Gia Tô Bí Lục Tân Thời (tiếp theo)

Hai phương thức ngoại giao

Người ta cũng không quên đức Piô XII là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Phương thức hành động của ngài, vì thế, nghiêng nhiều về phía ấy.Charles R. Gallagher, trong một bài báo tựa là Personal, Private Views đăng trên tạp chí America, ngày 1 tháng 9 năm 2003, nhân khi tiết lộ hai tài liệu ngoại giao Mỹ trong những năm 1938 và 1939, vừa được tìm thấy tại Thư Viện Tổng Thống JF Kennedy ở Boston và tại Thư Viện Bộ Ngoại Giao Mỹ, đã đề cập nhiều đến khía cạnh này. Theo ông, đức Piô XII, một con người thức thời, đã chứng kiến sự thoái lui của điều được gọi là nền ngoại giao của thế giới cũ, thế giới thế kỷ 19 và sự xuất hiện nhanh chóng của nền ngoại giao tân thời. Ðối với các nhà ngoại giao được huấn luyện theo thủ tục của thế kỷ 19, thì tính bí mật (secrecy) trong các vụ thương thảo là quan trọng hơn cả, các hiệp ước hoàn tất là không thể vi phạm được, và các qui thức thủ tục (formality) phải là tối thượng. Trong những vụ quan yếu, các chính phủ và các vị nguyên thủ quốc gia phải được tiếp xúc với cánh cửa hoàn toàn khép kín.

Khoảng cuối Thế Chiến II, một phương thức ngoại giao hoàn toàn mới bắt đầu hình thành. Nó được nhận dạng qua các hội nghị công khai, qua những cuộc tranh luận dài dựa trên các lý tưởng dân chủ và chú trọng nhiều đến các liên hệ bản thân (personal) giữa các nhà lãnh đạo. Trong sự thay đổi đáng kể ấy, thành công trong các cuộc thương thảo được đo nhiều không phải bởi bản chất của hiệp ước (contractual substance) cho bằng bởi cái tinh thần do hội nghị ấy sản sinh ra. Eugenio Pacelli, trong tư cách Quốc Vụ Khanh và Giáo Hoàng, đã phối hợp cả hai nền ngoại giao ấy trong hành xử của ngài. Ðúng hơn, có thể nói rằng ngài cố gắng hiểu cả hai kiểu thức ngoại giao ấy và đem chúng áp dụng vào thực tế. Trong chiều hướng ấy, các sử gia thấy bên cạnh các hành động ngoại giao cũng như các công bố chính trị công khai, ngài cũng đã có những cuộc thảo luận tư riêng và bí mật.

Gallagher sau đó đơn cử hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là phúc trình năm 1939 của Alfred W. Klieforth, lúc ấy là lãnh sự Mỹ tại Berlin, đến Rome thảo luận 3 tiếng đồng hồ với Hồng Y Pacelli về Tình Hình Tại Ðức. Ông cho Bộ Ngoại Giao hay, đức Pacelli đơn phương chống lại mọi thỏa hiệp với Quốc Xã. Ngài coi Hitler không những như một tên vô lại không đáng tin mà căn để còn là một người độc ác. Ngài không tin Hitler có thể chừng mực, dù bề ngoài có là gì đi nữa, và ngài hoàn toàn ủng hộ các giám mục Ðức trong chủ trương chống Quốc Xã của họ. Phúc trình này được Gallagher tìm thấy vào Mùa Hè năm 2003 tại Ðại Học Havard, trong văn khố riêng của Jay Pierrepont Moffat, người đứng đầu Phân Bộ Âu Châu của Bộ Ngoại Giao Mỹ thời trước Thế Chiến II. Nó cho thấy rõ nhất thái độ của Hồng Y Pacelli đối với Hitler. Nhưng mặt khác nó cũng nói lên điều này nữa là ngài thích đưa ra những nhận xét như thế một cách tư riêng, với các nhà ngoại giao chuyên nghiệp và trong bối cảnh một bàn luận chính thức. Giống như phần lớn các nhà ngoại giao cùng thời, ngài chưa hoàn toàn thoát ra ngoài những qui luật của nền ngoại giao cũ.

