Sống đức tin nơi miền hoang dã:

Miền Tây Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ 19 là một vùng giới tuyến hoang dã, có nhiều truyền thuyết về những tay giang hồ hảo hớn, chính đạo có mà tà đạo cũng có, vẫn còn được lưu truyền cho tới ngày nay, nhất là trong văn chương và phim ảnh bình dân.

Sơ Blandina Segale, dòng Sisters of Charity (Các Chị Em Bác Ái), cũng được liệt vào hàng quái kiệt cuả vùng đất ấy. Sơ sống cùng thời với một kiệt nữ có hỗn danh là Calamity Jane (Jane Tai Hoạ), nhưng một bên sống một cuộc đời Tu Hành Từ Thiện còn bên kia thì sống một cuộc đời Lang Bạt Kỳ Hồ. Không có bằng cớ nào cho biết hai người đã gặp nhau dù rằng những nẻo đường đời cuả họ đã đan chéo chồng chất lên nhau.

Sơ là đối thủ 'đồng cân đồng lượng' với một tên 'tà đạo' khét tiếng, vừa khát máu vừa tàn bạo, đáng sợ nhất thời bấy giờ, đó là tên cướp Billy the Kid. Theo hồi ký cuả Sơ thì họ đã gặp nhau và coi nhau như 'bạn.'

Hệ thống truyền hình PBS đã mô tả Sơ là ‘The Fastest Nun in the West’ ('Người Nữ Tu Nhanh Nhất Miền Tây'), trong một 'hồi' (episode) cuả loạt chuyện (series) 'Death Valley Days' ('Những ngày ở vùng Thung Lũng Chết'). Câu chuyện kể lại (một cách phóng đại và thêm màu mè) thành tích cuả Sơ Blandina đã đương đầu và thành công trong việc chấm dứt nạn đám đông lôi kẻ tình nghi ra treo cổ (lynch mop) mà không đợi xét xử.







Công cuộc mở án phong thánh:

Ngày 26 tháng 8 vừa qua, giáo dân cuả tổng giáo phận Santa Fe ở Albuquerque (New Mexico) đã cử hành một nghi lễ "thẩm vấn đầu tiên" ("first inquiry") để tiến hành công cuộc xin phong thánh cho Sơ Blandina Segale. Giai đoạn thẩm vấn công khai được TGM nghỉ hưu là Michael Sheehan làm chủ tịch, có mục đích tìm kiếm những chứng cớ để thiết lập hồ sơ chính thức lên Vatican.

Nhiều nhân chứng cho biết Sơ Segale đã tranh đấu cho người 'Da Đỏ', cho dân Mễ, cho người di cư gốc Ý chống lại những lừa đảo, đối xử tàn nhẫn và bạo lực của những tên lưu manh cậy thế cậy quyền đi chiếm đất và ngăn chặn những việc buôn bán phụ nữ mãi dâm.

Họ làm chứng rằng sau khi chết, Sơ Blandina đã làm phép lạ cứu giúp những bệnh nhân ung thư và những người nhập cư nghèo.

Đó là chưa kể tới nhiều trường học và bệnh viện mà Sơ đã lập ra tại các tiểu bang New Mexico và Ohio, vẫn còn hoạt động cho đến ngày hôm nay.

Năm ngoái, tổng giáo phận Santa Fe đã nhận được văn thư cuả Vatican cho phép mở hồ sơ phong thánh cho Sơ, đây là lần đầu tiên trong 400 năm lịch sử của New Mexico mà Giáo Hội Công Giáo La Mã đã ban hành một nghị định mở án phong thánh cho một cư dân cuả tiểu bang.

Cuộc đời Sơ Blandina:

Sơ Blandina, tên là Maria Rosa Segale, sinh ra ở Cicagna nước Ý, vào năm 1854 khi bốn tuổi thì theo cha mẹ di cư tới Cincinnati, Ohio. Maria Rosa đã ăn sinh nhật thứ 5 của mình trên tàu trong khi vượt biển.

