Hiệp Thông số 39



Chuyên Đề

ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP VÀ LƯƠNG TÂM CHỨC NGHIỆP

Mời đọc Hiệp Thông số 39 - Bản Tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP & LƯƠNG TÂM CHỨC NGHIỆP

Anbêtô Nguyễn Lộc Thọ, OP.

NHẬP ĐỀ

Vào những năm đầu Công Nguyên, lúc Gioan Tẩy Giả xuất hiện và làm phép rửa kêu gọi sám hối, có nhiều người thuộc nhiều ngành nghề khác nhau đã đến xin thanh tẩy và đặt câu hỏi với ông: “Chúng tôi phải làm gì đây?”. Gioan đã trả lời cho từng nhóm người thuộc các nghề khác nhau (x. Lc 3, 10-14). Đối với đám đông, câu trả lời là: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Đối với những người thu thuế: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định”. Và đối với binh lính: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”. Trình thuật Tin Mừng chỉ ghi lại mấy lời mang tính gợi ý. Nếu ta tiếp tục đặt cùng câu hỏi đó nhân danh những người hoạt động trong các nghề khác nữa thì các câu trả lời tương ứng cũng có thể được rút ra, nhưng tựu trung vẫn xoay quanh tinh thần Tin Mừng là hãy làm điều tốt cho nhau và cho xã hội, đừng làm điều bất công hay xúc phạm đến người anh em, và quan trọng hàng đầu, đối với Kitô hữu, hãy theo Chúa Kitô.

Câu hỏi cũng có thể được chuyển sang dạng khác phù hợp với hoàn cảnh chúng ta hơn, nhất là trong bối cảnh đề tài bài viết này: Tôi phải hành nghề như thế nào cho đúng tinh thần đạo đức? Lương tâm chức nghiệp đòi tôi phải hành nghề ra sao?

Các câu hỏi bao quát như thế đòi phải lý giải nhiều điều thì mới có thể rút ra những lời đáp hoàn chỉnh. Bài viết này sẽ cố gắng góp phần tìm ra những gợi ý cho câu đáp, vốn là điều thuộc trách nhiệm của mỗi người đứng trước hoàn cảnh của mình. Cụ thể sẽ có ba khía cạnh cần tìm hiểu: nghề nghiệp - người lành nghề, hành nghề có đạo đức và làm theo lương tâm nghề nghiệp.

I. NGHỀ NGHIỆP - NGƯỜI LÀNH NGHỀ

Trong phần này chúng ta sẽ xem xét vấn đề nghề nghiệp và việc làm cùng với những điểm liên quan như thất nghiệp, tìm kiếm việc làm. Nhưng trước hết, xin xem qua đôi nét về từ ngữ.

1. Từ ngữ

Theo Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức, “nghề” hay “nghề nghiệp”, danh từ, hàm nghĩa “việc làm chuyên môn để sống”. Còn theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học, nếu được dùng như một danh từ, nó có nghĩa là “công việc chuyên làm theo sự phân công của xã hội”; hoặc với tư cách tính từ, nó gợi ý đến “giỏi, thành thạo (trong một việc làm nào đó)”.

Nói tới hai chữ “nghề nghiệp” thường người ta nghĩ đến một công việc có thù lao giúp người hành nghề sinh sống và cũng để làm giàu, đó thường là công việc người đó làm thường xuyên trong cuộc sống của họ (ít ra là trong một thời gian); nghề nghiệp còn gợi đến sự lành nghề, sự tinh thông nghề nghiệp.

Người Việt Nam ta có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Tinh thông một nghề vốn là một điều đáng mong ước trong cuộc sống một con người vì điều đó sẽ giúp cho người đó có thể tự lập, có cuộc sống ổn định cả về mặt vật chất lẫn về mặt tinh thần, nó còn đem lại cho người đó sự tự tin và lòng tự trọng. Nghệ tinh khiến người ta có thể sống ung dung và tự tại dựa trên chính công sức của đôi tay và khối óc của bản thân mình. Hơn nữa, với khả năng nghề nghiệp của mình, người đó có thể và thật sự đóng góp phần mình cho việc phục vụ người khác và cho công cuộc xây dựng xã hội. Chính Đức Giêsu, với tư cách là một con người, cũng đã từng tự rèn luyện để có được một nghề nghiệp. Người cùng thời gọi Người là “Bác thợ” (x. Mc 6, 3). Thánh Phaolô cũng đã tự tay làm việc để tránh trở thành gánh nặng cho các tín hữu giáo đoàn Thêxalônica (x. 1Tx 2, 9; 2Tx 3, 7-9).

Tuy nhiên, cha Bernard Haring, CSsR., còn đề nghị phân biệt rõ giữa “công việc” và “việc làm”. Theo đó cha muốn nhấn mạnh đến khía cạnh cao quí và tính bất khả mua bán của “công việc”, nó không giống như “việc làm” vốn chỉ là một yếu tố trong quá trình sản xuất kinh doanh mà người ta có thể thực hiện những hành vi thương mại trên đó. Về điểm này, cha Haring cho thấy sự tương đồng giữa Học Thuyết Xã Hội Công Giáo với luận thuyết của Karl Marx ở chỗ coi “công việc” giữ vai trò hàng đầu trong đời sống kinh tế và nó có tính quyết định trên mọi mối quan hệ sản xuất xã hội. Vì vậy, theo cha, công việc phải được tổ chức sao cho có thể giúp hoàn tất vai trò hiện thực hóa chính bản thân của người thực hiện nó.

Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để có thể có được một nghề với tay nghề thực sự tinh thông? Làm sao việc có nghề cũng đồng nghĩa với có công ăn việc làm xứng hợp?

2. Nghề nghiệp và việc làm

Trong thần học về nghề nghiệp, có hai hướng suy tư theo hai chiều ngược nhau. Hướng thứ nhất, thần học “từ trên xuống”, theo Karl Barth, lấy khởi điểm từ lời mời gọi của Đức Kitô để đến với ơn cứu độ ngang qua nỗ lực sống một cuộc sống mới trên trần gian, đó là một cách để tôn thờ Thiên Chúa. Hướng thứ hai, thần học “từ dưới lên”, theo Alfons Auer, khởi đi từ kinh nghiệm về con người trong hoạt động nghề nghiệp của họ, và đem tất cả những cái đó vào trong nhãn giới đức tin nơi Đức Kitô. Nhưng cho dù suy tư theo hướng này hay hướng kia, theo cách nhìn của cha Haring, thì nghề nghiệp hay công ăn việc làm, hoặc nói chính xác hơn, hoạt động nghề nghiệp hay làm ăn sinh sống chính là một ơn gọi đối với con người.

Nói đến nghề nghiệp thì không thể không nói đến việc làm. Đây là một vấn đề được bàn đến nhiều trong mọi xã hội, cụ thể là trong xã hội Việt Nam thời đại đô thị hóa hiện nay.

Về mặt từ ngữ, “việc làm”, “làm việc” và “nghề nghiệp” có cùng nghĩa là làm một công việc mang tính tham gia quá trình sản xuất nhằm sinh kế. Xét như thế thì đây là một hoạt động cần thiết và mang tính bó buộc đối với mỗi thành viên trong xã hội để người đó có thể đóng góp phần công sức bản thân trong đời sống xã hội. Làm việc, hành nghề là bổn phận của mỗi người. Người Việt ta cũng có câu: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Có làm thì có ăn và cần phải làm để có cái ăn cho bản thân, cho gia đình cũng như đóng góp cho xã hội. Chính thánh Phaolô đã nói rõ như thế trong 2Tx 3, 10-12 (x. St 3, 19).

Có nghề thôi chưa đủ, còn cần đem ứng dụng nghề đó vào trong đời sống. Có nghề thì phải hành nghề. Nói cách khác, trong xã hội, mỗi người phải lo sao cho mình có một nghề nghiệp và, với sự trợ giúp tạo điều kiện của xã hội, có được một công việc làm ổn định, ít là trong một thời gian. Có nghề nghiệp mà không tìm được một việc làm phù hợp, đối với nhiều người trong xã hội, luôn là một vấn đề đáng kể. Vậy, vấn đề là làm sao cho mọi người có được việc làm và là việc làm xứng hợp. Một biểu hiện của sự bất ổn này là tình trạng thất nghiệp.

2.1. Thất nghiệp

Thất nghiệp là không có việc làm để sinh sống. Khi tình trạng này lan rộng đến nhiều người trong xã hội, người ta gọi là “nạn thất nghiệp”. Nó là một vấn đề lớn của mọi xã hội và mọi nền kinh tế, phát triển hay đang phát triển, cần phải tìm cách khắc phục. Đó là xét trên bình diện toàn xã hội (mà sẽ không được khai thác thêm trong bài này). Trong góc độ bàn về vấn đề đạo đức nghề nghiệp, chỉ xin xem qua một vài hậu quả do tình trạng này mang lại.

