Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “The German Crisis, The World Church, And Pope Francis”, nghĩa là “Khủng Hoảng tại Đức, Giáo Hội Hoàn Vũ Và Đức Giáo Hoàng Phanxicô”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Năm của Chúa chúng ta 2023 có thể sẽ chứng kiến những bi kịch Công Giáo mà chúng ta không thể đoán trước được bây giờ; đó là con đường của Chúa Quan Phòng. Điều chúng ta có thể biết chắc chắn về năm tới là cuộc khủng hoảng tại Đức trong bối cảnh Giáo hội Hoàn Vũ sẽ lên đến đỉnh điểm, bởi vì những gì đang xảy ra ở Đức sẽ xung đột với phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng về tính đồng nghị cho một Giáo hội đồng nghị vào tháng 10 năm 2023. Và việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Đức sẽ có kết quả cực kỳ quan trọng, nếu không muốn nói là hoàn toàn mang tính quyết định, trong việc xác định di sản của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Vậy điều gì đang xảy ra ở Đức, dọc theo “Tiến Trình Công Nghị” quốc gia của Giáo Hội này?

Nhiều điều đang xảy ra: vũ khí hóa tội ác và tội lỗi lạm dụng tình dục để tái phát minh Công Giáo; bác bỏ những hiểu biết Công Giáo đã ổn định về tình yêu con người và sự thể hiện của tình yêu ấy; một sự đầu hàng vô điều kiện đối với hệ tư tưởng giới tính và sự hủy diệt của nó đối với giáo huấn Kinh Thánh về con người; một cuộc cách mạng trong giáo hội học, nhân danh việc trao quyền cho giáo dân để tước bỏ các chức vụ giám mục và linh mục khỏi tính cách bí tích trọn vẹn của họ; việc giản lược dần Giáo hội thành một tổ chức phi chính phủ giàu có, làm những công việc tốt được xác định bởi sự đồng thuận về mặt chính trị vào từng thời điểm.

Đằng sau tất cả những điều này - và ở đây chúng ta đi đến tận cùng của điểm mấu chốt - là sự bác bỏ giáo huấn long trọng của Công đồng Vatican II về mạc khải của Thiên Chúa. Và vì Hiến chế Tín lý về Mạc khải Thiên Chúa của Vatican II, được biết đến với tựa đề Latinh là Dei Verbum (Lời của Thiên Chúa), là thành tựu cơ bản của Công đồng, nên bác bỏ giáo huấn Dei Verbum là bác bỏ Vatican II. “Tiến Trình Công Nghị” của Đức không phải là một sự phát triển của Công đồng. Đó là một sự bác bỏ Công đồng.

Dei Verbum khẳng định mạnh mẽ tính thực tại của mạc khải Thiên Chúa và thẩm quyền ràng buộc của mạc khải theo thời gian. Dựa trên hơn một thế kỷ suy tư về Thánh Kinh và thần học về lịch sử cứu độ, Vatican II nhấn mạnh, chống lại bản chất của văn hóa thời thượng cho rằng Kitô giáo chỉ là một huyền thoại từ lòng mộ đạo hay một tập hợp các truyền thuyết gây cảm hứng. Kitô giáo là cuộc gặp gỡ với Con Thiên Chúa nhập thể, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Chí Thánh, Đấng hoàn tất việc tự mạc khải Thiên Chúa là ai, và Thiên Chúa dự định gì cho nhân loại, là điều đã bắt đầu khi Thiên Chúa ngỏ lời với dân Do Thái qua tổ phụ Abraham, Môsê, và các tiên tri.

Dei Verbum cũng dạy rằng mạc khải của Thiên Chúa cho nhân loại đã được hoàn thành trong Chúa Giêsu Kitô. Người Công Giáo liên tục tìm hiểu chiều sâu của mạc khải đó và ý nghĩa của mạc khải theo thời gian, và vì vậy sự hiểu biết về Kitô giáo của chúng ta ngày càng phát triển. Nhưng mạc khải phán xét mọi thời điểm lịch sử; mạc khải không thể bị đánh giá lại bởi “các dấu chỉ của thời đại.”

Hay nói một cách đơn giản nhất có thể là thế này: Thiên Chúa biết rõ hơn chúng ta về điều gì làm cho con người hạnh phúc, thăng tiến và cuối cùng là được chúc phúc. “Các dấu chỉ của thời đại” có thể giúp chúng ta nắm bắt tốt hơn những gì Chúa đã nói trong Kinh Thánh và truyền thống. Nhưng nếu “các dấu chỉ của thời đại” (ví dụ, ý thức hệ giới tính) mâu thuẫn với những gì Thiên Chúa đã mạc khải về bản chất và số phận của chúng ta, thì “các dấu chỉ của thời đại” là sai trái, không phải là lời của Thiên Chúa.

Các tài liệu của Tiến Trình Công Nghị Đức, thường được diễn đạt bằng ngôn ngữ xã hội học gây tê liệt đầu óc được bao phủ bởi một lớp vỏ ngoài mỏng manh của ngôn ngữ tôn giáo, về cơ bản phủ nhận tất cả những điều này.

Trong các văn bản này, “các dấu chỉ của thời đại” là động lực thúc đẩy sự tự hiểu biết của Giáo hội, đến mức không có điểm tham chiếu ổn định nào để biết liệu một sự phát triển tín lý nào đó là một sự phát triển chân chính hay một sự lừa đảo. Các văn bản ấy cũng cho rằng mạc khải Thiên Chúa cũng không cho chúng ta hiểu chắc chắn chúng ta là ai và điều gì tạo nên cuộc sống ngay chính: “quyền tự quyết” vượt trội hơn những chân lý được Thiên Chúa khắc ghi trong bản chất con người và các mối quan hệ; theo họ “giới tính là... để được nhìn nhận một cách đa chiều,” và chủ trương ngược lại “dẫn đến vi phạm nhân quyền.”

Công Giáo Đức thường được cho là đang trong tình trạng chia rẽ trên thực tế. Đó là một mô tả không đầy đủ về cuộc khủng hoảng ở Đức. Công Giáo Đức biểu hiện trong các tài liệu của Tiến Trình Công Nghị là bỏ đạo. Tiến Trình Công Nghị của Đức không chấp nhận “đức tin đã được truyền lại cho dân thánh chỉ một lần là đủ” (Giuđa 1:3). Thay vào đó, một trong những văn bản “nền tảng” của nó đã khẳng định vào đầu năm nay rằng “trong Giáo hội cũng vậy, những quan điểm và lối sống hợp pháp có thể cạnh tranh với nhau, ngay cả đối với những niềm tin cốt lõi”.

Do đó, Công Giáo Lite dẫn đến Công Giáo Zero một cách chắc chắn.

Đức Thánh Cha Phanxicô mang một gánh nặng lớn trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Đức đúng với thực tế và thẩm quyền ràng buộc của mạc khải Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu một giải pháp như vậy không đạt được, nó sẽ làm dấy lên những nghi ngờ nghiêm trọng nhất về toàn bộ dự án “tính đồng nghị” là trung tâm của triều đại giáo hoàng của ngài.
Source:First Things