Trường hợp thứ hai là hồ sơ ngoại giao của Ðại sứ Hoa Kỳ tại London, Joseph P. Kennedy, vừa được tìm thấy tại Thư Viện Tổng Thống JF Kennedy ở Boston. Trong số hồ sơ này, có phúc trình của Hồng Y Pacelli. Joseph Kennedy làm đại sứ Hoa Kỳ tại Anh trong các năm 1938-1940. Tháng 4 năm 1938, ông qua Rome gặp Hồng Y Pacelli, được Hồng Y trao cho một phúc trình dài bàn về Chủ Nghĩa Quốc Xã, trong đó ngài đưa ra quan điểm riêng, để tùy ông đại sứ kín đáo sử dụng, nhưng ông đại sứ được phép chuyển các quan điểm tư riêng này của tôi cho Người Bạn của ông (ám chỉ TT Franklin D. Roosevelt). Trong phúc trình này, Pacelli chỉ rõ chương trình của Quốc Xã tấn công thẳng vào nguyên tắc nền tảng của tự do hành đạo và cho thấy việc xuất hiện của một tân Chiến Tranh Văn Hóa (Kulturkampf) chống lại Giáo hội. Với một giọng điệu như bị vây hãm và đôi chút kinh hãi, ngài nhận định rằng Giáo hội đôi lúc cảm thấy bất lực và lẻ loi trong cuộc chiến hàng ngày chống lại đủ mọi thứ quá khích chính trị từ những người Bolsheviks tới những người ngoại đạo tân thời giữa các thế hệ Aryan trẻ. Dù thế, ngài vẫn đoan chắc với Ðại Sức Kennedy rằng thoả hiệp chính trị với chế độ Quốc Xã là điều không được đặt ra. Ta thấy yếu tính của phúc trình này là một văn kiện ngoại giao của Vatican và là một lên án riêng chống lại chủ nghĩa ngoại đạo Quốc Xã, nhưng phúc trình này, trong 65 năm qua, đâu được ai thấy ngoại trừ đại sứ Kennedy, TT Roosevelt và Thủ tướng Neville Chamberlain. Bởi theo tập tục ngoại giao cũ, chỉ các nguyên thủ quốc gia mới nên được đệ trình những phúc trình như thế.

Gallagher cũng nhận xét rằng kiểu thức ngoại giao cũ nhiều khi làm người ta hiểu lầm như trường hợp đức Piô XII gửi điện văn cho Hitler lúc lên ngôi Giáo Hoàng. Lối văn chương ngọai giao bóng bẩy đầy mỹ từ ấy thật khác xa với những nhận xét ngài nói với Ðại sứ Kennedy một ngày sau lễ đăng quang. Kennedy phúc trình về Bộ Ngoại Giao rằng tân giáo hoàng có những thiên kiến tiềm thức phát sinh từ niềm tin của ngài rằng Chủ Nghĩa Quốc Xã và Chủ Nghĩa Phát-Xít là hai chủ nghĩa phò tà giáo (pro-pagan), mà đã phò tà giáo là phá hoại tận gốc tôn giáo. Gallagher kết thúc bài báo của mình bằng chi tiết qua đó, trước khi Thế Chiến II bùng nổ, đại sứ Kennedy khuyên ngài nên cố gắng một lần nữa thương thảo với Ðệ Tam Liên Bang Ðức để gìn giữ hòa bình. Ngài cho Ðại Sứ hay Giáo Hội chỉ có thể làm đến thế. Tuy nhiên, giáo hội sẽ làm những gì mình có thể làm được.

