VaticanNews cho công bố bài phát biểu của Rodrigo Guerra Lopez (*) tại phiên họp do Giáo hoàng Hàn lâm viện Khoa học Xã hội tổ chức vào ngày 4 tháng 3 năm 2021.



1. Dẫn nhập

Sự xuất hiện của Thông điệp Fratelli tutti của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trên diễn đàn vào năm 2020, đã trở thành lời cảnh tỉnh mạnh mẽ cho mọi người. Rất khó để ai đó lướt qua các trang của nó mà không cảm thấy bị chất vấn, bị khiêu khích và động viên để suy nghĩ lại cuộc sống trong xã hội. Văn kiện này cung cấp các yếu tố cần thiết để cảnh báo về sự cấp thiết phải xây dựng một phương pháp giúp chúng ta hàn gắn vô số vết thương và gãy đổ của bản thân và cộng đồng. Từ phụ đề, người ta ghi nhận rằng "tình huynh đệ" và "tình bạn xã hội" là vấn đề trọng tâm mà người kế vị Thánh Phêrô sẽ giải quyết trong 287 đoạn tạo nên bản văn. Theo một nghĩa nào đó, chương đầu tiên biện minh cho các điểm nhấn, tập chú và bề dầy phần còn lại của Thông điệp. Qua việc mô tả một số đặc điểm có liên quan nhất của bối cảnh hoàn cầu đương thời, Đức Giáo Hoàng muốn cho thấy sự cần thiết phải vượt qua chủ nghĩa giản lược vốn là điển hình của các ý thức hệ và khẳng định tầm quan trọng của tình huynh đệ như một lối sống, một phương pháp hành động xã hội và như một trường học dạy một nền chính trị mới.

2. Một khung cảnh mù mờ và sự cần thiết phải tái lập các hình thức sống chung

Thật vậy, các chủ nghĩa duy dân tộc khép kín, việc hoàn cầu hóa làm mất đi tình anh em, đánh mất ý nghĩa của lịch sử, thực dân hóa văn hóa, phân cực xã hội, tầm thường hóa trách nhiệm môi trường, văn hóa vứt bỏ, sự ra đời của những hình thức nghèo đói mới, các nhân quyền không đủ phổ quát, thiếu việc thừa nhận phẩm giá phụ nữ, các hình thức nô lệ mới, cổ vũ thứ luận lý xung đột và sợ hãi, những thách thức của đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng di dân, nền văn minh biểu diễn, chủ nghĩa cấp tiến mới được chuyên chở qua mạng lưới xã hội, sự thao túng các diễn trình dân chủ, sự cuồng tín tôn giáo và việc thiếu hy vọng có cơ sở, là một số hiện tượng được Đức Phanxicô giải thích trong một tổng hợp chặt chẽ và được dùng làm tấm phông để suy nghĩ lại cách chúng ta nên hình dung việc tái đặt nền móng triệt để cho các hình thức sống chung và của các dự án xã hội của chúng ta [1].

Tôi cố tình sử dụng hạn từ tái đặt nền móng (refoundation) để hàm nghĩa Đức Giáo Hoàng Phanxicô có một phương thức đặc biệt triệt để. Các xã hội của chúng ta không yêu cầu một cuộc điều chỉnh thứ cấp đối với một số vấn đề cần được tinh chỉnh để chúng hoạt động thích đáng. Họ càng ít cần hơn một cải tiến đơn thuần có tính trang điểm, hời hợt, trước nền văn hóa “ngoại diện”. Ngược lại, đã từ vài năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hết sức nhắc nhở chúng ta rằng “Khi một xã hội - dù là địa phương, quốc gia hay hoàn cầu - sẵn sàng để một phần của mình ở ngoài lề, thì không một chương trình hoặc nguồn lực chính trị nào được chi tiêu cho việc chấp pháp hoặc hệ thống giám sát có thể bảo đảm sự thanh bình vô thời hạn. Đây không phải là trường hợp chỉ vì việc bất bình đẳng đã gây ra phản ứng dữ dội từ những người bị loại khỏi hệ thống, mà vì hệ thống kinh tế xã hội là bất công tận gốc rễ của nó” [2].

