TÂM THỨC VIỆT NAM TRONG ĐƯỜNG NÉT KIẾN TRÚC CỦA THÁNH ĐƯỜNG PHÁT DIỆM

Lê Văn Lân

Trong số những cổ tích liên quan đến Thiên Chúa giáo trên đất Việt Nam, có lẽ Thánh đường Phát Diệm xứng đáng để cho hậu thế chúng ta nhìn với một biệt nhãn độc nhất vô song.

Thánh đường này nằm trong giáo khu Phát Diệm ở phía nam Hà Nội. Nó đã được coi như trái tim của Thiên Chúa giáo ở Việt Nam. Rải rác chung quanh Thánh đường Phát Diệm có tới 147 ngôi giáo đường khác. Tinh thần tín ngưỡng của giáo khu rất đáng lưu ý như một điểm son đỏ chói vì giáo khu Phát Diệm, trải qua bốn thập niên, đã là một chiến trường tranh chấp khi nóng bỏng khi thầm lặng giữa niềm tín ngưỡng vững mạnh vào Thiên Chúa và chủ nghĩa vô thần của Cộng Sản.

Khi Thánh đường Phát Diệm được Cha Trần Lục chuẩn bị mười năm từ 1880 đến 1891 mới khởi công xây và hoàn tất vào năm 1892. Cha Trần Lục là một nhân vật tôn giáo Việt Nam cực kỳ đặc biệt, có sức học uyên thâm, tài nói năng, tính tình hòa nhã bặt thiệp. Trong 34 năm cai quản Phát Diệm, cụ Sàu (như giáo dân thân kính gọi) đã tỏ ra là một vĩ nhân có tài thao lược, văn võ kiêm toàn, là một vị cứu nhân độ thế.

Cụ sanh năm 1825 tại Mỹ Quan, Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Chính tên cụ là Phêrô Trần Hữu, khi vào học ở chủng viện Vĩnh Trị đổi là Trần Triêm. Vua Tự Đức đã phong cho cụ chức Trấp An, ban kim khánh, kim tiền, cải tên là Trần Lục, nên thường được giáo dân quen gọi là cụ Sáu (người Pháp dịch ra là Père Six). Năm 1858 cụ bị bắt vì đạo (khi ấy mới chức sáu). Mặc dù bị tra tấn, kìm kẹp hoặc dỗ dành, cụ vẫn một lòng tin Chúa, khiến các quan đương thời phải lưu đày cụ lên vùng nước độc Lạng Sơn. Tuy cảnh sống lưu đày, cụ thu được cảm tình của quan địa phương, có người mời cụ dạy chữ Nho cho con cháu trong nhà, nên đến tháng giêng 1860, cụ được quan địa phương cho phép trở về Kẻ Trừ chịu chức linh mục mà không sợ đi trốn. Trở về lại đất lưu đày ở Lạng Sơn, cụ được Đức giám mục địa phận cho làm Chính đại diện, chăn dắt con chiên trong 3 tỉnh Việt Bắc: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên.

Trong vòng 34 năm, chăm sóc Phát Diệm (1865-1899), Cụ đã được triều đình Việt Nam cũng như chính quyền người Pháp kính nể và trọng vọng ân thưởng phẩm hàm. Nhưng chuyện phẩm hàm chỉ là chuyện của thế gian phù phiếm, công trình đáng kể của Cụ Sáu ghi sâu vào lòng người dân không phải là những kim khánh, kim tiền, mề đai, mà là tài thao lược của một vĩ nhân đã tổ chức nên một vùng giáo khu dân cư đông đúc, trù phú với những cánh đồng lúa cò bay thẳng cánh…

Một điểm son khiến chúng ta, hậu thế sinh sau Cụ Sáu trên 150 năm (1825-1991) vẫn còn nhớ đến con người xuất chúng là công trình kiến trúc của Cụ về Thánh đường Phát Diệm. Điểm son đó chính là một niềm hãnh diện của dân Việt Nam ngày nay, dù là thuộc bất cứ tôn giáo nào, điểm son độc đáo này là chủ đề nòng cốt của bài viết này.

Thông thường trước mắt người bên lương, các ngôi nhà thờ công giáo tượng trưng cho cái gì “mới”, cái gì xa lạ “ngoại lai”, cái gì “Tây phương”. Điều này trên phương diện lịch sử có lẽ không sai vì đạo Thiên Chúa vô nước ta bất quá chỉ vài trăm năm, trong khi các tôn giáo khác như Phật, Lão… truyền vào Việt Nam từ đời Thứ sử Giao Châu là Sĩ Nhiếp, tương đương thời Tam Quốc bên Tàu.

