GIA TÔ BÍ LỤC TÂN THỜI

Năm 1981, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội tại Hà-Nội cho xuất bản cuốn Tây Dương Gia Tô Bí Lục với phụ đề Ghi Chép Những Chuyện Kín của Ðạo Gia Tô Tây Dương. Trang bìa sau và trang thứ tư của Sách ghi là “Lưu Hành Nội Bộ” với số lượng phát hành lên đến 20,500 bản và lời ghi: “sách in ngoài chỉ tiêu kế hoạch”.

Nếu có một chút liêm sỉ tối thiểu, hẳn cái gọi là Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội kia phải tự khai tử từ lâu rồi vì đã cho phổ biến một tác phẩm quái dị theo một cung cách có một không hai ấy. Một độc giả, chỉ cần học bậc trung học phổ thông, cũng đủ khám phá thấy cái tính sai sự thực lịch sử đến buồn cười của người giới thiệu, giải thích và ghi chú tác phẩm và do đó của cả cái gọi là Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội kia! Một thí dụ: trong lời giới thiệu, Ngô Ðức Thọ viết rằng “Vào cuối thế kỷ XVIII, giám mục khâm mạng toà thánh ở Việt-Nam phán quyết giải tán dòng Tên, sáp nhập giáo đồ vào dòng Ðôminic (tức Ðômingo)” (tr.12). Thế kỷ XVIII, giữa Việt-Nam và Vatican, đâu có liên hệ ngoại giao, mà bảo là có khâm mạng toà thánh. Còn việc phán quyết giải tán Dòng Tên mới nực cười, giải tán một hội dòng đâu phải là thẩm quyền của một khâm mạng tòa thánh! Thôi cũng cho là chấp nhận đi, vì ba cái thứ lẩm cẩm ấy thuộc lãnh vực chuyện thiên hạ, dốt cũng đâu có sao. Nhưng còn chuyện của mình thì sao. Xin nghe Ngô Ðức Thọ viết thêm: đây là “một tác phẩm truyện ký dã sử” do bốn giáo sĩ dòng Tên là Phạm Ngộ Hiên, Nguyễn Hoà Ðường, Nguyễn Bá Am, và Trần Ðình Hiên cùng soạn. Cả bốn người cùng sống vào khoảng cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. Hai người đầu là “hai giám mục địa phận Nam-Chân (nay là vùng Hải Hậu, Hà Nam Ninh)”. Hai người sau là “hai thầy cả trẻ quê ở Hải Dương” (tr.12). Ai cũng biết Giám Mục Việt-Nam tiên khởi là Nguyễn Bá Tòng, chỉ được tấn phong năm 1933 bởi Giáo Hoàng Piô XI. Chỉ có Ngô Ðức Thọ là mù tịt, dù trong phần Tài Liệu Tham Khảo ở cuối Sách, ông ta có kê khai ít nhất hai cuốn Lịch Sử về Giáo Hội Việt-Nam, đó là các cuốn Lịch Sử Ðạo Thiên Chúa ở Việt-Nam, xuất bản dưới quyền duyệt chính của linh mục L. Cadière và cụ Nguyễn Văn Tố, Huế, Ðại Việt thiện bản, 1944, và cuốn Lịch Sử Truyền Giáo ở Việt-Nam, của Nguyễn Hồng, Hiện Tại 1959.

Chỉ có thể kết luận đây là một kế hoạch rẻ tiền nhằm bóp méo sự thật, bôi lọ không phải một Giáo hội mà là một tôn giáo với gần hai ngàn năm lịch sử. Chỉ lạ, nó đã được Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội cho xuất bản. Họ đui hay họ cố ý đui để gieo mầm sai lạc. Chúng tôi vẫn cứ thắc mắc như thế từ những năm cuốn sách này xuất hiện. Nhưng, tưởng chỉ có cái thứ đại diện cho trí tuệ loài người của Cộng Sản Việt-Nam mới trâng tráo như thế, không ngờ, ngay trong xã hội Tây Phương, vẫn có những thứ Tây Dương Gia Tô Bí Lục. Tại Hoa Kỳ, một nhóm người Việt nào đó đã cho in lại cuốn sách trên và tại Úc này, có hiệu sách đã cho quảng cáo nó trên một tờ tuần san ở Melbourne. Nhưng chuyện còn lạ hơn nữa, đó là những cuốn loại Tây Dương Gia Tô Bí Lục do chính các tác giả Tây Phương công bố. Chúng tôi muốn nói đến hai cuốn sách: một là vở kịch Vị Ðại Diện (The Representative) của Rolf Hochhuth xuất bản năm 1963, hai là cuốn Giáo Hoàng Hitler (Hitler’s Pope) của John Cornwell, xuất bản năm 1999.