Một khẳng định kiểu đó không tự cho là phủ nhận tư cách của mọi sự, cũng không tìm cách khơi dậy sự hù họa vô căn cứ: Việc khiếu nại cho rằng "mọi sự đã đổ vỡ" được trả lời bằng chủ trương cho rằng "không thể sửa chữa được", hoặc "tôi có thể làm gì được?" Điều này nuôi dưỡng sự vỡ mộng và tuyệt vọng, và hầu như không khuyến khích tinh thần liên đới và đại lượng. Đẩy con người vào tuyệt vọng khép lại một vòng hoàn toàn lẩn quẩn: đó là nghị trình của chế độ độc tài vô hình của các quyền lợi dấu mặt vốn giành được quyền làm chủ cả nguồn lực lẫn khả thể suy tư và bày tỏ ý kiến” [3].

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận thức rõ rằng có nhiều cách khác nhau để giải thích thực tại hiện nay và một số trong các cách này đã phóng đại hoặc quá đơn giản hóa khía cạnh này hay khía cạnh kia. Hơn nữa, có những cách giải thích tính phức tạp mới vốn là đặc điểm của thời đại chúng ta, chuyên sử dụng cái ác như một tiêu chuẩn thông diễn. Thay vì giúp hiểu thực tại và nhiều chiều kích khác nhau của nó, họ lại, trước tiên, tìm cách nhận diện âm mưu, trầm trọng hóa sự nóng nảy, dẫn nhập thứ luận lý xung đột và thúc đẩy một cuộc đấu tranh hoàn toàn phản động. Các lý thuyết âm mưu của ngày hôm qua và ngày hôm nay là một thí dụ hùng hồn cho kiểu giải thích thực tại bệnh hoạn này.

3. Câu hỏi tận gốc

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề nghị một điều khác hẳn: cần phải đi vào cội nguồn, vào chiều kích nhân bản, văn hóa và tôn giáo, để giải thích việc thiếu tình huynh đệ. Điều này không có nghĩa là giải quyết trong thời điểm khiếu nại, phản đối hoặc than thở bi quan. Nó có nghĩa đi sâu vào chính nơi đó, trong những chiều sâu thẳm của trái tim con người, để nhận diện các lý do cũng có thể mang lại hy vọng cho ngày hôm nay. Căn cội thối nát của một xã hội hoàn cầu dựa trên việc vứt bỏ đi kèm với sự căng thẳng cấu trúc bên trong thân phận con người, một điều có thể cho thấy một lần nữa rằng mỗi con người và mỗi cộng đồng đều được tạo dựng để vượt lên trên, để quyết tâm tìm kiếm sự sống viên mãn trong chân, thiện, mỹ và công lý. Một sự viên mãn không hoàn toàn là hình thức, nhưng có một khoảnh khắc xác minh hiện sinh trong tương quan với người khác, trong việc thuộc về một dân tộc, trong việc đắm mình sâu xa vào thực tại cụ thể. Đây là việc, bằng cách luôn luôn bắt đầu từ phía dưới và từ ngoại vi, một cách khiêm tốn và kiên trì, chúng ta có thể chứng tỏ rằng “đền bù và hòa giải sẽ mang lại cho chúng ta cuộc sống mới và giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi” [4].

4. Chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa tân dân túy

Trong số các vấn đề khác nhau được Fratelli tutti đề cập, có một vấn đề đặc biệt liên quan đến chính trị: chủ nghĩa tân dân túy. Chương V của Thông điệp, dành riêng cho "một loại chính trị tốt hơn", đã bắt đầu bằng cách tập chú vào câu hỏi này. Chủ nghĩa tân dân túy mà chúng ta nói ngày nay không phải là sự tiếp nối chỉ đơn thuần có tính hàng dọc của chủ nghĩa dân túy cổ điển trong những năm 30 và 60 của thế kỷ XX [5]. Chủ nghĩa dân túy mà Fratelli tutti đề cập đến là do sự yếu kém của văn hóa dân chủ tại một số quốc gia kể từ năm 1990. Ở đây, chúng tôi không thể đưa ra một phân tích so sánh về những điểm giống nhau và khác nhau giữa cả hai giai đoạn của chủ nghĩa dân túy. Trong bài ngắn ngủi này, chúng tôi lại càng ít phân biệt được giữa chủ nghĩa tân dân túy Mỹ Latinh và châu Âu. Thực thế, điều hợp lý nhất, cả hôm qua lẫn hôm nay, là nói về “các nền tân dân túy” cho thấy phần nào rõ ràng hơn một số đặc điểm căn bản của chúng.