Nói đến tính chất ngoại lai thì đạo Phật cũng đã phát xuất từ đất Thiên trúc Ấn Độ. Nếu nhận xét về dung mạo màu da, râu tóc v.v… thì tượng Chúa có mũi cao, râu tóc đỏ, thì tượng Bụt có nước da ngăm đen và tóc xoắn ốc… Nói đến tính bị kỳ thị thì đạo Thiên Chúa từng bị hành hạ, tra tấn, giết chóc vào cuối thế kỷ 19 thì trở về đời nhà Đinh, đạo Phật cũng gặp sự kháng đối bạc đãi: sư sãi bị đem ra đưa đầu để cho quân lính róc mía hay bị bêu riếu rằng: “Không quân thần, không phụ tử, không ra người trong xã hội Việt Nam”. Thành ra, con mắt người đời nhận xét cũng tuỳ thuộc vào thời gian lâu mau mà một tôn giáo đã thu nhập vào một xã hội một văn hóa… “mới”, “xa lạ”, “ngoại lai” chỉ là những gì tương đối và hạn hẹp trong một khung cảnh không gian trên dòng thời gian miên viễn.

Bình tâm mà xét, đạo Thiên Chúa đã du nhập vô Việt Nam trong một cơn bão lịch sử… Đạo Thiên Chúa vẫn dạy công bằng, bác ái, thương người như thương ta… Nhưng lòng kẻ thế gian đã đầy mưu mô thôn tính về chính trị, bành trướng thế lực, lợi dụng danh nghĩa truyền giáo kèm theo những phản ứng đối kháng, nghi kỵ của dân trong một xứ bị áp đặt, xâm lấn khiến máu đã chảy, đầu đã rơi. Tôn giáo, chính trị, quân sự súng đạn đã bị nhân thế làm lộn xà ngầu… Với một tinh thần vô tư sáng suốt của đời sau, chúng ta thiết tưởng phải nên gỡ những mối tơ rối vò vìm lại tinh thần Chân Thiện Mỹ của một nền tín ngưỡng, dù lương hay giáo, vì máu đã chảy và mực tranh luận cũng đã nhiều lắm rồi.

Nhìn vào thời điểm xây cất, ta thấy nhà thờ Lớn Hà Nội xây năm 1884, nhà thờ Lớn Sài Gòn xây năm 1887 (ăn lễ lập thành 1890). Còn nhà thờ Phát Diệm chuẩn bị trong 10 năm, từ năm 1880, khởi công năm 1891 và hoàn tất 1892. nghĩa là cả ba đều được xây cùng trong một thập niên 80 của thế kỷ thứ 19. Hai nhà thờ trên đương nhiên là do sự điều động của hàng giáo phẩm người Pháp, còn nhà thờ Phát Diệm là công trình của một linh mục Việt Nam: Cha Trần Lục. Chính Cha Trần Lục đã thổi tâm thức Việt Nam vô việc xây cất một ngôi nhà Chúa. Đó là một điểm son độc đáo nếu nhìn vào thời điểm mà ảnh hưởng của hàng giáo phẩm Pháp trong một giai đoạn trước đây có một vai trò quyết định trong sự lèo lái giáo hội Việt Nam. Hồn nét Việt Nam của Thánh đường Phát Diệm còn có một ý nghĩa tiên phong cho sự hài hòa về đường nét nghệ thuật Âu châu và Á Đông- hay nói rõ hơn – cho sự Việt Nam hóa tâm tình tín ngưỡng, một điều mà hiện nay Giáo hội Việt Nam đang chủ trương. Giở chồng báo cũ, ta hãy tìm lại những sự mô tả về những nét độc đáo của Thánh đường công giáo Phát Diệm.

Trong cuốn “Giám mục Lê Hữu Từ và Phát Diệm năm 1945-1954” của Đoàn Độc Thư và Xuân Huy, có trích đăng một đoạn rất rõ về Thánh đường Phát Diệm trên Tạp chí phụng vụ (số 12 tháng 10 năm 1972). Nếu quí bạn có tập ảnh về Thánh đường này thì thấy rõ hơn. Chúng tôi chỉ trích những đoạn độc đáo thể hiện tâm thức Việt Nam của Thánh đường Việt Nam cách đây 100 năm.

