Gia Tô Bí Lục Tân Thời (tiếp theo)

2. GIÁO HOÀNG HITLER (Hitler’s Pope)

Thực ra Hochhuth không lẻ loi như người ta tưởng, vì sau ông, một số tác giả khác như Friedlander, cũng tham gia vào trận tấn công không chính đáng chút nào này. Phần lớn các tác giả không phải là các sử gia chuyên nghiệp, cũng không đặt căn bản những điều mình viết trên phương pháp sử học, mà dựa vào các tài liệu đệ nhị đẳng (trích lại lời người khác, hoặc dựa vào bản sao chép các tài liệu lịch sử). Chính để góp phần soi sáng sự thật lịch sử, Ðức Phaolô Ðệ Lục đã làm một ngoại lệ bằng cách phá bỏ luật bí mật 70 năm vốn áp dụng xưa nay cho các văn khố Toà Thánh, và năm 1964, đã chỉ thị cho một nhóm học giả Dòng Tên nhuận chính các tài liệu thời chiến của Vatican để nhanh chóng cho xuất bản. Công trình nhuận chính ấy gồm 11 cuốn được ấn hành giữa các năm 1965 và 1981. Dưới tựa đề chung Các Văn Kiện và Tài Liệu của Tòa Thánh liên quan đến Ðệ Nhị Thế Chiến (ADSS-Actes et Documents du Saint Siège relatif à la Seconde Guerre Mondiale), các tài liệu này được công bố theo nguyên ngữ với các hướng dẫn nghiên cứu (apparatus) bằng tiếng Pháp kèm theo; chỉ có một cuốn, là cuốn thứ nhất, được ấn hành bằng tiếng Anh. Phạm vi các chứng từ nhờ thế thật đồ sộ và bác học.

Nhưng có lẽ vì quá đồ sộ và bác học, nên các tài liệu này trở thành một thứ nhạc thanh nhã được gẩy vào tai trâu chăng, nên vẫn có những người viết về Ðức Piô XII mà không gặt hái gì được nhờ bộ tài liệu ấy. Một trong số họ là John Cornwell, tác giả cuốn Giáo Hoàng Hitler, Lịch Sử Bí Mật về Piô XII (Hitler’s Pope, the Secret History of Pius XII), do nhà Viking xuất bản tại London năm 1999. Tựa đề này mà thôi cũng đủ giúp độc giả ngửi thấy cái mùi quen thuộc của Tây Dương Gia Tô Bí Lục, Ghi Chép Những Chuyện Kín của Ðạo Gia Tô Tây Dương. Sao mà giống nhau đến thế. Làm như John Cornwell có qua Hà-Nội thụ giáo không bằng! Cũng khó mà không có một kết luận như vậy, nếu ta đọc cái nguyên ủy đưa đến việc ra đời tác phẩm này.

Chủ ý

Trước khi tác phẩm trên được tung ra thị trường, nguyệt san thời thượng Vanity Fair có một bài phỏng vấn John Cornwell. Và căn cứ vào chính Lời Nói Ðầu của tác phẩm, người ta được biết: một cuộc đối thoại nẩy lửa giữa ông và một nhóm sinh viên liên quan đến Ðức Piô XII khiến ông muốn bênh vực ngài bằng một “tiểu sử đầy đủ” qua một cuốn sách có thể thoả mãn nhiều loại độc giả khác nhau, già cũng như trẻ, cả Công Giáo lẫn không Công Giáo. Ông bèn xin được phép vào các văn khố chủ yếu của Rome để tra cứu các tài liệu cần thiết. Phép này được cấp sau khi các viên chức Vatican bị thuyết phục là “tôi ở về phía bênh chủ đề. Hành động hoàn toàn theo thiện ý, hai thủ văn khố chủ yếu cho tôi phép được tự do đọc các tài liệu chưa ai được xem: đó là các lời khai có tuyên thệ được thu lượm suốt hơn 30 năm qua để phong chân phước cho Pacelli, cũng như các tài liệu tại Văn Phòng Quốc Vụ Khanh của Vatican… Ðến giữa năm 1997, lúc gần kết thúc việc tra cứu của mình, tôi thấy tôi rơi vào trạng thái chỉ có thể mô tả là bị xúc kích tinh thần (moral shock). Những tư liệu mà tôi thu lượm được, nếu xét cuộc đời của Pacelli dưới một cái nhìn bao quát hơn, sẽ đưa người ta tới không phải việc gỡ tội mà là việc phải kết án rộng rãi hơn nữa” (Giáo Hoàng Hitler, trang X). Và đấy là chủ ý của tác phẩm.

