Kỷ niệm 40 năm đối thoại, người Công giáo và Do Thái Giáo cam kết bảo vệ tự do tôn giáo

Vatican City (CNA). - Người Công Giáo và Do Thái Giáo chia sẻ "trách nhiệm chung" để cùng nhau làm việc chống lại sự cuồng tín tôn giáo và thăng tiến "công lý và liên đới, hòa giải và hòa bình". Đức Hồng Y Kurt Koch đã đưa ra lời bình luận này trong hội nghị của Ủy ban Liên lạc Quốc tế Công Giáo - Do Thái Giáo về Cố vấn Liên Tôn diễn ra từ ngày 27/02 đến 02/03. Ngài là Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô giáo và Ủy ban Quan hệ Tôn giáo với Do Thái Giáo của Vatican.

Theo một bài báo của hãng Thông tấn SIR của các giám mục Ý, Đức Hồng Y Koch đã kêu gọi cả hai tôn giáo thúc đẩy việc bảo vệ các quyền tôn giáo. Ngài cho hay người Công Giáo và Do Thái Giáo phải cùng nhau làm việc để "tự do tôn giáo và nhân quyền được đảm bảo đầy đủ cho mọi người, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới".

Đức Hồng Y Koch phát ngôn chống lại việc nhắm vào mục tiêu các Kitô hữu để bách hại và sát hại ở Trung Đông. Là "nhóm bị bách hại rộng rãi nhất trên thế giới", các Kitô hữu cần các vị lãnh đạo tôn giáo của mọi tôn giáo trên thế giới tham gia vào các nỗ lực nhằm bảo vệ và liên đới. "Người Do Thái và các Kitô hữu có thể cùng nâng cao tiếng nói với nhau để bảo vệ những người bị ngược đãi vì lý do tôn giáo, bất cứ nơi nào họ sinh sống và bất cứ điều gì truyền thống tôn giáo họ tuyên xưng".

Cố vấn Vatican đánh dấu 40 năm đối thoại chính thức giữa Giáo Hội và người Do Thái. Đức Hồng Y Koch ca ngợi "phép lạ lớn" của việc tiếp tục hợp tác của họ như là "hoa quả của Chúa Thánh Thần". Ngài cho hay: "Tôi có cảm giác rằng trong 40 năm qua nhiều thành kiến và thù địch đã được khắc phục, hòa giải và hợp tác đã gia tăng, và các mối quan hệ hữu nghị cá nhân đã phát triển mạnh hơn". Mối quan hệ này có nghĩa là hai phía chia sẻ những thách đố cho tương lai.

Trong một tuyên bố chung do Vatican công bố hôm 02/03, Ủy Ban tuyên bố "một khát vọng được chia sẻ để cùng nhau đối mặt với những thách đố to lớn mà người Công Giáo và Do Thái Giáo phải đối mặt trong một thế giới biến chuyển nhanh chóng và không lường trước được".

Theo tuyên bố, các tham dự viên hội nghị bày tỏ "nỗi đau buồn sâu sắc" của họ khi các hành động bạo lực hay khủng bố lặp đi lặp lại nhân danh Thiên Chúa.

Hội nghị cũng ghi nhận các sự kiện đang diễn ra "ở các khu vực Bắc Phi và Trung Đông, nơi mà hàng triệu con người bày tỏ khát vọng của họ đối với phẩm giá và tự do. Ở nhiều nơi trên thế giới, người thiểu số, nhất là những người thiểu số tôn giáo, bị phân biệt đối xử, bị đe dọa bởi những hạn chế bất công đối với tự do tôn giáo của họ, và thậm chí bị bách hại và sát hại".

Các diễn giả tại hội nghị bày tỏ "nỗi đau buồn sâu sắc của họ khi các hành động bạo lực hay khủng bố lặp đi lặp lại ‘nhân danh Thiên Chúa’, gồm các cuộc tấn công ngày càng gia tăng chống lại các Kitô hữu, và kêu gọi tiêu diệt Nhà nước Israel".