“Con lộ nhỏ đến bờ hồ rẽ hai lối, đưa người vào chính điện nhà Chúa. Hồ ở ngay cuối nhà thờ, ao nhà thờ thiệt rộng, hình chữ nhật, theo chiều dài người không nhìn rõ người đối diện. Bờ ao xây đá ghép vân mu rùa, giậu lan can rào quanh, có núi đá nối giữa nước, ở núi cỏ dại mọc xanh. Giữa núi là đái Chúa làm Vua. Tượng Chúa dang tay, hiền, màu trắng, nổi bật, nhìn ra con lộ chính. Xa đằng kia qua khoảng sân cỏ là Phương Đình đá. Người dễ lầm là tiền diện một ngôi chùa cổ nếu không gặp cây Thánh giá trên đỉnh tháp chính của Phương Đình. Phương Đình là cổng tam quan, hùng vĩ nhưng mọi chi tiết hòa hợp và cân đối lạ lùng. Mặt trước phía trên đại trung môn có bốn chữ hán chạm đậm nét trên mặt đá: Thánh Cung Bảo Tòa. Bước vô tam quan, đi qua tòa tháp chánh, người ơi, người sắp tới thánh cung của Chúa! Phương Đình là thánh cung bảo tòa, Phương Đình quí! Phương Đình toàn bằng đá, những viên đá màu xanh xám vuông vắn xếp chồng lên nhau, để lộ rõ đường gân ngang dọc. Tháp chính cao 25m chứa tam quan gồm một đại trung môn và hai lối đi tả, hữu. Bốn tháp phụ thấp liền thân tạo hình chữ môn với chiều dài 24m, rộng 17m. Mỗi tháp mang hai tấm mái. Mái vuông lợp ngói chiếu, với 12 mái kép chạy những đường nét độc đáo nhất, duyên dáng nhất trong toàn công trình. Mái bay bướm nhưng cầu kỳ như lối mái Trung Hoa, lối mái uốn vòng gần như bán nguyệt. Góc mái cuộn trôn ốc, đầu cùng cất cao đuôi phượng, riềm mái sơn nét sặc sỡ. Mái Phương Đình cong nhẹ, trải một đường uốn “parabol” có hai ngành mở thật rộng về hai cực; mái không thẳng và cứng nét như mái chùa Ấn Độ. Bốn góc mái uốn dễ dãi, tận cùng là một ngành bông sói tẻ ba, đắp mềm mại. Đường viền mái gợn răng cưa. Mỗi tấm mái chống đỡ cho bốn cột vuông cạnh, chạy thẳng từ nền lên tận đỉnh không chạm trổ, không khắc, không tiện khúc.

Trong lối kiến trúc đặc biệt, Phương Đình vừa là cổng tam quan vừa là lầu chuông. Lầu trên của tháp chính treo trái chuông nặng 150 tạ, cao 1m90 và đường kính 1m10. Trái chuông nam này lớn ngoại khổ nhưng hình dạng mô phỏng hệt một trái chuông chùa: chiều, mặt chuông dày. Lầu chuông Phát Diệm được coi là đỉnh của vùng đồng bằng Kim Sơn. Từ đây người nhìn bao quát một vùng lớn. Tầng dưới có ba lòng, kê những phiến đá khổng lồ nhẵn bóng. Phiến lớn nhất dài 4m20, rộng 3m20, dày 0m35.

Cổng tam quan kiến trúc phóng khoáng uyển chuyển nhưng trang trí giản dị. Toàn cổng có màu đá tự nhiên xanh xám. Mái ngói nâu thẫm pha màu rêu xanh. Cả phía trong và ngoài cổng không quét vôi, không sơn, không một bức họa, không chạm khắc. Ngoài ra một hàng song đá chạm cổ mấu thân trúc. Mấu song cửa này ta gặp rất nhiều nơi cửa sổ các đình chùa và lâu đài cổ ở Việt Nam.

Ngoài gác Phương Đình với cổng tam quan độc đáo với những mái ngói cong, những mấu song chạm thân trúc, người ta đã vô phía trong còn chú ý đến những điểm độc đáo như:

- Những bức điêu khắc với những mô-típ rất Việt Nam.

- Bàn thờ sơn son thiếp vàng.

Đề tài của mấy bức điêu khắc tại nhà thờ Lớn Phát Diệm đã làm Yvonne Schultz bỡ ngỡ, lạ đời: “Những tác phẩm điêu khắc trên năm cửa chính của nhà thờ gợi những tiêu biểu kỳ bí của sự thông hiệp hai lối kiến trúc Indo và Gothique. Những bông sen, cây cau, cây chuối che bóng, những cảnh Thánh kinh: mấy chú bò mọc sừng trâu, những nhân vật giống dạng người ban sơ nhưng mang vẻ mặt Phật giáo.”

Những bức chạm trổ ở đây chỉ được gói ghém trong những ô vuông có diện tích nhỏ. Người ta không gặp được những bức điêu khắc với qui mô rộng rãi. Ai đã có dịp ngắm những công trình điêu khắc tại các thánh đường bên Âu châu như nhà thờ thánh Phêrô, nhà thờ Chartres, nhà thờ Florence… khi đứng trước những bức điêu khắc Việt Nam thuần tuý của Phát Diệm, họ cảm thấy chúng vặt vãnh lẩm cẩm.

