Ngày 25-10-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ta đã thấy gì?
Lm. Nguyễn Xuân Trường
00:27 25/10/2024
TA ĐÃ THẤY GÌ

Mắt là cửa sổ tâm hồn. Nên mắt không chỉ như chiếc camera thấy sự vật xung quanh, mà mắt tâm hồn cần nhìn thấy ơn lành Chúa ban để đời vui hạnh phúc, cần nhìn thấy con đường Chúa đi để hiệp hành cùng Ngài.

1. ƠN LÀNH. Cuộc đời hạnh phúc hay đau khổ tùy thuộc vào khả năng nhìn thấy. Người ta hạnh phúc khi nhìn thấy, nhận ra những ơn phúc trong đời. Ngược lại, người ta bất hạnh khi không nhìn thấy ơn phúc và tình thương. Bài Đáp Ca cho thấy niềm vui hạnh phúc vỡ oà khi con người nhận thấy ơn Chúa giải thoát khỏi tội lỗi như dẫn tù nhân trở về sống tự do. Người gieo giống vất vả nắng mưa bùn đất nhưng lòng lại tràn ngập niềm vui khi nhìn thấy một mùa gặt mai sau nặng gánh lúa vàng. Khi nhìn thấy ơn phúc Chúa ban thì cuộc đời ngập tràn hạnh phúc như lời Đáp Ca: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.”

2. HIỆP HÀNH. Sau khi Chúa cho anh mù nhìn thấy được, thì anh đã lập tức “đi theo Người trên con đường Người đi.” Anh không chỉ sáng mắt thể lý, mà còn sáng mắt tâm linh để nhìn thấy đường Chúa đi và hiệp hành cùng Chúa lên Giêrusalem. Tưởng cũng nên biết rằng trước câu chuyện Chúa chữa người mù này, thánh Máccô đã kể 3 lần Chúa loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Ngài, thì cả 3 lần các tông đồ đều không nhìn thấy con đường Chúa đi: Phêrô thì bàn lùi, Giacôbê và Gioan thì chỉ nhăm nhe xin cho ngồi bên hữu, bên tả Thầy trong vinh quang, các tông đồ khác thì cũng lại lo cãi nhau xem ai là người lớn nhất! Tất cả đều lầm đường lạc lối, đều mù tối tâm linh, có mình anh mù thì lại nhìn thấy con đường chính đạo.

Như người mù kêu xin: “Lạy Thầy, xin cho con nhìn thấy được.” Xin cho con thấy ơn Chúa ban, thấy đường Chúa đi, thấy sứ vụ Chúa muốn con thực thi trong đời. Amen.
 
Ngày 26/10: Chúa là Thiên Chúa từ nhân – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Giáo Hội Năm Châu
01:55 25/10/2024


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?’ Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi’.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:00 25/10/2024

4. Cầu nguyện là nước thánh tưới cây làm việc thiện của chúng ta, khiến cho nó lớn lên tươi tốt xum xuê xanh thẫm.

(Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:01 25/10/2024
77. LẤY QUẠT LÀM CƠM

Có người nọ tìm không thấy cái quạt, thật không dể gì tìm thấy nó, liền chửi toáng lên:

- “Thằng nào đem cái quạt của tao đi làm cơm rồi?”

Có người hỏi:

- “Cái quạt nó như thế nào mà có thể làm cơm?”

Người ấy trả lời:

- “Ông chưa nhìn thấy nó à, trên cái quạt của tôi dán rất nhiều hạt cơm đấy !”

(Thời Hưng tiếu thoại)

Suy tư 78:

Cái quạt bằng giấy thì phải dùng hồ hoặc cơm để dán giấy, chứ không thể dùng quạt để làm cơm được, tìm quạt không thấy là vì mình bỏ quên ở đâu đó, chứ không ai ăn cắp cái quạt giấy để làm cơm bao giờ.

Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng giống như cái quạt giấy, lấy giấy đẹp và cơm (hồ) dán lên thì vừa đẹp vừa để quạt mát mình và quạt mát cho người khác, cái quạt bị mất đi thì không còn để quạt mát nữa, con người ta khi tâm hồn mất đi cái trong sáng thánh thiện của ân sủng thì không còn là quạt mát cho tha nhân được, cũng như không làm gì có ích cho mình, do đó, không thể đổ lỗi cho người này người nọ lấy mất cái quạt (ân sủng) của mình, nhưng hãy tự kiểm điểm lại coi phương hướng cuộc sống mà mình đi có đúng với ý của Thiên Chúa hay không, rồi điều chỉnh lại cho phù hợp...

Đừng trách người này đối với tôi không tốt, người kia thường chỉ trích tôi, nhưng hãy kiểm điểm lại mình coi đã làm gì khiến cho người khác không tốt với tôi, đó là ơn khôn ngoan mà Thánh Thần thường ban tặng cho những người luôn có lòng khiêm tốn vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Các Thánh được Chúa thương và thưởng
Lm. Nguyễn Xuân Trường
13:24 25/10/2024
CÁC THÁNH ĐƯỢC CHÚA THƯƠNG VÀ THƯỞNG

Suốt năm phụng vụ đã có nhiều ngày mừng kính riêng các thánh khác nhau. Tại sao lại có thêm ngày lễ Các Thánh Nam Nữ? Bởi vì có đông đảo các thánh. Có nhiều thánh bởi vì không chỉ do công trạng cá nhân mỗi người, mà chính là nhờ công ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu ban cho các thánh.

1. ĐÔNG ĐẢO. Bài đọc 1 cho thấy các thánh trên trời như một “đoàn người đông đảo, không tài nào đếm nổi”. Cần loại bỏ ý nghĩ làm thánh chỉ dành riêng cho một số ít thành phần ưu tuyển, ngược lại, làm thánh dành cho đông đảo mọi người. Nói vậy là vì Kinh Thánh khẳng định con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Và Chúa Giêsu đã mời gọi: Các con hãy nên thánh như Cha các con trên trời là Đấng Thánh. Phải nói rằng: Chúa tạo dựng con người để họ trở nên thánh vì Chúa đã đặt sẵn “gien thánh”, dòng máu thánh trong mọi người rồi. Thế nên, bất cứ ai cũng có thể nên thánh.

2. PHÚC PHẬN. Lễ Các Thánh, Giáo Hội cho đọc bài Phúc Âm về các mối phúc thật. Như vậy làm thánh là để hưởng những phần phúc Chúa ban cho mỗi người. Lời Chúa cho thấy nên thánh không phải do con người lập được những công lao hiển hách, mà là do công ơn Chúa cứu độ nhờ máu Con Chiên. Các mối phúc cũng cho thấy các thánh được hưởng phúc Nước Trời không phải vì đã làm nên những thành tựu lớn lao, mà là vì được Chúa xót thương ban thưởng phúc trường sinh: “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

Thánh là kiến tạo hạnh phúc thật. Hạnh phúc thật là gắn bó với Chúa là tình yêu. Trong tình yêu Chúa vợ chồng có thể ôm chầm lấy nhau và reo lên: “Ôi, ông thánh của em! Ôi, bà thánh của anh!” Chính tình mến Chúa yêu người đã đưa Các Thánh Nam Nữ vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên Nước Trời. Amen.
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 30 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:50 25/10/2024
CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 10, 46-52.

“Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”.


Anh chị em thân mến,

Tuần này, Giáo Hội đưa ra một vấn đề cho mỗi người trong chúng ta tự trả lời, đó là Đức Tin của mình và lòng thương xót của Chúa có phù hợp ăn khớp với nhau không trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta -những Ki-tô hữu? Chúng ta cùng nhau chia sẻ hai vấn đề này:

1. Đức tin là điều kiện để nhận ơn lành của Chúa.

Đức Chúa Giê-su chữa lành bệnh tật dễ như chúng ta lấy đồ vật trong túi ra, nhưng quan trọng hơn đó chính là đức tin của người mù cũng như của những người xin Chúa chữa lành bệnh cho họ, nếu họ không có đức tin, hoặc là họ không tin Đức Chúa Giê-su sẽ làm được, thì việc chữa lành khó khăn gấp nhiều lần, do đó, đức tin là điều quan trọng nhất đối với chúng ta. Đức tin làm cho chúng ta thấy được Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống của mình cũng như nơi anh chị em, và nhờ đức tin mà lời của chúng ta có một “sức mạnh” trước mặt Thiên Chúa.

Con người ta có thấy mới tin, nhưng người mù thành Giê-ri-cô đã nghe (chứ không thấy) và đã tin, anh ta đã nghe bằng hai lỗ tai xác thịt nhưng ông đã “thấy” bằng con mắt đức tin, và cái “thấy” này đã làm cho ông ta mạnh dạn tin tưởng rằng ông Giê-su con vua Đa-vít đó có thể làm cho ông được sáng mắt, và do đó bất chấp sự can ngăn của mọi người, bất chấp lời quở mắng của đám đông dân chúng, ông vẫn cứ kêu xin Đức Chúa Giê-su dũ lòng thương xót ông, và rồi đức tin của ông đã chữa ông như lời của Đức Chúa Giê-su nói.

2. Lòng thương xót của Chúa và đức tin của chúng ta.

Trong toàn bộ các sách Phúc Âm chúng ta đều thấy được tình yêu và lòng thương xót của Đức Chúa Giê-su trãi dài trên các chặng đường Ngài đã đi qua, nơi các địa phương mà Ngài đã đến, nơi đâu Ngài cũng bày tỏ một tâm tình yêu mến và xót thương dân chúng họ như đàn chiên không người dẫn dắt... Nhưng không phải vì thế mà Đức Chúa Giê-su dễ dãi làm phép lạ cho họ, bằng chứng là Ngài đã không làm một phép lạ nào ở quê nhà, bởi vì họ không có lòng tin, hay nói cách khác, họ đã coi thường Ngài khi cùng nhau nói: “Ông này không phải là con của bác thợ mộc Giuse sao...?”

Đối với Đức Chúa Giê-su, bệnh tật phần xác có liên quan đến phần hồn, bệnh phần xác là ngọn, bệnh phần hồn là gốc, chữa gốc thì ngọn cũng lành, cho nên khi nói với người mù: “Anh hãy về đi, đức tin của anh đã cứu anh”, thì Đức Chúa Giê-su cũng mạc khải cho chúng ta thấy một điều rất quan trọng đó là lòng thương xót của Ngài vốn đã có trên con người chúng ta, bao trùm cả vũ trụ, chỉ cần chúng ta tin, thì mọi việc sẽ được giải quyết nhẹ nhàng. Bởi vì đức tin thuộc về hồn, và chữa lành thuộc về xác, khi chúng ta tin là lúc chúng ta được chữa lành.

Anh chị em thân mến,

Lòng thương xót của Chúa đã bao trùm thế giới này, đã trãi dài trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, việc còn lại là do lòng tin của chúng ta mà thôi.

Có người tin nhưng vẫn còn hồ nghi vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa; có người tin nhưng đức tin của họ được đo bằng vật chất: cầu không được thì oán trách và bỏ cuộc; có người tin nhưng lòng tin “chập chờn” trước những thử thách mà có lúc họ cho rằng Thiên Chúa không tồn tại...

Thánh lễ Mi-sa là nơi mà Đức Chúa Giê-su tỏ lộ lòng thương yêu vô bờ bến của Ngài đối với nhân loại, và là nơi mà đức tin của mỗi người trong chúng ta được củng cố kiện toàn nhất, bởi vì nơi đây –thánh lễ- chúng ta được ăn và uống Máu Thịt của Chúa, Đấng chữa lành bệnh tật trong tâm hồn và nơi thân xác của chúng ta.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Vô sinh
Lm Minh Anh
20:16 25/10/2024
VÔ SINH
“Đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy!”.

“Đức tin đích thực mở lòng với người khác, tha thứ cho người khác tạo nên phép lạ. Cây vả tượng trưng cho sự vô sinh, một cuộc sống cằn cỗi, không có khả năng cho đi bất cứ thứ gì. Chúa Giêsu nguyền rủa nó vì nó không nỗ lực để sinh trái!” - Phanxicô.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây vả cằn cỗi để ‘nói về’ và ‘nói với’ người đương thời của Ngài; đặc biệt, các nhà lãnh đạo tôn giáo giả hình. Đối với Ngài, cuộc sống của họ ‘vô sinh’ khác nào một cây vả không nỗ lực để sinh trái.

Lời Chúa mời gọi chúng ta suy gẫm về những bất tiện của sự giả hình, “Đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy!”. Kẻ giả hình vờ vịt tin rằng, mình là một ai đó không phải là mình. Dối trá này lên đến đỉnh điểm khi một người giả vờ nhân đức - khía cạnh luân lý - nhưng lại sống trác táng, phóng đãng; hoặc giả vờ đạo đức - khía cạnh tôn giáo - nhưng chỉ quan tâm đến tư lợi mà không màng đến Thiên Chúa. Giả hình về mặt nhân đức gây bao đổ vỡ, giả hình về mặt đạo đức gây bao thương tích!

Một số chính trị gia tuyên bố sẽ phục vụ đất nước trong khi họ chỉ đơn giản là ‘sử dụng’ nó; lực lượng an ninh nhân danh trật tự lại bảo vệ các băng nhóm phi pháp; bác sĩ nhân danh y học lại huỷ hoại một mạng sống đang chớm nở hoặc thúc đẩy cái chết êm dịu của một bệnh nhân hấp hối; truyền thông thay tin hoặc giả vờ làm mọi người thích thú bằng cách làm hư hỏng họ; những người quản lý công quỹ chuyển một phần tiền vào túi riêng của đảng hoặc cá nhân mình; giáo dân cản trở chiều kích công khai của Hội Thánh khi nhân danh tự do lương tâm; các tu sĩ không trung thành với luật dòng; và các Linh mục không phục vụ giáo dân với tinh thần truyền giáo và từ bỏ…

Bạn và tôi đều đã trải nghiệm khoảng cách giữa những gì ‘chúng ta giả vờ là’ và những gì ‘chúng ta thực sự là’. Rõ ràng, những gì ‘chúng ta giả vờ là’ hẳn đã làm cho cuộc sống chúng ta trở nên ‘vô sinh’; và vì thế, đáng bị loại để khỏi chật đất. Tạ ơn Thiên Chúa! Chúng ta có người làm vườn nhân ái Giêsu, “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái!”.

Anh Chị em,

“Đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy!”. Phản ứng của chủ vườn khá hợp lý; chặt nó đi vì chỉ choán chỗ. Tuy nhiên, người làm vườn lại có quan điểm khác. Anh nhìn cây vả dường như ‘vô sinh’ này vẫn có khả năng sinh trái. Anh có tầm nhìn rộng lượng hơn về nó, một tầm nhìn đầy hy vọng. Anh cảm thấy mọi thứ vẫn chưa mất hết; vẫn còn thời gian để nó trở nên tốt đẹp. Đây là cách Chúa Giêsu nhìn chúng ta. Khi nhìn chúng ta, Ngài không chỉ nhìn thấy những gì chúng ta ‘đã không làm được’ trong quá khứ mà còn nhìn thấy những gì chúng ta ‘có khả năng làm được’ trong tương lai. Đó cũng phải là cách chúng ta nhìn nhau, có khả năng nhìn thấy những dấu hiệu yếu ớt của sự sống mới ẩn chứa bên dưới những bề mặt không mấy hứa hẹn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng nhẫn nại với con! Cho con nhận ra những dấu hiệu yếu ớt của sự sống mới ẩn chứa bên dưới những bề mặt không mấy hứa hẹn nơi anh chị em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Niềm tin - Đức Tin
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
21:41 25/10/2024
NIỀM TIN – ĐỨC TIN
CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN NĂM B

Tôi muốn phân biệt giữa niềm tin và đức tin. Niềm tin chỉ để nói tới một sự tin tưởng của riêng mình hay một sự tin tưởng vào con người, vào cuộc sống. Đức tin nhắm đến một niềm xác tín nơi Đấng Toàn năng bên trên mình. Cụ thể, tôi muốn suy nghĩ về đức tin Kitô giáo. Vì thế, Đấng Toàn năng mà tôi đặt trọn lòng phó thác là chính Thiên Chúa của mình.

1. NIỀM TIN.

Một ví dụ làm sáng tỏ hơn hai chữ "niềm tin". Vài chục năm trước, báo Tuổi trẻ tổ chức cuộc thi "Viết về cha tôi". Nhiều câu chuyện cảm động do những người con viết về cha mình. Sau cuộc thi, tòa soạn chọn những truyện hay đăng thành sách, lấy tựa đề từ chính một câu chuyện trong các truyện ngắn: "Cao hơn đỉnh Thái".

Đúng là cao hơn đỉnh Thái. Tất cả các truyện ngắn ấy đều cho thấy sự hy sinh cao ngất của những người cha. Hy sinh đến mức quên mình, quên tất cả những gì thuộc về mình, quên cả đến sự sống của chính mình…

Và "Con heo đất" là một trong những truyện ngắn kể về một tấm gương cao hơn đỉnh Thái như thế. Tác giả Nguyễn Đào Vĩnh Huy cho biết, mình là con nhà nghèo, nghèo lắm. Ngày nhận giấy báo đậu đại học, Huy không dám cho gia đình hay, sợ cái tiệm sửa giày của ba, vốn đã quá chật vật để nuôi đủ sáu miệng ăn, bây giờ lại kham thêm đứa con đi học đại học, Huy không đành. Tác giả cho biết: “Không muốn thấy ba vì tôi mà gầy đi”.

Nhưng cô giáo chủ nhiệm biết tin, đã tới nhà cho hay. Được tin con vào đại học, người cha mừng quýnh. Còn Huy, đưa giấy báo nhập học cho ba mà lòng tưởng như mình đưa cho ba tờ giấy ký nợ.

Vậy là từ đó, người cha âm thầm nhịn ăn, nhịn uống nuôi con heo đất để hằng tháng cho con tiền chi phí. Tác giả viết: "Ba đưa con heo đất lên ngang tầm mắt rồi cười sản khoái chỉ vào tôi: "Con cũng là một con heo đất đấy chứ. Khéo nhé, làm sao đừng để ba bỏ đói". Tôi ngớ người ra một lúc mới hiểu điều ba nói. Vâng! Tôi cũng chính là con heo đất mà hằng tháng ba đã bỏ vào đó 500.000 đồng. Có khác là heo đất thì cất tiền trong bụng, còn tôi thì lại không…".

Niềm tin là thế. Nó rất cần cho đời sống của bạn, của tôi. Nếu không có niềm tin, ta khó vượt qua mọi bấp bênh, mọi chông gai đời mình. Niềm tin là cánh diều lộng gió đưa ước mơ của ta đến cả bầu trời hy vọng, cho ta nghị lực và vững vàng để tiến bước, để vượt thắng mọi chướng ngại của cuộc đời.

Chỉ với một kết luận rất ngắn: "Có khác là heo đất thì cất tiền trong bụng, còn tôi thì lại không…", đủ để tác giả Đào Vĩnh Huy nói lên tất cả niềm tin của hai cha con. Người cha tin vào khả năng, vào tương lai mà chính đứa con của ông mang tới. Còn người con, cũng tự tin vào khả năng vượt khó, vượt khổ với một ý thức nhìn về tương lai. Chính nhờ ý thức này, tác giả mới dám khẳng định: "Còn tôi thì lại không…".

2. ĐỨC TIN.

Nếu chỉ mới là niềm tin, đã cho ta những hiệu quả lớn lao như thế, thì đức tin còn làm nên những phép lạ ngoài sức tưởng tượng, ngoài sự hiểu biết lớn biết bao nhiêu.

Trong Tin Mừng hôm nay, thái độ của anh mù Bartimê là cả một đức tin chứ không chỉ niềm tin. Đi vào diễn tiến câu chuyện, ta sẽ thấy đức tin của Bartimê là một đức tin lớn, và ngày càng lớn, lớn dần. Đã lớn, càng lớn hơn.

Khởi đầu khi anh ĐANG NGỒI ăn xin, NGHE biết người đi ngang qua là Chúa Giêsu, anh KÊU lên. Nhưng tiếng kêu không dừng lại ở tên Chúa Giêsu, kèm theo đó là tước hiệu "Con vua Đavit": "Hỡi ông Giêsu con vua Đavit, xin thương xót tôi". Khi gọi Chúa là con vua Đavit, anh gán cho Chúa tước hiệu Đấng Messia của Israel.

Trong khi tiếng kêu bị đám đông lấn át, và cùng lúc, người ta cố ngăn chặng tiếng kêu, anh lại càng KÊU TO. Sau cùng tiếng kêu tha thiết của anh chiến thắng. Chúa dừng lại trên nỗi khổ sở của anh.

Bây giờ, sau khi nghe người ta thông báo: "Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh", Bartimê làm một cú NHẢY tuyệt vời. Niềm mừng vui của anh được biểu lộ cùng lúc đến ba động tác: LIỆNG áo choàng, ĐỨNG DẬY, ĐẾN CÙNG Chúa Giêsu.

Cần phải nói thêm nơi động tác thứ hai: bản văn Phụng vụ dịch là: "đứng dậy". Bản văn của nhóm Các giờ kinh phụng vụ dịch là: "đứng phắt dậy". Còn bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn là: "nhảy chồm dậy".

Bạn cứ thử tưởng tượng mà xem: Một người không chỉ sống trong tăm tối, mà còn nghèo khổ, phải đi xin ăn, phải sống nhờ lòng trắc ẩn của mọi người. Đó là chưa nói đến mặc cảm của bản thân, đã vậy còn bị khinh khi, bị xa lánh (qua câu "nhiều người mắng anh bảo im đi" nói lên điều đó). Bởi đó, chắc chắn nỗi cô đơn càng không nhỏ.

Hiểu như thế, ta mới cảm nhận hết sự hồ hỡi của Bartimê. Vì thế, để diễn tả tất cả vui mừng, hạnh phúc, lòng hân hoan, và cả thái độ yêu mến của anh, có lẽ sử dụng động từ NHẢY CHỒM DẬY trong hoàn cảnh này là hay hơn cả.

Một cú NHẢY CHỒM DẬY, còn cho thấy sự luống cuống xen lẫn chút gì kinh ngạc vì Thầy Giêsu, Đấng mà anh tuyên xưng là "Con vua Đavit", là Đấng Messia lại có thể nghe thấu lời kêu xin xủa anh.

Liền một lúc, ba động tác liệng áo choàng, nhảy chồm dậy, đến cùng Chúa Giêsu còn cho thấy thái độ dứt khoát hoàn toàn thuộc về đức tin: Anh chỉ nghe nói Chúa đến với mình, không hề biết Chúa đến từ hướng nào vậy mà vẫn nhảy cẩng lên, để được đến cùng Chúa. Chính thái độ của đức tin thật lớn lao ấy đã làm nên phép lạ. Chúa Giêsu khẳng định trong lời khen ngợi đức tin của anh mù: "Đức tin của anh đã chữa anh"!!

Chính đức tin đã cho anh, dù đang mù đôi mắt, nhưng lại rất sáng tâm hồn, để rồi sau khi nhận được ánh sáng, anh đã bước theo NGUỒN SÁNG là chính Chúa Giêsu, Đấng làm cho anh, cuộc đời anh và mọi người sáng lên, không phải bởi đôi mắt mà là ánh sáng chan chứa, ánh sáng dòi dọi của đức tin.

Thánh Marcô kết thúc bài Tin Mừng bằng một ghi nhận thấu đáo: "Tức thì anh ta thấy được và ĐI THEO NGƯỜI".

"ĐI THEO NGƯỜI" vừa khép lại một hành trình đức tin, vừa mở ra một hành trình mới. Vì hành động ĐI THEO ấy là một giai đoạm mới, mở ra một tương lai mới cần thiết cho cả hành trình đức tin vừa mới khép lại.

"ĐI THEO NGƯỜI": Đấy là điểm kết và là cao điểm của đức tin. Đấy là giai đoạn cuối cùng, là một tổng thể của cả hành trình đức tin. Đấy là cao trào lớn do chính giai đoạn đức tin vừa qua đưa tới. Đấy chính là sự tất yếu của những ai vừa khám phá ra bài học lớn lao của đức tin.

Như vậy một chuỗi tiến trình của đức tin vừa mới hình thành: ánh sáng đức tin của một tâm hồn dẫn tới sự sáng của đôi mắt để rồi trở lại với tâm hồn, đức tin ấy càng tỏa sáng lung linh.

Chúa ra tay giải thoát anh khỏi cảnh tăm tối của đôi mắt. Bằng cách ấy, Chúa lại đưa anh đi sâu vào huyền diệu của đức tin, để từ đây anh theo Chúa.

Niềm tin vào cuộc đời, vào lòng người đưa ta đến thành công trong cuộc sống.

Còn đức tin đưa ta đi trọn cuộc vượt qua mà cuộc đời của mỗi Kitô hữu cần lắm để phóng mình tới bến bờ của tình yêu thường hằng là chính Chúa, nguồn hạnh phúc vĩnh cửu.

Chính trong đức tin cũng đã bao hàm một niềm tin. Người mù khi kêu cầu Chúa Giêsu, giả thiết anh đã có sẵn niềm tin vào con người mang tên Giêsu.

Cuộc sống của bạn và tôi dẫu có thế nào, cũng đừng đánh mất niềm tin trong đời. Chính niềm tin là cái chốt đầu tiên đặt nền tảng cho đức tin.

Nếu bất mãn, thất vọng sẽ khiến cuộc sống nặng thế nào, thì thiếu niềm tin cũng sẽ dẫn tới một đức tin mệt mỏi thế ấy.

Bạn và tôi hãy để cho niềm tin hun đúc đức tin của mình. Và khi đức tin đã được tôi luyện, nó sẽ quay lại củng cố niềm tin trong ta.
Tin là đón nhận ánh sáng để nhìn cuộc đời trong ánh sáng mới. Nói cách khác, đức tin là cặp mắt mới. Cuộc đời vẫn thế. Vẫn những con người, những biến cố, những nỗi niềm. Đức tin chẳng miễn chước một khổ đau nào. Nhưng đức tin lại có sức làm thăng hoa cuộc đời. Dẫu không làm bay hơi bất cứ một sự oằn nặng nào trong ta, nhưng đức tin sẽ giúp ta thánh hóa tất cả những nỗi niềm, những lo toan, gánh vác… Trong đức tin, ta nhận ra như thế, thì đó chính là cập mắt mới của đức tin.

Tin còn là mở lòng đón nhận ơn Thiên Chúa. Đó chẳng phải là trường hợp của người mù Bartimê đó sao. Anh đã mở lòng và đón nhận chính Chúa Giêsu, món quà vô giá của chính Thiên Chúa tặng ban.

Và vì chính Chúa Giêsu là ánh sáng trần gian, nên khi được Chúa hiện diện trong ta, Chúa sẽ làm cho ta càng lúc càng chìm sâu trong ánh sáng, để như người mù Bartimê, ta bước theo ánh sáng của Chúa và nhận lấy niềm tin trong cuộc đời và đức tin nơi tâm hồn.
Chỉ với kinh nghiệm gặp Chúa, ta mới có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống lòng tin và trung thành với đời sống đức tin của mình.
 
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ 30 Mùa Quanh Năm 27/10 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
21:46 25/10/2024


BÀI ĐỌC 1 Gr 31:7-9

Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.

Đức Chúa phán thế này:

Reo vui lên mừng Gia-cóp,

hãy hoan hô dân đứng đầu chư dân!

Nào loan tin, ca ngợi và công bố:

“Đức Chúa đã cứu dân Người,

số còn sót lại của Ít-ra-en!”

Này Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về,

quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất.

Trong chúng, có kẻ đui, người què,

kẻ mang thai, người ở cữ:

tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo.

Chúng trở về, nước mắt tuôn rơi,

Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng,

dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng băng,

trên đó chúng không còn vấp ngã.

Vì đối với Ít-ra-en, Ta là một người Cha,

còn đối với Ta, Ép-ra-im chính là con trưởng.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Hr 5:1-6

Bài trích thư gởi tín hữu Híp-ri.

