Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong những này này, Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ đã hướng về thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nơi cộng đoàn Công Giáo địa phương đã và đang trải qua những khó khăn nghiêm trọng sau các tai tiếng lạm dụng tính dục.

Hôm 21 tháng Năm, Đức Tổng Giám Mục Wilton Daniel Gregory đã chính thức nhậm chức Tổng Giám Mục thứ bảy của Hoa Thịnh Đốn trong một buổi phụng vụ long trọng tại Đền thánh quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội vào lúc 2 giờ chiều. Ngài là vị Tổng Giám Mục người da đen đầu tiên của tổng giáo phận thủ đô Hoa Kỳ.

Nhân thân của Đức Tân Tổng Giám mục cũng khá độc đáo. Ngài sinh ngày 7 tháng 12 năm 1947, năm nay 71 tuổi. Ngài là người con cả trong gia đình có 3 người con. Gia đình ngài không theo đạo Công Giáo. Cha mẹ ly dị từ khi ngài còn nhỏ. Ngài được bà ngoại chăm sóc cùng với hai người em gái. Năm 12 tuổi ngài mới được rửa tội. Nhưng ngay cả trước khi được rửa tội, ngài đã có chí muốn trở thành một linh mục Công Giáo.

Năm 26 tuổi, ngài được thụ phong linh mục. Ngày 31 tháng 10 năm 1983, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phụ Tá Chicago. 10 năm sau đó, vị Giáo Hoàng Ba Lan lại bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Belleville. Trong sắc lệnh bổ nhiệm cuối cùng của mình trước khi về với Chúa, Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Atlanta. Ngài giữ chức vụ này cho đến khi Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Hoa Thịnh Đốn vào ngày 4 tháng Tư vừa qua.

Ngài đã từng là vị Giám Mục da đen đầu tiên giữ chức chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ từ năm 2001 đến 2004.

Nhà thờ Thánh Matthêu Tông đồ là nhà thờ chính tòa của Tổng Giám mục Hoa Thịnh Đốn. Tuy nhiên, trước con số đông đảo anh chị em giáo dân tham dự thánh lễ này, tổng giáo phận đã quyết định tổ chức thánh lễ khai mạc sứ vụ chủ chăn của Đức Tổng Giám Mục Gregory tại Đền thánh Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, là Nhà thờ Công Giáo lớn nhất ở Bắc Mỹ.

Tiếng vỗ tay từ cộng đoàn gồm hơn 3,000 tín hữu đã vang lên khắp Đền thánh Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội khi Đức Tổng Giám Mục Wilton xuất hiện trong cuộc rước long trọng với 8 Hồng Y, 50 giám mục, 300 linh mục và 100 phó tế, cũng như rất nhiều lần trong bài giảng thật xuất sắc của ngài, và một lần nữa sau khi Thánh lễ kết thúc, khi Đức Tân Tổng Giám mục ban phép lành đầu tiên cho gia đình đức tin mới của ngài.

Trong bài giảng, ngài nói:


Tôi đến với khoảnh khắc khiêm nhường gần như không thể diễn tả được này trong cuộc đời và sứ vụ của tôi với lòng biết ơn sâu sắc, với niềm vui khôn lường và niềm tin vững chắc rằng Chúa Phục sinh đã hướng dẫn mọi hành trình của tôi sẽ ở bên cạnh tôi khi tôi bắt đầu phục vụ dân Chúa tại Tổng giáo phận Hoa Thịnh Đốn với tư cách là một tín hữu, một người bạn và một mục tử.

Vào tháng 12 năm 1983, trong một nhà nguyện phụ của nhà thờ chính tòa Danh Thánh Chúa ở Chicago, tôi đã thực hiện một lời hứa long trọng sẽ sống trong sự kết hợp và vâng phục người kế vị thánh Phêrô. Tôi vui vẻ, sẵn sàng, thành tâm lặp lại lời hứa ấy hôm nay khi tôi chấp nhận việc bổ nhiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Tòa Giám Mục Hoa Thịnh Đốn phi thường này.