Thực ra, công trình kiến trúc Tây phương tinh vi lớn lao quá. Gạt bỏ hết tình cảm tự ti, bỏ ngoài những khung cảnh hào nhoáng, một nghệ phẩm sẽ đậm màu độc đáo riêng của nó: những bông sen, cây cau, cây chuối, những cảnh kinh thánh lồng khung đông phương với bò có ngà trâu, với nhân vật nét mặt quê quê, phục sức giản dị, nhưng cảnh, cây, vật, người ở đây như có phảng phất hồn dân tộc, hồn Việt Nam. Tác giả những tác phẩm điêu khắc trên đã dám diễn tả những gì họ nghĩ, rất chân thành rất tự nhiên (lời Đức Hồng y Constantini). Tác giả đưa vào những hình ảnh rất Việt Nam hoặc những cảnh ngoại lai nhìn qua ống kính dân tộc: cảnh giáng sinh dưới túp lều bổi, đôi vợ chồng dáng vóc lam lũ, phục sức như các nông phu vùng quê, mấy chú trâu gặm cỏ bên lều, phà hơi ấm sưởi cho Chúa Con. Những bức điêu khắc Phát Diệm độc đáo ở nét “sơ khai”, “Phật giáo” đó! Những công trình điêu khắc Phát Diệm, hẳn phải “Đông phương” lắm mới tạo được ngay những phân biệt rành rẽ thế.

Chúng ta hãy đọc đoạn tả thâm cung và Bàn thờ sơn son thiếp vàng với những chi tiết về sự chạm trổ công phu:

Thâm cung – Bàn thờ: tiếp liền với tháp, chín gian nhà thờ kiến trúc theo truyền thống Đông phương, phát triển bề rộng hơn bề cao: nhà thờ lớn có kích thước trung bình, không vĩ đại sánh với các giáo đường tân thời, dài 80m, rộng 24m, cao 16m, với 9 gian, nhưng chỉ có 5 cửa ra vào. Kiến trúc tổng quát phía trong nhà thờ có phần mô phỏng những cung điện trong kinh thành Huế. Schultz tả: “Thánh đường phía trong cổ kính, có một lòng chính và hai lòng phụ. Cổ nhưng kiến trúc đúng kiểu với 16 cây cột cao 13m, 1m đường kính, lấy từ những thân cây lim liền, trên dưới lớn bằng nhau. Một cây gỗ, một cây dài biết bao mới lựa được một thân gỗ thẳng thế! Ở đầu cùng nhà thờ dựng bàn thờ chính sơn son, qua những lớp vàng chạm, tràn ngập lóng lánh chiếu ra tận hai hông nhà thờ, bàn thờ hiện ra như một vết thương đỏ tươi. Có lẽ ta không gặp cung thánh nào rực rỡ hơn cung thánh ở đây, tất cả là một vùng chạm trổ sáng chói.

Nhà thờ Phát Diệm trở thành nhà thờ Chính tòa giáo khu Phát Diệm để dâng kính Đức Mẹ Mân Côi. Ngoài thánh đường chính, Cụ Sáu còn dựng 5 nguyện đường phụ chung quanh. Đặc biệt nhà nguyện kính Trái Tim Chúa bằng gỗ gụ; khung và cánh cửa chính bằng gỗ gụ chạm trổ tinh xảo vô cùng… Trên phương diện tổ chức, xây dựng qui mô, giáo khu Phát Diệm thật xứng đáng là một giáo phận độc lập tiên khởi của Giáo hội công giáo Việt Nam (1933). Trong toàn cảnh trí của khu giáo đường Phát Diệm, người ta còn thấy hồn nét Việt Nam qua cái hồ (mà dân địa phương gọi là Ao nhà thờ) vàmột cái cầu cổ có lợp ngói (dân quen gọi là cầu ngói Phát Diệm).

Những nét kiến trúc trang trí của Thánh đường Phát Diệm có lẽ phải được nghiên cứu tỉ mỉ, kỹ lưỡng bằng những chuyên gia mới làm nổi bật tính chất độc đáo của nó. Những trang giấy nhỏ hẹp viết vội vàng khiếm diện của bài này chỉ là để giới thiệu một công trình kiến trúc của Việt Nam từng đựơc nhiều nhân vật ngoại quốc hay bản xứ khen ngợi và để đề cao cái hồn nét dân tộc của nó.