Hành động hơn lời nói

Phải chăng đó là chủ điểm của Opere et Caritate. Làm bằng lời vô ích, thì làm bằng việc làm và đức ái! Bằng Việc Làm và bằng Bác Ái là một thư bí mật Ðức Piô XII gửi cho các giám mục Âu Châu nói về việc trợ giúp người Do-Thái trong Thế Chiến II. Suy cho cùng, bất cứ tổ chức nào vụ opere et caritate, chứ không phải chỉ verbo et littera (ngôn từ) cũng đã chọn phương thức hành động cẩn trọng này. Như Hồng Thập Tự Quốc Tế chẳng hạn, hay như Hội Ðồng Các Giáo Hội Thế Giới tại Geneva. Cả hai đã chọn không đưa ra các công bố công khai có thể làm cản trở công tác cứu tế của họ hoặc gây nên gia tăng đau khổ cho các nạn nhân bất luận họ là Do-Thái, Slavs, Kitô hữu, linh mục, gypsies, đồng tính luyến ái, hay cộng sản. Và việc làm của Ðức Giáo Hoàng thì không một ai không nhìn nhận và ca ngợi, kể cả Hochhuth và những người Do-Thái khó tính như Leon Poliakov (The Jews under the Italian Occupation) và Shira Schoenberg (Pope Pius XII and the Holocaust). Pinchas E. Lapide, tác giả cuốn Ba Vị Giáo Hoàng trước đây và Người Do-Thái (Three Last Three Popes and the Jews, London 1967), vốn là cựu lãnh sự Israel tại Milan đầu thập niên 1960, và hiện nay là một giáo sĩ Do-Thái, đã lục lọi Văn Khố Yad Vashem, Văn Khố Zion Trung Ương, và Tổng Văn Khố Lịch Sử Do-Thái tại Jerusalem, để tìm tòi các tài liệu liên quan đến việc Vatican trợ giúp người Do-Thái thời chiến tranh. Nhờ thế ông đã đưa ra kết luận sau đây: Toà Thánh đã làm nhiều để trợ giúp người Do-Thái hơn bất cứ tổ chức nào khác của Tây Phương, kể cả Hồng Thập Tự. Theo ông tính, trực tiếp hay gián tiếp, Giáo hoàng Piô XII đã cứu sống khoảng 860,000 người Do-Thái.

Ðể đạt thành qủa trên, Ðức Piô XII đã đưa ra những biện pháp vô tiền khóang hậu trong lịch sử vốn được coi là bảo thủ (hoặc pháo đài) của Giáo Hội Công Giáo như xử dụng các tu viện kín, dù là của các nữ tu, làm nơi trú ẩn cho hàng ngàn người Do-Thái. Chỉ riêng tại Rome, đã có từ 4,000 đến 7,000 người Do-Thái được giúp đỡ kiểu này. Gia Ðình Von Trapp trong phim The Sound of Music, mà ai trong chúng ta cũng đã từng xem qua ít nhất một lần, là một phản ảnh có thật của chính sách này. Tiếc thay, Saul Friedlander, một người sống sót nhờ trốn như thế, lại không biết ơn còn phê phán Ðức Piô XII trong tác phẩm Pius XII and the Third Reich xuất bản tại Paris năm 1964. Trái với Ðại Giáo Trưởng Do-Thái của Rome là Israel Anton Zolli. Ông và gia đình được sống sót nhờ trú ẩn trong các tu viện kín tại Rome. Trong hồi ký, ông kể lại việc Ðức Piô XII gửi thư tay đến các giám mục yêu cầu bỏ luật nhà kín để mở cửa cho người Do-Thái. Ông viết: “Tôi biết một nữ tu viện kia các nữ tu phải ngủ tại tầng hầm, dành giường của mình cho các người tị nạn Do-Thái”. Cái luật nhà kín, họ còn hy sinh được, cái giường thì đáng giá chi so với lòng bác ái đối với các nạn nhân Quốc Xã! Giáo Trưởng cũng nhắc đến việc Ðức Piô XII ra lệnh xuất số vàng dự trữ của Toà Thánh để thoả mãn việc tống tiền của Quốc Xã trong âm mưu trục xuất người Do-Thái khỏi Rome, mà việc sắp xếp chính ông được tham dự vào. Cảm kích trước các hành động ấy, ông và gia đình trở lại đạo ngay sau Chiến Tranh. Một sự kiện lý thú là Ðội Cận Vệ Palatine của Ðức Giáo Hoàng: năm 1942, con số là 300 người mà đến tháng Mười Hai năm 1943, con số ấy tăng tới 4,000 với đầy đủ giấy thông hành của Toà Thánh. Ít nhất 400 người trong số họ là Do-Thái (Xem Thomas Craughwell, Pius XII and the Holocaust). Xa hơn nữa, là việc cấp các giấy tờ căn cước giả cho người Do-Thái có thể trốn thoát đến những vùng an toàn. Về việc này phải kể đến linh-mục Marie-Benoit, dòng Capuchin, tại Marseilles. Theo tiến sĩ Lichten, không những linh-mục Marie-Benoit thuyết phục được viên tổng thanh tra của Ý tại Nice, Guido Lospinoso, không thi hành việc trục xuất 15,000 người Do-Thái, mà còn biến tu viện của mình thành một nhà máy chuyên ấn hành giấy thông hành, giấy căn cước, chứng chỉ rửa tội và thư giới thiệu việc làm giúp người Do-Thái có thể trốn qua Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Việc làm của ông được đệ trình lên Ðức Piô XII và được sự ủng hộ hoàn toàn của ngài. Một phần do những lời trình này, mà văn phòng cứu trợ riêng của Toà Thánh, St Raphael Verein, và Văn Phòng Thông Tin, Uffizio Informazioni Vaticano, đã chuyển hẳn hành động nhằm giúp đỡ tinh thần và vật chất cho người Do-Thái. Riêng ở Ðức, Văn Phòng này nhận được 102,026 đơn xin cung cấp tin tức thân nhân thất lạc và 36,877 trường hợp đã nhận được phúc đáp. Riêng St. Raphael Verein, dưới sự điều khiển của Cha Anton Weber, dòng Pallotines, đã trực tiếp giúp đỡ 25,000 người Do-Thái, trong đó, 4,000 người đã có thể du hành tới những nơi an toàn tại ngoại quốc nhờ các giấy tờ hợp lệ do văn phòng này lo liệu.

