(CWNews 28/11/2003) Các phương tiện truyền thông thường chỉ trích Giáo Hội Công Giáo về lập trường đối với việc dùng bao cao su để phòng chống bệnh Liệt Kháng. Nhiều cơ quan truyền thông còn đi xa hơn khi coi lập trường này của Giáo Hội Công Giáo như là một trở ngại trong nỗ lực phòng chống bệnh Liệt Kháng. Thái độ đạo đức giả này của các cơ quan truyền thông còn bao gồm việc cố ý lờ đi một sự thật là Giáo Hội Công Giáo đang ở vị trí lãnh đạo trong cuộc chiến chống bệnh Liệt Kháng.

Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm 28/11/2003, nhân ngày Thế Giới Chống Bệnh Liệt Kháng 1/12, Đức Hồng Y Javier Lozano Barragan cho biết các cơ quan trực tiếp của Giáo Hội đảm đương 12% trong nỗ lực chống bệnh Liệt Kháng của thế giới. Trong khi đó, các cơ quan bác ái bất vụ lợi khác của Công Giáo chiếm 13%. Như vậy, tính chung Giáo Hội Công Giáo đảm đương 25% nỗ lực của toàn thế giới trong cuộc chiến chống bệnh Liệt Kháng. Giáo Hội Công Giáo đã đáp trả trước sự lan tràn của bệnh Liệt Kháng cách tích cực thông qua những chiến dịch giáo dục, trợ giúp y tế, và chăm sóc cho những người đã bị nhiễm HIV. Ngoài vô số những bệnh viện, dưỡng đường, và các trung tâm y tế khác của Công Giáo đang chăm sóc cho các bệnh nhân bệnh Liệt Kháng, Giáo Hội còn đưa ra những trợ giúp cho con em và gia đình của các bệnh nhân. Ở nhiều nơi trên thế giới, chẳng hạn như tại Việt Nam, Giáo Hội là cơ chế duy nhất lo lắng cho người nhiễm HIV cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời họ và chôn cất họ đúng phẩm giá con người. Xin đọc thêm bài này "Ở nơi Chúa cũng ngậm ngùi"

Mỗi ngày trên thế giới có thêm 14,000 người mắc bệnh Liệt Kháng và 10,000 người chết vì bệnh này. Tính chung cho đến nay, sau 23 năm, 26 triệu người đã qua đời vì căn bệnh quái ác này. Một di lụy nghiêm trọng là hiện nay, riêng tại Phi Châu, đã có hơn 11 triệu trẻ em lâm vào cảnh mồ côi khi cha mẹ qua đời vì bệnh Liệt Kháng. Con số này được ước lượng sẽ tăng lên đến mức 20 triệu trong vài năm tới đây. Nhiều gia đình Phi Châu ngày nay chỉ còn ông bà già và các trẻ nhỏ.

Đức Hồng Y Javier Lozano Barragan, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Về Chăm Sóc Y Tế, đã dành cho thông tấn xã I Media cuộc phỏng vấn sau đây.

I Media: Thưa Đức Hồng Y, ngài nghĩ sao về lời công bố đã tìm ra được thuốc chủng ngừa bệnh Liệt Kháng?

Đức Hồng Y Lozano Barragan: Tôi hài lòng với việc tìm ra thuốc chủng ngừa bệnh Liệt Kháng dựa trên protein "TAT". Tuy nhiên, chúng ta phải có sự thận trọng vì ngay cả khi nó được chứng minh là có thể tin cậy, phương thuốc này vần còn phải chờ đợi đến 6 năm nữa mới có. Hơn thế nữa, có nhiều loại vi khuẩn bệnh Liệt Kháng khác nhau, và những hình thái khác nhau của vi khuẩn này có thể hoán đổi. Vì thế thuốc này không giải quyến vấn đề căn bản liên quan đến bệnh Liệt Kháng.

I Media: Thưa Đức Hồng Y, ngài tường trình rằng Giáo Hội đang dự phần tích cực qua những cơ quan của mình trong hoạt động chống bệnh Liệt Kháng. Xin Đức Hồng Y cho chúng con một vài thí dụ.

