Nhiều dấu hiệu cho thấy nền Kinh Tế vẫn lì lợm không phát lên được, những chương trình kích cầu không đem lại kết quả mong muốn.

Nhiều thành quả của Obama như chấm dứt chiến tranh Iraq, tìm giết Bin Laden, kéo dài bảo hiểm cho con cái, đều bị 'lấn át' giữa những tiếng ồn ào của một Quốc Hội đòi phải giảm chi và những lo âu Tài Chính bên Âu Châu.

Câu hỏi được đặt ra là liệu một tổng thống có thể tái đắc cử với một con số thất nghiệp cao 8% không, và câu trả lời thì không sáng suả lắm. Nhất là trong một hòan cảnh sôi động tòan cầu, khi mà nhiều nhà lãnh đạo sáng giá đã bị hạ bệ tơi bời bên trời Âu.

Cho nên Obama đã tính toán một ván cờ lạnh lùng, mà giới thân cận gọi đó là những 'sáng kiến kỳ tài' (brilliant initiatives).

Mục đích là để 'chạy trốn khỏi vấn đề kinh tế' (running away from economy) như lời địch thủ Romney tố cáo.

Thượng nghị sỹ John McCain, cựu địch thủ, thì gọi đó là những thủ đọan xoay chiều dư luận(diversion).

Đó là những chương trình phân hóa (divisive) đang gây tranh cãi cuả chủ nghiã 'phóng khoáng' (liberal, cấp tiến) như phá thai, đồng tính và di dân.

Nhưng giống như câu châm ngôn 'phước bất trùng lai, hoa vô đơn chí' (cái hên thì không có lần thứ hai, mà cái họa thì không chỉ tới một lần), những 'sáng kiến' đề ra tưởng sẽ kích động cơ sở cử tri 'phóng khoáng' của đảng Dân Chủ, ai ngờ nó lại hợp nhất các cơ sở 'bảo thủ' vốn chưa có một hướng đi rõ ràng vì cuộc tranh cử sơ bộ kéo dài quá lâu của đảng Cộng Hòa.

Vấn đề Bảo Hiểm Y Tế:

Nó gây phẫn nộ cho giới Công Giáo, là một lực lượng trung lập ngòai đảng phái, với sắc lệnh y tế đòi hỏi mọi giới chủ nhân kể cả chủ nhân tôn giáo phải bảo hiểm phá thai.

Tạm dịch là một sắc lệnh y tế, nhưng thực sự sắc lệnh là một 'sứ vụ' (mandate) mà Quốc Hội đã ủy quyền cho chính phủ để xác định những chi tiết của Bộ luật Cải Tổ Y tế khi bộ luật này được thông qua một cách vội vã. Bộ luật đã bị Hội Đồng Giám Mục HK phản đối vì lý do hổ trợ phá thai và vì nguy cơ của vấn đề 'sứ vụ', sẽ có thể đưa tới tình trạng những viên chức chính phủ áp đặt qui tắc một chiều có lợi cho đảng phái của mình vào chính sách chung của quốc gia. Nhưng một cơ quan Công Giáo quan trọng, Hiệp Hội Y Tế Công Giáo CHA, đã bất chấp ý kiến của các giám Mục và lên tiếng hậu thuẫn cho Obama giúp cho bộ luật được thông qua lúc bấy giờ.

Obama tin rằng các giám mục Công Giáo, sau nhiều năm bị tai tiếng vì họa ấu dâm, sẽ không còn danh giá để lên tiếng phản đối.

Nhưng dưới sự lãnh đạo thiên tài của vị tân chủ tịch HĐGM là ĐHY Dolan, một mặt trận mới đã mở ra, không phải là vì những lý do nhất thời như y tế hay bảo hiểm, nhưng dựa trên một ý niệm phổ quát là tự do tôn giáo. Và do đó cuộc chiến không chỉ còn là của riêng Công Giáo mà thôi, nó là một cuộc chiến của mọi tôn giáo. Các tôn giáo lớn nhỏ ở Hoa Kỳ đã ồ ạt tham gia dù cho có nhiều tôn giáo không có cùng một quan điểm khắt khe về ngừa thai như Công Giáo. Họ nghĩ rằng, ngày hôm nay Chính quyền có thể dồn ép Công Giáo vào con đường cùng, thì ngày mai sẽ đến phiên họ.

