Ngôn Sứ

Buổi họp tổ chức Tết diễn ra tại nhà ông Đại Diện York. Trước đó ông đã lo lắng bàn luận riêng với nhiều người trong giáo đòan rồi. Ông cũng đã email cho các đại diện bạn nhiều ngày trước và cẩn thận in thêm chương trình nghị sự. Điều lo lắng của ông là làm sao có thể phát huy sự đòan kết của Cộng Đồng Công Giáo trong vùng. Ông đã lo lắng theo dõi những diễn tiến chống đối đang manh nha ở bên Philadelphia. Ông cũng lo lắng vì có những bất đồng ở Harrisburg. Ông cho rằng điều ông có thể làm là nâng cao ý thức đòan kết trong dịp Tết bằng cách ghi nhận những thành quả và công lao của quá khứ trước mặt Cộng Đòan và Đức Giám Mục. Ông nghĩ vốn liếng Anh ngữ của ông không đủ cho nên ông sẽ nhờ một người khác, một người tuy không giữ một chức vụ nào nhưng có kiến thức và khả năng.

Gia đình ông dường như cũng chia sẻ tâm tư của ông. Các con dâu con rể đều có mặt, mỗi người mỗi việc lo tiếp rước quan khách.

Quan khách là cha quản nhiệm và các cấp lãnh đạo của Cộng Đồng và Giáo Đòan. Phía chủ, ngòai nhị vị Đại Diện còn có anh chị em ban tổ chức và các vị trưởng thượng.

Buổi hội thông qua mục đích và diễn tiến chương trình Tết một cách dễ dàng. Hầu như những chi tiết này đã được thực hiện nhiều lần. Sẽ chỉ cần cải tiến đôi chút việc phân phát thực phẩm cho có hiệu quả hơn v.v.

Danh sách quan viên ngồi chung bàn với Đức giám Mục cũng được duyệt xét một cách tỉ mỉ và phải mất trên nửa giờ mới đạt được đồng thuận. Harrisburg sẽ cung cấp quốc phục cho các quan viên.

Nhưng khi ông Đại Diện nêu lên ý kiến mời một nhân vật bên ngòai để giới thiệu lịch sử Cộng Đồng Công Giáo, một sự yên lặng ngột ngạt đã xảy ra.

Một cái gì đó không ổn...

Vấn đề danh chính ngôn thuận?

Tuy trước đó vị đại diện Cộng Đồng (vùng), người đáng lẽ phải làm công việc trên, đã đồng ý với cách xếp đặt, nhưng người ta vẫn cảm thấy một cái gì chưa thông xuốt.

"Tại sao không dùng thông dịch viên?"

"Sẽ kéo dài mất thời giờ"!

"Hội trường vỗ tay trước khi người thông dịch bắt đầu"!

...Trên một khía cạnh nào đó, tuy nhu cầu cần giúp đỡ là có thực, nhưng có một giới hạn tinh tế đã gây nên tình trạng khó xử ở đây. Một lọai nghi lễ cần phải dàn xếp?

Câu thơ ba chữ đành rành

Chữ trung, chữ hiếu, chữ tình là ba

Chữ trung thì để phần cha

Chữ hiếu phần mẹ, còn ta.. .?

Và vì chưa có một giải pháp tòan vẹn cho nên hội nghị đề nghị một sự điều chỉnh, đó là bỏ đi tiết mục trên.

Lê Vi

Sau buổi họp là một bữa tiệc thịnh sọan do phu nhân và các con của vị Đại Diện khỏan đãi. Những món ăn đậm đà hương vị quê hương và 'chả trách vào đâu được' nhưng bà và cô con gái vẫn lo lắng hỏi han xem có gì sơ xót chăng.

Là một khách từ xa tới, tôi cảm kích cái đặc ân được chia sẻ vào cuộc sống mật thiết của một gia đình và đồng thời lén chứng kiến một buổi họp cộng đòan, đó là một dịp may để học hỏi thêm và nhận biết hơn về giá trị những hồng ân mình đang được hưởng tại xứ đạo của mình. Xin được đội ơn Chúa và cảm ơn Người.

Tôi không khỏi suy tư về tương lai của một giáo đòan nhỏ bé như York này. Họ đã tồn tại 35 năm rồi, liệu 35 năm sau họ còn ở đây không?

35 năm trước tôi đã gặp cha Hóa lần đâu tiên khi ngài tới đây nhận nhiệm vụ mục tử, ngài còn là một linh mục trẻ, 'đẹp trai' và tràn đầy sức sống. Ngày nay tái ngộ, ngài vẫn 'đẹp lão' nhưng, sau nhiều cơn tai biến (stroke,) sức khỏe đã suy yếu nhiều...

"Con xin mời cha một ly rượu?"