Hơn 10 năm trước, trên Vọng quan sát Xã hội của Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh (CELAM), chúng tôi đã cố gắng tiếp cận thực tại này [6]. Theo thời gian, không thể cung cấp một định nghĩa về "chủ nghĩa tân dân túy" làm vừa lòng mọi người, nhưng chúng tôi vẫn sẽ cố gắng đưa ra một định nghĩa, một lần nữa, như dưới đây. Hiện nay, khái niệm chủ nghĩa tân dân túy được sử dụng để chỉ một số lượng lớn các thực tại thuộc dòng tư tưởng rất đa dạng: Donald Trump, Evo Morales, Viktor Orbán, Jair Bolsonaro, Andrés Manuel López Obrador, Matteo Salvini, Nicolás Maduro, và một vân vân thật dài. Chúng tôi muốn nêu tên các nhà lãnh đạo chính trị đương thời khác nhau để nhấn mạnh rằng, dù sao, vai trò của các lãnh tụ ít nhiều có tính cứu tinh (messianic caudillo) dường như vẫn là một hằng số.

Theo quan điểm của chúng tôi, chủ nghĩa tân dân túy không phải là một ý thức hệ, mà là một phương thức thực thi quyền lực. Theo Enrique Krauze một chút, chúng ta có thể nói rằng chủ nghĩa tân dân túy là cách sử dụng ma quái mà một nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn lợi dụng tính hợp pháp dân chủ để hứa hẹn vươn tới một điều không tưởng có thể có và, khi chiến thắng, thì củng cố quyền lực bên ngoài pháp luật hoặc biến nó thành một tiện ích[7 ]. Theo quan điểm của chúng tôi, chủ nghĩa tân dân túy có xu hướng bao gồm, theo các mức độ khác nhau, một số - hoặc tất cả - các thành phần sau đây:

· Một cách đọc có tính ý thức hệ về lịch sử quốc gia, được dùng như một lập luận để giải thích sự xuất hiện của một “lãnh tụ” có tính quan phòng.

· Tôn vinh "lãnh tụ có tính quan phòng", người sẽ giải quyết các vấn đề của dân tộc và là người, bằng cách này hay cách khác, tìm cách tự khẳng định mình như hiện thân của dân tộc. "Lãnh tụ" được hình thành nhờ tính cách cứu tinh và bởi cách thực thi quyền lực độc đoán của ông ta.

. Sử dụng và lạm dụng từ ngữ: người theo chủ nghĩa dân túy tự coi mình như người giải thích tối cao chân lý phổ quát. Với các phát biểu của mình, họ chiếm giữ phần lớn không gian công cộng khi có thể và quản lý quyền tự do ngôn luận theo ý thích của mình.

· Sử dụng công quỹ tùy tiện: ngân khố được sử dụng cho các siêu dự án không qua một phân tích kinh tế chặt chẽ để đánh giá khả năng tồn tại và mức độ phù hợp của chúng.

· Tiền bạc được phân phối theo cách có mục tiêu và cho phúc lợi, mà không tìm cách tăng cường các tổ chức trung gian, và cố gắng tạo lòng trung thành chính trị nơi những người thụ hưởng.

· Định nghĩa kẻ nội thù gây ra sự phẫn nộ của xã hội: doanh nhân, người giàu, kẻ hoạt đầu, những kẻ trong nhiều trường hợp đã thực sự thối nát và được dùng như một điển hình hoàn hảo của những gì cần phải chống trả.

· Định nghĩa kẻ ngoại thù có thể bị đổ lỗi trong trường hợp cần thiết. Mặt khác, kẻ thù này có thể có nhiều lý do để bị coi như thế.

· Chấp nhận một số yếu tố của nền kinh tế thị trường, bao lâu chúng củng cố sự tồn tại của một cộng đồng doanh nghiệp trung thành với người thống trị. Đó là điều được một số người gọi là "chủ nghĩa tư bản bồ bịch (crony capitalism)".

· Khinh thường khuôn khổ pháp lý và định chế, một khuôn khổ họ tìm cách thay đổi tùy tiện.

· Thao túng bản chất thế tục của Nhà nước, nhiều dịp giới hạn phạm vi hoạt động của các giáo hội vào sinh hoạt tư riêng và trong các dịp khác, chấp nhận tùy ý việc sử dụng các thành phần văn hóa và tôn giáo để hợp pháp hóa quyền lực một cách công khai [8].