Thưa anh em, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội.

Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy.

Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông A-ha-ron đã được gọi.

Cũng vậy, không phải Đức Ki-tô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con, như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG

Alleluia, Alleluia!

Đấng Cứu Độ chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh.

Alleluia

TIN MỪNG Mc 10:46-52

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê.

Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”

Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”

Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!”

Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!”

Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”

Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.”

Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”

Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

Đó là Lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS CỦA Đức Thánh Cha PHANXICÔ, VỀ TÌNH YÊU NHÂN BẢN VÀ THẦN LINH CỦA TRÁI TIM CHÚA GIÊSU KITÔ
Vũ Văn An
03:01 25/10/2024
THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS CỦA Đức Thánh Cha PHANXICÔ, VỀ TÌNH YÊU NHÂN BẢN VÀ THẦN LINH CỦA TRÁI TIM CHÚA GIÊSU KITÔ

1. “NGƯỜI ĐÃ YÊU CHÚNG TA”, Thánh Phaolô nói về Chúa Kitô (x. Rm 8:37), để chúng ta nhận ra rằng không có gì có thể “tách biệt chúng ta” khỏi tình yêu đó (Rm 8:39). Thánh Phaolô có thể nói điều này một cách chắc chắn vì chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Người rằng: “Thầy đã yêu các con” (Ga 15:9, 12). Ngay cả bây giờ, Chúa vẫn nói với chúng ta rằng: “Thầy đã gọi các con là bạn hữu” (Ga 15:15). Trái tim rộng mở của Người đã đi trước chúng ta và chờ đợi chúng ta, vô điều kiện, chỉ xin trao cho chúng ta tình yêu và tình bạn của Người. Vì “Người đã yêu chúng ta trước” (x. 1 Ga 4:10). Nhờ Chúa Giêsu, “chúng ta đã biết và tin vào tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta” (1 Ga 4:16).



CHƯƠNG MỘT: TẦM QUAN TRỌNG CỦA TRÁI TIM

2. Biểu tượng trái tim thường được dùng để mô tả tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Một số người đặt câu hỏi liệu biểu tượng này có còn ý nghĩa ngày nay không. Tuy nhiên, khi sống trong thời đại hời hợt, vội vã từ việc này sang việc khác mà không thực sự biết lý do tại sao, và trở thành những người tiêu dùng không biết chán và nô lệ cho các cơ chế của thị trường mà không quan tâm đến ý nghĩa sâu xa hơn của cuộc sống, tất cả chúng ta cần khám phá lại tầm quan trọng của trái tim. [1]

CHÚNG TA MUỐN NÓI GÌ KHI NÓI “TRÁI TIM”?

3. Trong tiếng Hy Lạp cổ, từ kardía chỉ phần sâu thẳm nhất của con người, động vật và thực vật. Đối với Homer, nó không những chỉ trung tâm của cơ thể mà còn chỉ tâm hồn và tinh thần của con người. Trong Iliad, những suy nghĩ và cảm xúc xuất phát từ trái tim và gắn kết chặt chẽ với nhau. [2] Trái tim xuất hiện như nơi chứa đựng ham muốn và là nơi hình thành nên những quyết định quan trọng. [3] Trong Pla-tông, trái tim đóng vai trò như thể thống nhất các khía cạnh lý trí và bản năng của con người, vì các xung lực của cả các khả năng cao hơn và các đam mê được cho là đi qua các mạch máu hội tụ trong trái tim. [4] Từ thời xa xưa, người ta đã đánh giá cao sự kiện này: con người không chỉ là tổng hợp của các kỹ năng khác nhau, mà là sự thống nhất của cơ thể và tâm hồn với một trung tâm điều hợp cung cấp bối cảnh ý nghĩa và định hướng cho tất cả những gì người ta trải nghiệm.

4. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng, “Lời Chúa là lời sống động và hữu hiệu... có khả năng phán đoán những tư tưởng và ý định trong lòng” (Dt 4:12). Theo cách này, nó nói với chúng ta về trái tim như một cốt lõi ẩn giấu bên dưới mọi vẻ bề ngoài, thậm chí bên dưới những suy nghĩ hời hợt có thể khiến chúng ta lạc lối. Các môn đệ ở Emmaus, trong hành trình mầu nhiệm của họ cùng với Chúa Kitô phục sinh, đã trải qua một khoảnh khắc đau khổ, bối rối, tuyệt vọng và thất vọng. Tuy nhiên, vượt xa và bất chấp điều này, có điều gì đó đang xảy ra sâu thẳm bên trong họ: “Lòng chúng ta há chẳng bừng cháy lên khi Người nói chuyện với chúng ta dọc đường sao?” (Lc 24:32).

5. Trái tim cũng là nơi của sự chân thành, nơi không có sự gian dối và ngụy trang. Nó thường chỉ ra ý định thực sự của chúng ta, những gì chúng ta thực sự nghĩ, tin và mong muốn, những “bí mật” mà chúng ta không nói với ai: nói một cách ngắn gọn, sự thật trần trụi về chính chúng ta. Đó là phần trong chúng ta không phải là vẻ bề ngoài hay ảo tưởng, mà thay vào đó là chân thực, thực sự, hoàn toàn là “con người thật của chúng ta”. Đó là lý do tại sao Sam-song, người đã giấu Đa-li-đa bí mật về sức mạnh của mình, đã bị cô ấy hỏi, “Làm sao anh có thể nói, ‘Anh yêu em’, khi trái tim anh không ở cùng em?” (Tl 16:15). Chỉ khi Sam-song mở lòng mình với cô ấy, cô ấy mới nhận ra “rằng anh đã tiết lộ toàn bộ bí mật của mình” (Tl 16:18).

6. Thực tại bên trong của mỗi người thường ẩn sau rất nhiều “lá cành”, khiến chúng ta không những khó hiểu bản thân mà còn khó hiểu người khác: “Lòng người ta gian trá hơn mọi vật; nó là gian tà, ai hiểu được?” (Grm 17:9). Do đó, chúng ta có thể hiểu lời khuyên trong Sách Châm ngôn: “Hãy cẩn thận giữ lòng mình, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra; hãy tránh xa lời gian dối” (4:23-24). Vẻ bề ngoài, sự không trung thực và lừa dối sẽ gây hại và làm hư hỏng lòng người. Bất chấp mọi nỗ lực của chúng ta để tỏ ra mình không phải là ai, thì lòng người chính là thẩm phán cuối cùng, không phải về những gì chúng ta tỏ bầy hay che giấu với người khác, mà là về con người thật của chúng ta. Đó là nền tảng cho bất cứ dự án cuộc sống lành mạnh nào; không thể thực hiện bất cứ điều gì đáng giá nào ngoài trái tim. Vẻ bề ngoài giả tạo và sự không trung thực cuối cùng sẽ khiến chúng ta trắng tay.

7. Để minh họa cho điều này, tôi xin nhắc lại một câu chuyện mà tôi đã kể vào một dịp khác. “Đối với lễ hội hóa trang, khi chúng tôi còn nhỏ, bà tôi sẽ làm bánh ngọt bằng bột rất mỏng. Khi bà thả các dải bột vào dầu, chúng sẽ nở ra, nhưng sau đó, khi chúng tôi cắn vào, chúng rỗng bên trong. Trong phương ngữ chúng tôi nói, những chiếc bánh quy đó được gọi là 'lời nói dối'... Bà tôi giải thích lý do tại sao: 'Giống như lời nói dối, chúng trông to, nhưng bên trong rỗng; chúng là giả dối, không có thật'”. [5]

8. Thay vì chạy theo những sự thỏa mãn hời hợt và đóng vai trò vì lợi ích của người khác, chúng ta nên suy nghĩ tốt hơn về những câu hỏi thực sự quan trọng trong cuộc sống. Tôi thực sự là ai? Tôi là gì? Tôi chờ mong điều chi? Tôi muốn định hướng cuộc sống, quyết định và hành động của mình theo hướng nào? Tại sao và vì mục đích gì tôi ở thế giới này? Tôi muốn nhìn lại cuộc sống của mình như thế nào khi nó kết thúc? Tôi muốn mang lại ý nghĩa gì cho tất cả những trải nghiệm của mình? Tôi muốn trở thành ai đối với người khác? Tôi là ai đối với Thiên Chúa? Tất cả những câu hỏi này dẫn chúng ta trở lại với trái tim.

TRỞ VỀ TRÁI TIM

9. Trong thế giới “lỏng” này của chúng ta, chúng ta cần bắt đầu nói thêm về trái tim và suy nghĩ về nơi trong đó mỗi người, ở mọi tầng lớp và điều kiện, tạo ra sự tổng hợp, nơi họ gặp được nguồn gốc cơ bản của sức mạnh, niềm tin, đam mê và quyết định của mình. Tuy nhiên, chúng ta thấy mình đắm chìm trong xã hội của những người tiêu dùng nối tiếp nhau, những người sống từng ngày, bị chi phối bởi nhịp độ hối hả và bị công nghệ tấn công, thiếu sự kiên nhẫn cần thiết để tham gia vào các quá trình mà bản chất của cuộc sống nội tâm đòi hỏi. Trong xã hội đương thời, mọi người “có nguy cơ đánh mất trung tâm của mình, trung tâm của chính bản thân họ”. [6] “Thật vậy, những người đàn ông và đàn bà thời đại chúng ta thường thấy mình bối rối và bị xé nát, gần như mất đi nguyên tắc bên trong có thể tạo ra sự thống nhất và hòa hợp trong cuộc sống và hành động của họ. Các mô hình hành vi, thật đáng buồn, hiện đang lan rộng, phóng đại chiều kích lý trí-công nghệ của chúng ta hoặc ngược lại, chiều kích bản năng của chúng ta”. [7] Không còn chỗ cho trái tim.

10. Các vấn đề do xã hội lỏng ngày nay nêu ra được thảo luận nhiều, nhưng sự mất giá trị của cốt lõi sâu xa của nhân loại chúng ta - trái tim - đã có lịch sử lâu đời hơn nhiều. Chúng ta thấy nó đã hiện diện trong chủ nghĩa duy lý Hy Lạp và tiền Kitô giáo, trong chủ nghĩa duy tâm hậu Kitô giáo và trong chủ nghĩa duy vật dưới nhiều hình thức khác nhau. Trái tim đã bị bỏ qua trong nhân học, và truyền thống triết học vĩ đại coi nó là một khái niệm xa lạ, thích các khái niệm khác như lý trí, ý chí hoặc tự do. Bản thân ý nghĩa của thuật ngữ này không chính xác và khó có thể định vị trong trải nghiệm của con người chúng ta. Có lẽ điều này là do khó khăn khi coi nó là một “ý tưởng rõ ràng và riêng biệt”, hoặc vì nó bao hàm câu hỏi về sự tự hiểu, nơi mà phần sâu thẳm nhất trong chúng ta cũng là phần ít được biết đến nhất. Ngay cả việc gặp gỡ người khác cũng không nhất thiết chứng tỏ là một cách để gặp gỡ chính mình, vì các khuôn mẫu suy nghĩ của chúng ta bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân không lành mạnh. Nhiều người cảm thấy an toàn hơn khi xây dựng hệ thống tư duy của họ trong phạm vi dễ kiểm soát hơn của trí tuệ và ý chí. Việc không dành chỗ cho trái tim, khác biệt với sức mạnh và đam mê của con người khi được xem xét tách biệt với nhau, đã dẫn đến sự cản trở ý tưởng về một trung tâm cá nhân, trong đó tình yêu, cuối cùng, là thực tại duy nhất có thể thống nhất tất cả những thứ khác.

11. Nếu chúng ta hạ thấp giá trị của trái tim, chúng ta cũng hạ thấp giá trị của việc nói từ trái tim, hành động bằng trái tim, vun đắp và chữa lành trái tim. Nếu chúng ta không đánh giá cao tính cụ thể của trái tim, chúng ta sẽ bỏ lỡ những thông điệp mà chỉ riêng trí hiểu không thể truyền đạt được; chúng ta bỏ lỡ sự phong phú trong những cuộc gặp gỡ của chúng ta với người khác; chúng ta bỏ lỡ thi ca. Chúng ta cũng mất dấu vết lịch sử và quá khứ của chính mình, vì lịch sử cá nhân thực sự của chúng ta được xây dựng bằng trái tim. Vào cuối cuộc đời, chỉ có điều đó mới quan trọng.

12. Vậy thì phải nói rằng chúng ta có một trái tim, một trái tim cùng tồn tại với những trái tim khác giúp tạo nên một “Ngài”. Vì chúng ta không thể phát triển chủ đề này một cách chi tiết, nên chúng ta sẽ lấy một nhân vật trong một trong những tiểu thuyết của Dostoevsky, Nikolai Stavrogin. [8] Romano Guardini lập luận rằng Stavrogin chính là hiện thân của cái ác, vì đặc điểm chính của anh ta là sự vô tâm: “Stavrogin không có trái tim, do đó tâm trí anh ta lạnh lùng và trống rỗng, cơ thể anh ta chìm đắm trong sự lười biếng và dục vọng của loài thú. Anh ta không có trái tim, do đó anh ta không thể gần gũi với bất cứ ai và không ai có thể thực sự gần gũi với anh ta. Vì chỉ có trái tim mới tạo ra sự thân mật, sự gần gũi thực sự giữa hai người. Chỉ có trái tim mới có thể chào đón và cung cấp lòng hiếu khách. Sự thân mật là hoạt động thích hợp và là phạm vi của trái tim. Stavrogin luôn vô cùng xa cách, ngay cả với chính mình, bởi vì người ta chỉ có thể đi vào bên trong chính mình bằng trái tim, chứ không phải bằng lý trí. Con người không có khả năng đi vào bên trong chính mình bằng lý trí. Do đó, nếu trái tim không sống động, con người vẫn là người xa lạ với chính mình”. [9]

13. Mọi hành động của chúng ta cần phải được đặt dưới “quy tắc chính trị” của trái tim. Theo cách này, tính hung hăng và ham muốn ám ảnh của chúng ta sẽ tìm thấy sự nghỉ ngơi trong điều tốt đẹp hơn mà trái tim đề nghị và trong sức mạnh của trái tim để chống lại cái ác. Tâm trí và ý chí được đưa vào phục vụ cho điều tốt đẹp hơn bằng cách cảm nhận và thưởng thức chân lý, thay vì tìm cách làm chủ chúng như khoa học có xu hướng làm. Ý chí mong muốn điều tốt đẹp hơn mà trái tim nhận ra, trong khi trí tưởng tượng và cảm xúc tự chúng được hướng dẫn bởi nhịp đập của trái tim.

14. Do đó, có thể nói rằng tôi là trái tim của tôi, vì trái tim là thứ khiến tôi khác biệt, định hình bản sắc tinh thần của tôi và đưa tôi vào sự hiệp thông với những người khác. Các thuật toán hoạt động trong thế giới kỹ thuật số cho thấy rằng suy nghĩ và ý chí của chúng ta “đồng nhất” hơn nhiều so với những gì chúng ta từng nghĩ trước đây. Chúng dễ dự đoán và do đó có thể bị thao túng. Nhưng trái tim thì không như vậy.

15. Chữ “trái tim” chứng minh giá trị của nó đối với triết học và thần học trong nỗ lực đạt được sự tổng hợp toàn diện. Ý nghĩa của nó cũng không thể được khai thác hết trong sinh học, tâm lý học, nhân chủng học hay bất cứ khoa học nào khác. Đây là một trong những từ nguyên thủy “mô tả thực tại thuộc về con người chính xác trong chừng mực con người là một tổng thể (như một con người có thân xác-tinh thần)”. [10] Do đó, các nhà sinh học không “thực tế” hơn khi họ thảo luận về trái tim, vì họ chỉ nhìn thấy một khía cạnh của nó; tổng thể không phải là ít thực hơn, mà thậm chí còn thực hơn. Ngôn ngữ trừu tượng cũng không bao giờ có thể có được cùng một ý nghĩa cụ thể và tổng hợp. Chữ “trái tim” gợi lên cốt lõi sâu thẳm nhất của con người chúng ta, và do đó, nó cho phép chúng ta hiểu bản thân mình trong sự toàn vẹn của mình chứ không chỉ dưới một khía cạnh biệt lập.

16. Sức mạnh độc đáo này của trái tim cũng giúp chúng ta hiểu tại sao, khi chúng ta nắm bắt một thực tại bằng trái tim, chúng ta biết nó tốt hơn và đầy đủ hơn. Điều này tất yếu dẫn chúng ta đến tình yêu mà trái tim có khả năng, vì “cốt lõi sâu thẳm nhất của thực tại là tình yêu”. [11] Đối với Heidegger, như được một nhà tư tưởng đương thời diễn giải, triết học không bắt đầu bằng một khái niệm đơn giản hay sự chắc chắn, mà bằng một cú sốc: “Suy nghĩ phải được khơi dậy trước khi nó bắt đầu làm việc với các khái niệm hoặc trong khi nó làm việc với chúng. Nếu không có cảm xúc sâu sắc, suy nghĩ không thể bắt đầu. Do đó, hình ảnh tinh thần đầu tiên sẽ là nổi da gà. Điều đầu tiên khiến người ta suy nghĩ và đặt câu hỏi là cảm xúc sâu sắc. Triết học luôn diễn ra trong một tâm trạng cơ bản (Stimmung)”. [12] Đó là lúc trái tim xuất hiện, vì nó “chứa đựng các trạng thái của tâm trí và hoạt động như một ‘người giữ trạng thái của tâm trí’. ‘Trái tim’ lắng nghe theo một cách phi ẩn dụ ‘giọng nói thầm lặng’ của bản thể, cho phép bản thân được tôi luyện và xác định bởi nó”. [13]

TRÁI TIM KẾT HỢP CÁC MẢNH VỠ

17. Đồng thời, trái tim làm cho mọi sự gắn kết chân thực trở nên khả hữu, vì một mối quan hệ không được định hình bởi trái tim thì không thể vượt qua được sự phân mảnh do chủ nghĩa cá nhân gây ra. Hai đơn tử có thể tiếp cận nhau, nhưng chúng sẽ không bao giờ thực sự kết nối. Một xã hội bị chi phối bởi chủ nghĩa tự luyến và ích kỷ sẽ ngày càng trở nên “vô tâm”. Điều này sẽ dẫn đến “mất đi ham muốn”, vì khi những người khác biến mất khỏi đường chân trời, chúng ta thấy mình bị mắc kẹt trong những bức tường do chính mình tạo ra, không còn khả năng có những mối quan hệ lành mạnh. [14] Kết quả là, chúng ta cũng trở nên không có khả năng cởi mở với Thiên Chúa. Như Heidegger đã nói, để cởi mở với điều thần thiêng, chúng ta cần xây dựng một “nhà khách”. [15]

18. Vậy thì, chúng ta thấy rằng trong trái tim của mỗi người có một mối liên hệ mầu nhiệm giữa sự tự nhận thức và sự cởi mở với người khác, giữa cuộc gặp gỡ với sự độc đáo của cá nhân và sự sẵn lòng trao tặng bản thân cho người khác. Chúng ta chỉ trở thành chính mình khi chúng ta có khả năng thừa nhận người khác, trong khi chỉ những ai có thể thừa nhận và chấp nhận bản thân mình mới có thể gặp gỡ người khác.

19. Trái tim cũng có khả năng thống nhất và hài hòa lịch sử bản thân của chúng ta, có vẻ như bị phân mảnh một cách vô vọng, nhưng lại là nơi mà mọi sự có thể có ý nghĩa. Tin Mừng cho chúng ta biết điều này khi nói về Đức Mẹ, người đã nhìn thấy mọi thứ bằng trái tim. Mẹ có thể đối thoại với những điều Mẹ đã trải qua bằng cách suy gẫm chúng trong lòng, trân trọng ký ức về chúng và nhìn nhận chúng theo một góc nhìn rộng hơn. Cách diễn đạt hay nhất về cách trái tim suy nghĩ được tìm thấy trong hai đoạn văn trong Tin Mừng Thánh Luca nói với chúng ta về cách Đức Maria “trân trọng (synetérei) tất cả những điều này và suy ngẫm (symbállousa) chúng trong lòng” (x. Lc 2:19 và 51). Động từ tiếng Hy Lạp symbállein, “suy gẫm”, gợi lên hình ảnh ghép hai thứ lại với nhau (“biểu tượng”) trong tâm trí của một người và suy gẫm về chúng, trong một cuộc đối thoại với chính mình. Trong Luca 2:51, động từ được sử dụng là dietérei, có nghĩa là “giữ lại”. Điều Đức Maria “giữ lại” không chỉ là ký ức của ngài về những gì ngài đã thấy và nghe, mà còn là những khía cạnh mà ngài vẫn chưa hiểu; tuy nhiên, những điều này vẫn hiện diện và sống động trong ký ức của ngài, chờ đợi để được “gắn kết” trong trái tim ngài.

20. Trong thời đại trí tuệ nhân tạo này, chúng ta không thể quên rằng thi ca và tình yêu là cần thiết để cứu rỗi nhân loại của chúng ta. Không có thuật toán nào có thể nắm bắt được, ví dụ, nỗi nhớ mà tất cả chúng ta đều cảm thấy, bất kể tuổi tác và bất kể chúng ta sống ở đâu, khi chúng ta nhớ lại lần đầu tiên chúng ta dùng nĩa để dán mép những chiếc bánh mà chúng ta giúp mẹ hoặc bà của mình làm ở nhà. Đó là khoảnh khắc học nghề nấu nướng, ở đâu đó giữa trò chơi trẻ con và tuổi trưởng thành, khi chúng ta lần đầu tiên cảm thấy có trách nhiệm làm việc và giúp đỡ lẫn nhau. Cùng với chiếc nĩa, tôi cũng có thể kể đến hàng ngàn điều nhỏ nhặt khác đóng vai trò quý giá trong cuộc sống của mỗi người: nụ cười chúng ta nhận được khi kể một câu chuyện cười, bức tranh chúng ta phác họa dưới ánh sáng của cửa sổ, trận bóng đá đầu tiên chúng ta chơi với một quả bóng vải, những con giun chúng ta thu thập được trong một hộp giày, một bông hoa chúng ta ép vào trang sách, nỗi lo lắng của chúng ta về một chú chim non rơi khỏi tổ, một điều ước chúng ta thực hiện khi hái một bông hoa cúc. Tất cả những điều nhỏ nhặt này, bình thường trong chính chúng nhưng lại phi thường đối với chúng ta, không bao giờ có thể được thuật toán nắm bắt. Cái nĩa, trò đùa, cửa sổ, quả bóng, hộp giày, cuốn sách, chú chim, bông hoa: tất cả những thứ này sống mãi như những kỷ niệm quý giá được "lưu giữ" sâu trong trái tim chúng ta.

21. Cái cốt lõi sâu sắc này, hiện diện trong mỗi người đàn ông và đàn bà, không phải là cốt lõi của tâm hồn, mà là của toàn bộ con người trong bản sắc tâm lý độc đáo của họ. Mọi thứ đều tìm thấy sự thống nhất của nó trong trái tim, nơi có thể là nơi trú ngụ của tình yêu trong tất cả các chiều kích tâm linh, tâm lý và thậm chí là thể chất. Nói tóm lại, nếu tình yêu ngự trị trong trái tim chúng ta, chúng ta sẽ trở thành, theo cách trọn vẹn và sáng ngời, những con người mà chúng ta được định sẵn, vì mỗi con người được tạo ra trên hết là để yêu. Trong tận sâu thẳm hữu thể của chúng ta, chúng ta được tạo ra để yêu và được yêu.

22. Vì lý do này, khi chúng ta chứng kiến sự bùng nổ của các cuộc chiến tranh mới, với sự đồng lõa, khoan dung hoặc thờ ơ của các quốc gia khác, hoặc các cuộc đấu tranh quyền lực nhỏ nhen vì lợi ích đảng phái, chúng ta có thể bị cám dỗ kết luận rằng thế giới của chúng ta đang mất đi trái tim. Chúng ta chỉ cần nhìn và lắng nghe những người phụ nữ lớn tuổi - từ cả hai phía - những người đang phải chịu đựng những cuộc xung đột tàn khốc này. Thật đau lòng khi thấy họ than khóc cho những đứa cháu bị sát hại của mình, hoặc mong muốn được chết sau khi mất đi ngôi nhà nơi họ đã sống cả cuộc đời. Những người phụ nữ đó, những người thường là trụ cột của sức mạnh và khả năng phục hồi giữa những khó khăn và gian khổ của cuộc sống, giờ đây, vào cuối đời, họ chỉ trải qua nỗi đau khổ, sợ hãi và phẫn nộ thay vì sự nghỉ ngơi xứng đáng. Đổ lỗi cho người khác không giải quyết được những tình huống đáng xấu hổ và bi thảm này. Việc nhìn thấy những người phụ nữ lớn tuổi này khóc, và không cảm thấy đây là điều không thể chịu đựng được, là dấu hiệu của một thế giới đã trở nên vô cảm.

23. Bất cứ khi nào một người suy nghĩ, đặt câu hỏi và suy gẫm về bản sắc thực sự của mình, cố gắng hiểu những câu hỏi sâu sắc hơn của cuộc sống và tìm kiếm Thiên Chúa, hoặc trải nghiệm cảm giác hồi hộp khi thoáng thấy chân lý, điều đó dẫn đến việc nhận ra rằng sự viên mãn của chúng ta với tư cách là con người được tìm thấy trong tình yêu. Khi yêu, chúng ta cảm thấy chúng ta biết được mục đích và mục tiêu cuộc hiện hữu của mình trên thế giới này. Mọi thứ kết hợp lại với nhau trong trạng thái mạch lạc và hài hòa. Do đó, khi suy gẫm về ý nghĩa cuộc sống của mình, có lẽ câu hỏi quyết định nhất mà chúng ta có thể hỏi là: "Tôi có trái tim không?"

LỬA

24. Tất cả những gì chúng ta đã nói đều có ý nghĩa đối với đời sống tâm linh. Ví dụ, thần học cơ bản trong linh thao của Thánh I-nha-xi-ô thành Loyola dựa trên "tình cảm" (affectus). Cấu trúc của Linh thao giả định một mong muốn vững chắc và chân thành để "sắp xếp lại" cuộc sống của người ta, một mong muốn, ngược lại, đã cung cấp sức mạnh và phương tiện để đạt được mục tiêu đó. Các quy tắc và thành phần của nơi chốn mà Thánh I-nha-xi-ô cung cấp phục vụ cho một điều gì đó quan trọng hơn nhiều, cụ thể là, sự mầu nhiệm của trái tim con người. Michel de Certeau cho thấy cách mà “các chuyển động” được Thánh I-nha-xi-ô nói đến là sự “thâm nhập” mong muốn của Thiên Chúa và mong muốn của chính trái tim chúng ta giữa sự tiến triển có trật tự của các cuộc suy niệm. Một điều gì đó bất ngờ và chưa từng biết đến bắt đầu nói trong trái tim chúng ta, phá vỡ kiến thức hời hợt của chúng ta và đặt câu hỏi về nó. Đây là khởi đầu của một quá trình mới “sắp xếp cuộc sống của chúng ta theo trật tự”, bắt đầu từ trái tim. Không phải là về các khái niệm trí thức cần được đưa vào thực hành trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, như thể tình cảm và thực hành chỉ là những tác động của – và phụ thuộc vào – dữ kiện của kiến thức. [16]

25. Nơi mà tư duy của triết gia dừng lại, thì ở đó trái tim của tín hữu tiếp tục thúc đẩy trong tình yêu và sự tôn thờ, trong việc cầu xin sự tha thứ và trong sự sẵn lòng phục vụ ở bất cứ nơi nào Chúa cho phép chúng ta lựa chọn, để noi theo bước chân của Người. Vào thời điểm đó, chúng ta nhận ra rằng trong mắt Thiên Chúa, chúng ta là một “Con” [Thou], và vì lý do đó, chúng ta có thể là một “Tôi”. Thật vậy, chỉ có Chúa mới có thể đối xử với mỗi người chúng ta như một “Con” [Thou], luôn luôn và mãi mãi. Việc chấp nhận tình bạn của Người là vấn đề của trái tim; đó là điều tạo nên chúng ta như những con người theo nghĩa đầy đủ nhất của từ ngữ đó.