1. VỊ ÐẠI DIỆN

Vị Ðại Diện (Der Stellvertreter) là một vở kịch của Rolf Hochhuth, được trình diễn lần đầu tại Berlin ngày 20 tháng 2 năm 1963 và tại London ngày 25 tháng 9 cùng năm.Vở kịch gây một tiếng vang mạnh trong dư luận thế giới và tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi mấy chục năm qua. Trong vở kịch này, Hochhuth tố cáo Ðức Piô XII đã im hơi lặng tiếng không chống lại chính sách diệt Do-Thái của Hitler và do đó khiến thân phận người Do-Thái trở nên tồi tệ. Lời tố cáo ấy được người đóng vai linh mục dòng Tên Fontana nói lên: “Một Ðại Diện Ðức Kitô khi thấy tận mắt những điều này mà vẫn im hơi lặng tiếng chỉ vì chính sách quốc gia, mà vẫn trì hoãn dù chỉ một ngày… một giáo hoàng như thế… chẳng phải là một tội phạm sao?”.

Nếu lời kết án ấy nguyên tuyền chỉ là lời nói giả tưởng của một nhân vật kịch, thì phản ứng chẳng có chi mạnh. Ðàng này, Hochhuth lại muốn chứng minh rằng lời kết án ấy là lời kết án của lịch sử. Nên ông đã in thêm 46 trang tài liệu vào kịch bản. Trong số các tài liệu này, trích đoạn của văn hào công giáo Francois Mauriac đáng chú ý hơn cả. Trích đoạn đó như sau: “Chúng ta chưa được cái an ủi nghe đấng kế vị Người Miền Galilea, Simon Phêrô, kết án việc đóng đinh hằng hà sa số những ‘người anh em của Chúa.’ bằng một ngôn từ bất hàm hồ và rõ nghĩa chứ không bằng những ám chỉ ngoại giao … một tội ác cỡ này phải là trách nhiệm của những chứng nhân không chịu lên tiếng chống lại nó dù lý do của sự im lặng ấy là thế nào chăng nữa”. Lời tố cáo này vì thế đã gắn liền tên tuổi đức Piô XII vào cuộc tranh luận chung quanh Sự Im Lặng của Ngài trước tội ác tầy trời của Ðức Quốc Xã trong Thế Chiến Hai.