Trong Tây Dương Gia-Tô Bí Lục, (Ghi Chép Những Chuyện Kín Của Ðạo Gia-Tô Tây Dương), Ngô Ðức Thọ viết thế này: “Giáo Ðồ trấn Sơn Nam Hạ không chịu mất dòng (Tên), đã trích qũy nhà thờ và quyên góp thêm được một số tiền tạm đủ, khẩn thiết thỉnh cầu hai giám mục địa phận Nam Chân (nay là vùng Hải Hậu, Hà Nam Ninh) là Phạm Ngộ Hiên và Nguyễn Hòa Ðường sang Tây Dương đưa đơn khiếu nại lên Giáo Hoàng. Hai ông sợ giáo đồ đồng lọat bỏ đạo, đã nhận lời ra đi. Qua Ma Cao, đi thuyền biển mất sáu tháng, hai ông đến La-Mã khoảng giữa năm 1793, đưa đơn khiếu nại và được vào bệ kiến Giáo Hoàng. Hai ông được đón tiếp ân cần trang trọng, nhưng lời thỉnh cầu khôi phục dòng đạo thì không được giải quyết. Cũng trong dịp đó, hai ông được Giáo Hoàng đặc cách cho đọc một tập tài liệu mật của giáo hội… Về nước năm 1794, hai ông cùng nhau ôn trí nhớ, ghi lại nội dung cuốn sách đã được đọc trong điện Giáo Hoàng, đặt tên là Gia Tô Bí Pháp (Phép Kín Của Ðạo Gia-Tô), cất kín trong tráp để đợi thời, rồi bỏ chức giám mục mà ra khỏi đạo” (trang 12).

Ðúng là những ‘đầu óc lớn’ luôn luôn gặp nhau, dù là từ hai phương trời xa thẳm và cách nhau hàng 3, 4 thế kỷ. Chỉ có điều Cornwell không những không ra khỏi đạo sau khi được đọc hai bộ tài liệu mật trên, mà còn muốn bênh vực đạo khỏi cái mà ông gọi là những chính sách tập quyền độc đoán của ngôi vị giáo hoàng đã và đang hủy hoại Ðạo Công Giáo. Muốn thế thì trước mắt phải lên án con người sắp được Toà Phêrô phong chân phước và sau đó phong thánh, bởi nếu hai việc này diễn tiến, các chính sách của Eugenio Pacelli sẽ được nhìn nhận và như thế Ðạo Công Giáo sẽ “đóng ấn thiên niên kỷ thứ hai bằng một dối trá, và chuẩn bị thiên niên kỷ thứ ba cho những thảm hoạ mới” như nhận định của (cựu?) linh-mục James Carroll (xem The Holocaust and the Catholic Church. Không nên lẫn với linh mục Michael Carroll, Pius XII: Greatness Dishonoured).

Cornwell chỉ trích Hochhuth, coi đó là cuộc “tấn công tai tiếng nhất” nhằm vào Ðức Piô XII, “một hư cấu lịch sử ít dựa vào tài liệu… Còn trầm trọng hơn nữa, việc lên nhân vật Pacelli như một người giả hình ham tiền thật quá xa trọng điểm đến nực cười. Tuy nhiên quan trọng nhất, kịch bản của Hochhuth xâm phạm một trong những tiêu chuẩn căn bản nhất của một tài liệu: những chuyện kể và những chân dung trong đó chỉ có giá trị nếu có thể chứng minh được là chúng đúng sự thật” (tr. 365). Pacelli của Cornwell khác hẳn thế. “Các giáo hoàng của thế kỷ hai mươi không phải là những con người vị kỷ đi tìm kiêu hãnh, ngạo mạn (hubris), tham lam trần đời. Không trừ một ai, họ đều là những con người của cầu nguyện và lương tâm cao độ, bị trĩu nặng vì cái lịch sử ba chìm bẩy nổi của một định chế cổ xưa mà họ là đại diện. Pacelli cũng thế thôi” (tr.4). Trái với Hochhuth, Pacelli của Cornwell không hề ưa Hitler và bọn Quốc Xã, còn ghét bọn chúng là đàng khác. Mặt khác, Pacelli của Cornwell không hề nhát gan như Pacelli của Hochhuth, vì ngài dám làm trung gian trong một âm mưu lật đổ Hitler của tướng Ludwig Beck. Cornwell tấn công Pacelli trên một trận tuyến khác:“Tuy thế, việc ngài gây một ảnh hưởng sinh tử và đầy tội ác lên lịch sử của thế kỷ hiện nay là đề tài của sách này” (trang 4).

