KHIÊM HẠ - “HÃY NHÌN XUỐNG CHÂN”

Thuyết trình viên: Linh Mục Giuse Đồng Minh Quang

“Nhân buổi Tĩnh Tâm Hồn Nhỏ Liên Đảo Têrêsa Las Vegas”

Lời Chúa: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên, ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống” (Lc 14:17 )

Trong tinh thần khiêm hạ cần nhiều học hỏi, đào sâu trong cuộc sống Tông Đồ Hồn Nhỏ của anh chị em Hội Viên Hồn Nhỏ Têrêsa Las Vegas, cha Giám Đốc kiêm Linh Hướng Liên Đảo Giuse Đồng Minh Quang đã dành cho Hội Hồn Nhỏ một thánh lễ và một buổi Tĩnh Tâm đặc biệt qua chủ đề: “Kiêm Hạ - Hãy Nhìn Xuống Chân” đúng với linh đạo của các anh chị em Hồn Nhỏ mà thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Bổn Mạng của Hội đã sống và giõi sáng cho muôn thế hệ noi theo.

I-THÁNH LỄ: Đúng 6:00PM. Ngày Thứ Ba 01-10-2013, thánh lễ mừng Bổn Mạng Quan Thầy Hội Hồn Nhỏ với sự tham dự đông đảo của: Cha Giám Đốc Đền Thánh kiêm Linh Hướng Liên Đảo, Soeur Tuyên Úy Liên Đảo Anna Nguyễn Thị Lệ Hằng cùng quí Soeur Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp Tu Viện Đức Mẹ La Vang: Soeur Bề Trên Nhà Dòng Maria Bùi Kim Tuyến, anh Đại Diện Cộng Đoàn cùng Hội Đồng Mục Vụ và các Hội Đoàn đến tham dự. Đặc biệt rất đông đảo quí anh chị em Hội Hồn Nhỏ đến tham dự rất đông, ngồi chật hết nhà thờ. Trong thánh lễ, sau phần Phúc Âm và bài giảng, cha Linh Hướng đã ban “Huấn Dụ” cùng phép lành cũng như chấp nhận lời Khấn Hứa xin ra nhập Hồn Nhỏ của các anh chị em Tân Hồn Nhỏ xin tận hiến ra nhập Liên Đảo để cùng nới vòng tay lớn tham gia việc tông đồ phục vụ Chúa, Giáo Hội và anh chị em qua đời sống khiêm tốn, nhỏ bé như thánh Bổn Mạng Quan Thầy:

1-Maria Phạm Ngọc Thủy,

2-Maria Hoàng Anh.

II-TĨNH TÂM: Sau thánh lễ là phần Tĩnh Tâm với đề tài tuyệt vời mà cha Linh Hướng đã công phu soạn ra để thuyết giảng giúp đời sống Hồn Nhỏ, hầu đi đúng hướng sống cần có của người Tông Đồ Hồn Nhỏ đó là: “Khiêm Hạ - Hãy Nhìn Xuống Chân”.

Đề tài này được cha Quang chia ra làm ba phần chính để thuyết trình:

1-Mầm Mống Phát Sinh sự Kiêu Ngạo: Trong mỗi con người của chúng ta, ai ai cũng có sẵn mầm mống của sự kiêu ngạo. Từ mầm mống đó từ từ sẽ nẩy sinh ra các nết hư, tật xấu khác, tuy nhiên sự kiêu ngạo luôn luôn vẫn đứng đầu trong bảy mối tội đầu mà bất cứ ai là người Công Giáo đều thuộc nằm lòng: “Thứ nhất, khiêm nhường chớ kiêu ngạo”. Sở dĩ chúng ta kiêu ngạo là vì chúng ta chưa biết mình, hay nói rõ hơn chưa nhận ra chân dung của con người thật của mình. Nếu chịu khó soi dọi, nhìn thẳng vào mình, ta sẽ thấy chúng ta thật yếu đuối, bất toàn, đầy dẫy những thói hư tật xấu. đến đây cha Quang kể một câu chuyện vui để mọi người dễ nhớ và dễ được đánh động: “Phải Biết Nhìn Xuống” :

