HÀ NỘI 30-01 - Một cô gái 13 tuổi có bà mẹ chết vì lây nhiễm virus cúm gà H5N1 một tuần lễ trước đây, nay tới phiên cô là nạn nhân qua đời ở Bệnh Viện Bệnh Nhiệt Ðới Sài Gòn, nâng tổng số bệnh nhân chết vì lây nhiễm siêu vi trùng từ dịch cúm gia cầm lên thành 11 nạn nhân. Một bác sĩ cho hay như thế vào lúc các chuyên viên y tế Thái Lan và của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) họp với các giới chức Cộng Sản Việt Nam để thảo luận các vấn đề liên quan đến hợp tác đối phó cũng như điều tra để tìm xem có trường hợp nào bệnh lây lan từ người sang người hay không.

Theo lời một vị giới chức y tế, cô gái 13 tuổi chết vào chiều tối ngày Thứ Sáu 28 Tháng Giêng 2005 tại Bệnh Viện Nhi Ðồng 1 ở Sài Gòn. Cô này được chuyển Từ Bệnh Viện Tỉnh Ðồng Tháp lên Sài Gòn một ngày sau khi mẹ cô qua đời. Nhưng những viên chức y tế này lại cho biết là cô gái đã tắm trên khúc sông mà người ta vất bỏ xác của các con gà vịt chết dịch.

Cục Thú y Việt Nam cho biết, trong khi 2 tuần qua, một số tỉnh phía nam không phát hiện thêm ổ dịch nào thì ở phía bắc, dịch lại có dấu hiệu lan rộng. Ngày 28/1, tỉnh Ninh Bình và Phú Thọ chính thức xác nhận đã tái phát dịch.

Tại Ninh Bình, ngày 22/1, bệnh cúm gia cầm phát ra tại 1 hộ nuôi gà ở xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, trên đàn 10 con. Tại Phú Thọ, ngày 27/1, dịch xuất hiện tại 1 hộ nuôi gà ở xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, trên đàn gà 97 con, trong đó chết 80 con. Kết quả xét nghiệm ở cả hai điểm dịch đều dương tính với virus H5.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, miền Bắc có 8 tỉnh thành tái phát dịch, gồm: Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Phú Thọ. Điểm giống nhau là ổ dịch xuất hiện ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ - nơi mà ngành thú y địa phương không thể kiểm soát được.

Tại phía nam, 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu dịch vẫn bùng phát rất mạnh. Liên tục từ ngày 1 đến 28/1 đã có 205 điểm phát dịch ở 68 xã, thuộc 13/14 huyện thị của Long An, số gia cầm mắc bệnh, chết, tiêu hủy là 82.440 gà, 68.800 vịt, 174.400 cút. Tương tự, tại Bạc Liêu, trong các ngày 2-28/1 đã có 124 ổ dịch ở 33 xã thuộc 6/6 huyện thị với số vịt tiêu hủy là 117.540 con.

Theo Cục Thú y, một điểm đáng ghi nhận là ở nhiều tỉnh phía nam, nỗ lực phòng chống dịch có kết quả tốt. Một số tỉnh nằm trong "bản đồ dịch", song thực tế số điểm dịch rất ít. Ví dụ Bình Dương chỉ 1 xã tái phát dịch, Bình Phước (2 xã), Cà Mau ( 3 xã). Trong 17 ngày (11-28/1) có 2 tỉnh Hậu Giang, Cà Mau không phát thêm dịch.

Trong ngày Thứ Sáu 28 Tháng Giêng, viên chức y tế Thái Lan họp với viên chức y tế Cộng Sản Việt Nam ở Hà Nội để trao đổi kinh nghiệm và tin tức đối phó với dịch cúm gia cầm. Cùng tham dự cuộc họp này còn có các viên chức Tổ Chức Y Tế Thế Giới và Cơ Quan Lương Nông Quốc Tế (FAO).

Theo các chuyên viên y tế công cộng Thái Lan cũng như giới chức Trung Tâm Phòng Ngừa Bệnh Dịch Hoa Kỳ (CDC), một cô bé người Thái Lan 11 tuổi chết giữa năm ngoái có thể đã lây nhiễm trực tiếp siêu vi trùng H5N1 sang cho bà mẹ và bà dì. Bởi vậy, chuyên viên Thái rất muốn tìm hiểu chi tiết về trường hợp 3 anh em người tỉnh Thái Bình trong đó một người đã chết cũng đều lây nhiễm siêu vi trùng cúm gia cầm.

Miền Bắc đã có tới 9 địa phương có dịch là Thái Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Nội, Hà Nam và Nam Ðịnh.

Tỉnh Nam Ðịnh là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc nhiễm dịch thấy loan báo từ giữa Tháng Mười Hai 2004 nhưng ít lâu nay không thấy các tin tức từ Cục Thú Y Cộng Sản Việt Nam nhắc nhở gì đến.