THƯ MỤC VỤ 2O06 VÀ GIẢI PHÁP KINH TẾ “BẢY CON BÒ”



Lm. Giuse Trịnh Tín Ý

Một ngày vua Ai Cập nằm mơ thấy bên bờ sông Nin, chợt có bảy con bò cái gầy phóng lên bờ nuốt bảy con bò mập đang ăn cỏ bên bờ lau sậy. Tiếp đó bảy bông lúa lép nám cháy vì gió đông mọc lên nuốt trửng bảy bông lúa mẩy. Giấc mơ lạ lùng này làm Pharaô mất ăn mất ngủ, ông hoang mang về điềm báo của giấc mơ. Đúng lúc Giuse được giới thiệu gặp vua để giải mộng, anh xác quyết, giấc mơ là điềm báo của Thiên Chúa, “Điều Chúa sắp làm, Ngài đã cho Pharaô thấy, sắp tới là bảy năm rất sung túc trong toàn cõi Ai Cập, nhưng tiếp theo là bảy năm trời làm đói kém”. Sau lời giải mộng, Giuse xin Pharaô dự trữ thóc lúa trên toàn quốc phòng những năm đói kém và anh được Pharaô phong làm tể tướng lo cho dân tình ( x. St 41, 25-36). Sách Sáng Thế ghi nhận công trình cải cách Kinh tế của Giuse rất tốt đẹp, “Trong bảy năm sung túc, đất đã sinh ra mùa màng dư dật. Ông thu tất cả lương thực của bảy năm liên tiếp trong xứ Ai Cập và chứa trong các thành. Ông chứa trong mỗi thành lương thực sản xuất trong đồng ruộng xung quanh thành đó. Ông Giuse chất chứa lúa mì rất nhiều” (St 41, 37-50).

Truyện kể về Giuse tách biệt hẳn với những truyện khác trong Sáng Thế. Nhìn chung các nhà chú giải đồng ý truyện Giuse chịu ảnh hưởng truyền thống khôn ngoan của Israel và anh được coi là người mẫu của đức khôn ngoan, luôn có lòng kính sợ Thiên Chúa (St 41, 17-24) (The Collegeville Bible Commentary tr. 73/ The Liturgical Press, Collegeville Minnesota 1992). Khi giải mộng cho các bạn tù và cho Pharaô, Giuse luôn xác định, những giấc mơ bắt nguồn từ Thiên Chúa. Nói khác chính Thiên Chúa bày tỏ ý định của Ngài và mong muốn con người vâng phục.

Chuyện lớn ở đây không là điềm báo về những giấc mơ thực hay không thực, bao giờ được mùa, bao giờ đói kém nhưng là Thiên Chúa muốn mọi người chung tay, góp sức thăng tiến cuộc sống. Cảm nhận được ý định của Thiên Chúa, Giuse đã hoạch định một giải pháp kinh tế ngoạn mục, cứu dân tình thoát cảnh đói khổ, tạm gọi là Giải Pháp Kinh Tế ‘Bảy Con Bò’ với ba điểm tựa: thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Đây là giải pháp kinh tế một thời xa xưa nhưng vẫn đang thành tiền đề cho những sinh hoạt kinh tế trong cuộc sống đạo của tín hữu, như đuợc đề cập trong thư Mục Vụ 2006.

I. VÂNG Ý TRỜI

Chàng trai Giuse năm ấy ở độ tuổi ‘tam thập nhi lập’, một tù nhân gốc Do Thái được Pharaô và Triều Đình nhìn nhận là nhân vật ‘kinh bang tế thế’ do thấm nhuần Thần Khí Thiên Chúa: “Chúng ta tìm đâu ra được một người như người này, một người có Thần Khí Thiên Chúa?” Pharaô còn nói với Giuse, “Sau khi Thiên Chúa cho ông biết những điều ấy, không ai khôn ngoan và thông minh như ông” (St 4, 38-39). Và chính Giuse, khi giải mộng cho Pharaô, anh luôn tự nhận mình được Thiên Chúa soi sáng cho biết thiên thời, thiên cơ: “Thiên Chúa đã quyết định sự việc và Ngài sẽ mau thực hiện” (St. 41, 32). Nói khác một giải pháp kinh tế hình thành từ ‘một con người có Thần Khí Thiên Chúa’ do ‘quyết định’ của Thiên Chúa là ứng với ‘thiên thời’. Hay nói theo Thư Mục Vụ 06: “Dấn thân phục vụ con người là đòi hỏi tất yếu của đức tin Kitô giáo”(TMV 06, 6). Trong đời tín hữu làm kinh tế dù ở qui mô lớn, nhỏ, nói giản dị là làm ăn, kiếm sống với nhau cũng là con đường sống đạo như Hiến Chế Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay khẳng định: “Nhờ việc làm, con người theo lệ thường nuôi sống mình và gia đình, liên kết với anh em và phục vụ họ, có thể thực thi bác ái đích thực và góp công vào việc kiện toàn cuộc sáng tạo của Thiên Chúa” (LG 67). Theo đây, chúng ta nhìn nhận, bất kể giải pháp kinh tế nào cũng không thể lơ là với kinh nghiệm ‘vâng ý Trời’ của Giuse.

