Ngày 12-01-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:46 12/01/2020

37. Nhẫn nại làm cho người giàu có bị đè nén, nhưng lại khiến người nghèo được khôn ngoan.

(Thánh Cyprianus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


---------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:50 12/01/2020
15. LẤY CỜ VÂY KHỐNG CHẾ GIẬN DỮ

Lý Nộ làm quan bộc xạ, thường ngày tính cách rất hấp tấp, nhưng rất thích đánh cờ thế, chỉ cần lúc đánh cờ thì tính tình lại nhu thuận khoan hoà, so với lúc bình thường thì giống như hai người vậy.

Dó đó, để chế ngự Lý Nộ giân dữ, nên trước khi Lý Nộ sắp phát tác thì đem bàn cờ ra bỏ trước mặt ông ta, Lý Nộ chỉ cần nhìn thấy con cờ thì tất cả nộ khí đều biến mất, cầm con cờ bố trận tính toán thì tất cả chuyện trước mắt đều quên hết.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 15:

Tính nóng nảy thì ai cũng có, nhưng người không biết kềm chế tính nóng thì hậu quả khó lường được, còn người biết chế ngự nó thì trở thành mẫu gương anh hùng trong trận chiến với cái tôi của mình và làm cho người khác cảm phục.

Có người dùng cách đánh cờ tướng để chế ngự tính nóng; có người nghe âm nhạc để trị tính nóng của mình; có người thích đàn hát để kềm chế sự nóng tính của mình... tất cả những người biết kềm chế tính nóng nảy của mình đều là những người có tinh thần hướng thiện và cầu tiến...

Chỉ cần nhìn bàn cờ mà Lý Nộ hết nổi nóng thì quả là người mê đánh cờ hơn cả mê vợ thương con, bởi vì vợ con không can nổi tính nóng của chồng bằng bàn cờ...

Người Ki-tô hữu thì khác với Lý Nộ, bởi vì khi nổi nóng thì họ nhìn lên Đức Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá để chế ngự tính nóng của mình, bởi vì họ yêu mến Ngài hơn cái tôi nóng giận của mình gấp trăm gấp ngàn lần...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của Đức Thánh Cha Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa nhấn mạnh phải rửa tội cho trẻ khi còn thơ
Đặng Tự Do
18:08 12/01/2020
Có những trào lưu chủ trương chỉ rửa tội cho những ai đã trưởng thành. Khi rửa tội cho 32 hài nhi, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích tại sao phải rửa tội cho trẻ ngay khi còn thơ.



Lúc 9 giờ 30 sáng Chúa Nhật 12 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa trong nhà nguyện Sistina, và theo một truyền thống tại Vatican, ngài ban bí tích Rửa Tội cho 32 em bé, trong đó có 17 bé trai và 15 bé gái.

Bài Tin Mừng theo Thánh Matthêu kể về biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan như sau:

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan, để ông làm phép rửa cho. Nhưng Gioan can Người rằng: “Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?” Chúa Giêsu liền đáp lại: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người. Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người. Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”.

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha ứng khẩu nói:

Như Chúa Giêsu đã đến để được chịu phép rửa, anh chị em cũng mang theo con cái mình đến đây.

Chúa Giêsu đáp lại Thánh Gioan: “Như thế để giữ trọn đức công chính”. Rửa tội cho một em bé là một hành vi công chính cho em bé. Tại sao? Bởi vì trong Bí tích Rửa tội chúng ta trao cho em bé một kho báu, trong Bí tích Rửa tội chúng ta trao cho em một bảo chứng: là Chúa Thánh Thần. Từ Bí tích Rửa tội em bé bước ra với sức mạnh của Thánh Thần bên trong: Chúa Thành Thần sẽ bảo vệ, trợ giúp em trong suốt cuộc đời. Đây chính là lý do tại sao Rửa tội cho các trẻ em ngay khi chúng còn thơ là một điều vô cùng quan trọng, vì các em lớn lên với sức mạnh của Thánh Thần.

Sứ điệp mà cha muốn trao cho các con hôm nay là anh chị em đưa con cái mình đến đây, cho chúng lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, như thế trong các em có Chúa Thánh Thần. Anh chị em hãy chăm sóc các em qua việc việc dạy dỗ, giáo dục đức tin, sống gương mẫu tại nhà, để chúng được lớn lên với ánh sáng, quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đây là sứ điệp cha muốn trao cho anh chị em.

Cha không có gì khác ngoài lời cảnh báo này: Các em bé không quen đến nhà nguyện Sistina, đối với các em đây là lần đầu tiên. Các em không quen ở trong môi trường kín và ấm áp như thế này. Cũng không quen mặc đồ đẹp như hôm nay. Và rồi một lúc nào đó các em cảm thấy khó chịu. Một bé sẽ khóc buổi hòa nhạc chưa bắt đầu! – nhưng một bé sẽ bắt đầu, rồi một bé khác. Đừng sợ, các con hãy để các bé khóc và kêu la.

Nếu trẻ khóc hay kêu la, có thể vì các bé quá nóng: hãy cởi bớt đồ cho các bé; hoặc có thể do các bé đói: hãy cho bé bú, ngay tại đây, vâng, luôn trong bình an.

Các bé có xu hướng “hợp xướng” với nhau : chỉ cần một em “a” và tất cả bắt đầu, và buổi hòa nhạc sẽ diễn ra. Đừng sợ. Một em bé khóc trong nhà thờ là một bài giảng đẹp. Các con hãy làm cho các bé cảm thấy ổn và chúng ta hãy tiếp tục buổi lễ.

Sau đó, Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện:

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy vững dạ dâng lên Chúa những lời cầu nguyện của chúng ta cùng Chúa Cha.

Cầu cho Đức Thánh Cha và các giám mục. Xin Chúa nhận lời chúng con.

Xin Chúa bảo vệ Giáo hội Chúa trong đức tin chân chính. Xin Chúa nhận lời chúng con.

Cầu cho những nhà lãnh đạo các dân nước biết mang lại hòa bình. Xin Chúa nhận lời chúng con.

Xin cho các hài nhi lớn lên trong thanh thản, khỏe mạnh và khôn ngoan. Xin Chúa nhận lời chúng con.

Xin ban phép lành và thánh hóa gia đình chúng con. Xin Chúa nhận lời chúng con.

Xin hoán cải con tim những người tội lỗi và bạo lực. Xin Chúa nhận lời chúng con.

Xin an ủi những người đau khổ và chịu thử thách. Xin Chúa nhận lời chúng con.

Sau đó, Đức Thánh Cha mời gọi cộng đoàn cùng cầu nguyện với các thánh bổn mạng của các hài nhi.

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời – Cầu cho chúng con.
Thánh Gioan Baotixita – Cầu cho chúng con.
Thánh Giuse – Cầu cho chúng con.
Thánh Phêrô và Phaolô – Cầu cho chúng con.
Thánh Anrê – Cầu cho chúng con.
Thánh Gioan và Thánh Giacôbê – Cầu cho chúng con.
Thánh Tôma – Cầu cho chúng con.
Thánh Philípphê và Thánh Bạctôlômêô – Cầu cho chúng con.
Thánh Matthêu – Cầu cho chúng con.
Thánh Simon và Thánh Giuđa – Cầu cho chúng con.
Thánh Mátta – Cầu cho chúng con.
Các thánh nam cùng các thánh nữ – Cầu cho chúng con.

Khi rửa tội cho từng em, các vị rửa tội hỏi:

Anh chị đặt tên cho em là gì?

Anh chị xin Hội Thánh cho em điều gì?

Khi xin phép Rửa Tội cho con cái, anh chị lãnh nhận trách nhiệm giáo dục em trong Ðức Tin, để em tuân giữ các giới răn Chúa là mến Chúa yêu người như Chúa Kitô đã dậy chúng ta. Anh chị có ý thức điều đó không?

Anh chị đỡ đầu có sẵn sàng giúp đỡ cha mẹ em này thi hành nhiệm vụ nầy không?

Cộng đoàn Kitô rất hoan hỉ đón nhận con. Nhân danh cộng đoàn, cha ghi dấu thánh giá cho con.
 
Văn Kiện Tự Do Tôn Giáo của Ủy Ban Thần học Quốc Tế: Đóng góp của tự do tôn giáo vào việc sống chung và hòa bình xã hội
Vũ Văn An
18:26 12/01/2020
6. Đóng góp của tự do tôn giáo vào việc sống chung và hòa bình xã hội

Tự do tôn giáo vì thiện ích mọi người

66. Trong các chương trước, chúng ta đã xem xét các khía cạnh khác nhau của chủ thể cá nhân và cộng đồng của tự do tôn giáo, đào sâu trước nhất các chiều kích nhân học của tự do tôn giáo, và cả vị trí của nó đối vời Nhà nước. Suy tư của chúng ta, được khai triển trong viễn ảnh hợp nhất phẩm giá nhân vị, đã mô tả ý nghĩa và các hệ luận của tự do lương tâm – một đàng – và đàng khác, giá trị của các cộng đồng tôn giáo. Sau đó, chúng ta đã trình bầy một số quan điểm liên quan đến các mâu thuẫn cố hữu trong ý thức hệ Nhà nước trung lập, khi “tính trung lập” này thoái hóa theo nghĩa “loại bỏ” việc tham gia hợp pháp vào việc hình thành nền văn hóa công cộng và dây liên kết xã hội. Giờ đây, điều thích đáng là chúng ta sẽ dừng lại ở việc thi hành tự do tôn giáo cụ thể, nghĩa là các chủ đề thực tế của việc làm trung gian giữa đời sống xã hội và định chế pháp lý có nhiệm vụ qui định việc thi hành cụ thể của nó.