Ông kể ra các căn bản làm nền cho câu phán quyết trên đây. Trước nhất, Pacelli sinh tại Rome năm 1876 trong một gia đình gồm nhiều luật gia từng phục vụ ngôi vị giáo hoàng và đang bất mãn vì nhà nước tân lập Ý tiêu diệt các lãnh thổ của giáo hoàng. Thời ấy là thời của Ðức Piô IX, với Công Ðồng Vatican I và quyền vô ngộ. Cornwell không quên kể lại câu chuyện Pio Nono (biệt danh của Ðức Giáo Hoàng Piô Thứ Chín) nhận nuôi một đứa trẻ Do-Thái ngược với ý muốn của cha mẹ nó, tự mình săn sóc đứa trẻ cho đến lúc nó thụ phong linh-mục. Một thứ bài Do-Thái, theo Cornwell. Giáo dục tiểu học, rồi trung học và đại học của Pacelli, phần lớn diễn ra ngay trong chính gia đình với sự chăm sóc trực tiếp của mẹ, nhiễm đầy tinh thần bài Do-Thái của Tập San hàng đầu Civilta Cattolica. Rồi từ khung cảnh gia đình, Pacelli bước thẳng vào Vatican, một thứ Vatican bài dân chủ, bài tư tưởng Mỹ (Americanism), bài chủ trương tân thời (Modernism). Luận án tiến sĩ bàn về bản chất các tông hiệp (concordats, hiệp ước Toà Thánh ký với các chính phủ dân sự). Rồi tham dự vào việc soạn thảo Bộ Giáo Luật 1917 nhằm “khuôn định một cách toàn diện các điều kiện bên trong giáo hội” và với “tính vô ngộ tiệm tiến” trong mình, nó đã trở thành “một thứ chẳng giống thứ gì giáo hội vốn có trong suốt 2,000 năm hiện diện” bởi nó đem lại cho ngôi vị giáo hoàng sự thống trị bất thách thức từ trung ương Roma, bên dưới chỉ răm rắp cúi đầu tuân theo. Ðiều đáng chú ý hơn, Pacelli xử dụng Bộ Giáo Luật này làm nền cho Hiệp Ước Liên Bang (Reichkonkordat) ký với Hitler năm 1933, buộc người công giáo Ðức, kể cả Ðảng Trung Ương (Catholic Center Party), phải tự ý rút lui khỏi chính trường, nhường chỗ cho độc quyền Quốc Xã. Ðây là đòn chính Cornwell dùng để đo ván đối thủ. Theo ông, Ðức Piô XII không hề ưa Hitler, nhưng một cách khách quan, cái khuynh hướng trung ương tập quyền, phớt lờ quyền lợi các giáo hội địa phương, cái gì cũng muốn đưa về giáo hội trung ương đã làm ngài sai lầm nghiêm trọng đối với lịch sử qua việc ký kết hiệp ước với Hitler trong những điều kiện hết sức sai trái.”Hiệp ước của họ cho phép ngôi vị Giáo Hoàng có thể áp đặt Bộ Giáo Luật mới lên Người Công Giáo Ðức… Ðể đổi lại, Giáo Hội Công Giáo Ðức, đảng chính trị của nó tại nghị viện, và hàng trăm các hiệp hội và báo chí phải “tự ý” rút lui khỏi sinh hoạt xã hội và chính trị. Việc thoái lui chính trị của Công Giáo Ðức vào năm 1933, được thương thảo và áp đặt từ Vatican bởi Pacelli với sự thỏa thuận của Giáo Hoàng Piô XI, là một bảo đảm để Quốc Xã có thể lên cầm quyền mà không bị cộng đồng công giáo mạnh nhất trên thế giới chống đối” (tr. 7-8) (3). Ngoài ra, Cornwell còn nối kết việc ký kết hiệp ước này với Giải Pháp Chung Cuộc của Hitler đối với người Do-Thái. Ông viết: “Như Hitler đã huyên hoang trong buổi họp nội các ngày 14/07/1933, việc Pacelli cam kết không can thiệp đã giúp cho chế độ rảnh tay giải quyết vấn đề Do-Thái. Theo biên bản của nội các, ‘[Hitler] phát biểu ý kiến rằng người ta chỉ có thể coi nó như một thành quả lớn. Tông hiệp đem lại cơ may cho nước Ðức và tạo ra một khu vực tin tưởng đặc biệt có ý nghĩa trong việc khai triển cuộc đấu tranh chống Do-Thái quốc tế”. Ðối với Cornwell, bằng chứng bài Do-Thái của Pacelli không phải chỉ bắt đầu với tông hiệp này, nó bén rễ trong ngài từ lâu, ít nhất cũng từ lần đụng độ với nhóm Bolshevik tại Toà Sứ Thần tại Munich năm 1919. Trong thư ngày 18-04 gửi về Rome, ngài nhận xét về viên chỉ huy Bolshevik như sau: “Levien là một thanh niên, khỏang 30 hoặc 35 tuổi, cũng là một người Nga và là Do-Thái. Da mét, người bẩn thỉu, mắt lơ đãng, giọng nói không thanh nhã, thô bỉ, ghê tởm, với một bộ mặt vừa thông minh vừa lém lỉnh”. Và đây là bình luận của Cornwell: “việc nối kết căn tính Do-Thái với căn tính Bolshevik này xác nhận rằng Pacelli, từ những thập niên đầu 1940, đã nuôi dưỡng sự ngờ vực và khinh miệt đối với người Do-Thái vì những lý do chính trị”. Luận đề chính của tác phẩm vì thế được ông tóm gọn như sau: “Khảo sát sự nghiệp Pacelli từ đầu thế kỷ, những nghiên cứu của tôi cho thấy một câu chuyện về nỗ lực dành quyền vô tiền khoáng hậu cho giáo hoàng, một sự dành quyền đến năm 1933 đã đưa Giáo Hội Công Giáo vào thế đồng loã (complicity) với những lực lượng đen tối nhất của thời đại. Ðàng khác tôi cũng thấy bằng chứng cho thấy từ giai đoạn đầu của sự nghiệp, Pacelli đã để lộ một ác cảm không thể chối cãi đối với người Do-Thái, và rằng đường lối ngoại giao của ngài tại Ðức trong thập niên 1930 đã đưa lại hậu quả phản bội các hiệp hội chính trị Công Giáo rất có thể thách thức chế độ của Hitler và làm tiêu tan Giải Pháp Chung Cuộc. Eugenio không phải là một quái vật; trường hợp của ngài phức tạp, bi thảm hơn thế nhiều. Cái làm ta chú ý trong câu chuyện về ngài nằm ở sự phối hợp đầy định mệnh giữa những hoài bão thiêng liêng cao cả trong kình chống đối với khát vọng ngày một vươn cao muốn đạt quyền hành và khống chế. Chân dung về ngài không phải là chân dung của sự ác nhưng là chân dung về một tháo rời luân lý đầy bất hạnh - sự tháo rời quyền uy khỏi đức bác ái Kitô giáo. Hậu quả của sự tháo rời này chính là thoả hiệp với bạo chúa, và cuối cùng, với chính bạo lực” (tr.X-XI).