“Hoàng tử Mukasaki xưa nay có tiếng là một con người kiêu ngạo, tự cao, tự đại, đến ngay cả dáng dấp ông đi đứng cũng chứng tỏ cho mọi người biết ông rất tự kiêu, đi đứng không bao giờ buồn nhìn xuống đường, ông đi với vẻ ngang nhiên, tự tại, ngực ưỡn lên, mặt vênh và ngước lên. Mọi người dân quanh đây đặt cho ông ta một cái tên: “Người Không Bao Giờ Nhìn Xuống!” và chính bản thân hoàng tử cũng thích biệt hiệu này, ông còn tự đắc nói: “Những bậc vĩ nhân không bao giờ nhìn xuống, họ chỉ biết nhìn lên trên cao mà thôi!”. Một hôm hoàng tử được mời đến dự tiệc tại cung đình, sẵn dịp ông khoe cho mọi người biết bộ áo dạ hội được cẩn ngọc quí, có một không hai của mình. Ông quyết định đi bộ từ chỗ ở đến cung đình mà không dùng xe ngựa. Thấy thai độ lạ lùng, dân chúng tuôn ra đường để theo dõi, ngắm nhìn và trầm trồ khen bộ áo quí, đẹp, điều này càng làm hoàng tử thêm phần tự phụ và kiêu hãnh, với thai độ đi đứng nghênh ngang, ngực ưỡn lên. Khi hoàng tử bước vào cung đình là người đến cuối cùng, nên hàng trăm con mắt đổ xô nhìn vào, thấy hoàng tử đi đến, bỗng mọi người cười rộ lên ! Hoàng tử kiêu hãnh hỏi: “Tại sao mọi người cười tôi như vậy?”. Một trong số thực khách tham dự, trung thực bật miệng nói: “Xin hoàng tử nhìn xuống chân mình, sẽ biết lý do tại sao!” Nghe vậy, hoàng tử từ từ cúi hướng mắt nhìn xuống đôi chân của mình, mặt ông đỏ bừng lên vì hổ thẹn vì: “cả hai đế giầy của hoàng tử đều dính đầy phân ngựa!” Lý do đơn giản chỉ vì hoàng tử không bao giờ chịu nhìn xuống để biết mà né tránh, nên ông ta đã dẵm lên và lê đi bao đống phân ngựa từ nhà đến đây.

Về nguồn với sách Sáng Thế, chúng ta biết sự kiêu ngạo đã dẫn đến thảm trạng cho nhân loại qua lời cám dỗ của Ma Quỷ: “Ông bà sẻ nên như những vị thần, biết điều thiện điều ác” (ST 3: 5). Qua câu chuyện ông A Dong và bà Evà ăn trái cấm và là nguyên cớ của tội Tổ Tông Truyền. Như vậy từ thời xa xưa khi Thiên Chúa tạo dựng trời đất, sự kiêu ngạo đã phát sinh do sự cám dỗ của Ma Quỷ và từ đó reo rắc mầm mống tội lụy cho đến muôn đời mãi đến ngày nay, tội kiêu ngạo không dừng lại dù đã đeo đuổi con người bao đời. Theo sách Giáo Lý Công Giáo số 1866, kiêu ngạo được Hội Thánh xếp vào: “Các Mối Tội Đầu”, để từ đó phát sinh ra các tội lỗi khác hay các nết xấu khác như hà tiện, ghen tương, giận dữ, dâm ô, mê ăn uống, lười biếng, nguội lạnh… đến đây cha Quang mời mọi người cùng hát bài: “Hãy Nhìn Xuống Chân” của nhạc sĩ Lê Hữu Hà, cha hát trước hai đoạn với sự phụ họa đàn guilta của anh Dũng, sau đó mọi người cùng hát theo:

“Hãy nhìn xuống chân để thấy ta là cát bụi, cát bụi sẽ tan theo thời gian”

“Hãy nhìn xuống chân để thấy ta là vô nghĩa, sống rồi chết đi không nguồn cơn”

“Hãy nhìn xuống chân để thấy thương người thua mình, vẫn gượng sống vui trong niềm tin…”

“Hãy nhìn xuống chân để xót xa cho kiếp người, sống chờ chết…như mong niềm vui”.

Qua câu chuyện vui và qua bài hát “Hãy Nhìn Xuống Chân” nói lên sự nhìn xuống với tâm hồn khiêm hạ là một triết lý sống của con người. Là người Kitô hữu, chúng ta còn được soi dẫn bởi Lời Chúa: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14: 17). Qua Lời Chúa, chúng ta thấy có hai vế trái ngược nhau: Sự kiêu ngạo và sự khiêm nhường.

