28. CÂY SỒI VÀ CÂY LIỄU

Sau đêm mưa to gió lớn thì ánh bình minh trong lành tới rồi, Lý Sát dẫn con trai của mình là Tiểu Bảo đi ra ruộng coi có hư hại gì không.

Tiểu Bảo kinh ngạc la lên:

- “Ba, ba, ba coi nè, cây sồi cao lớn vậy mà cũng bị trốc gốc, nhưng cây liễu mềm yếu này thì lại không bị ảnh hưởng gì cả, vẫn đẹp đẽ đứng bên cạnh con suối nhỏ này, thật kỳ lạ, con tưởng rằng cây liễu bị gió thổi thì sẽ dễ dàng bị ngã, còn cây sồi thì sẽ không hề hấn gì, sao lại tương phản như thế chứ?”

Lý Sát nói:

- “Này con, cây sồi cao lớn sừng sửng không hiểu được khiêm tốn cho nên mới bị gió thổi ngã nhào. Cây liễu mềm yếu nhưng biết khiêm tốn cúi đầu, tránh gió, cho nên mưa to gió lớn cũng không thể làm hại nó.”

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 28:

Dưới con mắt của các nhà đạo đức thì cây sồi cao lớn là một hình ảnh của người kiêu ngạo sẽ bị gãy khi gặp gió bão thổi mạnh, để khuyên người khác nên sống khiêm tốn hơn trong cuộc sống.

Nhưng dưới khía cạnh tu đức thì cây sồi là hình ảnh cùa người cam đảm, của các vị thánh tử đạo thà chết can đảm để làm chứng cho đức tin còn hơn thỏa hiệp với cái ác để được sống.

Thánh Gioan Tẩy Giả là một điển hình, ngài thà chết để nói lên sự thật việc làm sai trái của vua Hê-rô-đê, chứ không thỏa hiệp cho qua khi vua làm điều sai trái.

Hình ảnh cây sồi kiêu ngạo hay hình ảnh cây sồi can đảm đều rất hữu ích cho đời sống của người Ki-tô hữu chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info