Khởi Nguyên.

Năm 1975, trại tỵ nạn Fort Indiantown Gap nằm trong địa hạt của giáo phận Harrisburg được mở ra để định cư 32 ngàn người tỵ nạn Cộng Sản trên vùng Đông bắc Hoa Kỳ.

Hàng ngàn người đã chọn những thành phố lân cận chư Lebanon, Lancaster, Harrisburg và York làm chốn tạm dung.

Lý do đơn giản, đây là một miền 'Đất Lành.'

Thật vậy trong khi các trại tỵ nạn khác chứng kiến nhiều cuộc biểu tình chống đối, thì người dân ở đây đã nhìn người Việt mình với một đôi mắt đầy thiện cảm.

Trước hết là nhờ ở ý thức kỷ luật của người VN. Trại tỵ nạn tuy không hề có một hàng rào kẽm gai, ranh giới chỉ là một sợi dây vải phất phơ theo chiều gió, vậy mà không hề có một vụ vi phạm nhẩy rào nào được ghi nhận. Báo chí quanh vùng đã đề cao sự kiện đơn giản này tạo ra một bầu không khí thân ái với người bản xứ.

Kế đến là tinh thần của dân bản xứ. Những người Mỹ ở đây là hậu duệ của nhóm Quakers, rất sùng đạo, kính sợ Thiên Chúa (Quaker nghĩa là run sợ đi trên đường của Thiên Chúa). Họ từng đi tiên phong cho việc giải phóng nô lệ, cho sự bình quyền nữ giới, và cho hòa bình thế giới.

Sau cùng là phong cảnh hữu tình. Nếu bỏ xa lộ mà đi vào những con đường quê, với rặng Appalachian làm hậu cảnh, thì một hồ nước lặng lờ phản chiếu mái ấm của một gia đình cũng sẽ gợi lại những cảm xúc quê nhà:

Ðường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ.

Đó là chưa kể những mùa Thu rừng cây muôn mầu lá đổ, và những mùa Xuân đồng nội hoa vàng nở rộ...

Với thống kê cho biết 40% người tỵ nạn ở Fort Indiantown Gap là Công Giáo, thì trong số trên 2000 người Việt khởi đầu cuộc sống ở đây, ít ra cũng có gần 1000 người là Công Giáo.

Cho nên trong năm đầu tiên những buổi lễ hội của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam luôn luôn qui tụ một số lượng đáng kể.

Xuất Hành

Nhưng, tuy 'đất thì lành' mà 'chim không đậu!'

Lý do là kinh tế.

Sự cạnh tranh của Thép và hàng Vải từ bên Nhật cộng với nhu cầu suy giảm của Than Đá là những nguyên do làm cho nền kinh tế dựa trên 'kỹ nghệ nặng' của vùng bị suy yếu. Mỏ than thì đã ngưng họat động trước khi người Việt tới, còn các hãng xưởng thép và vải thì từ từ đóng cửa tạo nên một tình trạng thất nghiệp trầm trọng và kéo dài.

Và nhiều người VN cũng phải đi theo bước chân của xã hội Mỹ là rủ nhau xuống vùng 'vòng đai mặt trời' (Sun Belt), tức là di cư về miền Nam.

Rốt cuộc thì chỉ còn lại một số người đã 'rất may mắn' tìm được 'job tốt' tại các thành phố Harrisburg và Lancaster.

Những đợt 'thuyền nhân' của những năm 1977-1985 tuy đã đưa gần một triệu người Việt tới Hoa Kỳ nhưng hình như không ảnh hưởng bao nhiêu tới dân số ở đây. Và khi trào lưu Điện Tử mang lại thịnh vượng cho nhiều nơi, thì vùng này cũng bị nhỡ tàu. Cho nên đã có lúc các giáo đòan ở Lebanon và York tưởng rằng phải ngưng họat động vì thiếu người.

