Gia Tô Bí Lục Tân Thời(tiếp theo)

Hoàn cảnh cụ thể

Ðứng trên quan điểm tra cứu lịch sử cách khoa học, quả là một lỗi lầm nghiêm trọng khi không làm mình quen thuộc với hoàn cảnh cụ thể trong đó người ta sinh sống lúc đó mà lại đưa ra những phán quyết về họ như thể họ sống trong những hoàn cảnh hoàn toàn khác thế. John Morley, khi điểm sách của Cornwell trên Commonweal ngày 5 tháng 11 năm 1999, nhận định rằng lầm lỗi lớn nhất của Cornwell có lẽ là sự thiếu khả năng hay thiện ý hiểu cái ông gọi là sitz-im-leben, hay hoàn cảnh sống thực của các nhân vật lịch sử. Ðánh giá quá khứ bằng cái nhìn từ thời sau (hindsight) quả không có tính sử học chút nào và không phải của người trí thức.Cornwell không bao giờ hiểu được phải sống và phải xử sự ra sao trong hoàn cảnh Thế Chiến II. Ông nên đọc giáo sư Michael Novak, người giữ ghế George Frederick Jewett tại American Enterprise Institute trên First Things số tháng 8-9 năm 2000. Theo Novak, đức Piô XII kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình lần chót vào mùa Hè năm 1939, không ai thèm để ý đến lời kêu gọi ấy, cũng không ai thèm phúc đáp, cả phe Trục lẫn phe Ðồng Minh. Ðó là lấn chót, ngài được tự do xử dụng phương tiện truyền thông tới khắp thế giới. Khi chiến tranh khởi sự, Mussolini khóa kín ngài tại Vatican và bất cứ phương tiện liên lạc nào ngài có cũng đều bị kiểm duyệt – thư từ, Ðài Phát Thanh Vatican, báo L’Osservatore Romano. Bốn cơ quan tình báo Ðức, cùng với nhiều cơ quan tình báo giả dạng khác của Ý, xâm nhập Vatican. Rất dễ đe dọa các gia đình có thân nhân làm việc cho Vatican, bởi hầu hết sống ở ngoài và phải hàng ngày ra vào Vatican làm việc. Mặt khác, Toà Thánh hoàn toàn lệ thuộc chính phủ Ý về mọi dịch vụ thiết yếu: nước, cống rãnh, điện, điện thoại, điện tín, và thực phẩm. Cộng thêm tất cả những điều này, Hitler bất mãn với đức Piô XII đến độ hai lần ra lệnh phải soạn thảo kế hoạch chiếm đóng Vatican, theo đó, nhẩy dù sẽ bất thần tấn kích và “lôi cổ” giáo hoàng về Ðức. Cả hai lần, lệnh của hắn không thi hành được là do mưu kế của các tư lệnh địa phương, xử dụng chiến thuật trì hoãn cho đến khi hắn bận lo việc khác (một tư lệnh trình với hắn là còn đang kiếm chuyên gia tiếng Latinh và Hylạp để quyết định xem nên cướp thứ văn khố nào đem về Ðức, và việc này đòi 6 tuần lễ). Novak chua chát nhận xét: “Khi đức Giáo Hoàng có tiếng nói đầy đủ thì chả ai thèm nghe. Liệu ta có thể tin được rằng khi không ai còn có thể nghe được ngài ngoại trừ những kẻ giam giữ ngài để tiếng nói của ngài lọt ra ngoài, thì lúc ấy thế giới sẽ lắng nghe ngài hay sao? Ðối với phần đông người Công Giáo, lối suy nghĩ ấy khó mà hiểu được. Thí dụ điển hình, trong 15 năm qua, không thiếu những lời tuyên bố thảm não của đức Gioan Phaolô II (và của Mẹ Têrêxa) – đôi khi ngay trước mặt các lãnh tụ thế giới, và trước mặt đông đảo thính giả truyền hình thế giới - chống lại việc phá thai và giết người êm ái (euthanasia) có hệ thống cũng như chống thứ “văn hoá chết chót” mà họ đại biểu. Có ai nghe không! Tại sao thính giả lại nghe những năm 1942, 1943! Phe Ðồng Minh rất lưu tâm khi đức Giáo Hoàng tuyên truyền có lợi cho phe mình. Nhưng họ không muốn ngài chỉ trích những tàn ác của Cộng Sản, bởi Stalin là đồng minh của họ; họ không muốn ngài chỉ trích việc không kích giải thảm của Ðồng Minh trên các thị trấn Ðức và Ý. Nhưng họ muốn ngài kết án Ðức oanh kích giải thảm London và Coventry. Họ nổi xùng khi ngài im lặng. Bị cầm tù trong Vatican, đức Piô XII im lặng về nhiều chuyện, nhưng im lặng vì nguyên tắc chứ không phải vì sợ sệt. Tổng giám mục Sapieha của Krakow công khai yêu cầu ngài đừng lên tiếng cuối năm 1939 và 1940 bởi các lãnh tụ trí thức của Giáo Hội Ba-Lan, kể cả giáo sĩ lẫn giáo dân, đang bị bách hại hàng ngàn, bị đánh đập, giết hại, tống vào các trại tập trung. Sau này Sapieha vẫn nhìn nhận rằng xử dụng những ngôn từ tâm lý chiến công khai chẳng ích lợi gì, chỉ tổ đổ dầu vào lửa. Ông nhìn nhận đã học được nơi đức Piô XII tính bình thản (coolness) và xử dụng nó trong đường lối lãnh đạo riêng của mình. Ông vốn là người che chở và hướng dẫn Karol Wojtyla, vị giáo hoàng tương lai của chúng ta.