Trong những năm qua, tôi đã biết một các thân tình và ngưỡng mộ sâu sắc ba vị đã ở ngai tòa Thánh Phêrô trong suốt cuộc đời tôi với tư cách là một giám mục. Những tình cảm kính mến và trung thành này được nảy sinh ra từ lần gặp gỡ đầu tiên, và được nuôi dưỡng bởi sự thân ái và khôn ngoan của ba vị giáo hoàng này, mỗi người có những nét khác biệt nhưng gắn bó cùng nhau bởi đức tin và một tình yêu đích thực dành cho Giáo Hội của Chúa Kitô - mỗi người đều mang đến những ân sủng độc đáo làm phong phú hóa chúng ta như một gia đình Công Giáo toàn cầu.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã hiệu triệu Giáo Hội – từ Giáo Hội mà tôi muốn nói ở đây là tất cả những người đã được rửa tội. Ngài kêu gọi chúng ta hãy rời khỏi những giới hạn thoải mái của mình để gặp gỡ và đón tiếp những người nghèo, những người bị thiệt thòi và bị bỏ rơi, và đặt họ tại trung tâm của Giáo Hội Chúa Kitô. Bắt đầu từ hôm nay, đó là của nhiệm vụ của tôi ở đây tại Tổng giáo phận Hoa Thịnh Đốn này. Tôi cảm ơn Đức Thánh Cha vì thử thách chính đáng đó – nói đúng ra là một cơ hội - và tôi xin cam kết lòng trung thành, sự kính trọng và tình cảm huynh đệ của tôi với ngài một lần nữa. Tôi tự hào được kề vai sát cánh với ngài khi ngài cai quản và hướng dẫn Giáo Hội của Chúa Giêsu như một người có niềm tin sắt son và niềm vui dạt dào. Đức Thánh Cha Phanxicô thường kết thúc các thông điệp của ngài với lời yêu cầu chân thành xin chúng ta cầu nguyện cho ngài. Tôi bảo đảm với ngài những lời cầu nguyện của tôi hằng ngày và tôi yêu cầu tất cả anh chị em cũng hãy nhớ đến vị mục tử đáng kính này trong lời cầu nguyện của anh chị em.

Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, là đại diện của Đức Thánh Cha tại Hoa Kỳ, không làm giảm đi tính chất long trọng trong trách nhiệm đại sứ của mình, đã trở thành một người bạn đối với quốc gia chúng ta và là anh em với các giám mục Hoa Kỳ. Tôi biết ơn ngài cũng như sự hướng dẫn, tính nhân bản, sự bền đỗ và tinh thần hy vọng lan tỏa của ngài. Đức Tổng Giám Mục và tôi không chỉ chia sẻ sứ mệnh chung của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng, nhưng còn chia sẻ thành phố tuyệt vời này, và chúng tôi trân trọng cả hai điều khó có thể diễn tả thành lời đó.

Đức Hồng Y Wuerl đã và vẫn là một người bạn thân ái và một anh em giám mục của tôi trong nhiều năm qua. Trên hết, ngài là một Kitô hữu chân thực đáng tôn quý, và tôi cảm ơn ngài một cách công khai và chân thành vì sự chào đón nồng nhiệt, thái độ hòa nhã, sự ủng hộ và quyết tâm của ngài.

Tôi xin chào và cảm ơn các vị khách quý từ văn phòng của tổng thống và tất cả các quan chức công quyền và dân cử có mặt ở đây. Tôi nồng nhiệt chào đón các anh em và bạn bè đại kết và liên tôn của chúng ta, mà sự tham dự của các vị nhắc nhở tất cả chúng ta các công việc đại kết và hợp tác liên tôn hết sức quan trọng và làm phong phú lẫn nhau.

Anh chị em giáo dân, nam nữ tu sĩ và các linh mục của Tổng giáo phận Hoa Thịnh Đốn đã mang đến cho tôi một sự chào đón trìu mến mà tôi rất biết ơn. Tôi đã đến để ngưỡng mộ và tôn trọng họ như một gia đình đức tin thực sự, và dấn thân với Giáo Hội địa phương và với những người lân cận của họ, sẵn sàng và thậm chí lo lắng để làm việc cùng nhau ngõ hầu có thể đưa Tin mừng đến với cộng đồng rộng lớn hơn và thế giới thông qua lời nói và hành động. Tôi mong muốn làm sâu sắc thêm sự gần gũi và tình yêu của tôi dành cho họ.

