GENEVA - Theo tin ngày 23-6-2006 của hai hãng thông tấn AFP và Bloomberg, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO: World Health Organization) tại Geneva vừa chính thức xác nhận là bệnh cúm gà đã trực tiếp truyền từ người sang người trong một gia đình ở Indonesia. Đây là trường hợp đầu tiên được xác nhận sau những thử nghiệm của các chuyên viên y tế.

Khám gà bệnh ở Thái Lan
Sợ cả trứng gà!
Mẫu vi trùng lấy từ một bé trai 10 tuổi sau khi em chết vì loại cúm H5N1 cho thấy đã có một biến đổi nhỏ về cơ cấu di truyền (genetic sequence) của vi trùng. Vi trùng từ cha em, chết sau đó một thời gian, cũng có cùng một biến đổi. Sự biến đổi tương tự này của vi trùng ở hai người là bằng chứng của sự truyền nhiễm trực tiếp từ người sang người.

Tuy nhiên, ông Dick Thompson, phát ngôn viên của tổ chức y tế WHO, cho biết rằng thay đổi về nhiễm sắc thể này không đáng kể về mặt bệnh lý học và cũng không phải là bằng chứng về sự truyền nhiễm dễ dàng từ người qua người.

Trước đây, khi bảy người trong cùng một gia đình ở đảo Sumatra, Indonesia, bị nhiễm vi trùng cúm gà, các viên chức y tế thế giới đã rất lo ngại vì đây là trường hợp lây bệnh lan rộng nhất và là lần đầu tiên có truyền nhiễm dây chuyền 3 người. Tuy nhiên, trường hợp này không được chính thức xác nhận là có truyền nhiễm từ người qua người.

Trước vụ lây bệnh ở Sumatra, các chuyên viên y tế nghi ngờ là đã có sự truyền bệnh cúm gà từ người qua người ở Thái Lan vào năm 2004. Theo tuần báo y khoa “The New England Journal of Medicine,” số ra ngày 27-01-2005, trong trường hợp ở Thái Lan, vi trùng cúm gà đã được truyền từ một bé gái 11 tuổi qua dì và mẹ của em, khiến cả hai mẹ con đều chết. Tuy vậy, những người khác có tiếp xúc với bé gái vẫn không bị cúm.

Cũng theo tổ chức WHO, ít nhất là 130 trong số 228 người được biết là bị cúm gà từ năm 2003 đã thiệt mạng.



Các tổ chức tôn giáo & việc đối phó với dịch cúm gà

Catholic Relief Services (CRS), một tổ chức từ thiện hải ngoại của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ, hiện rất quan tâm đến hiểm họa cúm gà trở thành một bệnh dịch. Ông Greg Bastian, đại diện của CRS ở vùng Đông Nam Á và Đông Á, đang là người điều hợp một nhóm tư vấn về hiểm họa cúm gà.

Một chú gà bị cúm và bị cách ly!
Với nhân viên và các kế hoạch từ thiện ở 99 quốc gia, tổ chức CRS chú trọng đến việc thông tin và giáo dục liên hệ đến bệnh cúm gà và làm thế nào để ngăn ngừa việc truyền bệnh. Thí dụ như CRS đang nỗ lực giúp dân Cambodia thay đổi lối sống để bớt nguy cơ lây bệnh, cụ thể là khuyên các nông dân ở đây lùa gà vào chuồng ban đêm để giảm thiểu việc tiếp cận với trẻ em.

Tổ chức CRS cũng quan tâm nhắc nhở các nhân viên của mình những biện pháp phòng bệnh để còn có thể làm công tác cứu trợ khi bệnh dịch hoành hành, nếu không thì chính nhân viên CRS cũng thành nạn nhân.

Tại thủ đô Washington, dịch cúm gà có vẻ còn xa, tuy nhiên đã có những chuẩn bị để đối phó với hiểm họa này, mà vai trò quan trọng là ở các cộng đồng tôn giáo. Kế hoạch đối phó với dịch cúm gà của chính phủ Tổng Thống Bush nhấn mạnh truyền thống giúp người hoạn nạn của các cộng đồng này, ca ngợi khả năng huy động nhân lực và sự nhậy bén với những người yếu đuối của họ, và đặc biệt là khả năng lại gần những nhóm người vốn né tránh các cơ quan công quyền.

Đằng khác chính quyền Mỹ cũng tỏ ra quan ngại là nếu bệnh cúm gà H5N1 trở thành một bệnh dịch lan truyền từ người qua người, những buổi lễ ở các nhà thờ và đền chùa sẽ là một trong những cuộc tụ họp phải bị đình chỉ đầu tiên.

Trong những thực tập của Sở Y Tế tiểu bang California về tình huống bị dịch cúm gà, có một tình huống là tất cả mọi giáo dân của một xứ đạo Công Giáo sẽ phải bị cách ly (quarantined) nếu một linh mục bị cúm gà cho giáo dân rước lễ. Họ còn đặt vấn đề là phải làm gì nếu như một số tín hữu quả quyết rằng họ đã không rước lễ từ vị linh mục bị cúm gà và yêu cầu thả họ khỏi vùng cách ly?

Tuy chưa biết tình hình dịch bệnh cúm gà sẽ trầm trọng đến mức độ nào, một số vị giám muc ở California cho biết là sẽ đành phải ngưng thánh lễ và đóng cửa các trường học ở các xứ đạo khi có một trường hợp bệnh cúm gà được phát hiện trong vùng của mình.

Vào năm 2004, trong thời kỳ thiếu thuốc chủng ngừa cúm thường niên, ĐGM Timothy A. McDonnell ở Springfield, tiểu bang Massachusetts, đã nói rằng các tín hữu trong giáo phận của ngài mà bị bệnh vì bất cứ lý do nào thì không nên đến nhà thờ dự lễ Chúa nhật.