Trò cút bắt (game of wits)

Ta biết đức Piô XII biết rõ ngôi vị giáo hoàng từng bị các thế lực trần gian đối xử tàn bạo: Piô VI rồi Piô VII từng bị Napoleon lôi về Paris làm nhục, thủ tướng của Piô IX từng bị ám sát ngay trước dinh sở của mình và chính Piô IX phải trốn khỏi Rome mới toàn mạng, cả Lêô XIII cũng từng đi tỵ nạn vào cuối thế kỷ 19. Ấy thế nhưng ngài vẫn nói thẳng vào mặt Goebbels rằng ngài không sợ chi hết và nhất định không chịu rời khỏi Rome. Thường được người ta mô tả là xa cách và có óc phân tích, đức Piô XII cũng tỏ ra có một thứ cột sống cứng như thép. Vốn có tài đọc tâm tư người khác, ngài từng thận trọng bắt mạch cả Hitler (được ngài nhận định là dễ lao mình vào những trận điên giận) lẫn Mussolini (hợp lý hơn và dù sao vẫn là người Ý). Ngài biết rằng ít nhất trong một vài vấn đề lớn, cuối cùng ngài sẽ có thể thuyết phục được Mussolini – như giữ cho Rome vẫn là một thành phố tự do chẳng hạn. Nhưng ngài biết rằng ngài phải lao mình vào trò chơi cút bắt (game of wits) với Hitler, trong đó quyết tâm sắt đá không bị dụ khị ra khỏi tư cách trung lập chính thức nhất định sẽ thắng được mọi bất trắc khác. Dù mọi sự tỏ ra có vẻ bi đát trong khỏang 1939 tới 1943, đức Piô XII vẫn phán đoán rằng lạnh lùng trước lửa sẽ giúp ngài hướng được càng nhiều nghị lực càng tốt vào việc làm giảm đau khổ.

Nhiều người chung quanh đức giáo hoàng xin ngài lên tiếng mạnh mẽ hơn. Họ là các đại sứ của Anh, của Brazil, của Pháp, vốn vì chiến tranh phải tù túng trong các căn phòng chật hẹp của Vatican. Ðức giáo hoàng cho họ thấy ngài đã đang lên tiếng rồi, lên tiếng một cách mạnh mẽ, nêu lên những nguyên tắc rõ ràng và không lầm lẫn được. Hơn một lần, ngài vẽ ra bức chân dung đôi ủng bạo tàn của chủ nghĩa chủng tộc, sự bạo hành không biện minh, và cuộc tàn sát người vô tội vạ. Tất nhiên ngài không chỉ rõ bức chân dung ấy chỉ thế lực nào. Nhưng chẳng cần khó khăn bao nhiêu cũng tìm ra điều đó; các tuyên truyền viên tại đài BBC biết ngay lập tức cách đặt những lời kết án của đức giáo hoàng dưới chân Hitler, và họ làm điều đó chỉ trong vòng mấy giờ đồng hồ. Các phân tích gia điên cuồng của Hitler cũng thấy rất nhanh đức giáo hoàng đã cố ý xử dụng ngôn từ của mình ra sao mà vẫn khôn khéo duy trì được thế trung lập của mình. Tệ hơn nữa, há miệng mắc quai, nếu bọn Quốc Xã công kích các điều ngài nói, chúng vô tình xác nhận đài BBC chính xác!