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong thông điệp Fratelli tutti, xác định rõ ràng rằng bất cứ ý nghĩa tích cực nào mà thuật ngữ "chủ nghĩa dân túy" có thể có trong quá khứ đã bị vô hiệu hóa trong khung cảnh hiện nay. Chủ nghĩa tân dân túy hiện đã trở thành “một nguồn phân cực nữa trong một xã hội vốn đã bị chia rẽ [9]”. Đó là nguyên nhân và hậu quả của sự rạn nứt xã hội. Bản chất của nó xuất hiện khi một nhà lãnh đạo mê hoặc được dân chúng, tìm cách “khai thác được nền văn hóa của một dân tộc về mặt chính trị, dưới bất cứ biểu ngữ ý thức hệ nào, vì lợi ích cá nhân của riêng họ hoặc tiếp tục nắm giữ quyền lực. Hoặc khi, vào những lúc khác, họ tìm kiếm sự nổi tiếng bằng cách thu hút những khuynh hướng hèn hạ nhất và ích kỷ nhất của một số thành phần dân số. Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi, dù ở dạng thô thiển hay tinh vi hơn, nó dẫn đến việc cướp đoạt các định chế và luật pháp [10]”.

Một điều cần được nhấn mạnh, từ câu trích dẫn mà chúng ta vừa nhắc đến, là Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng chủ nghĩa dân túy hiện nay có thể xảy ra "với bất cứ dấu hiệu ý thức hệ nào." Thật vậy, những người theo chủ nghĩa tân dân túy của cánh hữu và cánh tả, bề ngoài xem ra có vẻ đối đầu, nhưng nhanh chóng tìm được thiện cảm và những điểm gặp gỡ với nhau. Trường hợp gần đây về việc hợp lực, cộng tác và gần gũi của Andrés Manuel López Obrador với Donald Trump là một ví dụ cực kỳ hùng hồn.

5. Nhân dân và "các phong trào bình dân"

Chủ nghĩa tân dân túy, mặc dù muốn tự xác lập mình như một biểu thức đích thực của người dân, bằng cách phá hoại tự do của họ, bằng cách thao túng các đặc điểm văn hóa và lịch sử của họ, “nó coi thường ý nghĩa hợp pháp của hạn từ “nhân dân”[11]”. Hạn từ "nhân dân" hiển nhiên đã bị xói mòn đáng kể trong một trăm năm qua. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, nếu thực tại “nhân dân” bị suy yếu, bị biến dạng hoặc bị thao túng, nó sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại của các nền dân chủ, vì theo bất cứ định nghĩa nào của chúng, các nền dân chủ này cũng thu hút chính nhân dân như một chiều kích cấu thành và không thể tránh khỏi.

Nhân dân là cộng đồng những con người (Communio personarum) thống nhất nhờ các mối liên hệ lịch sử, văn hóa và liên đới. Nhờ hiểu theo cách này, người ta sẽ không sa vào thứ chủ nghĩa lãng mạn nào đó không biết thừa nhận tầm quan trọng của chiều kích định chế và tổ chức cần thiết cho đời sống xã hội [12]. Tuy nhiên, các định chế lãnh hội được sự sống, nội dung phẩm chất và một triết lý sống đặc thù, nhờ vào nguồn năng lực phát xuất từ người dân, các hình thức lập hội tự phát của họ, các cuộc đấu tranh và nguyên nhân của họ. Cấu trúc kỹ thuật thường có xu hướng trở nên tự quy chiếu và làm ngột ngạt - mà không nhận ra nó - thế giới sự sống (Lebenswelt) vốn là đặc điểm của con người và nhân dân mà họ thuộc về. Đó là lý do tại sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô đánh giá rất cao tiềm năng sửa chữa và nuôi dưỡng được “các phong trào quần chúng” sở hữu; các phong trào này phát triển từ bên dưới, từ lớp đất cái, và, từng chút một, tìm ra và tạo nên sự hiệp lực với nhau. Để hiểu được vai trò thực sự của các phong trào bình dân, cần phải nói rằng làm chính trị vì nhân dân không giống như làm chính trị từ nhân dân, nghĩa là phải xuất phát từ tình cảm thực sự, thực nghiệm và thuộc về một cộng đồng nhân dân hợp nhất với nhau nhờ nền văn hóa và lịch sử của nó, và trong chuyển động không ngừng: [Các phong trào bình dân] có thể gây rắc rối, và một số “lý thuyết gia” có thể khó phân loại chúng, nhưng chúng ta phải tìm đủ can đảm để thừa nhận rằng, không có chúng, “nền dân chủ sẽ teo tóp, sẽ biến thành một từ ngữ đơn thuần, một hình thức; nó đánh mất đặc tính đại diện của nó và trở nên kỳ quái, vì nó bỏ rơi con người trong cuộc đấu tranh hàng ngày của họ cho nhân phẩm, trong việc xây dựng tương lai của họ”[13].