Về việc cung cấp các giấy tờ trên, điểm nổi bật nhất chính là điều Ira Hirschmann gọi là Chiến Dịch Rửa Tội (Operation Baptism). Theo Tiến Sĩ Lichten, ít nhất ở những quốc gia do Ðức Quốc Xã chiếm đóng, người Do-Thái nào chứng minh được mình là thành viên của Giáo Hội Công Giáo bằng cách trưng được giấy chứng Rửa Tội, thì có thể xử dụng giấy ấy như một thứ thông hành để ra khỏi xứ. Hiện chưa có một hồ sơ nào cho biết ai đưa ra sáng kiến này và sáng kiến này được thực hiện ra sao, nhưng sự hiện hữu của những giấy chứng rửa tội giả, mà con số lên đến hàng ngàn, là một sự việc có thật. Một sự việc có thật nữa là Vatican biết rõ kế hoạch này và các thành viên của các nhóm kháng chiến, các sứ thần Tòa Thánh, các nữ tu, các đại diện của các nhóm cứu trợ Do-Thái đặt bản doanh tại các nuớc Ðồng Minh, và man vàn những công dân bình thường khác đều đã hy sinh phúc lợi riêng, nếu không muốn nói chính mạng sống mình, trong việc cổ võ cho kế hoạch thần diệu này. Riêng tại Hungary, kế hoạch đã cung cấp 80,000 chứng từ rửa tội kiểu này (Xem Jewish Virtual Library, 860,000 Lives Saved – The Truth About Pius XII and the Jews). Ðến giữa năm 1944, trong khi chỉ có những người Do-Thái tại Budapest tạm thời tránh thoát thảm họa sũng máu ở Hungary, một khuôn mặt Công Giáo thân thương khác đã tham gia việc đẩy mạnh chiến dịch này, làm gia tăng nhiều lần việc phân phối các thứ giấy chứng rửa tội giả ấy. Ðó chính là cộng sự viên gần gũi và là người kế vị Ðức Piô XII, Tổng Giám Mục Roncalli, Giáo Hoàng Gioan XXIII tương lai.