26. Thánh Bonaventura nói với chúng ta rằng cuối cùng, chúng ta không nên cầu xin ánh sáng, mà là cầu xin “ngọn lửa dữ dội”. [17] Ngài dạy rằng, “đức tin ở trong trí tuệ, theo cách khơi dậy tình cảm. Theo nghĩa này, ví dụ, việc biết rằng Chúa Kitô đã chết vì chúng ta không còn là kiến thức nữa, mà nhất thiết phải trở thành tình cảm, tình yêu”. [18] Theo cùng một đường hướng, Thánh John Henry Newman đã lấy cụm từ Cor ad cor loquitur [lòng nói với lòng] làm phương châm của mình, vì, vượt ra ngoài mọi suy nghĩ và ý tưởng của chúng ta, Chúa cứu chúng ta bằng cách nói với trái tim chúng ta từ Thánh Tâm của Người. Nhận thức này đã dẫn ngài, một trí thức lỗi lạc, đến với nhận thức rằng cuộc gặp gỡ sâu sắc nhất của ngài với chính mình và với Chúa không đến từ việc đọc sách hay suy gẫm, mà đến từ cuộc đối thoại cầu nguyện, từ trái tim với trái tim, với Chúa Kitô, sống động và hiện diện. Chính trong Bí tích Thánh Thể mà Newman đã gặp được trái tim sống động của Chúa Giêsu, có khả năng giải thoát chúng ta, mang lại ý nghĩa cho từng khoảnh khắc trong cuộc sống của chúng ta và ban tặng sự bình an đích thực: “Lạy Trái Tim Thánh Thiêng, yêu thương nhất của Chúa Giêsu, Chúa ẩn mình trong Bí tích Thánh Thể, và Chúa vẫn đập vì chúng con… Con tôn thờ Chúa với tất cả tình yêu và sự kính sợ tốt nhất của con, với tình cảm nồng nhiệt của con, với ý chí kiên quyết và khiêm nhường nhất của con. Lạy Chúa, khi Chúa hạ mình để con tiếp nhận Chúa, ăn và uống Chúa, và trong một thời gian Chúa ngự trong con, xin hãy làm cho trái tim con đập cùng Trái Tim Chúa. Xin thanh tẩy trái tim con khỏi mọi thứ trần tục, mọi thứ kiêu hãnh và nhục dục, mọi thứ cứng rắn và tàn nhẫn, khỏi mọi sự đồi trụy, mọi sự hỗn loạn, mọi sự chết chóc. Xin lấp đầy trái tim con bằng Chúa, để những sự kiện trong ngày hay hoàn cảnh của thời gian không có sức mạnh làm xáo trộn trái tim con, nhưng trong tình yêu và sự kính sợ Chúa, trái tim con có được sự bình an”. [19]

27. Trước trái tim của Chúa Giêsu, sống động và hiện diện, tâm trí chúng ta, được Chúa Thánh Thần soi sáng, phát triển trong sự hiểu biết về lời Người và ý chí của chúng ta được thúc đẩy để đưa chúng vào thực hành. Điều này có thể dễ dàng ở mức độ của một loại chủ nghĩa đạo đức tự lực. Tuy nhiên, lắng nghe và nếm trải Chúa, và tôn vinh Người một cách xứng đáng là vấn đề của trái tim. Chỉ có trái tim mới có khả năng đặt các sức mạnh và đam mê khác của chúng ta, và toàn bộ con người chúng ta, vào tư thế tôn kính và vâng phục yêu thương trước Chúa.

THẾ GIỚI CÓ THỂ THAY ĐỔI, BẮT ĐẦU TỪ TRÁI TIM

28. Chỉ bằng cách bắt đầu từ trái tim, các cộng đồng của chúng ta mới có thể thành công trong việc hợp nhất và hòa giải những tâm trí và ý chí khác nhau, để Chúa Thánh Thần có thể hướng dẫn chúng ta trong sự hiệp nhất như anh chị em. Sự hòa giải và hòa bình cũng nảy sinh từ trái tim. Trái tim của Chúa Kitô là “sự ngây ngất xuất thần”, cởi mở, ban tặng và gặp gỡ. Trong trái tim đó, chúng ta học cách liên hệ với nhau theo những cách lành mạnh và hạnh phúc, và xây dựng vương quốc tình yêu và công lý của Thiên Chúa trên thế giới này. Trái tim chúng ta, hợp nhất với trái tim của Chúa Kitô, có khả năng tạo nên phép lạ xã hội này.

29. Do đó, việc coi trọng trái tim sẽ có hậu quả đối với toàn thể xã hội. Công đồng Vatican II dạy rằng, “mỗi người chúng ta cần thay đổi trái tim; chúng ta phải hướng mắt nhìn toàn thế giới và hướng đến những nhiệm vụ mà tất cả chúng ta có thể cùng nhau thực hiện để mang lại sự cải thiện cho giống nòi của chúng ta”. [20] Vì “sự mất cân bằng đang ảnh hưởng đến thế giới ngày nay thực chất là triệu chứng của sự mất cân bằng sâu sắc hơn bắt nguồn từ trái tim con người”. [21] Khi suy gẫm về những bi kịch đang gây đau khổ cho thế giới của chúng ta, Công đồng thúc giục chúng ta quay trở lại với trái tim. Công đồng giải thích rằng con người “bằng đời sống nội tâm của mình, vượt qua toàn bộ vũ trụ vật chất; họ trải nghiệm được sự sâu sắc bên trong này khi họ đi vào trái tim của chính mình, nơi Thiên Chúa, Đấng thăm dò trái tim, đang chờ đợi họ, và nơi họ quyết định số phận của chính mình trước mặt Thiên Chúa”. [22]

30. Điều này không có nghĩa là chúng ta quá phụ thuộc vào khả năng của chính mình. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng trái tim chúng ta không tự túc, mà yếu đuối và bị tổn thương. Chúng sở hữu một phẩm giá hữu thể học, nhưng đồng thời phải tìm kiếm một cuộc sống ngày càng có phẩm giá hơn. [23] Công đồng Vatican II chỉ ra rằng “men Tin Mừng đã khơi dậy và tiếp tục khơi dậy trong trái tim con người một cơn khát không thể dập tắt đối với phẩm giá con người”. [24] Tuy nhiên, để sống theo phẩm giá này, chỉ biết Tin Mừng hoặc thực hiện một cách máy móc các yêu cầu của Tin Mừng là chưa đủ. Chúng ta cần sự giúp đỡ của tình yêu Thiên Chúa. Vậy thì, chúng ta hãy hướng về trái tim của Chúa Kitô, cốt lõi của hữu thể Người, là lò lửa rực cháy của tình yêu thần linh và nhân bản và là sự viên mãn cao cả nhất mà nhân loại có thể khao khát. Ở đó, trong trái tim đó, cuối cùng chúng ta thực sự biết được chính mình và chúng ta học cách yêu thương.

31. Cuối cùng, Thánh Tâm là nguyên lý thống nhất của mọi thực tại, vì “Chúa Kitô là trái tim của thế giới, và mầu nhiệm vượt qua về cái chết và sự phục sinh của Người là trung tâm của lịch sử, mà vì Người, là lịch sử cứu độ”. [25] Mọi loài thụ tạo “đang tiến về phía trước cùng với chúng ta và thông qua chúng ta hướng đến một điểm đến chung, đó là Thiên Chúa, trong sự viên mãn siêu việt đó, nơi Chúa Kitô phục sinh ôm ấp và soi sáng mọi sự”. [26] Trước sự hiện diện của trái tim Chúa Kitô, một lần nữa tôi cầu xin Chúa thương xót thế giới đau khổ này, nơi Người đã chọn ngự trị như một trong chúng ta. Xin Người đổ tràn kho tàng ánh sáng và tình yêu của Người, để thế giới của chúng ta, thế giới đang tiến về phía trước bất chấp chiến tranh, chênh lệch kinh tế xã hội và việc sử dụng công nghệ đe dọa nhân loại của chúng ta, có thể lấy lại được điều quan trọng và cần thiết nhất trong tất cả: trái tim của nó.

TRÁI TIM KẾT HỢP CÁC MẢNH VỠ

17. Đồng thời, trái tim làm cho mọi sự gắn kết chân thực trở nên khả hữu, vì một mối quan hệ không được định hình bởi trái tim thì không thể vượt qua được sự phân mảnh do chủ nghĩa cá nhân gây ra. Hai đơn tử có thể tiếp cận nhau, nhưng chúng sẽ không bao giờ thực sự kết nối. Một xã hội bị chi phối bởi chủ nghĩa tự luyến và ích kỷ sẽ ngày càng trở nên “vô tâm”. Điều này sẽ dẫn đến “mất đi ham muốn”, vì khi những người khác biến mất khỏi đường chân trời, chúng ta thấy mình bị mắc kẹt trong những bức tường do chính mình tạo ra, không còn khả năng có những mối quan hệ lành mạnh. [14] Kết quả là, chúng ta cũng trở nên không có khả năng cởi mở với Thiên Chúa. Như Heidegger đã nói, để cởi mở với điều thần thiêng, chúng ta cần xây dựng một “nhà khách”. [15]

18. Vậy thì, chúng ta thấy rằng trong trái tim của mỗi người có một mối liên hệ mầu nhiệm giữa sự tự nhận thức và sự cởi mở với người khác, giữa cuộc gặp gỡ với sự độc đáo của cá nhân và sự sẵn lòng trao tặng bản thân cho người khác. Chúng ta chỉ trở thành chính mình khi chúng ta có khả năng thừa nhận người khác, trong khi chỉ những ai có thể thừa nhận và chấp nhận bản thân mình mới có thể gặp gỡ người khác.

19. Trái tim cũng có khả năng thống nhất và hài hòa lịch sử bản thân của chúng ta, có vẻ như bị phân mảnh một cách vô vọng, nhưng lại là nơi mà mọi sự có thể có ý nghĩa. Tin Mừng cho chúng ta biết điều này khi nói về Đức Mẹ, người đã nhìn thấy mọi thứ bằng trái tim. Mẹ có thể đối thoại với những điều Mẹ đã trải qua bằng cách suy gẫm chúng trong lòng, trân trọng ký ức về chúng và nhìn nhận chúng theo một góc nhìn rộng hơn. Cách diễn đạt hay nhất về cách trái tim suy nghĩ được tìm thấy trong hai đoạn văn trong Tin Mừng Thánh Luca nói với chúng ta về cách Đức Maria “trân trọng (synetérei) tất cả những điều này và suy ngẫm (symbállousa) chúng trong lòng” (x. Lc 2:19 và 51). Động từ tiếng Hy Lạp symbállein, “suy gẫm”, gợi lên hình ảnh ghép hai thứ lại với nhau (“biểu tượng”) trong tâm trí của một người và suy gẫm về chúng, trong một cuộc đối thoại với chính mình. Trong Luca 2:51, động từ được sử dụng là dietérei, có nghĩa là “giữ lại”. Điều Đức Maria “giữ lại” không chỉ là ký ức của ngài về những gì ngài đã thấy và nghe, mà còn là những khía cạnh mà ngài vẫn chưa hiểu; tuy nhiên, những điều này vẫn hiện diện và sống động trong ký ức của ngài, chờ đợi để được “gắn kết” trong trái tim ngài.

20. Trong thời đại trí tuệ nhân tạo này, chúng ta không thể quên rằng thi ca và tình yêu là cần thiết để cứu rỗi nhân loại của chúng ta. Không có thuật toán nào có thể nắm bắt được, ví dụ, nỗi nhớ mà tất cả chúng ta đều cảm thấy, bất kể tuổi tác và bất kể chúng ta sống ở đâu, khi chúng ta nhớ lại lần đầu tiên chúng ta dùng nĩa để dán mép những chiếc bánh mà chúng ta giúp mẹ hoặc bà của mình làm ở nhà. Đó là khoảnh khắc học nghề nấu nướng, ở đâu đó giữa trò chơi trẻ con và tuổi trưởng thành, khi chúng ta lần đầu tiên cảm thấy có trách nhiệm làm việc và giúp đỡ lẫn nhau. Cùng với chiếc nĩa, tôi cũng có thể kể đến hàng ngàn điều nhỏ nhặt khác đóng vai trò quý giá trong cuộc sống của mỗi người: nụ cười chúng ta nhận được khi kể một câu chuyện cười, bức tranh chúng ta phác họa dưới ánh sáng của cửa sổ, trận bóng đá đầu tiên chúng ta chơi với một quả bóng vải, những con giun chúng ta thu thập được trong một hộp giày, một bông hoa chúng ta ép vào trang sách, nỗi lo lắng của chúng ta về một chú chim non rơi khỏi tổ, một điều ước chúng ta thực hiện khi hái một bông hoa cúc. Tất cả những điều nhỏ nhặt này, bình thường trong chính chúng nhưng lại phi thường đối với chúng ta, không bao giờ có thể được thuật toán nắm bắt. Cái nĩa, trò đùa, cửa sổ, quả bóng, hộp giày, cuốn sách, chú chim, bông hoa: tất cả những thứ này sống mãi như những kỷ niệm quý giá được "lưu giữ" sâu trong trái tim chúng ta.

21. Cái cốt lõi sâu sắc này, hiện diện trong mỗi người đàn ông và đàn bà, không phải là cốt lõi của tâm hồn, mà là của toàn bộ con người trong bản sắc tâm lý độc đáo của họ. Mọi thứ đều tìm thấy sự thống nhất của nó trong trái tim, nơi có thể là nơi trú ngụ của tình yêu trong tất cả các chiều kích tâm linh, tâm lý và thậm chí là thể chất. Nói tóm lại, nếu tình yêu ngự trị trong trái tim chúng ta, chúng ta sẽ trở thành, theo cách trọn vẹn và sáng ngời, những con người mà chúng ta được định sẵn, vì mỗi con người được tạo ra trên hết là để yêu. Trong tận sâu thẳm hữu thể của chúng ta, chúng ta được tạo ra để yêu và được yêu.

22. Vì lý do này, khi chúng ta chứng kiến sự bùng nổ của các cuộc chiến tranh mới, với sự đồng lõa, khoan dung hoặc thờ ơ của các quốc gia khác, hoặc các cuộc đấu tranh quyền lực nhỏ nhen vì lợi ích đảng phái, chúng ta có thể bị cám dỗ kết luận rằng thế giới của chúng ta đang mất đi trái tim. Chúng ta chỉ cần nhìn và lắng nghe những người phụ nữ lớn tuổi - từ cả hai phía - những người đang phải chịu đựng những cuộc xung đột tàn khốc này. Thật đau lòng khi thấy họ than khóc cho những đứa cháu bị sát hại của mình, hoặc mong muốn được chết sau khi mất đi ngôi nhà nơi họ đã sống cả cuộc đời. Những người phụ nữ đó, những người thường là trụ cột của sức mạnh và khả năng phục hồi giữa những khó khăn và gian khổ của cuộc sống, giờ đây, vào cuối đời, họ chỉ trải qua nỗi đau khổ, sợ hãi và phẫn nộ thay vì sự nghỉ ngơi xứng đáng. Đổ lỗi cho người khác không giải quyết được những tình huống đáng xấu hổ và bi thảm này. Việc nhìn thấy những người phụ nữ lớn tuổi này khóc, và không cảm thấy đây là điều không thể chịu đựng được, là dấu hiệu của một thế giới đã trở nên vô cảm.

23. Bất cứ khi nào một người suy nghĩ, đặt câu hỏi và suy gẫm về bản sắc thực sự của mình, cố gắng hiểu những câu hỏi sâu sắc hơn của cuộc sống và tìm kiếm Thiên Chúa, hoặc trải nghiệm cảm giác hồi hộp khi thoáng thấy chân lý, điều đó dẫn đến việc nhận ra rằng sự viên mãn của chúng ta với tư cách là con người được tìm thấy trong tình yêu. Khi yêu, chúng ta cảm thấy chúng ta biết được mục đích và mục tiêu cuộc hiện hữu của mình trên thế giới này. Mọi thứ kết hợp lại với nhau trong trạng thái mạch lạc và hài hòa. Do đó, khi suy gẫm về ý nghĩa cuộc sống của mình, có lẽ câu hỏi quyết định nhất mà chúng ta có thể hỏi là: "Tôi có trái tim không?"

LỬA

24. Tất cả những gì chúng ta đã nói đều có ý nghĩa đối với đời sống tâm linh. Ví dụ, thần học cơ bản trong Linh thao của Thánh I-nha-xi-ô thành Loyola dựa trên "tình cảm" (affectus). Cấu trúc của Linh thao giả định một mong muốn vững chắc và chân thành để "sắp xếp lại" cuộc sống của người ta, một mong muốn, ngược lại, đã cung cấp sức mạnh và phương tiện để đạt được mục tiêu đó. Các quy tắc và thành phần của nơi chốn mà Thánh I-nha-xi-ô cung cấp phục vụ cho một điều gì đó quan trọng hơn nhiều, cụ thể là, sự mầu nhiệm của trái tim con người. Michel de Certeau cho thấy cách mà “các chuyển động” được Thánh I-nha-xi-ô nói đến là sự “thâm nhập” mong muốn của Thiên Chúa và mong muốn của chính trái tim chúng ta giữa sự tiến triển có trật tự của các cuộc suy niệm. Một điều gì đó bất ngờ và chưa từng biết đến bắt đầu nói trong trái tim chúng ta, phá vỡ kiến thức hời hợt của chúng ta và đặt câu hỏi về nó. Đây là khởi đầu của một quá trình mới “sắp xếp cuộc sống của chúng ta theo trật tự”, bắt đầu từ trái tim. Không phải là về các khái niệm trí thức cần được đưa vào thực hành trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, như thể tình cảm và thực hành chỉ là những tác động của – và phụ thuộc vào – dữ kiện của kiến thức. [16]

25. Nơi mà tư duy của triết gia dừng lại, thì ở đó trái tim của tín hữu tiếp tục thúc đẩy trong tình yêu và sự tôn thờ, trong việc cầu xin sự tha thứ và trong sự sẵn lòng phục vụ ở bất cứ nơi nào Chúa cho phép chúng ta lựa chọn, để noi theo bước chân của Người. Vào thời điểm đó, chúng ta nhận ra rằng trong mắt Thiên Chúa, chúng ta là một “Con” [Thou], và vì lý do đó, chúng ta có thể là một “Tôi”. Thật vậy, chỉ có Chúa mới có thể đối xử với mỗi người chúng ta như một “Con” [Thou], luôn luôn và mãi mãi. Việc chấp nhận tình bạn của Người là vấn đề của trái tim; đó là điều tạo nên chúng ta như những con người theo nghĩa đầy đủ nhất của từ ngữ đó.

26. Thánh Bonaventura nói với chúng ta rằng cuối cùng, chúng ta không nên cầu xin ánh sáng, mà là cầu xin “ngọn lửa dữ dội”. [17] Ngài dạy rằng, “đức tin ở trong trí tuệ, theo cách khơi dậy tình cảm. Theo nghĩa này, ví dụ, việc biết rằng Chúa Kitô đã chết vì chúng ta không còn là kiến thức nữa, mà nhất thiết phải trở thành tình cảm, tình yêu”. [18] Theo cùng một đường hướng, Thánh John Henry Newman đã lấy cụm từ Cor ad cor loquitur [lòng nói với lòng] làm phương châm của mình, vì, vượt ra ngoài mọi suy nghĩ và ý tưởng của chúng ta, Chúa cứu chúng ta bằng cách nói với trái tim chúng ta từ Thánh Tâm của Người. Nhận thức này đã dẫn ngài, một trí thức lỗi lạc, đến với nhận thức rằng cuộc gặp gỡ sâu sắc nhất của ngài với chính mình và với Chúa không đến từ việc đọc sách hay suy gẫm, mà đến từ cuộc đối thoại cầu nguyện, từ trái tim với trái tim, với Chúa Kitô, sống động và hiện diện. Chính trong Bí tích Thánh Thể mà Newman đã gặp được trái tim sống động của Chúa Giêsu, có khả năng giải thoát chúng ta, mang lại ý nghĩa cho từng khoảnh khắc trong cuộc sống của chúng ta và ban tặng sự bình an đích thực: “Lạy Trái Tim Thánh Thiêng, yêu thương nhất của Chúa Giêsu, Chúa ẩn mình trong Bí tích Thánh Thể, và Chúa vẫn đập vì chúng con… Con tôn thờ Chúa với tất cả tình yêu và sự kính sợ tốt nhất của con, với tình cảm nồng nhiệt của con, với ý chí kiên quyết và khiêm nhường nhất của con. Lạy Chúa, khi Chúa hạ mình để con tiếp nhận Chúa, ăn và uống Chúa, và trong một thời gian Chúa ngự trong con, xin hãy làm cho trái tim con đập cùng Trái Tim Chúa. Xin thanh tẩy trái tim con khỏi mọi thứ trần tục, mọi thứ kiêu hãnh và nhục dục, mọi thứ cứng rắn và tàn nhẫn, khỏi mọi sự đồi trụy, mọi sự hỗn loạn, mọi sự chết chóc. Xin lấp đầy trái tim con bằng Chúa, để những sự kiện trong ngày hay hoàn cảnh của thời gian không có sức mạnh làm xáo trộn trái tim con, nhưng trong tình yêu và sự kính sợ Chúa, trái tim con có được sự bình an”. [19]

27. Trước trái tim của Chúa Giêsu, sống động và hiện diện, tâm trí chúng ta, được Chúa Thánh Thần soi sáng, phát triển trong sự hiểu biết về lời Người và ý chí của chúng ta được thúc đẩy để đưa chúng vào thực hành. Điều này có thể dễ dàng ở mức độ của một loại chủ nghĩa đạo đức tự lực. Tuy nhiên, lắng nghe và nếm trải Chúa, và tôn vinh Người một cách xứng đáng là vấn đề của trái tim. Chỉ có trái tim mới có khả năng đặt các sức mạnh và đam mê khác của chúng ta, và toàn bộ con người chúng ta, vào tư thế tôn kính và vâng phục yêu thương trước Chúa.

THẾ GIỚI CÓ THỂ THAY ĐỔI, BẮT ĐẦU TỪ TRÁI TIM

28. Chỉ bằng cách bắt đầu từ trái tim, các cộng đồng của chúng ta mới có thể thành công trong việc hợp nhất và hòa giải những tâm trí và ý chí khác nhau, để Chúa Thánh Thần có thể hướng dẫn chúng ta trong sự hiệp nhất như anh chị em. Sự hòa giải và hòa bình cũng nảy sinh từ trái tim. Trái tim của Chúa Kitô là “sự ngây ngất xuất thần”, cởi mở, ban tặng và gặp gỡ. Trong trái tim đó, chúng ta học cách liên hệ với nhau theo những cách lành mạnh và hạnh phúc, và xây dựng vương quốc tình yêu và công lý của Thiên Chúa trên thế giới này. Trái tim chúng ta, hợp nhất với trái tim của Chúa Kitô, có khả năng tạo nên phép lạ xã hội này.

29. Do đó, việc coi trọng trái tim sẽ có hậu quả đối với toàn thể xã hội. Công đồng Vatican II dạy rằng, “mỗi người chúng ta cần thay đổi trái tim; chúng ta phải hướng mắt nhìn toàn thế giới và hướng đến những nhiệm vụ mà tất cả chúng ta có thể cùng nhau thực hiện để mang lại sự cải thiện cho giống nòi của chúng ta”. [20] Vì “sự mất cân bằng đang ảnh hưởng đến thế giới ngày nay thực chất là triệu chứng của sự mất cân bằng sâu sắc hơn bắt nguồn từ trái tim con người”. [21] Khi suy gẫm về những bi kịch đang gây đau khổ cho thế giới của chúng ta, Công đồng thúc giục chúng ta quay trở lại với trái tim. Công đồng giải thích rằng con người “bằng đời sống nội tâm của mình, vượt qua toàn bộ vũ trụ vật chất; họ trải nghiệm được sự sâu sắc bên trong này khi họ đi vào trái tim của chính mình, nơi Thiên Chúa, Đấng thăm dò trái tim, đang chờ đợi họ, và nơi họ quyết định số phận của chính mình trước mặt Thiên Chúa”. [22]

30. Điều này không có nghĩa là chúng ta quá phụ thuộc vào khả năng của chính mình. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng trái tim chúng ta không tự túc, mà yếu đuối và bị tổn thương. Chúng sở hữu một phẩm giá hữu thể học, nhưng đồng thời phải tìm kiếm một cuộc sống ngày càng có phẩm giá hơn. [23] Công đồng Vatican II chỉ ra rằng “men Tin Mừng đã khơi dậy và tiếp tục khơi dậy trong trái tim con người một cơn khát không thể dập tắt đối với phẩm giá con người”. [24] Tuy nhiên, để sống theo phẩm giá này, chỉ biết Tin Mừng hoặc thực hiện một cách máy móc các yêu cầu của Tin Mừng là chưa đủ. Chúng ta cần sự giúp đỡ của tình yêu Thiên Chúa. Vậy thì, chúng ta hãy hướng về trái tim của Chúa Kitô, cốt lõi của hữu thể Người, là lò lửa rực cháy của tình yêu thần linh và nhân bản và là sự viên mãn cao cả nhất mà nhân loại có thể khao khát. Ở đó, trong trái tim đó, cuối cùng chúng ta thực sự biết được chính mình và chúng ta học cách yêu thương.

31. Cuối cùng, Thánh Tâm là nguyên lý thống nhất của mọi thực tại, vì “Chúa Kitô là trái tim của thế giới, và mầu nhiệm vượt qua về cái chết và sự phục sinh của Người là trung tâm của lịch sử, mà vì Người, là lịch sử cứu độ”. [25] Mọi loài thụ tạo “đang tiến về phía trước cùng với chúng ta và thông qua chúng ta hướng đến một điểm đến chung, đó là Thiên Chúa, trong sự viên mãn siêu việt đó, nơi Chúa Kitô phục sinh ôm ấp và soi sáng mọi sự”. [26] Trước sự hiện diện của trái tim Chúa Kitô, một lần nữa tôi cầu xin Chúa thương xót thế giới đau khổ này, nơi Người đã chọn ngự trị như một trong chúng ta. Xin Người đổ tràn kho tàng ánh sáng và tình yêu của Người, để thế giới của chúng ta, thế giới đang tiến về phía trước bất chấp chiến tranh, chênh lệch kinh tế xã hội và việc sử dụng công nghệ đe dọa nhân loại của chúng ta, có thể lấy lại được điều quan trọng và cần thiết nhất trong tất cả: trái tim của nó.

CHƯƠNG HAI: HÀNH ĐỘNG VÀ LỜI YÊU THƯƠNG

32. Trái tim của Chúa Kitô, như biểu tượng của nguồn tình yêu sâu sắc và bản thân nhất của Người dành cho chúng ta, chính là cốt lõi của lời rao giảng đầu tiên về Tin Mừng. Nó đứng ở nguồn gốc đức tin của chúng ta, như nguồn suối làm mới và làm sống động niềm tin Kitô giáo của chúng ta.

HÀNH ĐỘNG PHẢN ẢNH TRÁI TIM

33. Chúa Kitô đã cho thấy chiều sâu tình yêu của Người dành cho chúng ta không phải bằng những lời giải thích dài dòng mà bằng những hành động cụ thể. Bằng cách xem xét các tương tác của Người với những người khác, chúng ta có thể nhận ra cách Người đối xử với mỗi người chúng ta, mặc dù đôi khi điều này có thể khó thấy. Bây giờ chúng ta hãy hướng đến nơi đức tin của chúng ta có thể gặp được chân lý này: lời Chúa.

34. Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu “đã đến với những người nhà của Người” (x. Ga 1:11). Những lời đó ám chỉ đến chúng ta, vì Chúa không đối xử với chúng ta như người xa lạ mà như một sở hữu mà Người trông coi và trân trọng. Người thực sự đối xử với chúng ta như “của riêng Người”. Điều này không có nghĩa là chúng ta là nô lệ của Người, điều mà chính Người phủ nhận: “Thầy không gọi các con là tôi tớ” (Ga 15:15). Đúng hơn, nó ám chỉ đến cảm giác thân thuộc lẫn nhau đặc trưng của bạn bè. Chúa Giêsu đã đến gặp chúng ta, thu hẹp mọi khoảng cách; Người trở nên gần gũi với chúng ta như những thực tại đơn giản nhất, hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Thật vậy, Người có một tên khác, “Emmanuel”, có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, Thiên Chúa như một phần của cuộc sống chúng ta, Thiên Chúa như đang sống giữa chúng ta. Con Thiên Chúa đã nhập thể và “tự hủy mình, mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2:7).

35. Điều này trở nên rõ ràng khi chúng ta thấy Chúa Giêsu làm việc. Người tìm kiếm mọi người, tiếp cận họ, luôn mở lòng để gặp gỡ họ. Chúng ta thấy điều đó khi Người dừng lại để trò chuyện với người phụ nữ Samaritanô tại giếng nơi bà đến lấy nước (x. Ga 4:5-7). Chúng ta thấy điều đó khi, trong bóng tối của đêm, Người gặp Nicôđêmô, người sợ bị nhìn thấy trước mặt Người (x. Ga 3:1-2). Chúng ta ngạc nhiên khi Người để một gái điếm rửa chân cho mình (x. Lc 7:36-50), khi Người nói với người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình, “Tôi cũng không lên án chị đâu” (Ga 8:11), hoặc một lần nữa khi Người khiển trách các môn đệ vì sự thờ ơ của họ và lặng lẽ hỏi người mù bên vệ đường, “Ông muốn Tôi làm gì cho ông?” (Mc 10:51). Đức Kitô cho thấy rằng Thiên Chúa là sự gần gũi, lòng cảm thương và tình yêu dịu dàng.

36. Bất cứ khi nào Chúa Giêsu chữa lành cho ai đó, Người thích làm điều đó, không phải từ xa mà là ở gần: “Người giơ tay chạm vào người ấy” (Mt 8:3). “Người chạm vào tay bà” (Mt 8:15). “Người chạm vào mắt họ” (Mt 9:29). Thậm chí có lần Người dừng lại để chữa lành một người điếc bằng chính nước bọt của Người (x. Mc 7:33), như một người mẹ vẫn làm, để mọi người không nghĩ Người xa lạ với cuộc sống của họ. “Chúa biết khoa học tinh tế của sự âu yếm. Trong lòng cảm thương của Người, Thiên Chúa không yêu thương chúng ta bằng lời nói; Người đến gặp chúng ta và bằng sự gần gũi của Người, Người cho chúng ta thấy chiều sâu của tình yêu dịu dàng của Người”. [27]

37. Nếu chúng ta thấy khó tin tưởng người khác vì chúng ta đã bị tổn thương bởi những lời nói dối, tổn thương và thất vọng, Chúa thì thầm vào tai chúng ta: “Hãy can đảm lên, hỡi con!” (Mt 9:2), “Hãy can đảm lên, hỡi con gái!” (Mt 9:22). Người khuyến khích chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi và nhận ra rằng, khi có Người bên cạnh, chúng ta không còn gì để mất. Đối với Phêrô, trong lúc sợ hãi, “Đức Giêsu liền giơ tay nắm lấy ông và nói: “Hỡi người kém tin, sao con lại nghi ngờ?” (Mt 14:31). Bạn cũng đừng sợ. Hãy để Người đến gần và ngồi bên cạnh bạn. Có thể có nhiều người không được chúng ta tin tưởng, nhưng không phải Người. Đừng ngần ngại vì tội lỗi của bạn. Hãy nhớ rằng nhiều tội nhân “đã đến và ngồi với Người” (Mt 9:10), nhưng Chúa Giêsu không hề bị xúc phạm bởi bất cứ ai trong số họ. Chính giới tinh hoa tôn giáo đã phàn nàn và đối xử với Người như “một kẻ phàm ăn và say sưa, một người bạn của những người thu thuế và tội lỗi” (Mt 11:19). Khi những người Pharisiêu chỉ trích Người vì gần gũi với những người bị coi là đê tiện hoặc tội lỗi, Chúa Giêsu trả lời: “Ta muốn lòng thương xót, chứ không muốn hy lễ” (Mt 9:13).

38. Cũng chính Chúa Giêsu đó giờ đây đang chờ bạn trao cho Người cơ hội mang ánh sáng đến cho cuộc đời bạn, nâng bạn lên và đổ đầy sức mạnh của Người vào bạn. Trước khi chết, Người đã bảo đảm với các môn đệ rằng: “Thầy sẽ không để các con mồ côi; Thầy sẽ đến cùng các con. Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy nữa, nhưng các con sẽ thấy Thầy” (Ga 14:18-19). Chúa Giêsu luôn tìm cách hiện diện trong cuộc đời bạn, để bạn có thể gặp gỡ Người.

ÁNH NHÌN CỦA CHÚA GIÊSU

39. Tin Mừng kể cho chúng ta rằng một người đàn ông giàu có đã đến gặp Chúa Giêsu, đầy lý tưởng nhưng lại thiếu sức mạnh cần thiết để thay đổi cuộc đời mình. Sau đó, Chúa Giêsu “nhìn ông ta” (Mc 10:21). Bạn có thể tưởng tượng được khoảnh khắc đó, cuộc gặp gỡ giữa đôi mắt của người đó và đôi mắt của Chúa Giêsu không? Nếu Chúa Giêsu gọi bạn và triệu tập bạn để thực hiện sứ mệnh, trước tiên Người nhìn bạn, thăm dò sâu thẳm trái tim bạn và biết mọi điều về bạn, Người sẽ nhìn thẳng vào bạn. Cũng vậy, khi “khi Người đi dọc theo Biển Galilê, Người thấy hai anh em... và khi Người đi khỏi đó, Người thấy hai anh em khác” (Mt 4:18, 21).

40. Nhiều trang trong Tin Mừng minh họa cách Chúa Giêsu quan tâm đến từng cá nhân và trên hết là đến các vấn đề và nhu cầu của họ. Chúng ta được kể rằng, “khi Người thấy đám đông, Người chạnh lòng thương họ, vì họ bị quấy rầy và bất lực” (Mt 9:36). Bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy mọi người đều phớt lờ chúng ta, rằng không ai quan tâm đến những gì sẽ xảy ra với chúng ta, rằng chúng ta không quan trọng đối với bất cứ ai, thì Người vẫn quan tâm đến chúng ta. Đối với Nathanael, người đang đứng tách biệt và bận rộn với công việc của mình, Người có thể nói, “Tôi đã thấy anh dưới cây vả trước khi Philip gọi anh” (Ga 1:48).

41. Chính vì quan tâm đến chúng ta, Chúa Giêsu biết mọi ý định tốt đẹp và những hành động bác ái nhỏ bé của chúng ta. Tin Mừng kể với chúng ta rằng có lần Người “thấy một bà góa nghèo bỏ vào hai đồng “Những đồng tiền xu” trong kho bạc Đền thờ (Lc 21:2) và ngay lập tức đưa nó đến sự chú ý của các môn đệ. Do đó, Chúa Giêsu đánh giá cao điều tốt mà Người thấy ở chúng ta. Khi viên đại đội trưởng đến gần Người với sự tự tin hoàn toàn, “Chúa Giêsu lắng nghe ông và ngạc nhiên” (Mt 8:10). Thật an ủi biết bao khi biết rằng, ngay cả khi những người khác không biết về ý định hoặc hành động tốt của chúng ta, Chúa Giêsu vẫn nhìn thấy chúng và đánh giá cao chúng.

42. Trong nhân tính của mình, Chúa Giêsu đã học được điều này từ Đức Maria, mẹ của Người. Đức Mẹ đã cẩn thận suy gẫm về những điều ngài đã trải qua; ngài “trân trọng chúng… trong lòng” (Lc 2:19, 51) và, cùng với Thánh Giuse, ngài đã dạy Chúa Giêsu từ những năm đầu đời cách chú ý theo cách tương tự.

LỜI CỦA CHÚA GIÊSU

43. Mặc dù Kinh thánh lưu giữ những lời của Chúa Giêsu, luôn sống động và hợp thời, nhưng có những khoảnh khắc Người nói với chúng ta bên trong, kêu gọi chúng ta và dẫn chúng ta đến một nơi tốt đẹp hơn. Nơi tốt đẹp hơn đó chính là trái tim của Người. Ở đó, Người mời gọi chúng ta tìm kiếm sức mạnh và sự bình an mới: “Hãy đến cùng Ta, hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Theo nghĩa này, Người có thể nói với các môn đệ của mình: “Hãy ở lại trong Thầy” (Ga 15:4).

44. Lời của Chúa Giêsu cho thấy sự thánh thiện của Người không loại trừ những cảm xúc sâu sắc. Trong nhiều dịp khác nhau, Người đã thể hiện một tình yêu vừa nồng nhiệt vừa cảm thương. Người có thể vô cùng xúc động và đau buồn, thậm chí đến mức rơi nước mắt. Rõ ràng là Chúa Giêsu không thờ ơ với những lo lắng và bận tâm hàng ngày của người ta, chẳng hạn như sự mệt mỏi hoặc đói khát của họ: “Ta chạnh lòng thương đám đông này... họ không có gì để ăn... họ sẽ ngất xỉu dọc đường, và một số người trong số họ đã đến từ một nơi rất xa” (Mc 8:2-3).

45. Tin Mừng không hề che giấu tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Giêrusalem: “Khi đến gần và thấy thành, Người khóc thương thành” (Lc 19:41). Sau đó, Người đã nói lên ước muốn sâu xa nhất trong lòng mình: “Phải chi ngày hôm nay anh em nhận ra những điều đem lại bình an” (Lc 19:42). Các tác giả Tin Mừng, trong khi đôi khi cho thấy Người trong quyền năng và vinh quang của Người, cũng mô tả những cảm xúc sâu sắc của Người trước cái chết và nỗi đau buồn của bạn bè Người. Trước khi kể lại việc Chúa Giêsu, đứng trước ngôi mộ của Ladarô, “bắt đầu khóc” (Ga 11:35), Tin Mừng ghi nhận rằng, “Chúa Giêsu yêu Martha và em gái bà và Ladarô” (Ga 11:5) và rằng, khi thấy Maria và những người ở với bà khóc, “Người rất bối rối trong lòng và xúc động sâu xa” (Ga 11:33). Lời tường thuật của Tin Mừng không để lại nghi ngờ gì rằng những giọt nước mắt của Người là chân thành, là dấu hiệu của sự hỗn loạn nội tâm. Các sách Tin Mừng cũng không cố che giấu nỗi thống khổ của Chúa Giêsu về cái chết dữ dội sắp xảy ra của Người dưới tay những người mà Người đã yêu thương vô cùng: Người “bắt đầu buồn rầu và xao xuyến” (Mc 14:33), thậm chí đến mức kêu lên: “Tôi buồn đến chết được” (Mc 14:34). Sự hỗn loạn bên trong này được thể hiện mạnh mẽ nhất qua tiếng kêu của Người trên thập giá: “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ rơi con?” (Mc 15:34).

46. Thoạt nhìn, tất cả những điều này có vẻ giống như chủ nghĩa tình cảm đạo đức giả. Tuy nhiên, chúng cực kỳ nghiêm túc và có tầm quan trọng quyết định, và được thể hiện cao cả nhất trong Chúa Kitô bị đóng đinh. Thập giá là lời yêu thương hùng hồn nhất của Chúa Giêsu. Một lời không hời hợt, ủy mị hay chỉ mang tính xây dựng. Đó là tình yêu, tình yêu thuần túy. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô, khi phải vật lộn để tìm đúng từ ngữ để mô tả mối quan hệ của mình với Chúa Kitô, có thể nói về “Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2:20). Đây là niềm xác tín sâu sắc nhất của Thánh Phaolô: sự hiểu biết rằng mình được yêu thương. Sự tự hiến của Chúa Kitô trên thập giá đã trở thành động lực trong cuộc sống của Thánh Phaolô, nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa với ngài vì ngài biết rằng có điều gì đó thậm chí còn lớn lao hơn ẩn sau đó: sự thật rằng “Người đã yêu thương tôi”. Vào thời điểm mà nhiều người đang tìm kiếm sự cứu rỗi, thịnh vượng hoặc an ninh ở nơi khác, Thánh Phaolô, được Thánh Thần thúc đẩy, đã có thể nhìn xa hơn và kinh ngạc trước điều vĩ đại nhất và thiết yếu nhất trong tất cả: “Chúa Kitô đã yêu thương tôi”.

47. Bây giờ, sau khi suy gẫm về Chúa Kitô và thấy cách hành động và lời nói của Người mang lại cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về trái tim Người, chúng ta hãy chuyển sang sự suy tư của Giáo hội về mầu nhiệm thánh thiện của Thánh Tâm Chúa.

CHƯƠNG BA: ĐÂY LÀ TRÁI TIM ĐÃ YÊU THƯƠNG NHIỀU ĐẾN VẬY

48. Lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô không phải là sự tôn kính một cơ quan riêng biệt ngoài Ngôi vị của Chúa Giêsu. Điều chúng ta chiêm ngưỡng và tôn thờ là toàn thể Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, được biểu tượng bằng một hình ảnh làm nổi bật trái tim của Người. Trái tim bằng thịt đó được coi là dấu hiệu đặc quyền của hữu thể sâu thẳm nhất của Chúa Con nhập thể và tình yêu của Người, cả thần linh và nhân bản. Hơn bất cứ bộ phận nào khác trên cơ thể Người, trái tim của Chúa Giêsu là “dấu hiệu và biểu tượng tự nhiên của tình yêu vô biên của Người”.[28]

THỜ PHƯỢNG ĐỨC KITÔ

49. Điều cốt yếu là phải nhận ra rằng mối quan hệ của chúng ta với Ngôi vị của Chúa Giêsu Kitô là mối quan hệ của tình bạn và sự tôn thờ, được tạo nên bởi tình yêu được thể hiện dưới hình ảnh trái tim của Người. Chúng ta tôn kính hình ảnh đó, nhưng sự tôn thờ của chúng ta chỉ hướng đến Chúa Kitô hằng sống, trong thiên tính và nhân tính trọn vẹn của Người, để chúng ta có thể được tình yêu nhân bản và thần linh của Người ôm ấp.

50. Bất kể hình ảnh nào được sử dụng, rõ ràng là cuộc sống Trái tim của Chúa Kitô – không phải là sự biểu hiện của nó – là đối tượng thờ phượng của chúng ta, vì nó là một phần của thân thể thánh thiện phục sinh của Người, không thể tách rời khỏi Con Thiên Chúa, Đấng đã mặc lấy thân thể đó mãi mãi. Chúng ta thờ phượng nó vì nó là “trái tim của Ngôi Lời, Đấng mà nó được kết hợp không thể tách rời”.[29] Chúng ta cũng không thờ phượng nó vì chính nó, nhưng vì với trái tim này, Chúa Con nhập thể đang sống, yêu thương chúng ta và nhận được tình yêu đáp trả của chúng ta. Bất cứ hành động yêu thương hay thờ phượng nào của trái tim Người đều “thực sự và chân thành được trao cho chính Chúa Kitô”,[30] vì nó tự phát quy chiếu trở lại Người và là “biểu tượng và hình ảnh dịu dàng của tình yêu vô hạn của Chúa Giêsu Kitô”.[31]

51. Vì lý do này, chúng ta không bao giờ nên nghĩ rằng lòng sùng kính này có thể làm chúng ta mất tập trung hoặc tách biệt khỏi Chúa Giêsu và tình yêu của Người. Theo cách tự nhiên và trực tiếp, nó hướng chúng ta đến Người và chỉ đến Người mà thôi, là Đấng kêu gọi chúng ta đến với một tình bạn quý báu được đánh dấu bằng sự đối thoại, tình cảm, sự tin tưởng và sự tôn thờ. Đấng Kitô mà chúng ta thấy được mô tả với trái tim bị đâm thủng và cháy bỏng chính là Đấng Kitô, vì yêu thương chúng ta, đã sinh ra ở Bê-lem, đi khắp Ga-li-lê để chữa lành người bệnh, ôm lấy tội nhân và tỏ lòng thương xót. Đấng Kitô cũng yêu thương chúng ta đến cùng, dang rộng vòng tay trên thập giá, sau đó đã sống lại từ cõi chết và hiện đang sống giữa chúng ta trong vinh quang.

TÔN KÍNH HÌNH ẢNH CỦA NGƯỜI

52. Mặc dù hình ảnh của Đấng Kitô và trái tim của Người không phải là đối tượng thờ phượng, nhưng nó cũng không chỉ là một trong nhiều hình ảnh có thể có khác. Nó không được thiết kế trên bàn làm việc hay được thiết kế bởi một nghệ sĩ; nó "không phải là biểu tượng tưởng tượng, mà là một biểu tượng thực sự tượng trưng cho trung tâm, nguồn gốc mà từ đó sự cứu rỗi tuôn chảy cho toàn thể nhân loại"[32]

53. Trải nghiệm phổ quát của con người đã biến hình ảnh trái tim thành một điều độc đáo. Thật vậy, trong suốt lịch sử và ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, nó đã trở thành biểu tượng của sự thân mật bản vị, tình cảm, sự gắn bó về mặt cảm xúc và khả năng yêu thương. Vượt qua mọi giải thích khoa học, một bàn tay đặt lên trái tim của một người bạn thể hiện tình cảm đặc biệt: khi hai người yêu nhau và gần nhau hơn, trái tim họ đập nhanh hơn; khi chúng ta bị bỏ rơi hoặc lừa dối bởi một người mà chúng ta yêu thương, trái tim chúng ta chùng xuống. Tương tự như vậy, khi chúng ta muốn nói điều gì đó sâu sắc mang tính bản vị, chúng ta thường nói rằng chúng ta đang nói "từ trái tim". Ngôn ngữ thi ca phản ánh sức mạnh của những trải nghiệm này. Trong suốt chiều dài lịch sử, trái tim đã mang một giá trị biểu tượng độc đáo, không chỉ đơn thuần là thông thường.

54. Do đó, có thể hiểu được rằng Giáo hội đã chọn hình ảnh trái tim để tượng trưng cho tình yêu nhân bản và thần thiêng của Chúa Giêsu Kitô và cốt lõi sâu xa nhất của Ngôi vị Người. Tuy nhiên, trong khi hình ảnh trái tim rực cháy có thể là biểu tượng hùng hồn về tình yêu cháy bỏng của Chúa Giêsu Kitô, thì điều quan trọng là trái tim này không được thể hiện tách biệt với Người. Theo cách này, lời kêu gọi của Người về một mối quan hệ gặp gỡ và đối thoại bản vị sẽ trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết.[33] Hình ảnh đáng kính miêu tả Chúa Kitô giơ trái tim yêu thương của Người cũng cho thấy Người nhìn thẳng vào chúng ta, mời gọi chúng ta gặp gỡ, đối thoại và tin tưởng; nó cho thấy đôi bàn tay mạnh mẽ của Người có khả năng nâng đỡ chúng ta và đôi môi Người nói chuyện trực tiếp với từng người chúng ta.

55. Trái tim cũng có lợi thế là có thể nhận ra ngay lập tức như trung tâm thống nhất sâu sắc của cơ thể, một biểu thức của toàn bộ con người, không giống như các cơ quan riêng lẻ khác. Là một phần đại diện cho toàn thể, chúng ta có thể dễ dàng hiểu sai nó, nếu chúng ta chiêm ngưỡng nó tách biệt khỏi chính Chúa. Hình ảnh trái tim phải dẫn chúng ta đến việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô trong tất cả vẻ đẹp và sự phong phú của nhân tính và thần tính của Người.

56. Bất kể chúng ta có thể gán những phẩm chất thẩm mỹ đặc biệt nào cho những bức miêu tả khác nhau về trái tim Chúa Kitô khi chúng ta cầu nguyện trước chúng, thì không phải là "người ta tìm kiếm điều gì đó từ chúng hoặc đặt niềm tin mù quáng vào các hình ảnh như những người ngoại đạo đã từng làm". Thay vào đó, "qua những hình ảnh mà chúng ta hôn kính, và trước những hình ảnh mà chúng ta quỳ gối và cởi khăn nón khỏi đầu, chúng ta đang tôn thờ Chúa Kitô".[34]

57. Một số hình ảnh này có thể khiến chúng ta thấy vô vị và không đặc biệt có lợi cho tình cảm hay lời cầu nguyện. Tuy nhiên, điều này không mấy quan trọng, vì chúng chỉ là lời mời gọi cầu nguyện, và trích dẫn một câu tục ngữ phương Đông, chúng ta không nên giới hạn tầm nhìn của mình vào ngón tay chỉ chúng ta đến mặt trăng. Trong khi Bí tích Thánh Thể là sự hiện diện thực sự cần được tôn thờ, thì những hình ảnh thánh thiêng, mặc dù đã được làm phép, lại hướng ra ngoài bản thân chúng, mời gọi chúng ta nâng cao trái tim mình và kết hợp chúng với trái tim của Chúa Kitô hằng sống. Do đó, hình ảnh mà chúng ta tôn kính đóng vai trò như một lời kêu gọi tạo không gian cho cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô và tôn thờ Người theo bất cứ cách nào chúng ta muốn hình dung về Người. Đứng trước hình ảnh, chúng ta đứng trước Chúa Kitô, và trong sự hiện diện của Người, “tình yêu dừng lại, chiêm ngưỡng mầu nhiệm và tận hưởng nó trong im lặng”.[35]

58. Đồng thời, chúng ta không bao giờ được quên rằng hình ảnh của trái tim nói với chúng ta về xác thịt và những thực tại trần thế. Theo cách này, nó hướng chúng ta đến Thiên Chúa, Đấng muốn trở thành một trong chúng ta, một phần trong lịch sử của chúng ta và là bạn đồng hành trên hành trình trần thế của chúng ta. Một hình thức sùng kính trừu tượng hoặc phong thái hóa hơn không nhất thiết sẽ trung thành hơn với Tin Mừng, vì trong dấu hiệu hùng hồn và hữu hình này, chúng ta thấy cách Chúa muốn mặc khải chính mình và đến gần chúng ta.

MỘT TÌNH YÊU CÓ THỂ SỜ MÓ ĐƯỢC

59. Mặt khác, tình yêu và trái tim con người không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau, vì lòng căm thù, sự thờ ơ và ích kỷ cũng có thể ngự trị trong trái tim chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không thể đạt được sự viên mãn của mình như một con người trừ khi chúng ta mở lòng mình với người khác; chỉ thông qua tình yêu, chúng ta mới trở thành chính mình một cách trọn vẹn. Phần sâu thẳm nhất trong chúng ta, được tạo ra để yêu thương, sẽ hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa chỉ khi chúng ta học cách yêu thương. Và trái tim là biểu tượng của tình yêu đó.

60. Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, trong sự siêu việt hoàn toàn của Người, đã chọn yêu thương mỗi người chúng ta bằng một trái tim con người. Những cảm xúc con người của Người đã trở thành bí tích của tình yêu vô hạn và vô tận đó. Do đó, trái tim của Người không chỉ đơn thuần là biểu tượng cho một chân lý tâm linh nào đó không có thân xác. Khi chiêm ngưỡng trái tim Chúa, chúng ta chiêm ngưỡng một thực tại vật chất, xác thịt con người của Người, cho phép Người sở hữu những cảm xúc và tình cảm chân thực của con người, giống như chúng ta, mặc dù đã được biến đổi hoàn toàn bởi tình yêu thần thiêng của Người. Lòng sùng kính của chúng ta phải vươn tới tình yêu vô hạn của Ngôi vị Con Thiên Chúa, nhưng chúng ta cần ghi nhớ rằng tình yêu thần thiêng của Người không thể tách rời khỏi tình yêu nhân bản của Người. Hình ảnh trái tim bằng thịt của Người giúp chúng ta thực hiện chính xác điều này.