Hiện hữu với nhau có phẩm tính sự thiện

67. Hiện hữu với nhau, sống chung với nhau, tự nó, là một điều thiện cho cả các cá nhân lẫn cộng đồng. Sự thiện này không phải là kết quả của việc chấp nhận một viễn kiến lý thuyết đặc thù; việc biện minh nó phát sinh từ chính bằng chứng tương lai của nó [73]. Bao lâu sự kiện này được nhìn nhận, đánh giá cao và bảo vệ, nó sẽ góp phần vào hòa bình xã hội và thiện ích chung. Việc chấp nhận sống chung của con người và việc tìm kiếm phẩm chất tốt hơn của nó nói lên tiền đề nền tảng cho một thỏa thuận - một liên minh, có thể nói như thế, có thể tự nó tạo nên các điều kiện cho cuộc sống tốt đẹp cho mọi người. Thực vậy, một trong các dữ kiện gây ấn tượng hơn cả, về chủ đề tranh chấp hiện đang gây nên những lo âu trầm trọng nhất, chính là sự kiện các gẫy đổ và khiếp đảm đang châm ngòi cho một thứ thế chiến “từng mảng” (74), bất chợt phá hoại một cách điên khùng các cuộc sống chung hòa bình vốn được trải nghiệm lâu dài và được bồi đắp với thời gian, và để lại phía sau chúng một loạt không cùng các đau khổ cho các cá nhân và dân tộc [75]. Trong bối cảnh đầy đau khổ ngày nay, ta không thể làm ngơ các hậu quả cụ thể mà các cuộc di dân vì tranh chấp chính trị hay các điều kiện kinh tế tạo nên cho việc thi hành tự do tôn giáo trên thế giới, vì các di dân thường ra đi mang theo tôn giáo của họ [76].

68. Chỉ ở những nơi có ý muốn sống chung với nhau, người ta mới có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp cho mọi người: nếu không, sẽ không có tương lai tốt đẹp cho một ai. Trong thời đại hoàn cầu hóa này, nhu cầu nền tảng của con người muốn được an tòan và sống trong cộng đoàn không thay đổi: sinh ra tại một nơi cụ thể luôn hàm nghĩa tương tác với những người khác, bằng cách bắt đầu với những người gần gũi nhất, nhưng trên thực tế tương tác với toàn thể thế giới. Nguyên sự kiện này đã khiến chúng ta chịu trách nhiệm lẫn nhau, người lân cận cũng như người ở xa. Ngày nay, các trách nhiệm ngày càng có tính liên lập, vượt quá các dị biệt xã hội hay biên giới. Các vấn đề có tính quyết định đối với sự sống nhân loại chỉ có thể được giải quyết trong viễn ảnh tương tác cả địa phương lẫn trần thế. Vì lý do này, thiện ích thực tế của việc sống chung không phải là một thiện ích tĩnh nhưng luôn biến hóa, một cuộc biến hóa, muốn tự phát triển một cách thích đáng, phải được bảo đảm cả về phương diện chính trị [77]. Các cộng đồng tôn giáo, tự đặt mình trong điều kiện cổ vũ các lý lẽ siêu việt và các giá trị nhân bản của việc sống chung, là một nguyên tắc làm sinh động tình yêu hỗ tương để hợp nhất toàn thể gia đình nhân loại. Thiện ích sống chung trở nên nguồn phong phú cho mọi người, khi mọi người ai nấy đều lo lắng muốn sống chung tốt đẹp với nhau.

69. Đối với việc hài hòa các chiều kích tạo nên cuộc sống chung, điều đặc biệt quan trọng là lãnh vực các niềm tin tôn giáo và các xác tín đạo đức thân thiết nhất của con người: nghĩa là các niềm tin và xác tín trong đó, họ đầu tư bản sắc sâu xa của họ và điều hướng các thái độ của họ đối với lương tâm và tác phong của những người khác. Người ta không thấy tại sao, trong việc tôn trọng lẫn nhau, người ta lại không thể chia sẻ như một thiện ích dưới quyền sử dụng của mọi người mối tương quan bản thân và cộng đồng được các tôn giáo vun xới đối với Thiên Chúa. Dù sao, chắc chắn đây không phải là một thiện ích được kinh nghiệm này vun xới lén lút, mà không được mọi thành viên của xã hội tự do nhìn nhận và tiếp cận. Tinh thần gôn giáo vun xới mối tương quan với Thiên Chúa như một thiện ích liên quan tới hữu thể nhân bản: sự thành thực và phúc lành của xác tín này phải có khả năng được mọi người kiểm nghiệm và đánh giá cao. Từ đó phát sinh cả việc dấn thân của các tín hữu trong việc cải thiện phẩm chất đối thoại giữa kinh nghiệm tôn giáo và cuộc sống xã hội. Mọi người đều lưu ý tới việc phải vượt qua các sai trệch của kiến thức xã hội liên quan đến ý hướng duy dửng dưng và tương đối triệt để.

Biện phân chính đáng về tự do tôn giáo

70. Như chúng ta đã nhận xét, người ta không thể thừa nhận cùng một giá trị như nhau cho mọi hình thức khả hữu của kinh nghiệm tôn giáo – cá nhân hay tập thể, lâu đời hay mới đây. Thành thử điều cần thiết là lượng giá các hình thức khác nhau của lòng đạo và so sánh chúng căn cứ vào thái độ của chúng trong việc bảo vệ ý nghĩa phổ quát và thiện ích chung của việc hiện hữu với nhau [78]. Theo chiều hướng này, mỗi tôn giáo đang hoạt động trong xã hội phải chấp nhận “hiện diện” trước các đòi hỏi chính đáng của lý lẽ “xứng đáng” với con người. Thực vậy, thẩm quyền chính trị, người bảo vệ trật tự công cộng, có nghĩa vụ phải bảo vệ các công dân, đặc biệt những người yếu đuối nhất, chống lại các sai trệch phe phái của một số tham vọng tôn giáo (thao túng tâm lý và cảm xúc, bóc lột kinh tế và chính trị, chủ nghĩa cô lập...). Trong các đòi hỏi chính đáng của lý trí trong các hệ quả pháp lý và chính trị mà người ta có thể trưng dẫn trong mấy năm gần đây, có tính hỗ tương hòa bình trong các quyền tôn giáo, kể cả quyền tự do trở lại đạo [79].

Tính hỗ tương hòa bình trong các quyền lợi có nghĩa: tương ứng với tự do phát biểu và thực hành mà một nước vốn ban cho một bản sắc tôn giáo thiểu số, phải là một việc nhìn nhận cân xứng quyền tự do cho các nhóm thiểu số tôn giáo của các nước trong đó bản sắc này, ngược lại, là đa số. Tính hỗ tương hoà bình các quyền lợi này vượt quá nguyên tắc nổi tiếng cuius regio eius et religio (ai nấy có vùng và tôn giáo của riêng mình) từng được thánh hiến tại hòa ước Augsbourg năm 1555. Mối liên kết của một tôn giáo với Nhà nước, được đề xuất vào một thời khắc nhất định trong lịch sử Âu Châu để chứa đựng các quá lạm của điều người ta vốn gọi là “các cuộc chiến tranh tôn giáo” hiện nay xem ra đã bị vượt qua cùng với cuộc cách mạng thực sự của nguyên tắc công dân, một nguyên tắc ngụ hàm tự do lương tâm.

Các mở rộng của tự do tôn giáo

71. Thực vậy, ở một vài quốc gia, không hề có bất cứ tự do pháp lý nào cho tôn giáo, trong khi ở một số quốc gia khác, tự do pháp lý bị giới hạn đáng kể vào việc cộng đồng thi hành hoàn toàn tư riêng việc thờ phượng và các thực hành của mình. Trong những quốc gia như thế, việc phát biểu công khai một tín ngưỡng tôn giáo không được phép, mọi hình thức truyền thông tôn giáo nói chung bị ngăn cấm, và các hình phạt nặng nề, trong đó có hình phạt tử hình, được dành cho những ai muốn trở lại đạo hay tìm cách khuyên người khác trở lại đạo. Ở các nước có chế độ độc tài trong đó ý niệm vô thần thắng thế, và cả ở một số quốc gia, với mọi phân biệt mong muốn, vốn tự coi là dân chủ, thành viên các cộng đồng tôn giáo thường bị bách hại hoặc chịu các đối xử bất lợi ở chỗ làm việc, bị loại trừ khỏi các chức vụ công cộng và ngăn cản tiếp cận một số bình diện trợ giúp xã hội. Cũng thế, các công trình xã hội do các Kitô hữu thành lập (trong phạm vi sức khỏe, giáo dục...) bị đặt dưới nhiều hạn chế thuộc bình diện luật lệ, tài chánh hoặc truyền thông, khiến việc phát triển của họ thành khó khăn nếu không muốn nói là bất khả. Trong mọi hoàn cảnh như thế, quả không có tự do tôn giáo chân chính. Tự do tôn giáo chân chính chỉ khả hữu nếu nó được tự phát biểu thực sự [80].

