NHÂN NGÀY QUÓC TẾ PHÒNG CHỐNG AIDS

VÀI SUY NGHĨ TRƯỚC NHỮNG CÁI CHẾT


Một lần nọ, chợt có cú điện thoại gọi đến nhà, tôi liền đi theo một linh mục và một vài người để tham dự thánh lễ tại nhà một thanh niên vừa mới gia nhập hội thánh trước khi chết vì AIDS. (Dù đối tượng phục vụ của tôi là trẻ bụi đời và học sinh nghèo, nhưng tôi đi cho biết và xem có gì để viết)

Ngồi sau xe gắn máy, đi giữa phố nhộn nhịp ồn ào, mà đầu óc tôi cứ mường tượng nơi chúng tôi đến là một căn nhà tồi tàn, tối tăm, có một người thân hình gầy đét nằm trên giường dưới lớp khăn trắng toát. Tôi tranh thủ lúc đèn đỏ hỏi nhỏ vị linh mục và được cha cho biết người ta đã liệm anh ấy vào áo quan rồi. Tôi lại nghĩ ngợi: Ai chết rồi cũng được cho vào quan tài. Sáu mảnh gỗ vô tri ấy không chỉ gói ghém một cái xác không hồn mà có khi còn phải chứa đựng thêm một nổi uất hận của người trẻ; niềm hả hê của tuổi già; lòng ham mê của cải nơi người khát khao sự giàu có; niềm kiêu hãnh của người thành đạt hay nỗi tủi nhục của người đánh mất mình… Và bao điều hỉ, nộ, ái, ố đã gắn liền với tâm tư, tình cảm của người vừa khuất.





Rẻ vào một con hẽm lớn, tôi hơi ngạc nhiên khi tốp người dẫn đường dừng lại trước một ngôi nhà ba tầng khang trang, sạch sẽ. Quan tài để ở phòng khách, nhưng chỉ có hai người đứng gần đó. Chung quanh khu xóm xem ra chẳng có ai quan tâm. Phải chăng người ta đã quá mệt mỏi với cuộc sống, và chán ngán những cái chết được báo trước?

Chúng tôi bước vào bên trong, người dọn bàn để dâng lễ, kẻ bày hoa quả. Tôi và cha ghi tấm bìa cáo phó. Cầm tấm Chứng minh nhân dân (căn cước) để ghi rõ tên tuổi của anh Giuse, tôi thoáng xúc động vì anh quá trẻ, và cũng khá điển trai.

Một lát sau, cha của anh, một người đàn ông trông tốt tướng trò chuyện cùng tôi với vẻ bình thản. Ông cho biết con ông đã theo bạn bè cùng trang lứa ăn chơi sa đà từ năm 23 tuổi. Sao đó đi cai nghiện tập trung ở Đaklak, đên khi phát bệnh nặng thì trở về nhà…..Người anh thì nói chuyện vẻ đau khổ, thương tiếc pha lẫn sượng sùng xấu hổ: “Nó là con út, khi được chở về nhà, gia đình vẫn chăm sóc yêu thương, cho đi chữa bệnh nơi này, nơi nọ, cả Tây y lẫn Đông y. Nhưng nó không đủ sức chống trả với bệnh”. Còn vị linh mục thì phân trần: “Lúc đầu cậu ấy không đủ nghị lực, tinh thần và khả năng chịu đựng của thân xác nên cứ đòi tự tử. Sau được một bác sĩ từ thiện an ủi lúc chăm sóc hàng tuần, những người thiện chí đến nâng đỡ, anh Giuse mới bình tâm chấp nhận thực trạng của mình.”

Thánh Lễ được tiến hành. Vì số người dự quá ít, tôi tranh thủ chụp hình rồi cố gân cổ hát cho to, đối đáp lại lời thoại của cha. Vì không quen với Thánh lễ của người công giáo nên gia đình có vẻ lạ lẫm với công việc của linh mục. Lễ xong, cha an ủi người mẹ. Bấy giờ bà mới lộ vẻ xúc động về người con còn độc thân của mình. Phải chăng bà đã khóc quá nhiều trong mười năm qua nên không còn nước mắt để chảy ra cho ngày hôm nay?