Phán quyết

Sau đó, Cornwell đã sử dụng gần 400 trang giấy để chứng minh phán quyết của mình. Giáo sư John S. Conway, trên Historian, Spring 2001, cho rằng, phán quyết ấy “rõ ràng là sản phẩm của một luân lý gia, chứ không phải của một sử gia”. Người có cái nhìn trung dung đối với tác phẩm của Cornwell như Arthur Jones, trên National Catholic Register (Nov 19, 1999) cũng coi các luận chứng của ông như là luận chứng của một “công tố viện… viết trong trả đũa hoặc tức giận… (với) một giọng văn loại bỏ bất cứ giả định vô tư nào”.

Thực ra Cornwell là ai và ông viết ra tác phẩm này với ý định gì? Trong một bài phỏng vấn của tập san Crisis số 1-03-2002, Cornwell cho hay ông không phản đối những người phê phán các luận chứng của ông và tranh biện về các chứng cớ lịch sử. Nhưng ông thất vọng bởi những người xử dụng các tranh luận nhắm vào con người (ad hominem arguments) ông, cho rằng ông không phải là người Công Giáo và hoài nghi ý định khởi đầu muốn bênh vực Ðức Piô XII của ông. Ông nhìn nhận mình không phải là một giáo sử gia cũng chẳng phải là một nhà thần học, nhưng muốn đóng góp phần mình từ ngoại biên vào cuộc tranh luận giữa hai khuynh hướng tập quyền độc đoán (centralization) và hợp quyền tập thể (collegiality) vốn có trong Giáo Hội xưa nay. Ông tin rằng sự đóng góp của ông có giá trị để tranh biện.

