Ngày 07/09/2010, Giáo Xứ Paris bắt đầu năm mục vụ 2019-2022 bằng buổi Tĩnh Tâm tại Maison Ephrem, Vương cung Thánh Đường Thánh Tâm trên ngọn đồi Montmartre (Paris). Thành phần dự gồm các thành viên trong Ban Giám Đốc, Ban Mục Vụ và Ban Kinh Tế.

Mở đầu, cha Giám đốc Nguyễn Kim Sang đã xướng kinh Chúa Thánh Thần, giới thiệu đề tài và linh mục giảng phòng.

Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền gốc giáo phận Kontum, tu học Tiến sĩ Thần học tại Đại Học Công Giáo Paris, đã diễn giảng về đề tài ‘‘Tinh thần phục vụ và sự dấn thân trong đời sống Kitô hữu’’.

Sau khi tuyên đọc Tin Mừng theo thánh Luca về người Samari tốt lành (Lc 10, 25-37) để dẫn nhập cho bài giảng, cha Hiền nói đến tinh thần phục vụ và sự dấn thân.

Phục vụ và dấn thân luôn đi đôi với nhau. Nếu phục vụ mà không có dấn thân chỉ là phục vụ nửa với. Phục vụ đích thực nào cũng đòi hỏi sự dấn thân. Nếu đã sống bác ái là phải cỏ hy sinh, đã sống phục vụ là phải quên mình.

Ngài đưa ra ý kiến của các cha Thừa sai Paris về lòng nhiệt thành của giáo dân Việt Nam. Giáo Hội Việt Nam đã trải qua nhiều gian nan, thử thách mà vẫn sống động, quảng đại, nhiệt thành.

Nhận định về Giáo Xứ Paris, ngài cho rằng các giáo dân phần đông giữ đạo nhưng chưa sống đạo, chưa dấn thân cho việc truyền giáo. Ngài so sánh giữa công đổng Trentô (1545-1563) đề cao vai trò của linh mục, tu sĩ và công đồng Vaticanô II (1962-1965) đề cao vai trò của giáo dân. Trong lịch sử Giáo hội, giáo dân đã góp phần thành lập Giáo Hội sơ khai : Hội Thầy giảng Truyền giáo do cha Đắc Lộ thành lập năm 1615 với các thầy giảng Phanxicô, Anrê Phú Yên, Inhaxiô… ; cũng như các Yaophu do các cha Thừa sai Paris thành lập tại Kontum năm 1908. Nhờ các Yaophu người Thượng, Giáo Hội thầm lặng tại Kontum đã tồn tại trong suốt thời kỳ cộng sản cấm đạo. Mặc dù không có nhà nguyện, cũng không có linh mục, họ tiếp tục cử hành phụng vụ tại nhà sàn của một Yaophu vào lúc 3 giờ sáng, khi công an còn ngủ.

Cha Nguyễn Văn Hiền đã nói lên các đặc điểm của Giáo Xứ Paris, tuy là một họ đạo hầm trú vì ở sâu dưới lòng đất, chẳng khác gì các hang toại đạo Catacombe ở Roma, sống nơi đất khách quê người nhưng vẫn dấn thân làm việc tông đồ. Ngài so sánh giáo xứ với bệnh viện, cả hai reo rắc tình thương đến với tha nhân.

Giáo xứ Paris có nhiều thành phần, bắc trung nam, đủ mọi trình độ, đủ mọi hoàn cảnh. Chúng ta phải là giềng mối của sự hòa hợp : ut sint unum.

Về câu hỏi của Chúa Giêsu Kitô : Ai là người thân cận của tôi, người Samari đưa ra một mẫu mực : đó là người thực sự dấn thân, không lý thuyết suông, không sống vô cảm, ‘‘mặc kệ nó’’, không kỳ thị, bắc nhịp cầu đến với người khác.

Ngài mời gọi các tín hữu phải có đôi mắt của Chúa, ra khỏi chính mình, thấy người khổ đau thì chạnh lòng thương xót, chấp nhận sự khác biệt bằng tấm lòng khiêm tốn để tiếp đón người khác như đón tiếp Chúa Giêsu ‘‘Vì xưa ta đói, các người cho ăn. Ta khát, các người cho uống, Ta là khách lạ, các người tiếp rước. Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu, các người đã viếng thăm, Ta bị tù đầy, các người đã đến với ta’’ (Mt 25, 31-45).

Trong phần kết luận, cha Hiền nhắc lại ý nghĩa phục vụ là cho đi chính mình. Con đường Giêrusalem tới Giêricô chính là con đường của một năm phục vụ mới. Ngài cầu chúc Giáo xứ trở thành nơi ban phát tình thương, mỗi giáo dân trở thành những Samari nhân hậu.

Sau bài thuyết giảng, các tham dự viên đã dự Thánh lễ tại Vương cung Thánh đường Sacré-Cœur, trước khi 3 ban Giám đốc, Mục vụ, Kinh tế họp chung để duyệt xét lịch mục vụ 2019-2020, ấn định đường hướng mục vụ với chủ đề : Tiếp đón và đồng hành tha nhân trong tinh thần bác ái phục vụ.

Buổi Tĩnh tâm đã kết thúc hồi 17 giờ cùng ngày.

Lê Đình Thông

Hình ảnh : Phó tế Phạm Bá Nha