a. Thiên Chúa Là Chủ Đất, Con Người Là Khách Trọ

Giuse hiểu, con bò gầy, bò mập, bông lúa lép, lúa mẩy là biểu trưng cho những năm được mùa hay mất mùa, tất cả do Thiên Chúa định liệu, “Thiên Chúa đã quyết định sự việc và Ngài sẽ mau thực hiện (St. 41, 32) hay nói theo lối diễn tả dân dã của sách Lêvi, Thiên Chúa là chủ đất, con người là khách trọ: “Vì đất là đất của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, khách trọ nhà Ta, đất không được bán đứt. Người mua phải cho quyền chuộc lại đất. Nếu người bán không đủ tiền chuộc, sẽ chờ đến năm toàn xá. Vào năm toàn xá đất đai sẽ về chủ cũ, trừ nhà ở có tường lũy bao quanh, bán sau một năm không chuộc là bán đứt” (Lv 25, 23 -29). Nếu con người không tôn trọng sự thật này, đời dễ sa vào lòng tham lam, vụ lợi để biến đất của Chúa thành đất riêng, biến đất lành, đất sống thành đất chết, biến thương trường thành bãi chiến. Và con người thay vì đi kiếm ăn, kiếm sống, bán buôn với nhau lại đi tranh dành nhau, ‘cá lớn nuốt cá bé’. Thư Mục Vụ 06 thiết tha xin mọi người nhìn nhận, Thiên Chúa là cha, và mọi người là anh chị em của nhau, nên giữa thương trường, nơi thị trường “mỗi người cần được đối xử với lòng kính trọng và yêu thương chân thành như là mục đích của sự phát triển toàn diện để họ không bao giờ bị biến thành phương tiện cho sự phát triển kinh tế, cho sự thăng tiến xã hội của bất kỳ tổ chức hay thế lực nào” (TMV 06, 7). Cách đây mấy tuần, một công ty dược phẩm Mỹ kiện chính phủ Thái Lan đã cho phép các công ty dược phẩm trong nước bào chế thuốc trị Sida mà không được công ty này nhượng quyền. Họ tuyên bố sẽ ngưng cung cấp các dược phẩm chiến lược khác cho Thái Lan. Thực chất đây là một trong nhiều vụ tranh chấp giữa các thế lực tài chánh quốc tế ngành dược với một số chính phủ của các quốc gia đang cưu mang rất đông dân nghèo mắc những căn bệnh hiểm nghèo như sida, sốt rét, lao... Những đại gia này đang nắm độc quyền sản xuất những loại tân dược chữa trị hoặc tiêm ngừa các chứng bệnh nguy hiểm đó và tuyên bố bán với giá ‘phải chăng’. Dĩ nhiên dù bán với giá ‘phải chăng’ họ cũng hái ra tiền, còn đa số bệnh nhân nghèo vẫn không kiếm đâu ra tiền mua thuốc. Bình thường ai trường vốn và kỹ thuật cao, sẽ hái ra tiền do sản phẩm họ sở hữu. Nhưng đó là nói theo luật ‘sống chết mặc bay’, ‘của tớ, tớ lận, tiền thày, thày mang’. Nếu các đại gia cứ nhất định ‘vắt cổ chày ra nước’, nhất định đòi những bệnh nhân khố rách áo ôm ‘sòng phẳng’ là gián tiếp đòi mạng nhau! Thiên Chúa là chủ đất cũng nhất định không chịu cho ai khai thác ‘đất’ của Ngài làm giàu và làm lơ với anh chị em mình. Thư Mục Vụ 06 xin “mỗi người cần được đối xử với lòng kính trọng và yêu thương chân thành như là mục đích của sự phát triển toàn diện” (TMV 06, 7).

Nhìn nhận, Thiên Chúa là chủ đất, con người là khách trọ, chúng ta sẽ dễ ‘đồng tình’ với dụ ngôn Ông Chủ Thuê Thợ Làm Vườn Nho. Ông trả công một đồng cho người thợ vào làm từ sáng sớm và cũng trả tới một đồng cho người vừa vào làm buổi chiều muộn. Vì ‘đất’ là đất của Chúa làm quà tặng cho mỗi người, nên rất tự nhiên người được phần nhiều, người phần ít. Và chúng ta cũng nhất tâm với Dụ Ngôn Những Nén Bạc Sinh Lời: được trao vốn ít, vốn nhiều cũng khấp khởi mang vốn đi kinh doanh. Và đi kinh doanh người lời, người lỗ cũng là tự nhiên. Nhưng, ‘thực tế tự nhiên này’ nhiều khi lại đẩy tới những cạnh tranh khốc liệt, một mất, một còn bằng đủ các mánh khóe ác độc chỉ vì ‘đôi mắt ganh tỵ’ hẹp hòi. Ai chẳng biết, trong thương trường, cạnh tranh là một lực đẩy của phát triển. Nhưng ở đây, phát triển phải hiểu như Đức Phaolô VI: Phát triển là tên gọi mới của hòa bình. Và tự nhiên cạnh tranh lành mạnh, cạnh tranh trong hòa bình là lợi thế cho người tiêu dùng và điểm tựa để phát triển xã hội.

b. Con Người Thống Trị Đất, Chung Tay Phát Triển

Sau khi tạo dựng con người, Thiên Chúa chúc lành cho con người và phán: “Hãy thống trị trái đất”. Thống trị nói theo từ hôm nay của Vatican II là phát triển, “Người công dân nên nhớ, bổn phận và quyền lợi của mình là tùy khả năng đóng góp vào việc phát triển thật sự cộng đoàn mình” (LG 65). Lời ngỏ ‘thống trị đất’, Thiên Chúa không ngỏ riêng với ai nhưng với cả cộng đoàn nhân loại. Ngài đòi con người phát triển với nhau và giúp nhau phát triển. Vì thế “Chúng tôi mời gọi anh chị em hãy phát huy tinh thần liên đới và yêu thương phục vụ Tin Mừng Chúa Giêsu, phục vụ sự sống và phẩm giá con người, đặc biệt những người nghèo khổ: nghèo kiến thức, nghèo vật chất, nghèo tình thương, nghèo niềm hy vọng, nghèo hạnh phúc... (TMV 06, 6)