72. Một lương tâm tự do và được soi sáng giúp ta tôn trọng mọi cá nhân, khuyến khích việc thành toàn của con người và khước từ các tác phong gây hại cho cá nhân hay thiện ích chung. Giáo Hội quan tâm tới việc các chi thể của mình được sống đức tin của họ một cách tự do và các quyền lương tâm của họ được bảo đảm trong khi chính họ tôn trọng quyền lợi của người khác. Sống đức tin đôi khi có thể đòi phải phản đối lương tâm. Thực vậy, luật lệ dân sự không bắt buộc lương tâm khi chúng mâu thuẫn với nền đạo đức tự nhiên, và do đó, Nhà Nước phải nhìn nhận quyền các nhân vị được phản đối lương tâm [81]. Mối liên kết tối hậu của lương tâm là mối liên kết với Thiên Chúa duy nhất, là Cha mọi người. Bác bỏ tham chiếu siêu việt này có nguy cơ sinh tử phát sinh nhiều hình thức tùy thuộc khác, theo châm ngôn sắc sảo của Thánh Ambrôsiô: “người trốn một ông chủ duy nhất có biết bao ông chủ khác” [82].

Kỳ tới: 7. Tự do tôn giáo trong sứ mệnh của Giáo Hội
 
Đức Thánh Cha Phanxicô rửa tội cho trẻ em tại Nhà nguyện Sistina
Thanh Quảng sdb
18:40 12/01/2020
Đức Thánh Cha Phanxicô rửa tội cho trẻ em tại Nhà nguyện Sistina

Trong ngày lễ Chúa chịu phép rửa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nguyện đường Sistina và rửa tội cho 32 em bé.
(Christopher Wells – Tin Vatican)
Theo truyền thống, Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ Lễ Chúa chịu phép rửa trong Nhà nguyện Sistina vào Chúa Nhật lễ này. Lễ kỷ niệm biến cố Chúa chịu phép rửa do thánh Gioan Tiền hô, người anh họ của Chúa làm tại dòng sông Jordan.
Trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã rửa tội cho hơn ba mươi bé thơ được sinh ra trong năm qua của gia đình các nhân viên và ngoại giao đoàn làm việc cho Tòa thánh tại Vatican.

Một hành động hợp lý
Trong bài giảng trước nghi lễ rửa tội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lặp lại lời thánh Gioan thưa cùng Chúa Giêsu: Tôi mới là người phải tới xin Ngài làm phép rửa, Sao Ngài lại đến với tôi! Đức Thánh Cha Phanxicô nói Rửa tội cho một trẻ thơ là một công việc hợp lý, vì qua Bí tích Rửa tội, chúng được nhận lãnh một báu vật, đó là Chúa Thánh Thần. ĐTC nói điều quan trọng trẻ em phải được rửa tội, hầu chúng được lớn lên trong hồng ân sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Đức Thánh Cha cũng kêu gọi cha mẹ và người đỡ đầu hãy chăm sóc cho các em được lớn lên trong ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, qua việc dạy giáo lý, nâng đỡ, giáo huấn, gương sáng trong gia đình… Đây là một sứ điệp mà cha muốn gửi đến anh chị em hôm nay.

Một bài giảng hay
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng chia sẻ mối ưu tư chăm sóc mục vụ của ngài dành cho các gia đình trẻ, Đức Thánh Cha nói đừng lo nếu các em có gây ồn ào trong thánh lễ. Đây là lần đầu tiên các em tới nguyện đường này, nếu các em có khóc, hãy cứ để cho chúng khóc thoải mái, đừng bận tâm phải giỗ dành nó thái quá! ĐTC nói trẻ con thích toa rập, một em khóc là các em khác cũng khóc theo… Nếu một trẻ thơ vang khóc trong nhà Chúa, thì đó là một điều đẹp...
Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận chúng ta hãy mang Chúa Thánh Thần đến cho các em.
 
Đức Bênêđíctô thứ 16 phá vỡ sự yên lặng và lên tiếng về cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội
Đặng Tự Do
19:39 12/01/2020
Trong một diễn biến được thông tấn xã Reuters gọi là một quả bom chấn động, tờ Le Figaro đã công bố một trích đoạn của cuốn “From the Depths of our Hearts”, nghĩa là “Từ sâu thẳm tâm hồn chúng tôi”, do Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và Đức Hồng Y Robert Sarah viết chung với nhau. Reuters cho biết “Vatican chưa đưa ra lời bình luận nào ngay tức khắc về cuốn sách [bản tiếng Pháp] sẽ được xuất bản vào ngày thứ Hai”.

Dưới đây là bản dịch toàn văn phúc trình của thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây.

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, đã viết chung với nhau một cuốn sách về cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội và về thừa tác vụ linh mục.

“From the Depths of our Hearts”, nghĩa là “Từ sâu thẳm tâm hồn chúng tôi”, bản tiếng Anh sẽ được nhà xuất bản Ignatius Press cho ra mắt. Ngay từ bây giờ có thể đặt hàng trước, và sẽ được nhà xuất bản gởi đi vào ngày 20 tháng Hai.

Cha Joseph Fessio, sáng lập viên và là chủ biên của Ignatius Press cho biết: Tác phẩm này “không chỉ đề cập đến luật độc thân linh mục, mà tự bản thân là điều quan trọng, nhưng như Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 mô tả trong đoạn đầu tiên, tác phẩm này còn bàn đến ‘cuộc khủng hoảng kéo dài mà chức tư tế đã phải trải qua trong nhiều năm qua’. Và còn hơn thế nữa; các ngài còn bàn đến bản chất của Giáo Hội và bản chất tình môn đệ Kitô giáo.”

Theo Ignatius Press, Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah đã chân thành đề cập đến những thách thức tâm linh mà ngày nay các linh mục phải đối mặt, bao gồm những đấu tranh với bản thân để giữ luật độc thân linh mục, và các ngài chỉ ra sự hoán cải sâu sắc hơn để nên giống Chúa Giêsu Kitô như là chìa khóa cho sự trung tín trong ơn gọi và cho những hiệu quả của chức tư tế cũng như cho sự cải tổ trong Giáo Hội.

Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah viết rằng “chức tư tế đang trải qua một thời kỳ đen tối. Bị tổn thương quá nhiều sau khi những vụ tai tiếng được loan tải, lại còn phải ngỡ ngàng trước những câu hỏi liên tục được đặt ra về tình trạng độc thân tận hiến của mình, nhiều linh mục bị cám dỗ trước ý nghĩ từ bỏ và buông trôi mọi thứ.”

Cuốn sách này có ý nghĩa là một thông điệp của hy vọng, và là lời giải thích theo Kinh Thánh và về phương diện siêu nhiên ý nghĩa và tầm quan trọng của đời sống độc thân linh mục, mà các ngài cho là vượt rất xa “một giới luật đơn thuần của Giáo Hội”.

Theo Ignatius Press, các tác giả “nhấn mạnh rằng việc canh tân Giáo Hội đòi buộc một sự hiểu biết mới mẻ về ơn gọi linh mục như một chia sẻ trong căn tính tư tế của Chúa Giêsu dành cho Hiền Thê Giáo Hội”, và “các ngài khẳng định rằng khi các linh mục được tùy chọn sống độc thân hay không thì lúc đó chức linh mục không còn là một chức tư tế đích thực nữa.”

Nhà xuất bản nói thêm rằng cuốn sách này là một phần “để đáp lại những lời kêu gọi đổi mới chức tư tế, bao gồm các đề xuất từ Thượng Hội Đồng Amazon”.

Một số tiếng nói tại hội nghị tháng 10 năm 2019 đã đưa ra yêu sách phong chức linh mục cho những người đàn ông đã kết hôn ở khu vực Amazon, như một phản ứng đối với tình trạng thiếu ơn gọi trong vùng.

Nhưng, một số tham dự viên tại hội nghị nói rằng việc thiếu linh mục trong khu vực Amazon không phải là do nghĩa vụ độc thân linh mục, và Giáo Hội phải cầu nguyện cho ơn gọi và củng cố tiến trình đào tạo linh mục trong khu vực này.

CNA đã báo cáo ngày 8 tháng 10 rằng Đức Hồng Y Sarah, cùng với Đức Hồng Y Peter Turkson và những người khác, đã thúc giục trong diễn đàn của Thượng Hội Đồng rằng kỷ luật độc thân linh mục của Giáo Hội phải được tuân giữ trong khu vực Amazon.

Luật độc thân linh mục cũng đã và đang bị chất vấn trong cái gọi là tiến trình công nghị với hiệu quả ràng buộc đang được thực hiện trong Giáo Hội tại Đức.

Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, của Công Đồng Vatican II, được công bố vào năm 1969, về chức vụ và đời sống của các linh mục, đã khẳng định rằng “sự tiết dục triệt để và vĩnh viễn vì lợi ích Nước Trời, được Chúa Kitô tuyên dương và được Giáo Hội tuân giữ có giá trị cao một cách đặc biệt cho đời sống linh mục.”

Sắc lệnh khẳng định rằng qua “cuộc sống độc thân được tuân giữ vì Nước Trời, các linh mục được thánh hiến cho Chúa Kitô bởi một lý do mới mẻ và ngoại thường. Các ngài gắn bó với Chúa Giêsu một cách dễ dàng hơn với một trái tim không bị chia cắt, các ngài cống hiến một cách tự do hơn trong Chúa Kitô và qua Chúa Kitô để phục vụ Thiên Chúa và con người, và các ngài khẩn trương hơn trong thừa tác vụ dành cho Nước Người.”