Lúc 16 tuổi, Maria Rosa gia nhập dòng Sisters of Charity và lấy tên là Sơ Blandina. Lúc 22 tuổi, Sơ được gửi đi một mình tới miền Tây đang được khai hoang, bắt đầu là Trinidad trong 'lãnh thổ' ('territory') Colorado (chưa trở thành Tiểu Bang) để dạy học. Một vài năm sau đó, Sơ được gửi về phiá nam, đến Santa Fe và sau đó đến Albuquerque ở New Mexico.

Trong thời gian ở New Mexico, Sơ Blandina đã giúp thành lập hệ thống y tế công cộng và hệ thống trường công với việc xây dựng các bệnh viện đầu tiên và trường học tại Albuquerque. Sơ thường xin cho các tù nhân được tại ngoại tạm thời để giúp đỡ các công việc xây dựng.

Năm 1897, Sơ trở về dòng mẹ ở Cincinnati và xây dựng trường Santa Maria Institute, để lo cho người di dân.

Phần lớn những gì người ta được biết về cuộc sống cuả Sơ Blandina trong giai đoạn ở miền Tây là nhờ ở một loạt các bức thư gửi cho cô em gái, là Sơ Justina Segale, ở Ohio. Các thư từ đó, viết trong khoảng từ năm 1872 đến 1894, đã được xuất bản mười năm trước khi Sơ Blandina qua đời (1941.)

Ngăn cản một đám đông treo cổ (lynch mop):

Khi Sơ Blandina đang dạy học tại New Mexico thì một học sinh chạy tới nói với Sơ, "Bố con vừa bắn một người, người ta sắp treo cổ bố."

Lập tức Sơ Blandina hối hả chạy đi dàn xếp sự việc. Sơ tới thăm kẻ bắn, thuyết phục anh ta viết lời thú tội. Sau đó, Sơ gặp nạn nhân đang hấp hối, xin anh tha thứ cho kẻ thù trước khi qua đời.

Dù cho hai người đàn ông đã giao hòa với nhau, Sơ Blandina vẫn còn phải phân bua và trấn an một đám đông đang hăm hở tiến đến đòi thắt cổ 'tên sát nhân,' rồi sau đó đưa anh ta đến tòa án an toàn mà được xét xử theo luật. Anh ta bị kết án chung thân khổ sai. Nhưng chỉ sau chín tháng thì được cho về để lo chăm sóc cho bốn đứa con còn bé.

"Sơ đã tước vũ khí ra khỏi tay đám đông, hạ dây treo cổ xuống và đồng thời xoá bỏ lòng thù hận ở nơi họ", ông Allen Sanchez nói về câu chuyện giửa Sơ và đám đông tàn bạo.

Allen Sanchez là giám đốc điều hành bệnh viện nhi đồng St. Joseph ở Albuquerque, bệnh viện mà Sơ Blandina thành lập. Ông cũng là một trong những thỉnh nguyện viên cho vụ án phong thánh.

"Sơ ấy phải có một sức quyến rũ để có thể làm xuôi lòng họ!" Ông nói thêm. "Tôi nghĩ rằng sở dĩ họ có thiện cảm với Sơ và làm theo Sơ, bởi vì Sơ đã quan tâm đến họ và đã có thể nhìn thấy phẩm giá ở nơi mỗi người, từ những đứa trẻ mồ côi vô tội cho tới những tên tội phạm sống ngoài vòng pháp luật."

Bạn cuả Billy the Kid:

Nói đến những tội phạm, không thể không kể đến trường hợp cuả tên Billy the Kid, một tên tướng cướp chuyên đánh cướp ngân hàng và xe đò (chạy bằng ngựa) trong thời miền Tây Hoang Dã (the Wild West).

Dù cho tên đó không hề nể Trời nể Đất, cuối cùng hắn cũng phải nể một người đàn bà có bản lãnh.