Ở vào thời điểm cuối thế kỷ 19 khi người Pháp mới đặt nền thống trị về thế quyền, ảnh hưởng của các cha cố người Pháp rất mạnh trong giáo quyền. Thế mà linh mục Trần Lục không nhái kiểu Tây phương khi xây cất giáo đường như các giáo đường khác ở Việt Nam được xây cất đồng thời (!) Điều này vô hình chung nói lên cái tâm thức khoảng khoát (không phải là bất phục tùng) trong tinh thần thờ phượng Chúa. Cha Trần Lục đã không ngại rằng đường nét của giáo đường trông giống một ngôi kiến trúc của một tôn giáo lâu đời ở Việt Nam, nghĩa là giống một ngôi chùa hoặc mang “vẻ Phật giáo”. Linh mục Trần Lục thờ Chúa không phải trong tinh thần mô phỏng “vươn cao gothic” của các giáo đường bên Âu Châu, mà đã thờ Chúa với một tâm thức Á Đông hay nói sát hơn, với tâm thức Việt Nam. (Chú thích thêm: Cụ Sáu là người “bướng” đối với thế quyền thống trị người Pháp… Toàn quyền Lanessan múôn mượn những cánh cửa gụ chạm trổ của nhà thờ Phát Diệm để trưng bày tại hội chợ Paris nhưng Cụ Sáu đã từ chối…)

Tôi còn nhớ trước đây, khi có cuộc tranh chấp lương giáo, với những luận điệu kỳ thị của một thời lỗi lầm, thì danh từ “Phật giáo” bị gán ghép cho nét vẻ của một giáo đường công giáo là một điều rất lạ nếu không nói là xúc phạm. Cụ Sáu của Phát Diệm đã không ngại xây cất Phương Đình của nhà thờ với hình dáng một cổng Tam Quan mà người đời cho rằng chỉ có chùa mới có. Trái chuông của nhà thờ Phát Diệm cũng vậy, cũng mô phỏng hình dạng một trái chuông chùa!

Trong tinh thần thờ phượng Chúa, đương nhiên phải tin theo những tín lý cốt tuỷ riêng biệt mà giáo dân không dám đụng vô sợ mang tiếng “rối đạo”. Nhưng trong phương tiện thờ Chúa, hình thức hay nghệ thuật phải khoảng khoát linh động. Có một dạo người ta tin rằng thờ cúng giỗ chạp là cúng ma quỉ, dân có đạo không đi ăn giỗ. Họ đâu biết rằng trước khi Vương cung thánh đường Sài Gòn được xây cất, “từ ngày Pháp chiếm Sài Gòn, Đức cha hành lễ tại một ngôi chùa hoang phế và sửa tạm dùng làm thánh đường” (Phạm Đình Khiêm – Báo Cách Mạng Quốc gia số 406 tháng 12 năm 1959). Phong tục đốt nhang trầm lúc hành lễ không phải riêng của tôn giáo nào.

Để hiểu cái đặc trưng của dân tộc của Thánh đường Phát Diệm, tôi trước hết xin trình bày khái quát về đường nét kiến trúc của phần lớn nhà thờ công giáo.

Về kiến trúc giáo đường, thông thường kiến trúc gia xây cất theo khuynh hướng “tín mộ La Mã” (Ferveur Romane) hoặc theo khuynh hướng “vươn cao Gothic” (élan gothique).

Khuynh hướng “tín mộ La Mã” trên lịch sử kéo dài từ thế kỷ 11 đến hậu bán thể ký 12 ở Âu Châu thường thể hiện qua những ngôi giáo đường nhỏ ở vùng quê hơn là ở các thánh đường lớn. Sự phát triển của khuynh hướng này đánh dấu sự bền vững của cơ cấu tổ chức phong kiến và phản ảnh sự phục hồi lòng tín mộ nhiệt tình của lòng tin sau sự sợ hãi năm 1000. Khuynh hướng này chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn gốc: truyền thống nghệ thuật Carolingien, nghệ thuật La Mã và nghệ thuật Đông phương (qua ảnh hưởng của Thập tự chiến, hay những cuộc xâm lăng Ả Rập).

Còn nghệ thuật “vươn cao Gothic” bắt đầu từ hậu bán thế kỷ 12, nghệ thuật thời Phục Hưng vẫn tân tạo lại có trong những kiểu kiến trúc tôn giáo hay dân sự. Nghệ thuật gothic có đặc thù ở chỗ vòng cung của vòm nóc hay các cổng không tròn như kiểu tín mộ La Mạ, mà là của sự gặp gỡ của hai đường vòng cung (Ogive).

Kiểu gothic (2 vòng cung chụm nhọn lại) giúp người ta có thể xây cất những ngôi kiến trúc rất cao vì ở giữa khoảng trống của vòm nóc cuống trốc người ta có thể lợp bằng vật liệu nhẹ, không cần chống đỡ. Hơn nữa ở các vách tường người ta có thể khoét nhiều cửa sổ để bên trong nhà thờ được chiếu sáng. Do đó đứng trong lòng nhà thờ, tâm hồn mộ đạo hướng về Chúa vươn cao lên trong nguồn ánh sáng tự trời…

Thành ra các kiểu giáo đường công giáo vươn cao lên như ta thấy thông thường ở Việt Nam không phải là ý “thống trị, chế ngự, kiêu ngạo” như Ngô Huy Quỳnh viết. Sự vươn cao của các nhà thờ chỉ là sự biểu lộ tượng trưng sự vươn cao của lòng mộ đạo hướng về Chúa…

Trên một phương diện khác – đối với những công trình kiến trúc dân sự – sự xây cất vươn cao của các giáo đường, Toan Ánh có một nhận xét chính đáng ở điểm khác biết giữa tinh thần Đông và Tây trong kiến trúc nói chung.

