Ngày 4 tháng 11 là ngày bầu cử 'giữa kỳ' (midterm election) cuả Hoa Kỳ.

Cứ hai năm một lần, Hoa Kỳ tổ chức một 'cuộc bầu cử toàn quốc' (general election). Khi cuộc bầu cử xảy ra ở giữa nhiệm kỳ cuả một vị Tổng Thống thì được gọi là 'bầu cử giữa kỳ' (midterm election). Cuộc bầu cử khác, trùng với cuộc bầu cử Tổng Thống, thì gọi là 'bầu cử thưòng kỳ 4 năm' (quadrennial election).

Số dân cử được bầu năm nay:

Vì nhiệm kỳ cuả một dân biểu Hạ Viện là 2 năm, cho nên tất cả 435 ghế Hạ Viện sẽ được bầu lại.

Về phần Thượng Viện, nhiệm kỳ cuả một thượng nghị sĩ là 6 năm, nghĩa là mỗi 2 năm người ta bầu lại 1 phần 3 thượng viện, tức là 33 ghế.

Song song với việc bầu cử ở cấp liên bang như trên, ở cấp tiểu bang cũng sẽ có bầu cử 38 ghế Thống Đốc và 46 lưỡng viện quốc hội (trừ Louisiana, Mississippi, New Jersey và Virginia).

Viễn cảnh bế tắc:

Những năm gần đây, chính quyền Hoa Kỳ đang mắc kẹt trong một tình trạng gọi là bế tắc (gridlock) bởi vì đảng đối lập (Cộng Hoà ) nắm được đa số áp đảo tại Hạ Viện. Mọi dự luật và dự chi cuả chính quyền Obama đều bị bác bỏ thẳng thừng.

Tuy đảng cầm quyền (Dân Chủ) còn giữ được đa số ở Thượng Viện nhưng đa số đó không đủ tỷ số (60%) để có thể làm nên chuyện.



Bế tắc là một tình trạng thông thường xảy ra trên sân khấu chính trị cuả Hoa Kỳ. Các vị tổng thống gặp 'nạn bế tắc' như vậy, như các ông Reagan, Bush hay Clinton, thường phải thoả hiệp (compromise) để thúc đẩy nghị trình cuả mình. Reagan (Cộng Hòa) thoả hiệp với một nhóm Dân Chủ, có nhiều lý tưởng tương đồng với ông, gọi là Blue Dog Coalition (dùng dấu hiệu là đầu một con chó mầu xanh) để thúc đẩy những nghị trình bảo thủ. George H.W. Bush (cha) phải thoả hiệp cho tăng thuế để làm giảm sự thâm hụt công quĩ. Bill Clinton phải thoả hiệp về đồng tính với thể thức "Don't ask, don't tell" (không hỏi, không nói)...

Bế tắc trong những năm qua trở nên trầm trọng hơn vì Tổng Thống Obama không biết thoả hiệp.

Có thể là ông ta đã muốn thoả hiệp nhưng lòng thành thật cuả ông bị đặt một dấu hỏi rất lớn, ông đã từng 'thách thức' không thi hành nhiều luật lệ bất lợi cho những đồng minh cuả ông (những tổ chức phá thai, đồng tính...) và đơn phương ban hành nhiều luật lệ hành chánh làm đảo lộn những thể lệ cuả luật lệ hiện hành (những biện pháp vá víu về di dân, an ninh, y tế...). Và vì thế mà cứ mỗi lần có chút hy vọng về một kết quả nào đó, thí dụ như luật canh cải về di dân đã bàn xong ở Thượng Viện, thì phe Cộng Hoà lại chơi trò hoãn binh, viện dẫn lý do là họ cần phải có thêm thời gian để tìm được một túc số cần thiết cuả những người 'tin tưởng' (trust) vào Tổng Thống.

Năm nay viễn ảnh bế tắc sẽ tăng vì kinh nghiệm cho thấy đảng cầm quyền thường mất thêm phiếu trong các cuộc bầu cử giữa kỳ.

Hầu hết các cơ quan thăm dò dư luận tiên đoán rằng đảng Dân Chủ sẽ không còn kiểm soát ngành Lập Pháp nữa (mất cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện).

Sẽ có xa lầy thêm 2 năm nữa, cho dù Dân Chủ còn giữ được Thượng Viện hay không. Cách duy nhất để tháo gỡ là sự nhượng bộ cuả Tổng Thống Obama.