Công Đồng Vatican II dạy tiếp rằng: “Như thế, các ngài tuyên xưng mình trước nhân loại như những người sẵn sàng tận tụy với chức vụ được giao phó cho mình, và do đó, gợi lên cuộc hôn nhân mầu nhiệm do Chúa Kitô thiết lập, sẽ được thể hiện viên mãn trong tương lai, trong đó Giáo Hội là Hiền Thê duy nhất của Chúa Kitô”

Các linh mục sống độc thân, theo Công đồng Vatican II, trao ban cho thế giới “một dấu chỉ sống động về một thế giới sẽ đến, nơi mà những con cái của Chúa Phục sinh không lấy vợ lấy chồng nữa.”

Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis nhấn mạnh thêm rằng luật độc thân linh mục được gọi là “một ân sủng của Chúa Thánh Thần, rất phù hợp với chức tư tế của Tân Ước, được Chúa Cha trao ban cách nhưng không.”

Sắc lệnh của Vatican II nói rằng Công Đồng “không chỉ yêu cầu các linh mục mà tất cả các tín hữu phải ao ước có thể nhận được ân sủng quý giá của đời sống độc thân linh mục trong tâm hồn mình và họ phải xin Chúa luôn ban tặng ân sủng này cho Giáo Hội”.


Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ An Nhơn Sàigòn: Hội chợ Xuân Canh Tý
Martinô Lê Hoàng Vũ
10:10 12/01/2020
“Mùa xuân ta chúc nhau bao ước muốn bao hy vọng,cùng rủ nhau mau bay về, khắp trên môi nụ cười”Đó là ca khúc rộn ràng trong ngày diễn ra hội chợ Xuân Canh Tý tại Giáo xứ An Nhơn,hạt Xóm Mới,SG.

Vào lúc 19g ngày 11.12.2020,tức là ngày 17 tháng chạp,sau Thánh lễ chiều tại khuôn viên giáo xứ An Nhơn chật cứng người ra vào.Linh mục chánh xứ Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ hiện diện và tuyên bố khai mạc chương trình hội chợ Xuân Canh Tý.Hội chợ quy tụ rất nhiều mặt hàng cho bà con giáo dân và cả những người không Công Giáo, những người nghèo trong khu vực đến mua và mang về những phần quà ý nghĩa.

Xem Hình

Bên cạnh đó, những bà con còn khó khăn kinh tế trong giáo xứ được tặng gạo, đường, mì gói và bột ngọt… có những cụ già đi xe lăn xe lắc vào nhà xứ nhận quà miệng cười móm mén.Trong khuôn viên có những gian hàng ẩm thực như chè, nước mát, bánh bao chỉ,các loại mắm,và có cả quần áo cũ.Trong số những gian hàng đó,có các gian hàng của quý sơ như bán hoa,các loại cây kiểng, đó là quý sơ có các cộng đoàn dòng tu trong địa bàn giáo xứ An Nhơn.

Không gian lúc này thật vui với những ánh sáng lung linh của đèn led như những phiên chợ đêm nghĩa tình miền núi.Được biết, đây là chương trình hằng năm của giáo xứ mỗi dịp xuân về.

Martinô Lê Hoàng Vũ
 
Đức Cha Giáo phận gặp gỡ Phong trào Cursillo Xuân Lộc nhân dịp Lễ Mừng Kính Thánh Phaolo – Bổn Mạng Phong trào.
Nữ tu Teresa Ngọc Lễ, OP
10:30 12/01/2020
Đức Cha Giáo phận gặp gỡ Phong trào Cursillo Xuân Lộc nhân dịp Lễ Mừng Kính Thánh Phaolo – Bổn Mạng Phong trào.

“Chứng nhân lòng thương xót của Chúa” là chủ đề của ngày gặp gỡ và mừng bổn mạng của của phong trào Cursillo Xuân Lộc trong buổi sáng thứ Bảy 11/1/2020. Có hơn 300 anh chị cursillista của Xuân Lộc và môt số cursillista thuộc một vài giáo phận khácđã tham dự ngày mừng lễ Quan Thầy sớm tại Giáo xứ Bùi Chu, Hạt Phú Thịnh. Đặc biệt, quý anh chị cursillista còn được đón tiếp Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Giáo phận đến chia sẻ huấn từ, dâng thánh lễ và chung chia niềm vui.

Xem Hình

8g00:Sau những giây phút gặp gỡ, đón tiếp, Đại Hội Ultreya khởi đầu với phần thánh hóa và khai mạc do Cha Giuse Đinh Nam Hưng – Linh hướng Phong trào Cursillo Xuân Lộc chủ sự. Những lời khai mạc sâu sắc, ngắn gọn đã dẫn đưa quý anh chị cursillista đi vào ngày gặp gỡ với chính tâm tình của Thánh Bổn Mạng “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14).

15 phút cho phần hội nhóm với các câu hỏi gợi ý chia sẻ. Từng nhóm 3 hay 4 người quy tụ lại,các anh chị cursillista đã sẻ chia cho nhau những trải nghiệm thiêng liêng, như thổi thêm vàohồn sống của phong trào Cursillo trong ơn gọi của mình. Tiếp sau đó, quý anh chị đã lắng nghe những chia sẻ chứng nhân và chia sẻ đáp ứng, theo cách thức của phong trào.Với những trải nghiệm “sống ngày thứ tư” quả là quý giá, không chỉ cho bản thân họ,nhưng còn là truyền trao cho nhau động lực để tín thác vào Chúa hơn, và để trở nên men và muối cho trần gian.

Phần tóm lược chia sẻ của Cha Linh Hướng Giuse đã cho thấy các anh chị cursillista đang cố gắng trở nên những chứng nhân lòng thương xót, là tông đồ của Chúa giữa biết bao khó khăn cuộc sống. Những gì họ đã sống được xem như là những món quà quý để mừng Lễ Quan Thầy của Phong trào Cursillo Xuân Lộc.

10g30, dù vừa xuống xe sau chuyến đường dài của một lịch mục vụ, nhưng Đức Cha Giáo phận đã bắt đầu ngay cuộc gặp gỡ, chia sẻ, huấn từ và gửi trao sứ mạng cho quý anh chị cursillista của Giáo phận.

Giáo phận tiếp tục những năm mục vụsống lòng thương xót

Đức Cha giải thích lý do tại sao chương trình Mục vụ của Giáo phận mãi nhấn mạnh, kéo dài nhiều năm về chủ đề lòng thương xót, do Đức Cha đề ra. Ngài cho hay, nguồn cảm hứng để Đức Cha quyết định những năm mục vụ về lòng thương xót cho Giáo phận là từ nơi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đấng đã khơi dậy việc tôn vinh, tìm kiếm, van xin lòng thương xót của Thiên Chúa trong triều đại giáo hoàng của Ngài. Cho dẫu Giáo Hội Hoàn Vũ đã mở ra và kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót (2016), nhưng nơi Giáo phận Xuân Lộc này, những năm mục vụ sống lòng thương xót vẫn chưa khép lại. Vì thế, ngoài năm thánh về lòng thương xót, Giáo phận tiếp tục khai triển chương trình mục vụ về cách sống lòng thương xóttừ năm 2016 đến nay. Điều này cho thấy Giáo phận vẫn tiếp tục mời gọi mọi người hãy để cho lòng thương xót của Thiên Chúa thấm vào con người, sau đó, từng người sẽ sống, và trao ban lòng thương xót đến cho người khác.

“Này là mình Thầy”: nhắc nhở niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa

Chương trình mục vụ với chủ đề lòng thương xót giúp khơi gợi niềm hy vọng cho mọi người khi nhìn lạitội lỗi của mìnhtrước Chúa. Đức Cha nhấn mạnh, nhưng“dù chúng ta có tội lỗi thật nhiều, hãy cứ hy vọng vào lòng thương xót của Chúa.” Tại sao chúng ta có thể hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa trên cuộc đời nhơ bẩn, tội lụy của mình? Vừa giải thích nhưng cũng là chia sẻ cảm nghiệm khi Đức Cha chọn khẩu hiệu giám mục “Này là Mình Thầy”. Khẩu hiệu này liên quan gì đến lòng thương xót? Đức Cha giải thích, vì Chúa Giêsu đã cam kết, đã tặng ban chính thân thể Người cho nhân loại, chẳng giữ lại gì. Vì thế, chúng ta vẫn còn niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa trên tội lỗi của mình. Nhưng chúng ta có muốn, có tin, có tìm kiếm, hy vọng vào lòng thương xót của Chúa, muốn đứng dậy sau bao vấp ngã, hay chúng ta mãi kiêu căng, không cần đến lòng Chúa xót thương.

Sứ mệnh của cursillista -Xuân Lộc: chứng nhân và máng chuyển lòng thương xót của Chúa cho tha nhân

Từ kiến thức, Đức Cha đã biến thành hành động cụ thể đối với anh chị cursillista- Xuân Lộc khi trao cho sứ mệnh trong năm mới 2020. “Cha trao cho các anh chị cursillista một sứ mệnh: Hãy trở nên những chứng nhân cho lòng thương xót và trở thành máng chuyển lòng Chúa xót thương đến cho những người các anh chị gặp gỡ”. Sứ mệnh này, như Đức Cha hướng dẫn, sẽ được thực hiện bằng việc: học nơi Chúa Giêsu về cách sống lòng thương xót; tập chịu đựng những đau khổ, đón nhận, yêu thương và tha thứ cho cả những người gây nên đau khổcho mình …Và như thế, với chất lòng thương xót đã thấm đẫm, người cursillista có thể cộng tác với chương trình cứu độ của Thiên Chúa trên người khác, cứu lấy những người có tội, biến Giáo phận trở thành thánh địa của lòng thương xót.