Thực ra Rolf Hochhuth là ai và kịch bản của ông ra đời trong hoàn cảnh nào? Theo Tiến Sĩ Joseph L. Lichten, một chính khách và một học giả Ba-Lan gốc Do-Thái, Giám Ðốc Quốc Tế Sự Vụ của Liên Ðoàn Chống Phỉ Báng B’nai B’rith, Rolf Hochhuth chỉ là một đứa trẻ (sinh năm 1931) dưới thời Ðức Piô XII và động lực chính của ông là sáng tác ra một vở kịch hay, chứ không phải một hồ sơ chính xác cho nên viễn tượng lịch sử của ông không đủ để phê phán chính đáng về các hành động của Ðức Piô XII. Mặt khác, ai cũng biết vở kịch này được trình diễn chỉ mấy tháng sau ngày bế mạc phiên đầu của Công Ðồng Vatican II và trước đó vụ xử Adolf Eichmann tại Do-Thái. Biến cố đầu đặt Giáo Hội Công Giáo lên hàng đầu trong dư luận thế giới và mở ra cả một kỷ nguyên hồi sinh tươi trẻ. Các lực lượng thù địch của Giáo hội ấy không muốn nằm im. Một trong các lực lượng đó chính là Nhà Nước Cộng Sản Nga. Ta biết ngay từ những năm 1944, cơ quan ngôn luận Nga Sô, Izvestia, đã từng kết án Vatican đồng loã với Hitler và Mussolini. Lời kết án này đã bị truyền thông Mỹ như tạp chí New York Times lên án nặng nề. Quốc Hội Tiểu Bang New York, trong phiên họp ngày 8 tháng 3 năm đó, cũng đồng thanh phản đối lời kết án kia, cho rằng cả đức Piô XI lẫn đức Piô XII đều từng lên án chủ nghĩa Phát-Xít lẫn chủ nghĩa Quốc Xã và “mọi hình thức cai trị độc tài khác trong cả các tuyên bố công lẫn tư từ năm 1931”. Hình thức cai trị độc tài khác dĩ nhiên là chế độ Cộng Sản, và sau khi hai chế độ đầu bị diệt vong, nền độc tài sau tỏ ra còn tàn bạo hơn chúng nhiều lần (nhận định của sử gia H. Philip) và do đó tiếp tục bị đức Piô XII lên án. Moscow trả đũa bằng cách đưa ra những trận phản công chống Vatican với luận đề chính là đức Piô XII muốn đi với Quốc Xã để chống lại Cộng Sản Nga. Biến cố sau (vụ xử Eichmann) làm thế giới bàng hoàng vì lần đầu tiên các tội ác chống người Do-Thái được miêu tả một cách hãi hùng, khiến dư luận thế giới phẫn nộ và cả một phong trào đi tìm giải thích xuất hiện. Những nhà trí thức và sử gia Do-Thái như Ben Hecht và Hannah Arendt đặt ra những nghi vấn đại loại như “Tại sao người Do-Thái, qua các lãnh tụ của chính họ, đã cộng tác với Quốc Xã trong việc tự hủy diệt chính mình?”, “Tại sao hàng triệu người Do-Thái đã đi vào cái chết của mình như những con chiên đi vào lò sát sinh?”. Arendt cho rằng sự đồng loã (complicity) của các nhà Zionist trong thảm kịch này là một trong “những trang đen tối nhất” trong lịch sử dân tộc họ. Nhiều người thấy những chất vấn ấy thật khó mà trả lời trực diện. Họ lên đường đi tìm con chiên thế tội và đức Piô XII, nay đã chết, trở thành mục tiêu thuận tiện để trút hận và giúp người ta quên đi vấn đề đồng lõa của những người Zionists do các nhà bất đồng chính kiến nêu ra (Xem William Hughes, Pope Pius XII: Victim of the Christian-Bashers).

Con chiên thế tội

Phải chăng chính trong môi trường trên, kịch bản của Rolf Hochhuth đã được viết ra và được chào đón như một thứ hỏa mù làm mờ đi hình ảnh Vatican II và tạo nên một thứ chiên chuộc tội (scapegoat) cho lương tâm Ðức Quốc và cả lương tâm một số nhà Zionists. Rolf Hochhuth vốn là người Ðông Ðức. Ðông Ðức lúc ấy dưới ảnh hưởng nặng nề của Liên Sô và vừa thiết lập xong Bức Tường Bá-Linh! Một điều đáng lưu ý là Hocchuth cũng xuất bản một kịch bản khác tố cáo Churchill giết người, nhưng kịch bản ấy không gây được tiếng vang nào. Vì nó không phù hợp với cái mảnh đất mầu mỡ đi tìm chiên thế tội lúc ấy.

Trở lại với tác phẩm của Hochhuth, tiến sĩ Lichten, trong tác phẩm Một Vấn Ðề thuộc Phán Ðoán: Giáo Hoàng Piô XII và Người Do-Thái (A Question of Judgment: Pius XII and the Jews), nhận xét rằng do cố tình bỏ qua (by lacunae), dụng ý chỉ muốn chứng minh luận đề của mình, tác phẩm của Hochhuth có tính thiên vị và đưa ra những kết luận bất công. Thí dụ như trong ấn bản tiếng Anh, trang 312, Hochhuth cho rằng những điều Donati phúc trình cho Trung Tâm Tài Liệu Do-Thái Hiện Ðại về thái độ chính thức của các viên chức ngoại giao Tòa Thánh cần được trích dẫn. Mùa Thu năm 1942, Donati có một thư ngắn nhắc đến hoàn cảnh người Do-Thái tại Miền Nam Nước Pháp nhờ linh mục dòng Capuchin là Cha Marie-Benoit chuyển cho Ðức Giáo Hoàng, trong đó ông kêu gọi sự giúp đỡ của ngài. “Nhưng sự giúp đỡ ấy không được đưa ra”. Thực tế, Tiến Sĩ Lichten cho hay Trung Tâm này tại Paris có rất nhiều tài liệu cho thấy nhiều người Do-Thái, đồng đạo của Angelo Donati, một người Ý gốc Do-Thái, đã được cứu sống nhờ những liên hệ giữa ông ta và Vatican. Mặt khác, khi trích Francois Mauriac, Hochhuth đã cố tình bỏ không trích những câu giữa của Mauriac: “Chắc chắn các lực lượng chiếm đóng có thể mang lại những áp lực không thể cưỡng lại được, chắc chắn sự im hơi lặng tiếng của Ðức Giáo Hoàng và các hồng y của ngài là một bổn phận kinh khủng nhất; điều quan trọng là phải tránh cho được những bất hạnh có khi còn tệ hơn nữa”. Ðiều ấy cho thấy Mauriac hiểu rõ thế lưỡng nan khủng khiếp của Ðức Piô XII. Khi bị chất vấn về điểm này, Hochhuth đã phải nhìn nhận và do đó đã cho thêm những câu ấy trong ấn bản tiếng Anh. Còn bản tiếng Ðức vẫn giữ nguyên.