Đức Hồng Y Lozano Barragan: Chúng tôi đã tham dự vào nhiều cuộc gặp gỡ và nhiều cuộc họp thượng đỉnh khác nhau được tổ chức liên quan đến vấn đề này. Chính ông Kofi Annan, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã xin Đức Thánh Cha trợ giúp gia tăng các nỗ lực của Giáo Hội trong công cuộc chống bệnh Liệt Kháng. Chúng tôi cũng đã hợp tác với ông Tommy Thompson, thư ký của Quỹ Trợ Giúp Toàn Cầu của Hoa Kỳ để hình thành quan hệ giữa các tổ chức công và tư nhằm tài trợ cho các chương trình chống bệnh Liệt Kháng. Giáo Hội cũng đã hiện diện tại thượng đỉnh G8 ở Paris, với sự tham dự của 38 quốc gia, để lên tiếng yêu cầu sự phân phối tài nguyên kinh tế cho công cuộc chống bệnh Liệt Kháng.

Cá nhân tôi cũng đã nói chuyện trước quốc hội Lithuania về vấn đề này, là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến các nước đang còn yếu - đặc biệt là ở Đông Âu, nơi họ chưa nhận thức rõ và chưa chịu thừa nhận thực tại này. Tại Phi Châu, chúng tôi có một chương trình liên kết giữa các Hội Đồng Giám Mục tại Phi Châu với các Hội Đồng Giám Mục tại các nước phát triển.

Cuối cùng, ta không nên quên rằng 26.7% những đáp trả đối với bệnh Liệt Kháng xuất phát từ Giáo Hội Công Giáo.

I Media: Theo quan điểm của Đức Hồng Y, đâu là những điểm chính liên quan đến việc phòng chống bệnh Liệt Kháng?

Đức Hồng Y Lozano Barragan: Có ba con đường lan truyền căn bệnh này.

Liên quan đến việc lây nhiễm do truyền máu, con đường này có thể kiểm soát tốt được, mặc dù đó luôn luôn là một vấn nạn, do con người sử dụng ma tuý. Các bệnh viện luôn phải cảnh giác về con đường lây nhiễm này.

Liên quan đến việc lây nhiễm do tính dục, Giáo Hội minh định rằng giải pháp tốt nhất là sự khiết tịnh, chung thủy và kiêng cữ. Mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm cho những hành động tự do của mình. Người vợ có thể từ chối quan hệ với người chồng đã nhiễm bệnh, chẳng hạn, phụ nữ ấy luôn có quyền kêu đòi luật pháp bảo vệ. Liên quan đến vấn đề bao cao su, chúng được xem là một "tội ít nghiêm trọng hơn" nhưng các nghiên cứu chính thức về y khoa đã chứng minh rằng hiệu quả chỉ tối đa là 85%.

Cuối cùng, liên quan đến việc lây nhiễm từ người mẹ cho đứa con, các loại thuốc tỏ ra hiệu quả và cũng dễ dàng chống lại hình thái lây lan này. Nhưng điều quan trọng là phải đề cập với các bà mẹ về những loại thuốc này và cảnh giác họ về chuyện nuôi con.

I Media: Thưa Đức Hồng Y, tình hình thuốc cho bệnh Liệt Kháng có bản quyền trên thế giới hiện nay ra sao?

Đức Hồng Y Lozano Barragan: Những thuốc có đăng ký bản quyền dành cho bệnh nhân bệnh Liệt Kháng hiện nay quá đắt. Có lẽ chỉ có những người ở các nước giàu mới mua nổi. Các bệnh nhân ở các nước nghèo thì vô phương. Tuy nhiên, một khi bệnh nhân bắt đầu chương trình trị liệu với các thuốc chống sinh sôi vi khuẩn, họ không thể ngưng, nếu ngưng là chết. Và ngay cả thuốc này có rẻ đi đến mức còn khoảng $300 trong các nước đang phát triển, chính quyền vẫn cần phải vật lộn với chi phí này và phải nhìn nhận đây là một ưu tiên của quốc gia. Ở Mễ Tây Cơ, Ba Tây và Colombia, người ta nói với tôi rằng có lẽ họ sẽ cấp thuốc này miễn phí.