1. Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục Đức trong bối cảnh có các quan ngại về Tiến Trình Công Nghị

Hội đồng Giám mục Đức cho biết trong một tuyên bố được công bố sau cuộc gặp gỡ, buổi tiếp kiến với Đức Giáo Hoàng Phanxicô kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ, mô tả cuộc gặp gỡ như một “vòng đàm phán cởi mở”, trong đó “các giám mục có thể nêu lên các câu hỏi và vấn đề của họ, và Đức Giáo Hoàng đã trả lời riêng từng người”.

Tuyên bố đã đề cập ngắn gọn rằng “các khía cạnh của Tiến Trình Công Nghị của Giáo hội ở Đức, và diễn trình đồng nghị trên toàn thế giới cũng được đưa ra trong cuộc đàm luận”.

Như CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, đã đưa tin, thông cáo báo chí cũng nói rằng Đức Giáo Hoàng và các giám mục đã trao đổi “những suy nghĩ về việc chăm sóc mục vụ trong thời đại đang thay đổi, việc tự hiểu về thừa tác vụ linh mục và giám mục, việc dấn thân của người giáo dân trong Giáo hội, cũng như thách thức về việc làm thế nào để việc truyền giáo có thể thành công trong bối cảnh một thế giới tục hóa”.

Tuyên bố tiếp tục viết, “Ngoài ra, các giám mục đã có thể báo cáo về kinh nghiệm của các ngài trong các giáo phận.

“Câu hỏi về trách nhiệm chính trị, sự gắn kết xã hội và viễn cảnh hòa bình khi đối đầu với các xung đột hoàn cầu và khu vực đã lên khuôn cho cuộc họp.”

Sáu mươi ba giám mục người Đức đang ở Rôma trong tuần này cho chuyến viếng thăm ad limina của họ, kết thúc vào ngày 18 tháng 11. Mỗi giám mục giáo phận trên thế giới phải thực hiện chuyến viếng thăm “ad limina apostolorum” với Đức Giáo Hoàng để cung cấp thông tin cập nhật về tình trạng của giáo phận mình.

Vào thứ Sáu, các giám mục Đức sẽ gặp gỡ những vị đứng đầu một số thánh bộ của Vatican để thảo luận về Tiến Trình Công Nghị.

Theo hãng thông tấn KNA, các giám mục cũng đã thảo luận về tiến trình gây tranh cãi trong cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Mario Grech, người chịu trách nhiệm về Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính Đồng nghị, hôm Thứ Tư.

Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên trang mạng của giáo phận trước chuyến viếng thăm, người đứng đầu hội đồng giám mục Đức, Đức Cha Georg Bätzing, cho biết ngài tin rằng “không phải ngẫu nhiên mà các giám mục chúng tôi hiện được mời đến Rôma”.

Vị giám mục người Đức nói rằng có “rất nhiều sự thiếu hiểu biết về tiến trình của chúng tôi ở Rôma.”

“Đó là lý do tại sao tôi rất biết ơn vì chúng tôi thực sự có nhiều thời gian để nói về điều này với nhau. Đây là một cơ hội thực sự.”

CNA Deutsch đưa tin, một sáng kiến của những người Công Giáo Đức chỉ trích Tiến Trình Công Nghị trong tuần này đã kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô can thiệp vào diễn trình này.

Những người tổ chức của “Khởi đầu mới” (Neuer Anfang) nói rằng “Hãy dũng cảm can thiệp! Hãy chấm dứt việc tái cấu trúc Giáo hội một cách dân chủ giả tạo! Hãy bảo vệ đức tin chung! Và bảo vệ kẻ yếu trước bạo lực của bộ máy”.

Theo CNA Deutsch, cùng một lúc, những người ủng hộ tiến trình gây tranh cãi cho biết họ mong đợi từ Vatican “cuối cùng sẽ có một dấu hiệu rõ ràng về việc đánh giá cao Tiến Trình Công Nghị của Đức”.