Thời ấy, một nền kinh tế nông nghiệp định canh, định cư còn gần với thời kỳ mót lượm, lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên bấp bênh và dễ dẫn tới những khủng hoảng lương thực. ‘Bảy con bò gầy’ luôn đe doạ nuốt trửng ‘bảy con bò mập’ vì bức tranh kinh tế nông nghiệp thời này bao gồm hỗn độn những mảng ruộng đất riêng rẽ, xen kẽ nhau, mảng xanh tươi màu mỡ, mảng vàng vọt cằn cỗi và cả những mảng gai góc, hoang vu. Tất nhiên giải pháp phát triển của Giuse trước tiên là nỗ lực thống trị đất, đối phó nạn đói nhưng đặc biệt, anh đã ổn định về cung cầu lương thực và thăng tiến đời sống dân chúng.

Trước tiên Giuse hoạch định nền nông nghiệp cứu đói: anh đổ vốn của Pharaô ra lập kho dự trữ lúa gạo và rộng rãi bán cho bất cứ ai thiếu đói. Bán lúa ra, đồng thời anh mua ruộng về, lập quỹ đất. Tiếp theo, anh quy hoạch đất nông nghiệp và đất thổ cư để bước sang giai đoạn phát triển nông nghiệp. Đi tận dụng khai thác đất, anh gom dân vào sống trong các khu thị tứ và lấy hết đất còn lại để canh tác. Và để tạo điều kiện cho dân canh tác, Triều Đình cung cấp hạt giống tuyển và cho dân thuê đất trồng trọt với tỷ lệ nộp hai mươi phần trăm hoa màu mỗi năm. phần hoa mầu thu được sẽ thành kho dự trữ an toàn lương thực cho toàn dân trong vùng và hứa hẹn một cuộc sống ấm no cho mọi người. Hẳn hôm nay chúng ta chẳng chấp nhận nổi diễn tiến kinh tế đậm đặc tính lệ thuộc này. Dù sao nó vẫn phản ảnh lòng ưu ái người nghèo một thuở xa xưa ấy. Ngược chiều, hôm nay hệ kinh tế mang dáng vẻ một nền văn minh khoa học nhưng biết đâu, lại đang phớt lờ dân nghèo. Một nữ sinh viên từ miền Tây Nguyên lên trọ học, vì gia cảnh khó khăn cô nhận dậy kèm cho hai học sinh trung học để trang trải đóng học phí. Năm rồi kẹt thi, cô không thể tiếp tục dạy. Chẳng xoay đâu ra tiền đóng cho trường, cô chạy tới quỹ vay cho sinh viên nhưng điều kiện khó khăn quá, đành cắn răng mượn nóng số tiền học phí với phân lời cắt cổ. Không biết còn bao nhiêu sinh viên khác chỉ vì thiếu khả năng thanh toán một số tiền, tuy với nhiều người chỉ đáng là món tiền giao dịch cò con, nhưng các bạn đành dứt bỏ học hành, chôn vùi cả tương lai. Chuyện cô sinh viên đưa chúng ta liên tưởng tới hệ tín dụng và ngân hàng ở nhiều nước, tạo mọi dễ dãi cho giới sinh viên học sinh nghèo vay tiền học phí như thiết tha đưa bước họ vào đời để các bạn cũng được ngẩng mặt lên với đời. Xã hội Việt Nam vừa hòa mạng WTO và đang trên đường ‘thành hổ Á Châu’. Có vẻ đó chỉ là tin vui cho những ai có tiền, có vốn, còn giới trắng tay chẳng thấy vui! Ở Việt Nam, một đất nước đang phát triển dường như thiếu một hệ ngân hàng không cần vốn lớn nhưng hữu hiệu tài trợ cho các ‘dự án mini’ của dân nghèo hoặc một dây tín dụng hỗ trợ các sinh viên, học sinh chưa kiếm ra tiền. Dĩ nhiên hệ ngân hàng và tín dụng loại này hoạt động theo nề nếp tín chấp riêng nhưng vẫn hữu hiệu tại một số nước Nam Mỹ.

II. HÒA VỚI ĐẤT

Không đơn giản như ai nghĩ, trời là của Chúa, đất là của người nên con người tha hồ ‘làm hươu, làm vượn, vẽ voi, vẽ chuột’ ở đây. Ai chẳng rõ, đất cũng là của Trời dù Trời đã trao đất cho con người. Đất tự nhiên Chúa ban có thể là đất hoang, đất cằn, đất gai, nhưng với tâm sức, tài trí, đất trong tay con người sẽ thành đất vàng, đất bạc: “Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang, bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu”. Thuở Giuse, đất tự nhiên sinh ra những con bò gầy phơi xương, nảy ra những bông lúa lép kẹp, cháy xém. Giuse đã xăn tay áo nhập cuộc, cùng với dân, ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’ để biến đất thành ‘đất sống’ nuôi sống dân với hoa màu ruộng đất và biến đất thành ‘đất lành’ cho dân trú ngụ giữa ao cá, vườn rau, nhà ngói, cây mít. Giải pháp ‘Bảy Con Bò’ của Giuse đã hoạch định rất đúng theo địa lợi nên “Đất đã sinh ra mùa màng dư dật... Ông Giuse chất chứa lúa mì rất nhiều, nhiều như cát biển, đến mức ông thôi không đong lường nữa, vì không thể đong lường được” (St 41, 37-50). Đó là những năm được mùa còn vào lúc mất mùa, Giuse cũng đổ thóc gạo ra cung cấp cho cả vùng đói kém. Đất của ‘Bảy Con Bò’ đúng là ‘đất sống, đất lành’. Nơi đây dân chúng được sống ấm no, an lành.