- Thất nghiệp khiến cho nhiều người đành chấp nhận làm những công việc không đúng nghề khiến họ không thể đóng góp hết khả năng cho xã hội. Điều này ngăn cản họ phát triển toàn diện và thực sự.

- Thất nghiệp khiến cá nhân người đó rơi vào tình trạng mất cân bằng tâm lý, do những thay đổi lớn so với các thói quen làm việc trước đó. Tình trạng tâm lý bất ổn này có thể lây lan sang hoặc tác động đến những người sống chung quanh. Đó là chưa kể tới việc người bị thất nghiệp có thể trở nên sa sút về mặt đạo đức khi ở trong tình trạng không có chuyện gì chính thức để làm.

- Mất việc làm ổn định có thể đẩy một người vào tình thế tìm cách bù trừ qua việc nhận đại một công việc mà đôi khi không trong sáng hoặc phạm pháp, không xứng với nhân phẩm của họ. Các tay trùm xã hội đen rất biết tâm lý này và cũng biết cách lôi kéo để có thêm người “cộng sự”.

- Mất việc kéo dài cũng thường đưa đến tình trạng bất ổn trong gia đình của người bị mất việc, không chỉ trong mức độ giảm thu nhập cho gia đình mà, hơn thế nữa, còn có nguy cơ tạo ra hoặc làm bộc phát những xung đột gia đình. Đôi khi điều này dẫn đến tình trạng tan vỡ gia đình, nếu cộng hưởng với nhiều mối mâu thuẫn khác.

Nhìn trong mức độ tác hại thì thấy như vậy, tuy nhiên, xét theo góc độ toàn nền kinh tế xã hội, thì tình trạng mất việc làm tạm thời trên một tỉ lệ cho phép trong số những người trong độ tuổi lao động sẽ là điều kiện để thị trường lao động tự cơ cấu hóa lại hoặc để xã hội có thể tổ chức đào tạo lại hay đào tạo bổ túc tay nghề cho những người đang không trực tiếp tham gia lao động vào thời kỳ đó. Một tỉ lệ thất nghiệp hợp lý cho phép xã hội có được một lực lượng lao động dự phòng cần thiết và, nhất là, có điều kiện đào tạo lực lượng lao động “dôi ra” đó theo hướng nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật và tay nghề hơn nữa. Đây là điểm tích cực.

Các chính phủ cần phải có chính sách khuyến khích đầu tư để tạo ra thêm công ăn việc làm cho xã hội ngang qua việc xây dựng và triển khai hệ thống luật và các văn bản pháp qui dưới luật, cũng như phải nghiên cứu để xác định và duy trì cho được tỉ lệ lao động “chờ” và có chính sách đào tạo, cũng như tái đào tạo, lực lượng lao động này. Giải quyết hợp lý tình trạng thất nghiệp như vừa nói sẽ thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển thực sự. Một trong những điều quan trọng là phải khởi đầu từ việc người ta có việc làm. Xin đơn cử một ví dụ: cách đây chừng không đầy 10 năm, tôi có dịp đi đoạn đường từ Bến Lức hướng về Lương Hòa (thuộc tỉnh Long An), thấy hai bên đường chỉ có đồng ruộng và nhà cửa thưa thớt. Còn đường xá thật khó đi, nhất là vào mùa mưa. Gần đây, có dịp trở lại vùng ấy. Khi đi trên cùng đoạn đường đó, đã thấy có sự thay đổi đáng kể theo chiều hướng phát triển, với đường tráng nhựa rất dễ lưu thông, hai bên đường đã mọc lên nhiều ngôi nhà xây với mái ngói hoặc mái tôn, thay cho những túp nhà mái lá trước kia. Và, đặc biệt, với sự có mặt của một số nhà máy và xí nghiệp đã giúp cho vùng này thoát ra khỏi cảnh nghèo. Các nhà máy, các xí nghiệp đã sử dụng được lực lượng lao động tại địa phương, cũng như thu hút lao động di dân đến làm việc. Nhờ vậy, đối với một số gia đình nông dân sống gần khu vực nhà máy, thu nhập của họ không chỉ cậy đơn thuần vào ruộng mía như trước kia mà còn từ tiền lương do các lao động làm việc tại các nhà máy, từ việc cho thuê nhà trọ hoặc từ quán nước trước nhà.

Khi có công ăn việc làm ổn định, tức có thu nhập ổn định, người ta sẽ tham gia làm cho quá trình lưu thông tiền tệ trong xã hội tăng tốc nhờ vào việc họ mua sắm, tiêu thụ. Đây là một điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển về kinh tế của một vùng, một quốc gia. Phát triển về kinh tế sẽ kéo theo hệ quả là xã hội, văn hóa, giáo dục, v.v. cũng phát triển. Vậy, việc cụ thể cần thực hiện là giải quyết vấn đề tìm việc làm cho những người trong độ tuổi lao động trong xã hội.

2.2. Vấn đề tìm việc làm

Ngày nay, ở Việt Nam và nhất là tại các thành phố lớn, nhu cầu tìm việc làm rất lớn. Đã thấy có nhiều “Trung tâm giới thiệu việc làm” hoặc các trang “Web giới thiệu tìm việc” được thành lập để giúp giải quyết vấn đề này. Nhưng để đáp ứng cho vấn đề tìm việc làm, cần thiết phải có thêm nhiều việc làm được tạo ra, xét về phía các đơn vị có nhu cầu, và khả năng đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp, xét về phía người lao động.

a. Tạo ra công ăn việc làm

Có công ăn việc làm là một nhu cầu chính đáng của con người trong xã hội, nhất là đối với những người trong độ tuổi lao động. Do đó, tạo ra công ăn việc làm đáp ứng “đủ” nhu cầu tham gia lao động của các thành viên trong xã hội là cần thiết để có thể có được một xã hội ổn định và phát triển. Đây, trước hết, là trách nhiệm của Chính phủ các quốc gia, xét về phương diện quản lý vĩ mô, thực hiện ngang qua việc hoạch định các chính sách và hệ thống luật pháp có liên quan. Thứ đến, cũng cần đến tinh thần đồng trách nhiệm của các thành viên trong xã hội, cụ thể là các nhà đầu tư và các doanh nghiệp, xét trên bình diện tham gia sản xuất kinh doanh. Thật vậy, chính việc mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, công cũng như tư, mà xã hội có thêm một số việc làm tương ứng. Đóng góp này, nếu nhìn riêng lẻ thì không thấy quan trọng mấy, vì mỗi doanh nghiệp chỉ tạo ra được một số việc làm, tùy theo ngành nghề và qui mô đầu tư của doanh nghiệp, nhưng nếu cộng tất cả lại trong phạm vi toàn nền kinh tế thì thật đáng kể. Nói theo cách đảo ngược, nếu trừ đi các đóng góp loại này của từng doanh nghiệp, cho dù các doanh nghiệp với qui mô nhỏ và rất nhỏ, xã hội sẽ mất đi một số việc làm tương ứng và con số thất nghiệp dôi ra từ đây đáng phải kể đến. Và, nếu điều này xảy ra đồng loạt ở nhiều doanh nghiệp - như trong trường hợp hàng loạt công ty, xí nghiệp ở Nhật phá sản do biến động tiền tệ vào những năm đầu thập niên 1990, với hàng ngày có đến khoảng 6.000 doanh nghiệp tuyên bố phá sản (theo các bản tin thời sự vào thời kỳ đó) - thì con số người thất nghiệp sẽ tăng vọt gây ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế nói chung, nếu tình trạng này kéo dài.