Chúng ta đang đứng tại một thời điểm quyết định đối với cộng đoàn đức tin tại địa phương này - trái tim của chúng ta tràn đầy hy vọng và háo hức. Lịch sử được truyền lại của Tổng giáo phận vĩ đại này là một ân sủng cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ. Nỗi buồn và sự xấu hổ gần đây của chúng ta không định nghĩa chúng ta; thay vào đó, chúng thúc đẩy và củng cố chúng ta để có thể đối mặt với ngày mai bằng một tinh thần bất khuất. Cùng nhau, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần củng cố chúng ta với ân sủng, sự bền đỗ và quyết tâm mà chỉ có chính Chúa Kitô mới có thể mang đến như một món quà qua sự hiện diện, bình an và lời hứa của Ngài.

Như chúng ta đã nghe trong bài Tin mừng được công bố hôm nay, Chúa Giêsu đã dành nhiều thời gian xung quanh các ngư dân, và Ngài có lý do chính đáng! Nơi họ, Ngài tìm thấy những người biết giá trị và sự hài lòng của công việc khó khăn và dài ngày, và họ cũng không né tránh. Ngài đã khôn ngoan chọn những môn đệ đầu tiên của mình trong số những người kiếm sống trên biển, chắc chắn Chúa chọn những cá nhân biết cách lèo lái những con thuyền và sử dụng những chiếc lưới của họ, nhưng Ngài cũng chú ý đến trí thông minh và sự tháo vát của họ để bảo đảm cho những mẻ lưới hàng ngày thường đòi hỏi sự khôn ngoan tinh tế. Ngài nhận ra sự kiên cường quyết liệt của họ trong ý chí hoàn thành công việc và cuối cùng chuyển hướng sự tập trung của họ từ những con cá sang các gia đình.

Các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu rõ ràng đã quen với những thăng trầm trong lối sống hàng hải của mình. Tuy nhiên, họ không quá ngạo mạn đến nỗi không biết sợ là gì khi biển cả, như thường lệ, bắt đầu dậy sóng. Họ có cả một sự tôn trọng lành mạnh lẫn một nỗi sợ hãi thực sự trước sức mạnh của giông tố và các con sóng đánh tới tấp vào họ. Khi tình hình lắng đọng, họ cảm thấy an toàn. Khi giông bão ập đến và họ hết còn cảm thấy có thể kiểm soát được tình hình hay môi trường xung quanh, họ trở nên sợ hãi. Cuộc sống trên biển tiếp tục là một ẩn dụ đáng cho chúng ta - những người có đức tin – phải chú ý.

Gần đây và trong một khoảng thời gian quá dài cho đến nay, chúng ta đã bị rúng động bởi một khoảnh khắc hỗn loạn bất thường trong hành trình đức tin của chúng ta. Làn sóng của những tiết lộ bất ổn đã khiến ngay cả những người can đảm nhất trong chúng ta cũng trở nên sợ hãi và thậm chí, đôi khi có thể nói là hoảng sợ. Chúng ta cũng vậy, giống như những môn đệ sợ hãi trước giông tố và các ngọn sóng đã kêu lên: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mk 4:38) Câu hỏi của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ ngày ấy cũng dành cho ta hôm nay: “Sao nhát thế? Tại sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (Mk 4:41)

Các môn đệ ngày ấy chắc phải cảm thấy đỏ mặt ngay lập tức và thậm chí xấu hổ vì lời trách mắng của Chúa. Trong nỗi âu lo của họ, họ đã quên mất rằng Chúa Giêsu Kitô thực sự đang ở trên thuyền với họ. Chính Đấng đã nuôi dưỡng vô số người với rất ít cá và bánh, đã phục hồi thị lực cho người mù, làm cho Lagiarô người bạn của mình sống lại từ cõi chết. Chính Người đã ở trên thuyền cùng với họ và, với một ít lời, ngắn ngủi trong một hơi thở, Ngài làm dịu giông gió và biển cả và Ngài khôi phục lại sự bình tĩnh của họ.

