Brett Kavanaugh là người được Tổng Thống Donald Trump bổ nhiệm vào chức thẩm phán tối cao. Với việc bổ nhiệm này được Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua, cán cân chính trị hay “ý thức hệ” của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ sẽ nghiêng về phía bảo thủ. Viễn ảnh này có thể là phát súng ân huệ kết liễu phán quyết phá thai của Tối Cao Pháp Viện trước đây và nhiều phán quyết thuộc “ý thức hệ” tả phái của Viện này.

Vì thế mà phe tả vận dụng mọi phương thế có trong tay để bác bỏ việc bổ nhiệm này, hay ít nhất, đình hoãn chờ ngày Đảng Dân Chủ chiếm đa số tại quốc hội Hoa Kỳ.

Người ta sợ lời tố cáo của Christine Blasey Ford, người tố cáo Thẩm Phán Kavanaugh tấn công tình dục mình, nằm trong bối cảnh trên. Có lẽ vì thế, linh mục Christopher J. Devron, S.J., chủ tịch Fordham Prep, một định chế có cùng một triết lý giáo dục như Georgetown Prep, nơi Kavanaugh từng thụ huấn ít nhất 4 năm, hồi còn là học sinh trung học, chuẩn bị vào đại học, lên tiếng nói về bối cảnh giáo dục của vị thẩm phán này. Nội dung bài viết như sau:

Đối với những người trong chúng ta từng lãnh đạo hoặc có liên hệ với các trường trung học toàn nam của Dòng Tên ở Hiệp Chúng Quốc, câu truyện của Brett Kavanaugh đã và vẫn còn là một cuộc cưỡi những toa xe lên xuống thật dốc (roller-coaster). Việc ông được đề cử vào Tối Cao Pháp Viện là một điểm cao; thẩm phán Kavanaugh đang chờ tham gia với Neil Gorsuch trong tư cách là một trong hai chánh án từng tốt nghiệp từ cùng một trung học toàn nam của Dòng Tên, Georgetown Preparatory ở North Bethesda, Md.

Khi việc đề cử ông được công bố ngày 9 tháng 7, Kavanaugh nói rằng “Khẩu hiệu trường trung học Dòng Tên của tôi là ‘những người đàn ông cho người khác’. Tôi đã cố gắng sống niềm tin ấy”.

Từ điểm cao ấy, chúng ta đã tuộc dốc đáng kể, khi, vào lúc này, Thẩm Phán Kavanaugh bị Christine Blasey Ford tố cáo tấn công tình dục. Sự kiện điều bị coi là tội ác này diễn ra khi ông còn là một học sinh tại một trường trung học Dòng Tên khiến chúng ta không thoải mái nếu không muốn nói là bối rối và kinh hoàng.

Đã đành, vấn đề vẫn chỉ là lời tố cáo, điều mà Ông Kavanaugh đã bác bỏ. Thế nhưng cảm quan của chúng ta về việc đề cử và cách nhìn của chúng ta về nó không thể nào không thay đổi dưới ánh sáng các tiết lộ này.

Tôi là chủ tịch của Fordham Prep, một trung học toàn nam của Dòng Tên đã có từ 177 năm nay tại Bronx, N.Y., với gần 1,000 học sinh hiện nay và gần 12,000 cựu học sinh còn sống. Tôi đã chứng kiến các học sinh và các em tốt nghiệp của chúng tôi ở những lúc tốt nhất của họ và, chẳng may, ở cả những lúc tệ nhất của họ nữa. Tuy thế, tôi có diễm phúc được mục kích sứ mệnh giáo dục toàn nam của Dòng Tên – phát triển những người đàn ông sống cho người khác, những người tận hiến đời mình cho vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa – như một lực lượng mạnh mẽ và có tính biến đổi. Tôi tin lực lượng này có thể thách thức các lực lượng văn hóa đương thời vốn làm áp lực khiến người trẻ chấp nhận các giá trị phản ảnh một tư thế rất khác đối với các thành viên dễ bị tổn thương hơn của xã hội ta và những ai khác với chúng.

Mỗi mùa xuân, các thành viên năm thứ nhất (freshman) đều tham dự một cuộc tĩnh huấn, bước cuối cùng trong việc dẫn nhập chính thức của họ làm học sinh của Fordham Prep. Đêm cuối cùng của cuộc tĩnh huấn, tôi cử hành một Thánh Lễ bắt đầu lúc 9 giờ đêm và thường chỉ kết thúc sau 10 giờ 30 đêm. Cuộc cử hành ấy quả là dài vì vào thời điểm bài giảng, tôi mời các thành viên của lớp lên phía trước để chia sẻ với mọi người - khoảng 250 em cùng lớp, các nhà dìu dắt của khoa và các hướng dẫn viên tĩnh huấn thuộc lớp trên – ký ức, hình ảnh, mối liên hệ hoặc câu truyện trong đó họ tìm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Lời mời này nằm ở tâm điểm linh đạo Inhã, một linh đạo dạy chúng ta tìm kiếm và tìm thấy Thiên Chúa trong mọi sự.