"Mình phải kiêng, xin cám ơn anh"

"Thưa cha khi nào thì cha về hưu?"

Sự nghỉ hưu của một linh mục có khi là một thảm họa cho một cộng đòan, nhất là trong lúc 'ơn gọi' hiếm hoi như bây giờ. Ở Dallas đã từng có cộng đòan phải giải thể vì số giáo dân không đủ biện minh cho sự hiện diện của một giáo sĩ. Tại York, nhân số chưa bao giờ đủ cả, tìm được một linh mục sẵn sàng lo cho một giáo đòan nhỏ và xa như thế này sẽ không dễ lắm.

Ít ra, đã có một linh mục VN nữa mới về vùng này, nhưng ngài phải đảm nhiệm chức chánh xứ của một giáo xứ Mỹ, một giáo xứ đang trên đà đi xuống. Với trách nhiệm nặng nề 'full time' như vậy, thử hỏi ngài sẽ có bao nhiêu thời giờ để dành cho cộng đồng người Việt? Nhất là khi các giáo đòan ở rải rác trên một vùng rộng lớn?

Vùng mục vụ tứ giác Harrisburg-Lebanon-Lancaster-York là một bề mặt rộng 35 miles (57km) mỗi bề, tương đương với một khu vực bao gồm Saigon-Biên Hòa-Trảng Bàng-Tân An. Đường xéo góc từ Lebanon qua York trung bình là 55 miles (90km), giống như thể đi từ Saigon qua Xuân Lộc. Cho nên việc người ta tụ tập trong những dịp 'Tứ Quí' đòi hỏi một sự hy sinh, tất cả chỉ vì 'Tình đồng hương, Nghĩa đồng bào':

Yêu nhau tam, tứ núi cũng trèo

Thất, bát sông cũng lội

Tam thập lục đèo cũng qua.

Riêng đối với một linh mục, phải bôn ba suôi ngược trên những con đường dài miệt mài như vậy, hằng tuần nhiều chục năm qua mọi thời tiết, có khi nào cha Hóa mang tâm sự của một nàng dâu không?

Có con phải khổ vì con

Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.

...Cha Hóa hầu như ngầm hiểu những khúc mắc trong câu hỏi của tôi, ngài (nén tiếng thở dài) trấn an:

"Mình thì còn lâu, các linh mục phải 75 mới được về hưu".

Xin Chúa ban cho cha thật nhiều sức khỏe.

Bản Tin Hy Vọng

Tương lai của một cộng đòan cũng còn tùy thuộc vào giới trẻ. Tuy những anh chị em đang họat động ở đây có thể được liệt vào thành phần trẻ, và con trai con gái của các liệt vị mà tôi có dịp gặp gỡ cũng chứng tỏ là những 'Anh Hào Liệt Nữ', tuy vậy ông đại diện York vẫn không giấu được nỗi lo lắng:

"chúng tôi cố gắng lập một đòan Thanh Niên, nhưng mà các anh em trẻ hễ cứ ra trường là đi về DC làm việc hết."

...Cuộc 'Xuất Hành' kinh tế vẫn chưa chấm dứt!

Ngày xưa 'Dân Chúa' phải lang thang trong sa mạc 40 năm mới được vào đất hứa. Còn 'Dân Chúa của miền York', đã trải qua 35 năm rồi, sẽ phải 'lang thang' bao nhiêu năm nữa?

Việc tương lai thì chỉ có Chúa mới biết được, tuy nhiên đã có một vài dấu hiệu tích cực.

Một thống kê không chính thức cho biết dân số VN tại York trong năm 2007 là 450 người, so với thống kê năm 2000 (216 người) thì chỉ trong vòng 7 năm số người Việt đã tăng lên gấp đôi. Một sự tăng trưởng khổng lồ.

Dân số còn phải tăng rất lâu mới có thể đạt tới 'khối lượng giới hạn' (critical mass) để làm một việc gì đó, tuy nhiên có sự tăng trưởng như vậy cũng mang lại một vài tia hy vọng.

Hơn nữa, với những chủ trương kinh tế mà nhiều học giả Hoa Kỳ đang cổ võ là phải ưu tiên tái phát triển những vùng 'kinh tế truyến thống' để làm căn bản phục hồi, một thành phố như York sẽ đủ tiêu chuẩn cho nhiều chương trình đầu tư liên bang. Nhiều 'Bất Ngờ' rất có thể sẽ xảy ra.

Phải chăng vì những tín hiệu tích cực như vậy mà tờ báo định kỳ của họ, một ấn phẩm có giá trị và công phu, đã được đặt tên là 'Bản Tin Hy Vọng'?

Hãy cứ thắp lên một ngọn đèn như thế, xin đừng ai dập tắt nó.