Và trong nội bộ Công Giáo, chưa bao giờ tất cả các giáo phận hiệp nhất như thế này, ngay cả hiệp hội CHA, từng đứng về phe Obama, cũng lên tiếng kết án sắc lệnh (sứ vụ, mandate) là 'quá mức kồng kềnh' (unduly cumbersome,) là 'không đáp ứng đủ các mối quan tâm về tự do tôn giáo'.

Vấn Đề Hôn Nhân Đồng Tính:

Tới khi Obama tuyên bố ủng hộ Hôn Nhân đồng tính thì ngay cả các nhà thờ Da Đen, từng ủng hộ ông ta vô điều kiện, cũng phải 'dở khóc dở cười'.

Mục sư Da Đen John Coats II ở Columbus, Ohio, đã thốt lên: "Tại sao cộng đồng người Da Đen lại không thể sản xuất ra những chính trị gia phản ánh những giá trị của cộng đồng nhỉ?"

Các mục sư Da Đen vùng DC thì thở dài than vắn "Tổng thống dĩ nhiên có hỏi chúng tôi, chúng tôi chỉ biết khuyên ông ta đừng làm thế..."

Tờ NY Times mô tả 'sáng kiến' Hôn Nhân đồng tính của Obama là một công việc 'nước đổ lá khoai' (a wash).

Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy chỉ có 39% người Mỹ Da Đen ủng hộ hôn nhân đồng tính mà thôi.

Thật khó mà nghĩ rằng Obama sẽ mất phiếu Da Đen trong khi các cuộc thăm dò cho biết 81% người Da Đen không coi vấn đề đồng tính là yếu tố quan trọng để chọn một tổng thống. Nhưng nguy cơ là ở chỗ người Da Đen sẽ mất sự hăng say đi đầu phiếu. Thêm vào đó đã có nhiều dấu hiệu chia rẽ ngay ở trong nội bộ của đảng Dân Chủ. Những dấu hiệu này bị giới báo chí 'phóng khóang' lờ đi nhưng báo chí 'bảo thủ', và các cơ quan truyền thông Công Giáo như EWTN, đã phơi bày ra nhiều trường hợp các đảng viên Dân Chủ đã quyết định rời đảng hàng lọat vì mâu thuẫn lương tâm.

Hậu quả tai hại:

Hậu quả tức thời là Dân Chủ bị mất cảm tình của dân chúng North Carolina, họ vừa mới bầu phiếu để cấm hôn nhân đồng tính một vài ngày trước. Đây là nơi mà đảng Dân Chủ sẽ họp đại hội để sọan bản cương lĩnh đảng cho nhiệm kỳ tới. Romney vừa vượt qua Obama với tỷ số 48/46 trong đó một số đáng kể đến từ cử tri Da Đen. Theo cuộc thăm dò của PPP (Public Policy Polling của đảng Dân Chủ) thì 20% dân Da Đen ở North Carolina đã bỏ Obama để ủng hộ Romney.

Những 'sáng kiến' trên rõ ràng đưa đến hậu quả tai hại là sự ủng hộ cho Obama bị xững lại. Những mất mát này do chính Obama tạo ra chứ chưa phải do tài sức của Romney. Biểu đồ tranh cử tháng 5 cho thấy các Tiểu Bang 'ăn chắc' của Dân Chủ bị giảm đi (mất 2, thêm 1) trong khi con số 'ăn chắc' của Cộng Hòa gia tăng rõ rệt (thêm 6 tiểu bang.) Mà đây mới chỉ là một khúc nhạc dạo đầu, bởi vì biểu đồ tháng 6 sẽ còn thê thảm hơn.



Nhiều chuyên gia Dân Chủ đang tự hỏi, phải chăng đây là những sáng kiến 'kỳ tài' hay chỉ là những xảo thuật 'tài tử' (amateurish) của một đám tay mơ ?

Có phải Obama đang tự bắn vào chân mình như câu châm ngôn Mỹ "shoot yourself in the foot" không ?

Kỳ tới: chiêu bài Di dân và người Mỷ La Tinh.