Hocchuth cũng trích phúc trình của Ðại sứ Ðức cạnh Toà Thánh, Baron von Weizsacker, để kết án đức Piô XII, mà câu có giá nhất đối với ông ta là: đức Giáo Hoàng “đã không để mình bị dụ vào chỗ đưa ra bất cứ lời tuyên bố phô trương nào chống lại các vụ đầy ải người Do-Thái… Ngài đã làm những gì có thể làm, trong vấn đề tế nhị này cũng như trong các vấn đề khác, để không gây hại cho các mối liên hệ với chính phủ Ðức”. Phúc trình này có thật. Nhưng phải hiểu nó trong ngữ cảnh các hành xử cũng như thái độ của chính Weizsacker. Ông theo đuổi một chính sách cố ý đánh lừa chính các chủ nhân ông của mình bằng cách tự ý giải thích các đáp ứng của Ðức Giáo Hoàng với mục đích để che chở ngài khỏi nguy cơ rất có thể bị bắt giam. Cho nên khi Vatican gửi phản kháng lệnh bắt con tin đến ông, ông đã không chuyển các phản kháng ấy về Berlin, vì nghĩ rằng dù sao các phản kháng ấy cũng chả ai tại đó thèm đọc. Người ta phải tự hỏi vì lẽ gì con trai ông sau này trở thành Tổng Thống nổi danh của Cộng Hòa Liên Bang Ðức!

Thực ra những người chống đối Ðức Piô XII trong đó có Hochhuth không quên các cố gắng không ngừng nghỉ của Ngài trong việc trợ giúp người Do-Thái trong chiến tranh. Ðiều họ muốn nói là sự im hơi lặng tiếng đối với chế độ Hitler. John Lucas, trên National Review, số ngày 22 tháng 11 năm 1999, cho hay người ta phê phán không phải những điều đức Piô XII đã làm mà là những gì Ngài đã không làm. Khảo sát một con người vì những gì người ấy không nói hay không làm là một trách vụ khó khăn khi nói đến việc truy tầm sự thật. Mà thực ra, Ngài có im hơi lặng tiếng hay không? Không hẳn, những người chống đối cho rằng ngài có lên tiếng, nhưng ngôn từ xử dụng chỉ là những ngôn từ chung chung, trừu tượng, hàm hồ theo lối ngoại giao, không trực tiếp lên án Quốc Xã, không nêu đích danh chúng. Ðiều này đúng, nhưng người ta phải xét xem tại sao Ngài đã chọn không lên tiếng như vậy? Tiến Sĩ Lichten cho hay trong nền văn hóa Tây Phương, nguyên động lực là “yếu tố yếu tính trong bất cứ cuộc tranh luận nào về sự trung chính của một con người”.