Nếu mỗi công việc làm thường đòi hỏi một trình độ tay nghề hoặc trình độ văn hóa tương ứng, một vấn đề khác đặt ra là liệu những người muốn tham gia lao động có đáp ứng được yêu cầu này không? Nói cách khác, cần phải có một hệ thống đào tạo phù hợp và một tinh thần tự đào tạo tốt.

b. Đào tạo và tự đào tạo nghề nghiệp

Đào tạo là “quá trình chuyển giao có hệ thống, có phương pháp những kinh nghiệm, những tri thức, những kỹ năng kỹ xảo nghề nghiệp, chuyên môn, đồng thời bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức cần thiết và chuẩn bị tâm thế cho người học đi vào cuộc sống lao động tự lập và góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Để có một nghề, người ta, nhất là những người thuộc thế hệ trẻ, cần phải trải qua thời kỳ đào tạo cần thiết. Nhất là, ngày nay, trong bối cảnh những thành tựu khoa học kỹ thuật được phát minh và ứng dụng hầu như tức thì vào sản xuất, quá trình sản xuất kinh doanh được tổ chức theo những qui trình chặt chẽ và khoa học, thì việc học cho thành thạo một nghề và, hơn nữa, nắm vững được mối liên hệ giữa các ngành nghề cũng như giữa các khâu khác nhau trong các qui trình sản xuất là điều thật sự cần thiết để một con người hội đủ khả năng tham gia lao động góp phần xây dựng xã hội. Ngoài ra, trong khi đang tham gia hoạt động sản xuất, mỗi người lao động cũng cần phải tự trau dồi và nâng cao tay nghề sao cho phù hợp và đáp ứng được với trình độ sản xuất luôn được nâng cao trong xã hội. Điều này sẽ đảm bảo cho người đó không bị tụt hậu hoặc bị thải loại vì lý do trình độ nghề nghiệp. Ví dụ, trong lĩnh vực tin học, một lĩnh vực mới nhưng cũng thay đổi rất nhanh trong việc phát minh và ứng dụng những kiến thức mới, chỉ cần “dậm chân tại chỗ” trong một thời gian ngắn, không lo tự học hỏi thêm, tự cập nhật hóa kiến thức của mình, thì một kỹ thuật viên hoặc lập trình viên, cho dù có chuyên môn khá cao, cũng sẽ trở thành người tụt hậu không theo kịp các đồng nghiệp và bị đào thải bởi thị trường. Một người bạn đang giữ một trong những vai trò hàng đầu trong một công ty cho tôi biết anh ta phải làm việc 14 giờ đến 16 giờ mỗi ngày để tự rèn luyện cho mục đích cập nhật kiến thức nghề nghiệp, anh ta đang làm trong ngành tin học ứng dụng.

Trên bình diện quốc gia và quốc tế, thực hiện tốt việc đào tạo nghề nghiệp chính là một trong những điều kiện cần cho những bước tiến dài và vững chắc. Thomas L. Frieman, trong quyển Thế Giới Phẳng của ông, ở chương thứ tám, mang tựa đề “Cuộc Khủng Hoảng Thầm Lặng”, trang 477 và tiếp theo, đã nói về tình trạng bất cập trong việc giáo dục và đào tạo tại Hoa Kỳ, ông coi đó như là một cuộc khủng hoảng và dự đoán rằng nếu chính phủ Hoa Kỳ không lo điều chỉnh tình trạng này thì trong một tương lai không xa họ sẽ bị nhiều nước đuổi kịp và qua mặt trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và rồi cả kinh tế xã hội nữa. Xin đơn cử một đoạn ông viết ở trang 481 như sau: “Sự thật là chúng ta [nước Mỹ] đang bị khủng hoảng, một cuộc khủng hoảng diễn ra rất thầm lặng. Có thể nói chúng ta giống như một người ngủ trên chiếc đệm không khí và không khí cứ từ từ thoát ra đến nỗi người đó hầu như không nhận biết, cho đến khi đầu anh ta chạm vào sàn nhà. Lúc đó, việc nạp lại không khí cho đệm trở nên khó khăn. Đó chính là cuộc ‘khủng hoảng thầm lặng’ mà Shirley Ann Jacson, Chủ tịch Hiệp Hội Phát Triển Khoa Học Mỹ năm 2004 và là Giám đốc Học Viện Bách Khoa Rensselaer từ năm 1999 đã giải thích [...]. Cuộc khủng hoảng thầm lặng này đang làm xói mòn nền tảng công nghiệp và khoa học của Mỹ vốn là nguồn lực cho sáng tạo và nâng cao mức sống của người Mỹ”.

Đào tạo và tự đào tạo có vai trò quan trọng và là điều cần thiết, nhưng phải đào tạo nghề nào, đào tạo cho ai? Đấy lại là một vấn đề khác cũng cần quan tâm, vấn đề hướng nghiệp.

c. Vấn đề hướng nghiệp

Chọn đúng nghề, làm việc đúng khả năng là điều quan trọng cần phải lưu ý ngay từ trong chương trình giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ. Thật vậy, một người khó có thể trở thành chuyên nghiệp hay tinh thông một nghề nếu nghề đó không phù hợp với cá tính, tâm lý, thể lý và sở thích của mình. Trong trường hợp đó, việc hành nghề không đem lại cho bản thân người đó sự phấn khởi và niềm hạnh phúc, có chăng chỉ là khả năng thích ứng hoặc nỗ lực làm việc của bản thân để hoàn thành công việc được giao. Điều này làm cho hiệu quả do việc hành nghề của người đó mang lại không thể đạt tới mức tối đa. Ví dụ một người có cá tính trầm lặng sẽ không thể nào thích hợp được với một nghề đòi hỏi sự bao quát và tính hoạt bát, như nghề quản trị chẳng hạn. Với tính cách ít nói và thích lặng lẽ làm việc, người loại này sẽ thích hợp hơn nhiều cho một công việc của phòng thí nghiệm (dĩ nhiên, còn phải tính đến nhiều yếu tố chuyên môn khác nữa), vốn là loại công việc đòi sự kiên trì tự giam mình lâu giờ trong phòng nghiên cứu với những thí nghiệm lặp đi lặp lại để theo dõi quan sát. Với cá tính như vậy, người loại này mới cảm thấy niềm vui trong loại công việc mà những người hiếu động khó có thể hoàn thành cách xuất sắc.

Ngày nay, ta thường nghe nói nhiều đến các loại chuyên nghiệp trong thể thao như cầu thủ chuyên nghiệp, cây vợt chuyên nghiệp, tay đua chuyên nghiệp,... Những người theo các loại “nghiệp” này là những người vốn say mê và cảm thấy hạnh phúc khi làm những công việc đó, đến nỗi những hoạt động ấy trở thành “lẽ sống” của họ (đương nhiên, từ chuyên nghiệp ở đây còn diễn tả rằng những người này làm công việc đó vì tiền, để kiếm sống). Chính nhờ sự chuyên nghiệp và với năng khiếu trời phú đặc biệt, họ mới thực hiện được những thao tác thật nhuần nhuyễn và điêu luyện mà những người khác không thể làm được cho dù có tập luyện nhiều đi nữa.

Việc định hướng nghề nghiệp cho con người, nói chung, và nhất là người trẻ sắp vào đời, nói riêng, là điều cần thiết và mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Nếu thực hiện tốt khâu này, người ta có thể tận dụng được hết khả năng và năng khiếu trời cho của từng thành viên trong xã hội phục vụ cho sự phát triển và thịnh vượng chung.

Những năm gần đây, ở Việt Nam, việc hướng nghiệp cho người trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên đã bắt đầu được xã hội và các bậc cha mẹ quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân, việc hành nghề hướng nghiệp này vẫn còn rất bất cập, chưa thật sự đáp ứng được lòng mong đợi của xã hội và các gia đình. Cụ thể, trình độ chuyên môn của các nhà hướng nghiệp đôi khi chưa thực sự bảo đảm, và có khi chính họ còn chưa chọn đúng cho mình một nghề thích hợp nữa là. Xin miễn bàn thêm.

Có việc làm, có người lành nghề được đào tạo hoàn chỉnh và biết tự đào tạo tốt là một trong những điều kiện nền tảng cho xã hội phát triển. Nhưng trên góc độ luân lý xã hội, người ta còn được kêu gọi và yêu cầu hành nghề có đạo đức và theo lương tâm nghề nghiệp nữa.

II. HÀNH NGHỀ CÓ ĐẠO ĐỨC

Nói tới đạo đức là nói đến cách cư xử ở đời theo lý trí, tức là việc ứng dụng các chuẩn mực xã hội vào cách cư xử ở đời. Để có thể biết cách cư xử hợp đạo đức, người ta cần được giáo dục về lĩnh vực này. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta không dừng lại ở việc đào sâu đạo đức học, chỉ xin bàn vắn gọn đến một số vấn đề mang tính ứng dụng các yêu cầu đạo đức trong khi hành nghề như: thực hành nghề nghiệp theo đúng qui định pháp luật, làm việc hiệu quả, làm theo đúng qui trình và qui định kỹ thuật, và thời gian làm việc.

1. Làm theo đúng pháp luật

Nói về làm theo pháp luật, ở đây cũng sẽ không lý giải về tương quan giữa đạo đức và pháp luật, chỉ xin nêu ra một vấn nạn là liệu làm theo đúng qui định của luật pháp có bao hàm hết việc hành nghề có đạo đức không?

