Hầu hết người Công Giáo Việt Nam đều có lòng sùng kính Đức Mẹ và không nhiều thì ít đều đã đọc kinh Mân Côi. Lời kinh đơn sơ, dễ nhớ, dễ thuộc và có thể đọc một mình hay tập thể bất cứ khi nào, nơi nào. Trong 5 mẫu “Giờ kinh nguyện đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu” của Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giê-su (GĐPTTTCG) đều có suy niệm một mầu nhiệm và đọc 10 kinh Mân Côi.

Chính Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel trong ngày Truyền Tin đã khởi xướng kinh Mân Côi đầu tiên: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà”, tiếp theo là lời chào mừng của bà Elisabeth: “Bà có phúc lạ, hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ” và đến năm 1569, Thánh GH Piô V đã chính thức công nhận Kinh Mân Côi như hiện nay, sau khi thêm lời nguyện: “Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen.”

Sự hình thành chuỗi Mân Côi có một lịch sử lâu dài. Vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, các tu sĩ trong vùng sa mạc Ai Cập có thói quen dùng những hạt cây hay những hòn sỏi nhỏ để đếm số kinh đã đọc. Đến thời Trung Cổ, các tu sĩ có thói quen đọc 150 bài Thánh Vịnh (chia làm ba nhóm) mỗi ngày trong giờ Kinh Phụng vụ sáng, trưa và chiều tối. Nhưng sau đó được phép đọc 150 kinh Lạy Cha để thay thế. Để đếm các kinh ấy, người ta dùng những hạt gỗ xâu vào nhau nhờ một sợi dây và gọi đây là tràng hạt kinh Lạy Cha.

Tới thế kỷ thứ 7, với việc sùng kính Đức Mẹ, giáo dân bắt đầu phổ biến việc đọc 150 kinh Kính Mừng thay cho 150 kinh Lạy Cha và gọi các kinh này là "sách Thánh Vịnh của Đức Mẹ". Sau cùng các mầu nhiệm tương ứng với một sự kiện về cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria theo Tân Ước đã được thêm vào trước mỗi chục kinh Kính Mừng.

Một bộ mười kinh Mân Côi gồm một "mầu nhiệm" (suy niệm) bắt đầu là một kinh Lạy Cha do chính Chúa Giêsu phán dậy để nhắc nhở chúng ta cầu xin cùng Đức Chúa Cha là người đã khởi xướng ơn cứu chuộc, sau đó là mười kinh Kính Mừng giúp chúng ta cùng với Mẹ Maria suy niệm về mầu nhiệm này và kết thúc bằng một kinh Sáng Danh vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi là cùng đích của mọi sự sống.

Đến thế kỷ 20, theo lời dạy của Đức Mẹ Fatima lời nguyện “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hoả ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn” được đưa vào sau mỗi chục kinh Mân Côi.

Các mầu nhiệm được chia theo 50 kinh (thường gọi là mùa). Vui trong mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Giêsu xuống thế làm người và sống cho mọi người. Thương trong mầu nhiệm Tử Nạn, Đức Giêsu chịu chết chuộc tội cho cả nhân loại. Mừng trong mầu nhiệm Phục Sinh, Đức Giêsu bước vào vinh quang mở ra tương lai cho mọi sinh linh. Mùa Sáng hay mầu nhiệm sự Sáng có từ năm 2002 dưới thời Thánh GH Gioan Phaolô II, dành để suy niệm cuộc đời Chúa Giêsu khi ra đi giảng đạo từ lúc chịu phép rửa trên sông Jordan tới khi lập phép bí tích Thánh Thể.

Khi lần chuỗi Mân Côi, nếu miệng đọc các kinh Kính Mừng còn tâm trí chiêm ngắm và suy niệm mỗi biến cố quan trọng trong cuộc đời Đức Giêsu và Mẹ Maria thì chúng ta đã lần chuỗi với tinh thần của Tin Mừng, cũng chính là tâm tình của Đức Maria: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2,19). Đó là biết lắng nghe, suy niệm và thi hành Lời Chúa qua sự nhìn ngắm, tôn thờ, chiêm ngưỡng, suy niệm những mầu nhiệm của Chúa Giêsu và thì thầm những lời ca ngợi, những câu nài xin với Đấng đã ban cho chúng ta Đấng Cứu Thế.

Trong các giờ kinh đền tạ luân phiên trong các gia đình nhằm đền tội cho chính mình hoặc cho những người thờ ơ, vô ơn bội bạc không biết hay không màng đến tình yêu của Trái Tim Chúa. Chúng ta thường “…cậy vì lời Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, đã đồng công chuộc tội cầu bầu, xin Chúa nhận lễ đền tội chúng con thật lòng kính dâng mà tạ Chúa, cùng xin ban cho chúng con được ơn bền đỗ, giữ lòng trung tín lo việc bổn phận làm tôi Chúa cho đến trọn đời…”

Ước mong sao trong tháng 10 hằng năm, tháng Mân Côi, chúng ta hãy dành thêm ít thời gian trong các giờ kinh đền tạ để suy niệm 20 mầu nhiệm (bốn mùa) luân phiên và đọc 50 kinh Kính Mừng thay vì 10 kinh như thường lệ để nhờ Trái Tim Đức Mẹ chuyển cầu ý nguyện đến tạ Thánh Tâm Chúa. Chắc chắn Đức Mẹ sẽ nhận lời nài xin của chúng ta vì “…xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời…”