Theo những chuyện kể dân gian và đối chiếu với những bức thư cuả Sơ Blandina thì người ta đan lại câu chuyện giữa hai người như sau:

Một tên đồng bọn cuả Billy the Kid bị bắn và bỏ cho chết, các bác sĩ ở Trinidad (Colorado) lúc đó từ chối không chữa hắn. Sơ Blandina đã quyết định đưa hắn về nhà, lo cho hắn 3 tháng trời, tới khi hắn bình phục.

Nhưng tên tướng cướp Billy the Kid (tên thật là Henry McCarty) thì vẫn chưa hả giận, hắn tung ra tin đồn là sẽ đánh úp thành phố để trả thù, và sẽ lấy da đầu cuả 4 vị bác sĩ đó.

Sơ Blandina đã đón hắn ở dọc đường, và nhân danh tên cướp được Sơ cứu chết, thuyết phục hắn từ bỏ ý định.

Sau đó họ trở thành bạn. Khi hắn bị bắt, Sơ đã đi thăm hắn trong tù. Hắn cho biết đã có lần hắn ngưng không đánh cướp một chuyến xe đò (stage-coach) bởi vì hắn nhìn thấy một người khách ở trong xe là Sơ.



Bước tiếp theo

Để được phong chân phước, cần phải chứng minh là nhờ sự chuyển cầu cuả Sơ Blandina đã xẩy ra một phép lạ mà khoa học không thể giải thích được. Hiện nay đã có một số những trường hợp như vậy, do đó người ta đã hy vọng rằng, án phong thánh cuả Sơ Blandina sẽ tiến triển một cách mau chóng.

Theo ông Sanchez, "có một em bé sinh thiếu tháng với một van tim bị hỏng và lá phổi bị sụp", ông nói. "Gia đình này đã lập tức liên lạc với chúng tôi, cho biết họ làm tuần cửu nhật cầu nguyện cùng Sơ Blandina cho em. Các bác sĩ đã không mấy hy vọng, nhưng chỉ bốn ngày sau thì họ không thể tìm ra vấn đề gì ở tim nữa, giống như thể không hề có sự gì đã xảy ra vậy. Các bác sĩ nói rằng không có cách để giải thích, vì vậy mà chúng tôi đang theo đuổi 'ca' này, nhưng cũng có rất nhiều những 'ca' như thế nữa đang được theo đuổi thêm. "

Dù hy vọng sẽ có một cuộc phong thánh mau chóng, nhưng kinh nghiệm cho thấy những việc phong thánh có thể kéo dài hàng thế kỷ.

Dù sao thì sự khám phá lại cuộc sống cuả một Nũ Tu như Sơ Blandina sẽ cung cấp cho chúng ta một mẫu gương sống đạo quan trọng và gần gũi với hòan cảnh xã hội ngày nay. Theo ông Sanchez thì Sơ Blandina đã cho thấy không những chúng ta cần giải quyết những khó khăn cấp bách, nhưng đồng thời cũng cần giải quyết tận gốc những nguyên do phát sinh ra từ cơ chế cuả xã hội.

"Sơ sẽ bắt đầu từ những công việc từ thiện rồi tiến lên tới những vấn đề công bằng xã hội," ông Sanchez nói. "Ví dụ, nếu gặp tình cảnh các công nhân đường sắt lang thang đầu đường xó chợ, Sơ sẽ cung cấp thức ăn và nhà ở cho họ, nhưng sau đó Sơ cũng sẽ đặt vấn đề với giới chủ nhân là tại sao các công nhân đường sắt đã không được chăm sóc đàng hoàng. Và cũng như thế, đó là 'ơn gọi' cuả chúng ta ngày hôm nay. Từ thiện là quan trọng, nhưng đó là nơi mà bạn bắt đầu, sau đó bạn sẽ di chuyển đến công bằng xã hội. "