Trong khi tôi biết trong lòng mình - và tôi tin rằng anh chị em cũng biết trong trái tim mình - rằng Chúa Giêsu đang ở trên thuyền với chúng ta trong thời khắc khó khăn này, tôi thú nhận rằng tôi không có những lời nói có thể trấn an mọi tâm hồn, làm dịu đi mọi nỗi sợ, và giảm bớt mọi nỗi đau. Nhưng tôi có thể nhắc anh chị em – và đôi khi tôi phải tự nhắc nhở chính mình - rằng: Ngài đang ở đây. Ngài ở đây khi biển lặng, và Ngài ở đây trong mọi khoảnh khắc bất định, giận dữ, sợ hãi và xấu hổ. Ngài mời gọi chúng ta đặt niềm tin vào Ngài - không phải trong những câu trả lời hay trong những chương trình dễ hiểu và dễ dàng – nhưng là nơi Ngài và chỉ một mình Ngài mà thôi. Ngài sẽ làm cho Giáo Hội của mình bình tĩnh và ổn định không phải thông qua bất kỳ một mục tử nào. Thay vào đó, Ngài không muốn gì khác hơn là chúng ta hãy tin tưởng rằng Ngài sẽ đưa chúng ta trở lại bờ an toàn và thậm chí chúng ta còn được củng cố bởi những thử thách đã phải trải qua. Và Ngài luôn luôn làm như vậy.

Nếu thực sự chúng ta tin tưởng nhiều hơn vào Ngài và ít hơn vào chính mình, chúng ta phải thừa nhận những thất bại của chính chúng ta. Chúng tôi các giáo sĩ và hàng giáo phẩm không thể phủ nhận chúng tôi là nguồn gốc của cơn bão tố hiện tại này. Toàn thể Giáo Hội phải nhớ lại rằng tất cả chúng ta trước hết và trên hết thuộc về Chúa Kitô. Phẩm giá của chúng ta không được tìm thấy nơi số lượng, ảnh hưởng hoặc tài sản - nhưng nơi Ngài, là Đấng vẫn ở bên chúng ta ngay cả trong những thời khắc hỗn loạn nhất của cuộc đời.

Tôi toàn tâm ghi nhớ lời khuyên của Thánh Phêrô đối với những linh mục đầu tiên của Giáo Hội là đừng làm chúa tể đối với những người được giao phó cho mình, nhưng hãy là một tấm gương cho người dân của các ngài. Tấm gương mà tôi muốn đưa ra cho anh chị em là tấm gương của một người đầy niềm tin, hy vọng và niềm vui khi biết Chúa Giêsu Kitô đang ở trên chiếc thuyền này. Tôi muốn trở thành một mục tử chào đón, là người biết cười với anh chị em bất cứ khi nào chúng ta có thể cười, và là người biết khóc với anh chị em bất cứ khi nào chúng ta phải rơi lệ, và là người thành thật thú nhận lỗi lầm và thất bại của mình trước anh chị em khi tôi phải thừa nhận những sai lầm ấy, chứ không phải khi chúng đã được phanh phui ra.

Tôi bắt đầu diễn từ này, là bài giảng đầu tiên của tôi với tư cách là Tổng Giám Mục Hoa Thịnh Đốn bằng cách xác nhận lòng biết ơn và hy vọng của tôi. Tôi đã khám phá ra những đức tính đó trong cuộc sống của vô số những người rất yêu quý của tôi. Tôi dâng lời tán tụng Chúa vì cha mẹ tôi, Ethel và Wilton, là những người đã hợp tác với Chúa trong việc mang đến cho tôi hơi thở của cuộc sống. Xin cho giờ đây song thân tôi có thể được tận hưởng cuộc sống viên mãn. Tôi muốn dừng lại trong sự đánh giá cao và sự ngưỡng mộ sâu sắc đối với người bà yêu dấu của tôi, Etta Mae, một người phụ nữ có thể không có các bằng cấp khoa bảng nhưng trái tim tràn ngập tình yêu, trí tuệ và những lý lẽ mà bà đã quảng đại chia sẻ với hai người em của tôi - Elaine và Claudia - và tôi. Chắc không người anh nào có những người em tốt hơn và đáng yêu hơn những người em của tôi.

Danh sách dài gồm bạn bè, hàng xóm, thầy cô giáo và những người hướng dẫn cho tôi quá dài để cố gắng chia sẻ. Nhiều người trong số họ là các linh mục và giám mục đã định hình tôi và đưa ra các chứng tá cho tôi về tác vụ linh mục đích thực có thể và nên như thế nào.