2-Những động Thái Của Sự Kiêu Ngạo & Khiêm Nhường:

a)Nâng Mình Lên: Trong thâm tâm bản thân mỗi người chúng ta luôn có ý hướng muốn là một cái gì đó có giá trị hầu được mọi người công nhận và tôn trọng cái giá trị của mình như: Tôi muốn hoàn hảo hơn người khác, tôi làm gì cũng hay hơn, đẹp hơn, nổi bật hơn, tiên tiến hơn….Người xưa có câu: “Nhân sinh vốn bản thiện” , nên thật sự con người muốn sống hoàn hảo, sống yêu thương, thực hiện chân thiện mỹ, muốn sống theo như hình ảnh Thiên Chúa, nhưng do tội lỗi và do tính Tự kiêu nẩy sinh kéo theo sự xấu xâm nhập vào con người, khiến chiều hướng tốt ấy mà mọi người muốn cố gắng xây dựng bị thay đổi, bị lạc hướng, thay vì cố gắng trở nên hoàn hảo, có giá trị thật thì đã lái con người sang một hướng khác là muốn trở nên hay có vẻ, hay được coi như hoàn hảo, như yêu thương, như có giá trị. Điều này làm giảm bớt cho con người biết bao nỗ lực, thay vì tìm cách tạo nên giá trị thật sự trong tâm hồn, thì con người lại để mình rơi vào tình trạng có vẻ như hay được coi như, và được hiểu như …có giá trị, tuy bên trong thực sự có giá trị thực hay không?

Nhìn lại bản thân mình, chúng ta hiểu rằng ai cũng mang trong mình mầm mống của sự kiêu ngạo không ít thì nhiều, nó thường núp dưới nhiều hình thái khác nhau:

(1)-Tự Ái: Khi bị ai nói nặng hay sỉ nhục liền cảm thấy mất mặt, sinh ra tức giận và tìm cách hạ bệ hay trả đũa đối phương.

(2)-Khoe Khoang: Lợi dụng mọi cách, mọi dịp để làm cho mình nổi bật hơn người.

(3)-Ganh Đua: Khi thấy người khác hơn mình thì khó chịu, tìm cách xoi mói, ganh tỵ hay tìm cách hạ đối phương xuống và đưa mình lên. Tất cả những biểu hiện đó là xấu, đôi khi là mầm mống của sự tội, nó luôn đi nghịch lại với sự Khiêm Nhường. Đến đây cha Quang lại đưa một ví dụ về sự kiêu ngạo qua câu chuyện chiếc tàu Titanic:

Chiếc tàu Titanic là một bài học để đời, đáng ghi nhớ cho mọi người trên mặt đất và cho thời đại ngày nay. Hiện nay tại Las Vegas, Casino Bally’s Las Vegas tại số 3645 Las Vegas BLvd, hằng đêm họ diễn lại vở kịch về thảm họa chiếc tàu Titanic bị đánh chìm và những người trên tàu la ó hoảng sợ, chạy tán loạn khi chiếc tàu chìm dần vào biển khơi qua kịch bản Jubilee. Chủ nhân chiếc tàu nẩy sinh một tư tưởng kiêu ngạo vô lối, ông ta nghĩ rằng sẽ làm nên một chiếc táu không thể chìm được và ngang ngược tuyên bố: “Chúng ta có thể làm ra một con tàu không thể nào chìm được với kỹ thuật tân tiến, hiện đại. Lời đó đã súc phạm và thách thức quyền năng của Thiên Chúa, không những thế, ông ta còn ngạo mạn viết vào mạn thuyền: “No Pope, No God” ( Không Có Giáo Hoàng, Không Có Thiên Chúa), và trong chuyến hải hành đầu tiên khởi đi từ nước Anh sang Mỹ, một tai họa đã giáng xuống, chiếc tàu bị dìm xuống đại dương đem theo bao con người ngạo mạn, kiêu hãnh, giàu có xuống đáy biển, như câu chuyện xưa trong Cựu Ước, dân Israel cùng nhau xây tháp Bebel (ST 11,4). Đúng như lời thánh Phaolô Tông Đồ đã nói về tinh thần của thời đại này là kiêu căng (Rm 12,3. 1Cr 4,7).