Nói cách khác, một nền dân chủ thuần túy hình thức, nghĩa là không nối kết với những con người có thực và các hình thức tự tổ chức khác nhau của họ, sẽ dễ dàng trở thành một cỗ máy vô danh, kết cục sẽ đưa một nhà lãnh đạo không dân chủ lên nắm quyền hoặc duy trì quyền lực. Điều này có nghĩa là chủ nghĩa tân dân túy là một trong những hình thức tai ác của thoái hóa chuyên chế đối với các phương thức bầu cử. Vì những loại rủi ro này đối với cuộc sống của người dân, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói ở một chỗ khác rằng: “trong tình trạng tê liệt và mất phương hướng này, việc tham gia chính trị của Phong trào Bình dân có thể đánh bại thứ chính trị của các tiên tri giả, những người khai thác nỗi sợ hãi và tuyệt vọng và rao giảng một phúc lợi vị kỷ và một nền an ninh hão huyền”[14].

6. “Fratelli tutti”: tránh việc dân chủ tự sát

Giống mọi thực tại chính trị, Dân chủ rất mong manh, bất toàn và làm ta thất vọng, đặc biệt khi nó hoạt động tốt. Dân chủ là một chế độ trong đó mọi sự đều bị theo dõi, vạch mặt, chỉ trích, phản đối và thách thức [15]. Đó không phải là một con đường bình dị và suông sẻ, mà hoàn toàn ngược lại. Dân chủ là một chủ nghĩa khổ hạnh đặc thù đối với người dân và ước mơ của họ. Tuy nhiên, trên danh nghĩa, nó là một lý tưởng của sự tham gia bình đẳng hơn nhằm hạn chế chế độ chuyên quyền và bạo lực của nó. Vì lý do này, ngày nay hơn bao giờ hết, dân chủ cần nhân dân, những con người có thực, như một liều thuốc lành mạnh. Dân chủ đòi phải có khả năng quản lý cuộc sống con người, cá nhân và cộng đồng không hoàn hảo, tôn trọng các giới hạn mời gọi nó đừng tự sát. Fratelli tutti hiển nhiên đóng góp một cách căn bản vào nhiệm vụ này.
_______________________________________________________________________________________

* Có bằng tiến sĩ của Học viện Triết học Quốc tế ở Công quốc Liechtenstein; thành viên của Ủy ban Thần học của CELAM; Thành viên cơ hữu của Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống và Giáo hoàng Hàn lâm viện về Khoa học Xã hội; Giáo sư- chuyên viên nghiên cứu và sáng lập viên Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Tiên tiến (www.cisav.mx). E-mail: rodrigo.guerra@cisav.org

[1] Đức Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti, Ch. I: "Những đám mây đen trên một thế giới khép kín".
[2] Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium, số 59.
[3] Fratelli tutti, số 75.
[4] Fratelli tutti, số 78.
[5] Xem G. Eickhoff, Das Charisma der Caudillos. Cárdenas, Franco, Perón, Vervuert Verlag, Frankfurt am Main 1999.
[6] Xem C. Aguiar Retes - R. Guerra López - F. Porras Sánchez (Coords.), Neopulismo y democracia. Experiencias en América Latina y el Caribe, CELAM, Bogotá 2007; Cũng rất hữu ích nếu tham khảo thư mục khổng lồ về chủ đề này: C. de la Torre - E. Peruzzotti, El retorno del pueblo. Populismo y nuevas Democracias en América Latina, FLACSO, Quito 2008; “Chủ nghĩa dân túy là gì?”, trên The Economist, 19 tháng 12, 2016; A. Vargas Llosa (coord.), El estallido del Populismo, Planeta, México 2017; E. Krauze, El pueblo soy yo, debate - Penguin Random House Grupo Editorial, México 2018.
[7] Xem E. Krauze, sđd. tr. 115.
[8] Xem R. Guerra López, “Descubrirnos pueblo: movimientos populares, populismo y la búsqueda de una renovación democrática en América Latina”, trong G. Carriquiry - G. La Bella, La irrupción de los movimientos populares, Librería Editrice Vaticana, Vatican City, 2019, trang 176-178; Cf E. Krauze, sđd., các tr. 119-123.
[9] Fratelli tutti, số 156.
[10] Fratelli tutti, số 159.
[11] Fratelli tutti, số 157.
[12] Fratelli tutti, các số 163-164.
[13] Fratelli tutti, số 169.
[14] Đức Phanxicô, “Presentación”, trong G. Carriquiry - G. La Bella, La irrupción de los movimientos populares, tr. 7.
[15] Xem D. Innerarity, La política en tiempos de indignación, Galaxia de Gutemberg, Barcelona 2015, tr. 155.