Con số 860,000 người Do-Thái được Giáo Hội Công Giáo cứu sống so với 6 triệu người Do-Thái được kể là bị thảm sát dưới bàn tay khát máu của Ðức Quốc Xã, thực ra chẳng thấm vào đâu. Không lạ gì, sau khi chiến tranh chấm dứt, lúc mà con số khủng khiếp kia được xác nhận, Ðức Piô XII tỏ ra buồn đã không thể cứu được nhiều người Do-Thái hơn. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Harry Greenstein, hiện là giám đốc của Liên Hiệp Bác Ái Do-Thái tại Baltimore, và trước đây là đại diện của Ðại Giáo Trưởng Do-Thái của Jerusalem, Isaac Herzog, đến cám ơn Ðức Piô XII, đã kể lại thái độ của Ðức Piô lúc ấy: ”Ngài trả lời rằng ngài chỉ tiếc là đã không thế nào cứu được nhiều người Do-Thái hơn”. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy chưa có tổ chức quốc tế nào đã đạt được thành quả trên.

Không ủng hộ không có nghĩa là bài

Vừa rồi chúng tôi có nhắc đến Ðức Gioan XXIII. Nhiều người dựa vào việc ngài cũng như Ðức Gioan Phaolô II xin lỗi người Do-Thái về những tâm tình bài Do-Thái trước đây của người Công Giáo, để mà kết luận đã đến lúc Giáo Hội Công Giáo phải nhìn nhận lỗi của mình trong biến cố 6 triệu người Do-Thái bị thảm sát trong Thế Chiến Hai. Ðây là một ngộ nhận cần được gạt bỏ. Theo William D. Rubeinstein, Giáo sư Sử học Hiện Ðại tại Ðại Học Wales, Aberrystwyth, đã đành tư tưởng Công Giáo tại lục địa Âu-Châu, trong thời gian giữa hai Thế Chiến, không mấy thiện cảm với người Do-Thái. Phần lớn các nhà trí thức và linh-mục Công Giáo cho rằng có quá nhiều người Do-Thái trong các nước Âu Châu có đông người Công Giáo và vì những người này không chịu đồng hóa, nên họ trở thành chướng ngại vật cho các hoài bão quốc gia của các nước này. Theo họ, người Do-Thái có quá nhiều ảnh hưởng kinh tế, can dự một cách bất cân xứng vào các phong trào Mác-xit và Tam Ðiểm, và xét chung là những người tiên phong của chủ nghĩa văn hóa vụ tân thời có tính phá hoại (destructive cultural modernism), do đó thù nghịch với sự ổn định Công Giáo và các giá trị bảo thủ. Phần lớn những tư tưởng gia này muốn người Do-Thái ra đi. Nhưng không một ai trong số họ ủng hộ bạo lực hoặc những phong trào bách hại người Do-Thái (pogrom). Tại Ba-Lan chẳng hạn, những phần tử bài Do-Thái dữ dằn nhất trong giới truyền thông cũng luôn luôn lên tiếng phản đối việc bách hại người Do-Thái. Tờ Maly Dziennik, một tờ báo Công Giáo bài Do-Thái, đã đưa ra lời bình luận sau đây trong số tháng Sáu năm 1935: “Chúng ta nên tiến hành cuộc đấu tranh chống làn sóng Do-Thái của chúng ta theo phương cách Kitô giáo, không hận thù và không bạo lực”. Hiệu quả tư tưởng Công Giáo tại lục địa Âu-Châu vì thế gián tiếp lên men cho sự thù nghịch chống người Do-Thái nhưng