Pháp luật là những qui phạm do Quốc Hội hoặc những qui định do các cơ quan Nhà Nước có thẩm quyền ban hành nhằm hướng dẫn cách xử sự bắt buộc đối với mọi người trong một quốc gia. Thông thường, luật pháp được xây dựng nhằm mục đích ổn định trật tự xã hội và thúc đẩy xã hội phát triển, nó là một cách cụ thể hóa các chuẩn tắc đạo đức xã hội. Vậy, khi làm theo đúng pháp luật qui định thì người ta đã góp phần đáng kể trong việc làm cho ổn định và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Điều này thật rõ ràng ở các quốc gia tiên tiến và dân chủ, nhất là ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Tuân thủ và làm theo đúng pháp luật là điều đáng ước mong đối với mọi xã hội, mọi quốc gia. Theo các bản tin thời sự hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn thường diễn ra ở khắp nơi khiến nảy sinh bao nhiêu vấn đề bất ổn trong xã hội, các nhà hữu trách phải luôn tìm cách khắc phục, đây chính là điều không ai mong đợi.

Hành nghề theo đúng luật pháp, không vi phạm pháp luật, một cách nào đó, là đã thực hiện được phần nào yêu cầu đạo đức, kể cả đạo đức chức nghiệp. Điều này càng đúng khi người ta đối diện với các hoạt động xã hội đen, nhất là tình trạng buôn ma túy và buôn người mà mọi nền pháp chế trên thế giới đều nghiêm cấm.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở mức đó mà thôi thì vẫn chưa đủ. Trong thực tế, người ta cũng thường gặp thấy nơi không ít những người hoặc những tổ chức - công cũng như tư, hành chính xã hội cũng như kinh tế - tuy không tìm ra ở đó những lỗi vi phạm luật pháp, nhưng hoạt động của họ lại chẳng hợp đạo đức chút nào, thậm chí còn ngược lại. Ví dụ nơi một số công ty, xí nghiệp việc trả lương được áp dụng theo kiểu chỉ phải thanh toán lương tập sự cho công nhân mà thôi: người ta cố tình đánh giá là người công nhân không đủ tay nghề, sau khi hết thời gian tập sự, để loại số công nhân đó ra, và rồi họ lại tuyển đợt công nhân mới, với cùng một kiểu cách như vậy. Một ví dụ khác, tình trạng hạch sách, gây khó dễ và đày đọa người dân mà các cơ quan hành chính thường thực hiện, ở Việt Nam và ngay cả ở các nước tiên tiến cũng có, tình trạng này đã được nhiều phương tiện thông tin đại chúng bàn đến. Chương trình “Gặp Nhau Cuối Tuần” của VTV3 đã từng nói về chủ đề này. Nói chung, đây là thói quan liêu mà đạo đức xã hội từ cổ chí kim đều than phiền, nhưng lại không thể dễ dàng qui định về mặt luật pháp. Vậy, làm theo đúng pháp luật là tốt nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu hành nghề có đạo đức. Hành nghề có đạo đức còn yêu cầu phải làm cho có hiệu quả.

2. Làm việc có hiệu quả

Trong kinh tế học, hiệu quả là điều rất quan trọng, nếu không muốn nói là hàng đầu, vì nếu một số vốn, hay nói chung hơn là các yếu tố đầu vào, sau khi tham gia quá trình sản xuất kinh doanh mà không mang lại một khoản chênh lệch hay một khoản lợi nhuận nào đó (điều này phải được xem xét trong một khoảng thời gian đủ dài và cần thiết) thì người ta sẽ chẳng đồng ý bỏ vốn ra, bởi đơn giản là nó không mang lại hiệu quả. Đó là chưa kể đến mức độ đạt hiệu quả là bao nhiêu.

Trong các hoạt động khác người ta cũng nói đến hiệu quả, nhưng nó không bị đòi hỏi phải là cái mang lại tức thời và nhìn thấy được ngay. Có điều là phải luôn đạt hiệu quả. Ở đây, có lẽ, không phải thứ hiệu quả theo kiểu kinh tế, được tính bằng những khoản lợi nhuận, những con số, cho bằng việc phải có một kết quả nào đó được mang lại, nhất là theo như mục tiêu đã được dự định từ ban đầu. Kết quả loại này vốn khó xác định một lần cho xong hoặc khó có thể khái quát hóa hay cụ thể hóa, nhưng chắc một điều rằng nó là điều mang lại lợi ích thiết thực cho một cá nhân, một tập thể, một tổ chức, một dân tộc, một đất nước hay toàn thể nhân loại.

Làm việc có hiệu quả là điều mỗi người tham gia trong mọi hoạt động nghề nghiệp được mời gọi phải hoàn thành. Ví dụ: - Một người thợ xây làm việc phải có hiệu quả, nghĩa là mỗi ngày anh ta phải thực hiện được một khối lượng công trình theo yêu cầu đề ra, điều này chứng tỏ anh ta đã sử dụng tốt thời gian làm việc của mình và thể hiện được tay nghề của mình; nếu ngược lại là không có hiệu quả. - Tính hiệu quả đối với hoạt động của một doanh nhân là làm sao cho mọi năng lực trong đơn vị được giao cho người đó quản lý phải được sử dụng hợp lý và tối ưu, điều này chỉ được kiểm chứng qua sự ổn định và phát triển của cả đơn vị, được tính trong một khoảng thời gian nào đó, đó chính là trách nhiệm của nhà quản lý.

Nói tóm lại, hiệu quả có thể được coi là đích đến của mọi hoạt động chức nghiệp, nói riêng, hay hoạt động của con người, nói chung. Làm việc có hiệu quả là một cách thể hiện tính đạo đức trong nghề nghiệp của mình. Ngày nay, trong các hoạt động mang tính dây chuyền hay theo chu trình, để làm việc có hiệu quả thực sự, người hành nghề còn cần làm theo đúng kỹ thuật và đúng qui trình.

3. Làm đúng kỹ thuật, đúng qui trình

Thời nay, với ngành phương pháp học, với những công trình nghiên cứu và hệ thống hóa một số hoạt động và công việc, ngay cả những công việc thuộc lĩnh vực trí óc, người ta đã biết tổ chức nhiều loại công việc thành những mô hình liên hoàn giúp có thể tận dụng được tối đa khả năng của từng con người tham gia hoạt động. Điều này càng đúng trong một “thế giới phẳng”, theo như Frieman. Đó chính là việc nghiên cứu các thao tác hợp lý của những người thợ có tay nghề ổn định hoặc phương pháp làm việc hiệu quả của những người làm công việc trí óc, rồi đánh giá và phân tích để tìm ra những phương pháp phối hợp hợp lý nhất các bước công việc lại theo hướng tối ưu hóa - đây là công việc của phân ngành “tổ chức lao động”. Phương pháp học, vì thế, trở thành một bộ môn mang tính công cụ, nó cần thiết cho tất cả mọi ngành nghề, từ lao động sản xuất đến nghiên cứu. Nó giúp cho các hoạt động sống của con người đạt hiệu quả cao nhất có thể, tùy theo việc người ta biết ứng dụng nó đến mức độ nào.

Mọi loại công việc hay ngành nghề, muốn đạt hiệu quả cao nhất, đều cần được tiến hành theo đúng phương pháp, đúng qui trình dựa trên những yếu tố khoa học kỹ thuật mà loại công việc đó ứng dụng. Cần thiết phải làm theo đúng qui trình và đúng kỹ thuật.

Làm sai qui trình kỹ thuật sẽ dẫn đến những hậu quả đôi khi rất nghiêm trọng. Trong thực tế, những người thực hành các hoạt động nghề nghiệp dễ có khuynh hướng coi thường hoặc quên mất tính nghiêm trọng do loại vi phạm này mang lại, cũng có người chỉ nhìn một cách quá thiển cận về tác hại của chúng, cho nên lắm khi họ dễ dàng tự cho phép mình, hoặc không tự ép buộc mình đủ, để tuân thủ những yêu cầu loại này. Các tai nạn lao động mà, lắm khi, hậu quả rất thương tâm, là bằng chứng cho thấy rõ điều này.

Chỉ cần kể ra một đôi ví dụ thật thông thường trong cuộc sống cũng đủ thấy tính nghiêm trọng của vấn đề. Ngày nay, có nhiều em học sinh tuy tuổi còn rất nhỏ mà đã phải mang những cặp kính cận khá lớn độ, thường là do các em phải học quá nhiều, nghĩa là đôi mắt được sử dụng hầu như “hết công suất”, lại nữa, thường các em không tuân thủ đúng chỉ dẫn y học về cường độ ánh sáng khi đọc hay khoảng cách giữa mắt và trang sách. Đương nhiên không kể đến trường hợp bẩm sinh. Ví dụ khác, một sinh viên ra trường thiếu kiến thức căn bản và chuyên môn là điều cũng thường thấy ngày nay. Có hiện tượng này là do tình trạng không biết phương pháp học tập (không kể đến việc lười học hoặc quá kém) hoặc không chịu tuân thủ theo chương trình đào tạo. Tôi đã có dịp gặp một số sinh viên chỉ quan tâm học các môn chính, còn các môn phụ thì “Đại khái thôi!” Kết quả là khi tốt nghiệp ra trường [vấn đề là, thế mà vẫn cứ tốt nghiệp], các sinh viên đó sẽ thiếu kiến thức. Trong xã hội, người ta hơn nhau là ở các kiến thức thuộc môn phụ, vì chắc là ai cũng lo học cho tốt nhất các môn chính; hơn nữa, các môn phụ vốn được xác định là cần thiết để phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp sau này, nên mới được xếp vào chương trình học chính thức. Nếu những môn phụ chỉ là để “trang trí” thêm cho vui mà thôi thì các trường đại học đã chẳng mất công mất của để thuê giảng viên, và còn kéo dài thêm thời gian đào tạo.

