Chủng Sinh Đại Chủng viện Vinh Thanh Tĩnh Tâm Năm

Theo dấu chân Thầy Chí Thánh xưa đã “vào hoang địa” (Mt 4, 1) sống những ngày chay tịnh, chủng sinh Đại Chủng viện Vinh Thanh đã cùng tham dự tuần tĩnh tâm năm (từ ngày 1 đến sáng ngày 5 – 3 – 2009) trong bầu khí trang nghiêm và sốt mến của những ngày đầu Mùa Chay Thánh.

Giờ Chầu khai mạc tối Chúa Nhật I Mùa Chay là thời khắc linh thiêng đặc biệt, giúp anh em hướng lòng lên Thánh Thể Chúa để chiêm ngắm Đấng “đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15, 13)… Đây là điểm chính yếu, làm nền tảng cho mọi suy tư, cảm nghiệm xuyên suốt tuần tĩnh tâm.

Khởi đi từ giá trị và ý nghĩa của việc chay tịnh, Cha giảng phòng Gioan TC Nguyễn Phước, đặc trách linh hướng ĐCV Vinh Thanh, đã giúp anh em suy tư, đào sâu “Sứ Điệp Mùa Chay 2009 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI”. Các giá trị và ý nghĩa của việc chay tịnh được Đức Thánh Cha nêu trong sứ điệp, đó là: chay tịnh giúp tránh tội lỗi và tất cả những gì đưa đến tội lỗi; ăn chay để “hạ mình trước nhan Thiên Chúa chúng ta” (8, 21); là phương thế để chúng ta nối lại tình bạn với Thiên Chúa; việc chay tịnh đích thực hệ tại là theo thánh ý Cha trên trời (Ga 4, 34); bằng việc chay tịnh, ta cảm nghiệm tự sâu thẳm tâm hồn: sự đói khát Thiên Chúa… Những điểm nhấn này của việc chay tịnh được Cha giảng phòng nối kết với lý tưởng và đời sống thực tại của anh em chủng sinh. Để đón nhận thánh ý Chúa và thực thi sứ vụ mà Ngài đã trao phó, mỗi ứng sinh linh mục phải sẵn sàng cho cuộc sám hối trường kỳ trong tinh thần chay tịnh. Người chủng sinh cần biết trau dồi “một con tim chay tịnh” trong ý nghĩ, lời nói, việc làm; không để cho hận thù, chia rẽ và mọi hình thái khác của ích kỷ xâm chiếm, làm bội thực hay giết chết tâm hồn. Theo gương Thầy Chí Thánh, người chủng sinh biết tự nguyện sống “nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo khó của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8, 9).

Sau bài giảng về vấn đề chay tịnh và ý nghĩa của nó trong việc chia sẻ của Đức ái, Cha Giảng phòng Nguyễn Phước đã giúp anh em suy tư về chủ đề có tính cốt lõi cho hành trang của những ứng sinh linh mục: Đức Ái Mục Tử. Đây cũng là chủ đề sống của ĐCV Vinh Thanh trong niên khoá 2008 – 2009. Vấn đề “Đức ái mục tử” được Cha giảng phòng triển khai từ định nghĩa “Đức ái mục tử là nhân đức nhờ đó chúng ta noi gương Đức Kitô trong sự trao hiến của Ngài và trong việc phục vụ của Ngài. Không phải chỉ những việc chúng ta làm, nhưng là việc chúng ta trao hiến chính mình mới biểu lộ tình yêu của Đức Kitô dành cho đoàn chiên của Ngài..” (JP II, Bài giảng dịp tôn thờ Thánh Thể tại Seoul, PDV 23). Các phẩm tính của Đức ái mục tử hội tụ sống động, đầy đủ, cao cả nhất nơi Vị Mục Tử Tối Cao Nhân Lành là Đức Kitô, như Tin Mừng đã diễn tả: “… Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên…” (Ga 10, 11); “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28)… Những chủng sinh hôm nay cũng đang được đào tạo để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô “qua đời sống thánh thiện, hiến thân quảng đại cho Giáo Hội được giao phó cho mình, đồng thời hết lòng quan tâm đến mọi Giáo hội trải dài khắp mặt đất” (2Cr 11, 28) (Sứ điệp THĐGM 2001). Đức ái mục tử được khởi đi từ việc những ứng sinh linh mục luôn sẵn sàng, tự nguyện đến với anh em, đến với hết thảy những người mà Chúa trao phó: “Hãy đi gặp anh em của Thầy” (Ga 20, 17b). Điều này đòi hỏi một khả năng, một ý chí cùng với một tiến trình biến đổi thâm sâu, biến đổi kiên trì nơi những chủng sinh trong thời gian đào tạo tại Đại chủng viện - Biến đổi nên giống Đức Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm.