Tiến Trình Công Nghị, Synodaler Weg trong tiếng Đức, là một diễn trình gây tranh cãi với mục đích được tuyên bố là tranh luận và thông qua các nghị quyết về bốn chủ đề: cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội, chức linh mục, vai trò của phụ nữ và đạo đức tình dục.

Viết về quá trình này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào năm 2019 đã cảnh cáo về sự mất đoàn kết trong một bức thư gửi người Công Giáo Đức.

Gần đây hơn, vào đầu tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói về việc bảo đảm “không đánh mất cảm thức đức tin của người dân”.

Ngài nói, quả thật “nước Đức đã có một Giáo Hội Tin Lành vĩ đại rồi. Tôi không muốn một Giáo Hội Tin Lành khác không tốt bằng Giáo Hội hiện hữu. Tôi muốn người Công Giáo đoàn kết huynh đệ với Giáo hội Tin Lành”.

Những người chủ trương Tiến Trình Công Nghị Đức cho rằng cần phải có những thay đổi sâu sắc cả trong kỷ luật của Giáo Hội lẫn trong tín lý để đối phó với tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.

Tội lỗi lạm dụng tính dục là một vấn đề nghiêm trọng của Giáo Hội. Nhưng tại sao để giải quyết tội lỗi lạm dụng tính dục cần phải cho người Tin lành được rước lễ trong các thánh lễ Công Giáo? Tại sao phải chúc lành và công nhận các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, thay đổi giáo huấn về tính dục, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái, tái định nghĩa lại hôn nhân? Hay tai tiếng lạm dụng tình dục giáo sĩ chỉ là chiêu bài cho các Giám Mục Đức tung ra những nghị trình mà họ đã ấp ủ từ lâu.

Tất cả các đề xuất của Hồng Y Marx, và Giám Mục Georg Bätzing như chúc lành và công nhận các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, thay đổi giáo huấn về tính dục, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái đều là những vấn đề đã được anh em Tin lành chấp nhận nhưng tỷ lệ bỏ đạo còn cao hơn.

Hơn thế nữa, các đề xuất của các Giám Mục Đức hiện nay sẽ tạo ra những kỳ vọng nào đó đối với một số thành phần giáo dân Đức. Một khi những kỳ vọng này trở thành thất vọng, mà chắc chắn sẽ là như thế, người ta sẽ chứng kiến một làn sóng lũ lượt rời bỏ Giáo Hội.

2. Đức Hồng Y Parolin chủ sự thánh lễ cầu cho hòa bình tại Ukraine

Chiều thứ Năm, ngày 17 tháng Mười Một vừa qua, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraine, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và nước này.

Trong số các vị đồng tế với Đức Hồng Y, cũng có hai giám mục Ukraine là Đức Cha Mokrzycki, Tổng giám mục giáo phận Lviv và vị Giám Mục Phụ Tá của ngài.

Trong số những người hiện diện đầy thánh đường, có các đại diện của 60 nước cạnh Tòa Thánh, đặc biệt là đại sứ Andrii Yurash của Ukraine. Ông đã đích thân chào đón các nhà ngoại giao của các nước khác.

Trong bài giảng, dựa vào các bài đọc Kinh thánh, Đức Hồng Y Parolin đã ví Ukraine đau thương như “sa mạc”, biểu tượng của những gì có vẻ là mất mát, nhưng cũng từ những đống gạch vụn, từ một tình trạng dường như không lối thoát, những người của Chúa không nản chí thất vọng, vì biết rằng sa mạc cũng có thể trổ hoa. Đức Hồng Y nói: “Hòa bình là một loan báo đến từ chính Thiên Chúa. Chính Chúa là Đấng biến đổi những gì dường như đã mất mát. Không có tình trạng nào không thể được Thiên Chúa chữa lành. Cả sa mạc cũng có thể hy vọng”.