a. Chia Với Nhau Đất Sống

Có thể nói giải pháp của Giuse là giải pháp ‘chia với nhau đất sống’ nhưng chia ‘đất sống’ không hẳn là chia ruộng đất nhưng là chia hoa màu ruộng đất cho nhau sống với. Thời ấy theo lối nói của Sáng Thế, “Nạn đói hoành hành trong đất Ai Cập. Từ mọi xứ người ta đến Ai Cập để mua lúa mì của ông Giuse, vì nạn đói hoành hành trên khắp mặt đất”. Để có dồi dào hoa màu chia cho khắp nơi, Giuse đã tận dụng nhân lực, đất đai, vét cạn hoa màu, tàng trữ lúa gạo bội thu. Cách nào đó, Giuse đã nỗ lực biến đất hoang, đất cằn thành đất sống. Và đất sống không chỉ nuôi sống riêng ai, nhà ai nhưng chan hòa cho mọi người.

Truyền thống Cựu Ước cũng không để ai đói khi đất đang có hoa màu. Thậm chí thời nạn đói hoành hành, Cựu Ước còn nêu tấm gương sáng chói của hai mẹ con goá phụ Sarepta ngoại tộc, dám chia cả chiếc bánh, giọt dầu cuối cùng với tiên tri Êlia để sẵn sàng, ăn xong rồi hai mẹ con chết đói với nhau. Thời ấy, Dân Chúa vẫn giữ nề nếp: vào năm toàn xá, mỗi người được trở về phần đất của mình dù đã bán mất đất. Và trong việc mua bán sẽ không ai làm thiệt hại ai. “Ngươi sẽ mua của đồng bào theo số năm sau năm toàn xá và nó sẽ bán cho người theo số năm thu hoạch. Không ai trong các người làm thiệt hại đồng bào mình nhưng các người phải kính trọng Thiên Chúa của các người” (Lv 25, 15). Riêng với các con nợ, Sách Lêvi đòi, những ai nghèo khó, mắc vướng nợ nần dù là ngoại kiều hay khách trọ, phải được nâng đỡ, “để nó có thể sống bên các người. Với nó, các người không được lấy lãi, ăn lời... Các người không được cho vay bạc của các người để lấy lãi và cho vay lương thực của các người để ăn lời” (Lv 25, 37). Trong phần rao vặt trên các tờ báo ở đây ngày nào cũng xuất hiện dày đặc những thông báo tuyển nhân viên, kèm theo những yêu cầu khả năng, trình độ. Và trước nhiều hàng quán, cũng nườm nượp treo những bảng giấy tuyển nhân viên, có thể là tuyển nhân viên trẻ đẹp, khả năng giao dịch tốt nhưng tuyệt nhiên không thấy ai tuyển những người tàn tật dù họ có khả năng làm việc trong nhiều lãnh vực. Đâu như ở đây người ta không thích những ai tàn tật làm việc, sợ tội nghiệp hoặc giả người tàn tật bị kỳ thị chỉ vì họ tàn tật. Cả hai thái độ đều xúc phạm người tàn tật. Trong khi theo quy chế lao động của nhiều nước, mỗi công ty buộc phải dành một tỷ lệ nhất định cho những người tàn tật, hoặc ít ra cũng khuyến khích. Ở đây luật lao động mới cũng ghi điều khoản này nhưng đáng tiếc, điều khoản ít được lưu tâm trong thực tế! Nghề nghiệp là đất chúng ta sống và để anh em sống với nhưng lạ đời, trong một số lãnh vực người ta làm nghề sống lấy mình, bất kể anh chị mình bị vướng lụy. Ai đó tưởng tượng, vài ngàn năm sau, người ta đào được nhiều xác người còn nguyên vẹn giống kiểu xác ướp Ai Cập, ở rải rác trên một dải đất ven biển. Các nhà khảo cổ ngạc nhiên, vì ướp xác là kỹ thuật cao và tốn tiền, chỉ dành sử dụng riêng cho bậc vua chúa, vĩ nhân. Nhưng ở đây nhiều xác ướp vô kể. Thì ra đây là xác dân Việt một thời vì thói quen ăn phở, bún được ướp bằng phoọc-môn! Và tương ớt chế tạo bằng su-dan! Còn một điểm đặc trưng nữa: vùng xung quanh các xác ướp này không loài côn trùng nào dám bén mảng! Dự đoán là những xác ướp này có thời gian tiêu thụ một lượng thuốc trừ sâu rầy khá lớn qua đường tiêu hóa!

