Tin New York (Apic 18/04/2008) -
ĐTC và ĐTGM Celestino Migliore
Hôm ngày 17 tháng 4 năm 2008, áp ngày ÐTC đến đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, Ðức Tổng Giám Mục Celestino Migliore, quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc, đã phát biểu trên đài Phát Thanh Vatican rằng ngài rất lấy làm tiếc vì các tôn giáo đôi khi đã bị lạm dụng để "hạ bệ, truất phế, gây chia rẽ và chiến tranh". Ðức Tổng Giám Mục đã nói như sau: "Chúng tôi chờ đợi ÐTC đến như là một uy tín tinh thần". "Cần đối xử với các tôn giáo đúng theo bản chất của tôn giáo, nghĩa là như những con đường để tôn vinh Thiên Chúa và làm cho con người được hạnh phúc; các tôn giáo cần làm cho con người trở nên kẻ cộng tác để giải quyết vấn đề, hơn là trở thành chính vấn đề." "Chúng ta không đòi các tôn giáo phải lãnh đạo những phương thế kỹ thuật để đem lại hoà bình, cũng không đòi các tôn giáo đưa ra những phương tiện kỹ thuật để thương thuyết, hoặc để công bố những nghị quyết." "Các tôn giáo cần tạo ra con đường tu đức, cần khai sáng một nền văn hoá, cần đào luyện một nhân loại mới, cần một tư tưởng tốt hướng đến việc phục vụ con người và thế giới".

Nhắc đến lễ kỷ niệm 60 năm công bố Tuyên Ngôn Phổ Quát về Nhân Quyền, trong năm 2008 này, Ðức Tổng Giám Mục Migliore đã nhận định rằng hiện tại không có nhân quyền căn bản nào không bị bỏ lơ là hoặc bị xúc phạm, khắp nơi trên thế giới. Theo Ðức Tổng Giám Mục, sở dĩ có tình trạng vừa nói trên, là bởi vì vẫn còn lập trường cho rằng nhà nước là kẻ có quyền trao ban những quyền lợi cho công dân, và có quyền giới hạn tầm mức áp dụng quyền đó, thay vì phải xem những quyền lợi đó như là những quyền tự nhiên, bẩm sinh và gắng liền với ngôi vị con người". Ðức Tổng Giám Mục Migliore cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở lại sự cộng tác pháp lý giữa các quốc gia. Những tổ chức quốc tế có thể trợ giúp, vì đó là những thành tố quý báu và không thể thay thế của việc áp dụng những nhân quyền.

Cuối cùng, Ðức Tổng Giám Mục còn cho biết rằng phần đóng góp của phái đoàn Toà Thánh cho tổ chức Liên Hiệp Quốc là khai mở cuộc thảo luận về tất cả mọi khía cạnh của sự tự do tôn giáo liên quan đến các chính phủ, các xã hội dân sự, các tôn giáo, và cả đến những ai xem tôn giáo như là "một vấn đề", một ngăn trở cho hoà bình và phát triển.