61. Vì trái tim vẫn được coi là trung tâm tình cảm của mỗi con người trong tâm trí bình dân, nên nó vẫn là phương tiện tốt nhất để biểu thị tình yêu thần thiêng của Chúa Kitô, được kết hợp mãi mãi và không thể tách rời với tình yêu hoàn toàn nhân bản của Người. Đức Piô XII đã nhận xét rằng Tin Mừng, khi đề cập đến tình yêu của trái tim Chúa Kitô, nói "không những về lòng bác ái thần thiêng mà còn về tình cảm nhân bản". Thật vậy, "trái tim của Chúa Giêsu Kitô, được kết hợp một cách bản thể với Ngôi vị thần thiêng Ngôi Lời, không còn nghi ngờ gì nữa, đập rộn ràng với tình yêu và mọi tình cảm dịu dàng khác".[36]

62. Các Giáo Phụ của Giáo Hội, phản đối những người phủ nhận hoặc hạ thấp nhân tính đích thực của Chúa Kitô, đã nhấn mạnh đến thực tại cụ thể và hữu hình của tình cảm con người của Chúa. Thánh Basiliô nhấn mạnh rằng sự nhập thể của Chúa không phải là điều gì đó kỳ ảo, và rằng “Chúa đã sở hữu những tình cảm tự nhiên của chúng ta”. [37] Thánh Gioan Kim Khẩu đã chỉ ra một ví dụ: “Nếu Người không sở hữu bản chất của chúng ta, Người đã không thỉnh thoảng trải qua nỗi buồn”. [38] Thánh Ambrôsiô tuyên bố rằng “khi tiếp nhận một linh hồn, Người đã tiếp nhận những đam mê của linh hồn”. [39] Đối với Thánh Augustinô, những tình cảm con người của chúng ta, mà Chúa Kitô đã đảm nhận, giờ đây đã mở cửa đón nhận cuộc sống ân sủng: “Chúa Giêsu đã đảm nhận những tình cảm này của sự yếu đuối nhân bản của chúng ta, như Người đã làm với xác thịt của sự yếu đuối nhân bản của chúng ta, không phải vì cần thiết, mà là một cách có ý thức và tự do... kẻo bất cứ ai cảm thấy đau buồn và buồn phiền giữa những thử thách của cuộc sống lại nghĩ rằng mình bị tách biệt khỏi ân sủng của Người”. [40] Cuối cùng, Thánh Gioan Đa-mát-xen-nô coi tình cảm chân thành mà Chúa Kitô thể hiện trong nhân tính của Người là bằng chứng cho thấy Người đã đảm nhận toàn bộ bản chất của chúng ta để cứu chuộc và biến đổi toàn bộ bản chất đó: Như thế, Chúa Kitô đã đảm nhận mọi sự thuộc về bản chất con người, để mọi sự đều được thánh hóa.[41]

63. Ở đây, chúng ta có thể hưởng lợi từ những suy nghĩ của một nhà thần học, người cho rằng, “do ảnh hưởng của tư tưởng Hy Lạp, thần học từ lâu đã đẩy cơ thể và cảm xúc vào thế giới tiền nhân bản hoặc hạ nhân bản hoặc có tiềm năng vô nhân đạo; tuy nhiên, những gì thần học không giải quyết được về mặt lý thuyết, thì linh đạo đã giải quyết được trong thực tế. Điều này, cùng với lòng đạo đức bình dân, đã bảo tồn mối quan hệ với thực tại thể xác, tâm lý và lịch sử của Chúa Giêsu. Các Chặng Đàng Thánh Giá, lòng sùng kính các vết thương của Chúa Kitô, Máu Châu Báu và Thánh Tâm của Người, và nhiều lòng sùng kính Thánh Thể khác nhau... tất cả đều thu hẹp khoảng cách trong thần học bằng cách nuôi dưỡng trái tim và trí tưởng tượng của chúng ta, tình yêu dịu dàng của chúng ta dành cho Chúa Kitô, hy vọng và ký ức của chúng ta, mong muốn và cảm xúc của chúng ta. Lý trí và luận lý học đã đi theo những hướng khác”.[42]

TÌNH YÊU BA CHIỀU

64. Chúng ta không chỉ dừng lại ở mức độ tình cảm nhân bản của Chúa, đẹp đẽ và cảm động như chúng vốn có. Khi chiêm ngưỡng trái tim Chúa Kitô, chúng ta cũng thấy cách mà, trong những tình cảm cao quý và tốt đẹp, lòng nhân từ và dịu dàng của Người, và những dấu hiệu của tình cảm chân thành của con người, chân lý sâu sắc hơn về tình yêu thần thiêng vô hạn của Người được tỏ lộ. Theo lời của Đức Bênêđictô XVI, “từ chân trời vô hạn của tình yêu, Thiên Chúa muốn đi vào ranh giới của lịch sử loài người và tình trạng con người. Người đã mặc lấy một thân xác và một trái tim. Vì vậy, chúng ta có thể chiêm ngưỡng và gặp gỡ vô hạn trong hữu hạn, mầu nhiệm vô hình và không thể diễn tả được trong trái tim con người của Chúa Giêsu thành Na-da-rét”.[43]

65. Hình ảnh trái tim Chúa thực sự nói với chúng ta về tình yêu ba chiều. Trước tiên, chúng ta chiêm ngưỡng tình yêu thần thiêng vô hạn của Người. Sau đó, chúng ta hướng suy nghĩ của mình đến chiều kích tâm linh của nhân tính Người, trong đó trái tim là “biểu tượng của tình yêu nồng cháy nhất, được truyền vào tâm hồn Người, làm phong phú thêm ý chí con người của Người”. Cuối cùng, “nó cũng là biểu tượng của tình yêu nhạy cảm của Người”.[44]

66. Ba tình yêu này không tách biệt, song song hoặc không liên quan, nhưng cùng nhau hành động và tìm cách phát biểu trong một sự hiệp nhất bền chặt và sống động. Vì “bởi đức tin, qua đó chúng ta tin rằng bản chất con người và thần linh đã hợp nhất trong Ngôi vị của Chúa Kitô, chúng ta có thể thấy mối liên kết chặt chẽ nhất giữa tình yêu dịu dàng của trái tim thể xác của Chúa Giêsu và tình yêu thần thiêng kép, tức là nhân bản và thần linh”.[45]

67. Khi bước vào trái tim của Chúa Kitô, chúng ta cảm thấy được yêu thương bởi một trái tim con người tràn đầy tình cảm và cảm xúc giống như chính chúng ta. Ý chí con người của Chúa Giêsu tự do lựa chọn yêu thương chúng ta, và tình yêu thần thiêng đó tràn ngập ân sủng và lòng bác ái. Khi chúng ta lao vào sâu thẳm trái tim Người, chúng ta thấy mình bị choáng ngợp bởi vinh quang bao la của tình yêu vô hạn của Người là Chúa Con vĩnh cửu, mà chúng ta không thể tách rời khỏi tình yêu nhân bản của Người. Chính trong tình yêu nhân bản của Người, chứ không phải ngoài tình yêu đó, mà chúng ta gặp được tình yêu thần linh của Người: chúng ta khám phá ra “cái vô hạn trong cái hữu hạn”.[46]

68. Giáo huấn liên tục và rõ ràng của Giáo hội là việc chúng ta tôn thờ ngôi vị của Chúa Kitô là không thể chia cắt, bao gồm cả bản chất thần linh và bản chất nhân bản của Người. Từ thời xa xưa, Giáo hội đã dạy rằng chúng ta phải “thờ phượng một và cùng một Chúa Kitô, Con Thiên Chúa và con loài người, bao gồm và trong hai bản tính không thể tách rời và không thể chia cắt”.[47] Và chúng ta làm như vậy “bằng một hành động thờ phượng… vì Ngôi Lời đã trở nên xác phàm”.[48] Chúa Kitô không hề “được thờ phượng trong hai bản tính, qua đó hai hành vi thờ phượng được dẫn nhập”; thay vào đó, chúng ta tôn kính “bằng một hành động thờ phượng Thiên Chúa Ngôi Lời đã trở nên xác phàm, cùng với chính xác thịt của Người”.[49]

69. Thánh Gioan Thánh Giá đã tìm cách giải thích rằng trong kinh nghiệm huyền nhiệm, tình yêu vô hạn của Chúa Kitô phục sinh không được coi là xa lạ với cuộc sống của chúng ta. Theo một cách nào đó, vô hạn “hạ mình” để cho phép chúng ta, thông qua trái tim rộng mở của Chúa Kitô, trải nghiệm một cuộc gặp gỡ của tình yêu thực sự có đi có lại, vì “thật đáng tin rằng một con chim bay thấp có thể bắt được đại bàng hoàng gia trên cao, nếu con đại bàng này lao xuống với mong muốn bị bắt”.[50] Ngài cũng giải thích rằng Chú Rể, “nhìn thấy cô dâu bị thương vì tình yêu dành cho mình, vì tiếng rên rỉ của cô, ông cũng bị thương vì tình yêu dành cho cô. Trong số những người yêu nhau, vết thương của một người là vết thương của cả hai”.[51] Thánh Gio-an Thánh Giá coi hình ảnh cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa Kitô là lời mời gọi kết hợp trọn vẹn với Chúa. Chúa Kitô là con nai bị thương, bị thương khi chúng ta không để tình yêu của Người chạm đến mình, người đã xuống dòng nước để giải cơn khát và được an ủi mỗi khi chúng ta hướng về Người:

Hãy trở về, hỡi chim bồ câu!
Con nai bị thương
đang ở trên đồi,
được làm mát bởi làn gió từ chuyến bay của bạn
”.[52]

CÁC GÓC NHÌN BA NGÔI

70. Lòng sùng kính trái tim Chúa Giêsu, như một sự chiêm nghiệm trực tiếp về Chúa, Đấng kéo chúng ta vào sự kết hợp với Người, rõ ràng mang bản chất Kitô học. Chúng ta thấy điều này trong Thư gửi tín hữu Do Thái, thúc giục chúng ta “chạy với lòng kiên trì trong cuộc đua được đặt ra trước chúng ta, hướng mắt về Chúa Giêsu” (12:2). Đồng thời, chúng ta cần nhận ra rằng Chúa Giêsu nói về chính mình như là con đường đến với Chúa Cha: “Thầy là con đường… Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Chúa Giêsu muốn đưa chúng ta đến với Chúa Cha. Đó là lý do tại sao, ngay từ đầu, việc rao giảng của Giáo hội không kết thúc với Chúa Giêsu, mà là với Chúa Cha. Là nguồn mạch và sự viên mãn, Chúa Cha cuối cùng là Đấng được tôn vinh.[53]

71. Ví dụ, nếu chúng ta quay sang Thư gửi tín hữu Êphêsô, chúng ta có thể thấy rõ cách thờ phượng của chúng ta hướng đến Chúa Cha: “Tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha” (3:14). Chỉ có “một Thiên Chúa và là Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (4:6). “Hãy tạ ơn Thiên Chúa Cha trong mọi lúc và trong mọi sự” (5:20). Chính Chúa Cha là “Đấng mà vì Người chúng ta hiện hữu” (1 Cr 8:6). Theo nghĩa này, Thánh Gioan Phaolô II có thể nói rằng, “toàn bộ đời sống Kitô hữu giống như một cuộc hành hương vĩ đại đến nhà Chúa Cha”.[54] Đây cũng là kinh nghiệm của Thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-ki-a trên con đường tử đạo của ngài: “Trong tôi không còn tia lửa nào của ham muốn những điều trần tục, nhưng chỉ có tiếng thì thầm của dòng nước sống thì thầm bên trong tôi, ‘Hãy đến với Chúa Cha’”.[55]

72. Chúa Cha, trên hết mọi sự, là Cha của Chúa Giêsu Kitô: “Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Ep 1:3). Người là “Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh quang” (Ep 1:17). Khi Chúa Con trở thành người, mọi hy vọng và khát vọng của trái tim con người của Người đều hướng về Chúa Cha. Nếu chúng ta xem xét cách Chúa Kitô nói về Chúa Cha, chúng ta có thể nắm bắt được tình yêu và tình cảm mà trái tim con người của Người dành cho Người, sự hướng tâm hoàn toàn và liên tục này về Người. [56] Cuộc sống của Chúa Giêsu giữa chúng ta là một hành trình đáp lại tiếng gọi liên tục của trái tim nhân bản của Người để đến với Chúa Cha. [57]

73. Chúng ta biết rằng từ tiếng Aram mà Chúa Giêsu dùng để xưng hô với Chúa Cha là “Abba”, một thuật ngữ thân mật và quen thuộc mà một số người thấy khó hiểu (x. Ga 5:18). Đó là cách Người xưng hô với Chúa Cha khi bày tỏ nỗi thống khổ của Người trước cái chết sắp xảy ra: “Abba, Bố ơi, Bố có thể làm được mọi sự; xin cất chén này xa con; nhưng không phải điều con muốn, mà là điều Bố muốn” (Mc 14:36). Chúa Giêsu biết tốt, rằng Người luôn được Chúa Cha yêu thương: “Cha đã yêu thương Con trước khi tạo thành thế gian” (Ga 17:24). Trong trái tim nhân bản của Người, Người đã vui mừng khi nghe Chúa Cha nói với Người: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con” (Mc 1:11).

74. Tin Mừng thứ tư cho chúng ta biết rằng Chúa Con vĩnh cửu luôn “gần gũi với trái tim của Chúa Cha” (Ga 1:18).[58] Thánh Irênê tuyên bố rằng “Con Thiên Chúa đã ở với Chúa Cha ngay từ đầu”.[59] Về phần mình, Origen cho rằng Chúa Con kiên trì “trong sự chiêm ngưỡng không ngừng về chiều sâu của Chúa Cha”.[60] Khi Chúa Con nhập thể, Người đã dành trọn đêm để trò chuyện với Chúa Cha yêu dấu của mình trên đỉnh núi (x. Lc 6:12). Người đã nói với chúng ta, “Ta phải ở trong nhà của Cha Ta” (Lc 2:49). Chúng ta cũng thấy cách ngài bày tỏ lời ngợi khen của mình: “Đức Giêsu vui mừng trong Chúa Thánh Thần và nói: ‘Lạy Cha, Chúa Tể trời đất, Con cảm tạ Cha’ (Lc 10:21). Những lời cuối cùng của Người, đầy lòng tin tưởng, là: “Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46).

75. Bây giờ chúng ta hãy hướng về Chúa Thánh Thần, Đấng có ngọn lửa tràn ngập trái tim của Chúa Kitô. Như Thánh Gioan Phaolô II đã từng nói, trái tim của Chúa Kitô là “kiệt tác của Chúa Thánh Thần”.[61] Đây không chỉ đơn thuần là một sự kiện trong quá khứ, vì ngay cả bây giờ “trái tim của Chúa Kitô vẫn sống động với hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu đã gán cho nguồn cảm hứng cho sứ mệnh của Người (x. Lc 4:18; Is 61:1) và Người đã hứa sẽ sai Người đến trong Bữa Tiệc Ly. Chính Chúa Thánh Thần giúp chúng ta nắm bắt được sự phong phú của dấu chỉ về cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô, từ đó Giáo hội đã phát sinh (x. Sacrosanctum Concilium, 5)”.[62] Nói tóm lại, “chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể mở ra trước mắt chúng ta sự trọn vẹn của ‘con người bên trong’, được tìm thấy trong trái tim của Chúa Kitô. Chỉ một mình Người mới có thể khiến trái tim con người của chúng ta rút ra sức mạnh từ sự trọn vẹn đó, từng bước một”. [63].

76. Nếu chúng ta tìm cách đào sâu hơn vào hoạt động mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ biết rằng Người rên rỉ trong chúng ta, nói rằng “Abba!” Thật vậy, “bằng chứng cho thấy anh em là con cái là Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Người vào lòng chúng ta, kêu lên rằng: ‘Abba! Cha ơi!’” (Gl 4:6). Vì “Thần Khí làm chứng với tâm hồn chúng ta rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa” (Rm 8:16). Chúa Thánh Thần hoạt động trong trái tim nhân bản của Chúa Kitô không ngừng kéo Người đến với Chúa Cha. Khi Chúa Thánh Thần kết hợp chúng ta với những tình cảm của Chúa Kitô qua ân sủng, Người làm cho chúng ta trở thành những người chia sẻ mối quan hệ của Chúa Con với Chúa Cha, nhờ đó chúng ta nhận được “thần khí làm con nuôi, qua đó chúng ta kêu lên: ‘Abba! Lạy Cha!’” (Rm 8:15).

77. Mối quan hệ của chúng ta với trái tim của Chúa Kitô do đó đã thay đổi, nhờ sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Cha, nguồn sống và là nguồn mạch ân sủng tối thượng. Chúa Kitô không mong đợi chúng ta chỉ ở lại trong Người. Tình yêu của Người là “sự mặc khải lòng thương xót của Chúa Cha”,[64] và Người mong muốn rằng, được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần trào dâng từ trái tim Người, chúng ta sẽ lên đến Chúa Cha “với Người và trong Người”. Chúng ta tôn vinh Chúa Cha “qua” Chúa Kitô,[65] “với” Chúa Kitô,[66] và “trong” Chúa Kitô.[67] Thánh Gioan Phaolô II đã dạy rằng, “trái tim của Đấng Cứu Thế mời gọi chúng ta trở về với tình yêu của Chúa Cha, là nguồn gốc của mọi tình yêu đích thực”.[68] Đây chính xác là điều mà Chúa Thánh Thần, Đấng đến với chúng ta qua trái tim của Chúa Kitô, tìm cách nuôi dưỡng trong trái tim chúng ta. Vì lý do này, phụng vụ, thông qua hoạt động sống động của Chúa Thánh Thần, luôn hướng về Chúa Cha từ trái tim phục sinh của Chúa Kitô.

GIÁO HUẤN GẦN ĐÂY CỦA HUẤN QUYỀN

78. Theo nhiều cách, trái tim của Chúa Kitô luôn hiện diện trong lịch sử linh đạo Kitô giáo. Trong Kinh thánh và trong những thế kỷ đầu của đời sống Giáo hội, trái tim này xuất hiện dưới hình ảnh cạnh sườn bị thương của Chúa, như một nguồn ân sủng và lời kêu gọi đến một cuộc gặp gỡ sâu sắc và yêu thương. Cũng dưới hình thức này, trái tim đã xuất hiện trở lại trong các tác phẩm của nhiều vị thánh, quá khứ và hiện tại. Trong những thế kỷ gần đây, linh đạo này đã dần dần mang hình thức sùng kính cụ thể đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu.

79. Một số vị Tiền nhiệm của tôi đã nói theo nhiều cách khác nhau về trái tim của Chúa Kitô và khuyên chúng ta hãy kết hợp với trái tim đó. Vào cuối thế kỷ XIX, Đức Lêô XIII đã khuyến khích chúng ta tận hiến cho Thánh Tâm, qua đó kết hợp lời kêu gọi của chúng ta để kết hợp với Chúa Kitô và sự ngạc nhiên của chúng ta trước sự vĩ đại của tình yêu vô hạn của Người.[69] Khoảng ba mươi năm sau, Đức Piô XI đã trình bày lòng sùng kính này như một “summa” [tổng luận] của kinh nghiệm đức tin Kitô giáo.[70] Đức Piô XII tiếp tục tuyên bố rằng việc tôn thờ Thánh Tâm diễn tả theo một cách nổi bật, như một sự tổng hợp cao cả, sự tôn thờ mà chúng ta nợ Chúa Giêsu Kitô.[71]

80. Gần đây hơn, Thánh Gioan Phaolô II đã trình bày sự phát triển của lòng sùng kính này trong những thế kỷ gần đây như một phản ứng trước sự trỗi dậy của các hình thức tâm linh nghiêm ngặt và phi thể xác đã bỏ qua sự phong phú của lòng thương xót của Chúa. Đồng thời, ngài coi đó là lời kêu gọi kịp thời để chống lại những nỗ lực tạo ra một thế giới không còn chỗ cho Thiên Chúa. “Lòng sùng kính Thánh Tâm, như đã phát triển ở châu Âu cách đây hai thế kỷ, dưới sự thúc đẩy của những kinh nghiệm huyền nhiệm của Thánh Margarét Maria Alacoque, là một phản ứng đối với sự nghiêm ngặt của phái Jansen, mà cuối cùng đã bỏ qua lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa... Những người đàn ông và đàn bà của thiên niên kỷ thứ ba cần trái tim của Chúa Kitô để biết Thiên Chúa và biết chính mình; họ cần nó để xây dựng nền văn minh của tình yêu”.[72]

81. Đức Bênêđictô XVI đã yêu cầu chúng ta nhận ra trong trái tim của Chúa Kitô một sự hiện diện thân mật và hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta: “Mỗi người cần một ‘trung tâm’ cho cuộc sống của chính mình, một nguồn chân lý và lòng tốt để khai thác trong các sự kiện, tình huống và cuộc đấu tranh của cuộc sống hàng ngày. Tất cả chúng ta, khi dừng lại trong im lặng, cần cảm nhận không những nhịp đập của trái tim mình, mà sâu hơn nữa, nhịp đập của một sự hiện diện đáng tin cậy, có thể cảm nhận được bằng các giác quan của đức tin và thực tế hơn nhiều: sự hiện diện của Chúa Kitô, trái tim của thế giới”.[73]

SUY NGHĨ THÊM VÀ SỰ LIÊN QUAN ĐẾN THỜI ĐẠI CỦA CHÚNG TA

82. Hình ảnh biểu tượng và biểu cảm của trái tim Chúa Kitô không phải là phương tiện duy nhất mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta để gặp gỡ tình yêu của Chúa Kitô, nhưng như chúng ta đã thấy, đó là một hình ảnh đặc biệt ưu tuyển. Mặc dù vậy, nó liên tục cần được làm phong phú, đào sâu và đổi mới thông qua việc suy gẫm, đọc Tin Mừng và phát triển sự trưởng thành về mặt tâm linh. Đức Piô XII đã nói rõ Giáo hội không tuyên bố rằng, “chúng ta phải chiêm ngưỡng và tôn thờ trong trái tim Chúa Giêsu một hình ảnh ‘hình thức’, nghĩa là một dấu chỉ hoàn hảo và tuyệt đối về tình yêu thần thiêng của Người, vì bản chất của tình yêu này không thể được diễn tả đầy đủ bằng bất cứ hình ảnh tạo vật nào”.[74]

83. Lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô là điều thiết yếu đối với đời sống Kitô hữu của chúng ta trong chừng mực nó mô tả sự cởi mở của chúng ta trong đức tin và sự tôn thờ đối với mầu nhiệm tình yêu thần thiêng và nhân bản của Chúa. Theo nghĩa này, chúng ta có thể một lần nữa khẳng định rằng Thánh Tâm là sự tổng hợp của Tin Mừng.[75] Chúng ta cần nhớ rằng những thị kiến hoặc sự tỏ bày huyền nhiệm do một số vị thánh nhiệt thành khuyến khích lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô kể lại không phải là điều mà các tín hữu buộc phải tin như thể đó là lời của Chúa.[76] Tuy nhiên, chúng là nguồn khích lệ phong phú và có thể chứng minh là rất có lợi, ngay cả khi không ai cảm thấy bị ép buộc phải tuân theo chúng nếu chúng không chứng minh là hữu ích trên hành trình tâm linh của chính mình. Tuy nhiên, đồng thời, chúng ta nên lưu ý rằng, như Đức Piô XII đã chỉ ra, lòng sùng kính này không thể được cho là "có nguồn gốc từ những mặc khải riêng tư".[77]

84. Ví dụ, việc thúc đẩy việc rước lễ vào thứ Sáu đầu tiên của mỗi tháng đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ vào thời điểm mà nhiều người đã ngừng rước lễ vì họ không còn tin tưởng vào lòng thương xót và sự tha thứ của Chúa và coi việc rước lễ như một loại phần thưởng cho sự hoàn hảo. Trong bối cảnh của thuyết Jansen, việc truyền bá thực hành này đã chứng minh là vô cùng có lợi, vì nó dẫn đến nhận thức rõ ràng hơn rằng trong Bí tích Thánh Thể, tình yêu thương xót và luôn hiện hữu của trái tim Chúa Kitô mời gọi chúng ta kết hợp với Người. Cũng có thể nói rằng việc thực hành này có thể chứng minh lợi ích tương tự trong thời đại của chúng ta, vì một lý do khác. Giữa nhịp sống hối hả của thế giới ngày nay và nỗi ám ảnh của chúng ta với thời gian rảnh rỗi, tiêu dùng và giải trí, điện thoại di động và phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta quên nuôi dưỡng cuộc sống của mình bằng sức mạnh của Bí tích Thánh Thể.

85. Mặc dù không ai nên cảm thấy bắt buộc phải dành một giờ để tôn thờ vào mỗi thứ Năm, nhưng việc thực hành này chắc chắn nên được khuyến khích. Khi chúng ta thực hiện điều này với lòng sùng kính, trong sự hiệp nhất với nhiều anh chị em của chúng ta và khám phá trong Bí tích Thánh Thể tình yêu bao la của trái tim Chúa Kitô, chúng ta "cùng với Giáo hội tôn thờ dấu hiệu và biểu hiện của tình yêu thần thiêng đã đi xa đến mức yêu thương loài người, thông qua trái tim của Ngôi Lời nhập thể". [78]

86. Nhiều người theo chủ nghĩa Jansen thấy điều này khó hiểu, vì họ nhìn mọi sự thuộc về con người, tình cảm và thể xác một cách ngờ vực, và vì vậy coi việc sùng kính này làm chúng ta xa cách sự thờ phượng tinh khiết Thiên Chúa Tối Cao. Đức Piô XII mô tả thái độ của những nhóm coi Chúa là siêu phàm, tách biệt và xa cách đến mức họ coi những biểu hiện tình cảm của lòng mộ đạo bình dân là nguy hiểm và cần sự giám sát của giáo hội là “chủ nghĩa huyền nhiệm giả tạo”.

87. Có thể lập luận rằng ngày nay, thay vì chủ nghĩa Jansen, chúng ta thấy mình đang đứng trước một làn sóng tục hóa mạnh mẽ nhằm xây dựng một thế giới không có Thiên Chúa. Trong xã hội của chúng ta, chúng ta cũng đang chứng kiến sự gia tăng của nhiều hình thức tôn giáo khác nhau không liên quan gì đến mối quan hệ bản vị với Chúa tình yêu, mà là những biểu hiện mới của một nền tâm linh phi vật chất. Tôi phải cảnh cáo rằng ngay cả trong Giáo hội, một chủ nghĩa nhị nguyên Jansen tai hại cũng đã tái xuất hiện dưới những hình thức mới. Chủ nghĩa này đã lấy lại được sức mạnh trong những thập niên gần đây, nhưng đó là sự tái phát của chủ nghĩa Ngộ đạo đã chứng tỏ là một mối đe dọa tâm linh rất lớn trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo vì nó từ chối thừa nhận thực tại “ơn cứu rỗi xác thịt”. Vì lý do này, tôi hướng mắt về trái tim Chúa Kitô và tôi mời gọi tất cả chúng ta hãy đổi mới lòng sùng kính của mình đối với trái tim Chúa Kitô. Tôi hy vọng điều này cũng sẽ thu hút sự nhạy cảm của ngày hôm nay. và do đó giúp chúng ta đối đầu với chủ nghĩa nhị nguyên, cũ và mới, mà lòng sùng kính này đưa ra một phản ứng hữu hiệu.

88. Tôi muốn nói thêm rằng trái tim của Chúa Kitô cũng giải thoát chúng ta khỏi một loại chủ nghĩa nhị nguyên khác được tìm thấy trong các cộng đồng và các mục tử quá bận rộn với các hoạt động bên ngoài, các cải cách cơ cấu ít liên quan đến Tin Mừng, các kế hoạch tái tổ chức đầy ám ảnh, các dự án thế gian, cách suy nghĩ thế tục và các chương trình đầy mệnh lệnh. Kết quả thường là một Kitô giáo bị tước mất sự an ủi dịu dàng của đức tin, niềm vui phục vụ người khác, lòng nhiệt thành của cam kết bản thân đối với sứ mệnh, vẻ đẹp của việc biết Chúa Kitô và lòng biết ơn sâu sắc nảy sinh từ tình bạn mà Người ban tặng và ý nghĩa cuối cùng mà Người ban cho cuộc sống của chúng ta. Đây cũng là biểu thức của một thế giới khác đầy ảo tưởng và không có thân xác.

89. Một khi chúng ta khuất phục trước những thái độ này, rất phổ biến trong thời đại của chúng ta, chúng ta có xu hướng mất đi mọi mong muốn được chữa lành khỏi chúng. Điều này khiến tôi đề nghị với toàn thể Giáo hội một sự suy gẫm mới về tình yêu của Chúa Kitô được thể hiện trong Trái tim Thánh của Người. Vì ở đó chúng ta tìm thấy toàn bộ Tin Mừng, một sự tổng hợp các chân lý đức tin của chúng ta, tất cả những gì chúng ta tôn thờ và tìm kiếm trong đức tin, tất cả những gì đáp ứng nhu cầu sâu sắc nhất của chúng ta.

90. Khi chiêm ngưỡng trái tim của Chúa Kitô, sự tổng hợp nhập thể của Tin Mừng, chúng ta có thể, theo gương của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, “đặt niềm tin chân thành không phải vào chính mình mà vào lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta vô điều kiện và đã ban cho chúng ta mọi thứ trên thập giá của Chúa Giêsu Kitô”. [80] Thánh Têrêsa đã có thể làm điều này vì bà đã khám phá ra trong trái tim của Chúa Kitô rằng Thiên Chúa là tình yêu: “Người đã ban cho tôi lòng thương xót vô hạn của Người, và qua đó, tôi chiêm ngưỡng và tôn thờ những sự hoàn hảo khác của Thiên Chúa”. [81] Đó là lý do tại sao một lời cầu nguyện phổ biến, hướng như một mũi tên về phía trái tim của Chúa Kitô, chỉ đơn giản nói rằng: “Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng vào Người”. [82] Không cần bất cứ lời nào khác.

91. Trong các chương sau, chúng ta sẽ nhấn mạnh hai khía cạnh thiết yếu mà lòng sùng kính Thánh Tâm hiện đại cần kết hợp, để nó có thể tiếp tục nuôi dưỡng chúng ta và đưa chúng ta đến gần hơn với Tin Mừng: kinh nghiệm tâm linh bản thân và cam kết truyền giáo cộng đồng.

Còn tiếp
 
THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS CỦA Đức Thánh Cha PHANXICÔ, VỀ TÌNH YÊU NHÂN BẢN VÀ THẦN LINH CỦA TRÁI TIM CHÚA GIÊSU KITÔ, tiếp
Vũ Văn An
14:11 25/10/2024

CHƯƠNG BỐN: MỘT TÌNH YÊU TẶNG CHÍNH MÌNH NHƯ THỨC UỐNG

92. Bây giờ chúng ta hãy quay lại với Kinh thánh, các bản văn được linh hứng, nơi mà trên hết, chúng ta gặp gỡ mặc khải của Thiên Chúa. Ở đó, và trong Truyền thống sống động của Giáo hội, chúng ta nghe những gì Chúa muốn nói với chúng ta trong suốt chiều dài lịch sử. Bằng cách đọc một số bản văn từ Cựu Ước và Tân Ước, chúng ta sẽ hiểu sâu hơn về lời Chúa đã hướng dẫn cuộc hành hương tâm linh vĩ đại của dân Người qua nhiều thời đại.