Ðiều ấy người ta rất hoài nghi. Ðã đành thói quen của ông là muốn những tựa đề thật kêu để kéo chú ý của người đọc như chính ông thú nhận khi cho ra đời tác phẩm Breaking Faith mới đây. Trả lời ký giả Deal Hudson, ông cho hay: “Tôi muốn có một tựa đề giật gân… Breaking Faith chủ yếu nói về việc tôi mất đức tin vào khoảng năm 1965 khi tôi 25 tuổi, và việc ấy đã đưa tôi xa Giáo Hội hơn 20 năm…” (Crisis, 1-03-2002). Người ta thông cảm với Cornwell trong Breaking Faith, vì dù sao ông cũng là em ruột của nhà viết tiểu thuyết gián điệp John Le Carré. Nhưng đấy là chuyện riêng, chuyện lịch sử thì không thể giật gân kiểu ấy được, nhất là cái phụ ghi Secret History of Pius XII. Không một dấu than, không một dấu hỏi, không thể để mà tranh luận, nguyên tuyền chỉ là khẳng định dưới danh nghĩa sử học. Và do đó, người ta chỉ có thể nói ông thiếu hẳn tính liêm sỉ của một tác giả.

Sau khi bị chỉ trích nặng nề cả về giá trị khảo cứu lẫn tính bất thống trong đức tin Công Giáo của mình, Cornwell mới cho ra đời Breaking Faith để biện minh cho ý ngay lành của mình và chứng minh mình là người Công giáo hoặc ít nhất cũng là người Công giáo đã quay trở về. Chứ trước đây ông vẫn huyên hoang về việc bỏ đạo của mình. Theo Giáo Sư Ronald J. Rychlak của trường Luật Mississippi, tác giả cuốn Hitler, the War, and the Pope, đến tận cuối năm 1993, Cornwell vẫn cho mình là một người theo thuyết bất khả tri (agnostic) và là một cựu tín đồ Công giáo. Trên Washington Post số 24 tháng 12 năm 1989, ông nói về ông như một cựu chủng sinh học ở Học Viện Anh tại Rome, rất quen thuộc với “đường đất Vatican”, người “từ lâu rời bỏ chủng viện và Ðức tin Công giáo, và nhờ thế đã viết với một quan điểm gay gắt, lạnh lùng, hằn học về Vatican mà chỉ những cựu Công giáo quen thuộc với Rome mới tinh thông”. Trong cuốn bán-tự truyện Hiding Place of God (1991), ông không mô tả mình như một thanh niên trung thành với đạo Công Giáo, huống hồ là trung thành với đức Piô. Thay vào đó, ông miêu tả mình như một người theo thuyết bất khả tri, đánh mất đức tin lúc học ở chủng viện, luôn luôn dụ dỗ các bạn chủng sinh của mình bỏ đạo. Hoài mong chính của ông là kiếm ra “bạn đồng hành âu yếm” có thể giúp chàng thanh niên “tan nát bởi những dằn vặt xác thân”. Trong thời gian ở Rome để viết cuốn A Thief in the Night năm 1989 nói về cái chết của Ðức Gioan Phaolô I, ông tỏ ra ngỡ ngàng khi được mời dự thánh lễ của đức Giáo Hoàng; “Thánh lễ ư? Nhưng tôi không rước lễ đâu nhé!”. Cái chiêu bài quay trở về với đức tin Công giáo khi viết Hitler’s Pope, vì thế, chỉ là một biện minh ít có người chấp nhận được. Nhất là khi Cornwell không chịu chừa bất cứ một điểm nào trong việc chế nhạo Ðức Piô XII. Ta hãy nghe ông nói về xác chết của Ngài: “Ông bác sĩ tốt lành (Galeazzi-Lisi) nhận nhiệm vụ tẩm liệm, muốn thử nghiệm phương pháp mới nên đã để cả ruột lại; kết quả, xác chết bắt đầu thối rữa ngay lập tức dưới cái nóng mùa thu. Khi xe tang dừng lại bên ngoài nhà thờ Thánh Gioan Lateran, một loạt hơi địt và ợ hơi khiếp đảm được nghe thấy phát ra từ quan tài, hậu quả rõ ràng do việc xình bụng nhanh chóng gây nên.Trong lúc quàn tại Ðền Thờ Thánh Phêrô, khuôn mặt của vị giáo hoàng quá cố biến qua mầu xám xanh rồi tím ngắt, và mùi hôi thối khủng khiếp xông lên đến độ các vệ binh đứng canh phải té xỉu. Một sự bất xứng cuối cùng là mũi của ngài biến qua mầu đen và rơi khỏi mặt trước lúc hạ huyệt” (tr.358) (4). Quả đúng như Rychlak nhận định: “Cornwell không biết một giới hạn nào trong nỗ lực phỉ báng (vilify) vị Giáo Hoàng đã chết. Nhà văn này khởi đầu bằng việc tuyên bố mình khởi sự các “tìm tòi” của mình với lòng ngưỡng mộ cao độ nhất đối với Ðức Piô XII và đã kết thúc bằng việc vi phạm phép lịch sự thông thường (common decency) qua việc nhạo báng tử thi người quá cố”. John F. Morley khi điểm sách của Cornwell nhận định rằng: ”Suốt trong cuốn sách, Cornwell khư khư giải thích mọi quyết định và hành động của Pacelli một cách thù nghịch nhất đối với ông”.