Tiếp theo phần huấn từ, Đức Cha Giuse đã cùng với quý cha linh hướng phong trào Cursillo và quý cha dâng Thánh Lễ mừng kính Thánh bổn mạng trong tâm tình hiệp thông, sốt mến, tràn đầy niềm vui và ân sủng, cùng với thao thức với sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Nếu năm xưa, Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian” (Mc 16,15), thì dường như lời truyền này cho đến hôm nay, xét trên toàn cục thế giới về những người còn chưa biết Chúa, xem ra chẳng hiệu quả? Đức Cha mở đầu bài giảng bằng lời cật vấn này. Nếu với thực trạng ngay tại Xuân Lộc, người Công Giáo nơi giáo phận được xem là đông nhất so với tất cả các giáo phận khác tại Việt Nam, nhưng vẫn còn đó khoảng 70% là người chưa biết Chúa, thì chúng ta có băn khoăn, thao thức?Khi mà ngày nay, nhiều người đang ghét Chúa vì những việc xấu con cái của Chúa làm; khi mà cuộc sống đầy đủ quá khiến nhiều người thấy mình chẳng cần gì đến Chúa; số khác thì chẳng tìm Chúa vì mải bận rộn với kế sinh nhai, những người trẻ bỏ mặc Chúa vì thích hưởng thụ… vậy thì liệu chừng lời của chúng ta nói về Chúa, họ có thèm để ý, muốn nghe? Dù thực tế là thế, nhưng Đức Cha nhấn mạnh rằng, chúng ta vẫn có thể nói về Chúa một cách hiệu quả, để họ nhận ra Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế bằng việc sống tình yêu và lòng thương xót. Đó chính là cách thức tốt nhất để người cursillista rao giảng, đi tới những vùng ngoại biên, người đau khổ, di dân, người trẻ…làm cho những đối tượng chưa biết Chúa được thấy, nhận ra được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa qua con cái của Người. Và, khi ra đi, Đức Cha khuyên nhủ, anh chị cursillista hãy bắt chước mặc lấy tâm tình của Thánh Phaolô “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi” (2 Cr 5,14), để cho người khác nhận ra họ đang hạnh phúc vì được là môn đệ của Chúa Giêsu, được phục vụ Người, được loan truyền về Chúa cho anh chị em mình.

Ngày mừng bổn mạng của Phong Trào Cursillo Xuân Lộc kết thúc với tiệc yêu thương, rút thăm lãnh quà, và nhận các Bản tin Ultraya định kỳ của phong trào. Cũng trong dịp này, Cursillo Xuân Lộc cũng cầu nguyện cho bác Giuse Nguyễn Đức Tuyên, Orange-nhân dịp mừng Thượng thọ 90 tuổi-người đã góp công sức rất nhiều trong việc tái khởi động phong trào Cursillo tại Xuân Lộc, sau đó, truyền lan ra các giáo phận khác tại Việt Nam.

Tin, ảnh: Nữ tu Teresa Ngọc Lễ, OP
 
Văn Hóa
Tuổi trẻ sức sống
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
03:03 12/01/2020


Tôi yêu hoa kiểng, mến cây cảnh và thích nuôi chim cá. Ngắm một đoá hoa nở; chăm chút một dáng cây ưng ý; nhìn đàn cá tung tăng; nghe tiếng chim hót thánh thót, tâm hồn thấy vui tươi thanh thản nhẹ nhàng. Vui đời cho đời vui.

1. Cây cảnh

Xây xong Nhà thờ, bà con giáo dân trong xứ đem tặng nhiều cây kiểng quý. Vì thế, trong khuôn viên nhà thờ có nhiều cây cảnh đẹp. Đủ các thế, các dáng, mỗi cây một vẽ. Mỗi cây đều có tên gọi ý nghĩa như ”nghiêng phong”, “thác đổ”, “tam cương ngũ thường”…Mỗi dịp xuân về tết đến, các “nghệ nhân” cây nhà lá vườn nhiệt tình đến cần mẫn cắt tỉa, tạo dáng, chăm bón để những chậu kiểng mang nét đẹp mới cho mọi người vui xuân thưởng lãm.

Chơi cây cảnh là cả một nghệ thuật, đòi hỏi nhiều công phu và sự kiên nhẫn. Có lẽ khởi đầu của thú chơi kiểng là khi trầm trồ ngắm nghía một bông hoa, con người đã hái cành hoa đem về nhà để cái đẹp còn ở bên mình lâu hơn. Rồi từ từ, thích một dáng cây, người ta bứng cây về trồng, dày công chăm sóc để hàng ngày nhìn ngắm, thưởng thức. Tại sao mình không can thiệp vào cây, vào hoa để tạo ra cái đẹp đa dạng và phong phú hơn? Những ý nghĩ đó thôi thúc. Con người đã đi từ cảm nhận thuần tuý đến tác động của lý trí khi đối diện với cây cảnh, với hoa lá. Dần dần con người góp phần tạo ra một thiên nhiên mới theo từng phong cách riêng biệt.

Lối chơi, phong cách chơi được hình thành một phần từ đặc điểm thiên nhiên của từng vùng miền. Sài gòn khai thác thế mạnh ở các giống cây: cần thăng, mai chiếu thuỷ, mai xuân từ rào, vườn vào bồn, chậu. Thân lớn, đế gốc đẹp (vì mạch ngầm cạn, rễ ăn ngang), chi cành chủ yếu tán, mảng - cắt tỉa thành phiến vun lên ở giữa.

Hà Nội rất giỏi về cây tạo tầng, tán với các chủng loại sanh, tùng, la hán, ngâu. Bộ phận chơi bonsai khá táo bạo ở đường nét: thoáng gốc, cành không theo trật tự cứng nhắc mà thoải mái,hài hoà.

Nắng gắt, mưa dầm và bão lũ của miền Trung đã tạo ra kiểu khí tiết độc đáo của cây: cằn cỗi, gân guốc, tỷ lệ chi cành, thân gốc phù hợp, gần với tự nhiên. Các loại kiểng trồng chủ yếu là tùng, mai, gừa, sanh, me.

Cây khai thác ở Bình Định đặc sắc có sam, sơn liễu… Các nghệ nhân vùng này cắt tỉa rất công phu tạo thành từng mảng chi rất khúc chiết, thanh thoát. Cây vừa đẹp rất tự nhiên vừa phơi trải đường nét đầy quyến rũ từ dáng thế đến gốc rễ, thân cành. Theo dòng thời gian giao lưu nên có sự pha trộn phong cách ba miền theo nhu cầu sử dụng. Cái độc đáo của đường nét miền Trung đã du nhập khá mạnh vào vườn cảnh Bắc, Nam. Và cách tạo dáng cây cảnh đầy ưu thế cho trang trí của Sài Gòn, Hà Nội đã hiện hữu ở khắp các ngoại viên miền Trung. Ngoài yếu tố thưởng ngoạn, với cây cảnh, khi tạo tác và chăm sóc, con người đã ký thác nhiều triết lý nhân sinh hoặc ít nhất là sự thể hiện mình, thể hiện cái tôi với cuộc đời.

Với hoa, con người nhập cuộc bằng cả hệ thống ẩn ngữ. Nhiều khi mọi thứ thật đơn giản: sau bao công phu chăm sóc, cái chồi hoa, nụ hoa nhú ra và lúc hoa bừng nở tinh khôi, rạng rỡ như một tặng vật tuyệt vời thiên nhiên dành cho ta, con người cảm nhận được cái hạnh phúc vừa nhân quả vừa bất ngờ. Và, dù trường phái nào, phong cách nào, quá trình tạo tác cây cảnh đã góp phần làm con người tự hoàn thiện mình hơn. Xuân đến, hoa về trên mọi lối, thấy nôn nao và bận rộn. Một cành mai, một nhánh đào cũng đã làm nên phong vị Tết. Đào được ví như cốt cách người quân tử, vượt qua cô đơn giá lạnh mà tấm thân khô gầy vẫn giữ nguyên sắc màu cho hoa. Xuân cũng là mùa hoa cúc. Trong muôn vàn loài hoa, cúc được xếp vào hàng tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai). Cúc phong phú về chủng loại và đậm đà hương sắc. Cúc đẹp bởi sự giản dị khiêm nhường làm cho không gian mùa xuân thêm đằm thắm và lưu luyến. Một nhành mai tinh khiết, một đóa hồng tình yêu, cuộc đời thêm niềm vui.