Một cái vòng luẩn quẩn sẽ xảy ra: Lập Pháp, do Cộng Hoà kiểm soát, sẽ thông qua nhiều dự luật, nhưng Obama sẽ dùng quyền phủ quyết để bác bỏ. Và vì phe Cộng Hoà không có đủ 60 ghế ở Thượng Viện để vượt qua (override) việc phủ quyết đó, cho nên 'bế tắc sẽ hoàn lại bế tắc'.

Kết quả cuả nạn bế tắc:

Không phải mọi hệ lụy cuả bế tắc đều là xấu. Nhiều kinh tế gia cho rằng nhờ có bế tắc mà sự chi tiêu hào phóng của Hoa Kỳ đã được kềm hãm, sự thâm hụt về tài chánh được giảm bớt, cán cân ngoại thương tương đối tìm được cân bằng và nền kinh tế đang trên đà phục hồi.

Do đó cho nên Chính quyền Obama đã không dám rêu rao về những thành quả kinh tế là cuả mình để kiếm phiếu trong cuộc bầu cử này. Đây là một cuộc bầu cử mà người ta vẫn có nhiều vấn đề để tranh cãi, ngoại trừ vấn đề chữ "E" (Economy: Kinh Tế ).

Nhưng bế tắc cũng có nhiều hệ lụy xấu. Chính sách Hoa Kỳ bị sa sút trên lãnh vực ngoại giao và quân sự. Âu Châu không còn sống hoà nhịp với Mỹ như xưa, Tầu và Nga bắt đầu 'thí nghiệm' sức mạnh cuả Mỷ ở nhiều nơi.

Riêng ở trong nước, nhiều lãnh vực đời sống dân sự đáng lẽ phải được canh tân đã không thể thực hiện được, thí dụ như những luật lệ về di dân, việc tăng cường kiểm soát biên giới để chống nạn buôn người, ma tuý và vấn đề giảm giá y tế.

Đó là những ưu tiên rất cao đối với người Công Giáo, cộng với với 2 ưu tiên bảo vệ tự do tôn giáo và bảo vệ sự sống.

Mặc dù biết rằng sự bế tắc sẽ không có hy vọng được tháo gỡ qua cuộc bầu cử năm nay, nhiều cơ quan Công Giáo vẫn mạnh mẽ khuyên mọi người Công Giáo nên đi bầu, để tạo ra một chiều hướng thuận lợi cho tương lai.

Những lời khuyên về bầu cử

Trong các cuộc bầu cử giữa kỳ, vì không bầu Tổng Thống, nên mọi tranh luận hầu như chú trọng nhiều hơn về những vấn đề địa phương.

Hai đảng là Cộng Hoà và Dân Chủ cũng không nhấn mạnh đến một bản Cương Lĩnh nào hay một sách lược tranh cử chung nào để áp dụng trên toàn quốc.

Và vì thiếu những cương lĩnh chính trị như trên, cho nên HĐGMHK cũng không công khai ủng hộ hay phản đối lý tưởng cuả một đảng nào, một việc mà HĐGMHK đã làm khi chọn đảng Cộng Hoà trong cuộc bầu cử thường kỳ 2 năm trước.

Nói cách khác, người Công Giáo sẽ phải dựa vào những ưu tiên đả có sẵn để cân nhắc sự ủng hộ cuả mình cho những ứng viên điạ phương. Những ưu tiên cuả Công Giaó Hoa Kỳ sẽ được liệt kê ở phần phụ lục* sau cùng.

Một câu hỏi nhức nhối đã được nêu ra, đó là nếu tất cả mọi ứng viên đều không xứng đáng, thì người Công Giáo phải làm gì?

Người Công Giáo sẽ bỏ phiếu cho ai nếu tất cả đều không xứng đáng?

Trong một cuộc bầu cử, nếu tất cả các ứng cử viên đều có vấn đề, thì cử tri Công Giáo có thể chọn một trong 3 giải pháp: Một là chọn sự "thấp hơn của hai tệ nạn," Hai là bỏ phiếu phản đối, và Ba là đơn giản không bỏ phiếu, Đức Giám Mục Thomas J. Tobin của Providence, RI đã khuyên như vậy, tuy nhiên một số các nhóm phò sự sống đã lên tiếng phải thận trọng khi chọn giải pháp không đi bầu.

