Vatican tổ chức hội nghị về sự đồng trách nhiệm của người giáo dân trong Giáo hội

Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức một hội nghị quốc tế về chủ đề “Các mục tử và giáo dân được kêu gọi cùng nhau tiến bước” để khám phá “sự cộng tác tích cực” giữa giáo sĩ và giáo dân trong một Giáo hội đồng nghị hơn.

(Tin Vatican)

Hội nghị thu hút 210 vị chủ tịch và đại diện của Ủy ban Giám mục về Giáo dân từ khắp nơi trên thế giới tập trung tại Vatican trong tuần này để tham dự một hội nghị kéo dài ba ngày để thảo luận về cách cải thiện và tăng cường sự hợp tác giữa giáo dân, linh mục và tu sĩ trong việc phục vụ Giáo hội.

Với chủ đề “Các mục tử và tín hữu giáo dân được mời gọi để cùng nhau tiến bước”, hội nghị do Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức và diễn ra từ ngày 16 đến 18 tháng 2 tại Hội trường Mới của Thượng Hội đồng.

Khám phá bản chất và nền tảng của sự đồng trách nhiệm trong Giáo hội

Các cuộc thảo luận sẽ cống hiến cho những tham dự viên cơ hội khám phá bản chất và nền tảng của sự đồng trách nhiệm trong Giáo hội cũng như dưới ánh sáng của tiến trình đồng nghị đang diễn ra về tính đồng nghị.

Trong bài phát biểu khai mạc hôm thứ Năm, Chủ tịch Thánh Bộ, Đức Hồng Y Kevin Farrell, đã nhắc lại nguồn gốc và mục đích của cuộc họp bắt nguồn từ Hội nghị khoáng đại vào tháng 11 năm 2019, nhấn mạnh đến “nhu cầu nghiên cứu thêm về vai trò trách nhiệm liên quan đến mọi người đã được rửa tội trong Giáo hội”.

Cần có sự “cộng tác tích cực” giữa giáo sĩ và giáo dân

Trong bài chia sẻ, ngài giải thích, “chúng tôi cảm thấy một lời mời gọi mới từ Chúa để 'cùng nhau tiến tới' trong việc đảm nhận trách nhiệm phục vụ cộng đồng Kitô giáo” và trong việc loan báo Tin Mừng cho người trong thời đại chúng ta, mỗi người tùy theo sứ mệnh của mình, tham dự vào sứ mệnh của Giáo hội.

Do đó, chủ đề được chọn cho hội nghị nhằm mục đích nâng cao nhận thức giữa các mục tử cũng như giáo dân về “tầm quan trọng của trách nhiệm bắt nguồn từ phép rửa tội và liên kết tất cả họ”, để khuyến khích “sự hợp tác tích cực” giữa giáo sĩ và giáo dân, mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong đợi cho Đại hội.

“Mọi thành phần dân Chúa, mục tử cũng như giáo dân, cùng chia sẻ trách nhiệm trọn vẹn vào đời sống, sứ vụ, chăm sóc, quản lý và tăng trưởng của dân Chúa. Cần phải vượt ra khỏi những quan niệm cũ như 'ủy quyền' hoặc 'thay thế' khi giáo dân được các mục tử “trao” cho một số việc lẻ tẻ, hoặc giáo dân 'thay thế' cho giáo sĩ trong một số chức năng, nhưng họ vẫn đang làm việc dưới quyền giám sát của giáo sĩ."

Giáo hội như một cộng đồng cùng nhau bước đi

Để trách nhiệm chung đó “được thực hành trên thực tế”, Đức Hồng Y Farrell nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo đầy đủ cho cả mục tử và giáo dân, những người chưa quen làm việc cùng nhau.

Đức Hồng Y Farrell lưu ý rằng chủ đề được chọn cho hội nghị rất phù hợp với lộ trình đồng nghị kêu gọi một cam kết lớn hơn của toàn thể Giáo hội để 'cùng nhau tiến bước', bao gồm tất cả dân Chúa, để mọi người đều là một 'chủ thể' tích cực của cộng đồng giáo hội.

“Mọi người trong Giáo hội phải là một ‘chủ thể’ tích cực: tất cả đều được kêu gọi đóng góp vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội, và tất cả đều được kêu gọi suy tư từ bản thân và sử dụng các đặc sủng tương ứng cho mình”.

Tư vấn trong việc đề ra quyết định

Theo Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, ‘Lumen Gentium’, Hiến chế của Công đồng Vatican II về Giáo hội, đưa ra một số gợi ý thực tế rất quan trọng cho các mục tử về cách thức tham gia và liên hệ với giáo dân.

Thứ nhất, Hiến chế cho thấy sự cần thiết phải tham khảo ý kiến của giáo dân, điều này “không làm mất đi trách nhiệm cá nhân của giám mục đối với các quyết định được đưa ra”, vì “quyết định là trách nhiệm cuối cùng của thừa tác viên”.

Ủy thác cho giáo dân các chức vụ giáo hội

Lumen Gentium, cũng mời gọi các mục tử hãy trao phó cho giáo dân những chức vụ trong giáo hội mà tự bản chất chúng không cần phải do hàng giáo sĩ đảm nhiệm và giáo dân có thể thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ đó. Về vấn đề này, Đức Hồng Y Farrell lưu ý rằng có nhiều lĩnh vực mà giáo dân thường có kinh nghiệm hơn linh mục và những người tận hiến, chẳng hạn như lĩnh vực quản lý kinh tế và tài chính; phạm vi luật dân sự và cả giáo luật, đối thoại giữa khoa học và đức tin, và truyền thông xã hội.

Ngài nói thêm, sự hiện diện và hành động của người giáo dân “cũng mang lại lợi ích to lớn cho Giáo hội trong các hoạt động ‘giáo hội’ đúng đắn hơn như truyền giáo và công tác từ thiện”.

Kết luận, Đức Hồng Y Farrell nhấn mạnh đến sự cần thiết của các mục tử phải có niềm tin lớn hơn “vào sự biện phân và lòng trung thành của giáo dân đối với Tin Mừng của Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài”.

Đại biểu tham dự hội nghị

Hội nghị sẽ có bốn diễn giả chính: Luis Navarro, hiệu trưởng Đại học Giáo hoàng Holy Cross; Carmen Peña García, Giáo luật của Đại học Giáo hoàng Comillas ở Madrid, cả hai đều là cố vấn của Bộ; Hosffman Ospino, thuộc Trường Thần học của Đại học Boston và Đức Hồng Y Gérald Ciprien Lacroix, tổng giám mục Québec, là thành viên của Thánh Bộ.

Thành phần tham dự hội nghị gồm có 107 giáo dân, 36 linh mục và 67 giám mục đại diện cho 74 Hội đồng Giám mục và 29 phong trào trong Giáo hội. Các đại biểu đến từ năm châu lục, bao gồm 20 quốc gia châu Phi và 24 quốc gia châu Âu.