b. Chung Với Nhau Đất Lành

Đất không chỉ nuôi sống dân nhưng còn là môi trường dân sống an lành. ‘Đất lành’ là địa đàng cho con người và muôn vật chung sống hòa bình, sống với nhau nhưng không hủy hoại nhau. ‘Đất lành chim đậu’, khi đất Canaan, mảnh ‘đất hứa’ dạo nào, bị hóa sa mạc, Giuse đã đưa cha mẹ, anh em của anh sang sống ở Gosen bên Ai Cập. Các anh của Giuse đã kể về quê hương mình cho Pharaô: “Chúng tôi đến trú ngụ trong đất này (Gosen), vì ở đất Canaan không còn cỏ ngoài đồng cho chiên dê và các tôi tớ ngài ăn, và nạn đói trở nên trầm trọng” (St 47, 4). Đất lành cũng như vườn Địa đàng được sách Sáng Thế diễn tả rất thơ mộng, hữu tình: “Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây, trông thì đẹp, ăn thì ngon... Một con sông từ Eden chảy ra tưới khu vườn... Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eden để cầy cấy và canh giữ đất đai”. Vì đất là ‘đất lành’, đi khai thác đất làm giàu, người còn biết nhường đất cho nhau, cho rừng cây, nội cỏ, cho muông thú sống vui, sống với, đúng với nề nếp hiếu sinh của Dân Chúa xưa: Năm Sabat (năm thứ 7) nông dân không gieo, gặt, không tỉa nho, nhưng dành sản phẩm tự nhiên của đất trong năm thứ bảy (năm Sabat: năm đất nghỉ để kính Chúa) để nuôi mình, nuôi con ăn, người ở. Năm Sabat gia súc và dã thú trong đất, được hưởng hoa lợi trên đất của gia đình (x. Lv 25, 1-7).

Đáng tiếc, dân mình hôm nay đâu như đã xác định lập trường, với chim muông, dã thú trong thiên nhiên, một là bắt đem về giết thịt làm các món nhậu đặc sản hai là đuổi hết đi chỗ khác chơi, đừng để ta thấy mặt, ta không dung, không nhường và cũng không bỏ, không tha. Cánh đồng Việt Nam hôm nay đâu còn những “cái cò, cái diệc, cái nông, sao mày dẵm lúa nhà ông vậy cò? / Không không, tôi đứng trên bờ, mẹ con cái diệc đổ ngờ cho tôi!” Đâu còn cảnh hoa rụng ven sông với đêm sang lá đổ rộn ràng, với sương tan trăng nội mơ màng! Và đã hết rồi những “con kênh xanh xanh những mùa sen nở khắp nơi, bao câu tơ duyên dạt dào, tìm ai khắp nơi”. “Kênh Tham Lương ngày xưa vốn là con kênh đẹp, thanh bình, nước trong xanh, chiều chiều trẻ em có thể ra kênh tắm táp bơi lội nhưng ngày nay Tham Lương đã trở thành con kênh chết... Hàng trăm xí nghiệp hóa chất, dệt nhuộm, thực phẩm đã mọc lên dọc con kênh. Bên trên là ống khói phun phì phì đầy khói đen, bên dưới là những ống nước thải tự do ra ngoài kênh” (Tuổi Trẻ 11.4.07) kênh Tham Lương, kênh Tẻ, kênh Cầu Kiệu, kênh Rạch Cát, bây giờ tất cả đều chuyên chở nước thải đen ngòm từ các nhà máy lớn, nhà máy nhỏ chảy vòng quanh những xóm dân cư rồi đổ ra sông cái, đang tiếp tục làm đen ngòm nước sông cái.

Người ta đang sản xuất kiếm tiền bỏ túi và phớt lờ chuyện ô nhiễm thế giới quanh mình. Gần đây người dân đồn nhau mấy câu sấm vè đáng nhớ:

Lẳng lặng mà coi họ điếc tai,

Rừng âm thác loạn, thính mới tài

Phen này ông quyết đi buôn ‘máy’

Giá bán cắt cổ vẫn mua xài!

Nhiều người đâm ra ngơ ngơ, ngẩn ngẩn có thể vì những chiếc máy sản xuất kêu ầm ĩ ngay trong xóm dân cư đông đúc, bất kể giờ giấc ngủ nghỉ ngày, đêm trong xóm. Ai không biết, chủ nhân của những máy đinh tai nhức óc này thường có tiền và tiền sinh ra thế. Họ đã nắm được tiền và thế là cả xóm chịu chết! Nghĩa là khi họ đếm tiền thì xóm riềng đi uống thuốc. Vậy ra người ta đi kiếm sống trên đất của Chúa nhưng chẳng nhường được cho nhau một góc cho cuộc sống yên vui. Thư Mục Vụ 06 nhắc chúng ta “Trong xã hội hiện nay, đôi khi nhu cầu sinh sống và phát triển đã kéo theo những hệ lụy làm cho lương tâm con người bị sai lệch hoặc bị mất phương hướng, mỗi Kitô hữu cần nêu gương học hỏi và thể hiện lương tâm ngay chính tại gia đình cũng như giữa nơi mình sống” (TMV 06, 5)

III. THUẬN LÒNG NGƯỜI

Sau khi Giuse trình lên Pharaô giải pháp ứng phó với tình thế ‘bảy con bò gầy nuốt bảy con bò mập’, Pharaô đã nhất tâm với đề án, nên trân trọng nói với Giuse: “Sau khi Thiên Chúa cho ông biết tất cả nhưng điều ấy, không ai thông minh và khôn ngoan như ông. Ông sẽ là tể tướng triều đình của ta, toàn thể dân ta sẽ phục tùng mệnh lệnh của ông; ta lớn hơn ông chỉ vì ngai vua mà thôi” (St, 41, 42). Điều tuyệt vời là dân chúng cũng rất thuận lòng: “Ngài đã cứu sống chúng tôi. Chúng tôi mong được đẹp lòng ngài” (St 41, 44). Giải pháp kinh tế ‘Bảy Con Bò’ rõ ràng rất thuận lòng dân nhờ những yếu tố căn bản: Giuse thành công kêu gọi được dân góp tay nhau lao nhọc, hưởng chung nhau hoa màu. Dân hiểu anh có tài trí, thiện chí và có lòng với dân. Đường hướng chung tay làm, chung nhau hưởng đã được đề cập minh bạch trong Thư Mục Vụ 06: “Để xây dựng một xã hội công bằng, ngoài việc giáo dục để biết tôn trọng những quyền căn bản của con người, cũng cần có một cơ chế thích hợp bảo đảm thực hiện được quyền này. Công việc này đòi hỏi sự đóng góp từ nhiều phía” (TMV 06).