Làm theo đúng qui trình hay làm việc có phương pháp chính là một cung cách biểu hiện tính đạo đức trong thi hành chức nghiệp. Nó giúp người ta tận dụng được thời gian và sử dụng số thời gian đó hiệu quả nhất.

4. Thời gian làm việc

Ngày nay, thời gian làm việc được qui định cho hoạt động nghề nghiệp của con người là 40 giờ hoặc 48 giờ một tuần; ở Pháp, đây đó, đã bắt đầu áp dụng chế độ làm việc 35 giờ một tuần. Theo chế độ về thời gian làm việc như thế, người lao động có được thời giờ cần thiết cho việc nghỉ ngơi, sinh hoạt cá nhân và gia đình. Điều này phù hợp với tinh thần tôn trọng quyền con người và nhất là của giáo huấn Thánh Kinh, cụ thể là luật ngày Sabbát: con người làm việc trong vòng sáu ngày, ngày thứ bảy họ nghỉ ngơi và thờ phượng Thiên Chúa. Thời gian làm việc được qui định như thế, nhưng trong thực tế thì sao? Lại nữa, việc sử dụng thời gian lao động ấy như thế nào cho hiệu quả?

Thực trạng ở Việt nam, tình trạng tăng ca tăng giờ làm thêm trong khu vực sản xuất công nghiệp nhẹ, đặc biệt đang diễn ra ở các khu công nghiệp, là một vấn đề cần phải chấn chỉnh. Vắt kiệt sức của người lao động theo kiểu đó vừa không đúng tinh thần tôn trọng con người, vừa vi phạm đạo đức xã hội. Thật vậy, nếu có dịp đến thăm các công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, người ta sẽ thấy cuộc sống của họ chỉ xoay quanh hai địa điểm chính, đó là xí nghiệp và nhà trọ: sáng sớm dậy lo đi làm, tối mịt về mệt nhoài, lo đi ngủ. Lý do là họ được yêu cầu tăng ca tăng giờ thường xuyên. Trong các toà giải tội vào các Mùa Chay và Mùa Vọng, với tư cách là linh mục, người viết bài này đã nghe rất nhiều về tình trạng các người làm công (công cũng như tư, công nghiệp cũng như làm việc osine) không thể đi tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật được, và có nhiều trường hợp kéo dài đến nhiều tháng. Đối với các công nhân, họ vẫn cứ phải chấp nhận tình trạng như vừa kể, tựu trung cũng vì tiền lương: nếu chỉ làm 8 giờ một ngày thì tiền lương theo qui định chỉ khoảng 500.000 đồng - 600.000 đồng một tháng, đồng ý làm thêm sẽ có thêm thu nhập mà trang trải cho cuộc sống đắt đỏ ở các thành phố; hơn nữa, đây là điều đáng coi là bi thảm đối với một con người, rằng ở lại làm thêm thì có được bữa ăn và, nhất là, khỏi phải tốn tiền điện, tiền quà nếu được về nhà sớm hơn.

Tính hiệu quả trong việc sử dụng thời gian lao động lại là một vấn đề khác, thường nằm ở phía người lao động làm thuê. Ở các nước phát triển, người lao động làm việc với một cung cách nghiêm túc và tích cực, ít ra là họ làm hết công suất trong thời gian qui định. Ở Việt Nam, vẫn còn quá nhiều lãng phí, do chưa thực sự quen với tác phong công nghiệp trong làm việc.

“Làm hết giờ hay làm hết việc?” là một khúc mắc đối với các nhà quản trị, họ luôn tìm cách tổ chức không để người lao động lãng phí thời gian làm việc. Thật vậy, trong thực tế, những người làm công ăn lương, nhất là giới nhân viên văn phòng, phổ biến nhất là nơi các cơ quan nhà nước, thường có khuynh hướng sử dụng không hết giờ làm việc: kéo dài thời gian không cần thiết cho một công việc, tranh thủ làm thêm những việc riêng khác hoặc không làm gì cả. Làm việc trong tinh thần đạo đức đòi hỏi người lao động phải tự khắc phục tình trạng lãng phí này. Về mặt tổ chức và quản trị, người ta đã tìm ra cách khắc phục, đó là khoán công việc sao cho không có thời gian thừa cho bất cứ hoạt động nào khác, hoặc có biện pháp kiểm soát việc sử dụng thời gian làm việc thật chặt.

Nhưng đôi khi việc áp dụng phương cách quản lý kiểu này cũng bị lạm dụng đến mức thái quá. Nơi một số công ty, nhất là các công ty của người Đài Loan và người Hàn Quốc, các nhân viên thường được giao khoán cho một khối lượng công việc đủ nhiều đến mức khó có thể hoàn thành trong thời gian làm việc chính thức - trừ phi người đó có trình độ khá và giỏi thật sự trong lĩnh vực đó - do đó, những nhân viên trung bình khá trở xuống phải tranh thủ làm thêm giờ một cách tự nguyện để có thể hoàn thành công việc. Đây là một cách rất tinh tế để buộc người lao động làm thêm giờ, một lối khai thác tối đa sức lao động, nó cũng sẽ vắt kiệt sức của con người. Đây là một cách thức “bóc lột” tinh vi hơn và, vô hình chung, là một cách thức loại trừ những người không xuất sắc hay, đúng hơn, là ép buộc những người ít xuất sắc phải luôn tự thể hiện ra “to” hơn chính bản thân họ. Làm việc hay hành nghề, trong trường hợp này, đã trở thành một gánh nặng phải hoàn tất đối với người lao động, nó nô lệ hóa con người một cách nào đó, hơn là giúp con người tự thể hiện và thăng tiến chính bản thân, theo như tinh thần của Mạc Khải trong Thánh Kinh và trong Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, cụ thể nơi Thông Điệp Lao Động Của Con Người do Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố ngày 14.09.1981.

5. Việc làm và lao động

Nếu việc làm muốn nói tới những công việc nhằm sinh kế, như đã nói trên kia, thì “lao động”, theo Từ Điển Việt Nam, là danh từ chỉ hoạt động có mục đích của con người nhằm tạo ra các loại sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội. Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo coi lao động là thành phần tất yếu của đời sống con người. Khi thực hành lao động, con người hoàn thành chính mình và cộng tác vào trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Lao động là nghĩa vụ của con người. Lao động là cống hiến, không vì lợi ích cá nhân.

Về lao động, ngày nay, vượt xa bốn mục tiêu của lao động theo thánh Tôma, các nhà thần học, sáng giá nhất là Teilhard de Chardin, dựa trên hướng dẫn của Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế Mục Vụ Về Hội Thánh Trong Thế Giới Ngày Nay, đã nhìn ra những vai trò to lớn và tích cực, vừa cụ thể lại vừa siêu nhiên, của lao động đối với đời sống con người và xã hội loài người. Trước hết, lao động giúp con người làm ra sản vật đảm bảo cho đời sống vật chất của mình. Lao động tạo điều kiện cho con người hoàn thiện chính mình về mặt tri thức và khoa học. Lao động là cách thế để con người phục vụ lẫn nhau. Lao động, vì thế, giúp phát triển con người và xã hội loài người. Và, với tất cả những gì vừa nói, khi tham gia lao động con người tham gia vào việc hoàn thành công trình tạo thành của Thiên Chúa. Hay nói như Peschke: “Lao động của con người phục vụ cho kế hoạch của Thiên Chúa một cách trực tiếp” (trong Thần Học Luân Lý Chuyên Biệt, tr. 190). Chính thánh Ambrôsiô cũng đã khẳng định: “Mỗi người lao động là bàn tay Đức Kitô dùng để tiếp tục tạo dựng và làm điều thiện”.