Dân Số

Nhưng hôm nay khi thăm lại vùng đất này, thì những giáo đòan VN ở Lebanon và York vẫn còn đó, vẫn rất hãnh diện là những giáo đòan có khả năng.

Cái chìa khóa thành công ở đây không phải là ở số đông mà là ở phẩm chất và sự biết hợp quần.

Tại York, thống kê (2000) cho biết dân VN chỉ có 216 người. Số người Công Giáo tất nhiên là ít hơn nhiều, theo sự phỏng đóan của nhiều giới chức thì con số giáo dân hiện nay là khỏang 100.

Trong ngày Chúa Nhật, nhiều công sở vẫn mở cửa bắt nhân viên đi làm cho nên số người dự lễ mỗi tháng một lần chỉ được 40. Nhà thờ St Joseph cho giáo đòan mượn nguyện đường nhỏ và vị Giám Đốc Mục Vụ của Giáo Phận cha Giuse Nguyễn văn Hóa kiên trì tới dâng lễ như thông lệ đã có từ 35 năm qua. Chương trình lễ là lúc 4g chiều Chúa Nhật cuối tháng.

Tuy ít người nhưng buổi lễ vẫn có ban trật tự đón mời quan khách và... có một ca đòan điêu luyện.

Để bù đắp thêm vào sự thiếu gặp gỡ nhau, người ta thường tổ chức 'party' tại tư gia, có mời cha Giám Đốc. Đây cũng là dịp các bà nội trợ đảm đang khoe tài với những món ăn thuần túy VN.

Rõ ràng sự tập hợp ở đây không phải là do ưu điểm cuả địa lý hay nhờ tổ chức Hành Chánh Xã Hội, mà là do Tình Cảm và Ý Chí.

Ở các nơi đông đảo khác, cá nhân một người chỉ là một con số mà thôi:

Có mợ thì chợ cũng đông,

Mợ đi lấy chồng thì chợ vẫn vui.

Nhưng ở đây mỗi phần tử có một địa vị quan trọng giống như là một cái mắt xích, đứt một mắt là cả chiếc dây xích bị hư. Cho nên họ quí nhau như người nhà, nỗi ưu tư hàng đầu của vị Đại Diện ở đây là làm sao để ghi nhớ công lao của những vị tiền nhiệm. Mỗi khi có người muốn ra đi thì nhiều người níu kéo ở lại.

Qua một vài câu chuyện vãn, một người khách lạ sẽ thấy rằng dân chúng ở đây ca tụng những đức tính của người khác nhiều hơn là nhìn thấy nhược điểm của nhau:

Yêu nhau trăm sự chằng nề,

Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.

Vì thế mà có người tuy không cư ngụ ở York, nhưng cũng lái xe nhiều giờ tới tham gia.

Diễm Ca

Vào thời điểm quanh dịp Thanksgiving mỗi năm, giáo đòan York bàn nhau tổ chức Tết.

Họ không chỉ lo chuyện Tết riêng cho một giáo đòan nhỏ bé của họ mà thôi, nhưng họ tổ chức mừng Xuân chung cho cả vùng, cho mọi người VN có đạo cũng như ngọai, với đủ tiết mục: Thánh Lễ, Đi Rước, Múa Lân, Tiệc Mừng, Lì Xì và một đêm Văn Nghệ.

Các giới chức cho biết rằng mỗi năm đều có hàng ngàn người qui tụ về đây, có người đến từ Philadelphia hay Virginia. Năm nay vì có sự hiện diện của đức Giám Mục 'mới' cho nên sự dự trù là sẽ có đông người hơn.

Thuờng thì ở các nơi khác người ta lợi dụng dịp Tết để gây quỹ, nhưng giáo đòan York tổ chức Tết 'FREE.'

Phí tổn Tết luôn luôn được các gia đình hảo tâm bảo trợ đầy đủ.