a. Tấm Lòng, Tài Trí Và Thiện Chí Của Người Lãnh Đạo

Chúng ta khách quan nhận ra, nhiều điểm trong giải pháp của Giuse khá khắc nghiệt, như lối anh tập trung ruộng đất. Đầu tiên anh bán lúa lấy bạc, dân hết bạc anh bán lúa lấy súc vật, dân hết sạch súc vật, anh đòi họ bán ruộng đất. Có vẻ anh muốn biến mọi người từ chủ đất thành tá điền thuê đất! Thực ra đây chỉ là kỹ thuật của nhà hoạch định nhằm huy động vốn liếng của toàn dân vào công trình cứu đói và phát triển chung. Dĩ nhiên đường lối này đã lỗi thời. Tuy nhiên đây vẫn là giải pháp hữu hiệu cứu sống dân trong cảnh ngặt nghèo và cũng làm điểm tựa cho công trình phát triển tiếp theo. Lạ đời, dân đã không kêu ca giải pháp của Giuse, còn tỏ lòng biết ơn quan Tể Tướng: “Ngài đã cứu sống chúng tôi. Chúng tôi mong được đẹp lòng ngài...” (St 41, 44). Đúng là dân đã nhận ra tấm lòng của nhà hoạch định. Giuse có lòng với dân vì giải pháp của anh không nhắm mối lợi riêng anh, không tính mua lòng Pharaô hay củng cố thế lực riêng mình nhưng hết lòng với dân, cứu sống dân như họ nói, “Ngài đã cứu sống chúng tôi”. Đặc biệt anh lưu tâm giới khố rách áo ôm, những người đã bán sạch của cải và chẳng còn gì để bán, chẳng có gì mà ăn, họ đã kêu cứu anh: “Xin ngài cho chúng tôi hạt giống, để chúng tôi sống chứ không phải chết, và đất đai khỏi bị bỏ hoang” (St 47, 19). Và anh đã đáp ứng tất cả.

Dân cũng nhìn nhận Giuse có tài trí, hiểu là ‘một người có Thần Khí Thiên Chúa’ như Pharaô được Thiên Chúa soi sáng đã nói. Tài trí cũng hiểu là “khả năng Chúa ban để phục vụ xã hội một cách hiệu quả nhất” như cách nhìn của Thư Mục Vvụ ‘06: “Bởi vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, nên mọi người có quyền được tôn trọng và phát huy những khả năng Chúa ban để phục vụ xã hội một cách hiệu quả nhất” (TMV 06, 7).

Riêng về thiện chí, không ai phủ nhận nhiệt tình, thiện chí của anh trong vai trò hoạch định và giám sát chương trình cải cách nông nghiệp. Mọi người dân gặp khó khăn trong suốt thời gian đói kém, đến kêu xin với Pharaô, vua nói với họ, “Cứ đến với Giuse; ông bảo gì các người hãy làm theo” (St. 42, 56). Sách Sáng Thế còn ghi nhận, khi vừa lãnh chức tể tướng, vị tân tể tướng tới trình diện Pharaô rồi ngay sau đó “Ông cáo biệt Pharaô và rảo qua khắp xứ Ai Cập” (St 41, 46). Thiện chí của Giuse cũng là thiện chí dấn thân và phục vụ tha nhân như Thư Mục Vụ 06 trình bày: “Sống trong đất nước đang có nhiều thay đổi và thách đố, chúng ta được mời gọi sống đức tin cách trưởng thành hơn để có thể dấn thân phục vụ tha nhân cách mới mẻ hơn và góp phần tích cực hơn trong công cuộc xây dựng con người mới” (TMV 06, 7). Chúng ta nghĩ đến lời cảnh giác của Thày, “Con lạc đà chui qua lỗ kim dễ hơn một người giàu vào Nước Trời” (Mt 19, 24). Trong đời thường, lẽ thường làm kinh tế là làm giàu, nhưng những người làm kinh tế có vấn đề với Nước Trời không? Giakêu giàu, ông có vấn đề, nhưng có vấn đề không do ông giàu nhưng do ông không có lòng với dân. Anh thanh niên giàu có đến xin Chúa chỉ cho con đường tìm hạnh phúc vĩnh hằng. Anh có vấn đề nhưng cũng không do anh giàu nhưng do anh không có lòng với Chúa. Hôm nay biết bao anh chị em chúng ta đang ở vị thế lãnh đạo một góc sinh hoạt kinh tế. Vấn đề với những anh chị em này không chỉ là chuyện lụy hệ với đồng tiền, phân bạc nhưng còn là, trong sinh hoạt kinh tế, chúng ta có lòng với Chúa, có lòng với nhau không? Một công ty may xuất khẩu đặt cơ xưởng giữa một xóm dân lao động. Anh giám đốc là một Việt kiều Mỹ về mở công ty ở quê, anh từng là thợ may nên rất thông cảm với công nhân may. Trong số gần hai trăm công nhân, có khoảng một phần ba nhà ở ngay trong xóm. Xóm dân ở đây nghèo, đa số sản xuất nhang và tiền âm phủ cho mấy đầu mối lớn. Lương chẳng bao nhiêu, công việc lại ngày có, ngày không nên đời sống họ bấp bênh. Khi công ty mở ra, khá đông người tới xin việc nhưng khó vì chưa biết nghề may. Anh giám đốc tốt bụng chẳng ngại cưu mang huấn luyện họ từ ABC dù anh dư sức tuyển thợ sẵn tay nghề. Anh ưu tiên nhận con cái của những gia đình đông con nghèo. Một lần ban giám sát ca tối bắt quả tang hai nữ công nhân ăn cắp vải của công ty tuồn ra con hẻm vườn cau, cạnh xưởng. Ban giám sát nhất định xin đuổi cả hai nhưng anh giám đốc đòi giữ, “Nhà chị Ba phải nuôi bà ngoại già và hai đứa cháu mồ côi, chắc túng quẫn quá nên làm liều. Mình đuổi người ta mất việc chẳng biết bám víu vào đâu. Riêng cô Hồng chỉ nể chị Ba hàng xóm nên hùa theo. Mình cảnh cáo để họ sửa lỗi, sẽ vừa không mất người vừa được việc”. Có lẽ nề nếp làm ăn của anh giám đốc này không giống các giám đốc khác. Anh làm việc với người không phải với máy và anh không chỉ thấy họ, các nhân viên, công nhân như những người làm ăn chung nhưng còn thấy họ là những anh chị em của Thày, cũng là anh chị em của mình. Với anh, “họ không bao giờ bị biến thành phương tiện cho sự phát triển kinh tế, cho sự thăng tiến xã hội của bất kỳ tổ chức hay thế lực nào”( TMV 06, 7).