MỘT VỊ THIÊN CHÚA KHÁT TÌNH YÊU

93. Kinh thánh cho thấy rằng những người đã đi qua sa mạc và khao khát tự do đã nhận được lời hứa về một nguồn nước dồi dào mang lại sự sống: “Với niềm vui, bạn sẽ múc nước từ các nguồn cứu độ” (Is 12:3). Các lời tiên tri về Đấng cứu thế dần dần hợp nhất xung quanh hình ảnh nước thanh tẩy: “Ta sẽ rảy nước trong sạch trên các ngươi, và các ngươi sẽ được sạch… Ta sẽ đặt một tinh thần mới trong các ngươi” (Edk 36:25-26). Nước này sẽ ban cho dân Chúa sự sống trọn vẹn, giống như một nguồn nước chảy ra từ Đền thờ và mang theo sự sống và sự cứu rỗi dồi dào. “Ta thấy trên bờ sông có rất nhiều cây cối ở bên này và bên kia… và bất cứ nơi nào dòng sông chảy qua, mọi sinh vật đều sẽ sống… và khi dòng sông chảy vào biển, nước của nó sẽ trở nên trong lành; mọi thứ sẽ sống ở nơi dòng sông chảy qua” (Edk 47:7-9).

94. Lễ Lều Tạm (Sukkot) của người Do Thái, tưởng nhớ đến bốn mươi năm lưu trú của Israel trong sa mạc, dần dần đã áp dụng biểu tượng của nước làm yếu tố trung tâm. Nó bao gồm nghi lễ dâng nước vào mỗi buổi sáng, trở nên trang trọng nhất vào ngày cuối cùng của lễ hội, khi một đoàn rước lớn tiến về Đền thờ, bàn thờ được đi vòng quanh bảy lần và nước được dâng lên Chúa trong tiếng reo mừng lớn. [83]

95. Bình minh của kỷ nguyên cứu thế được mô tả như một nguồn nước tuôn trào cho dân chúng: “Ta sẽ đổ một tinh thần thương xót và cầu xin trên nhà Đa-vít và dân cư Giêrusalem, và họ sẽ nhìn lên Đấng mà họ đã đâm… Vào ngày đó, một nguồn nước sẽ được mở ra cho nhà Đa-vít và dân cư Giêrusalem, để thanh tẩy họ khỏi tội lỗi và sự ô uế” (Dcr 12:10; 13:1).

96. Một người bị đâm, một nguồn nước chảy, sự tuôn trào của một tinh thần thương xót và cầu xin: các Ki-tô hữu đầu tiên chắc chắn coi những lời hứa này đã được ứng nghiệm nơi cạnh sườn bị đâm của Chúa Kitô, nguồn mạch của sự sống mới. Trong Tin Mừng Gioan, chúng ta chiêm nghiệm về sự ứng nghiệm đó. Từ cạnh sườn bị thương của Chúa Giêsu, nước của Thánh Thần tuôn trào: “Một trong những người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu và nước chảy ra” (Ga 19:34). Sau đó, tin mừng gia nhắc lại lời tiên tri đã nói về một suối nước mở ra ở Giêrusalem và người bị đâm thủng (Ga 19:37; xem Dcr 12:10). Suối nước mở ra là cạnh sườn bị thương của Chúa Kitô.

97. Trước đó, Tin Mừng Gioan đã nói về sự kiện này, khi vào “ngày cuối cùng của lễ hội” (Ga 7:37), Chúa Giêsu đã kêu lên với những người đang mừng cuộc rước kiệu lớn: “Ai khát hãy đến cùng Ta và uống… từ trái tim Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7:37-38). Tuy nhiên, để điều này được hoàn thành, thì “giờ” của Chúa Giêsu phải đến, vì Người “vẫn chưa được tôn vinh” (Ga 7:39). Sự hoàn thành đó phải đến trên thập giá, trong máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa.

98. Sách Khải Huyền tiếp tục những lời tiên tri về người bị đâm thâu và nguồn nước: “mọi mắt sẽ thấy Người, ngay cả những kẻ đã đâm Người” (Khải Huyền 1:7); “Ai khát hãy đến; ai muốn hãy nhận lấy nước sự sống làm quà tặng” (Khải Huyền 22:17).

99. Cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa Giêsu là nguồn tình yêu mà Thiên Chúa đã tỏ lộ cho dân Người theo vô số cách. Bây giờ chúng ta hãy nhớ lại một số lời của Người:

“Vì ngươi quý giá trước mắt Ta và được tôn trọng, nên Ta yêu ngươi” (Is 43:4).

“Người phụ nữ nào quên được đứa con đang bú, hay không thương xót đứa con ruột mình? Cho dù chúng có quên, thì Ta cũng không quên ngươi. Này, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Is 49:15-16).

“Vì núi có thể dời, đồi có thể chuyển, nhưng tình yêu thương của Ta đối với ngươi sẽ không rời khỏi ngươi, và giao ước bình an của Ta sẽ không bị hủy bỏ” (Is 54:10).

“Ta đã yêu ngươi bằng tình yêu vĩnh cửu; nên Ta vẫn trung thành với ngươi” (Giê-rê-mi-a 31:3).

“Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ở giữa ngươi, là chiến binh ban cho ngươi chiến thắng; Người sẽ vui mừng vì ngươi, Người sẽ đổi mới ngươi trong tình yêu của Người; Người sẽ reo mừng vì ngươi với tiếng hát lớn” (Xô-phô-ni-a 3:17).

100. Tiên tri Hô-sê còn đi xa hơn khi nói về trái tim của Thiên Chúa, Đấng “dẫn dắt họ bằng dây nhân từ, bằng dây yêu thương” (Hô-sê 11:4). Khi tình yêu đó bị khinh thường, Chúa có thể nói, “Lòng Ta rung động trong Ta; lòng thương xót của Ta trở nên ấm áp và dịu dàng (Hô-sê 11:8). Tình yêu thương xót của Thiên Chúa luôn chiến thắng (x. Hô-sê 11:9), và tình yêu đó đã tìm thấy sự biểu lộ cao cả nhất của nó trong Chúa Kitô, Lời tình yêu dứt khoát của Người.

101. Trái tim bị đâm thủng của Chúa Kitô hiện thân cho tất cả những lời tuyên bố về tình yêu của Thiên Chúa có trong Kinh thánh. Tình yêu đó không những là vấn đề của lời nói; đúng hơn, cạnh sườn mở ra của Con Người là nguồn sống cho những ai Người yêu, là nguồn mạch giải tỏa cơn khát của dân Người. Như Thánh Gioan Phaolô II đã chỉ ra, “các yếu tố thiết yếu của lòng sùng kính [đối với Thánh Tâm] thuộc về một cách thức lâu dài đối với linh đạo của Giáo hội trong suốt lịch sử của mình; vì ngay từ đầu, Giáo hội đã hướng về trái tim của Chúa Kitô bị đâm thâu trên Thập giá”. [84]

TIẾNG VANG CỦA LỜI TRONG LỊCH SỬ

102. Chúng ta hãy xem xét một số cách mà trong lịch sử đức tin Kitô giáo, những lời tiên tri này được hiểu là đã được ứng nghiệm. Nhiều Giáo phụ của Giáo hội, đặc biệt là những vị ở Tiểu Á, đã nói về cạnh sườn bị thương của Chúa Giêsu như nguồn nước của Chúa Thánh Thần: lời, ân sủng của lời và các bí tích truyền đạt lời. Lòng can đảm của các vị tử đạo được sinh ra từ “nguồn nước hằng sống trên trời chảy ra từ cạnh sườn của Chúa Kitô” [85] hoặc, theo phiên bản của Rufinus, “những dòng nước thiên đàng và vĩnh cửu chảy ra từ trái tim của Chúa Kitô”. [86] Các tín hữu chúng ta được tái sinh trong Chúa Thánh Thần, xuất hiện từ khe nứt trên đá; “chúng ta đã xuất hiện từ trái tim của Chúa Kitô”. [87] Cạnh sườn bị thương của Người, được hiểu là trái tim Người, tràn đầy Chúa Thánh Thần, đến với chúng ta như một dòng nước hằng sống. “Nguồn mạch của Chúa Thánh Thần hoàn toàn ở trong Chúa Kitô”. [88] Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận không làm chúng ta xa cách Chúa Phục sinh, nhưng lấp đầy chúng ta bằng sự hiện diện của Người, vì khi uống Chúa Thánh Thần, chúng ta uống chính Chúa Kitô đó. Theo lời của Thánh Am-brô-siô: “Hãy uống Chúa Kitô, vì Người là tảng đá tuôn trào dòng nước. Hãy uống Chúa Kitô, vì Người là nguồn sự sống. Hãy uống Chúa Kitô, vì Người là dòng sông có dòng suối làm vui mừng kinh thành Thiên Chúa. Hãy uống Chúa Kitô, vì Người là bình an của chúng ta. Hãy uống Chúa Kitô, vì từ cạnh sườn Người chảy ra dòng nước hằng sống”. [89]

103. Thánh Augustinô đã mở đường cho lòng sùng kính Thánh Tâm như là nơi chúng ta gặp gỡ Chúa một cách bản vị. Đối với Thánh Augustinô, cạnh sườn bị thương của Chúa Kitô không những là nguồn ân sủng và các bí tích, mà còn là biểu tượng cho sự kết hợp mật thiết của chúng ta với Chúa Kitô, bối cảnh của một cuộc gặp gỡ tình yêu. Ở đó chúng ta tìm thấy nguồn gốc của sự khôn ngoan quý giá nhất trong tất cả, đó là sự hiểu biết về Người. Trên thực tế, Thánh Augustinô viết rằng Thánh Gioan, môn đệ được yêu mến, ngả đầu vào lòng Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, đã đến gần nơi bí mật của sự khôn ngoan. [90] Ở đây chúng ta không những có sự chiêm nghiệm về mặt trí tuệ đối với một chân lý thần học trừu tượng. Như Thánh Giê-rô-ni-mô giải thích, một người có khả năng chiêm nghiệm “không thích thú với vẻ đẹp của dòng nước đó, nhưng uống nước hằng sống chảy ra từ cạnh sườn của Chúa”. [91]

104. Thánh Bernard tiếp nối tính biểu tượng của cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa và hiểu rõ ràng đó là sự mặc khải và tuôn đổ toàn bộ tình yêu của trái tim Người. Qua vết thương này, Chúa Kitô mở lòng mình ra với chúng ta và cho phép chúng ta chiếm hữu mầu nhiệm vô biên của tình yêu và lòng thương xót của Người: “Tôi lấy từ lòng Chúa những gì còn thiếu đối với tôi, vì lòng Người tràn đầy lòng thương xót qua những lỗ hổng mà chúng chảy qua. Những kẻ đóng đinh Người đã đâm thủng tay chân Người, chúng đâm thủng cạnh sườn Người bằng một ngọn giáo. Và qua những lỗ hổng đó, tôi có thể nếm được mật ong rừng và dầu từ những tảng đá lửa, nghĩa là tôi có thể nếm và thấy rằng Chúa là tốt lành… Một ngọn giáo đã xuyên qua tâm hồn Người thậm chí đến tận vùng tim Người. Người không còn có thể thương hại sự yếu đuối của tôi nữa. Những vết thương trên thân xác Người đã tiết lộ cho chúng ta những bí mật trong trái tim Người; chúng cho phép chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại của lòng cảm thương của Người”. [92]

105. Chủ đề này tái hiện đặc biệt trong William thành Saint-Thierry, người mời chúng ta bước vào trái tim Chúa Giêsu, Đấng nuôi dưỡng chúng ta từ chính bầu ngực của Người. [93] Điều này không có gì đáng ngạc nhiên nếu chúng ta nhớ lại rằng đối với William, “nghệ thuật của nghệ thuật là nghệ thuật của tình yêu… Tình yêu được Đấng Tạo Hóa của thiên nhiên đánh thức, và là sức mạnh của tâm hồn dẫn dắt nó, như thể bằng sức nặng tự nhiên của nó, đến đúng nơi và đích đến của nó”. [94] Nơi thích hợp đó, nơi tình yêu ngự trị trọn vẹn, chính là trái tim của Chúa Kitô: “Lạy Chúa, Chúa dẫn dắt những người mà Chúa ôm ấp và nắm chặt vào trái tim Chúa tới đâu? Trái tim Chúa, Chúa Giêsu, là bánh manna ngọt ngào của thiên tính Chúa mà Chúa giữ trong chiếc bình vàng của tâm hồn Chúa (x. Dt 9:4), và điều đó vượt quá mọi hiểu biết. Hạnh phúc cho những ai, sau khi lao mình vào vực sâu đó, đã được Chúa ẩn giấu trong góc sâu của trái tim Chúa”. [95]

106. Thánh Bonaventura hợp nhất hai luồng tâm linh này. Ngài trình bày trái tim Chúa Kitô như nguồn gốc của các bí tích và ân sủng, và thúc giục để việc chúng ta chiêm ngưỡng trái tim đó phải trở thành mối quan hệ giữa những người bạn, một cuộc gặp gỡ bản vị của tình yêu.

107. Trước hết, Thánh Bonaventura khiến chúng ta trân trọng vẻ đẹp của ân sủng và các bí tích tuôn chảy từ nguồn sự sống là cạnh sườn bị thương của Chúa. “Để từ cạnh sườn của Chúa Kitô đang ngủ trên thập giá, Giáo hội có thể được hình thành và Kinh thánh ứng nghiệm khi nói rằng: ‘Họ sẽ nhìn lên Đấng mà họ đã đâm thâu’, một trong những người lính đã đâm Người bằng một ngọn giáo và mở cạnh sườn Người ra. Điều này được Chúa quan phòng cho phép để, trong máu và nước chảy ra từ vết thương đó, giá cứu rỗi của chúng ta có thể chảy ra từ nguồn mạch ẩn giấu trong trái tim Người, giúp các bí tích của Giáo hội ban sự sống ân sủng và do đó, đối với những ai sống trong Chúa Kitô, giống như một chiếc ly đầy từ nguồn sống trào lên sự sống vĩnh cửu”. [96]

108. Sau đó, Thánh Bonaventura yêu cầu chúng ta thực hiện một bước nữa, để việc chúng ta tiếp cận ân sủng không bị coi là một loại phép thuật hay sự phát xuất tân Pla-tông, mà đúng hơn là một mối quan hệ trực tiếp với Chúa Kitô, một nơi trú ngụ trong trái tim Người, để bất cứ ai uống từ nguồn đó đều trở thành bạn của Chúa Kitô, một trái tim yêu thương. “Vậy, hỡi linh hồn là bạn của Chúa Kitô, hãy trỗi dậy, và hãy là chim bồ câu làm tổ trong khe đá; hãy là chim sẻ tìm được một ngôi nhà và liên tục canh chừng; hãy là chim gáy che chở đứa con của tình yêu trong trắng của mình trong khe đá thánh thiện nhất đó”. [97]

SỰ LAN TRUYỀN CỦA LÒNG SÙNG KÍNH TRÁI TIM CHÚA KITÔ

109. Dần dần, cạnh sườn bị thương của Chúa Kitô, là nơi trú ngụ của tình yêu và là nguồn sống ân sủng, bắt đầu gắn liền với trái tim của Người, đặc biệt là trong đời sống tu trì. Chúng ta biết rằng trong suốt chiều dài lịch sử, lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô không phải lúc nào cũng được thể hiện theo cùng một cách, và những phát triển hiện đại của lòng sùng kính này, liên quan đến nhiều trải nghiệm tâm linh, không thể bắt nguồn trực tiếp từ các hình thức thời trung cổ, càng không phải là các hình thức Kinh thánh mà chúng ta thoáng thấy hạt giống của lòng sùng kính đó. Mặc dù vậy, Giáo hội ngày nay không từ chối bất cứ điều gì tốt lành mà Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta qua nhiều thế kỷ, vì Giáo hội biết rằng chúng ta luôn có thể nhận ra ý nghĩa rõ ràng và sâu sắc hơn trong một số khía cạnh của lòng sùng kính đó, và đạt được những hiểu biết mới theo thời gian.

110. Một số phụ nữ thánh thiện, khi kể lại những trải nghiệm của họ về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, đã nói về việc nghỉ ngơi trong trái tim Chúa như nguồn sống và sự bình an nội tâm. Đây là trường hợp của các Thánh Lutgarde và Mechtilde thành Hackeborn, Thánh Angela thành Foligno và Thánh Julian thành Norwich, chỉ kể đến một vài vị. Thánh Gertrude thành Helfta, một nữ tu dòng Xitô, kể về một lần cầu nguyện khi bà tựa đầu vào trái tim Chúa Kitô và nghe thấy tiếng đập của nó. Trong một cuộc đối thoại với Thánh Gioan Tông đồ, bà đã hỏi ngài tại sao ngài không mô tả trong Tin Mừng của mình những gì ngài đã trải qua khi làm như vậy. Thánh Gertrude kết luận rằng “âm thanh ngọt ngào của những nhịp đập trái tim đó đã được dành riêng cho thời hiện đại, để khi nghe thấy chúng, thế giới đang già đi và hâm hấp của chúng ta có thể được đổi mới trong tình yêu của Thiên Chúa”. [98] Chúng ta có thể nghĩ rằng đây thực sự là một thông điệp cho thời đại của chúng ta, một lời kêu gọi nhận ra rằng thế giới của chúng ta thực sự đã “già đi” và cần phải nhận thức lại thông điệp về tình yêu của Chúa Kitô không? Thánh Gertrude và Thánh Mechtilde đã được kể vào số “những người bạn tâm giao thân thiết nhất của Thánh Tâm”. [99]

111. Các tu sĩ dòng Carthusians, được khuyến khích hơn hết bởi Ludolph thành Saxony, đã tìm thấy lòng sùng kính Thánh Tâm là phương tiện để phát triển tình cảm và sự gần gũi với Chúa Kitô. Tất cả những ai bước vào qua vết thương của trái tim Người đều được đốt cháy tình yêu. Thánh Ca-ta-ri-na thành Siena đã viết rằng những đau khổ của Chúa là điều chúng ta không thể hiểu được, nhưng trái tim rộng mở của Chúa Kitô cho phép chúng ta có một cuộc gặp gỡ bản thân sống động với tình yêu vô biên của Người. “Ta muốn tiết lộ cho con bí mật của trái tim Ta, cho phép con thấy nó mở ra, để con có thể hiểu rằng Ta đã yêu con nhiều hơn những gì Ta có thể chứng minh với con bằng nỗi đau khổ mà Ta đã từng chịu đựng”. [100]

112. Lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô dần vượt ra khỏi các bức tường của các đan viện để làm phong phú thêm đời sống tâm linh của các thầy dạy thánh thiện, các nhà thuyết giáo và những người sáng lập các dòng tu, những người sau đó đã truyền bá nó đến tận cùng trái đất. [101]

113. Đặc biệt có ý nghĩa là sáng kiến của Thánh Gioan Eudes, người, “sau khi rao giảng cùng các anh em của mình về một sứ mệnh nhiệt thành ở Rennes, đã thuyết phục giám mục của giáo phận đó chấp thuận việc cử hành lễ Trái tim đáng kính của Chúa Giêsu Kitô. Đây là lần đầu tiên một lễ như vậy được chính thức cho phép trong Giáo hội. Sau đó, trong khoảng thời gian từ năm 1670 đến năm 1671, các giám mục của Coutances, Evreux, Bayeux, Lisieux và Rouen đã cho phép cử hành lễ này cho các giáo phận tương ứng của họ”. [102]

THÁNH PHANXICÔ DE SALES

114. Trong thời hiện đại, cần phải nhắc đến sự đóng góp quan trọng của Thánh Phanxicô de Sales. Thánh Phanxicô thường chiêm ngưỡng trái tim rộng mở của Chúa Kitô, mời gọi chúng ta sống trong đó, trong một mối quan hệ yêu thương bản thân từng soi sáng những mầu nhiệm trong cuộc đời của ngài. Trong các tác phẩm của ngài, vị Tiến sĩ thánh thiện của Giáo hội phản đối một nền đạo đức nghiêm ngặt và một lòng đạo đức theo luật lệ bằng cách trình bày trái tim của Chúa Giêsu như một lời kêu gọi tin tưởng hoàn toàn vào sự vận hành mầu nhiệm của ân sủng của Người. Chúng ta thấy điều này được diễn đạt trong lá thư của ngài gửi cho Thánh Jane Francis de Chantal: “Tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ không còn ở trong chính mình nữa… nhưng sẽ mãi mãi ở trong cạnh sườn bị thương của Chúa, vì nếu không có Người, chúng ta không những không thể làm gì, mà ngay cả khi có thể, chúng ta cũng sẽ thiếu lòng mong muốn làm bất cứ điều gì”. [103]

115. Đối với Thánh Phanxicô de Sales, lòng sùng kính đích thực không liên quan gì đến mê tín hay lòng đạo đức hời hợt, vì nó bao hàm một mối quan hệ bản thân trong đó mỗi người chúng ta cảm thấy được Chúa Kitô biết đến và yêu thương một cách độc đáo và đích thân. “Trái tim đáng yêu và đáng mến nhất này của Chúa chúng ta, cháy bỏng tình yêu mà Người tuyên xưng với chúng ta, [là] một trái tim mà trên đó tất cả tên của chúng ta được viết… Chắc chắn đó là nguồn an ủi sâu sắc khi biết rằng chúng ta được Chúa yêu thương sâu sắc đến vậy, Người luôn mang chúng ta trong trái tim Người”. [104] Với hình ảnh tên chúng ta được khắc trên trái tim của Chúa Kitô, Thánh Phanxicô đã tìm cách diễn tả mức độ mà tình yêu của Chúa Kitô dành cho mỗi người chúng ta không phải là điều gì đó trừu tượng và chung chung, mà hoàn toàn mang tính đích thân, giúp mỗi tín hữu cảm thấy được biết đến và tôn trọng vì chính con người của mình. “Thiên đường này thật đáng yêu biết bao, nơi Chúa là mặt trời và ngực Người là nguồn tình yêu mà những người được chúc phúc uống thỏa thích! Mỗi người chúng ta có thể nhìn vào đó và thấy tên mình được khắc trong những chữ tình yêu, mà chỉ có tình yêu đích thực mới có thể đọc được và tình yêu đích thực mới viết ra. Lạy Chúa! Và còn gì nữa, con gái yêu dấu, về những người thân yêu của chúng ta? Chắc chắn họ cũng sẽ ở đó; vì ngay cả khi trái tim chúng ta không có tình yêu, thì chúng vẫn có một khát vọng về tình yêu và những khởi đầu của tình yêu”. [105]

116. Phanxicô coi trải nghiệm về tình yêu của Chúa Kitô này là điều thiết yếu đối với đời sống tâm linh, thực sự là một trong những chân lý vĩ đại của đức tin: “Vâng, con gái yêu dấu của ta, Người nghĩ đến con và không chỉ con, mà cả sợi tóc nhỏ nhất trên đầu con: đây là một điều khoản của đức tin và không được nghi ngờ bất cứ cách nào”. [106] Theo đó, tín hữu có khả năng phó thác hoàn toàn vào trái tim của Chúa Kitô, nơi mà họ tìm thấy sự nghỉ ngơi, an ủi và sức mạnh: “Lạy Chúa! Thật hạnh phúc biết bao khi được ôm ấp và ngả mình vào lòng Đấng Cứu Thế. Hãy ở lại như vậy, con gái yêu dấu, và giống như một đứa trẻ khác, Thánh Gioan, trong khi những người khác đang nếm những loại thức ăn khác nhau trên bàn tiệc của Chúa, hãy đặt đầu, tâm hồn và tinh thần của bạn, trong một cử chỉ hoàn toàn tin tưởng, vào lòng yêu thương của Chúa yêu dấu này”. [107] “Cha hy vọng rằng con đang nghỉ ngơi trong khe chim gáy và trong cạnh sườn bị đâm thủng của Đấng Cứu Thế yêu dấu của chúng ta… Chúa này tốt lành biết bao, con gái yêu dấu của cha! Trái tim của Người yêu thương biết bao! Chúng ta hãy ở lại đây, trong nơi ở thánh thiện này”. [108]

117. Đồng thời, trung thành với giáo huấn của mình về sự thánh hóa cuộc sống bình thường, Thánh Phanxicô đề xuất rằng trải nghiệm này diễn ra giữa các hoạt động, nhiệm vụ và nghĩa vụ của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. “Con hỏi cha rằng những linh hồn bị thu hút trong lời cầu nguyện đến sự đơn sơ thánh thiện này, đến sự phó thác hoàn toàn này vào Chúa, nên cư xử như thế nào trong mọi hành động của họ? Cha sẽ trả lời rằng, không những trong thực hành, nhưng cũng trong cách cư xử của cuộc sống hàng ngày, họ nên luôn tiến triển trong tinh thần giản dị, từ bỏ và hoàn toàn phó thác linh hồn, hành động và thành tựu của mình cho ý muốn của Chúa. Và làm như vậy với một tình yêu được đánh dấu bằng sự tin tưởng hoàn hảo và tuyệt đối, từ bỏ bản thân cho ân sủng và sự chăm sóc của tình yêu vĩnh cửu mà Chúa Quan phòng dành cho họ”. [109]

118. Vì lý do này, khi tìm kiếm một biểu tượng để truyền tải viễn kiến của ngài về đời sống tâm linh, Thánh Phanxicô de Sales đã kết luận: “Tôi đã nghĩ, Mẹ yêu dấu, nếu Mẹ đồng ý, rằng chúng ta nên lấy biểu tượng là một trái tim duy nhất bị đâm thủng bởi hai mũi tên, toàn bộ được bao bọc trong một vương miện gai”. [110]

MỘT TUYÊN NGÔN MỚI VỀ TÌNH YÊU



119. Dưới ảnh hưởng lành mạnh của linh đạo de Sales này, các sự kiện của Paray-le-Monial đã diễn ra vào cuối thế kỷ XVII. Thánh Mar-ga-rét Maria Alacoque đã tường thuật một loạt các lần hiện ra đáng chú ý của Chúa Kitô giữa cuối tháng 12 năm 1673 và tháng 6 năm 1675. Nền tảng của những lần hiện ra này là một tuyên bố về tình yêu nổi bật trong lần hiện ra đầu tiên. Chúa Giêsu nói: “Trái tim thần thánh của Ta cháy bỏng tình yêu dành cho loài người, và đặc biệt dành cho con, đến nỗi, không còn có thể chứa đựng trong chính mình ngọn lửa của lòng bác ái nồng nhiệt, nó phải tuôn đổ chúng qua con và được biểu lộ cho họ, để làm giàu cho họ bằng những kho tàng quý giá mà Ta hiện đang tiết lộ cho con”. [111]

120. Lời tường thuật của Thánh Mar-ga-rét Maria rất mạnh mẽ và vô cùng cảm động: “Người đã tiết lộ cho tôi những điều kỳ diệu trong tình yêu của Người và những bí mật không thể giải thích được của Trái tim thần thiêng của Người mà Người đã giấu kín với tôi cho đến khi Người mở nó ra cho tôi lần đầu tiên, một cách ấn tượng và hợp lý đến nỗi Người không để tôi có chỗ nào để nghi ngờ”. [112] Trong những lần hiện ra sau đó, thông điệp an ủi đó đã được nhắc lại: “Người đã tiết lộ cho tôi những điều kỳ diệu không thể diễn tả được của tình yêu thuần khiết của Người và điều đó đã dẫn Người đến mức nào để yêu nhân loại”. [113]