Đức Giám Mục Tobin viết trong tờ báo The Catholic Rhode Island rằng:

"Thục sự đó là một vấn đề lớn mà nhiều người Công Giáo công chính đang phải đối mặt trong dịp này - làm thế nào để mà bỏ phiếu đây, khi tất cả mọi ứng cử viên đều ủng hộ phá thai?"

"Đây là một thời gian khó khăn để giữ cho mình là một cử tri có đạo đức, phò sự sống." Ngài viết tiếp. " Các lĩnh vực thì đều hẹp lại và sự lựa chọn thì càng ít ỏi thêm. Nhưng, hãy bỏ phiếu theo lương tâm của bạn, hãy cầu nguyện cho đất nước và dân tộc, và cứ đi ngủ một cách an bình. Hãy nhớ rằng, Thiên Chúa vẫn điều khiển lịch sử! "

Trong một kịch bản mà mọi ứng viên đều ủng hộ phá thai và hôn nhân đồng tính như ở Rhode Island, ĐGM viết, "khi không có một ứng cử viên nào có một quan điểm chấp nhận được, đặc biệt là trong những về vấn đề đạo đức quan trọng như phá thai," thì một trong ba lựa chọn sẽ là "Hãy chọn ứng cử viên nào có cái Xấu ít hơn. "

Ngoài ra, một cử tri có thể bỏ phiếu "phản đối" bằng cách "viết tên của một người đại diện cho các giá trị phò sự sống (dù người đó không ra tranh cử và không có tên trong danh sách). .. Mặc dù người này chắc chắn sẽ không đắc cử, nhưng một lá phiếu theo hướng đó sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng rằng có nhiều cử tri không hài lòng vì không có ứng cử viên phò sự sống.". .." Bầu như vậy cũng không phải là lãng phí; đó là một biểu hiện chân thành của một lương tâm muốn duy trì chân lý đạo đức. Và vì thế nó không bao giờ là một sự lãng phí! "

Một tùy chọn hợp pháp khác, Đức Giám Mục Tobin cho biết, là "bỏ qua cuộc bầu cử năm nay hay không bỏ phiếu cho một số chức vụ nào đó"

Tuy nhiên, một nhóm phò sự sống là CatholicVote.org, trong khi ủng hộ lựa chọn thứ Hai và chấp nhận có điều kiện sự lựa chọn thứ Nhất, cho rằng không nên sử dụng lựa chọn thứ Ba là bỏ qua việc đi bầu.

Ông Joshua Mercer của CatholicVote.org viết rằng "việc ở nhà thì không có gì tốt cả, vì đã là người Công Giáo thì phải có trách nhiệm đi bầu, để biểu lộ lý tưởng của mình."

"Bầu theo cách phản đối (cách thứ Hai, viết tên một người không có trong danh sách,) thì là một lựa chọn rất tốt. Và một người Công Giáo có lương tâm cũng nên xem xét đến (cách thứ Nhất,) những trường hợp khi mà cả hai ứng viên thì một là bất toàn và một khác là đáng ghê sợ."

"Khi mà số cử tri Phò Sự Sống ở trong vùng rõ ràng là một thiểu số quá ít ỏi, thì chúng ta bắt buộc phải làm một sự lựa chọn khó khăn," Ông ta viết.

Đó cũng là ý kiến cuả nhóm Rhode Island Right to Life, họ ra thông cáo kêu gọi dân chúng hãy bầu theo cách thứ nhất cuả ĐGM Tobin: bầu cho ứng cử viên nào mà chủ chương gây ra tác hại là ít nhất."

Phụ lục*: Tóm lược những ưu tiên cuả Công Giáo.

Văn phòng Liên Lạc với Quốc Hội cuả Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (USCCB) đã liệt kê những ưu tiên sau đây, xin tóm lược như sau:

PHÒ SỰ SỐNG (PRO-LIFE)

USCCB ủng hộ chính sách bảo vệ và tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, quan tâm đặc biệt đến những người chưa sinh, khuyết tật, hoặc mắc bệnh nan y. Chúng tôi chống luật phá thai; chúng tôi chống luật cho phép giết chết êm dịu; chúng tôi ủng hộ việc quản lý sự đau đớn cho những người khuyết tật và lâm tử; chúng tôi hỗ trợ những chính sách khuyến khích và giúp đỡ phụ nữ mang thai và con mọn; chúng tôi phản đối kinh phí phá thai trong và ngoài nước; và chúng tôi hỗ trợ những nghiên cứu y học nhưng phản đối việc tạo sinh những con người vô tính (clone) và những thí nghiệm phá hủy phôi thai.