2. Nuôi chim

Cùng với cây cảnh, chim cá là những vật nuôi làm đời sống tinh thần con người thêm phong phú. Ký ức tuổi thơ của nhiều người còn lưu giữ niềm vui, sự đam mê chăm sóc những con chim non trong cái hộp giấy hoặc chuyện lùng bắt cá thia, nuôi cá ngũ sắc trong các chậu đất hay chai lọ. Cái hấp dẫn của chơi chim có nhiều chặng: bẫy rập, thuần dưỡng và thưởng thức. Nghề bẫy rập cuốn hút sự đam mê không ít người. Từ huấn luyện chim mồi đến chọn địa điểm, cách điều khiển chim mồi chớp cánh (ở cu cườm)…, người đi nhử chim vừa có cái hồi hộp của thú đi săn khi con mồi lò dò đến bẫy, vừa có cái niềm vui chiến thắng hoặc hậm hụi luyến tiếc khi thất bại. Con chim bẫy được mang về, người nuôi chim công phu nhử chim ăn rồi tạo sự thích nghi từ con chim bổi thành chim nhà. Nó chịu ăn, chịu sống gần người rồi sinh đẻ (với yến, phụng, sẻ Tàu…) hoặc líu lo giọng hót (khướu, chích choè, hoạ mi, chớp mào…). Niềm vui của người chơi chim là chăm sóc và thưởng thức sắc màu, tiếng hót của chim. Đặc biệt là tiếng hót. Tiếng gáy, tiếng gù của chim cu cườm luôn làm nôn nao lòng người. Nó gợi nhớ đến vùng quê nơi ta sinh trưởng hoặc một lần đi qua. Con chích choè hay ríu rít ở bờ tre. Con sơn ca bay vút lên tầng không và thả xuống, cao dần từng dải âm thanh lảnh lót trên đồng ngập nắng mai. Con hoạ mi ngửa cổ phóng vào không gian những âm thanh ngọt sắc, đầy uy vũ khiến hồn người thoáng chút lãng đãng nhớ đến những khu rừng, những đêm trăng kỳ ảo.

3. Nuôi cá.

Nếu như tiếng nhạc chim làm trong trẻo cả không gian, làm thư thái và giàu có cho tâm hồn con người thì những vũ điệu im lặng và huyền ảo của cá cũng thật đặc biệt. Nhìn những con cá thần tiên buông các dải lụa mềm, thướt tha, uyển chuyển, những màu sắc và hình thể sinh động của cá bốn đuôi, cá đen, cá tỳ bà… bơi lượn, thần kinh con người dịu lại, vơi đi những căng thẳng lo toan. Người ta đã cho các bệnh nhân đau răng ngồi ngắm bể cá 15 phút trước khi nhổ răng, kết quả thật bất ngờ: sự lo âu, hồi hộp giảm hẳn! Hình như vẻ bình yên, an nhiên rất “đạt đạo” của cá đã “dạy” cho con người một điều gì đó.

4. Mùa xuân và tuổi trẻ.

Mùa xuân hàng năm, người ta thường tổ chức những hội hoa xuân, hội thi chim, thi cá. Đó cũng là biết cách chăm sóc mình hơn. Cũng là thêm các hoạt động vui tươi, bổ ích cho đời sống xã hội.

Xuân đến với bao sắc màu tươi trẻ. Đời người ta cũng có mùa xuân. Tuổi trẻ với niềm vui tươi thắm, sức sống dạt dào, khối óc và con tim rộng mở với muôn tình ý cao đẹp. Đó chính là mùa xuân cuộc đời. Với tuổi trẻ, bao nhiêu ước mơ đã chớm nở, bao nhiêu lý tưởng sáng ngời được định hướng, bao nhiêu tình cảm cao thượng đựơc khơi nguồn, bao nhiêu đam mê nồng nhiệt trào dâng. Tuổi trẻ, giấc mộng đời đẹp hơn cả hoa cỏ mùa xuân, ý hướng đời cao hơn trời mây lồng lộng. Xuân đất trời đến rồi đi. Còn xuân cuộc đời, nếu biết gìn giữ thì cả cuộc đời là mùa xuân bất diệt. Đặc điểm của xuân đất trời là niềm vui, sự thắm tươi của màu sắc, sự đâm chồi nảy lộc của cỏ cây. Với đời người cũng thế. Khi ta vui ta tươi tắn, phát sinh những tư tưởng những tình cảm tốt đẹp…khi ấy ta có cả mùa xuân. Khi ta yêu thương chan chứa, trái tim rung động với những tình cảm trong sáng, ta cảm xúc tình người dào dạt. Khi lý tưởng là ngôi sao hướng dẫn đời ta; khi ta còn biết ước mơ những điều cao đẹp và quyết tâm thực hiện ước mơ đó thành sự thật; khi ta sống an hoà với chính mình với tha nhân…khi ấy mùa xuân vẫn còn mãi trong ta; cho dù có thể làn da ta không còn mịn màng, đôi môi ta không còn tươi mọng, vầng trán ta không còn phẳng phiu, tay ta không còn nhanh nhẹn, chân ta không còn vững mạnh. Nhưng làm sao có đựơc mãi mùa xuân cuộc đời? Có nhiều phương pháp tập luyện nâng cao sức khoẻ. Quan trọng là tinh thần giữ niềm vui, tâm hồn trong sạch, làm việc hết nghị lực.

Cây cảnh, hoa lá, chim cá đã song hành cùng mùa xuân làm đẹp hồn người. Gần gũi thiên nhiên sẽ giúp con người giữ mãi mùa xuân. Yêu mến thiên nhiên sẽ nâng tâm hồn con người hướng về Thiên Chúa Tuyệt Mỹ, Đấng tác tạo muôn vẻ đẹp tươi trẻ cho nhân trần.

Trong Tông huấn “Christus Vivit”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và một cách tuyệt vời, Người mang tuổi trẻ đến với thế giới của chúng ta. Do đó, những lời đầu tiên tôi muốn nói với mọi Kitô hữu trẻ là: Chúa Kitô đang sống và Người muốn bạn được sống!”. “Sự sống,” “đang sống,” “sống” là những từ được lập lại khoảng 280 lần trong bản văn, cũng nhiều như từ “người trẻ” là từ khóa của Tông huấn. Sống trọn vẹn: đây là điểm trọng yếu trong suy tư của Đức Phanxicô về người trẻ. Lật qua những trang của Tông huấn sẽ thấy được năng lượng tràn trề như lay động thúc đẩy chúng ta sống trọn vẹn. Đức Phanxicô khuyên người trẻ hãy thực hành ba điều này: sống trung thực, sống có trách nhiệm và sống lạc quan. Ngài khẳng định: Tuổi trẻ là tuổi của ân phúc. Các bạn trẻ là hiện tại của Thiên Chúa và của thế giới. Giới trẻ là tương lai của xã hội và Giáo Hội, người trẻ cũng là hiện tại của Giáo Hội.

Trên tất cả, để có mãi mùa xuân cuộc đời, cần hướng lòng về Thiên Chúa. Ngài là Đấng tác tạo mùa xuân đất trời cũng như mùa xuân tâm hồn. Ngài là mùa xuân viên mãn vì Ngài là Đấng ban sự sống cho muôn loài. Ngài là mùa xuân hạnh phúc vì Ngài là tình yêu.

Cuối Năm Kỷ Hợi


 
Xuân Sầu Viễn Xứ
Đinh văn Tiến Hùng
10:04 12/01/2020
Ôi từ độ ta xa rời Tổ quốc,
Đất chuyển mình cùng non nước vần xoay,
Hồn ta dâng bao thổn thức vơi đầy,
Khi Xuân đến với chuỗi ngày viễn xứ.
Đáy lòng ta còn chất đầy quá khứ,
Của những ngày khi Sông Núi reo ca,
Bao Mùa Xuân Hy vọng nơi Quê nhà,
Ta giã biệt theo bước chân vội vã.

Trước mặt ta giờ Mùa Xuân băng giá,
Thân mỏi mòn bóp nghẹt cả con tim,
Kiếp mộng du ta khắc khoải kiếm tìm,
Mong thấy lại bao Mùa Xuân dĩ vãng,
Tâm hồn ta mang khung trời ảm đạm,
Khúc ca nào đang réo gọi Xuân về,
Cõi lòng ta chợt lúc tỉnh lúc mê,
Những tháng năm dài mỏi mòn chờ đợi.

Trang Sử Việt bao hào hùng quật khởi,
Toàn dân vùng dậy chống giặc xâm lăng,
Giữ yên bờ cõi Giang sơn Lạc Hồng,
Để đem lại những Mùa Xuân tuyệt mỹ.
Nhưng nay việt cộng tà quyền ma quỉ,
Bán biển đất qua mật ước Thành Đô,
Để xóa bỏ Đất Việt trên bản đồ,
Vậy còn Mùa Xuân nào cho ta nhỉ ?

Đinh văn Tiến Hùng

(*)Ghi chú : Mật ước Thành Đô được ký kết ngày 4/9/1990 giữa 2 bên :
-Đại diện Việt Nam gồm TBT Nguyễn văn Linh- CT Đỗ Mười và Cố vắn Phạm văn Đông.
-Đại diện Trung Cộng có TBT Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng.
Thời hạn bàn giao lãnh thổ VN sau 30 năm ký kết là ngày 4/9/2020.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đơn Sơ
Đặng Đức Cương
22:39 12/01/2020
ĐƠN SƠ
Ảnh của Đặng Đức Cương

Đâu cần hoa lá rườm rà
Đơn sơ cành nhỏ thật là thanh tao
(bt)
 
VietCatholic TV
Những hình ảnh mới nhất về Đức Bênêđíctô nhân dịp 16 học giả Tin Lành ca ngợi thần học của ngài.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:47 12/01/2020
Điều đáng buồn, hết sức đáng buồn, là ngay khi Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 vẫn còn sống, đã có những cố gắng nhằm xuyên tạc và đánh giá thấp con người cũng như những đóng góp to lớn của ngài cho Giáo Hội Công Giáo và Kitô học nói chung.

