Tình yêu là một huyền nhiệm cội căn của đời sống người tin theo Chúa

Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về lời cầu nguyện của Giáo hội sơ khai trong buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư.

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư (25/11/2020), Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn lại đời sống cầu nguyện của Giáo hội sơ khai, trước khi ngài tiếp tục bài giáo lý về cầu nguyện.

Đức Thánh Cha nói: “Những bước tiến đầu tiên của Giáo hội trên trần thế này luôn được kiện cường bằng lời cầu nguyện”. Các tác phẩm của Tân Ước, và đặc biệt là Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta thấy “hình ảnh của một Giáo Hội đang hoạt động, đang vươn lên, nhưng luôn được tập chú cô đọng lại trong lời cầu nguyện như là nền tảng và động lực cho mọi công cuộc hoạt động truyền giáo.”

Cầu nguyện, động lực của việc truyền giáo

Đức Thánh Cha nêu ra bốn đặc điểm thiết yếu của đời sống giáo hội, được rút ra từ lời tường thuật của Thánh Luca trong sách Công vụ Tông đồ là:

- Việc “lắng nghe sự dạy dỗ của các tông đồ” bao gồm việc rao giảng và truyền dậy giáo lý;

- Sự vun trồng liên nỉ cho tình hiệp thông huynh đệ;

- Việc “bẻ bánh”, tức là việc cử hành Thánh Thể, là Bí tích Chúa Giêsu hiện diện giữa chúng ta;

- Và cuối cùng là cầu nguyện, "là những giây phút tâm giao kêu cầu với Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần."


Đức Thánh Cha cảnh báo, bất cứ điều gì phát sinh ngoài "4 đặc điểm trọng yếu đó" đều bị coi là lạc hướng... không có chiều kích Giáo hội." Tuy nhiên, khi có bốn đặc tính này, thì Giáo hội xác tín là có ơn đảm bảo của Chúa Thánh Thần.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói khi đọc sách Công vụ Tông đồ, “trong đó chúng ta khám phá ra những động lực mạnh mẽ cho việc truyền bá phúc âm là nhờ các cộng đoàn hợp nhau cầu nguyện, xin Chúa soi sáng xem phải làm gì.” ĐTC giải thích khi cầu nguyện, chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa chúng ta“ và được Chúa Thánh Linh tác động.”

Làm cho Chúa Giêsu hiện diện

Đức Thánh Cha trích dẫn Sách Giáo Lý: “Chúa Thánh Thần... linh hoạt làm cho cuộc thương khó, chết và phục sinh của Chúa Kitô luôn được sống động trong lòng Giáo Hội, những lúc cầu nguyện, hướng dẫn Giáo Hội đến sự viên mãn của chân lý và giúp mở ra những viễn cảnh mới diễn tả mầu nhiệm khôn lường cao siêu của Chúa Kitô đang linh hoạt trong đời sống Giáo Hội của Ngài, qua việc cử hành các bí tích và các công cuộc truyền giáo. " ĐTC Phanxicô cho các tác động này “là công việc của Chúa Thánh Linh hoạt động trong lòng Giáo hội: làm cho chúng ta tưởng nhớ đến Chúa Giêsu.”

Tuy nhiên, ĐTC nhấn mạnh đây không chỉ đơn thuần là một hành động của một sự nhớ một biến cố. Vì đối với “Các Kitô hữu, việc dấn thân truyền giáo, theo ý của Chúa Giêsu là họ có trọng trách làm cho Chúa hiện diện thực sự; và nhờ Chúa Kitô, trong Thánh Thần, họ được ‘thúc đẩy’ để ra đi rao giảng và phục vụ.”

Tình yêu, cội căn của sự huyền nhiệm

Đức Thánh Cha nói: Cầu nguyện là đưa các Kitô hữu “đắm chìm” vào tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người và cung cấp động lực truyền giáo, để họ ra đi rao giảng Tin Mừng cho người khác. “Thiên Chúa là Thiên Chúa của và cho tất cả mọi người,” Đức Thánh Cha xác quyết, “và trong Chúa Giêsu, mọi bức tường ngăn cách được rỡ bỏ!”

Việc trao đổi tình yêu

Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta và tình yêu mà Ngài mong muốn chúng ta đáp trả - là “cội căn huyền nhiệm trong cuộc đời con Chúa”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. Và, đối với các Tín hữu tiên khởi cũng như ngày nay, lời cầu nguyện cho phép chúng ta đi vào các cảm nghiệm đó. Qua lời cầu nguyện, Đức Thánh Cha cho hay, mỗi Kitô hữu có thể tự mình nói nên những tâm tình như Thánh Phaolô đã viết: “Dù bây giờ tôi vẫn còn sống trong thân xác, nhưng nhờ đức tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu và hiến thân cho tôi.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói “chỉ trong sự thinh lặng của việc tôn thờ”, “chúng ta mới cảm nghiệm được sự thật đầy đủ của những lời này… Và lời cầu nguyện này là ngọn lửa sống động của Thánh thần trao ban cho ta sức mạnh để làm chứng và loan truyền Tin mừng Chúa.”