Không ai lớn tiếng bằng

Trong suốt thời gian chiến tranh, không một lãnh tụ thế giới nào bị phe Trục vây hãm bằng đức Piô XII. Nhưng không một ai lớn tiếng bằng ngài và đã cung cấp cho báo chí thế giới nhiều tin tức sinh tử như ngài. Ngài cũng đã cứu rất nhiều sinh mạng Do-Thái qua việc mở cửa các tu viện, kể cả các đan viện, làm nơi trú ẩn lén lút, và đem đồ cứu trợ đến tận tay tận mặt hàng triệu người tỵ nạn. Ðức Piô XII đưa ra chiến lược của mình rất sớm, biết cách điều chỉnh các chiến thuật của mình và chưa bao giờ nghe được một lý do thuyết phục nào – dù được nghe rất nhiều lý do - để phải làm khác đi. Ngài vừa vững vàng và can đảm vừa bình thản và biết phân tích. Ngài biết nếu hành động cách kém kỷ luật hơn, ngài sẽ rơi vào thế đối đầu khiêu khích (confrontational). Mà đối đầu khiêu khích thì những nhân tài ưu tú nhất, có khả năng nhất và can đảm nhất chắc chắn sẽ là những người bị giết hoặc cầm tù trước nhất. Tất cả chỉ còn lại cảnh nô lệ lặng câm. Giáo hoàng có thể sống sót, nhưng đó là một giáo hoàng vô vọng, cô lập, sống trong tình trạng mất trí (demented) như Piô VII dưới thời Napoleon! Nhưng hàng ngàn người khác sẽ chết, mà chẳng đưa lại lợi lộc nào. Hitler vốn chờ mong đối đầu khiêu khích. Những đầu óc tỉnh hơn, dù dưới quyền uy của hắn, với viễn ảnh tương lai, chẳng dại gì mà rơi vào chiến thuật của hắn.

Ðối với một số nhà phê bình, chiến thuật của Ðức Piô XII quá mềm yếu (subtle). Từ thời sau nhìn lại, họ đòi phải có một kết án thẳng thừng, không hãm còi từ đức giáo hoàng chống lại tội ác có một không hai ấy. Họ chẳng đề nghị được chi ngoài một suy đoán về điều có thể xấy ra sau lời kết án ấy. Thực vậy, theo sức mạnh của điều họ lý luận, họ đã gán cho ngôi vị giáo hoàng một sức thuyết phục bằng lời lớn hơn các lý thuyết tân thời của phong trào tục hóa cao độ của Âu Châu cho phép nữa. Liệu những nhà sử học ấy có bảo đảm rằng họ sẽ nghe theo những lời tuyên bố long trọng của một giáo hoàng ngày nay hay không, dù những lời tuyên bố ấy đi ngược lại với niềm tin và quyền lợi của họ? Mà nếu họ không nghe theo, tại sao những người thời ấy lại phải nghe theo?

Hành hình tinh thần

Nói về các văn kiện (actes) trong việc phong chân phước và phong thánh cho đức Piô XII, người ta thấy chẳng có chi bí mật. Cornwell không chịu nói sự thật khi cho rằng ông là người đầu tiên và duy nhất xưa nay được đọc các văn kiện ấy. Ðiều ngược lại mới đúng. Nhiều người đã đọc chúng và tuyệt đối trong chúng không hề có điều gì “đáng phê phán nẩy lửa” (explosively critical) liên quan đến dự án này. Cornwell phạm sai lầm về sự kiện, như khi nói đến 76 nhân chứng, trong khi thực ra có đến 98 người, hay khi xấc sược cho rằng những văn kiện ấy ‘phần lớn chỉ chứa những tài liệu nhằm khen ngợi Pacelli’. Các nhân chứng rất trung thực và hiểu biết đã đưa ra các phát biểu có tuyên thệ. Sự kiện các nhận định của họ thẩy đều tích cực đối với cuộc đời, sinh hoạt và các nhân đức của đức Piô XII đã không ăn khớp được với các ý nghĩ đầy thiên kiến của ông mà thôi.