Trong tuần tĩnh tâm, Cha giáo Phaolô Bùi Đình Cao cũng đã gợi ý và giúp anh em suy tư về “Lời Chúa với chủng sinh linh mục”. Mục tiêu đào luyện Đức ái mục tử trong chủng viện luôn gắn liền với việc suy tư, học hỏi và thực thi Lời Chúa, dùng Lời Chúa như chất liệu tuyệt hảo kiến tạo phẩm cách của người linh mục Chúa Kitô. Trên cơ sở các định hướng mà Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa (10 – 2008) đã đề ra, Cha giáo Cao đã đề xuất và mong muốn anh em chủng sinh hãy là những chứng nhân tiên phong cho Lời Chúa, hãy dành nhiều thời giờ cho việc đọc – suy niệm và sống Lời Chúa, phát huy các hình thức cầu nguyện bằng Lời Chúa…; điều quan trọng nhất là phải làm sao cảm nghiệm được sự ngọt ngào của Lời Chúa, phải cố gắng lấp đầy sự đói khát Lời Chúa nơi bản thân và nơi người khác.

Giống với tuần tĩnh tâm niên khoá vừa qua, thời biểu tuần tĩnh tâm lần này đã dành nhiều thời gian để anh em gặp gỡ riêng với Chúa, để lắng nghe và tiếp xúc thân mật với Ngài, để lượng định các dấu chỉ ơn gọi nơi bản thân và tự trả lời các vấn nạn liên quan đến Đức ái mục tử, đến các vấn đề khác mà anh em đang phải đối diện trên con đường dấn thân cho ơn gọi phục vụ. Các giờ kinh nguyện chung và cùng nhau “Suy niệm về Thập Giá” là những thời khắc linh thiêng sốt mến, giúp mỗi người sống mối tương giao mật thiết với anh em trong cùng lý tưởng - chọn Thập Giá Đức Kitô làm gia nghiệp bền vững nhất, để cùng đồng thanh cất lên lời ca đầy xác tín: “… Chúa là gia nghiệp đời con, xin Ngài bảo toàn thân con, vì ngoài Chúa ra con tìm đâu thấy hạnh phúc, và chỉ nơi Chúa con tìm thấy được nguồn vui…” (Chúa là gia nghiệp, Mi Trầm).

Trong thánh lễ kết thúc tuần tĩnh tâm sáng Thứ Năm (5 – 3), hiệp ý với quý Cha đồng tế, anh em chủng sinh đã dâng lên Chúa tâm tình tri ân vì Ngài đã thương cho anh em được sống tuần tĩnh tâm đầy sốt mến và thu tích nhiều lợi ích thiêng liêng; “cầu xin cho Giáo hội ngày càng có thêm nhiều tay thợ gặt lành nghề dám dấn thân trên cánh đồng truyền giáo”.

Sau khi “xuống núi”, anh em ước mong được như Mô – sê xưa “…khi xuống núi…mặt ông sáng chói” (Xh 34, 29), để sống tin yêu và hy vọng trong công việc học tập tu dưỡng thường ngày, để nhiệt tâm phấn đấu cho lý tưởng truyền rao Tin Mừng Phục Sinh và sống yêu thương phục vụ anh em theo tinh thần Đức Ái Mục Tử trong niềm tín thác nơi Chúa.

(Đại Chủng viện Vinh - Thanh).