Với các học sinh năm thứ nhất của chúng tôi, điều trên thường là một ý niệm hân hoan. Cho đến thời điểm đó trong đời các em, các em có thể đã trải nghiệm đức tin của các em gói gọn trong các kinh nguyện chính thức hay bên trong tòa nhà giáo đường, lớp học về tôn giáo hay một nghi thức minh nhiên có tính tôn giáo khác. Cái nhìn thông sáng thấy Thiên Chúa đến gần các em trong trải nghiệm thông thường của các em – thấy ơn thánh Thiên Chúa gần các em như tình cha mẹ yêu các em, như tình bạn bè chấp nhận các em, như niềm tự tin mỗi ngày một hơn khi học được một kỹ năng mới hay khám phá một tài năng mới – quả là lôi cuốn, dù có thể mới lạ và kỳ lạ.

Trong thời gian dành cho bài giảng, tôi lắng nghe. Tôi lắng nghe khi các học sinh năm thứ nhất tiến lên, từng người một, và ngắn gọn nói về sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong một số trường hợp, các em kể các câu truyện của mình với một sự ngập ngừng lo lắng và dễ bị tổn thương. Thông thường, các em có tinh thần hài hước và tự hạ mình. Phần lớn, các em lưu loát, gợi hứng và gây xúc động khi nói với các bạn cùng lớp về việc tìm thấy Thiên Chúa nơi các dây nối kết gần gũi của gia đình khi một người thân qua đời; hay nơi lòng biết ơn và tình yêu các em dành cho bố hay mẹ; nơi niềm vui thấy người anh trở về nhà sau nghĩa vụ quân sự; nơi lòng can đảm của một bậc cha mẹ rời bỏ quê hương di cư qua Hiệp Chúng Quốc; nơi chiến thắng của họ vượt qua một thách đố bản thân; nơi sự ngạc nhiên của họ tìm thấy Thiên Chúa trong bệnh hoạn hay lành bệnh hoặc trong một gặp gỡ với vẻ đẹp của thiên nhiên.

Trong những ngày sau khi có phong trào #Cả Tôi Nữa (#MeToo), hạn từ “nam tính ngộ độc” (toxic masculinity) đã đi vào từ vựng bình dân. Người ta bảo chúng ta, nam tính ngô độc phát sinh từ một xã hội nhồi sọ giới trẻ bằng “não trạng đệ huynh” (bro mentality), khiến họ mất hết tương cảm (emphathy), mẫn cảm và cảm thương và dẫn họ, nhất là khi họ ở với nhau, tới chỗ vật hóa và coi thường con gái và phụ nữ. Một số người, đúng hay sai, nhìn thấy nhiều dấu vết của thứ não trạng ngộ độc này trong lời nói châm biếm của Thẩm Phán Kavanaugh trong một diễn văn ông đọc năm 2015: “điều xẩy ra ở Georgetown Prep ở lại với Georgetown Prep. Điều đó đã là một điều tốt cho tất cả chúng ta, tôi nghĩ thế”.

Tôi xin để cho các nhà chuyên môn thẩm định xem có phải nam tính ngộ độc hay “nền văn hóa đệ huynh” là điều bàng bạc và là nguyên nhân gốc rễ của việc các người đàn ông trẻ coi thường phẩm giá người khác hay không. Nhưng tôi có thể thưa với các bạn rằng kinh nghiệm dự tĩnh huấn của các học sinh năm thứ nhất đem lại cho các học sinh của chúng tôi một cơ hội mạnh mẽ để cảm nghiệm và mô phỏng các nhân đức và giá trị trực tiếp chống lại hiện tượng này. Khi họ lắng nghe người khác, tôi tin họ lớn lên trong khả năng bước vào nỗi đau và niềm vui của một người khác. Khi chấp nhận rủi ro chia sẻ các câu truyện của họ, họ đã biểu lộ rõ các xúc cảm sâu sắc nhất của họ và nhận diện các giá trị trân quí nhất của họ. Thánh Thần Thiên Chúa thực sự sinh động hóa toàn thể Giáo Hội. Và, tôi tin, Thánh Thần Thiên Chúa giúp các học sinh của chúng tôi thấy và biết phẩm giá có nơi mỗi người. Quả là một cách mạnh mẽ để chủng ngừa người trẻ chống lại thuốc độc của nam tính ngộ độc.