đã thành thực lên án bạo lực chống lại họ, một thứ nước đôi khá quen thuộc đã có từ thời Trung Cổ. Trong không khí bài Do-Thái có tính chủng tộc giết người do Ðức Quốc Xã tạo ra, tư tưởng cũng như thái độ Công Giáo nói trên đối với người Do-Thái mới nhìn xem ra có vẻ đáng trách, nhưng thực ra đã gián chỉ và giảm thiểu bạo lực chống lại họ, và luôn luôn khích lệ các cố gắng cứu mạng. Trước và trong Thế Chiến Hai, các chế độ chịu ảnh hưởng nặng của giáo sĩ trị thường đưa ra các luật lệ chống Do-Thái, nhưng lúc nào cũng dừng lại ở nạn diệt chủng. Không một chế độ nào nếu tự trị mà lại tham dự vào việc giết người hàng loạt chống Do-Thái, dù lẻ tẻ vẫn có những cá nhân và những viên chức bàn giấy trong các chính phủ này trực tiếp tham dự vào Giải Pháp Chung Cuộc. Người ta có thể chứng minh được rằng tỷ lệ sống còn của người Do-Thái trong các nước Công Giáo bao giờ cũng cao hơn tại các nước khác ở Âu Châu từng bị Ðức Quốc Xã chiếm đóng. Thí dụ rõ nhất là tại Bỉ Công Giáo và tại Hoà-Lan Thệ Phản. Tại Hòa-Lan, 104,000 trong số 140,000 (74%) người Do-Thái bị thảm sát, trong khi tại Bỉ, “chỉ có“ 28,000 trong số 90,000 (31%) người Do-Thái bị Quốc Xã giết chết. Tại Pháp, mặc dù sự tàn ác của chính phủ Vichy, vào khoảng 78,000 trong số 300,000 (26%) người Do-Thái thiệt mạng. Tại Ý, không có vụ trục xuất nào xẩy ra trước khi Quốc Xã chiếm đóng vào tháng Chín năm 1943, 7,700 trong số 44,500 (17%) người Do-Thái bị giết chết. Chỉ riêng tại Ba-Lan, tỷ lệ kia cao hơn: vào khoảng 2.5 triệu trong số 3.2 triệu (78%) người Do-Thái bị thảm sát. Việc thảm sát khủng khiếp này không do người Công Giáo Ba-Lan thực hiện là bởi vì không giống các nước khác, Ba-Lan bị Ðức trực tiếp cai trị, không qua một chính phủ bù nhìn. Bọn SS trực tiếp giải quyết vấn đề Do-Thái tại đó. Dưới mắt Ðức Quốc Xã, người Ba-Lan cũng thuộc một thứ tộc người hèn hạ như Do-Thái, cho nên không đáng có một chính phủ riêng, dù là bù nhìn. Chính vì vậy, người Công Giáo Ba-Lan cũng là người bị Quốc Xã bách hại nhiều hơn cả. Cũng cần lưu ý một điều, dù người Ba-Lan không ưa Do-Thái, 100,000 người Do-Thái đã được cứu sống nhờ ẩn dật nơi các gia đình Ba-Lan. Tưởng cũng nên thêm rằng sở dĩ Ðức Piô XII từ khước không công khai lên án Quốc Xã trong việc thảm sát người Do-Thái và cả Kitô hữu nữa theo yêu cầu của Ðồng Minh là bởi Ðồng Minh cũng không ủng hộ việc Ngài muốn lên án công khai chế độ Stalin, lúc ấy là đồng minh của Mỹ, trong việc sát hại biết bao người Do-Thái và các tín hữu khác. Theo Kenneth L. Woodward, Newsweek, March 30, 1998, lịch sử cho thấy 5 trong số 6 triệu người Do-Thái chết là từ Nga và Ba-Lan, nơi giáo hoàng không có một chút quyền hành sai khiến bất cứ ai.

