Có phải Giám mục Georg Bätzing đang dẫn Giáo Hội Công Giáo ở Đức vào tình trạng ly giáo? Trong tình hình hiện nay, chỉ có ba khả năng cho tương lai của Giáo hội ở Đức.

Đó là chủ đích của bài Phân tích bằng tiếng Đức đăng trên tờ Neuer Anfang, bản dịch tiếng Anh của Frank Nitsche-Robinson, phổ biến trên Catholic World Report ngày 23 tháng 2 năm 2023:



Môi trường và những hậu quả có thể đoán trước được của phiên họp toàn thể Con đường Đồng nghị lần thứ năm, được tổ chức từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 3 năm 2023, sẽ dẫn đến một bước ngoặt lịch sử đối với Giáo Hội Công Giáo ở Đức. Sau đó, Giáo hội ở Đức sẽ không còn như trước nữa.

Chúng ta hãy nhớ rằng: chuyến viếng thăm ad limina [tháng 11 năm 2022] của Hội đồng Giám mục Đức tới Rome hoàn toàn phù hợp với chỉ thị của Rome ngày 21 tháng 7 năm 2022. “‘Con đường Đồng nghị' ở Đức không được phép bắt buộc các giám mục và các tín hữu chấp nhận các hình thức quản trị mới và các định hướng mới về tín lý và luân lý.” Sự chỉ trích đồng văn của hầu như mọi điểm quan trọng trong chương trình của Con đường Đồng nghị quả làm tan nát cõi lòng. Nguy cơ ly giáo cận kề đã được chỉ ra một cách rõ ràng thẳng thừng. Các giám mục Đức đã được phái trở về nhà với một yêu cầu tối hậu về một “giáo hội hiệp nhất”, trong đó họ được trình bày cách thức các đề xuất của Giáo Hội địa phương phải được đưa vào diễn trình canh tân của Giáo hội Hoàn vũ.

Ngay sau khi họ trở về từ Rome, Giám mục Bätzing và những người khác đã làm suy yếu lời “không” rõ ràng từ Rome bằng lối giải thích của riêng họ. Họ hành động như thể họ có thể đơn giản tiếp tục con đường mà họ đã đi cho đến nay. Ủy ban Trung ương của những người Công Giáo Đức (ZdK) thậm chí không hề tỏ ra sẵn sàng xem xét các mối quan tâm của Rome một cách nghiêm túc. Thay vào đó, với sự phủ nhận hoàn toàn thực tại một cách đáng kinh ngạc, họ cứ lặp đi lặp lại rằng rốt cuộc thì Rome đã không hề đưa ra tín hiệu bắt họ phải dừng lại!

Liên quan đến việc thực tế từ bỏ các các trách nhiệm mục vụ của các giám mục (tức là cốt lõi của thừa tác vụ của các ngài!) để các ủy ban mới có thẩm quyền ra quyết định, được cung cấp nhân sự với số giáo dân bằng với số các giáo phẩm, người ta đã có lúc công bố rằng “sự tự cam kết” của giám mục giúp cho việc phân phối lại quyền lực theo kế hoạch có thể phù hợp với giáo luật mà không gặp bất cứ trở ngại nào.

Gần đây nhất, điều này đã dẫn đến việc các Hồng Y Parolin, Ladaria và Ouellet nghiêm cấm các trò chơi đội lốt như vậy trong một bức thư gửi từ Rome ngày 16 tháng 1 năm 2022. “Dưới hình thức đặc biệt”, nghĩa là đã được Đức Phanxicô minh nhiên chấp thuận, các ngài quả quyết rằng “cả Con đường Đồng nghị, cũng như bất cứ cơ quan nào do nó thành lập, cũng như bất cứ hội đồng giám mục nào đều không có năng quyền thành lập 'Hội đồng Đồng nghị' cấp quốc gia, giáo phận hoặc giáo xứ”. Giám Mục Bätzing sau đó thậm chí còn công khai tấn công Đức Giáo Hoàng.

Thẩm quyền thần học hàng đầu về các vấn đề “học lý về Giáo hội” (ecclesiology-giáo hội học), Hồng Y Walter Kasper, 89 tuổi, đã hết sức ngỡ ngàng trước sự leo thang của cuộc tranh cãi đến nỗi vào ngày 26 tháng 1 năm 2023, ngài đã để công chúng và các linh mục đồng sự trong hàng giám mục biết: “Lý thuyết về việc tự từ bỏ, nói cho đúng sự thật, là một trò xiếc bất xứng và vốn dĩ mâu thuẫn. Việc chống lại bức thư Rome hoặc việc giải thích lại và trốn tránh nó một cách quanh co, trái ngược với tất cả những khẳng định có thiện ý, chắc chắn sẽ dẫn đến bờ vực ly giáo và do đó đẩy dân Chúa ở Đức vào một cuộc khủng hoảng thậm chí còn sâu sắc hơn”.