Thực ra "Của một đồng, Công một lượng", sức lực bỏ ra cho cuộc lễ hội thì nhiều lắm, và còn phải kể thêm những nỗi lo âu, những buổi họp quá khuya, những cuộc điện đàm triền miên bất tận.

Hồi năm trước họ còn tổ chức nấu bánh chưng, đã bán được cả ngàn cái nổi tiếng khắp vùng. Năm nay vì những chuyên gia đã lớn tuổi nên tạm nghỉ.

Mà dù có muốn bày vẽ thêm như là mở các gian hàng hội chợ thì như lời vị Đại Diện giáo đòan cho biết "chúng tôi không có người."

Đơn cử một thí dụ, năm ngóai trong buổi lễ, Đức Giám Mục nêu lên câu hỏi "ai thuộc giáo đòan York xin đứng lên?", giáo đòan York tuy là chủ nhà mà không có ai đứng dậy cả. Một tương phản cực kỳ với câu hỏi tương tự về giáo đòan Harrisburg, họ rầm rập đứng dậy khắp mọi nơi.

Tới hôm nay, tuy câu chuyện đã cũ cả năm rồi, nhưng vị Đại Diện York vẫn còn phân bua: "anh em chúng tôi ai cũng có nhiệm vụ phải chạy 'vòng ngòai' hết cả, cho nên chẳng có ai ở đó."

Vì thiếu người như vậy cho nên để có một quán ăn khuya trong đêm Văn Nghệ, giáo đòan phải 'nhờ' một gia đình 'tư nhân' mở quán bán nước và đồ ăn với giá phải chăng.

Thứ Luật

Vấn đề là làm thế nào mà chỉ có một nhóm người nhỏ dăm ba người mà giáo đòan này dám tổ chức một ngày lễ hội lớn cho cả một vùng tương đương với Nam Kỳ Lục Tỉnh hết năm này qua năm nọ?

Vị Phó Đại Diện đã có câu trả lời ngắn gọn dễ thương, "thì mình làm tới đâu hay tới đó, nếu thiếu thì các giáo đòan khác giúp tay vào".

Có một qui lệ 'bất thành văn' giữa các giáo đòan ở vùng này. Khi một nơi có việc thì các nơi khác cùng giúp vào theo kiểu "tập đòan gây sức mạnh."

Mỗi năm Cộng Đồng Công Giáo trong vùng có 4 lễ lớn gọi là Tứ Quí. Lễ Noel thì giáo đòan Lancaster lo, Tết là của York, Phục Sinh ở Harrisburg và Lễ Mình Máu Thánh Chúa tại Lebanon.

Sự dàn xếp này là một ý tưởng tuyệt vời để vừa phô trương thanh thế của sự hiện diện của người Việt trong vùng, vừa tạo ra dịp gặp gỡ và sinh họat chung với nhau.

Mỗi giáo đòan lo giúp một nhu cầu hợp với khả năng của mình, thí dụ Lancaster thì đem các đòan thể mặc đồng phục đi rước, Harrisburg lo trật tự tiếp tân vv.

Thực tế mà nói, không có một giáo đòan nào có đủ nhân sự để lo một lễ hội cả. Ở các nơi khác, người ta lấy hội đòan làm nòng cốt nhưng ở đây chỉ có Lancaster thành lập được hội Các Bà Mẹ Công Giáo và đòan Thiếu Nhi Thánh Thể, không nơi nào có Legio, Liên Minh Thánh Tâm, đòan Thanh Niên hoặc phong trào Cursillo.

Cho nên hình như mỗi nơi phát triển và đóng góp một tài riêng tùy theo nhu cầu, thí dụ như York thì có ca đòan và ban nhạc 'rất nhà nghề', rất thuận lợi cho việc tổ chức Tết.

Lâu ngày những dịp lễ hội chung như thế đã trở thành cái lệ, người trong vùng đón chờ giống như thể:

Dù ai buôn bán nơi đâu,

Mồng Mười, tháng Tám chọi trâu thì về.

(còn tiếp)