b)Hạ Mình Xuống: Đi ngược lại với tính kiêu ngạo là lòng khiêm nhường, Chúa Giêsu đã khuyên dạy chúng ta trong Phúc Âm Thánh Mathêu: “Các con hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (MT 11, 29). Vậy khiêm nhường là gì? Hành xử thế nào mới được gọi là khiêm nhường? Phải chăng khiêm nhường là tự hạ mình xuống, phủ nhận giá trị thực tại của mình hay làm giảm thiểu giá trị đó đi? Không phải thế, sự khiêm nhương của Chúa mang một chiều kích sâu xa hơn và tốt đẹp hơn, khiêm nhường không phải là ít nghĩ về mình mà là không nghĩ về mình như Lời Chúa trong thánh sử Mac-cô: “Con Người không đến để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ” (Mc 10,45). Nhà giảng thuyết nổi danh người Pháp là cha Lacordaine nói: “Khiêm nhường không phải là thấy mình xấu xa hơn, tầm thường hơn, nhưng là biết rõ những gì ta còn thiếu”. Từ đó khiêm nhường luôn lấy sự thật làm nền tảng cho cuộc sống. Tự gắn cho mình cái sai mà mình không có, hay tự phóng đại những lỗi lầm mà mình không phạm, hoặc từ chối không nhìn nhận những khả năng mình có rồi tự cho mình thua kém mọi người, thì đó không phải là hành vi, tư tưởng sống khiêm nhường, nhưng đó là lề lối của một quan điểm sai lầm hay một khuynh hướng bệnh hoạn, lệch lạc. Vậy muốn biểu tỏ đức tính khiêm nhường, ta chỉ cần nhìn nhận những khuyết điểm hoặc thấy mình tội lỗi, hãy cố gắng giới hạn lại, và luôn tâm niệm rằng trong mọi lãnh vực chắc chắn sẽ có nhiều người khác vượt xa hơn tôi. Ca dao tục ngữ Việt Nam thường có câu: “Ở nhà nhất mẹ nhì con, Ra đường còn lắm kẻ dòn hơn ta” Vậy khiêm nhường có một định nghĩa thật đơn giản: “Chấp nhận sự thật về mình”

Trong Anh ngữ, chữ khiêm nhường viết humility, chữ này do từ chữ La Tinh: “Humus” có nghỉa là đất, tro bụi, mà từ đó con người đã được tạo dựng như trong sách Sáng Thế đã mô tả (ST 2: 7), do đó khiêm nhường đúng nghĩa của nó là hạ mình xuống tới đất. Phong tục tập quán Việt Nam từ ngàn xưa đến nay còn lưu lại, các bày tôi, thần dân, quan, cận thần vào yết trong triều vua, phải quỳ lạy và phủ phục đầu chạm xuống đụng đất và xưng: “Tâu bệ hạ, hạ thần…” hay những lễ nghi gia tiên, các bậc tiền nhân, con cái thường phải quỳ lạy, sau khi đứng vái với ba nén Hương xong, quỳ và lạy, đầu chạm xuống đất ba lần để tỏ lòng kinh cẩn và khiêm cung, nhỏ bé, hậu sinh đối với bậc tiền bối đi trước đáng kinh.

