lẫn nhau, tình yêu, sự đánh giá cao và sự thân mật về tinh thần lớn hơn nhiều so với những gì họ có thể tưởng tượng. Họ sẽ có những điều này bởi vì họ trước tiên và quan trọng nhất là họ được kết hiệp với Thiên Chúa; như thế với, trong và thông qua Thiên Chúa, họ sẽ tận hưởng được sự kết hợp hoàn hảo này với nhau. Điều tương tự cũng sẽ đúng với các mối quan hệ gia đình và những mối quan hệ bằng hữu khác của chúng ta với nhau, theo những gì là phù hợp và hoàn thiện. Người đã kết hôn sẽ được hưởng điều này, bởi vì mối liên kết hôn nhân ngay đời này đã nhận được những ân sủng thiêng liêng đặc biệt.

Một trong những nhà văn của Giáo Hội thời tiên khởi là Tertulliô đã khẳng định quan điểm này như sau trong tác phẩm “Về sự chung thủy một vợ một chồng”, số 10.

Tất cả chúng ta sẽ càng bị ràng buộc với người phối ngẫu đã ra đi trước chúng ta hơn nữa bởi vì chúng ta được dành sẵn cho một gia sản tốt hơn cho một mối quan hệ siêu nhiên. Do đó, chúng ta, những người ở cùng với Chúa sẽ vẫn ở lại với nhau. Trong cuộc sống vĩnh cửu, Thiên Chúa sẽ không tách rời những người mà Ngài đã kết hợp với nhau trong cuộc đời này, là nơi mà chính Ngài đã cấm họ không được phân ly

Chắc chắn là một số khía cạnh của hôn nhân sẽ kết thúc cùng với cái chết của người phối ngẫu. Lời thề hôn nhân ràng buộc vợ chồng trong một mối quan hệ độc quyền, dành riêng cho nhau, từ bỏ tất cả những người khác, chỉ có hiệu lực cho đến khi cái chết làm họ chia tay nhau. Do đó, cái chết của người phối ngẫu cho phép người phối ngẫu sống sót kết hôn lần nữa. Trong một số trường hợp, đặc biệt là trước thời hiện đại, những cuộc hôn nhân như vậy là cần thiết cho người góa chồng hoặc góa vợ vì lý do tài chính và sự chăm sóc cho gia đình.

Sự kiện một cuộc hôn nhân kết thúc bởi cái chết của người phối ngẫu nói nhiều đến thực tại trần gian hơn là những gì trên trời. Cho nên, sự kết thúc ấy vẫn không có nghĩa là hôn nhân trần thế sẽ không có ý nghĩa gì trên Thiên đàng. Ngay cả khi một người tái hôn sau cái chết của người phối ngẫu của mình, chắc chắn cả hai mối quan hệ sẽ được hoàn thiện trên Thiên đàng, chứ không bị loại bỏ. Khi các mối quan hệ là hoàn hảo, sẽ không có sự ghen tuông hay oán giận giữa người phối ngẫu thứ nhất và người thứ hai.

Trong câu trả lời của Chúa Giêsu dành cho những người Sađốc, Chúa Giêsu chắc chắn muốn nói rằng sẽ không có cuộc hôn nhân mới nào trên Thiên đàng. Sẽ không có chuông đám cưới, không có nghi thức kết hôn, vì Thiên đàng đã là một bữa tiệc hôn nhân lớn giữa Chúa Kitô và Hiền Thê của Ngài, là Giáo hội.

Hơn nữa, hôn nhân được hình thành trên cõi đời này với mục đích duy trì nòi giống con người thông qua việc sinh thành và nuôi dưỡng con cái. Nhu cầu này sẽ không tồn tại trên Thiên đàng, nơi không có cái chết. Các Giáo Phụ đã nhấn mạnh điều này trong giáo huấn liên quan đến đoạn Tin Mừng thánh Máccô. Chẳng hạn, thánh Theophylatô đã từng viết:

“‘Khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.’ Những lời này của Chúa Giêsu nhấn mạnh đến tính chất thiên đàng và thiên thần trong sự sống lại của chúng ta từ trong kẻ chết, khi không còn sự hư nát, và chúng ta sẽ không thay đổi; và vì lý do này, hôn nhân sẽ chấm dứt. Hôn nhân đời này tồn tại vì sự hư nát của chúng ta, vì nhu cầu kế thừa chủng tộc của chúng ta. Nhưng khi chúng ta trở thành Thiên thần, chúng ta không cần sự kế thừa bằng hôn nhân, và dân tộc thánh thiện của Chúa sẽ không bao giờ kết thúc”.

Thánh Jerome cũng viết:

“Khi được phục sinh, con người sẽ trở thành Thiên thần của Thiên Chúa, nghĩa là không có người nào phải chết, không ai sinh ra, không có trẻ sơ sinh ở đó, và cũng chẳng có ông già.”

Thánh Augustinô giải thích thêm:

“Hôn nhân là vì con cái, con cái là vì sự kế thừa, kế thừa vì cái chết. Ở đâu không có cái chết, không có hôn nhân.”

Khi nói chúng ta sống như những thiên thần, Chúa muốn nói đến sự bất tử, nhưng Ngài cũng dạy rằng sẽ không còn nhu cầu quan hệ tri giao vợ chồng nữa. Điều này có vẻ như là một nhược điểm đối với một số người, đặc biệt là trong thời đại này, nhưng sự thân mật giữa vợ chồng trên Thiên đàng sẽ lớn hơn nhiều so với bất kỳ sự kết hợp thể xác đơn thuần nào. Khi một niềm vui lớn đến giữa vợ chồng, nó sẽ làm lu mờ những gì yếu kém hơn. Cũng tại đây, thánh Cyrylô thành Alexandria khẳng định như sau:

“Chúa của chúng ta cho chúng ta thấy rằng trong sự phục sinh sẽ không có chuyện xác thịt. Vì tất cả những ham muốn xác thịt đã bị lấy đi khi chúng ta giống với các thiên thần.

Để kết luận Đức Ông Charles nói:

Các cặp vợ chồng nên trông đợi một mối quan hệ được hoàn thiện trên Thiên đường, chứ không phải bị gạt sang một bên. Trong khi các khía cạnh pháp lý của hôn nhân có thể kết thúc bởi cái chết, sự kết hợp của những trái tim và cuộc sống sẽ không như thế. Trong Chúa Kitô chắc chắn vẫn còn một kết nối tâm linh và sự kết hiệp giao ước kéo dài từ Thiên đàng xuống trần gian qua lời cầu nguyện. Trên Thiên đàng, Chúa chắc chắn sẽ hoàn thiện những gì Ngài kết hiệp dưới thế, mang lại cho các cặp vợ chồng niềm vui và sự hiệp nhất không thể tưởng tượng được.