Im lặng hay không im lặng

Ðúng là Ðức Piô XII đã chọn không nêu đích danh chế độ Quốc Xã trong các lời kết án công khai của mình, dù những lời kết án ấy có rất nhiều và ai cũng hiểu chúng nhắm vào chế độ tàn ác ấy, kể cả bọn Quốc Xã (Phúc Trình của Văn Phòng An-Ninh Quốc Xã Trung Ương Gestapo ngày 22/01/1943: “Giáo Hoàng đã bài bác Trật Tự Mới cho Âu Châu của Quốc Xã…Tuy Giáo Hoàng không nêu đích danh Quốc Xã tại Ðức, nhưng diễn văn của ông là một cuộc trường chinh chống lại tất cả những gì chúng ta chủ trương… Ở đây, ông ta rõ ràng lên tiếng nhân danh người Do-Thái”). Thực ra, tư chất học giả tự nhiên thúc đẩy ngài cầm bút soạn thảo văn kiện có đầu có đuôi chính thức lên án chủ nghĩa Quốc Xã, như đức tiền nhiệm của ngài đã làm với thông điệp Mit brennender Sorge (Với Nỗi Lo Âu Nẫu Lòng). Linh-Mục Peter Gumpel S.J., một sử gia và là thỉnh nguyện viên phong chân phước cho Ðức Piô XII xác nhận trong bài báo Ðức Piô XII Như Ngài Thực Sự Là (Pius XII As He Really Was): “Ðức Piô XII đã soạn một bản văn công khai phản đối việc bách hại người Do-Thái. Nhưng ngay trước khi bản văn được gửi cho Osservatore Romano, có tin trình cho ngài hay những hậu quả thảm hại trong sáng kiến của các giám mục Hòa-lan. Ngài kết luận rằng việc phản đối công khai, thay vì làm nhẹ số phận người Do-Thái, thực ra lại đã gia tăng sự bách hại chống lại họ và ngài quyết định không muốn chịu trách nhiệm về việc tự mình can thiệp để rồi cũng có cùng những hậu quả và có khi còn tệ hơn nữa. Nên ngài đã hủy bản văn kia đi” (xem Christopher McGath, Pius XII and the Holocaust). Trong thư gửi giám mục von Preysing, chính Ngài nhắc đến sự kiện này: “Ta để các giám mục (địa phương) cân nhắc các hoàn cảnh trong việc quyết định có nên tự chế hay không, để tránh sự dữ tệ hơn (ad majora mala vitanda). Việc tự chế đó nên làm nếu những tuyên bố công khai của các giám mục liều mình sẽ đem đến các nguy cơ trả thù và cưỡng bức. Ðó là một trong những lý do, chính Ta cũng tự chế các công bố công khai của Ta. Kinh nghiệm Ta có trong năm 1942 trong các tài liệu Ta công bố để phân phát cho các tín hữu đã biện minh cho thái độ của Ta”. Ngài cũng từng tâm sự với linh-mục Pizzo Scavizzi: “Ðôi khi ta nghĩ đến việc rút phép thông công, để nghiêm khắc lên án trước con mắt của toàn thế giới cái tội ác diệt chủng quá khủng khiếp. Nhưng sau nhiều cầu nguyện và nước mắt, Ta hiểu ra rằng lời kết án như thế chỉ đưa lại thất bại trong việc cứu giúp người Do-Thái, vì rất có thể nó sẽ khiến cho hoàn cảnh của họ ra tồi hơn… Hiển nhiên một phản đối công khai sẽ đem lại cho Ta lời khen ngợi và lòng ngưỡng phục của thế giới văn minh, nhưng có khi nó đưa người Do-Thái khốn khổ đến cơn bách hại còn tồi tệ hơn nữa”.

