HÀ NỘI - Trong phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc Hội CSVN vào ngày hôm nay, sau khi đã nghe báo cáo kết quả giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều đại biểu đã phải thốt lên rằng: "Nghe mà phát run. Bây giờ không biết ăn cái gì cho an toàn". Báo chí tại Việt Nam đã tường thuật như vậy!

Theo bản báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy, tất cả thực phẩm, tất cả các khâu từ sản xuất tới chế biến, kinh doanh tại Việt Nam “đều có vấn đề”.

Thực ra từ mấy năm nay, báo chí VN đã tường thuật nhiều trường hợp ngộ độc, có khi cả trăm người, nhất là công nhân tại các công sở khi ăn uống do các nhóm thầu cơm đưa đến cho ăn. Trường hợp ngộ độc càng ngày càng xẩy ra thường xuyên hơn.

Tỉ dụ theo thống kê tại thành phố Saigòn, nếu như năm 2000 chỉ có 7 vụ ngộ độc thực phẩm với 297 người bị ngộ độc, thì năm 2002 là 29 vụ với 930 người mắc. Năm 2003, số vụ có giảm chút ít với 22 vụ, song số bị ngộ độc lại tăng vọt với 1.158 người.

Báo chí tại Việt Nam cho biết: “Báo cáo giám sát đã đưa ra những con số giật mình. Theo kết quả điều tra thực trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả thời gian gần đây của Cục Bảo vệ thực vật, số mẫu rau, quả tươi có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng tới sức khỏe con người chiếm 30-60%. Số mẫu rau kiểm tra ở Hà Nội và Hà Tây có hàm lượng asen cao hơn giới hạn cho phép chiếm 22-33%. 100% mẫu đậu đỗ ở Hà Nội và Hà Tây, 66,6% mẫu rau cải tại TP HCM và Đồng Nai có dư lượng vượt giới hạn tối đa cho phép. Một số thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng như Methamidophos vẫn còn dư lượng trong rau.

Ở hoa quả tươi, tình trạng cũng chẳng khả quản hơn. Theo Cục quản lý chất lượng vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), việc sử dụng hóa chất bảo quản độc hại như phẩm màu, peroxit... còn ở mức cao. Có tới 25,4% lượng hoa quả lưu thông trên thị trường bị nhiễm các hóa chất bảo quản độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt là hoa quả nhập từ Trung Quốc. Cụ thể, tại Nam Định, đầu năm nay đã kiểm tra và phát hiện 5/12 mẫu nho, 6/12 mẫu quýt, 9/13 mẫu Táo Trung Quốc, 8/12 mẫu Lê Trung Quốc có hóa chất bảo vệ thực vật.

Theo Cục Thú y, phần lớn cơ sở giết mổ động vật không đáp ứng yêu cầu vệ sinh, cơ quan thú y chỉ kiểm soát được dưới 50% thịt lưu thông trên thị trường. Một số thành phố lớn như Hà Nội có tới 300 điểm giết mổ gia súc, trong đó chỉ 7 điểm được cấp giấy phép và chịu sự giám sát thường xuyên, còn lại là các điểm giết mổ tư nhân rải rác, không có sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, không phát hiện và ngăn chặn thịt bị nhiễm các bệnh như: nhiệt thán, tụ huyết trùng, lở mồm long móng...”

Ông Bùi Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, sau khi xem các báo cáo đã phát biểu rằng: "Đọc phát run, giờ chẳng còn biết ăn gì. Nhìn thịt gà giờ không rung động gì vì sợ cúm gà. Còn như củ rau, tôi cứ tưởng chôn dưới đất rồi thì an toàn, ai dè còn độc hơn cả rau xanh ".

Bà Hà Thị Liên, Ủy viên trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, cũng có cùng tâm trạng: "Phụ nữ chúng tôi đi chợ không biết mua gì bởi cái gì cũng có thể bị tẩm hóa chất độc hại".

Trong vài tuần lễ qua, đã có 3 người chết vì bệnh cúm gà tại Việt Nam, và nguy cơ dịch cúm gà tại VN có thể sẽ tái phát trầm trọng theo lời cảnh giác của Liên Hiệp Quốc.