TỰ DO TÔN GIÁO (RELIGIOUS LIBERTY)

USCCB chống những xâm phạm của chính quyền vào học thuyết tôn giáo, thờ phượng, quản trị hoặc thực hành. Chúng tôi hỗ trợ những luật lệ bảo vệ quyền tự do lương tâm trên các chương trình của Chính phủ, trong việc phục vụ người nghèo và dễ bị tổn thương, trong việc giáo dục trẻ em, và việc cung cấp chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi hỗ trợ các nỗ lực thúc đẩy việc làm từ thiện cuả các đoàn thể phi lợi nhuận.

HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH (MARRIAGE AND FAMILY)

USCCB hỗ trợ một hôn nhân trung thủy, độc quyền, suốt đời giữa một người đàn ông và một người phụ nữ. Chúng tôi phản đối những pháp luật qui định những loại hôn nhân khác. Chúng tôi phản đối các biện pháp nhằm định nghĩa lại hoặc xói mòn ý nghĩa của hôn nhân. Chúng tôi ủng hộ những cố gắng để củng cố việc tôn trọng nền tảng gia đình và bảo vệ quyền và trách nhiệm của cha mẹ trong việc chăm sóc con cái.

GIÁO DỤC Công Giáo (CATHOLIC EDUCATION)

USCCB hỗ trợ các chính sách công nhận quyền của cha mẹ là những nhà giáo dục của con cái mình. Chúng tôi ủng hộ những đạo luật hỗ trợ chi phí cho phụ huynh khi họ lựa chọn cách giáo dục thích hợp nhất cho con cái của họ, bao gồm việc giáo dục trong các trường học Công Giáo. USCCB ủng hộ việc một đứa trẻ phải được chia sẻ lợi ích liên bang và các dịch vụ một cách công bằng, cho dù chúng được giáo dục ở bất cứ nơi đâu.

PHÁT TRIỂN XÃ HỘI TRONG NƯỚC (DOMESTIC SOCIAL DEVELOPMENT)

USCCB ủng hộ các bộ luật bảo vệ gia đình và các chính sách thân thiện với trẻ em, chúng tôi ủng hộ việc được chăm sóc sức khỏe, bảo vệ cuộc sống nông thôn, cải cách chính sách phúc lợi, và giảm sự đói nghèo.

CÔNG PHÁP QUỐC TẾ VÀ HÒA BÌNH (INTERNATIONAL JUSTICE AND PEACE)

USCCB hỗ trợ các chính sách thúc đẩy nhân quyền và tự do tôn giáo trên toàn cầu; khuyến khích sự tương trợ quốc tế, hòa bình và việc giải trừ binh bị. Chúng tôi ủng hộ việc xóa đói giảm nghèo toàn cầu, giảm nợ cho các nước nghèo, và một nền thương mại công bình. Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực nhằm làm giảm bớt đau khổ của con người qua các chương trình y tế thích hợp về mặt đạo đức, chống mìn và các vũ khí bừa bãi khác.

DI DÂN VÀ TỴ NẠN (MIGRATION AND REFUGEES)

USCCB hỗ trợ một sự cải cách toàn diện bộ luật nhập cư của quốc gia, bao gồm việc gia tăng cơ hội cho những người nhập cư hợp pháp và một cơ hội cho những người nhập cư không có giấy tờ để được hợp pháp hóa tình trạng của họ. USCCB hỗ trợ sự cải cánh hành chánh để cho thể thức nhập cư được thân thiện hơn, và để cho tất cả những người lao động có quyền làm việc và không bị khai thác; Chúng tôi ủng hộ việc bảo vệ người di cư, đặc biệt những người dễ bị tổn thương, những nạn nhân buôn bán người và những trẻ vị thành niên không cha mẹ.

TRUYỀN THÔNG (COMMUNICATIONS)

USCCB ủng hộ sự hiện diện cuả tôn giáo trong truyền thông đại chúng, loại bỏ các rào cản đối với truyền thông, bảo vệ quyền tự do truy cập thông tin, và quyền tự do ngôn luận cho tất cả mọi người. Chúng tôi ủng hộ sự loại trừ những nội dung khiêu dâm và bạo lực, đặc biệt để bảo vệ trẻ em, ủng hộ việc cung cấp những chương trình có chất lượng cao, cung cấp thông tin và chương trình giáo dục Công Giáo, khuyến khích sự đa dạng về sở hữu cuả các hãng thông tin.