Tuy nhiên, trong thực tế xã hội, lắm khi vấn đề thù lao đã khiến nhiều người quyết định chọn một việc làm ít mang tính cống hiến hơn, chỉ vì kế sinh nhai. Ta có thể dễ dàng tìm thấy ví dụ, đó là tình trạng bỏ nghề của các giáo viên, vào thời kỳ nền kinh tế Việt Nam chưa mở cửa, thập niên 1980 và trước đó, vì lý do đồng lương không đủ sống, nhiều người đã đành gác lại một bên cái nghề làm thầy cao quý của mình để trở thành những người đi buôn bán, đạp xe xích lô, sửa xe, v.v. Ngược lại, cũng trong những năm tháng khó khăn đó, người ta vẫn thấy còn có những tấm lòng vàng, họ dám chọn nghề mình yêu thích và dám nhận lãnh sứ mạng phục vụ xã hội bằng nghề giáo, bất chấp đồng lương ra sao. Quyết định như vậy quả là cao thượng và hợp đạo đức. Những con người này đã vượt quá đòi hỏi của những ràng buộc pháp lý để thực hiện một hành vi đạo đức theo tiếng lương tâm họ.

III. LÀM THEO LƯƠNG TÂM NGHỀ NGHIỆP

1. Lương tâm ?

Trong thời Cổ đại Hy Lạp, người ta chỉ biết đến lương tâm hậu quả (conscience conséquente). Nơi người La Tinh, có lẽ chính Cicéron là người phát minh ra hạn từ La Tinh này, chủ yếu nó mang đồng thời nghĩa tâm lý và luân lý, đó là: luật nội tâm mà đóng vai trò phán xét chúng ta và Cicéron đã biết đến lối diễn ngữ lương tâm tốt hay xấu. Vấn đề ở đây là ý thức hậu quả.

Trong Cựu Ước người ta đã thấy có những chỉ dẫn về một lương tâm tiền đề (conscience antécédante), như trong sách Khôn ngoan chương 17 câu 11: “Bị lương tâm dày vò nó luôn cảm thấy mình khổ sở”. Vì vậy, trong truyền thống giao ước cũ người ta thấy có việc suy niệm lề luật được viết trong tâm khảm một người ngay thẳng, và điều đó cho phép hành động theo tiếng lương tâm và theo sự công bình. Trong Tân Ước, đôi khi người ta có thể tìm thấy một sự tương đương về khái niệm lương tâm như thế với khái niệm con tim hay lòng dạ. Nhất là nơi thánh Phaolô, nhà tiên phong, đối với ngài khái niệm đó trở thành lương tâm tiền đề, nghĩa là nó là người hướng dẫn của hành động, nó có một vai trò nguyên nhân. Nơi thánh Phaolô, người ta thấy những suy nghĩ đầu tiên về luân lý được áp dụng với sự lưu ý về lương tâm yếu kém hay rối loạn, từ đó mà phát sinh ra sự cần thiết phải giáo dục lương tâm bằng sự hiểu biết. Thư Rm 14, 23 đã soạn thảo một giải đáp đạo đức học trả lời cho một tình huống theo kiểu đại xác cách (tutioriste): “Còn ai hồ nghi mà cứ ăn, thì bị kết án, vì hành động không do xác tín. Hành động nào không do xác tín đều là tội”, nghĩa là khi người ta hành động ngược lại với lương tâm mình người ta hành động không tốt. Toàn bộ Cựu và Tân Ước làm nổi lên một khái niệm phức tạp qui tụ tính tương hợp với lề luật thần linh và sự ngay thẳng trong cách xử thế, nhưng thước đo của hành động lại gắn liền với con người, điều này được ban cho con người qua tiếng nói lương tâm.

Trong truyền thống Kitô giáo, nơi các Giáo Phụ Hy Lạp, người ta tìm thấy khái niệm này ở Origène, Basile, Jean Damascène; còn nơi các Giáo Phụ La Tinh, ở Ambrôsiô, người được gợi hứng rất nhiều bởi Cicéron và Sénèque (có lẽ, nhiều hơn cả sự gợi hứng bởi thánh Phaolô): “Lương tâm là vị trọng tài không thể mua chuộc các hình phạt và các phần thưởng”.

Trong thời Trung cổ, lương tâm xuất hiện nhiều nhất là nơi Abelard, Pierre Lombard, thánh Albert le Grand, thánh Bonaventure. Nơi bốn tác giả này, các cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề lương tâm sai lầm.

Theo thánh Tôma, lương tâm là một hành vi của lý trí thực tiễn, một hành vi của sự hiểu biết, một hành vi phán xét bao hàm việc ứng dụng một sự hiểu biết cho một hành động đã làm hay sắp làm.

2. Làm theo tiếng lương tâm

Hành nghề với sự tuân thủ theo đúng pháp luật là điều tốt và đáng khuyến khích nhưng, có lẽ, chưa đủ mà trong cuộc sống xã hội người ta cần phải đi xa hơn một bước nữa, đó là thi hành nghề nghiệp theo tiếng lương tâm. Người ta thường gọi một người làm được như vậy là có “lương tâm nghề nghiệp”.

Một nhà giáo có lương tâm nghề nghiệp là người thực sự đem hết tâm huyết của mình truyền thụ và giáo dục các học sinh, chứ không chỉ lo lên lớp cho xong chuyện. Trong hiện trạng thời đại chúng ta đang sống, ở Việt Nam, có thể cụ thể hóa điều vừa nói thành những biểu hiện sau: dạy hết sách và hết kiến thức, tự lo trau dồi thêm để cập nhật kiến thức, dành đủ thời gian và tâm huyết cho công việc, dạy hết bài ở trường chứ không để về dạy thêm ở nhà, gương mẫu trong cuộc sống,... Những điều này đã được bàn nhiều và nói đi nói lại trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một bác sĩ hành nghề có lương tâm, tức là thực hiện đầy đủ trách nhiệm cứu người của người thầy thuốc, chứ không phải chỉ xử lý các trường hợp được chuyển đến cho mình. Cũng trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, có thể gợi ra vài điều cụ thể: cập nhật kiến thức chuyên môn để có thể phục vụ tốt nhất, trị đúng bệnh và đúng người chứ không phải thực hiện theo kiểu “chương trình hóa” tiến trình chẩn đoán và điều trị cho bất cứ ai cũng như ai, kê đơn thuốc đúng và đủ theo tình trạng của người bệnh và gia đình họ, dám nhận trách nhiệm khi có sai phạm về mặt chuyên môn, nhìn nhận khả năng giới hạn của bản thân để khi gặp những trường hợp khó thì nghiêm túc tiến hành những điều trị cần thiết và tức thời chuyển bệnh đến đúng nơi chuyên môn,... Những điều này cũng được dư luận xã hội bàn luận rất nhiều.

Một tài xế taxi có lương tâm sẽ không “dạo thêm vài vòng” cho đáng một cuốc xe, không lái nhanh, giành đường hay vượt ẩu, không tự điều chỉnh đồng hồ tính tiền, v.v.

Một người buôn bán có lương tâm sẽ không nói thách quá cao hay bán quá đắt, không tráo hàng khi khách đã chịu mua với giá thoả thuận, không cân gian đong thiếu, không buôn bán hàng giả (trừ trường hợp chính mình cũng không biết), không đầu cơ tích trữ chỉ nhằm trục lợi quá đáng, v.v.

Một người chủ có lương tâm sẽ dành cho người làm công cho mình đủ thời gian cần thiết để nghỉ ngơi, chăm lo đời sống tôn giáo và trau dồi thêm kiến thức; sẽ trả lương hợp lý đủ để người làm công sống được, có ít tiền dành dụm và có thể phụ giúp gia đình đôi chút; đối xử tôn trọng đối với những người làm công như một nhân vị, v.v.

Việc thi hành nghề nghiệp theo tiếng lương tâm là điểm tới và là một đòi hỏi của đạo đức nghề nghiệp mà mỗi người được kêu gọi đem ra thực hành trong cuộc sống, nhất là đối với các Kitô hữu, với tư cách là những chứng nhân cho Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đến và sống cuộc sống trần thế như mọi người, ngoại trừ tội lỗi.

3. Vài chỉ dẫn của Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo về đạo đức nghề nghiệp

Trong Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, số 43, các nghị phụ tham dự Công Đồng Vaticanô II đã khởi đi từ một thực tại rằng Kitô hữu là công dân của hai thành đô, trần thế và Nước Trời, để kêu gọi họ dấn thân xây dựng xã hội trần thế trong tinh thần đem sự trợ giúp thiết thực của Giáo Hội đến cho hoạt động nhân loại. Liên quan trực tiếp đến hoạt động nghề nghiệp, Công Đồng dạy: “Sự phân ly giữa đức tin mà họ tuyên xưng và cuộc sống thường nhật của nhiều người phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta. Và gương mù này ngay trong Cựu Ước các tiên tri đã mạnh mẽ tố cáo (Is 38, 1-12) và trong Tân Ước chính Chúa Giêsu Kitô còn ngăm đe nhiều hơn bằng những hình phạt nặng nề (Mt 23, 3-33; Mc 7, 10-13). Vậy, không được đem sinh hoạt nghề nghiệp và xã hội mà đối nghịch cách giả tạo với đời sống tôn giáo. Đối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với người lân cận và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa. Theo gương Chúa Giêsu đã sống như một người thợ, các Kitô hữu hãy vui mừng vì có thể thi hành mọi hoạt động trần thế mà đồng thời có thể liên kết trong một tổng hợp sống động duy nhất các cố gắng nhân loại, gia đình, nghề nghiệp, khoa học hay kỹ thuật với các giá trị tôn giáo. [...]