Bom nổ chậm hay bom tịt ngòi

Thực ra là người công giáo hay không, điều ấy không quan trọng. Quan trọng là những điều viết ra có đúng sự thật lịch sử hay không về một con người lịch sử căn cứ vào những tài liệu lịch sử. Về phương diện tài liệu, Cornwell vừa tự phóng đại vừa tự cho thấy khả năng yếu kém của mình trong việc tra cứu tài liệu.

Thực vậy, trước khi tung ra thị trường tác phẩm của mình, Cornwell cho công chúng, qua tập san bán khiêu dâm Vanity Fair, hay “Trong nhiều tháng liên tiếp tôi lục lọi các hồ sơ về Pacelli, có từ những năm 1912, trong một ngục tối không cửa sổ bên dưới Tháp Borgia tại Kinh Thành Vatican…”. Ðúng là lối hành văn theo bước chân ông anh ruột John Le Carré. Ðộc giả hẳn nghĩ: Chà quả là mạo hiểm! Làm việc trong một ngục tối, điên người lục lọi các hồ sơ mật chỉ mấy thước dưới căn phòng gia đình Borgia từng phạm những tội ác tầy trời! Sự thực chẳng có ngục tối nào hết mà chỉ là một nhà vòm dưới đất nơi lưu trữ hồ sơ, cũng chẳng làm chi có cảnh lục lọi một mình, bởi bên cạnh ông luôn có một thủ văn khố sẵn sàng cung cấp hồ sơ theo yêu cầu. Và khi ông nói các hồ sơ về Pacelli có từ năm 1912, ông quên không cho độc giả hay các hồ sơ chỉ là những hồ sơ từ năm 1912 đến năm 1922, những hồ sơ chẳng liên quan gì đến Hitler, Quốc Xã và Holocaust. Linh mục Gumpel Dòng Tên còn nhấn mạnh thêm: những tài liệu ấy cuối cùng không được chính Cornwell sử dụng! (xem Zenit Daily Dispatch, ngày 3-10-1999). Thời gian tại Văn Khố Vatican cũng được phóng đại, chẳng có chi nhiều tháng liên tiếp, bởi ông chỉ ở đó từ 12 tháng Năm 1997 đến 2 tháng Sáu cùng năm, nghĩa là khoảng 3 tuần lễ, và không phải ngày nào cũng đến mà có đến cũng chỉ trong thời gian ngắn như Thông Báo của Toà Thánh đăng trên L’Osservatore Romano ngày 13 tháng Mười năm 1999 đã chứng tỏ. Thông Báo này cũng bác bỏ lời khoác lác của Cornwell trên tờ The Sunday Times ngày 12 tháng Chín năm 1999 rằng ‘Tôi cố gắng viết một lượng giá đầu tiên có tính bác học và chân thực về đức Piô XII’. Thực ra, công luận biết rằng John Cornwell là một nhà báo, không có văn bằng đại học nào về lịch sử, luật lệ hay thần học. Nên không ngạc nhiên gì khi cuốn sách ông viết ra đã bị nhiều học giả nổi tiếng thế giới chỉ trích ở mọi góc cạnh. Cornwell cho rằng các tài liệu ông tìm thấy tại Vatican đã được giữ hoàn toàn bí mật cho đến khi ông tra cứu. Ông muốn nói đến bức thư ngày 18 tháng Tư năm 1919 do sứ thần toà thánh tại Bavaria, Tổng Giám Mục Pacelli, gửi cho Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, một tài liệu được dấu kín tại Văn Khố Vatican “như một trái bom nổ chậm” (time bomb). Thực ra trọn bộ bức thư này đã được công bố trong tác phẩm của E. Fattorini Germania e Santa Sede: Le nunziature di Pacelli tra la Grande Guerra e la Republica di Weimar (Ðức Quốc và Toà Thánh: Toà Khâm Sứ Thời Pacelli giữa Ðại Chiến và Cộng Hoà Weimar) xuất bản năm 1992 tại Bologna do nhà xuất bản Societa Editrice Il Mulino. Chắc chắn trái bom nổ chậm ấy đã nổ ít nhất 7 năm trước tác phẩm của Cornwell rồi! Ông cũng không phải là ‘học giả’ đầu tiên được tra cứu các tài liệu của Văn Khố Vatican, và nhất là cũng chẳng cần phải giả đò tỏ ra thân thiện mới được vào đó tra cứu. Cornwell lầm tưởng cái số 1 thứ tự trên thẻ nhập Văn Khố của ông là cái số 1 trong suốt lịch sử của Văn Khố. Thực ra theo LM Gumpel, gần đây hình thức thẻ nhập Văn Khố có thay đổi và thẻ của Cornwell là thẻ đầu tiên trong loạt thẻ mới. Ðàng khác, theo tập san Inside the Vatican, bất cứ học giả chính hiệu (qualified) nào cũng được cấp thẻ vào Văn Khố để tra cứu, không cần phải qua một sát hạch xem họ có “ủng hộ” hay “không ủng hộ” một giáo hoàng hay một giáo sĩ nào, chỉ cần họ phúc trình chính xác điều họ tìm thấy.