Tiêu biểu là hôm 2 tháng Giêng vừa qua, Đức Cha Robert Barron, Giám Mục Phụ Tá của Los Angeles nhận xét rằng cuốn phim The Two Popes là một bức tranh biếm họa về Đức Ratzinger ngay trong những phút đầu của bộ phim.

Ngài cho biết: “Đức Hồng Y xứ Bavaria được trình bày như đang hoạch định một âm mưu đầy tham vọng để bảo đảm thắng lợi cho cuộc bầu cử mình thành Giáo hoàng vào năm 2005. Thực ra, ít nhất ba lần, Đức Hồng Y Ratzinger đã thực sự cầu xin Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho phép ngài rút lui khỏi vị trí người đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin để tiếp tục cuộc sống nghiên cứu và cầu nguyện. Ngài ở lại chỉ vì Đức Gioan Phaolô II kiên quyết từ chối các thỉnh cầu này. Và vào năm 2005, sau cái chết của Đức Gioan Phaolô II, ngay cả những người chống đối ý thức hệ của Đức Ratzinger cũng thừa nhận rằng vị Hồng Y bảy mươi tám tuổi bây giờ không muốn gì hơn là trở về Bavaria và viết các khảo luận về Kitô học của mình.”

Ngài chỉ ra thêm rằng: “Trong cái cảnh miêu tả cuộc gặp gỡ tưởng tượng giữa Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô và Đức Hồng Y Bergoglio trong các khu vườn tại Castel Gandolfo, vị Giáo Hoàng già nua đã cau mày đả kích đồng nghiệp người Á Căn Đình của mình, chỉ trích cay đắng thần học của vị Hồng Y này. Một lần nữa, ngay cả những người thường gièm pha Đức Joseph Ratzinger cũng phải thừa nhận rằng trong thực tế ngài luôn là người từ ái, ăn nói nhỏ nhẹ, và dịu dàng khi giao tiếp với người khác.”

Vị Giám Mục Phụ Tá của Los Angeles nhấn mạnh rằng: “Nhưng sự bôi nhọ tính cách nhân vật nghiêm trọng nhất xảy ra vào cuối cuốn phim khi người ta hư cấu một Đức Bênêđíctô bị mất tinh thần, quyết tâm từ chức giáo hoàng, thừa nhận rằng ngài đã ngừng nghe tiếng nói của Chúa và ngài chỉ bắt đầu nghe lại được tiếng nói ấy qua tình bạn mới được tìm thấy nơi Đức Hồng Y Bergoglio! Xin nói ngay với anh chị em là khi nói những điều sau đây tôi không có ý muốn thể hiện một sự thiếu tôn trọng đối với con người thật của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng cho rằng một trong những người Công Giáo thông minh và nhạy bén về mặt siêu nhiên nhất trong một trăm năm qua mà phải cần đến sự can thiệp của Đức Hồng Y Bergoglio để nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa thì quá sức vô lý. Từ đầu đến cuối sự nghiệp của ngài, Đức Ratzinger/Bênêđíctô đã tạo ra một số kiệt tác thần học sáng ngời nhất trong truyền thống vĩ đại. Đến năm 2012, ngài mệt mỏi và ốm yếu về thể chất, và ngài cảm thấy không có khả năng cai quản bộ máy vĩ đại của Giáo Hội Công Giáo, vâng, tất nhiên là như thế. Nhưng cho rằng ngài mất tinh thần thì xạo quá.”

Trong bối cảnh đó, may mắn vẫn có những tiếng nói bênh vực sự thật. Thật thế, Kim Thúy muốn gởi đến quý vị và anh chị em tin vui này: các nhà thần học Tin Lành nổi danh trên thế giới đã viết 16 tiểu luận đánh giá cao Thần học của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.

Các tiểu luận này được Tim Perry, một mục sư Anh giáo và cũng là một giáo sư Đại Học biên tập lại thành cuốn “The Theology of Benedict XVI: A Protestant Appreciation” - “Thần học của Đức Bênêđíctô XVI: Một đánh giá cao của Tin Lành”.

Tác giả Thomas Carr có bài nhận định về cuốn sách này đăng trên Catholic Herald ngày 9 tháng Giêng với nhan đề “The Protestant thinkers who love Benedict XVI” – “Các nhà tư tưởng Tin Lành yêu mến Đức Bênêđíctô XVI”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch của Kim Thúy.

Thần học của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 không phải là điều dễ dàng để thấu hiểu. Vấn đề trước hết là khối lượng quá lớn. Trong thời gian đảm nhận các chức vụ giáo sư thần học, tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, và Giáo Hoàng, Đức Bênêđíctô đã viết hơn 70 cuốn sách, ba thông điệp, ba tông huấn, và vô số bài báo, diễn từ và bài giảng. Thứ hai, có rất nhiều chủ đề được ngài đề cập đến, nhiều đến mức khó có thể, nếu không muốn nói là không thể, gắn kết thần học của Đức Bênêđíctô với một phạm trù truyền thống cụ thể nào. Phải chăng ngài là một nhà thần học Kinh thánh? Một nhà thần học chính trị? Một nhà đạo đức? Một chuyên gia về phụng vụ? Tất nhiên, ngài làm tất cả những công việc này và còn nhiều hơn nữa.

Cuốn “Thần học của Đức Bênêđíctô XVI” thực hiện tốt công việc trao cho chúng ta một số chìa khóa để có thể hiểu khái quát toàn bộ công việc của vị Giáo Hoàng đã nghỉ hưu. Cuốn sách được biên tập bởi Tim Perry, một mục sư Anh giáo và là một giáo sư, là người đã cho ra mắt các ấn phẩm như “The Legacy of John Paul II” – “Di sản của Đức Gioan Phaolô II”, và “Mary for Evangelicals” – “Đức Maria đối với người Tin Lành”, cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của ông đối với đạo Công Giáo. Cuốn sách mới này bao gồm 16 bài tiểu luận của các nhà tư tưởng Tin Lành, xen kẽ giữa những lời tựa và lời bạt được viết bởi các nhà thần học Công Giáo. Được chia thành hai phần chính là thần học tín lý và thần học phụng vụ, các bài tiểu luận đề cập đến các chủ đề như đức tin và lý trí, khoa chú giải Kinh thánh, nhân chủng học thần học, Kitô học, Chúa Ba Ngôi, Đức Maria, Bí tích Thánh Thể, cầu nguyện và phụng vụ. Phẩm chất các bài viết dao động từ những tiểu luận hết sức xuất sắc, như các chương về phương pháp thần học của Kinda Sonderegger, hay phụng vụ và Kinh thánh của Peter Leithart khiến cuốn sách đáng đồng tiền bát gạo, cho đến những tiểu luận hời hợt. Nhưng ngay cả những bài tiểu luận yếu hơn cũng truyền cảm hứng cho người đọc muốn quay lại đọc các tác phẩm của vị Giáo Hoàng đã nghỉ hưu.

Điều đáng ngạc nhiên là giai điệu tổng thể của các bài tiểu luận này là cảm tình dành cho Đức Bênêđíctô. Các tín lý đặc thù Công Giáo, như bản chất hy tế trong bí tích Thánh Thể và tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm, được giải thích, thậm chí còn được bảo vệ, theo quan điểm của Đức Bênêđíctô. Chỉ trích cũng có nhưng rất là hiếm. Chúng ta có thể thấy các tác giả thường xuyên ca ngợi Đức Bênêđíctô, đặc biệt là thần học đặt Chúa Kitô ở vị trí trung tâm của ngài và lòng trung thành với Kinh thánh. Độc giả thậm chí sẽ lưu ý đến sự ngỡ ngàng nhất định của một trong các tác giả khi ông đề cập đến “vẻ đẹp kỳ lạ của Công Giáo”.

Các tác giả xem ra cảm thấy đặc biệt hấp dẫn trước sự phụ thuộc của người Công Giáo vào Huấn Quyền như là có tiếng nói chung cuộc về tín lý. Người Tin Lành muốn Kinh Thánh và chỉ có Kinh Thánh đóng vai trò đó. Nhưng như Sonderegger than thở, điều này “khiến cho thẩm quyền trong các tín điều hiện đại trở nên một nhiệm vụ phức tạp và không thể hoàn thành”.

Hai chủ đề chính nổi lên từ cuốn sách này. Thứ nhất, “nhiệm vụ thần học cấp bách nhất” đối với Đức Bênêđíctô là việc phục hồi chức năng của lý trí như một điều cần thiết cho sự rành mạch của đức tin. Ngài dạy rằng đức tin không có lý trí là một đức tin không có sự thật. Cuốn sách chỉ ra rằng các nhà thần học Tin Lành như Karl Barth và Rudolf Bultmann, nối gót theo Kant, đặt ra những giới hạn cho lý trí, và muốn tách lý trí khỏi đức tin. Họ xem Tin Mừng như một cuộc gặp gỡ cá vị hơn là sự thật khách quan. Ngược lại, Đức Bênêđíctô cho rằng điều cần thiết không phải là giảm đi lý trí nhưng trái lại là “một sự mở rộng luận lý hơn nữa”, đến mức “tái Hy Lạp hoá” Tin Mừng Kitô giáo. Đối với ngài, lý trí là điều cần thiết cho đức tin vì lý trí đặt cơ sở cho niềm tin nơi “sự thật của bản thể”.