Ðối với Linh Mục Gumpel, sách của Cornwell là một mưu toan xấu xa nhằm hành hình người khác về phương diện tinh thần (moral lynching) và quả là một cuộc sát phạt nhân vật thực sự. Ðức Piô XII thực sự không phải là “Giáo hoàng của Hitler”. Bức chân dung của Cornwell về ngài là một bức hí họa kinh tởm về một con người cao thượng và thánh thiện” (Cornwell’s Cheap Shot at Pius XII, Crisis 17, no.11 - December 1999). Trong một bài báo khác viết cho Zenit Daily Dispatch, tựa là Cornwell’s Pope: a Nasty Caricature of a Noble and Saintly Man, linh mục Gumpel nhận định về từng chủ điểm chính trong sách của Cornwell. Về thái độ của Pacelli đối với Hitler, trong danh sách các tác phẩm mà Cornwell cho là mình có tham chiếu, ông ta có nhắc đến một cuốn trong đó rõ ràng có đoạn viết rằng năm 1929, tức 4 năm trước khi Hitler lên cầm quyền (30 tháng Giêng năm 1933), Pacelli đã nghiêm khắc cảnh giác về Hitler và cho hay không thể hiểu tại sao ngay đến những nhà trí thức cao cấp Ðức cũng không chia sẻ các phán đoán hoàn toàn tiêu cực của ngài. Cornwell bỏ qua đoạn đó. Một là ông không đọc cuốn sách, hai là ông cố tình bỏ qua đoạn đó và cả những đoạn rất dễ xác minh tương tự như thế về Pacelli, chỉ vì những đoạn như thế không ăn khớp với các khuynh hướng phá hoại của ông. Về việc nhắc đến nguồn gốc Do-Thái của Levien, thì đó là sự kiện lịch sử. Không phải chỉ riêng có Levien tại Munich, mà còn có Karl Liebknecht và Rosa Luxemburg tại Berlin, và Bela Kun tại Hungary, tất cả đều là Do-Thái do Nga gửi tới. Nhắc đến những sự kiện đó tuyệt đối không có liên quan gì đến chủ nghĩa bài Do-Thái hết, như Cornwell lầm xiên sỏ. Cần phải nhắc đến những tên khủng bố tại Munich là ai để các bề trên của Pacelli hiểu kế hoạch của Cộng Sản Nga trong nỗ lực bành trướng quyền lực qua các nuớc Tây Phương.

Về thái độ của Pacelli với Hitler, Văn Khố thời 1922-1939 vừa được Tòa Thánh cho mở cửa tháng 2 vừa qua cho người ta thấy một bức thư Sứ Thần Pacelli gửi Quốc Vụ Khanh Toà Thánh. Tập San Inside The Vatican, số ngày 4 tháng 3 năm 2003, có cho đăng bức thư này. Bức thư đề ngày 14 tháng 11 năm 1923 viết gửi Hồng y Pietro Gaspari, quốc vụ khanh Tòa Thánh thời Ðức Piô XI, vài ngày sau vụ Quốc Xã mưu tính tiếm quyền địa phương tại Munich. Bức thư có nhắc đến biến cố ấy và lên án phong trào Quốc Xã, coi nó như một đe dọa chống Công Giáo, đồng thời ghi chú rằng Hồng Y của Munich đã từng lên án các hành động bách hại người Do-Thái tại Bavaria. Bức thư có đoạn như sau: “Các sự kiện bao quanh vụ nổi dậy của Quốc Xã… Ðức Hồng Y đã rõ qua báo chí Ý; con không muốn nhắc lại trong phúc trình này. Tuy nhiên… con nghĩ cần phải thông tri để Ðức Hồng Y rõ thêm một vài chi tiết khác, liên quan đến những cuộc biểu tình có tính chất chống Công Giáo đi kèm với vụ nổi dậy này, một tính chất không có chi đáng ngạc nhiên đối với những ai từng theo dõi việc ấn hành các tờ báo của phe cực hữu, như các tờ Volkischer Beobachter (Người Quan Sát Folkish) và Heimatland (Quê Hương). Tính chất này trên hết được tỏ lộ trong những vụ công kích có hệ thống nhằm hàng giáo sĩ Công giáo. Với những công kích này các đồ đệ của Hitler và Ludendorf đã xúi giục được quần chúng, nhất là trong các buổi diễn thuyết ngoài phố, mạ lỵ và hành hung các giáo sĩ. Những công kích này đặc biệt chú mục vào Hồng Y Tổng Giám Mục đầy uyên bác và nhiệt thành, người mới đây trong một bài giảng tại Duomo vào ngày mồng 4 tháng này và trong một bức thư gửi cho Thủ Tướng Liên Bang công bố trên Thông Tấn Xã Wolf ngày mồng 7, đã lên án các vụ bách hại người Do-Thái.’