Đề cập đến thực trạng của Ukraine hiện nay, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhận định rằng những thất bại trong các nỗ lực hòa bình ảnh hưởng trên dân chúng, trong khi máu và nước mắt tiếp tục đổ ra, nhưng cho dù những cố gắng của con người bị thất bại, hòa bình vẫn là điều có thể, nó có thể nếu chúng ta muốn. Thiên Chúa yêu cầu sự sẵn sàng của chúng ta. Bạo lực và bất công không những tạo nên một thiệt hại bên ngoài, nhưng cả bên trong: thiệt hại bên ngoài cho người đón nhận, và thiệt hại bên trong cho người gây ra. Chính từ đó nảy sinh những oán hận. Vì thế, cần bảo vệ một thiện ích lớn hơn, và giơ má bên kia, không có nghĩa là khuất phục trước bất công, trái lại, đó chính là sự thực thi công lý. Chúa không đòi những sự bất công. Giơ má bên kia có nghĩa là noi gương Chúa Giêsu tố giác sự ác để không chấp nhận nó.

Đức Hồng Y Parolin cũng cảnh giác rằng: “Điều hợp pháp là tự vệ chống lại kẻ cường quyền, nhưng nhất là những kẻ muốn oán ghét và bất công. Nhưng không thể chấm dứt sự ác bên ngoài nếu nó lan tỏa trong tâm hồn chúng ta. Qua đó, Đức Hồng Y ngụ ý kêu gọi chính quyền Ukraine hãy tỏ ra sẵn sàng đối với hòa bình, như Chúa yêu cầu chúng ta. Đó là một yêu cầu rõ ràng và trực tiếp của Chúa”.

Tuy nhiên, như Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk nêu rõ với Tòa Thánh, cho đến nay phía Nga không đưa ra bất cứ đề nghị thương thảo nào.

Trong diễn biến mới nhất, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các nhà báo hôm thứ Năm rằng cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa vào Ukraine sẽ tiếp tục bất kể điều kiện thời tiết như thế nào, khi tuyết và nhiệt độ lạnh giá tấn công đất nước.

Khi được hỏi về việc hàng triệu người không có điện sau các cuộc tấn công lớn vào Ukraine trong tuần này do nhiệt độ dự kiến sẽ giảm hơn nữa ở nước này, Peskov cho biết: “Chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn tiếp tục và việc nó có tiếp tục không phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, thời tiết”.

Theo Peskov, chính quyền Kyiv không sẵn sàng đàm phán nữa. Và nếu có, họ muốn các cuộc đàm phán phải “công khai”, là điều mà Mạc Tư Khoa không thể chấp nhận.

“Thật khó để tưởng tượng các cuộc đàm phán công khai, không có chuyện đó. Và thậm chí còn hơn thế nữa với các cuộc đàm phán công khai phải xảy ra trong các tình huống như vậy,” Peskov nói.

Nhấn mạnh thêm về lý do tại sao hàng triệu dân thường đang phải chịu cảnh không có điện và nhiệt, ông Peskov đề cập đến “sự không sẵn lòng của phía Ukraine trong việc giải quyết các vấn đề, không chịu tham gia vào các cuộc đàm phán”.

Một số bối cảnh: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần nói trong nhiều tháng chiến tranh rằng Ukraine sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán ngoại giao với người Nga. Nhưng ông đã ký một sắc lệnh vào đầu tháng 10 loại trừ bất kỳ cuộc đàm phán nào với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sắc lệnh đó được đưa ra để đáp trả việc Nga tự tuyên bố sáp nhập các vùng lãnh thổ ở miền đông Ukraine sau các cuộc trưng cầu dân ý giả tạo ở đó.

Hôm thứ Ba, trong cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo đang tham dự G20 tại Bali, Indonesia, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã phác thảo 10 điều kiện tiên quyết để đàm phán với Nga. Đáp lại, cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia ngạo nghễ tuyên bố rằng 10 điều kiện là nhiều quá, phía Nga chỉ đưa ra một điều kiện với người Ukraine là hãy đầu hàng ngay lập tức.

Đầu hàng chắc chắn không thể gọi là thương thảo.