“Dân chúng phương Đông, cả Việt Nam ta nữa, tin ở thần quyền, tin ở tài lực vạn năng của Đấng Tạo Hóa, không bao giờ dám ganh đua với tạo hóa, mà chỉ muốn uốn mình dựa theo hoàn cảnh mà kiến trúc để tỏ sự phục tùng của Đấng Tối Cao.

Hình một nhà thờ kiểu “vươn cao Gothic” ở đây có cái gì trái ngược với phương Tây. Ở phương Tây, con người muốn ganh đua cùng Tạo Hóa, và một công trình về kiến trúc, con người phương Tây xây cao để vươn lên còn con người phương Đông chỉ nhũn nhặn dựng nhà cửa của mình không lên bề cao, mà chỉ cốt làm sao cho nhà cửa hòa hợp với khung cảnh thiên nhiên tạo nên sự êm dịu cho cuộc sống.

Nếu người phương Tây muốn mỗi công trình kiến trúc của mình đều nổi bật trên khung cảnh của tạo hóa, thì người phương Đông lại mong những nhà cửa mình thuận với khung cảnh, những cây cỏ núi sông che chở cho ngôi nhà thêm ấm cúng, và như vậy tạo hóa sẽ phù trợ cho cuộc sống của mỗi người trong gia đình.” (Phong tục Việt Nam – Toan Ánh)

Trở về đường nét kiến trúc của Thánh đường Phát Diệm, ta thấy rõ khuynh hướng Á Đông trong sự phục tùng Đấng Tối Cao, hài hòa với cảnh trí thiên nhiên chung quanh. Kiến trúc nhà thờ không vươn cao mà nằm trải rộng, có hồ nướcnên thơ gây thành một ý tưởng mộ đạo nhún nhường, thấm vào chiều s6u thẳm của tâm hồn….

Một điểm cũng cần nêu ra là lòng mộ đạo kiên cường thầm lặng của dân Phát Diệm đã thể hiện qua sự xây cất Thánh đường của họ… Họ đã khắc phục bao nhiêu khó khăn về kỹ thuật để xây nên một ngôi nhà thờ Chúa độc đáo dưới sự điều động đốc công của Cụ Sáu.

Khu đất của vùng Phát Diệm là một khu sình lầy, xây cất một nhà thờ ở đây là một vấn đề thiên nan vạn nan. Nhưng cụ Sáu đã đóng lót một rừng tre dưới đất bùn ướt rồi ở trên lại để đè những bè gỗ lớn.

Những tảng đá hoa hay những cột gỗ để xây nhà thờ được lấy hoặc từ một hầm đá cách xa Phát Diệm 30 cây số (hầm Thiên Dương) hay ở vùng Bến Thuỳ (cách Phát Diệm 150 cây số). Ở vùng Bến Thuỷ có loại gỗ lim rất cứng khiến người ta gọi là gỗ sắt vì cưa xẻ nó khó khăn gấp trăm lần gỗ thường.

Nhà thờ Phát Diệm có 48 cột gỗ lim, mỗi cột có đường chu vi gần 3 thước, cao đến 13 thước. Các cột này phải chắc chắn để nâng khung vòm nhà thờ. Gỗ lim to nặng như thế nên gỗ hạ xuống trong rừng được kéo ra tận biển bằng trâu bò, đường đi vô cùng diệu vợi gian nan, công cuộc kéo dài hàng năm vì phải dần dần tích trữ cho đủ số cột lim. Gỗ được kết bè, kéo từ biển về Phát Diệm.

Còn đá hoa để xây cất nhà thì là những viên đá lớn, đẹp có vân được kiếm tại núi Giơi (gần Thanh Hóa). Đá này trước đây dùng để cất cung điện, dinh thự. Nhân trong kỳ chiến tranh Việt Pháp (1881), các quan ta sai người chở đá từ núi Giơi xuống làm đạp bít đường sông để tàu Pháp không tiến vào Thanh Hóa. Sau khi yên rồi, cái đập trở thành một chướng ngại cho thuyền bè giao thông. Cụ Sáu bèn tình nguyện phá đập với điều kiện được sử dụng những tảng đá này. Những tảng đá hoa khổng lồ được chở bằng những thân gỗ. Coi thế ta cứ tưởng hằng trăm cu-ly phải làm việc kinh khủng trong vấn đề chuyên chở gỗ đá…