Cuộc Nổi Dậy (putsch) của Quốc Xã năm 1923

Tưởng cũng nên nhắc lại những biến cố lịch sử bao quanh vấn đề này. Ngày 8 tháng 11 năm 1923, chính phủ Bavaria tổ chức một cuộc tập họp cho khoảng 3,000 viên chức. Trong lúc Gustav von Kahr, thủ tướng Bavaria, đang diễn thuyết, thì Adolf Hitler và đội quân xung phong có vũ trang của hắn xông vào toà nhà. Hitler nhẩy lên một chiếc bàn, bắn chỉ thiên hai phát súng và nói cho cử tọa hay Cuộc Nổi Dậy (putsch) của Munich đã xẩy ra và Cách Mạng Toàn Quốc đã khởi đầu. Ðể Hermann Goering và nhóm SA ở lại canh chừng 3,000 viên chức, Hilter dẫn Gustav von Kahr, Otto von Lossow, tư lệnh lục quân Bavaria và Hans von Lossow, chỉ huy Cảnh Sát Bang Bavaria qua một phòng kế bên. Hitler cho nhóm người này hay anh ta sẽ là tân lãnh tụ của nước Ðức và hứa sẽ bổ nhiệm họ vào các chức vụ trong chính phủ mới. Biết rằng đây là một hành vi phản quốc, 3 người khởi đầu ngần ngại không chịu nhận đề nghị trên. Adolf Hitler nổi giận và đe dọa sẽ bắn họ rồi tự sát: “thưa quí vị, tôi có 3 viên đạn cho quí vị, và một viên cho tôi!”. Ba người đành tuân theo. Chẳng bao lâu sau, Eric Ludendorff tới. Ludendorff vốn là lãnh tụ của lục quân Ðức vào cuối Thế Chiến I, nên thấy chủ trương của Hitler cho rằng cuộc chiến ấy không phải mất do lục quân mà là do người Do-Thái, do bọn Xã Hội, bọn Cộng Sản và chính phủ Ðức là một chủ trương hấp dẫn, hắn trở thành ủng hộ viên nhiệt thành của Quốc Xã. Ludendorff đồng ý nhận chức tư lệnh lục quân Ðức trong chính phủ Hitler. Trong khi Adolf Hitler đang bận thành lập tân chính phủ, thì Ernst Roehm, cầm đầu một nhóm cảm tử quân, tiến chiếm Bộ Chiến Tranh, còn Rudolf Hess thì lo sắp xếp việc lùng bắt người Do-Thái và các lãnh tụ chính trị phe tả của Bavaria. Giờ đây Hitler dự tính tiến về Berlin để lật đổ chính phủ quốc gia. Không may cho hắn, hắn quên không cho cảm tử quân chiếm các đài phát thanh và các sở viễn thông. Nhờ thế chính phủ Berlin chẳng mấy chốc đã nghe biết đầy đủ về vụ nổi dậy của Hitler, nên đã ra lệnh dập tắt nó. Ngày hôm sau, Adolf Hitler, Eric Ludendorff, Hermann Goering và 3,000 ủng hộ viên có vũ trang thuộc Ðảng Quốc Xã tiến qua Munich trong mưu mô bắt tay với các lực lượng của Roehm tại Bộ Chiến Tranh. Tại Odensplatz, họ bị chặn đứng bởi cảnh sát Munich. Vì không chịu dừng lại, cảnh sát đã nổ súng xuống đất ngay trước mặt đoàn người. Các cảm tử quân bắn trả đũa và trong ít phút sau đó, 21 người bị tử thương và hàng trăm người khác bị thương, trong đó có Goering. Khi cuộc bắn nhau bắt đầu, Adolf Hitler lao mình xuống đất khiến trật bả vai, rồi chạy tới một chiếc xe chờ sẵn. Và mặc dù cảnh sát có quân số ít hơn, bọn Quốc Xã cũng đành theo gương lãnh tụ mà bỏ chạy. Chỉ duy có Eric Ludendorff và các thuộc hạ vẫn tiếp tục tiến về phía cảnh sát. Các sử gia Quốc Xã sau này cho biết lý do khiến Hitler rời hiện trường nhanh như trên là để cấp tốc đưa một thanh niên bị thương tới bệnh viện địa phương. Sau khi trốn tại nhà một người bạn ít ngày, Hitler bị bắt và bị xử vì vai trò của mình trong cuộc Nổi Dậy Tại Bóp Bia. Nếu có tội, Hitler sẽ lãnh án tử hình. Tuy nhiên các cảm tình viên Quốc Xã trong chính phủ Bavaria cố gắng vận động làm nhẹ bản án dành cho Hitler. Hắn chỉ bị kết tội tổ chức biểu tình chính trị, do đó chỉ bị kết án 5 năm tù. Các đảng viên Quốc Xã khác cũng chịu một bản án nhẹ, riêng Eric Ludendorff thì được tha bổng.