Tóm lại, Giáo Hội Công Giáo đã nhận lỗi về phần mình. Nhưng không ai có quyền đẩy cái phần lỗi Giáo Hội Công Giáo không phạm bắt phải nhận là của mình. Ở đây người ta cố tình đánh lộn con đen, khiến họ quên đi tội đồ chính hiệu, bằng cách đặt cái phương trình luân lý đồng đều giữa những tên sát nhân tập thể và những người cố gắng, dù kiến hiệu hay không, làm chúng dừng tay.

Phản ứng của các nhà lãnh đạo Do Thái

Chính vì những cố gắng phi thường của Công Giáo nói chung và của cá nhân đức Piô XII nói riêng nói trên, các giới Do-Thái cả chính trị lẫn tôn giáo đều lên tiếng ca ngợi công khai. Trên kia chúng tôi có nhắc đến Ðại Giáo Trưởng Do-Thái tại Jerusalem, Isaac Herzog. Chính ông đã thân hành qua Constantinople gặp Sứ Thần Tòa Thánh Angelo Roncalli tại đó để vận động cho Quĩ Cứu Tế Do-Thái của ông. Sau chiến tranh, ông đã gửi đến Ðức Piô XII qua trung gian Harry Greenstein lời cám ơn chân thành vì “những cố gắng cứu mạng của ngài nhân danh người Do-Thái trong thời Quốc Xã chiếm đóng Ý-Ðại-Lợi”. Chúng tôi cũng đã nhắc đến Ðại Giáo Trưởng Do-Thái tại Rome, Israel Anton Zolli và việc gia đình ông trở lại Ðạo Công Giáo sau chiến tranh. Chính ông lấy tên thánh Eugenio, vốn là tên thánh của Ðức Giáo Hoàng, đặt cho mình để tỏ lòng biết ơn Ðức Piô XII. Ông viết: “Ðiều Vatican làm sẽ được ghi khắc không bao giờ phai nhoà và đời đời trong tim óc chúng tôi… Các linh-mục và cả các giáo phẩm cao cấp đều đã thực hiện những công việc muôn đời trở thành niềm vinh dự cho Ðạo Công-Giáo”. Sau khi Ðức Piô XII qua đời, Ðại Giáo Trưởng tại Rome là Elio Toaff tuyên bố: “hơn bất cứ ai khác, chúng tôi được may mắn chứng kiến lòng tốt vĩ đại, đầy cảm thương và hào hiệp, mà Ðức Giáo Hoàng đã bày tỏ trong những năm khủng khiếp của bách hại và khủng bố, khi xem ra chẳng còn một chút hy vọng gì cho chúng tôi”. Tại Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Do-Thái, và sau này là Thủ Tướng đàn bà đầu tiên của thế giới, Golda Meir, phát biểu như sau: “Suốt trong một thế hệ chiến tranh và phân rẽ, ngài đã khẳng quyết các lý tưởng cao đẹp của hoà bình và lân tuất. Suốt trong mười năm khủng bố Quốc Xã, khi tộc người chúng tôi kinh qua các khiếp đảm của tử đạo, Ðức Giáo Hoàng đã lên tiếng kết án những kẻ bách hại và tỏ lòng sót thương các nạn nhân. Sự sống chúng tôi được giầu có thêm nhờ tiếng nói gióng lên các chân lý đạo đức cao cả vượt trên những ồn ào náo động của các cuộc xung đột hàng ngày. Chúng tôi đau buồn vì việc mất đi một người duy trì hòa bình vĩ đại”. Về phần mình, tiến sĩ Nahum Goldmann, Chủ Tịch Hiệp Hội Do-Thái Thế Giới (World Jewish Congress), viết lời phân ưu sau đây: “Với lòng biết ơn đặc biệt, chúng tôi tưởng nhớ mọi điều Ngài đã làm cho người Do-Thái bị bách hại suốt một trong những thời kỳ đen tối nhất của toàn bộ lịch sử của họ”. Sau cùng, người vừa được bầu là Người Của Thế Kỷ, Albert Einstein, tâm sự như sau: “Là một người yêu tự do, nên khi cách mạng dấy lên tại Ðức, tôi đã hướng về các đại học để bảo vệ nó, vì biết rằng các đại học luôn luôn tự hào về lòng tận tụy của mình đối với chân lý; nhưng không, các đại học đã lập tức giữ im lặng. Sau đó tôi đã hướng về các chủ bút vĩ đại của các nhật báo mà những bài xã luận nẩy lửa của những ngày qua đã nói lên lòng yêu tự do của họ. Nhưng họ, cũng như các đại học, đều đã lặng thinh chỉ mấy tuần lễ ngắn ngủi sau đó. Chỉ có Giáo Hội là đứng chân phương chắn đường chiến dịch Hitler dập tắt sự thật. Trước đây, tôi chưa bao giờ đặc biệt chú tâm chi tới Giáo Hội, nhưng giờ đây tôi cảm thấy một thân thương và ngưỡng mộ lớn bởi chỉ có một mình Giáo Hội có cái can đảm và trì chí đứng lên bênh vực chân lý tri thức và tự do luân lý. Cho nên tôi buộc phải thú nhận rằng điều trước đây tôi khinh ghét, giờ đây xin ca tụng không chút e dè.”.

Lời tố cáo của Hochhuth, vì thế, vừa không đúng vừa thật lẻ loi.

(còn tiếp)