Những phận vụ và sinh hoạt trần thế thuộc lãnh vực riêng của giáo dân, tuy không độc quyền thuộc về họ. Vì vậy, khi hoạt động, cá nhân hay đoàn thể, với tư cách công dân trần thế, không những họ phải tôn trọng các luật lệ riêng của mỗi ngành nhưng còn phải ra sức tự luyện khả năng chuyên môn thực sự trong các lãnh vực ấy. Họ sẽ sẵn lòng hợp tác với những người cùng theo đuổi những mục đích chung. Nhìn nhận các đòi hỏi và hưởng nhờ sức mạnh của đức tin, khi cần, họ sẽ không do dự đề nghị và thực hiện những sáng kiến mới. Một khi được đào luyện cách thích hợp, lương tâm họ phải đem luật Chúa thấm nhập cuộc sống của xã hội trần gian”.

Ở số 66: “Trong những trạng huống kinh tế đang biến chuyển cũng như trong những hình thái mới mẻ của xã hội kỹ nghệ chẳng hạn hệ thống tự động đang được phát triển, phải liệu sao cho mỗi người có công việc đầy đủ và thích hợp, đồng thời hấp thụ được một sự huấn luyện thích ứng về kỹ thuật và nghề nghiệp”. Và số 85: “Sự phát triển của mỗi quốc gia tùy thuộc ở những trợ giúp về nhân sự và tài chánh. Người công dân trong mỗi nước cần phải được chuẩn bị bằng việc giáo dục và huấn nghệ để chấp nhận những nhiệm vụ khác nhau trong đời sống kinh tế và xã hội”.

4. Làm việc và phục vụ

Như đã trình bày, làm việc là hành nghề nhằm sinh kế, nhưng đồng thời cũng là một nỗ lực đóng góp cho sự phát triển xã hội. Làm việc, vì vậy, tự thân là điều tốt và đáng trân trọng. Tuy nhiên, còn một cung cách khác thể hiện sự đóng góp cách cao quý hơn cho xã hội, đó là “phục vụ”. Đây là một động từ có nghĩa là [người nào đó] làm phần việc của mình, vì lợi ích chung; hoặc làm việc nhằm giúp ích trực tiếp cho cái gì đó; hay làm những công việc giúp ích trực tiếp cho sinh hoạt vật chất hoặc văn hóa của người khác [theo Từ Điển Tiếng Việt]. Phục vụ là làm việc mà không quan tâm đến khía cạnh rằng điều đó có mang lại lợi ích cho bản thân hay không, mà chỉ nhắm tới ích lợi của xã hội và của tha nhân.

Trong xã hội, cũng như trong đời sống con người, ai cũng làm việc - có thể là việc làm có thù lao trực tiếp, có thể là không có thù lao trực tiếp hay cụ thể - và điều này vốn rất tốt vì nó đem lại sự ổn định và lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, làm việc với một tinh thần cao hơn - phục vụ - thì không phải ai cũng muốn hoặc ai cũng sẵn sàng thực hiện hay đồng ý thực hiện.

Phục vụ hay làm một công việc mang tính phục vụ không phải lúc nào cũng đem lại một ích lợi cụ thể về vật chất hay tinh thần cho xã hội hoặc cho người khác, theo kiểu cung ứng một dịch vụ hay làm ra một sản phẩm. Phục vụ là làm một việc hay thực hiện một điều gì trong tinh thần đóng góp cho lợi ích chung, mà đôi khi người ta khó nhận ra kết quả cụ thể và tức thì. Ví dụ một giáo viên tận tụy phục vụ xã hội trong khi hành nghề chỉ sẽ nhận thấy kết quả sau nhiều năm, khi các học sinh đã thành người hữu ích cho xã hội và thành đạt trong cuộc sống. Đây là điều vượt quá những đòi hỏi đạo đức, nó là một cống hiến, một hy sinh.

Đối với Kitô giáo, tôn giáo của tinh thần dấn thân nhập thể và nhập thế của Đức Giêsu Kitô, Kitô hữu được mời gọi noi gương Đấng đã dâng hiến chính mình cho ơn cứu độ của nhân loại, và chính Người cũng đã dạy các môn đệ hãy sống tinh thần phục vụ. Không chỉ là phục vụ mà còn là phục dịch nữa. Thật vậy, trong bữa ăn cuối cùng của Người, bằng hành vi rửa chân cho các môn đệ Người đã nêu gương cho họ, cho dù với tư cách là Thầy và là Chúa của họ. Người đã ra lệnh cho họ cũng hãy rửa chân cho nhau, với tinh thần phục vụ và phục dịch như đầy tớ đối với chủ mình (x. Ga 13, 3-17). Việc phục dịch đã được mặc cho tinh thần phục vụ. Vì vậy, Kitô hữu được mời gọi sống lý tưởng phục vụ và làm việc với tinh thần đó. Và suốt trong dòng lịch sử Giáo Hội, luôn có những người nam và người nữ đang cố gắng thực thi điều răn dạy này, với ơn Chúa trợ giúp, bằng chính cuộc sống dâng hiến của họ.

KẾT

Vào thời Đức Giêsu, có một người giàu nọ đã đến hỏi Người: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10, 17; x. Mt 19, 16-22; Mc 10, 17-22; Lc 18, 18-23). Và, có lẽ, chúng ta đều biết câu trả lời của vị Thầy Nhân Lành đi kèm với lời kêu gọi hãy theo Người. Thiết tưởng, đó cũng là lời đáp cho mỗi chúng ta mỗi khi chúng ta muốn biết xem nên làm gì trong cuộc sống của mình, cụ thể là trong đời sống chức nghiệp, ngõ hầu đạt được sự sống. Qua phần trình bày trên đây, lời đáp đó cũng đã được cụ thể hóa phần nào: phải hành nghề theo tinh thần đạo đức và theo lương tâm nghề nghiệp.

Mỗi người cần phải có một nghề nghiệp. Sinh sống bằng nghề nghiệp và công sức do đôi tay của mình là góp phần xây dựng xã hội và hoạt động cho xã hội phát triển. Để có sự sống, và đặc biệt là sự sống đời đời, cần phải làm việc và làm việc một cách đạo đức, nghĩa là vừa đảm bảo tuân thủ theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn, đúng qui trình tổ chức và đúng pháp luật, vừa theo sự hướng dẫn của một lương tâm ngay chính được giáo dục đúng mức, căn cứ trên nền đạo đức xã hội và, nhất là, dưới ánh sáng Lời Chúa.

Đối với Kitô hữu, điều cuối cùng vừa nói trên phải là nền tảng cho đời sống nghề nghiệp của họ, theo đó họ có bổn phận xây dựng xã hội trong tinh thần phục vụ. Đó là một cách thế sống động để làm chứng cho Đức Kitô và sống theo Tin Mừng Người công bố. Phục vụ qua hoạt động nghề nghiệp là một cách biểu hiện của việc “theo Đức Kitô Giêsu”. Công Đồng Vaticanô II đã xác định rõ trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 34, rằng: “Giáo dân thánh hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ Ngài bằng hành động thánh thiện khắp nơi”. Và Đức Phaolô VI, trong Thông điệp Giáo Hội Chúa Kitô, trước đó ít lâu, ngày 6.8.1964, số 97, cũng đã nêu rõ: “Tất cả những gì của con người đều liên quan tới chúng ta. Chúng ta chia sẻ với toàn thể nhân loại một bản tính chung, một cuộc sống chung với tới cả những ân huệ cũng như những vấn đề của nó. Chúng ta sẵn sàng đóng vai trò của mình trong xã hội nguyên thủy, phổ quát này để đón nhận những đòi hỏi khẩn thiết về các nhu cầu cơ bản của nó đồng thời để hoan nghênh những biểu hiệu mới và lắm khi cao cả trong các tài năng của nó. Song có những giá trị đạo đức vô cùng quan trọng mà chúng ta phải cống hiến cho nó. Chúng có lợi cho mọi người”.

Có thể nói tóm lại về việc hành nghề có đạo đức và có lương tâm trong mấy điểm sau:

- Làm đúng: chấp hành luật pháp đã được ban hành liên quan đến nghề nghiệp của mình để góp phần tạo nên sự ổn định và phát triển cho xã hội; tuân theo mọi qui định về tổ chức, kỹ thuật và khoa học để bảo đảm cung ứng cho xã hội những sản phẩm hay dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng thực sự.