b. Lao Sức Và Nhiệt Tình Của Dân

Trong giải pháp ‘Bảy Con Bò’, thiếu Giuse giải pháp sẽ không hình thành nhưng thiếu lao sức, thiếu thiện chí đóng góp của dân giải pháp cũng không thể vận hành. Có thể nói, nhiệt tình và lao sức của dân đã cứu vãn tình thế ngặt nghèo, cơn đói kém đe dọa cả một vùng rộng lớn. Nói cho cùng, với những đại gia thời ấy, bất trắc hay đói kém có xẩy ra, cũng chưa tới lần họ thiếu đói nhưng đa số các gia đình nông dân mới phải nếm trải đói khát, tham thèm. Trong bối cảnh đó, thế mạnh giải pháp của Giuse là vận dụng dân chung tay khai thác và phát triển đất, làm sáng tỏ ý thức, trách nhiệm phát triển với nhau và giúp nhau phát triển. Chính số dân nghèo đông đảo đã làm thành lực lượng lao động ‘chuyển núi rời non’. Chính họ mới là yếu tố quyết định thành bại của một mô hình kinh tế hay một giải pháp phát triển. Hơn nữa chính họ sẽ đóng góp cho nhau giúp nhau vượt qua những khủng hoảng mọi mặt, giống trường hợp dân Ai Cập trong giải pháp ‘Bảy Con Bò’ của Giuse. Như thế trong mọi giải pháp kinh tế vĩ mô, nhà hoạch định không thể không lưu tâm tới nhu cầu làm việc, quyền được làm việc và điều kiện làm việc của giới lao động. Với đường hướng chính đáng, một giải pháp kinh tế có thể kích hoạt lao sức và nhiệt tình của dân và chính họ sẽ cứu đỡ lẫn nhau, giúp nhau thăng tiến. Vatican II xác nhận: “Hoạt động kinh tế thường là kết quả của việc hợp tác giữa nhiều người. Do đó nếu tổ chức và điều hành hoạt động này làm thiệt hại cho bất cứ lớp công nhân nào đều là bất công và vô nhân đạo” (LG 66). Đàng khác “Trong những hoàn cảnh cụ thể, chính xã hội cũng có bổn phận góp phần giúp người công dân có thể tìm được công ăn, việc làm” (LG 67).

Với phần đa số tín hữu dù trong vị thế bé nhỏ, khiêm nhường, nghề nghiệp ít nhiều cũng gắn với lợi ích của khách hàng, người tiêu dùng hay người hưởng nhận. Nhưng nghề nghiệp có thành một lối phục vụ hay chỉ thuần túy là cách kiếm sống? Thư Mục Vụ 06 nhắn chúng ta: “Nếu việc phục vụ tha nhân có thể giúp cho người khác nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Kitô hữu, thì chính việc phục vụ đó cũng có thể giúp Kitô hữu cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa cách rõ nét hơn” (TMV 06, 6). Cô lái đò bên sông, đưa khách sang sông, bà bán rau cỏ ngoài chợ, bán đổi với khách hàng, anh công nhân với gạch vữa xây nhà, xây cầu, thày giáo trên bục giảng dạy học sinh, cô y tá bên giường săn sóc bệnh nhân... tất cả đều đang miệt mài kiếm sống nhưng cũng đang thiết tha phục vụ anh chị em mình. Xưa nay, chúng ta có truyền thống kính trọng thày giáo ‘nhất tự vi sư, bán tự vi sư’, ‘không thày đố mày làm nên’. Theo đó nghề giáo là nghề cao đẹp nhưng có vẻ thày giáo đang làm sứt mẻ dần phẩm cách nhà giáo. Một cô giáo phụ trách lớp bốn, quen với phong cách dạy theo chỉ tiêu, dạy cho đạt thi đua. Một lần cô dạy giờ học có thanh tra dự lớp, chuẩn bị trước cho học sinh ‘học kỹ lưỡng’ và tập gây bầu khí học hỏi sôi động, cô dặn các học sinh, “khi cô hỏi, tất cả các em phải giơ tay, dù không biết trả lời cũng giơ tay. Ai biết thật thì giơ tay phải, ai không biết giơ tay trái. Các em yên trí, cô chỉ hỏi những bạn giơ tay phải thôi!” Kết quả là giáo viên này đã đạt danh hiệu dạy giỏi cấp Q. Nếu vào thời của Thày, các giáo viên dạy giỏi loại này chưa chừng bị Thày gọi là cảm tình viên Pharisiêu! Trong trường hợp này, biết đâu nghề nghiệp thay vì phục vụ lại ‘nối giáo cho giặc!’