Điều xẩy ra tại cuộc tĩnh huấn năm thứ nhất không ở lại tại cuộc tĩnh huấn năm thứ nhất. Tính dễ bị tổn thương và tính cởi mở nơi các học sinh của chúng tôi đối với người khác với các hậu cảnh và kinh nghiệm rất khác với hậu cảnh và kinh nghiệm của các em là một điều các nhà quản trị và các thầy giáo chúng tôi nhìn thấy hàng ngày trong lớp học. Và điều xẩy ra trong bốn năm tại Fordham Prep không nên ở lại với Fordham Prep. Điều đó, quả thực, là trọng điểm của vấn đề.

Tin cập nhật về lời tố cáo của Christine Blasey Ford

Trong khi đó, tờ New York Times, trong bản tin ngày 19 tháng 9 vừa qua, có thuật lại một chi tiết đáng lưu ý. Tiến Sĩ C.B. Ford, người tố cáo Thẩm Phán Kavanaugh tấn công tình dục mình lúc hai người còn học trung học tại hai trường tư khác nhau nhưng nổi tiếng như nhau tại Maryland, vốn là người ít bạn bè lúc học ở đó, ngoại trừ Catherine Piwowarski, người là bạn cùng phòng và sau này là phù dâu của bà lúc kết hôn với ông Ford. Hồi tháng Tám vừa qua, Tiến sĩ Blasey có gửi “text” cho người bạn này để hỏi xem có bao giờ mình thổ lộ việc mình bị tấn công tình dục lúc học ở trung học hay không. Bà Piwowarski, khi được phỏng vấn, cho hay bà đã “text” lại rằng không, bà không nhớ, và hỏi lại xem mọi sự có ổn cả không, nhưng tiến sĩ Blasey không nói gì thêm. Nên đã thắc mắc: “tôi không biết tại sao nó lại hỏi thế và điều ấy tựu chung có nghĩa gì hay không có nghĩa gì?” nhưng câu hỏi cho thấy một bất ổn sâu xa.

Điều ấy hơi lạ vì Tiến Sĩ Blasey, vốn là nhà khoa bảng về tâm lý học, cho biết biến cố tấn công kia ám ảnh bà suốt hơn 30 năm qua. Nhưng sao người bạn thân nhất lại không hay biết gì?

Điểm thứ hai được New York Times cho biết là thái độ “lừng khừng” của Tiến Sĩ Blasey không muốn ra trước Ủy Ban Pháp Chế (Judiciary Committee) của Thượng Nghị Viện cũng như trả lời phỏng vấn của New York Times về biến cố trên. Ngược lại, vào hôm thứ Ba, 18 tháng 9, luật sư của bà yêu cầu một cuộc điều tra của F.B.I. trước khi bà ra làm chứng trước Ủy Ban Pháp Chế. Nhưng ban lãnh đạo của Đảng Cộng Hòa tại Thượng Nghị Viện bác bỏ ý tưởng này và cho hay cuộc bỏ phiếu về việc cử nhiệm Thẩm Phán Kavanaugh sẽ tiến hành nếu bà không xuất hiện trước Ủy Ban.

Thậm chí, theo New York Times, có lời suy đoán tại thủ đô rằng Tiến Sĩ Blasey, người vốn ngần ngại không muốn ra mặt, cuối cùng rất có thể từ chối ra làm chứng, ít nhất một cách công khai.

Điều thứ ba, theo New York Times, Thẩm Phán Kavanaugh là một người Cộng Hòa sống tại Thủ Đô, còn Tiến Sĩ Blasey là người Dân Chủ sống tại California, từng tham gia cuộc biểu tình cùng với các nhà khoa bảng khác để phản đối chính phủ Trump cắt giảm ngân khoản tài trợ nghiên cứu khoa học.

Một ngày sau, ngày 20 tháng 9, New York Times tường trình rằng: Ủy Ban Pháp Chế của Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ định thứ Hai tới, 24 tháng 9, là ngày Tiến Sĩ Blasey phải ra làm chứng trước Ủy Ban. Nhưng luật sư của bà cho hay: điều đó “không thể có được và sự khăng khăng của Ủy Ban bắt nó diễn ra dù sao cũng rất võ đoán”. Tuy nhiên, giọng điệu có phần dịu đi khi họ cho biết Blasey “sẵn sàng ra làm chứng tuần tới” nếu các nghị sĩ chịu đưa ra “các điều kiện hợp tình hợp lý và bảo đảm an toàn cho bà”. Tuy vẫn nhấn mạnh đến một cuộc điều tra của F.B.I., nhưng các luật sư cho biết đó là “điều thích hơn nhiều” của Tiến Sĩ. Lời lẽ này, theo New York Times, có nghĩa là bà hết đòi hỏi phải có cuộc điều tra này trước khi ra làm chứng.