Phúc trình Riegner

Về nhận định của Quốc Xã đối với Giáo Hội Công Giáo, Cornwell không bao giờ đề cập đến những báo cáo của Gestapo cho hay bao lâu Giáo Hội này còn có ảnh hưởng trên dân chúng, thì ý thức hệ Quốc Xã sẽ không bao giờ được nhân dân Ðức chấp nhận. Tác phẩm cổ điển của Boberach công bố các báo cáo nội bộ của Gestapo đã không bao giờ được Cornwell nhắc tới, âu cũng là điều dễ hiểu. Cornwell có nhắc đến việc phúc trình của Riegner từ Thụy Sĩ gửi cho Rome không được công bố trong ADSS. Riegner trao phúc trình này cho sứ thần Tòa Thánh tại Thụy Sĩ vào tháng 3 năm 1942, ít tháng sau Hội Nghị Worms (20/01/1942) nhưng chỉ tới Rome vào tháng 10 năm đó như đã rõ qua báo cáo của sứ thần được đăng trong ADSS, trong đó có nhắc đến phúc trình này. Tuy nhiên vào thời điểm ấy có rất nhiều những phúc trình như thế và không ai có thể kiểm tra xem chúng có đúng sự thật khách quan hay không. Chính Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng tỏ ra hoài nghi đối với các phúc trình loại này và đã từng hỏi ý kiến Vatican có nên xác nhận chúng hay không. Sự kiện thứ hai liên quan đến cuộc đàm đạo giữa nhà ngoại giao Mỹ, ông Tillerman, và đức Piô XII. Cornwell làm rùm beng vụ này. Ông cho rằng cuộc đàm đạo ấy diễn ra ngày 18 tháng 10 năm 1943, vài ngày sau khi 1,000 người Do-Thái tại Rome bị vây bắt. Ông tố cáo Ðức Piô XII không quan tâm bao nhiêu tới số phận người Do-Thái, thậm chí còn không nhắc gì đến họ. Ðiều ấy không đúng. Vì thực sự báo cáo do Tillerman gửi đi trong đó ông cho hay ông gặp đức Piô XII “hôm nay” được đề ngày 19 tháng 10, chứ không phải 18 tháng 10. Mà “19” cũng sai luôn. Cuộc đàm đạo ấy xẩy ra ngày 14 tháng 10, như đã được ghi chép chính xác trong danh sách các cuộc đàm đạo được đức Piô XII đồng ý dành cho các nhà ngoại giao. Sự kiện cuộc đàm đạo trên xẩy ra ngày 14 tháng 10 đã được ghi trong hai cuốn khác nhau của bộ ADSS mà Cornwell có nhắc đến trong danh sách văn khố nghèo nàn của mình nhưng hiển nhiên không đọc một cách chính xác, sợ không đọc nữa là đàng khác.