Lại một chuyện ly kỳ khác là lúc Cụ Sáu xây nhà nguyện thứ nhất để dâng kính Trái Tim Đức Mẹ, cụ không dùng đến sàn cây mà cụ lại huy động dân thợ đặp một cái núi đất nhân tạo để các thợ nề, thợ mộc làm việc dễ dàng trong việc chạm trổ dãy lan can và các cửa sổ song đá chạm thân trúc. Hai bên hông của nhà nguyện (dài 18 thước, cao 8 thước). Lúc công việc hoàn tất, người ta mới kéo đất ra. Sau này dù bao năm, có bị bão táp, ngôi nhà nguyện Trái Tim Đức Mẹ vẫn đứng vững. Dốc thoai thoải để… lăn chuông từ mặt đất lên tháp chuông cao 27m (viết theo lời kể củ ông Nguyễn Đình Thư).

Về kiến trúc của Thánh đường Phát Diệm, linh mục Vũ Đình Trác có viết đề cập đến trong bài Kiến trúc Việt Nam với mái nhà cong như là một công trình kiến trúc vĩ đại và đặc trưng.

“Ca tụng công trình này một cách chân thành, Đức ông Olichon đã cho đây là một công trình có một không hai. Đặc điểm của công trình này là kiến trúc mái cong vừa đồ sộ lại vừa mỹ thuật. Ngoài ý chí và tài năng của Cha Trần Lục, không ai có thể thực hiện được một công trình như thế. Tuy nhiên tác giả Olichon vẫn chưa hiểu gì về kiến trúc mái cong Việt Nam, đã cho rằng đây là một công trình kiến trúc theo kiểu Trung Hoa. Kỳ thực đây là một công trình kiến trúc mang sắc thái Việt Nam, mà Nhật Bản cũng như Trung Hoa không có.

Đây chúng ta thử nhìn vào kiến trúc đồ sộ này, để nhận xét một cách thấu đáo hơn.

Phương Đình cũng là cửa vào Thánh đường, cách ngôi mộ đá (chính là mộ Cha Trần Lục) đến mặt tiền Thánh đường, đều nói lên vẻ đồ sộ của công trình kiến trúc. Thoáng nhìn ai cũng thấy sự hòa hợp giữa vuông tròn, cong thẳng và những con số: 1, 2, 3, 5 hòa hợp, mà tất cả đều là những phiến đá ăn khớp với nhau. Có những tảng đá vuông dài từ 1m50 x 2m10, chiều ngang 0m75 đến 1m20 x 4m20 trên chiều ngang 0m60. Những kiểu này và những phiến đá đồ sộ này chưa có một kiến trúc Trung Hoa, Nhật Bản nào sánh ví được. Ấy là chưa kể đến 48 cột lim, mà người Tây phương gọi là “gỗ sắt” (bois de fer) vòng tròn là 2m40, cao 13m, chạm trổ rất công phu và mỹ thuật.

Công trình kiến trúcnày bao gồm cả Phương Đình cũng là một cổng Tam Quan, ngôi mộ đá Cha Trần Lục, vào tới nhà thờ Lớn, dài 80m, rộng 24m và cao tới 16m. Hai nhà thờ nhỏ, dâng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Mẹ, Nhà nguyện Thánh Tâm dài 25m, rộng 12m và cao 9m. Nhà nguyện Trái Tim Đức Mẹ dài 18m, rộng 9m và cao 8m. Dĩ nhiên những trang trí mái cong và bên trong bên ngoài đều theo những hình ảnh và biểu tượng của Thánh kinh và Giáo hiệu, Thánh đường cũng có những điểm khác biệt với một ngôi chùa Phật giáo Việt Nam hay Thần Đạo của Nhật Bản cũng như Phật giáo Trung Hoa.

Nhân nói đến mái cong Việt Nam, thiết tưởng ta cũng nên biết làm theo phương pháp “Tàu dao lá mái”.

“Tàu đao” là cái đòn tay hình chữ nhật, bên trên có đính thêm một mảnh ván trong mỏng gọi là lá mái đỡ hàng ngói cuối cùng. Kiểu tàu đao còn gọi là chân tàu (tàu thực) để phân biệt với tàu hộp là cái đòn tay vuông không dùng để thực hiện những góc mái cong.

Nhờ có những “chân tàu lá mái” mà những mái đao góc cong vút, lợp ngói mũi hài dầy nặng đã chịu đựng mưa dây gió giật của bao thế kỷ và sau khi dựng một bộ dàn trò, cùng đặt một tàu đao lên đầu những kẻ, bẩy là người ta thấy cái hình dáng của tòa chùa dù lụp xụp, nặng nề vẫn có những nét lượn cong vươn lên để điều hòa bằng một vẻ dịu dàng, hấp dẫn.