Có phải Georg Bätzing đang dẫn Giáo Hội Công Giáo ở Đức vào tình trạng ly giáo hay không? Với tình hình ngày nay, không còn bốn viễn cảnh cho tương lai của Giáo hội ở Đức, mà chỉ còn ba viễn cảnh, vì mối quan tâm cốt lõi của Con đường Đồng nghị — sự biến đổi Giáo hội dựa trên trưng cầu dân ý (plebiscitary) — đã thất bại, và với nó một viễn cảnh trong đó có thể quan niệm được việc Giáo hội Hoàn vũ sẽ đi theo theo khái niệm tiên phong của Đức về lâu về dài.

Tính hợp lý của ba viễn cảnh hiện có thể hình dung được cần phải được khảo sát:

Viễn cảnh 1: Con đường hòa giải

* Rome hành động dứt khoát và đòi hỏi tối hậu.

* Con đường Đồng nghị ngoảnh mặt khỏi ly giáo, vốn đang biểu lộ một cách cụ thể ở phía chân trời, vào giây phút chót.

* Bằng chính hành động thú nhận của mình, Giáo Hội Công Giáo ở Đức một lần nữa phục tùng Giáo hội Hoàn vũ.

* Các giám mục, bị mắc kẹt trong những ràng buộc mang tính hệ thống, tự giải phóng mình khỏi sự kìm kẹp quyền lực của các ủy ban. Các ngài thực thi chức vụ của mình, đặt nền tảng trên Kinh thánh và truyền thống, với đầy đủ thẩm quyền, trong việc các ngài lắng nghe dân Chúa một cách đồng nghị, và hành động như những người chăn chiên không sợ hãi.

* Các ngài bác bỏ mọi quyết định của Con đường Đồng nghị trái với tín lý chung và luật Giáo hội Phổ quát.

* Chỉ những đề xuất phù hợp với Kinh thánh và giáo huấn liên tục của Giáo hội mới được đưa vào tiến trình Thượng hội đồng hoàn cầu.

* Tất cả những người cam kết bắt đầu hành trình hòa giải.

* Giáo hội chuyển tập chú của mình: thay vì điều chỉnh lại các cơ cấu, Giáo hội sẽ hướng tới việc “hoán cải mục vụ” và tân tin mừng hóa.

Các lựa chọn có thể phù hợp với giáo luật:

Có thể làm gì để khiến Giáo hội ở Đức quay trở lại sự hiệp nhất mà Chúa đã khẩn thiết kêu gọi (Ga 17:21)?

* Đối với việc biện phân các thần khí, Rome có thể yêu cầu một lời tuyên xưng đức tin và một công thức hứa trung thành từ tất cả những người có trách nhiệm mục vụ và tín lý.

* Rome có thể bổ nhiệm một giám quản tông tòa từ bên ngoài với nhiều quyền hạn.

* Rome có thể ra lệnh tổng thanh tra (visitation) các giáo phận và các định chế và cơ sở liên giáo phận của họ và đình chỉ tất cả các tiến trình đang diễn ra.

* Rome có thể dùng đến “mô hình Chile”— cách chức tất cả các giám mục một cách hữu hiệu và ngăn cản họ thi hành thừa tác vụ của mình cho đến khi họ được Rome phục chức.

* Rome có thể phát động một con đường hòa giải kéo dài nhiều năm, được phối trí từ bên ngoài.

Tiềm năng tích cực của viễn cảnh này:

Sự tái hợp nhất một Giáo hội mà trên thực tế, đã bị chia rẽ từ lâu, có thể là bằng chứng cho thấy sinh lực của nó. So sánh với kết quả của Công đồng Trent, điều này có thể dần dần dẫn đến một sự thay đổi và một hình thức mới của Giáo hội xuất hiện từ quá trình đau đớn này.

Một Giáo hội thực sự đồng nghị và thiêng liêng, giống như người chủ nhà trong Tin Mừng, có thể lấy “từ kho tàng của mình những điều mới và cũ” (Mt 13:52). Do đó, “chủ nghĩa thực dụng buồn rầu trong đời sống hàng ngày của Giáo hội, trong đó mọi thứ dường như diễn ra bình thường, trong khi trên thực tế, đức tin đang suy tàn và thoái hóa thành một tâm hồn nhỏ nhen” (Evangelii Gaudium 83) sẽ rời xa Giáo hội, cũng như cặn bã của quy ước đè nặng trên người già và khiến người trẻ sợ hãi.