Con người tham vọng?

Về cá tính đức Piô XII, Cornwell cho rằng ngài là người tham vọng và bóng gió cho rằng ngài ham chức nghiệp. Ðiều này không đúng. Khi còn tráng niên, Pacelli tiến nhanh trong chức nghiệp vì ngài thông minh, tận tâm và cần mẫn. Không có mảy may chứng cớ nào cho thấy một lý do khác khiến ngài tiến nhanh như thế, huống hồ là ngài tìm cách mua chuộc chức nghiệp của mình. Linh mục trẻ Pacelli chỉ muốn đi làm việc mục vụ theo nghĩa trực tiếp của nó giống như mọi linh mục khác. Nhưng chỉ vì đức vâng lời đối với các bậc bề trên mà ngài đã bước chân vào ngành ngoại giao phục vụ Tòa Thánh. Năm 1929, khi nhiệm vụ sứ thần chấm dứt, ngài muốn được làm giám mục địa phận để thi hành nhiệm vụ mục tử của mình. Lúc được bầu làm giáo hoàng, ngài không nhận ngay lập tức, mà yêu cầu các hồng y bỏ phiếu một lần nữa. Ðến khi phiếu ủng hộ vẫn như cũ, ngài mới chấp nhận việc bầu ấy như dấu chỉ ý Chúa muốn trao thánh giá cho mình (in signum crucis). Cornwell cũng nói đến tính ‘tự yêu mình” thái quá (narcissism). Người ta không hiểu làm thế nào ông ta có thể biện minh cho câu phán đoán ấy. Ðức Piô XII ghét bị chụp hình nhưng phải chiều theo vì nhiều người muốn có hình kỷ niệm về ngài…

Nguồn tài liệu

Về các nguồn tài liệu, Cornwell hầu như không biết gì đến bộ tài liệu do Ủy Ban Lịch Sử (Kommission fur Zeitgeschichte) ấn hành, hiện nay vượt quá 40 cuốn. Cornwell chắc chắn biết tác phẩm của Jeno Levai, một người Hung gia lợi gốc Do-Thái, do tiến sĩ Robert Kempner, phụ tá trưởng Công tố viên của Mỹ tại toà án Nuremberg đề tựa và viết lời bạt, nhưng không nhắc gì tới những bênh vực của Kempner đối với đức Piô XII. Rất nhiều lần, ta đọc thấy cụm từ “được trích dẫn bởi…” (quoted by…) cho thấy tài liệu gốc không được Cornwell tham khảo, mà chỉ là những nguồn tài liệu đệ nhị đẳng. Ðấy không phải là thủ tục của khoa bảng (academic), huống hồ là một thủ tục hợp tiêu chuẩn đối với một tác phẩm cỡ như sách của Cornwell. Cái cụm từ ấy rất thường được áp dụng đối với công trình của Klaus Scholder, là công trình từng bị nhiều phê phán gay gắt. Trong các nghiên cứu về Tông Hiệp, Scholder thua xa các công trình tiêu chuẩn của Volk về tông hiệp với Bavaria và Ðức Quốc Xã (20 tháng 7 năm 1933). Ấy thế mà dù biết điều ấy, Cornwell vẫn thích Scholder hơn Volk, hiển nhiên vì Scholder ăn khớp hơn với luận đề tiêu cực của mình đối với Pacelli Sứ Thần và sau này Pacelli Quốc Vụ Khanh.