Giáo Hội luôn mở đầu mùa chay thánh để nhắc nhở con cái luôn nhớ đến thân phận nhỏ bé, mỏng dòn, khiêm cung của con người và nhắc nhở con người được tạo dựng từ tro bụi sẽ trở về tro bụi, một ngày gần đây qua thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro, mọi người được sức tro trên trán để nhắc nhở con người là nhỏ bé, thân phận cát bụi của mình: “Hãy nhớ mình là tro bụi, và sẽ trở về cùng tro bụi”, câu được linh mục hay phó tế khi sức tro nhắc nhở. Tuy nhiên với cuộc sống luôn hai mặt, khiêm nhường thật sự vẫn ẩn tàng thứ khiêm nhường giả, vì thế điều cần đạt đến là sự khiêm nhường thật sự trong lòng, chứ không giả bộ bên ngoài, hay làm ra vẻ khiêm nhường khi mình có tài hoặc khả năng đặc biệt thật sự được nhiều người ngưỡng mộ, nhờ cậy thì lại giả bộ hay tự hạ bệ mình bằng cách thoái thác, từ chối để người ta phải lụy phục, nài nỉ, đó là một thủ thuật của khiêm nhường… giả! Trên đời này cũng đã có người dùng thủ thuật khiêm nhường giả để đạt đến một lợi lộc, hay một tham vọng nào đó, thì luôn luôn tỏ ra nhã nhặn, hiền lành, dễ bảo trước mặt người có quyền chức để lấy lòng, mua chuộc hoặc vì yếu thế mà phải tỏ ra lụy phục, nhưng sau lưng thì phê bình, chỉ trích, nói xấu người ta. Câu chuyện Chu Du tìm đến Thảo Lư để gặp Khổng Minh, ông nghe nói Không Minh là người có tài, cố gắng đi tìm, ông phải mất ba lần “Tam cố thảo lư” mới gặp được Khổng Minh để mời được Khổng Minh ra giúp ông, giúp nước, tuy Khổng Minh biết Chu Du đến tìm nhưng ông cố tình lánh mặt hai lần trước, lần thứ ba mới cho gặp.

Vậy người khiêm nhường đích thực thì không tự coi mình là gì cả và không cảm thấy bực bội khi bị xúc phạm, cũng không cảm thấy có gì phải tự cao hay lên mặt vênh vang khi được mọi người đề cao hay tưởng thưởng. Chỉ có nhưng người có ý hướng khiêm nhường đích thực như vậy mới cảm thấy mình hạnh phúc, thanh thản, nhẹ nhàng và luôn được Thiên Chúa và thần thánh trên trời mến yêu, mọi người cảm phục. Người khiêm nhường còn đòi hỏi phải luôn thành thật với mình, luôn nhận ra ưu cũng như khuyết điểm của mình và nhất là luôn nhận thấy sự yếu đuối của mình cần được trợ giúp của Thiên Chúa, vì Ngài đã phán: “Không có Thầy, các con không thể làm gì được”. “Khiêm nhường” , chính đây cũng là chìa khóa để mở cánh cửa vào nước Thiên Chúa.

c)Hạ Mình Xuống Để Phục Vụ: Lời Chúa: “Con Người đến không phải được phục vụ nhưng đến để phục vụ” (MC 10:45). Phục vụ là hành động của một người tôi tớ, mà người tôi tớ thì phải phục vụ cho ông chủ. Qua Lời Chúa, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã hạ mình xuống, khiêm nhường để phục vụ con người, để như tôn con người lên bậc làm chủ, làm Chúa mà Ngài lại nhận làm tôi tớ. Nhìn qua tấm gương vĩ đại của Chúa Giêsu, chính Ngài đã nêu tấm gương đích thực cho chúng ta về đức tính “Khiêm Nhường” trong tinh thần bác ái vô vị lợi. Cổ nhân có câu: “Phú quý đa nhân hội, bần cùng thân thích ly”, thói thường giầu có thì thiên hạ bu lại, bạn bè nhiều, thân thích lắm, còn nghèo khó thì mọi người xa lánh, ngay cả họ hàng thân thích cũng lìa xa. Quan niệm chung, người đời thích giao du thân mật với người giàu có để hai bên cùng có lợi và nếu có phục vụ ai đó thì cũng chỉ là phục vụ theo nguyên tắc ”Do ut des” “Cho đi để lấy lại”. Chỉ có những ai sống với tinh thần siêu nhiên, siêu thoát như con đường Chúa Giêsu đã đi qua và để lại cho thế gian, thì mới có thể có được sự phục vô vị lợi như Chúa, như các thánh với ý niệm phục vụ là “Cho đi” là “hiến thân”. Chúng ta phải tránh cái cho đi vì bổn phận, cho đi vì tư lợi, cho đi để cảm thấy mình là trên cần cho kẻ dưới hay cho đi vì không thể không làm thế!

3-Tóm Kết: Lời Chúa Giêsu, Thầy chí thánh luôn nêu gương trước lời dạy dỗ của Ngài. Bài học “Khiêm Nhường” trong bác ái của Chúa truyền đạt cho nhân loại được minh họa bằng chính cuộc sống của Ngài như chính Chúa đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ hay như lời thánh Phaolô đã nhắc đến trong thư gửi tín hữu Philipphê: “Chúa Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập Tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trội vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl2:6-9).