Mái Việt Nam là theo kiến trúc kẻ chuyền, bẩy góc nên không xòa ra quá rộng như mái Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản. Sở dĩ mái của những xứ này xòa ra rộng hơn vì làm theo phương pháp chồng đấu tiếp rui và cũng vì vậy mà mái cũng làm võng xuống theo đường dốc mái, còn dốc mái Việt Nam thì làm thẳng băng từ nơi đường bờ nóc trên cao chạy xuống để tỳ lên chân tàu là mái ở bên dưới” (Kiến trúc Phật giáo Việt Nam của Nguyễn Bá Lăng). Theo kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng:

“Mái cong hay mái uốn góc cong ở Việt Nam xuất hiện từ bao giờ không rõ, chỉ biết rằng qua các hình khắc trên mặt các trống đồng thời Hùng Vương, Lạc Việt thì mái nhà thời đó vươn cong lên ở hai đầu tựa như mũi thuyền, không khác các kiểu nhà kiểu cổ truyền ở Mã Lai và nhà người Dayak ở Sumatra (Nam Dương)”

Thành ra kiểu mái cong – dù sau này xuất hiện trong kiến trúc đền chùa – đã có thể có một gốc tích rất lâu đời trước khi Phật giáo du nhập, như mặt trống đồng đã lưu lại. Và như Cụ Sáu của Phát Diệm đã đem kiểu mái dân tộc này vô kiến trúc giáo đường của mình…

Và có một chi tiết độc đáo chứng tỏ cái tâm thức Việt Nam của Cụ Sáu Phát Diệm.

“Nhiều người ngoại quốc cho rằng Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, nên trong lãnh vực kiến trúc, người ta cũng nhìn thấy cái gì là Trung Hoa tại Việt Nam. Nhận xét trên có thể là đúng và cũng có thể là sai. Đúng vì Việt Nam đã thâu nhập văn hóa Trung Hoa, còn sai, vì tuy thâu nhập văn hóa Trung Hoa nhưng chúng ta đã Việt Nam hóa những cái gì chúng ta tìm thấy.

Bề ngoài, nhà Việt Nam nhất là những ngôi nhà sang trọng, có vẻ tương tự như nhà của người Trung Hoa. Nhưng nhìn kỹ qua cái vẻ tương tự, vẫn phảng phất có gì khác biệt: sự khác biệt này chính ở chỗ ngôi nhà Trung Hoa đã bị Việt Nam hóa qua bàn tay kiến trúc của người Việt Nam, với xây cất, với vị trí định hướng cũng như với cách xếp đặt từ ngoài vào trong.”

Cụ Sáu không những Việt Nam hóa những cái gì Trung Quốc, mà Việt Nam hóa những cảnh đầy vẻ Tây phương trong Thánh kinh qua những bức điêu khắc chạm trổ “nhưng bông sen, cây cau, cây chuối, những cảnh Thánh kinh qua những bức điêu khắc chạm trổ “những bông sen, cây cau, cây chuối, những cảnh Thánh kinh lồng khung Đông phương với bò có sừng, với những nhân vật nét mặt quê quê phục sức giản dị, những cảnh, cây, vật, người ở đây như phảng phất hồn dân tộc, hồn Việt Nam, hoặc cảnh Giáng sinh dưới túp lều bồi, đôi vợ chồng lam lũ, phục sức như các nông phu vùng quê, mấy chú trâu gặm cỏ bên lều, phà hơi ấm sưởi cho Chúa Con” (trích Giám mục Lê Hữu Từ – Phát Diệm).

Coi lại những cuốn phim quay quang cảnh ngày phong thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam ở La Mã hoặc Đại hội Thánh mẫu ở Lousiana, người ta thấy hồn nét Việt Nam đã thể hiện qua những màu sắc của trang phục Việt Nam rực rỡ, những nghi thức phụng vụ tôn nghiêm của lễ Đại tế Tổ tiên, chúng ta thấy nức lòng vô tả.

Tâm thức Việt Nam đã hồi phục lại trong lòng người công giáo Việt. Chúng ta hãy ước ao một ngày thanh bình thực sự trở lại quê hương ta để chúng ta có thể chiêm ngưỡng lại tâm thức Việt Nam đã thể hiện qua kiến trúc một Thánh đường thờ Chúa cách đây một thế kỷ. Thiệt mong lắm thay.

Từ tác phẩm TRẦN LỤC

Biên Tập: Nguyễn Gia Đệ, Lê Hữu Mục, Bằng Phong, Phạm Xuân Thu, Trần Trung Lương.

www.dunglac.net - Mạng Lưới Dũng Lạc, góp tư liệu xây nhà Văn Hóa Công Giáo