Nói tóm lại, công trình nghiên cứu và giả đò thân thiện của Cornwell chẳng đem lại kết quả gì. Bởi ngoài Trái Bom Nổ Chậm mà chẳng nổ chậm chút nào trên kia, Cornwell không thêm được một tài liệu gì hết như nhận định của nhiều người. John S. Conway khi điểm sách của Cornwell trên Historian Spring, 2001 cho hay: “Kết quả là một làn sóng trống đánh suôi kèn thổi ngược mới chứ không có một tiết lộ lịch sử gì mới hết. Thực vậy, luận chứng chính của tác giả chống các Tông Hiệp là lấy từ The Churches and the Third Reich (1977) của Klaus Scholder. Ông không thêm được điều gì mới cho cuộc tranh luận, vì cả ông lẫn những người bênh vực Pacelli đều chưa đọc được các hồ sơ của Vatican, là cơ quan mới chỉ mở Văn Khố cho đến thời 1922 mà thôi”. Theo tập san Inside the Vatican, số tháng 10 năm 1999, Cornwell không trích dẫn được một tài liệu nào mới từ các văn khố về mối liên hệ của Ðức Piô XII và Hitler, vì một lý do đơn giản: Cornwell không được phép đọc bất cứ tài liệu văn khố nào sau năm 1922. Và lẽ đương nhiên, trước năm 1922, Hitler vẫn còn vô nghĩa về chính trị.

Ðàng khác, điều Cornwell cho là một trái bom, thực ra chẳng phải là bom chút nào, mà chỉ là một trái pháo tịt ngòi, vì nó chẳng xác nhận được điều chi về quan điểm của Ðức Piô XII đối với người Do-Thái. Trước nhất, ta không biết liệu có phải chính Ðức Piô XII viết bức thư đó hay không. Chính Cornwell cho hay ngài không đích thân đi gặp nhóm Bolshevik, mà là phụ tá của ngài đi gặp. Ðiều ấy cho thấy bức thư kia có thể đã hoặc do vị phụ tá soạn và Ðức Piô XII chỉ ký thôi, hoặc chính ngài soạn căn cứ vào phúc trình hay tờ trình của vị phụ tá.

Nhận định về lá thư này, John T. Pawlikowski trên Christian Century (Feb 23,2000) cho hay lời phẩm bình ấy có thể không thích đáng, nhưng nhiều người Do-Thái thời ấy còn nói nhiều điều tệ hơn thế về những người Do-Thái theo Bolshevik. Còn Linh Mục Peter Gumpel thì nhận định như sau: Cornwell chỉ thù nghịch trích dẫn có một giòng trong lá thư dài sáu trang. Trong bức thư này không có điều gì chống người Do-Thái cả. Ðiều duy nhất bức thư nói là Levien và người yêu của anh ta là người Do-Thái. Ðó chỉ là một quan sát trong một tài liệu có tính chất thông tin. Họ là người Do-Thái, cũng như họ có thể là Kitô hữu. Hơn nữa, ai cũng biết, vào thời ấy, hàng ngũ lãnh đạo cộng sản bao gồm nhiều người Do-Thái vô thần, họ từng bách hại bất cứ hình thức tôn giáo nào, kể cả Do-Thái Giáo. Ðưa văn bản này ra làm bằng chứng cho chủ nghĩa bài Do-Thái của đức Pacelli dường như là một bóp méo do một phân tích phe đảng và thiên vị gây ra. Cornwell không khám phá được điều chi mới cả; ông ta chỉ sao chép các tài liệu đã công bố và đã làm cho chúng ra sai dạng. Ða số các nguồn tài liệu của ông đều là đệ nhị đẳng, và việc chọn lựa cực kỳ thiên vị.