Triết gia nổi tiếng Socrate đã mở đầu triết lý của mình qua câu nói bất hủ: “Anh hãy tự biết mình”, thật thế, biết mình là cái khó vô cùng, vì người ta có thể biết khi khám phá ra nhiều sự mới lạ trên trời, dưới đát, hoặc biết được những cái xa xôi hàng bao ngàn năm như nghiên cứu các hành tinh trên bầu trời, hoặc những cái cực kỳ nhỏ bé, tinh vi như vi trùng qua các kinh hiển vi hay viễn vọng kinh. Tuy nhiên cái gần với ta nhất, thật gần lại không biết, đó là “Bản thân mình”. Còn triết gia Blaise Pascal thì lại khiêm tốn: “Tôi chỉ biết có một điều là tôi chẳng biết gì!”. Quả thật vậy, nếu không biết được gì khác thì làm sao biết được mình? Vì biết mình là một điều khó, vì vậy mọi sự cần phải bắt đầu bằng việc tu thân, canh tân đời sống mình . Người xưa có câu: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Vậy để làm được những điều căn bản của sự khiêm nhường, cần phải biết nhìn xuống và nhìn vào bản thân của mình. Đối với người Kitô hữu phải biết khiêm tốn nhìn vào cuộc sống của mình qua ánh sáng của Lời Chúa soi dẫn, để nhận ra những gì tiêu cực, thiếu xót, xấu xa cần được sửa chữa, thanh lọc. Qua chuyện vui hoàng tử Mukasaki “Không bao giờ nhìn xuống” đã dẫm lên biết bao đống phân ngựa, với mỗi người chúng ta nếu không biết nhìn xuống, nhìn lại bản thân mình, kiểm điểm cuộc sống hằng ngày để luôn biết canh tân, sửa chữa những khuyết điểm, tật xấu thì cũng như hoàng tử Mukasaki, sẽ chồng chất biết bao thói hư, tật xấu, tự phụ, kiêu ngạo và ngày càng làm ta mù quang trước những lỗi lầm của mình gây nên. Thêm vào đó, đã không chịu nhìn xuống lại còn chiều theo khuynh hướng a dua với người khác, bới móc chuyện xấu của người khác và như vậy giống như người bước chân vô bùn, ngày càng lún sâu trong bùn, lún sâu trong tật xấu, thói hư mà không hay biết gì.

III-KẾT THÚC BUỔI TĨNH TÂM: Qua bài hát “Hãy nhìn xuống chân” của nhạc sĩ Lê Hữu Hà đã làm thức tỉnh tâm hồn mỗi người, nhất là anh chị em Hội Hồn Nhỏ đã chọn Thánh Quan Thầy Bổn Mạng là thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, vị thánh luôn lấy chỉ nam cho cuộc sống là lòng khiêm nhường, bác ái, hy sinh noi gương Chúa Giêsu. Trước khi nhận phép ;ành kết thúc buổi Tĩnh Tâm, mọi người cùng cha Quang quì xuống đọc kinh Ăn Năn Tội để xin Chúa thứ tha những thiếu xót hoặc tội chưa: “Hãy Nhìn Xuống Chân” cho đủ. Suốt một giờ lắng nghe cha Quang thuyết trình về đề tài tuyệt vời này, mọi người đã cảm nhận được cuộc sống thật sự lợi ích cho mình và cho tha nhân cũng như giúp hướng đi tốt đẹp cho đời sống tông đồ Hồn Nhỏ là luôn phải biết Hãy nhìn xuống chân, luôn nhìn lại mình với lối sống khiêm hạ. Cám ơn cha Quang đã hy sinh bỏ thì giờ soạn một bài thuyết trình thật hay, thật có ý nghĩa với nhiều ví von nhiều Lời Chúa và nhiều câu nói thật ý nghĩa của các triết gia. Diễn giả. Buổi tĩnh tâm chấm dứt với tiệc liên hoan, cắt bánh mừng Bổn Mạng Liên Đảo Têrêsa Las Vegas trong niềm vui hân hoan, trọn vẹn cùng có nhau, cùng nhìn xuống chân để đối đãi với nhau trong tình huynh đệ con một Cha trên Trời./.

Mừng lễ Bổn Mạng 1-10- 2013

Phan Văn Sỹ