Tưởng nên nhắc lại biến cố thảm khốc xẩy ra tại Hòa-lan năm 1942. Ðược gợi hứng bởi thông điệp Opere et Caritate (bằng việc làm và bằng đức ái), và dù bị Nhà Nước đe doạ không được lên tiếng, nếu không sẽ lãnh hậu quả, các giám mục Hòa-lan cho công bố thư chung đề ngày 19/04/1942 để đọc trong mọi nhà thờ trong nước. Trong thư chung này, các ngài lên án “việc đối xử bất nhân và bất công nhằm vào người Do-Thái bởi những nhà cầm quyền trong đất nước chúng ta”. Quốc Xã trả lời bằng cách ruồng bố bất cứ tu sĩ, nữ tu, linh mục nào dù chỉ có một giọt máu Do-Thái trong người. Hơn 300 nạn nhân bị đưa tới Auschwitz và lập tức bị đẩy vào phòng hơi ngạt, trong đó có Edith Stein, nữ tu Carmelite, triết gia và huyền nhiệm học, người vừa được Giáo Hội tôn phong hiển thánh. Kết quả hành động anh hùng của hàng giáo phẩm Hòa-lan là 79 phần trăm người Do-Thái tại xứ này gồm 110,000 đàn ông, đàn bà và trẻ em đã bị thảm sát, một tỉ lệ cao nhất trong bất cứ quốc gia Tây Âu nào dưới ách thống trị của Quốc Xã. Thành ra, vấn đề ở đây chỉ là vấn đề phán đoán. Phán đoán có thể sai mà cũng có thể đúng. Nếu đối tượng của phán đóan chỉ là những điều trừu tượng, thì sai với đúng chẳng thành vấn đề, nhưng nếu đối tượng của phán đóan là mạng sống con người, thì không ai cho phép ta khinh xuất được. Nó bắt ta phải thận trọng lựa chọn và cái lựa chọn đúng nhất vẫn là ad majora mala vitanda (để tránh sự dữ tệ hơn). Chứng cớ rành rành. Hitler và đồng bọn, như nhận xét của Tiến Sĩ Lichten, không phải là những con người văn minh. Nên không thể đùa dỡn với chúng. Ngày 24 tháng Giêng năm 1943, Ngoại trưởng Quốc Xã, Joachim von Ribbentrop, chỉ thị cho Ðại Sứ Diego von Bergen thông báo cho Ðức Giáo Hoàng hay nếu Ngài hành động chống lại Ðệ Tam Quốc Xã (Reich), “Nước Ðức sẽ không thiếu các phương tiện trả đũa bằng võ lực”. Ðe doạ ấy được von Bergen chuyển cho Ðức Piô XII hai ngày sau. Không thể khinh xuất để cái tỉ lệ thảm sát khủng khiếp của Hòa-lan cũng được áp dụng tại các nơi khác của Tây Âu. Mặt khác, đã đành là có nhiều lời yêu cầu Ðức Piô lên tiếng công khai tố giác Quốc Xã, nhưng cũng không thiếu người cầu mong ngài đừng làm như vậy, oái oăm thay, họ lại chính là những nạn nhân trực tiếp của Quốc Xã. Ta hãy nghe Ðức Cha Jean Bernard, bị cầm tù tại Dachau và sau đó là giám mục Luxembourg, tâm sự: “Các linh mục bị cầm tù run sợ mỗi lần nghe tin có một thẩm quyền tôn giáo nào đó lên tiếng phản đối, đặc biệt là Vatican. Chúng tôi hết thẩy có cảm tưởng là các cai ngục bắt chúng tôi phải đền tội một cách nặng nề vì những lời phản đối ấy… Các mục sư Tin-Lành là những người hay bất bình nhất ‘lại cái ông giáo hoàng ngây thơ và các giám mục ẩu tả của các anh không giữ được miệng nữa rồi… Sao họ không lên tiếng một lần rồi ngậm miệng lại cho rồi. Cứ làm mã anh hùng để bọn này chịu trận!’”.

James Atkin trong bài How Pius XII Saved Jewish Lives, có kể một cặp vợ chồng Do-Thái từng bị giam tại trại tập trung nhưng sau trốn qua được Tây Ban Nha nhờ sự giúp đỡ của Ðức Piô XII cho hay “không ai trong chúng tôi muốn Ðức Giáo Hoàng lên tiếng phản đối công khai. Chúng tôi đều là những kẻ trốn chạy, mà kẻ trốn chạy đâu muốn người ta chỉ vào mình. Gestapo chắc chắn sẽ bị khích động hơn và sẽ gia tăng việc lùng bắt. Một khi Ðức Giáo Hoàng lên tiếng phản đối, Rome sẽ lập tức trở thành nơi kéo chú ý. Tốt hơn, Ðức Giáo Hoàng nên giữ im lặng. Lúc ấy chúng tôi đều nhất trí như vậy, và cả bây giờ nữa chúng tôi vẫn xác tín như thế”.

Một điểm nữa, ta cần phải để ý đến bản chất của những tên đầu sỏ Quốc Xã. Trên kia chúng tôi đã đề cập đến khía cạnh chúng không phải là những con người văn minh, nên lý lẽ chỉ làm chúng nổi sùng. Một lên án của Giáo Hoàng liệu có làm chúng dừng bước hay không, nhất là những người này không tin tưởng gì các nguyên tắc của Kitô Giáo, coi cái Ðạo ấy chẳng qua chỉ là Ðạo của những kẻ yếu đuối khiếp nhược? Nhiều người tỏ ra hoài nghi. Họ trích dẫn lời của Joseph Goebbels viết trong nhật ký của hắn rằng: “Một khi chúng tôi đã nắm được quyền hành, chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ nó. Họ sẽ phải kéo xác chết chúng tôi ra khỏi các phủ bộ”

(Còn tiếp)