Chủ đề thứ hai là một câu hỏi được độc giả Công Giáo quan tâm, đặc biệt trong thời đại tranh luận kỹ thuật số này: Đức Giáo Hoàng danh dự là một nhà thần học cấp tiến hay một người theo chủ nghĩa truyền thống? Hầu hết các tác giả, hoàn toàn đúng, khi đặt Đức Bênêđíctô gần với đường biên bảo thủ hơn trong quang phổ đó. Điều này đặc biệt trở nên rõ ràng trong phản ứng của Đức Bênêđíctô đối với Công Đồng Vatican II. Theo Đức Bênêđíctô, các tài liệu của Công Đồng, đặt con người và cộng đồng nhân loại, chứ không phải là Chúa Kitô và Thiên Chúa Ba Ngôi, ở trung tâm những suy tư của Giáo Hội. Đức Bênêđíctô muốn đảo ngược ưu tiên đó. Giáo Hội, theo ngài, phải được hướng dẫn bởi mặc khải của Chúa Kitô như được trình bày trong Kinh Thánh, chứ không phải bởi các khoa học thế tục. Điểm bắt đầu của thần học không phải là các nhu cầu xã hội của con người nhưng phải là chính đời sống nội tại của Thiên Chúa; thần học phải bắt đầu với sự chiêm niệm về “bản thể Ba Ngôi” hơn là “công việc của Ba Ngôi” trong dòng lịch sử.

Đức Bênêđíctô như một nhà vô địch của chính thống tỏa sáng trong cuốn sách này. Ngài tấn công vào tất cả một chuỗi dài từ Hegel đến Marx rồi đến thần học giải phóng – mà ngài lập luận rằng đó “không phải là thần học giải phóng nhưng là thoát ly khỏi thần học”.

Đặc biệt thấm thía là các cuộc thảo luận về sự thất bại của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tương đối nhằm vạch ra một sự hiểu biết thực sự về Kinh Thánh khi “con người không còn hứng thú trong việc khẳng định chân lý, nhưng chỉ quan tâm đến những gì có lợi cho chương trình nghị sự cụ thể của họ”.

Để kết luận, ký giả Thomas Carr đưa ra nhận xét sau:

Những người quan tâm đến một phác họa đại thể, và đặc biệt quan tâm đến sự tiếp nhận của người Tin Lành với toàn bộ công việc của ngài, sẽ thấy đáng đọc bộ sưu tập các bài tiểu luận tuyệt vời này của Tim Perry.


Source:Catholic Herald
 
Bất ngờ lớn: Đức Bênêđíctô lên tiếng chung với ĐHY Sarah về cuộc khủng hoảng hiện nay trong Giáo Hội
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
23:54 12/01/2020
Trong một diễn biến được thông tấn xã Reuters gọi là một quả bom chấn động, tờ Le Figaro đã công bố một trích đoạn của cuốn “From the Depths of our Hearts”, nghĩa là “Từ sâu thẳm tâm hồn chúng tôi”, do Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và Đức Hồng Y Robert Sarah viết chung với nhau. Reuters cho biết “Vatican chưa đưa ra lời bình luận nào ngay tức khắc về cuốn sách [bản tiếng Pháp] sẽ được xuất bản vào ngày thứ Hai”.

Dưới đây là bản dịch toàn văn phúc trình của thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại
đây.

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, đã viết chung với nhau một cuốn sách về cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội và về thừa tác vụ linh mục.

“From the Depths of our Hearts”, nghĩa là “Từ sâu thẳm tâm hồn chúng tôi”, bản tiếng Anh sẽ được nhà xuất bản Ignatius Press cho ra mắt. Ngay từ bây giờ có thể đặt hàng trước, và sẽ được nhà xuất bản gởi đi vào ngày 20 tháng Hai.

Cha Joseph Fessio, sáng lập viên và là chủ biên của Ignatius Press cho biết: Tác phẩm này “không chỉ đề cập đến luật độc thân linh mục, mà tự bản thân là điều quan trọng, nhưng như Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 mô tả trong đoạn đầu tiên, tác phẩm này còn bàn đến ‘cuộc khủng hoảng kéo dài mà chức tư tế đã phải trải qua trong nhiều năm qua’. Và còn hơn thế nữa; các ngài còn bàn đến bản chất của Giáo Hội và bản chất tình môn sinh Kitô giáo.”

Theo Ignatius Press, Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah đã chân thành đề cập đến những thách thức tâm linh mà ngày nay các linh mục phải đối mặt, bao gồm những đấu tranh với bản thân để giữ luật độc thân linh mục, và các ngài chỉ ra sự hoán cải sâu sắc hơn để nên giống Chúa Giêsu Kitô như là chìa khóa cho sự trung tín trong ơn gọi và cho những hiệu quả của chức tư tế cũng như cho sự cải tổ trong Giáo Hội.

Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah viết rằng “chức tư tế đang trải qua một thời kỳ đen tối. Bị tổn thương khi quá nhiều sau khi những vụ tai tiếng được loan tải, lại còn phải ngỡ ngàng trước những câu hỏi liên tục được đặt ra về tình trạng độc thân tận hiến của mình, nhiều linh mục bị cám dỗ trước ý nghĩ từ bỏ và buông trôi mọi thứ.”

Cuốn sách này có ý nghĩa là một thông điệp của hy vọng, và là lời giải thích theo Kinh Thánh và về phương diện siêu nhiên ý nghĩa và tầm quan trọng của đời sống độc thân linh mục, mà các ngài cho là vượt rất xa “một giới luật đơn thuần của Giáo Hội”.

Theo Ignatius Press, các tác giả “nhấn mạnh rằng việc canh tân Giáo Hội đòi buộc một sự hiểu biết mới mẻ về ơn gọi linh mục như một chia sẻ trong căn tính tư tế của Chúa Giêsu dành cho Hiền Thê Giáo Hội”, và “các ngài khẳng định rằng khi các linh mục được tùy chọn sống độc thân hay không thì lúc đó chức linh mục không còn là một chức tư tế đích thực nữa.”

Nhà xuất bản nói thêm rằng cuốn sách này là một phần “để đáp lại những lời kêu gọi đổi mới chức tư tế, bao gồm các đề xuất từ Thượng Hội Đồng Amazon”.
Một số tiếng nói tại hội nghị tháng 10 năm 2019 đã đưa ra yêu sách phong chức linh mục cho những người đàn ông đã kết hôn ở khu vực Amazon, như một phản ứng đối với tình trạng thiếu ơn gọi trong vùng.

Nhưng, một số tham dự viên tại hội nghị nói rằng việc thiếu linh mục trong khu vực Amazon không phải là do nghĩa vụ độc thân linh mục, và Giáo Hội phải cầu nguyện cho ơn gọi và củng cố tiến trình đào tạo linh mục trong khu vực này.

CNA đã báo cáo ngày 8 tháng 10 rằng Đức Hồng Y Sarah, cùng với Đức Hồng Y Peter Turkson và những người khác, đã thúc giục trong diễn đàn của Thượng Hội Đồng rằng kỷ luật độc thân linh mục của Giáo Hội phải được tuân giữ trong khu vực Amazon.

Luật độc thân linh mục cũng đã và đang bị chất vấn trong cái gọi là tiến trình công nghị với hiệu quả ràng buộc đang được thực hiện trong Giáo Hội tại Đức.

Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, của Công Đồng Vatican II, được công bố vào năm 1969, về chức vụ và đời sống của các linh mục, đã khẳng định rằng “sự tiết dục triệt để và vĩnh viễn vì lợi ích Nước Trời, được Chúa Kitô tuyên dương và được Giáo Hội tuân giữ có giá trị cao một cách đặc biệt cho đời sống linh mục.”

Sắc lệnh khẳng định rằng qua “cuộc sống độc thân được tuân giữ vì Nước Trời, các linh mục được thánh hiến cho Chúa Kitô bởi một lý do mới mẻ và ngoại thường. Các ngài gắn bó với Chúa Giêsu một cách dễ dàng hơn với một trái tim không bị chia cắt, các ngài cống hiến một cách tự do hơn trong Chúa Kitô và qua Chúa Kitô để phục vụ Thiên Chúa và con người, và các ngài khẩn trương hơn trong thừa tác vụ dành cho Nước Người.”

Công Đồng Vatican II dạy tiếp rằng: “Như thế, các ngài tuyên xưng mình trước nhân loại như những người sẵn sàng tận tụy với chức vụ được giao phó cho mình, và do đó, gợi lên cuộc hôn nhân mầu nhiệm do Chúa Kitô thiết lập, sẽ được thể hiện viên mãn trong tương lai, trong đó Giáo Hội là Hiền Thê duy nhất của Chúa Kitô”

Các linh mục sống độc thân, theo Công đồng Vatican II, trao ban cho thế giới “một dấu chỉ sống động về một thế giới sẽ đến, nơi mà những con cái của Chúa Phục sinh không lấy vợ lấy chồng nữa.”

Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis nhấn mạnh thêm rằng luật độc thân linh mục được gọi là “một ân sủng của Chúa Thánh Thần, rất phù hợp với chức tư tế của Tân Ước, được Chúa Cha trao ban cách nhưng không.”

Sắc lệnh của Vatican II nói rằng Công Đồng “không chỉ yêu cầu các linh mục mà tất cả các tín hữu phải ao ước có thể nhận được ân sủng quý giá của đời sống độc thân linh mục trong tâm hồn mình và họ phải xin Chúa luôn ban tặng ân sủng này cho Giáo Hội”.


Source:Catholic News Agency