121. Nhận thức mạnh mẽ này về tình yêu của Chúa Giêsu Kitô mà Thánh Mar-ga-rét Maria để lại cho chúng ta có thể thúc đẩy chúng ta kết hợp chặt chẽ hơn với Người. Chúng ta không cần phải cảm thấy có nghĩa vụ phải chấp nhận hoặc chiếm đoạt mọi chi tiết trong trải nghiệm tâm linh của bà, trong đó, như thường xảy ra, sự can thiệp của Thiên Chúa kết hợp với các yếu tố của con người liên quan đến những mong muốn, mối quan tâm và hình ảnh nội tâm của cá nhân. [114] Những trải nghiệm như vậy phải luôn được diễn giải dưới ánh sáng của Tin Mừng và truyền thống tâm linh phong phú của Giáo hội, ngay cả khi chúng ta thừa nhận những điều tốt đẹp mà chúng mang lại cho nhiều anh chị em của chúng ta. Theo cách này, chúng ta có thể nhận ra những ân huệ của Chúa Thánh Thần hiện diện trong những trải nghiệm về đức tin và tình yêu đó. Quan trọng hơn bất cứ chi tiết riêng lẻ nào là cốt lõi của thông điệp được truyền lại cho chúng ta, có thể được tóm tắt trong những lời mà Thánh Mar-ga-rét Maria đã nghe: “Đây là trái tim đã yêu thương con người đến nỗi không tiếc bất cứ điều gì, thậm chí còn tự làm trống rỗng và tiêu hao chính mình để cho họ thấy tình yêu của mình”. [115]

122. Do đó, sự hiện ra này mời gọi chúng ta phát triển trong cuộc gặp gỡ của mình với Chúa Kitô, đặt trọn niềm tin vào tình yêu của Người, cho đến khi chúng ta đạt được sự kết hợp trọn vẹn và dứt khoát với Người. “Cần thiết là trái tim thần linh của Chúa Giêsu theo một cách nào đó thay thế trái tim của chúng ta; rằng chỉ có Người sống và hoạt động trong chúng ta và vì chúng ta; rằng ý muốn của Người… hoạt động hoàn toàn và không có bất cứ sự kháng cự nào từ phía chúng ta; và cuối cùng là tình cảm, suy nghĩ và mong muốn của Người thay thế cho tình cảm, suy nghĩ và mong muốn của chúng ta, đặc biệt là tình yêu của Người, để Người được yêu trong chính Người và vì chúng ta. Và vì vậy, trái tim đáng yêu này là tất cả trong tất cả của chúng ta, chúng ta có thể nói với Thánh Phaolô rằng chúng ta không còn sống cuộc sống của riêng mình nữa, nhưng chính Người sống trong chúng ta”. [116]

123. Trong thông điệp đầu tiên mà Thánh Mar-ga-rét Maria nhận được, lời mời này đã được diễn tả bằng những từ ngữ sống động, nồng nhiệt và yêu thương. “Người đã xin trái tim tôi, tôi đã xin Người lấy, Người đã làm thế và sau đó đặt tôi vào trái tim đáng kính của Người, từ đó Người khiến tôi thấy trái tim mình như một nguyên tử nhỏ bị thiêu rụi trong lò lửa của Người”. [117]

124. Ở một điểm khác, chúng ta thấy Đấng hiến mình cho chúng ta là Chúa Kitô phục sinh và vinh quang, tràn đầy sự sống và ánh sáng. Nếu thực sự, vào những thời điểm khác nhau, Người đã nói về nỗi đau khổ mà Người phải chịu vì chúng ta và về sự vô ơn mà nó phải chịu, thì những gì chúng ta thấy ở đây không phải là máu và vết thương đau đớn của Người, mà đúng hơn là ánh sáng và ngọn lửa của Chúa sự sống. Những vết thương của cuộc khổ nạn không biến mất, nhưng giờ đây đã được biến hình. Ở đây chúng ta thấy mầu nhiệm vượt qua trong tất cả sự huy hoàng của nó: “Một lần, khi Mình Thánh Chúa được bày ra, Chúa Giêsu hiện ra, rực rỡ trong vinh quang, với năm vết thương của Người trông giống như rất nhiều mặt trời rực sáng từ nhân tính thánh thiện của Người, nhưng trên hết là từ bộ ngực đáng yêu của Người, trông giống như một lò lửa. Mở áo choàng, Người để lộ trái tim yêu thương và đáng yêu nhất của Người, đó là nguồn sống của những ngọn lửa đó. Sau đó, tôi đã khám phá ra những điều kỳ diệu không thể diễn tả được của tình yêu thuần khiết của Người, mà Người yêu thương con người đến cùng, nhưng chỉ nhận được từ họ sự vô ơn và thờ ơ”. [118]

THÁNH CLAUDE DE LA COLOMBIÈRE

125. Khi Thánh Claude de La Colombière học được các trải nghiệm của Thánh Mar-ga-rét Maria, ngài đã ngay lập tức bảo vệ bà và bắt đầu truyền bá thông tin về các lần hiện ra. Thánh Claude đã đóng một vai trò đặc biệt trong việc phát triển sự hiểu biết về lòng sùng kính Thánh Tâm và ý nghĩa của nó dưới ánh sáng Tin Mừng.

126. Một số ngôn ngữ của Thánh Mar-ga-rét Maria, nếu không được hiểu rõ, có thể gợi ý về sự tin tưởng không đúng mực vào những hy sinh và lễ vật cá nhân của chúng ta. Thánh Claude nhấn mạnh rằng việc chiêm ngưỡng trái tim Chúa Giêsu, khi chân thực, không gây ra sự tự mãn hay sự tự tin phù phiếm vào những trải nghiệm của riêng chúng ta hoặc những nỗ lực của con người, mà đúng hơn là sự phó thác không thể diễn tả được vào Chúa Kitô, điều này lấp đầy cuộc sống của chúng ta bằng sự bình an, an toàn và quyết tâm. Ngài đã bày tỏ sự tự tin tuyệt đối này một cách hùng hồn nhất trong một lời cầu nguyện nổi tiếng:

“Lạy Chúa, con tin chắc rằng Chúa luôn dõi theo những ai hy vọng vào Chúa, và rằng chúng con không thể thiếu thốn điều gì khi chúng con tìm kiếm mọi thứ nơi Chúa, rằng trong tương lai, con quyết tâm sống tự do khỏi mọi lo lắng và trao mọi nỗi lo lắng của con cho Chúa... Con sẽ không bao giờ mất hy vọng. Con sẽ giữ nó cho đến phút cuối cùng của cuộc đời con; và vào lúc đó, tất cả những con quỷ trong địa ngục sẽ cố gắng giật nó khỏi con… Những người khác có thể tìm kiếm hạnh phúc từ sự giàu có hoặc tài năng của họ; những người khác có thể dựa vào sự ngây thơ trong trắng của cuộc sống họ, hoặc sự nghiêm khắc của sự sám hối, hoặc số lượng của bố thí, hoặc lòng nhiệt thành của những lời cầu nguyện của họ. Đối với con, Chúa ơi, tất cả sự tự tin của con là chính sự tự tin. Sự tự tin này chưa bao giờ lừa dối bất cứ ai… Vì vậy, con chắc chắn rằng con sẽ hạnh phúc vĩnh cửu, vì con hy vọng vững chắc như vậy, và vì chính Chúa, mà con hy vọng điều đó”. [119]

127. Trong một ghi chú vào tháng 1 năm 1677, sau khi đề cập đến sự đảm bảo mà ngài cảm thấy về sứ mệnh của mình, Claude tiếp tục: “Tôi đã biết rằng Thiên Chúa muốn tôi phục vụ Người bằng cách đạt được sự hoàn thành mong muốn của Người liên quan đến lòng sùng kính mà Người đã gợi ý cho một người mà Người giao tiếp một cách tin cậy, và vì lợi ích của người đó, Người muốn sử dụng sự yếu đuối của tôi. Tôi đã sử dụng nó để giúp đỡ một số người”. [120]

128. Cần phải thừa nhận rằng linh đạo của Chân phước Claude de La Colombière đã tạo nên sự tổng hợp tinh tế giữa kinh nghiệm tâm linh sâu sắc và cảm động của Thánh Mar-ga-rét Maria và hình thức chiêm nghiệm sống động và cụ thể được tìm thấy trong các Bài Linh thao của Thánh Inhaxiô thành Loyola. Vào đầu tuần thứ ba của Bài Linh Thao, Claude đã suy ngẫm: “Có hai điều đã làm tôi xúc động theo một cách đáng kinh ngạc. Thứ nhất, thái độ của Chúa Kitô đối với những người tìm cách bắt giữ Người. Trái tim Người đầy nỗi buồn cay đắng; mọi đam mê dữ dội đều được giải phóng chống lại Người và toàn bộ thiên nhiên đang hỗn loạn, nhưng giữa tất cả sự hỗn loạn này, tất cả những cám dỗ này, trái tim Người vẫn hướng về Thiên Chúa một cách vững chắc. Người không ngần ngại đảm nhận vai trò mà nhân đức và nhân đức cao nhất gợi ý cho Người. Thứ hai, thái độ của chính trái tim đó đối với Giu-đa, kẻ đã phản bội Người, các tông đồ đã hèn nhát bỏ rơi Người, các linh mục và những người khác chịu trách nhiệm cho cuộc đàn áp mà Người phải chịu đựng; không điều nào trong số những điều này có thể khơi dậy trong Người một chút cảm giác căm ghét hay phẫn nộ nào. Tôi tự trình diện một lần nữa với trái tim không còn giận dữ, không còn cay đắng, thay vào đó là lòng cảm thương chân chính đối với kẻ thù của mình”. [121]

THÁNH CHARLES DE FOUCAULD VÀ THÁNH TÊRÊSE HÀI ĐỒNG GIÊSU

129. Thánh Charles de Foucauld và Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, không cố ý, đã định hình lại một số khía cạnh của lòng sùng kính đối với trái tim Chúa Kitô và do đó giúp chúng ta hiểu nó theo tinh thần truyền giáo hơn nữa. Bây giờ chúng ta hãy xem xét cách lòng sùng kính này được phát biểu trong cuộc sống của các vị. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ quay lại với các vị, để minh họa chiều kích truyền giáo đặc biệt mà mỗi người trong số các vị mang đến cho lòng sùng kính.

Lòng Bác ái Giêsu

130. Ở Louye, Charles de Foucauld thường đến viếng Mình Thánh Chúa cùng với người em họ của mình, Marie de Bondy. Một ngày nọ, bà cho ngài xem một bức ảnh Thánh Tâm. [122] Người em họ của ngài đã đóng vai trò cơ bản trong sự hoán cải của Charles, như chính ngài đã thừa nhận: “Vì Thiên Chúa đã biến em thành khí cụ đầu tiên của lòng thương xót của Người đối với anh, nên mọi thứ khác bắt đầu từ em. Nếu em không hoán cải anh, đưa anh đến với Chúa Giêsu và dạy anh từng chút một, từng chữ một, tất cả những gì thánh thiện và tốt lành, thì ngày nay anh sẽ ở đâu?” [123] Điều mà Marie đánh thức trong ngài là nhận thức sâu sắc về tình yêu của Chúa Giêsu. Đó là điều cốt yếu, và tập trung vào lòng sùng kính trái tim Chúa Giêsu, nơi ngài gặp được lòng thương xót vô biên: “Chúng ta hãy tin vào lòng thương xót vô hạn của người mà trái tim Người em đã dẫn dắt anh biết đến”. [124]

131. Sau đó, cha linh hướng của ngài, Cha Henri Huvelin, đã giúp Thánh Charles hiểu sâu hơn về mầu nhiệm vô giá của “trái tim diễm phúc mà Cha đã nói với con rất nhiều lần”. [125] Vào ngày 6 tháng 6 năm 1889, Charles đã hiến mình cho Thánh Tâm, nơi ngài tìm thấy một tình yêu vô biên. Ngài nói với Chúa Kitô, “Chúa đã ban cho con rất nhiều ơn lành, đến nỗi sẽ thật vô ơn đối với trái tim Chúa nếu không tin rằng nó sẵn sàng ban cho con mọi điều tốt lành, dù lớn lao đến đâu, và tình yêu thương và lòng quảng đại của Chúa là vô biên”. [126] Ngài đã trở thành một ẩn sĩ “dưới danh nghĩa trái tim Chúa Giêsu”. [127]

132. Vào ngày 17 tháng 5 năm 1906, cùng ngày mà Anh Charles, một mình, không thể cử hành Thánh lễ nữa, ngài đã viết về lời hứa của mình “để trái tim Chúa Giêsu sống trong tôi, để không còn là tôi sống nữa, mà là trái tim Chúa Giêsu sống trong tôi, như Người đã sống ở Na-da-rét”. [128] Tình bạn của ngài với Chúa Giêsu, từ trái tim đến trái tim, không phải là một lòng đạo đức riêng tư. Nó đã truyền cảm hứng cho cuộc sống khắc khổ mà ngài đã sống ở Na-da-rét, xuất phát từ mong muốn noi gương Chúa Kitô và trở nên giống Người. Lòng sùng kính yêu thương của ngài đối với trái tim Chúa Giêsu đã có tác động cụ thể đến phong cách sống của ngài, và Na-da-rét của ngài được nuôi dưỡng bằng mối quan hệ đích thân của ngài với trái tim Chúa Kitô.

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu

133. Giống như Thánh Charles de Foucauld, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu chịu ảnh hưởng của sự đổi mới lòng sùng kính lớn lao lan rộng khắp nước Pháp vào thế kỷ XIX. Cha Almire Pichon, vị linh hướng của gia đình bà, được coi là một tông đồ tận tụy của Thánh Tâm. Một trong những người chị của bà lấy tên là “Nữ tu Marie Thánh Tâm”, và đan viện mà Têrêsa gia nhập được dành riêng cho Thánh Tâm. Tuy nhiên, lòng sùng kính của bà vẫn mang một số nét riêng biệt liên quan đến lòng đạo đức thông thường của thời đại đó.

134. Khi Têrêsa mười lăm tuổi, bà có thể nói về Chúa Giêsu như là người “có trái tim đập đồng nhịp với trái tim của tôi”. [129] Hai năm sau, khi nói về hình ảnh trái tim của Chúa Kitô đội mão gai, bà đã viết trong một lá thư: “Chị biết rằng bản thân tôi không coi Thánh Tâm như mọi người khác. Tôi nghĩ rằng Trái tim của Người phối ngẫu của tôi chỉ thuộc về tôi, cũng như Trái tim của tôi chỉ thuộc về Người, và tôi nói chuyện với Người trong sự cô tịch của cuộc trao đổi trái tim tuyệt vời này, trong khi chờ đợi để chiêm ngưỡng Người một ngày nào đó trực diện”. [130]

135. Trong một bài thơ của mình, Thánh Têrêxa đã nói lên ý nghĩa của lòng sùng kính của mình, liên quan nhiều hơn đến tình bạn và sự đảm bảo hơn là niềm tin vào những hy sinh của mình:

Tôi cần một trái tim cháy bỏng sự dịu dàng,
Người sẽ mãi mãi là chỗ dựa của tôi,
Người yêu thương mọi thứ trong tôi, ngay cả sự yếu đuối của tôi…
Và người không bao giờ rời xa tôi ngày hay đêm…
Tôi phải có một Thiên Chúa mang bản chất của tôi,
Và trở thành anh em của tôi và có thể chịu đựng! …
Ôi! Tôi biết rõ, tất cả sự công chính của chúng ta
Đều vô giá trị trong mắt Người…
Vì vậy, tôi, đối với luyện ngục của mình,
Hãy chọn tình yêu cháy bỏng của Người, hỡi trái tim của Thiên Chúa tôi!
” [131]

136. Có lẽ bản văn quan trọng nhất để hiểu lòng sùng kính của Thánh Têrêsa đối với trái tim Chúa Kitô là một lá thư mà bà viết ba tháng trước khi qua đời cho người bạn Maurice Bellière. “Khi tôi thấy Maria Ma-đa-lê-na bước tới trước nhiều vị khách, rửa chân cho Thầy đáng kính của mình bằng nước mắt, người mà bà chạm vào lần đầu tiên, tôi cảm thấy rằng trái tim bà đã hiểu được vực thẳm của tình yêu và lòng thương xót của trái tim Chúa Giêsu, và, mặc dù bà là một tội nhân, trái tim yêu thương này không chỉ sẵn sàng tha thứ cho bà mà còn ban cho bà những phước lành của sự gần gũi thần thiêng của Người, nâng bà lên đỉnh cao nhất của sự chiêm nghiệm. Ôi! người anh em nhỏ bé thân mến, kể từ khi tôi được ban ơn để hiểu được tình yêu của trái tim Chúa Giêsu, tôi thừa nhận rằng nó đã xua tan mọi nỗi sợ hãi khỏi trái tim tôi. Việc nhớ lại những lỗi lầm của mình khiến tôi khiêm nhường, khiến tôi không bao giờ dựa vào sức mạnh của mình vốn chỉ là sự yếu đuối, nhưng việc nhớ lại này nói với tôi về lòng thương xót và tình yêu nhiều hơn nữa”. [132]

137. Những người đạo đức muốn kiểm soát chặt chẽ lòng thương xót và ân sủng của Chúa có thể tuyên bố rằng Têrêsa có thể nói như vậy vì bà là một vị thánh, nhưng một người bình thường không thể nói như vậy. Theo cách đó, họ loại bỏ khỏi linh đạo của Thánh Têrêsa sự độc đáo tuyệt vời của nó, phản ảnh cốt lõi của Tin Mừng. Đáng buồn thay, trong một số nhóm Kitô hữu, chúng ta thường gặp phải nỗ lực này nhằm đưa Chúa Thánh Thần vào một khuôn mẫu có sẵn theo cách cho phép họ giám sát mọi thứ. Tuy nhiên, vị Tiến sĩ Giáo hội khôn ngoan này đã khiến họ im lặng và trực tiếp mâu thuẫn với quan điểm giản lược của họ bằng những lời rõ ràng sau: "Nếu tôi phạm phải mọi tội ác có thể xảy ra, tôi sẽ luôn có cùng sự tự tin; Tôi cảm thấy rằng toàn bộ vô số tội lỗi này sẽ giống như một giọt nước ném vào lò lửa". [133]

138. Đối với Sơ Marie, người đã ca ngợi tình yêu bao la của mình dành cho Chúa, thậm chí đã chuẩn bị để chấp nhận sự tử đạo, Têrêsa đã trả lời dài dòng trong một bức thư là một trong những cột mốc quan trọng trong lịch sử linh đạo. Trang này cần được đọc đi đọc lại hàng ngàn lần vì chiều sâu, sự rõ ràng và vẻ đẹp của nó. Ở đó, Têrêsa giúp chị gái của mình, “Marie của Thánh Tâm”, tránh tập trung lòng sùng kính này vào sự đau khổ, vì một số người đã trình bày sự đền bù chủ yếu dưới dạng tích lũy các hy sinh và việc làm tốt. Về phần mình, Têrêsa trình bày sự tin tưởng như là của lễ vĩ đại nhất và tốt nhất, làm đẹp lòng Chúa Kitô: “Những ước muốn tử đạo của em chẳng là gì cả; chúng là hoặc những gì mang lại cho em sự tự tin vô hạn mà em cảm thấy trong tim mình. Nói thật, chúng là sự giàu có về mặt tinh thần khiến người ta bất công, khi người ta an nghỉ trong chúng với sự tự mãn và người ta tin rằng chúng là điều gì đó vĩ đại… điều làm hài lòng [Chúa Giêsu] là Người thấy em yêu sự nhỏ bé và nghèo nàn của mình, hy vọng mù quáng mà em có trong lòng thương xót của Người… Đó là kho báu duy nhất của em… Nếu chị muốn cảm thấy vui vẻ, bị hấp dẫn bởi đau khổ, thì đó chính là sự an ủi mà chị đang tìm kiếm… Hãy hiểu rằng để trở thành nạn nhân của tình yêu của Người, người càng yếu đuối, không có ham muốn hay đức hạnh, thì người đó càng phù hợp với hoạt động của Tình yêu thiêu đốt và biến đổi này… Ôi! Em muốn có thể khiến chị hiểu được cảm giác của em biết bao!... Chính sự tự tin và không gì khác ngoài sự tự tin phải dẫn chúng ta đến Tình yêu”. [134]

139. Trong nhiều bài viết của mình, Têrêsa nói về cuộc đấu tranh của mình với các hình thức tâm linh tập chú quá mức vào nỗ lực của con người, vào công trạng cá nhân, vào việc dâng lễ vật và thực hiện một số hành động nhất định để “giành được thiên đàng”. Đối với bà, “công đức không phải là làm hay cho nhiều, mà là nhận”. [135] Chúng ta hãy đọc lại một số bản văn có ý nghĩa sâu sắc này, trong đó bà nhấn mạnh điều này và trình bày nó như một phương tiện đơn giản và nhanh chóng để nắm lấy Chúa “bằng trái tim của Người”.

140. Đối với chị gái Léonie, bà viết, “Em đảm bảo với chị rằng Chúa tốt hơn nhiều so với chị nghĩ. Người hài lòng với một cái nhìn, một tiếng thở dài yêu thương… Còn em, em thấy sự hoàn hảo rất dễ thực hành vì em hiểu rằng đó là vấn đề nắm lấy Chúa Giêsu bằng trái tim của Người… Hãy nhìn một đứa trẻ vừa làm mẹ mình khó chịu… Nếu nó đến với mẹ, dang rộng đôi tay nhỏ bé, mỉm cười và nói: ‘Mẹ hôn con đi, con sẽ không làm thế nữa đâu’, liệu mẹ nó có thể không dịu dàng ôm chặt nó vào lòng và quên đi trò nghịch ngợm trẻ con của nó không? Tuy nhiên, bà biết đứa con bé bỏng của mình sẽ lại làm thế vào lần tới, nhưng điều đó không quan trọng; nếu nó lại nắm lấy trái tim của mẹ, nó sẽ không bị trừng phạt”. [136]

141. Tương tự như vậy, trong một lá thư gửi cho Cha Adolphe Roulland, bà viết, “[Con] đường của tôi là tất cả sự tự tin và tình yêu. Tôi không hiểu những tâm hồn sợ một người bạn dịu dàng như vậy. Đôi khi, khi tôi đọc một số chuyên luận tâm linh trong đó sự hoàn hảo được thể hiện qua hàng ngàn chướng ngại vật, được bao quanh bởi một đám ảo tưởng, tâm trí nhỏ bé tội nghiệp của tôi nhanh chóng mệt mỏi; tôi đóng cuốn sách uyên bác đang làm đầu tôi tan nát và làm khô héo trái tim tôi, và tôi cầm lấy Kinh thánh. Khi đó, tất cả dường như sáng tỏ với tôi; một từ duy nhất mở ra cho tâm hồn tôi những chân trời vô tận, sự hoàn hảo dường như đơn giản với tôi. Tôi thấy rằng chỉ cần nhận ra sự hư vô của mình và phó thác bản thân như một đứa trẻ vào vòng tay của Chúa là đủ”. [137]

142. Trong một lá thư khác, bà liên hệ điều này với tình yêu mà cha mẹ thể hiện: “Tôi không tin rằng trái tim của [một] người cha có thể cưỡng lại được sự tự tin hiếu thảo của đứa con, người mà ông biết sự chân thành và tình yêu thương. Tuy nhiên, ngài nhận ra rằng con trai ngài sẽ phạm phải những lỗi lầm tương tự nhiều lần, nhưng ngài luôn sẵn sàng tha thứ cho con trai ngài, nếu con trai ngài luôn ghi nhớ trong lòng”. [138]

CÁC VANG DỘI TRONG DÒNG TÊN

143. Chúng ta đã thấy Thánh Claude de La Colombière kết hợp kinh nghiệm tâm linh của Thánh Mar-ga-rét Maria với mục đích của Linh thao. Tôi tin rằng vị trí của Thánh Tâm trong lịch sử của Dòng Tên xứng đáng được nói đến trong một vài lời ngắn gọn.

144. Linh đạo của Dòng Tên luôn đề xuất một “sự hiểu biết nội tâm về Chúa để yêu mến và theo Người trọn vẹn hơn”. [139] Trong Linh Thao của ngài, Thánh I-nha-xi-ô mời gọi chúng ta đặt mình trước câu Tin Mừng nói với chúng ta rằng, “cạnh sườn [Chúa Kitô] bị đâm thâu bởi ngọn giáo và máu và nước chảy ra”. [140] Khi những người tĩnh tâm chiêm ngưỡng cạnh sườn bị thương của Chúa bị đóng đinh, Thánh I-nha-xi-ô gợi ý rằng họ hãy bước vào trái tim của Chúa Kitô. Như vậy, chúng ta có một cách để mở rộng trái tim mình, được một người là “bậc thầy về tình cảm” khuyên bảo, dùng lời của Thánh Phê-rô Faber trong một trong những lá thư của ngài gửi cho Thánh I-nha-xi-ô. [141] Cha Juan Alfonso de Polanco đã lặp lại cùng một cách diễn đạt đó trong tiểu sử của ngài về Thánh I-nha-xi-ô: “Ngài [Đức Hồng Y Gasparo Contarini] nhận ra rằng nơi Cha I-nha-xi-ô, ngài đã gặp một bậc thầy về tình cảm”. [142] Các cuộc đối thoại mà Thánh I-nha-xi-ô đề xuất là một phần thiết yếu của quá trình rèn luyện trái tim này, vì trong đó, chúng ta cảm nhận và nếm trải bằng trái tim một thông điệp Tin Mừng và trò chuyện về thông điệp đó với Chúa. Thánh I-nha-xi-ô nói với chúng ta rằng chúng ta có thể chia sẻ mối quan tâm của mình với Chúa và tìm kiếm lời khuyên của Người. Bất cứ ai theo dõi các Bài Linh Thao đều có thể dễ dàng thấy rằng chúng bao gồm một cuộc đối thoại, từ trái tim với trái tim.

145. Thánh I-nha-xi-ô đưa sự chiêm niệm của ngài lên đến đỉnh điểm dưới chân thập giá và mời gọi người tĩnh tâm hãy cầu xin Chúa chịu đóng đinh với lòng trìu mến lớn lao, “như một người bạn với một người bạn khác, như một người đầy tớ với chủ mình”, rằng họ phải làm gì cho Người. [143] Tiến trình của các Bài Linh Thao lên đến đỉnh điểm trong “Chiêm niệm để đạt được Tình yêu”, điều này nảy sinh lòng biết ơn và sự dâng hiến “trí nhớ, sự hiểu biết và ý chí” của người ta cho trái tim vốn là nguồn mạch và nguồn gốc của mọi điều tốt lành. [144] Sự chiêm niệm nội tâm này không phải là thành quả của sự hiểu biết và nỗ lực của chúng ta, nhưng phải được cầu xin như một hồng ân.