- Làm đủ: sử dụng tối đa và có hiệu quả thời gian lao động để tránh lãng phí cho xã hội.

- Làm tốt: đóng góp hết khả năng và năng lực để hoàn thành tốt nhất công việc được giao, điều này giả thiết một tay nghề được đào tạo nghiêm túc và một quá trình tự đào tạo đều đặn.

- Làm với tinh thần phục vụ: sẵn sàng hy sinh và cống hiến vì ích chung khi hoàn cảnh đòi hỏi để làm cho xã hội ngày một phát triển hơn.

Để kết, xin mượn lời kêu gọi của Đức Gioan Phaolô II, trong Tông thư Tiến tới Bát Thập Niên, ngày 14.5.1971, số 48: “Một lần nữa, chúng tôi gửi tới toàn thể Kitô hữu một lời mời gọi hãy hành động. Trong Thông Điệp Phát Triển Các Dân Tộc, chúng tôi đã nhấn mạnh tất cả phải bắt tay vào việc. ‘Người giáo dân phải lấy việc canh tân trật tự trần thế làm nhiệm vụ riêng của mình. Nếu vai trò của hàng giáo phẩm là giảng dạy và giải thích một cách xác thực các quy tắc luân lý phải tuân theo trong lãnh vực này, thì chính hàng giáo dân có bổn phận lấy những sáng kiến cách tự do mà không thụ động chờ đợi các mệnh lệnh hay chỉ dẫn, để đưa tinh thần Kitô giáo vào trong não trạng, các tục lệ, lề luật và cơ cấu của cộng đồng trong đó họ đang sống’ (TĐ Phát Triển Các Dân Tộc, số 42). Mỗi người hãy xét mình để xem cho tới nay mình đã làm gì và còn phải làm gì nữa” £

1 Theo Lê Văn Đức, cùng một nhóm biên soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, Tự điển Việt Nam, 2 quyển, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn, 1970. (= Tự điển Việt Nam)

2 Theo Viện Ngôn Ngữ Học, Từ Điển Tiếng Việt, Hoàng Phê (chủ biên), in lần chín có sửa chữa, 39.924 mục từ, NXB Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, Hà Nội-Đà Nẵng, 2003. (= Từ điển Tiếng Việt)

3 Có thể tham khảo thêm trong một số tự điển: [theo Petit Larousse, Dictionnaire encyclopédique pour tous, 1967, 2e tirage, Librairie Larousse, Paris], “Profession” = (n) genre de travail habituel d’une personne; [theo Hachette. Petit dictionnaire universel, Hachette livre, 1993] = (n) activité rémunératrice exercée par quelqu’un; [theo Dictionnaire d’Ecyclopédie Universalis 9, đĩa CD] = (n) métier, fonction, charge; toute occupation qui procure les moyens d’existence; [theo Encarta Dictionary 2004 - đĩa CD] = (n) an occupation that requires extensive education or specialized training.

4 Tham khảo thêm: Từ điển Tiếng Việt, “công việc” = (danh từ) việc cụ thể phải bỏ công sức ra để làm; Tự điển Việt Nam = (danh từ) việc làm.

5 Xem Bernard Haring, CSsR, Tự Do Và Trung Thành Trong Đức Kitô, 6 tập - Nguyên tác Free and faithful in Christ, St. Paul Publication in England, 1981 - do Lm. Dom. Nguyễn Đức Thông, CSsR., dịch tháng 3 năm 2005, Tập VI, trang 147-148. (= Tự Do Và Trung Thành Trong Đức Kitô).

6 Xem Tự Do Và Trung Thành Trong Đức Kitô, tập V, trang 252-255.

7 [Theo Tự Điển Việt Nam], “Việc làm” = (danh từ) sinh kế, việc sinh sống; “làm việc”; = (động từ) làm công việc nói tắt: Làm việc kiếm cơm, làm việc sinh sống; [theo Petit Larousse], “Travail” = (n) effort, application pour faire une chose; ouvrage qui est à faire; occupation rétribuée; l’un des facteurs de la production; [theo Dictionnaire d’Encyclopédie Universalis 9], = (n) activité déployée pour réaliser quelque chose; activité qui mérite salaire; [theo Encarta Dictionary], “job” = (n) an activity such as a trade or profession that sommebody does regularly for pay, or a paid position doing this.

8 Xem Từ điển Tiếng Việt.

9 Bùi Hiền, Nguyễn Văn Giáo, Nguyễn Hữu Quỳnh và Vũ Văn Tảo, Từ Điển Giáo Dục Học, Nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa, 2001.

10 Xem Monique Seyler, “Le travail en mutation: le cas de l’usine”, trong Esprit, Revue internationale, số 328, octobre 2006, Paris, trang 214, cột bên trái.

11 Xem Thần Học Luân Lý Chuyên Biệt, không ghi tên dịch giả, Tủ sách chuyên đề [Đạo Đức Học Kitô Giáo. Thần Học Luân Lý Dưới Ánh Sáng Công Đồng Vatican II], Tập III, tr. 192-194 – Nguyên tác: Karl H.Peschke, s.d.v., Christian Ethics, vol. I “General Moral Theology”, Ed. C. Goodliffe Neale, Alcester and Dublin, 1986. (= Thần học luân lý chuyên biệt)

12 Thomas L. Friedman, Thế Giới Phẳng. Tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ 21, Nhóm dịch giả Nguyễn Văn A, Nguyễn Hồng Quang và những người khác, Tp.HCM, NXB Trẻ, 2006 – Nguyên tác The World is Flat. A brief history of the twenty-first century, 2005.

13 Xem J.A. Hardon, s.j., Từ Điển Công Giáo Phổ Thông, không rõ dịch giả - Nguyên tác: Pocket catholic dictionary, Images books, New York, 1985.

14 Xem Từ Điển Luật Học, Nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa, HN, 1999.

15 Xem Pierre-Antoine Chardel, “Quelle morale pour le temps présent? Lecture de Zygmunt Bauman”, trong Esprit, Revue internationale, số 312, Février 2005, Paris, tr. 201-202: nói về đạo đức nghề nghiệp dựa trên căn bản tính lương thiện và nền đạo đức bao trùm hơn luật pháp.

16 Lấy lại của Peschke: “Lao động đem lại cho ta kế sinh nhai mỗi ngày, tránh cho ta khỏi ở không - cội nguồn của nhiều tệ đoan, uốn nắn thân xác ưa phản loạn và cho ta có của dư thừa để làm việc bố thí” (trong Thần học luân lý chuyên biệt, Tập III, trng 185).

17 Xem Thần Học Luân Lý Chuyên Biệt, Tập III, trang 185-191.

18 Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý Và Hoà Bình, Toát yếu Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, Tủ sách chuyên đề, lưu hành nội bộ - Nguyên tác: Compendium of the social doctrine of the Church, Libreria Editrice Vaticana, 2004 -, số 265.

19 Lấy lại theo giáo trình Nhập Môn Thần Học Thánh Tôma, do Nguyễn Lộc Thọ, OP., soạn (theo giảng khoá của giáo sư Michel Demaison, OP., Đại học Công Giáo Lyon) cho các sinh viên thần học thuộc Lớp Bồi Dưỡng Thần Học Phaolô Nguyễn Văn Bình, tài liệu lưu hành nội bộ, 2003-2004, trang 106-124.

20 Tutioriste = lập trường chủ trương cần phải hành động theo phía có lý lẽ chắc hơn, khi có hồ nghi về mặt luân lý.

21 Vì giới hạn của khuôn khổ bài viết, cho nên, để hiểu rõ hơn vấn đề, xin tham khảo phần trình bày về bốn nghĩa của chữ ‘trần gian’ khá đầy đủ và rõ ràng, trong Nguyễn Huy Lịch, OP., Tìm hiểu Công Đồng Vatican II Để Sống Đạo Trong Đời Sống Hôm Nay, Tập II, Đức Tin & Văn Hóa, 2006, trang 126-130. Cũng có thể tham khảo thêm trong Bernard Haring, Tự Do và Trung Thành Trong Đức Kitô, tập V, tr. 192-194.

22 Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, số 43, trích trong Công Đồng Chung Vaticanô II. Hiến chế Sắc Lệnh Tuyên Ngôn, Phân khoa thần học Giáo Hoàng Học Viện thánh Piô X, Đà Lạt-Việt Nam, 1972.

23 Lấy lại trong Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội. Một hợp tuyển những văn kiện của huấn quyền, 2000 - nguyên tác The social agenda. A collection of magisterial texts, Vaticano, Libreria editrice vaticana, 2000 - bản dịch của Lm. Nguyễn Hồng Giáo, 2001, tài liệu lưu hành nội bộ.

24 Ibid.