Người dân Chicago vẫn tuyên bố tôi là một thành viên trong số họ và tôi vui mừng, tự hào chấp nhận sự chỉ định đó. Gia đình đức tin của tôi trong Giáo Phận Belleville đã giúp tôi khám phá ra rằng, khi được chăm sóc bằng một tình yêu thương từ ái, những hạt giống của Giáo Hội giống như những hạt giống của trái đất sẽ vươn lên dồi dào và mạnh mẽ trong các bối cảnh đa dạng - thành thị, nông thôn và thị trấn nhỏ. Người dân Nam Illinois đã giúp định hình tôi trong mọi khía cạnh của sứ vụ giám mục; thật vậy, đơn giản đó là nơi tôi đã học làm giám mục giáo phận, và kinh nghiệm đó vẫn là một phần trong mọi việc tốt tôi làm.

Và sau đó là tổng giáo phận Atlanta – là cộng đoàn được chúc phúc nơi tôi khám phá ra nguồn gốc, truyền thống và tình yêu của người miền Nam đã hỗ trợ tôi trong việc chuẩn bị cho thời điểm này. Tôi bảo đảm với tất cả mọi người rằng tôi không bao giờ quên được Georgia.

Cuối cùng, đối với các giám mục anh em của tôi, rất nhiều vị tôn vinh Giáo Hội địa phương này bằng sự hiện diện của các ngài và nâng đỡ tôi qua những lời cầu nguyện và tình huynh đệ, tôi xin gởi đến các anh em lời cảm ơn và sự kính trọng này. Trong gần 36 năm tôi đã là một thành viên của hàng giám mục, trong thời gian đó, như các anh em, tôi đã chứng kiến những niềm vui lớn và những nỗi buồn sâu sắc. Tôi cảm ơn các anh em thân mến, vì lòng tốt và sự hỗ trợ của anh em, đã thúc đẩy tôi yêu thương và dẫn dắt gia đình đức tin mới này với sự tận tụy và bền đỗ.

Tôi đã không bắt đầu bài giảng này với những biểu hiện của lòng biết ơn và tình yêu như thế đối với anh em vì e rằng trong phần kết luận này tôi mất đi cơ hội đề cập đến điều đó.

Hôm nay, những người bạn cũ và mới của tôi, gia đình tôi, anh em tôi ơi, chúng ta bắt đầu một hành trình cùng nhau trên những vùng biển đang đầy bão tố một cách không thể chối cãi được. Chúng ta được cảnh báo bởi lời khiển trách của Chúa Kitô đối với các môn đệ của Ngài rằng nỗi sợ hãi và sự hoang mang của họ không phải là sản phẩm của sự hỗn loạn xung quanh, nhưng là do sự thiếu niềm tin tiềm tàng vào Đấng đang hiện diện cụ thể ngay bên cạnh họ. Khi Chúa Giêsu Kitô, chỉ một lời, ngắn gọn trong một hơi thở, cuối cùng đưa chúng ta ra khỏi cơn bão do chính chúng ta tạo ra này, cầu xin sao cho Ngài không cảm thấy phải khiển trách chúng ta vì đã thể hiện sự thiếu niềm tin một cách tập thể vào Ngài, nhưng trái lại cảm thấy tự hào về sự bất khuất, và đức tin kiên định mà chúng ta không bao giờ đánh mất, vì Tin Mừng đã làm rõ rằng - và tôi tin, cũng như anh chị em cũng tin rằng - “Đấng mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh chưa từng bao giờ rời khỏi chúng ta!”

Hãy yên tâm về những lời cầu nguyện của tôi dành cho anh chị em ngay cả khi tôi yêu cầu anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa ban phép lành cho Tổng giáo phận Hoa Thịnh Đốn của chúng ta! Amen.

Thánh lễ có nhiều khoảnh khắc cảm động, như khi cầu nguyện bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt, tiếng Tagalog, tiếng Igbo, và tiếng Hoa.

Đức Tổng Giám Mục Wilton đã nhận những của lễ dâng lên bàn thờ từ hai người em của mình.



Source:Catholic Standard