Việc dạy giáo lý ở tất cả các cấp có thể khởi đầu cho việc đào sâu đức tin nói chung, thách thức giới trẻ và thu hút những người đang tìm kiếm ý nghĩa. Nó đòi hỏi tất cả những người làm công tác mục vụ (và tất cả các tín hữu cùng với họ) cũng phải làm việc hướng tới việc hội nhập vào Nhiệm thể Chúa Kitô và đức tin của Giáo hội. Ở đâu cần có các tiến trình “môn đệ hóa” hiện sinh để giải phóng động lực mới của sự phát triển Giáo hội, thì việc chỉ “đào tạo lại” hoặc thậm chí ra lệnh cho nhân viên sẽ không có tác dụng gì.

Ở bình diện giáo phận, sự thay đổi mô hình mới có thể có nghĩa là giảm quan liêu hóa và thu nhỏ bộ máy—một sự tinh giản triệt để của Giáo hội hướng tới sứ mệnh thực sự của mình. Các tín hữu sẽ khám phá lại niềm vui của Tin Mừng và tiến tới một đời sống bí tích sâu sắc hơn. Người ta có thể hy vọng rằng ơn gọi thiêng liêng sẽ phát triển. Nó cũng có thể dẫn đến nhiều gia đình được chữa lành hơn (bởi vì nơi nào có sự hoán cải của cá nhân, môi trường sẽ thay đổi).

Chỉ trong trường hợp này, nguyên tắc đồng nghị theo Đức Thánh Cha Phanxicô mới có cơ hội có được chỗ đứng trong thế giới nói tiếng Đức. Chỉ trong bối cảnh canh tân này trực tiếp từ các nguồn đức tin, người ta mới có thể thực sự nói về một “sensus fidei fidelium” [cảm thức đức tin của các tín hữu], cũng như về một Giáo hội biết lắng nghe.

Các trở ngại của viễn cảnh này:

Các giám mục sẽ phải bảo vệ sự thay đổi triệt để họ đang thực hiện trước sự phẫn nộ của giáo dân và các phương tiện truyền thông của Giáo hội cũng như các phương tiện truyền thông thế tục, điều mà họ dường như không đủ sức để thực hiện. Hơn nữa, “bình diện quản lý trung cấp” đang nổi bật về mặt cấu trúc của các giáo dân được sử dụng trong Giáo hội, rất có thể sẽ nổi loạn.

Ủy ban Giáo dân Trung ương [ZdK] sẽ tri nhận việc hòa giải này không phải như vậy, mà như việc tước bỏ quyền lực và thất bại trong cuộc đấu tranh giành quyền lực, và là sự thất bại trong ý tưởng của họ về “Con đường Đồng nghị”; họ sẽ gọi đó là việc tái phẩm trật hóa phản dân chủ. Ủy ban này sẽ lo sợ bị tước mất quỹ dự trữ (thuế nhà thờ) cũng như tính hợp pháp mà họ hiện đang cho là phải lên tiếng cho “hàng ngũ giáo dân”.

Các cuộc đối đầu công khai có thể dẫn đến sự ra đi hàng loạt của “những người Công Giáo cấu trúc”, tức là những người đã được rửa tội mà không có bất cứ cam kết đáng kể nào, những người chỉ là thành viên “trên giấy tờ”, những người chỉ muốn một Giáo Hội không gây khó chịu, phải tương thích với hệ tư tưởng của thời đại, hỗ trợ họ trong các lễ rửa tội, đám cưới và đám tang, và cực kỳ phản đối cải cách.

Những hành động thực sự dũng cảm của Giáo Hội Công Giáo và các giám mục của nó trong viễn cảnh này sẽ bị công khai giải thích lại là hèn nhát đầu hàng trước Rome. Giáo hội có thể sẽ hoàn toàn đánh mất vị thế xã hội của mình: Giáo hội có thể sẽ mất đi sự ủng hộ của nhà nước, cơ sở kinh tế, các khoa đại học và nhiều đặc quyền của mình. Nó sẽ nghèo hơn, kém thế lực hơn, ít được bảo vệ hơn, và trong những trường hợp cực đoan, sẽ phát triển thành một thiểu số tôn giáo bị bách hại.

Lượng giá:

Với tình hình hiện nay, Viễn cảnh 1 là phương án ít khả hữu nhất.

Dựa trên Tin Mừng, lựa chọn này sẽ là quá trình thích hợp. Nó sẽ cứu vãn được sự hiệp nhất, nhưng không có khả năng giành được đa số và, dựa vào sự cứng lòng, bị coi là viển vông, vì nó đòi hỏi một sự thay đổi 180 độ đối với tất cả các nhân vật chủ đạo. Hơn nữa, Rome sẽ được yêu cầu và đồng hành cùng cuộc xoay chuyển này với một quyết tâm cao nhất.

Kỳ tới: Viễn cảnh 2 và 3