Việt Nam nói họ đã khống chế được dịch cúm gia cầm và sẽ cho phép tiêu thụ thịt gà trở lại, trước mắt là ở hai thành phố lớn.

Trong khi đó, đại diện của tổ chức Y tế thế giới, WHO, tại Hà nội nói họ vẫn theo đuổi một cái nhìn thận trọng về tình hình dịch bệnh tại VN, và khuyên nhủ các cơ quan không nên có thái độ lơi lỏng trong công tác kiểm soát và phòng chống.

Hai tháng cao điểm của dịch bệnh cúm gà đã làm cho 15 người tử vong, đưa VN trở thành một trong hai quốc gia có số người tử nạn vì dịch bệnh cao nhất tại Á châu.

Theo giới chức ngành thú y VN thì cho đến ngày 29/2, về cơ bản VN đã khống chế được cúm gà. Ông Bùi Quang Anh là cục trưởng cục thú y VN giải thích:

Chúng tôi cơ bản là đã khống chế đươc dịch gia cầm trong cả nước. tức là không có thêm ổ dịch và không có thêm gia cầm phải tiêu hủy.

Hiện nay VN chưa công bố là đã hết dịch. Theo chúng tôi nghĩ là chỉ công bố là chúng tôi khống chế được dịch. Trong 10 ngày lại đây thì tình hình dịch nó giảm dần, và 5 ngày lại đây thì không có ổ dịch thêm.


Ông Anh nói thêm là ở các trang trại lớn, khu vực chăn nuôi gà công nghiệp hay trại giống đã không tái phát dịch, dù cần phải theo dõi sát hơn gia cầm ở các hộ gia đình.

Tuy nhiên một tuyên bố như vậy trong bối cảnh cúm gia cầm vẫn còn được phát hiện tại VN, hay mới đây nhất tại Nhật bản - đã làm cho tổ chức y tế thế giới – WHO quan tâm. Phát ngôn nhân cho WHO tại Hà nội là bà Maria Cheng, người kêu gọi VN nên hàng động thận trọng:

Thật đáng tiếc khi có ai đó nói rằng họ đã khống chế được dịch bệnh. Chừng nào vuirus cúm gà còn xuất hiện ở trong vùng Á châu, chúng tôi tin là sẽ còn xuất hiện thêm một số ca lây nhiễm sang người.

Theo tôi thì chỉ có cơ quan Lương Nông của LHQ - FAO mới có đủ chức năng để tuyên bố về dịch bệnh đã chấm dứt hay còn lây lan.

Chúng ta đã chứng kiến dịch cúm gà xuất hiện ở hơn 2/3 số tỉnh thành của VN và tôi không tin rằng chúng đã được kiểm soát. Và chúng tôi cho rằng phải mất thêm vài tháng nữa, hay thậm chí đến cả một vài năm, thì dịch bệnh này mới được coi là được khống chế tại một nước như VN.


Người ta chờ đợi là tới ngày 5/3 tới đây, Bộ Nông nghiệp VN sẽ cho phép hai thành phố, là Hà nội và HCM, tiêu thụ thịt gà trở lại. Tuy nhiên quan ngại vẫn còn đâu đó trong đó có ông Mai Quốc Bình, phó chủ tịch UBND tp HCM:

Quy định này là của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn qui định ngày 5/3 các loại gia cầm qua chế biến đã có sự xác nhận của ngành thú y thì được bán ở thị trường.

Riêng thành phố thì tụi tôi có đề nghị là bởi vì thành phố nó quan hệ với các tỉnh rộng lắm, cái vùng giáp danh nó rộng quá, đường sông, đường bộ, rồi kể cả ngõ ngách các thứ mà nếu mà mình không có kỹ thì các loại gia cầm thực phẩm nó xâm nhập kém phẩm chất thì cũng ngại.

Do đó chúng tôi đề nghị phối hợp các ngành hay địa phương với nhau để tính toán ngăn chặn tối đa cái sự tự phát hay vận chuyển gia cầm chế biến mà không qua kiểm tra. Phải có dấu của thú y kiểm tra đóng dấu vào đó.


Đài BBC có hỏi ý kiến một số tỉnh khác về khả năng cho thịt gia cầm lưu thông trở lại. Ông Nguyễn Thanh Nguyên là phó chủ tịch tỉnh Long An, một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề bởi dịch cúm gia cầm ngay trong những ngày đầu tiên. Vậy ông có nhận xét về diễn biến dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam cho đến thời điểm này?

Ở miền nam thì vẫn còn một hai tỉnh vẫn còn vài điểm xã xảy ra cách đây khoảng chừng hơn một tuần. Nhưng khoảng một tuần nay thì không có điểm nào xảy ra cúm cả.

Cho nên khả năng là từ mươi đến mười năm ngày nữa rất nhiều tỉnh sẽ tuyên bố là không còn cúm gà. Tại tỉnh Long An, hơn 15 năm ngày nay thì không phát hiện thêm ổ nào một phần là tại vì chúng tôi đã diệt hết gà rồi, diệt đến 6.8 triệu con gia cầm, hiện chỉ còn rất ít trong hộ gia đình thôi không còn nhiều lắm.


BBC Thế thưa ông liệu đến ngày 5/3 ông có cho phép thịt gà tiêu thụ trở lại hay không theo như khuyến cáo của Bộ NN dành cho hai thành phố

Chưa đâu ông à, tôi phải chờ một thời gian nữa. Một số nơi thời gian này vẫn có người bị mắc cúm cho nên chúng tôi phải chờ một số thời gian cho nó an toàn khi biết chắc là không còn ổ dịch thì chúng tôi mới cho các lưu chuyển gia cầm trở lại.(bbc)