Đây là một trường hợp điển hình của bệnh nhân AIDS. Còn biết bao trường bệnh nhân kéo theo hệ lụy của gia cảnh, đưa nỗi khổ đau của gia đình lên đỉnh cao của tủi hận?

Ở thành phố, có một chị và một tốp người tình nguyện phục vụ bệnh nhân AIDS đã biến nhà riêng của mình thành nơi đón tiếp bệnh nhân hằng ngày: Kẻ đến rửa vết thương, người đến nhận thuốc uống, tư vấn cho người mới mắc bệnh, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, được chỉ bảo về chế độ ăn uống…… Chị kể: “ Một ngày nọ có một cú điện thoại gọi chị đến một địa điểm. Khi đến nơi thì đó là một ngôi chùa. Một vị tu hành có chức sắc dẫn chị và những người tình nguyện đến một địa điểm khác, nơi có một bệnh nhân AIDS là em ruột của ông. Cánh cửa của căn phòng được thuê vừa mở ra, một mùi hôi thối vô cùng bốc ra làm ai cũng phải khó chịu. Nhóm của chị chăm sóc được một tuần rồi đưa anh ta vào Trung Tâm Mai Hòa. Ở đó, vị tu hành không đến thăm em mình nữa. Sau đó anh ta được chuyển về bệnh viện Nhiệt Đới vì bị bệnh lỡ loét ngoài da. Nhóm người tình nguyện lại tiếp tục đến đó theo dõi và chăm sóc anh. Anh ta quằn quại trong đớn đau, chửi rủa anh ruột của mình. Không hiểu sao anh ta lại hôi tanh khác thường hơn những bệnh nhân khác. Chăm sóc anh ta là một điều rất khổ cực. Được thời gian ngắn thì anh ta qua đời, vị tu hành kia mang về làm lễ an táng. Được biết anh ta chưa đến hai mươi lăm tuổi, chưa lập gia đình. Trước khi chết, anh có tỏ một chút thái độ hối hận và chỉ muốn được chết ngay…..Đến nay số bệnh nhân chết vì bệnh Aids ngày càng nhiều…..quả là một gánh nặng cho xã hội! “

Tôi nhìn bâng quơ vào mâm hoa quả, nhớ đến một bài hát.

“Tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với anh em tôi…

“Không phải ai xa lạ, mà là người đang sống quanh tôi…

“Thế giới này không ai là một hòn đảo…

“Vườn hoa này không có loài hoa lạc loài…”


Đúng, chẳng có ai là một hòn đảo. Mối dây liên hệ với gia đình, với cộng đồng xã hội như những dây leo chằng chịt. Đứt dây là phải động rừng mà thôi’! Mỗi sớm mai thức dậy, nếu anh hít thở một làn khí trong lành thì anh đã phải cất lời tạ ơn thượng đế. Nếu một dùng một bữa điểm tâm thịnh soạn hay rất đơn sơ thì anh lại phải hàm ơn nhiều người hơn. Nếu anh biết đứng thẳng và sống đúng nghĩa “ người “ thì cái ơn ấy chỉ có con tim chứa đầy ắp “chất người “ mới có thể đáp trả. Khi cuộc sống của anh không nảy sinh hoa trái, thì anh đã lỗi công bằng với những ai đã cố sức chung tay xây dựng cuộc sống tươi đẹp cho thế giới này… huống chi, vâng, huống chi anh đã chất thêm cho mình và người thân nỗi tủi hờn vào kiếp người vốn đã nhiều oan kiên nghiệt ngã.

Thôi, anh hãy bình tâm mà ra đi, ném trả lại những lỗi lầm cho ma quỷ. Những ngày tháng cuối đời vẫn có những người đến thăm anh với món quà là an ủi, lắng nghe, nụ cười, tạo một chút vui… chỉ vì họ đã biết múc lấy sự tha thứ rất lớn từ lòng yêu thương vô biên của Thiên Chúa mà đổ chan hòa trên con người đáng thương của anh.

Hãy yên nghỉ đi nhé, người con của Thiên Chúa!