Xem ra Cornwell tin tưởng mù quáng vào điều được công bố trong hồi ký của Bác Sĩ Bruning. Ông này vốn là thủ tướng của Ðức trong các năm 1930-1932 trong một tình thế tuyệt vọng ( sau “Thứ Sáu Ðen” - thị trường chứng khóan New York tuột dốc – các chính phủ ngoại quốc đòi nợ, hàng triệu người thất nghiệp, và nhiều ngân hàng cũng như thương vụ phá sản). Bruning ráng hết sức làm được gì thì làm, nhưng ông cũng mắc nhiều lỗi lầm trầm trọng về kinh tế. Năm 1932, nội các của ông xụp đổ và điều này ám ảnh ông suốt quãng đời còn lại. Ông đổ cho đức cha Kaas đồng trách nhiệm trong việc hạ bệ ông, và vì Kaas làm việc cho Pacelli, cho nên ác cảm bệnh hoạn của ông được nối dài qua cả Pacelli nữa. Lúc còn làm thủ tướng, Bruning từng làm việc quá độ và rơi vào tình huống khủng hỏang thần kinh cao độ cũng như chính ông thuật lại từng có một cuộc gặp mặt đầy sóng gío với Pacelli. Cho nên những năm sau này khi ông viết hồi ký, nhân cách ông là một nhân cách cay đắng và thất vọng. Về chủ quan, sự trung thực của ông không ai nghi vấn, nhưng các chuyên gia cao cấp từng thách thức đúng đắn về sự thật khách quan trong các hồi ký ấy. Cornwell trích dẫn các hồi ký này mà không phê phán chi cả.

Cornwell cho rằng mình đã nghiên cứu tất cả các văn kiện trong cuộc điều tra theo giáo luật về việc phong chân phước cho đức Piô XII. Tuy nhiên ông lại bỏ qua hầu như 100% các phán quyết tích cực của mọi nhân chứng; điều này không trung thực. Ông tỏ ra tin tưởng mù quáng vào lời khai của người em gái đức Piô XII là người chỉ biết khen anh trai mình, mà lại thù nghịch đối với Mẹ Pascalina. Bất cứ thẩm phán khách quan nào cũng hiểu là người em gái ấy ganh tị với Pascalina là người hàng ngày tiếp xúc với Pacelli, lúc còn là Quốc vụ khanh và sau này là Giáo hoàng, trong khi bà chỉ họa hiếm mới được thấy anh trai. Lời bà tố cáo rằng Pascalina từ Berlin tới Rome không do lời yêu cầu của Pacelli và cả không có phép của bề trên riêng đương nhiên là lời tố cáo vô lý, ấy thế mà Cornwell lại một lần nữa, do những lý do ai cũng thấy, đã chấp nhận lời tố cáo không một chút dè dặt.

Cornwell cũng bỏ qua không nhắc gì tới những công bố của hồng y Montini trong lá thư gửi The Tablet ngay sau khi Hochhuth cho trình diễn vở Vị Ðại Diện của mình, cũng như những bênh vực của đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II. Hoặc có nhắc cũng chỉ nhắc cho qua lần chiếu lệ. Rồi còn tài liệu We Remember mới đây nữa trong đó có cả một phần ghi chú dài bênh vực đức Piô XII, Cornwell cũng coi thường. Những lời xưng tụng của Thống Chế Montgomery đối với đức Piô XII trên Sunday Times ngày 12 tháng 10 năm 1958 có lẽ dưới con mắt của Cornwell chỉ là những lời ngoại giao vô nghĩa. Nhưng Cornwell đâu ngờ là ở đầu giường vị thống chế Anh giáo này luôn luôn có hai tấm hình, một của thân phụ ông và hai của đức Piô XII.

Nói về vấn đề tài liệu, Cornwell tỏ ra không biết gì tới mặt trận chiến tranh chính trị đặc biệt do Anh chủ xướng nhằm tung ra những phúc trình giả về những bài truyền thanh của đài Vatican và các đài khác. Ông ta xem ra cũng không hay gì về những vụ giả mạo (forgeries) của Scattolini mà nhiều người tin như thật. Sau chiến tranh, Scattolini bị cảnh sát Ý bắt giữ mới chịu khai ra rằng các phúc trình đó (vào khỏang 1000 hết thẩy) là hoàn toàn do hắn bịa ra mục đích để kiếm tiền. Cornwell không bao giờ chịu kiểm chứng là mình có là nạn nhân và là nạn nhân đến bao nhiêu của anh chàng bị toà án Ý kết án và bỏ tù này… Chỉ còn một kết luận là không hiểu điều gì đã xúi giục con người này viết ra một cuốn sách kém chất lượng, phiến diện và hoàn toàn không đáng tin một chút nào như thế.

(Còn tiếp)