Cuối tháng ba rồi, khi đoàn bác sĩ tự nguyện nước ngoài ghé viện Răng Hàm Mặt mổ hàm ếch cho một số thiếu nhi vùng xa. Nhiều gia đình có con được chọn để mổ vừa phải lo tiền ăn ở và tiền thuốc men hậu phẫu. Tất cả chỉ hơn một triệu nhưng nhiều gia đình phải chạy vạy khốn khổ lo cho con. Cùng ngày tại phòng mổ ‘kỹ thuật cao’ của một thẩm mỹ viện chốn đô thị phồn hoa, một số chó Bắc Kinh đầu lân cũng được tiến hành giải phẫu. Các cô, chú chó cảnh được đổi giới tính (hoạn), hạ mũi, mở mắt, độn xụn đuôi... với giá làm đẹp mắc không ngờ, mỗi ca phẫu thuật giản dị cũng tính từ ba bốn triệu trở lên. Lạ là, một triệu chi cho người khỏe và đẹp còn khó nhưng ba bốn triệu thảy cho chó vẫn dễ như ăn ớt. Và vẫn khó hiểu, những nhà đầu tư phòng mổ kỹ thuật cao cho chó mắc mỏ không kém phòng mổ cho người. Sao người ta chọn đầu tư cho chó? Ước mong trong đời tín hữu những đồng tiền kiếm được từ chuyện đầu tư, chuyện làm nghề, kiếm sống không thành vô nghĩa, vô tâm, vô tình, không thành bèo bọt trôi dạt theo năm tháng, nhưng luôn ghi dấu tình yêu thương vô bờ của Chúa.

IV. KẾT

Sau những năm tháng tha hương trên cánh đồng Moab, góa phụ Naomi dẫn Rut, cô con dâu góa chồng hồi hương về Belem. Rut gốc người Moab, chồng chết nhưng gắn bó với mẹ chồng, nàng nhất định, “Mẹ đi đâu, con theo đó, mẹ ở đâu con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con”. Hai mẹ con về tới Belem vào đầu mùa lúa mạch. Về quê với hai bàn tay trắng, Rut ra tay kiếm sống nuôi mẹ chồng. Nàng đến xin mót lúa trên đồng lúa nhà ông Booz, một điền chủ giàu có, bà con bên chồng. Booz bảo các thợ gặt, “cho dù cô ấy có mót ngay giữa những bó lúa đi nữa, các anh cũng đừng nhục mạ cô ấy. Các anh còn để ý rút vài bông lúa từ đống lúa đã gặt để lại cho cô ấy mót, đừng trách móc cô ấy” (x. R 1, 2). Đọan sách Rut này là phản ảnh nề nếp cuộc kiếm sống của Dân Chúa thời xã hội nông nghiệp.

Đâu như Rut là người lao động mẫu trong đề án ‘Bảy Con Bò’ của Giuse. Nàng gạt bỏ mặc cảm nghèo, bước dấn vào cánh đồng, lao động để nuôi thân và nuôi mẹ, cô vui hưởng thành quả lao động và sẵn lòng đón nhận ơn nghĩa của mọi người. Và cũng như bậc thày Giuse, ông Booz (Thời Quan Án 1200-1050) là người mẫu hoạch định giải pháp kinh tế. Ông tổ chức chuyện cầy cấy làm ăn nhưng không ăn riêng, hưởng riêng hoa lợi của đồng lúa, nhưng rộng lòng chia sẻ với ai thiếu đói.

Hôm nay dù muốn hay không, các tín hữu đang thuộc về một nền kinh tế đặc trưng nào đó. Hoặc chúng ta tác động trên nền kinh tế này hay là nền kinh tế biến đổi chúng ta, vì “con người vừa là nạn nhân vừa là tác nhân của hoàn cảnh xã hội. Nếu hoàn cảnh xã hội nhào nặn ra những con người, thì con người mới cũng sẽ dần dần tác động làm nên những hoàn cảnh mới” (TMV 06, 5). Trước cuộc chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt sau biến cố WTO chúng ta sẵn sàng bắt tay những giao dịch mới, nề nếp làm ăn mới. Nhưng với nề nếp nào, giao dịch nào mỗi người vẫn là những con cái của Chúa và làm ăn lối nào, Tin Mừng vẫn không thôi là ánh sáng soi đường ta đi ?

Hiệp Thông số 40

Chuyên Đề: VĂN HÓA SỰ SỐNG VÀ VĂN MINH TÌNH THƯƠNG

Mời đọc Hiệp Thông, Bản Tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam - Mạng Lưới Dũng Lạc, góp tư liệu xây nhà Văn Hóa Công Giáo