Michell Bard, thuộc The American-Israel Cooperation Enterprise, cho hay: những khám phá mà ông cung cấp tài liệu không biện minh được tựa đề giật gân của cuốn sách. Phần lớn cuốn sách không bàn gì đến người Do-Thái và Cuộc Diệt Chủng (Holocaust). Ðúng hơn nó mở mắt cho thấy những chạy vạy trong chính sách ngoại giao của Pacelli và các viên chức Vatican khác.

Ðối với Linh Mục Gumpel, công kích của Cornwell là một phát súng rẻ tiền chống lại Ðức Piô XII. Trước nhất nó chứng tỏ tác giả chỉ là một thứ học giả tầm thường. Bảng liệt kê các chữ viết tắt và các nguồn tài liệu văn khố tỏ ra hết sức ít ỏi, gồm luôn cả những nguồn thực chất không có tính văn khố chút nào. Khá nhiều tài liệu văn khố hoặc các công trình bác học đáng lẽ cần được tham khảo lại không có. Phần lớn các trích dẫn lại là những nguồn do người khác trích lại, mà ngay những trích dẫn ấy cũng có tính lựa lọc. Công trình cổ điển của Giáo sư Heinz Hftrten, Deutsche Katholiken 1918-1945 (Người Công Giáo Ðức 1918-1945), chỉ được trích dẫn có một lần, mà lại trích dẫn sai nữa. Trong số hơn 40 cuốn tài liệu được nhiều người khuyên nên dùng do Kommission fur Zeitgeschichte xuất bản, Cornwell chỉ nhắc đến một hoặc hai. Phần lớn, Cornwell nhắc đến các nguồn văn khố hay các nguồn khác như là đã được “trích dẫn bởi Scholder”, một sử gia người Ðức về giáo hội và là giáo sư tại Ðại Học Tubingen bên Ðức. Khi được người ta cho hay các ấn phẩm khác, như của Giáo sư Ludwig Volk chẳng hạn, đáng tin cậy hơn, Cornwell cho rằng: “danh tiếng của Scholder trong tư cách sử gia giáo hội không một ai trong giới bác học Ðức dám thách thức”. Một tuyên bố như thế cho thấy Cornwell không biết gì tới những cuộc tranh luận cao cấp trong đó công trình của Scholder từng bị chỉ trích nặng nề.

Trong số các công trình bác học đáng lẽ Cornwell nên tham khảo phải là công trình của tác giả Hung gia lợi gốc Do-Thái Jeno Levai, Hungarian Jewry and the Papacy (Bản tiếng Anh do Sands and Co xuất bản tại London năm 1968). Levai đã phụ đề cuốn sách một cách có nghĩa lý là “Giáo Hoàng Piô XII không giữ im lặng” và đã yêu cầu Tiến Sĩ Robert M.W. Kempner, trước đây vốn là phó công tố viên chính của Mỹ tại tòa án quốc tế Nuremberg, viết lời phi lộ và lời bạt. Kempner là người gốc Do-Thái và là một luật sư nổi tiếng của Bá Linh. Khi Quốc Xã lên cầm quyền, ông chạy qua Mỹ. Chính ông thân hành hỏi cung các tội phạm Quốc Xã cao cấp bị đem ra xử tại tòa án Nuremberg và do đó rất quen thuộc với các tài liệu của chế độ Hitler. Kempner bênh vực đức Piô XII trước những công kích từng được đưa ra trước đó, cho rằng những phản kháng công khai chỉ vô ích, và không những gạt bỏ thẳng thừng kịch bản Vị Ðại Diện của Rolf Hochhuth, mà cả các sách của Guenter Lewry và Saul Friedlander, là những tác phẩm “không đưa ra được lý do nào khiến ông phải thay đổi quan điểm”.

Cornwell căn bản dựa vào Lewry (The Catholic Church and Nazi Germany-New York 1964) và Friedlander (Pius XII and the Third Reich-Paris 1964), cả hai tác giả từng bị nhiều chuyên gia, trong đó có nhà thần học Henri de Lubac, chỉ trích nặng nề. De Lubac nói rằng sách của Friedlander “đúng hơn thuộc lãnh vực văn chương lá cải (pamphleteer) mà một nhà phê bình đã cho rằng tác giả của chúng tuân theo một phương pháp không có gì khác hơn là đánh lạc sự thật lịch sử một cách phiến diện và vô trách nhiệm”.