146. Cùng một trải nghiệm này đã truyền cảm hứng cho sự kế thừa vĩ đại của các linh mục Dòng Tên, những người đã nói rõ ràng về trái tim của Chúa Giêsu: Thánh Phanxicô Borgia, Thánh Phêrô Faber, Thánh Alphonsô Rodriguez, Cha Álvarez de Paz, Cha Vincent Carafa, Cha Kasper Drużbicki và vô số những người khác. Năm 1883, các tu sĩ Dòng Tên tuyên bố rằng, “Dòng Tên chấp nhận và tiếp nhận với tinh thần tràn đầy niềm vui và lòng biết ơn nhiệm vụ dễ chịu nhất mà Chúa Giêsu Kitô đã giao phó cho mình là thực hành, thúc đẩy và truyền bá lòng sùng kính đối với trái tim thần thiêng của Người”. [145] Vào tháng 9 năm 1871, Cha Pieter Jan Beckx đã thánh hiến Dòng cho Thánh Tâm Chúa Giêsu và, như một dấu chỉ nó vẫn là một yếu tố nổi bật trong đời sống của Dòng, Cha Pedro Arrupe đã tái thánh hiến vào năm 1972, với niềm tin mà ngài đã giải thích bằng những lời này: “Vì vậy, tôi muốn nói với Dòng một điều mà tôi cảm thấy mình không thể im lặng. Từ khi còn là tập sinh, tôi luôn tin rằng điều chúng ta gọi là lòng sùng kính Thánh Tâm chứa đựng một biểu hiện tượng trưng cho điều sâu sắc nhất trong linh đạo I-nha-xi-ô, và có hiệu quả phi thường – ultra quam speraverint [vượt quá điều họ hy vọng] – vừa vì sự hoàn thiện của chính nó vừa vì sự phong phú tông đồ của nó. Tôi vẫn tiếp tục có cùng niềm tin này… Trong lòng sùng kính này, tôi gặp được một trong những nguồn sâu sắc nhất của đời sống nội tâm của tôi”. [146]

147. Khi Thánh Gioan Phaolô II thúc giục “tất cả các thành viên của Dòng phải nhiệt thành hơn nữa trong việc thúc đẩy lòng sùng kính này, điều này phù hợp hơn bao giờ hết với những kỳ vọng của thời đại chúng ta”, ngài đã làm như vậy vì ngài nhận ra mối liên hệ sâu sắc giữa lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô và linh đạo I-nha-xi-ô. Vì “mong muốn ‘biết Chúa một cách sâu sắc’ và ‘nói chuyện’ với Người, từ trái tim với trái tim, là đặc điểm của động lực tông đồ và tâm linh I-nha-xi-ô, nhờ vào các Bài Linh thao, và động lực này hoàn toàn phục vụ cho tình yêu của trái tim Thiên Chúa”. [147]

LUỒNG SỐNG NỘI TÂM BAO LA

148. Lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô tái hiện trong hành trình tâm linh của nhiều vị thánh, tất cả đều khá khác nhau; ở mỗi vị, lòng sùng kính đều mang những sắc thái mới. Ví dụ, Thánh Vincent de Paul thường nói rằng điều Thiên Chúa mong muốn chính là trái tim: “Thiên Chúa chủ yếu yêu cầu trái tim chúng ta – trái tim chúng ta – và đó là điều quan trọng. Làm sao một người không có của cải lại có công đức lớn hơn một người có nhiều của cải mà họ từ bỏ? Bởi vì người không có gì làm điều đó với tình yêu lớn hơn; và đó là điều mà Chúa đặc biệt muốn…” [148] Điều này có nghĩa là để cho trái tim mình được kết hợp với trái tim của Chúa Kitô. “Có ơn lành nào mà một Nữ tu không thể hy vọng nhận được từ Chúa nếu chị đã cố gắng hết sức để đặt trái tim mình vào trạng thái kết hợp với trái tim của Chúa chúng ta!” [149]

149. Đôi khi, chúng ta có thể bị cám dỗ coi mầu nhiệm tình yêu này là một di tích đáng ngưỡng mộ từ quá khứ, một nền linh đạo tuyệt vời phù hợp với những thời đại khác. Tuy nhiên, chúng ta cần phải liên tục nhắc nhở bản thân rằng, như một nhà truyền giáo thánh thiện đã từng nói, “trái tim thần thánh này, đã để cho ngọn giáo của kẻ thù đâm thủng để tuôn đổ qua vết thương thánh thiêng đó các bí tích mà nhờ đó, Giáo hội được hình thành, chưa bao giờ ngừng yêu thương”. [150] Các vị thánh gần đây hơn, như Thánh Piô thành Pietrelcina, Thánh Teresa thành Calcutta và nhiều vị khác, đã nói với lòng sùng kính sâu sắc về trái tim của Chúa Kitô. Ở đây tôi cũng muốn đề cập đến những kinh nghiệm của Thánh Faustina Kowalska, người đã đề xuất lại lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô bằng cách nhấn mạnh rất nhiều đến cuộc sống vinh quang của Chúa phục sinh và lòng thương xót của Người. Được truyền cảm hứng từ những kinh nghiệm của thánh nữ và di sản tinh thần của Thánh Józef Sebastian Pelczar (1842-1924), [151] Thánh Gioan Phaolô II đã liên kết chặt chẽ những suy tư của mình về lòng thương xót của Chúa với lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô: “Giáo hội dường như theo một cách độc đáo để tuyên xưng lòng thương xót của Thiên Chúa và tôn kính lòng thương xót đó khi hướng mình đến trái tim Chúa Kitô. Thực thế, chính việc đến gần Chúa Kitô trong mầu nhiệm trái tim Người này cho phép chúng ta dừng lại ở điểm này của sự mặc khải về tình yêu thương xót của Chúa Cha, một sự mặc khải tạo nên nội dung trung tâm của sứ mệnh thiên sai của Con Người”. [152] Thánh Gioan Phaolô cũng đã nói về Thánh Tâm theo những cách rất riêng tư, thừa nhận rằng, “Nó đã nói với tôi từ khi tôi còn trẻ”. [153]

150. Sự liên quan lâu dài của lòng sùng kính đối với trái tim của Chúa Kitô đặc biệt rõ ràng trong công tác truyền giáo và giáo dục được thực hiện bởi nhiều hội dòng nam và nữ có nguồn gốc được đánh dấu bằng lòng sùng kính sâu sắc về Chúa Kitô này. Việc đề cập đến tất cả các hội dòng theo tên sẽ là một công việc vô tận. Chúng ta hãy chỉ xem xét hai ví dụ được lấy ngẫu nhiên: “Đấng sáng lập [Thánh Daniel Comboni] đã khám phá ra trong mầu nhiệm trái tim Chúa Giêsu nguồn sức mạnh cho cam kết truyền giáo của mình”. [154] “Bị cuốn vào những ước muốn của trái tim Chúa Giêsu, chúng ta muốn mọi người phát triển về phẩm giá, như những con người và như những người con của Thiên Chúa. Điểm khởi đầu của chúng ta là Tin Mừng, với tất cả những gì Tin Mừng đòi hỏi nơi chúng ta về tình yêu, sự tha thứ và công lý, và sự đoàn kết với những người nghèo và bị thế giới bác bỏ”. [155] Tương tự như vậy, nhiều đền thờ trên toàn thế giới được thánh hiến cho trái tim Chúa Kitô tiếp tục là nguồn đổi mới đầy ấn tượng trong lời cầu nguyện và lòng nhiệt thành thiêng liêng. Tôi gửi đến tất cả những ai, bằng cách nào đó, có liên quan đến những không gian đức tin và bác ái này phép lành cha con của tôi.

LÒNG SÙNG KÍNH AN ỦI

151. Vết thương ở cạnh sườn Chúa Kitô, nguồn nước sống, vẫn mở trong thân thể phục sinh của Đấng Cứu Thế. Vết thương sâu do ngọn giáo gây ra và vết thương của mão gai thường xuất hiện trong các hình ảnh Thánh Tâm là một phần không thể tách rời của lòng sùng kính này, trong đó chúng ta chiêm ngưỡng tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã hiến mình làm của lễ cho đến cùng. Trái tim của Chúa Phục sinh lưu giữ các dấu hiệu của sự phó thác hoàn toàn, bao gồm những đau khổ dữ dội vì chúng ta. Do đó, thật tự nhiên khi các tín hữu muốn đáp lại không những tình yêu tuôn tràn vô biên này mà còn cả nỗi đau khổ mà Chúa đã chọn chịu đựng vì tình yêu đó.

Với Chúa Giêsu trên thập giá

152. Thật thích hợp khi khôi phục lại một khía cạnh cụ thể của linh đạo đi kèm với lòng sùng kính trái tim Chúa Kitô, cụ thể là mong muốn bên trong mang lại sự an ủi cho trái tim đó. Ở đây, tôi sẽ không thảo luận về việc thực hành “đền tạ”, mà tôi cho là phù hợp hơn với chiều kích xã hội của lòng sùng kính này sẽ được thảo luận trong chương tiếp theo. Thay vào đó, tôi muốn tập trung vào ước muốn thường cảm thấy trong trái tim của các tín hữu, những người yêu thương chiêm ngưỡng mầu nhiệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và trải nghiệm nó như một mầu nhiệm không chỉ được hồi tưởng mà còn trở nên hiện diện với chúng ta nhờ ân sủng, hay nói đúng hơn, cho phép chúng ta hiện diện một cách huyền nhiệm tại thời điểm cứu chuộc của chúng ta. Nếu chúng ta thực sự yêu Chúa, làm sao chúng ta không mong muốn an ủi Người?

153. Đức Giáo Hoàng Piô XI muốn đặt nền tảng cho lòng sùng kính đặc biệt này trong nhận thức rằng mầu nhiệm cứu chuộc chúng ta nhờ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, vượt qua mọi ranh giới của thời gian và không gian. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã hiến mình vì mọi tội lỗi, bao gồm cả những tội lỗi chưa phạm, bao gồm cả tội lỗi của chính chúng ta. Tương tự như vậy, những hành động chúng ta hiện đang dâng để an ủi Người, cũng vượt qua thời gian, chạm đến trái tim bị thương của Người. “Nếu, vì tội lỗi của chúng ta, mặc dù vẫn còn trong tương lai nhưng đã được thấy trước, linh hồn của Chúa Giêsu trở nên buồn rầu đến chết, thì không thể nghi ngờ rằng cùng lúc đó, Người đã nhận được một số niềm an ủi từ sự đền tạ của chúng ta, cũng được thấy trước, tại thời điểm khi ‘một thiên thần từ trời hiện ra với Người’ (Lc 22:43), để trái tim Người, bị đè nặng bởi sự mệt mỏi và đau khổ, có thể tìm thấy sự an ủi. Và vì vậy, ngay cả bây giờ, theo một cách kỳ diệu nhưng chân thực, chúng ta có thể và phải an ủi Trái tim Chí thánh đó, nơi liên tục bị tổn thương bởi tội lỗi của những con người vô ơn”. [156]

Các lý lẽ của trái tim

154. Đối với một số người, có vẻ như khía cạnh sùng kính Trái tim Thánh này thiếu cơ sở thần học vững chắc, nhưng trái tim có các lý lẽ của nó. Ở đây, cảm thức của các tínn hữu nhận thức được điều gì đó rất mầu nhiệm, vượt ra ngoài luận lý học của con người chúng ta, và nhận ra rằng cuộc khổ nạn của Chúa Kitô không những là một sự kiện của quá khứ, mà còn là một sự kiện mà chúng ta có thể chia sẻ thông qua đức tin. Suy niệm về sự tự hiến của Chúa Kitô trên thập giá bao gồm, đối với lòng đạo đức Kitô giáo, một điều gì đó nhiều hơn là chỉ tưởng nhớ đơn thuần. Niềm tin này có nền tảng thần học vững chắc. [157] Chúng ta cũng có thể thêm vào sự thừa nhận tội lỗi của chính mình, mà Chúa Giêsu đã gánh chịu trên đôi vai bầm dập của Người, và sự bất lực của chúng ta trước tình yêu vĩnh cửu đó, luôn luôn lớn hơn vô hạn.

155. Chúng ta cũng có thể tự hỏi làm thế nào chúng ta có thể cầu nguyện với Chúa của sự sống, đã sống lại từ cõi chết và ngự trị trong vinh quang, trong khi đồng thời an ủi Người giữa những đau khổ của Người. Ở đây, chúng ta cần nhận ra rằng trái tim phục sinh của Người lưu giữ vết thương của mình như một ký ức thường trực, và rằng hoạt động của ân sủng tạo nên một trải nghiệm không chỉ giới hạn trong một khoảnh khắc duy nhất của quá khứ. Khi suy gẫm về điều này, chúng ta thấy mình được mời gọi bước vào một con đường huyền bí vượt qua những giới hạn về tinh thần của chúng ta nhưng vẫn vững vàng dựa trên lời Chúa. Đức Giáo Hoàng Piô XI đã nói rõ điều này: “Làm sao những hành động đền tạ này có thể mang lại sự an ủi ngay bây giờ, khi Chúa Kitô đã ngự trị trong hạnh phúc của thiên đàng? Đối với câu hỏi này, chúng ta có thể trả lời bằng lời của Thánh Augustinô, rất thích hợp ở đây – ‘Hãy cho tôi người yêu thương, và người ấy sẽ hiểu những gì tôi nói’. Bất cứ ai sở hữu tình yêu lớn lao dành cho Thiên Chúa, và nhìn lại quá khứ, có thể đắm mình trong sự suy gẫm về Chúa Kitô, và thấy Người cực nhọc vì con người, đau buồn, chịu đựng những khó khăn lớn nhất, ‘vì chúng ta là con người và vì sự cứu rỗi của chúng ta’, gần như kiệt sức vì buồn bã, vì đau khổ, thậm chí ‘bị bầm dập vì tội lỗi của chúng ta’ (Is 53:5), và mang đến cho chúng ta sự chữa lành bởi chính những vết bầm tím đó. Càng suy gẫm về tất cả những điều này, các tín hữu càng thấy rõ rằng tội lỗi của nhân loại, bất cứ khi nào chúng xảy ra, chính là lý do khiến Chúa Kitô bị nộp cho cái chết”. [158]

156. Những lời này của Đức Piô XI đáng được xem xét nghiêm túc. Khi Kinh thánh tuyên bố rằng những tín hữu không sống theo đức tin của mình “là đang đóng đinh Con Thiên Chúa một lần nữa” (Dt 6:6), hoặc khi Thánh Phaolô, dâng những đau khổ của mình vì lợi ích của người khác, nói rằng, “trong xác thịt của tôi, tôi đang hoàn thành những gì còn thiếu trong những đau khổ của Chúa Kitô” (Cl 1:24), hoặc một lần nữa, khi Chúa Kitô trong cuộc khổ nạn của Người cầu nguyện không những cho các môn đệ của Người vào thời điểm đó, mà còn cho “những ai sẽ tin vào tôi qua lời của họ” (Ga 17:20), tất cả những tuyên bố này thách thức cách suy nghĩ thông thường của chúng ta. Chúng cho chúng ta thấy rằng không thể cắt đứt hoàn toàn quá khứ khỏi hiện tại, bất kể tâm trí chúng ta thấy điều này khó nắm bắt đến đâu. Tin Mừng, với tất cả sự phong phú của nó, được viết ra không chỉ để chúng ta suy niệm trong cầu nguyện, mà còn để chúng ta có thể trải nghiệm thực tại của nó trong các công việc yêu thương và trong đời sống nội tâm của chúng ta. Đây chắc chắn là trường hợp liên quan đến mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Những sự phân biệt tạm thời mà tâm trí chúng ta sử dụng dường như không thể bao hàm trọn vẹn kinh nghiệm đức tin này, vốn là nền tảng cho cả sự hiệp nhất của chúng ta với Chúa Kitô trong đau khổ của Người và sức mạnh, sự an ủi và tình bạn mà chúng ta được hưởng với Người trong cuộc sống phục sinh của Người.

157. Do đó, chúng ta thấy sự thống nhất của mầu nhiệm vượt qua trong hai khía cạnh không thể tách rời và làm giàu cho nhau này. Mầu nhiệm duy nhất, hiện diện bởi ân sủng trong cả hai chiều kích này, đảm bảo rằng bất cứ khi nào chúng ta dâng một số đau khổ của riêng mình cho Chúa Kitô để Người được an ủi, thì đau khổ đó được soi sáng và biến đổi trong ánh sáng phục sinh của tình yêu Người. Chúng ta chia sẻ mầu nhiệm này trong cuộc sống của chính mình vì chính Chúa Kitô đã chọn chia sẻ cuộc sống đó trước tiên. Người muốn trải nghiệm trước tiên, với tư cách là Đầu, những gì Người sẽ trải nghiệm trong Thân thể của Người, là Giáo hội: cả những vết thương và sự an ủi của chúng ta. Khi chúng ta sống trong ân sủng của Thiên Chúa, sự chia sẻ lẫn nhau này trở thành một trải nghiệm thiêng liêng đối với chúng ta. Nói tóm lại, Chúa Phục sinh, bằng hoạt động của ân sủng, đã kết hợp chúng ta một cách huyền nhiệm với cuộc khổ nạn của Người. Tâm hồn của các tín hữu, những người trải nghiệm niềm vui của sự phục sinh, nhưng đồng thời mong muốn được chia sẻ cuộc khổ nạn của Chúa, hiểu điều này. Họ mong muốn chia sẻ những đau khổ của Người bằng cách dâng lên Người những đau khổ, những cuộc đấu tranh, những thất vọng và nỗi sợ hãi vốn là một phần trong cuộc sống của chính họ. Họ cũng không trải nghiệm điều này như những cá nhân biệt lập, vì những đau khổ của họ cũng là sự tham gia vào đau khổ của Thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô, Dân thánh lữ hành của Thiên Chúa, những người chia sẻ cuộc khổ nạn của Chúa Kitô ở mọi thời đại và mọi nơi. Do đó, lòng sùng kính an ủi không hề phi lịch sử hay trừu tượng; nó trở thành xác thịt và máu trong cuộc hành hương của Giáo hội qua lịch sử.

Sự ăn năn

158. Mong muốn tự nhiên là an ủi Chúa Kitô, bắt đầu bằng nỗi buồn của chúng ta khi suy gẫm về những gì Người đã chịu đựng vì chúng ta, phát triển cùng với sự thừa nhận trung thực về những thói quen xấu, sự ép buộc, sự gắn bó, đức tin yếu đuối, những mục tiêu phù phiếm của chúng ta và cùng với những tội lỗi thực sự của chúng ta, sự thất bại của trái tim chúng ta trong việc đáp lại tình yêu của Chúa và kế hoạch của Người dành cho cuộc sống của chúng ta. Trải nghiệm này chứng tỏ sự thanh tẩy, vì tình yêu cần sự thanh tẩy của những giọt nước mắt, cuối cùng, khiến chúng ta khao khát Chúa hơn và ít ám ảnh về bản thân hơn.

159. Theo cách này, chúng ta thấy rằng mong muốn an ủi Chúa của chúng ta càng sâu sắc, thì cảm giác “ăn năn” chân thành của chúng ta sẽ càng sâu sắc. Sự ăn năn “không phải là cảm giác tội lỗi khiến chúng ta nản lòng hoặc ám ảnh về sự vô giá trị của mình, mà là một ‘sự đâm thấu’ có lợi giúp thanh tẩy và chữa lành trái tim. Một khi chúng ta thừa nhận tội lỗi của mình, trái tim chúng ta có thể mở ra với hoạt động của Chúa Thánh Thần, nguồn nước sống tuôn trào trong chúng ta và khiến chúng ta rơi nước mắt… Điều này không có nghĩa là khóc lóc tự thương hại, như chúng ta thường bị cám dỗ làm… Đổ nước mắt ăn năn có nghĩa là thực sự ăn năn vì đã làm Chúa đau buồn vì tội lỗi của mình; nhận ra rằng chúng ta luôn mắc nợ Chúa… Giống như những giọt nước có thể làm mòn đá, nước mắt cũng có thể dần làm mềm những trái tim chai đá. Ở đây chúng ta thấy phép lạ của nỗi buồn, ‘nỗi buồn cứu rỗi’ mang lại sự bình an lớn lao... Vậy thì, sự ăn năn không phải là công việc của chúng ta mà là một ân sủng, và như vậy, chúng ta phải tìm kiếm nó trong lời cầu nguyện.” [159] Điều đó có nghĩa là, “xin được buồn rầu cùng với Chúa Kitô trong nỗi buồn của Người, được đau khổ cùng với Chúa Kitô trong nỗi đau của Người, được khóc lóc và cảm nhận sâu sắc về nỗi đau lớn lao mà Chúa Kitô đã chịu đựng vì tôi”. [160]

160. Vậy thì tôi xin điều này: đừng ai coi thường lòng sùng kính nhiệt thành của dân thánh trung thành của Chúa, những người trong lòng đạo đức bình dân tìm cách an ủi Chúa Kitô. Tôi cũng khuyến khích mọi người hãy cân nhắc xem liệu có thể có sự hợp lý, chân lý và khôn ngoan hơn trong một số biểu hiện tình yêu tìm cách an ủi Chúa hơn là trong những hành động yêu thương lạnh lùng, xa cách, tính toán và chiểu danh đôi khi được thực hiện bởi những người tự nhận mình có một đức tin có suy tư, tinh tế và trưởng thành.

Tự an ủi chúng ta để an ủi người khác

161. Khi chiêm ngắm trái tim Chúa Kitô và sự tự hiến của Người cho đến chết, bản thân chúng ta cũng tìm thấy niềm an ủi lớn lao. Nỗi đau buồn mà chúng ta cảm thấy trong lòng nhường chỗ cho sự tin tưởng hoàn toàn và cuối cùng, điều tồn tại là lòng biết ơn, sự dịu dàng, sự bình an; điều tồn tại là tình yêu của Chúa Kitô ngự trị trong cuộc sống của chúng ta. Do đó, sự ăn năn “không phải là nguồn lo lắng mà là nguồn chữa lành cho tâm hồn, vì nó hoạt động như một loại thuốc xoa dịu vết thương tội lỗi, chuẩn bị cho chúng ta đón nhận sự vuốt ve của Chúa”. [161] Những đau khổ của chúng ta được kết hợp với những đau khổ của Chúa Kitô trên thập giá. Nếu chúng ta tin rằng ân sủng có thể thu hẹp mọi khoảng cách, điều này có nghĩa là Chúa Kitô bằng những đau khổ của Người đã kết hợp chính Người với những đau khổ của các môn đệ Người ở mọi thời đại và mọi nơi. Theo cách này, bất cứ khi nào chúng ta chịu đựng đau khổ, chúng ta cũng có thể trải nghiệm sự an ủi nội tâm khi biết rằng Chúa Kitô cũng chịu đau khổ với chúng ta. Khi tìm cách an ủi Người, chúng ta sẽ thấy mình được an ủi.

162. Tuy nhiên, tại một thời điểm nào đó, trong sự chiêm niệm của mình, chúng ta cũng nên nghe thấy lời khẩn cầu khẩn thiết của Chúa: “Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta!” (Is 40:1). Như Thánh Phaolô đã nói với chúng ta, Thiên Chúa ban cho chúng ta sự an ủi “để chúng ta có thể an ủi những ai đang trong bất cứ cơn gian truân nào, với sự an ủi mà chính chúng ta được Thiên Chúa an ủi” (2 Cr 1:4).

163. Điều này sau đó thách thức chúng ta tìm kiếm sự hiểu biết sâu sắc hơn về chiều kích cộng đồng, xã hội và truyền giáo của mọi lòng sùng kính đích thực đối với trái tim của Chúa Kitô. Vì ngay cả khi trái tim của Chúa Kitô dẫn chúng ta đến với Chúa Cha, thì nó cũng sai chúng ta đến với anh chị em của chúng ta. Trong những thành quả của việc phục vụ, tình huynh đệ và sứ mệnh mà trái tim của Chúa Kitô truyền cảm hứng trong cuộc sống của chúng ta, ý muốn của Chúa Cha được hoàn thành. Theo cách này, chúng ta đi trọn một vòng tròn: “Cha Ta được tôn vinh bởi điều này, là anh em sinh nhiều hoa trái” (Ga 15:8).

Còn tiếp
 
Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân chỉ trích sự thao túng của Thượng Hội Đồng
Đặng Tự Do
18:16 25/10/2024


Đức Hồng Y Quân chỉ trích 'sự kiêu ngạo đáng kinh ngạc' và sự bất nhất trong việc Vatican chấp thuận các phước lành cho người đồng giới mà không tham khảo ý kiến của Thượng hội đồng

Một trong những Hồng Y nổi tiếng nhất của Trung Quốc cho biết Thượng hội đồng về tính đồng nghị đã phải chịu tổn thất từ những người ủng hộ việc công nhận nhiều hơn các mối quan hệ đồng giới.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, cựu Giám mục Hương Cảng, 92 tuổi, cho biết hai vị Hồng Y chủ trì hội nghị – Đức Hồng Y Mario Grech người Malta và Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich người Luxembourg – cùng với tân Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y Victor Manuel Fernández người Á Căn Đình, “không nhấn mạnh đến việc bảo tồn đức tin, nhưng nhấn mạnh đến những thay đổi, đặc biệt là những thay đổi về cơ cấu và giáo lý đạo đức của Giáo hội; đặc biệt là về vấn đề tình dục”.

Vị Hồng Y người Trung Quốc được coi là nhân vật chủ chốt trong phe bảo thủ của Giáo hội, và từ lâu đã bị coi là người phản đối phương pháp cai trị của Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt là trong cách đối xử với Bắc Kinh.

Trong một bài viết trực tuyến, Đức Hồng Y Quân lưu ý rằng cụm từ “synod” có ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau.

Ngài thừa nhận dựa trên nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “Synod”, có nghĩa là “cùng nhau bước đi”, nhưng nói thêm rằng trong lịch sử của Giáo hội, các synod là những cấu trúc “mà thông qua đó, hàng giáo phẩm của Giáo hội dẫn dắt Giáo hội đi qua lịch sử”.

Đức Hồng Y người Trung Quốc cho biết vào năm 2021, Bộ Giáo lý Đức tin đã được hỏi “liệu có được phép ban phước cho các cặp đồng giới hay không” và câu trả lời là “không”, điều này đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô xác nhận, trước khi những điều này lại bị phủ nhận bởi Tuyên ngôn Fiducia Supplicans.

Đức Hồng Y Quân cho biết hội đồng hiện tại được thiết kế “nhằm lật đổ hệ thống phẩm trật của Giáo hội và thực hiện một hệ thống dân chủ”.

“Điều đáng ngạc nhiên nhất là trong số những người tham dự Thượng hội đồng, có tới 96 người 'không phải giám mục' (bằng 26 phần trăm của toàn bộ nhóm) và có quyền bỏ phiếu”, ngài viết.

“Giáo hoàng có quyền triệu tập bất kỳ cuộc họp cố vấn nào. Tuy nhiên, Thượng hội đồng giám mục do Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục khởi xướng được thiết kế cụ thể để cho phép giáo hoàng lắng nghe ý kiến của các giám mục anh em của mình. Với việc 'những người không phải giám mục' bỏ phiếu cùng nhau, thì đó không còn là Thượng hội đồng giám mục nữa”, vị Hồng Y nói.

Quay trở lại vấn đề quan hệ đồng tính, ngài nhớ lại rằng ngay sau khi kết thúc phiên họp năm 2023 của Thượng hội đồng về tính đồng nghị, Bộ Giáo lý Đức tin đã ban hành Fiducia Supplicans, trong đó nêu rõ giáo sĩ có thể ban phước cho các đôi đồng giới trong một số trường hợp nhất định.

“Vị bộ trưởng của bộ thậm chí còn nói rằng bản tuyên bố đã đủ rõ ràng và ông ta không chuẩn bị để thảo luận thêm về nó. 'Họ' đã quyết định về vấn đề này, không tham khảo ý kiến của các giám mục trong suốt thời gian diễn ra Thượng Hội Đồng. Đây là sự ngạo mạn đáng kinh ngạc!” Đức Hồng Y Quân viết.

“Sau khi công bố bản tuyên bố đó, đã có một sự chia rẽ lớn trong Giáo hội và sự nhầm lẫn lớn giữa các tín hữu. Điều này hiếm khi xảy ra trong lịch sử của Giáo hội… Đức Giáo Hoàng và Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin đã bày tỏ 'sự hiểu biết' về tình hình mà không thu hồi bản tuyên bố. Vậy, vấn đề này vẫn sẽ được thảo luận tại cuộc họp năm 2024 chứ? “ ngài hỏi.

Đức Hồng Y Quân tuyên bố nếu vấn đề này không được giải quyết tại Thượng hội đồng, “tương lai của Giáo hội sẽ rất mờ mịt, bởi vì một số giáo sĩ và bạn bè của Giáo hoàng, những người khăng khăng muốn thay đổi truyền thống của Giáo hội về vấn đề này, vẫn tiếp tục thúc đẩy các kế hoạch của họ một cách mạnh mẽ.”

“Trong khi Thượng hội đồng đang diễn ra, họ đã tích cực thúc đẩy chương trình nghị sự của mình bên ngoài hội trường cuộc họp. Điều đáng lo ngại là ngay cả cái gọi là nhóm các Con Đường Mới, ủng hộ trào lưu chuyển giới, cũng đã được Đức Giáo Hoàng đón nhận rất nồng nhiệt cách đây vài ngày”, vị Hồng Y nói.

Ngài nói thêm rằng không có vấn đề cụ thể để tranh luận, cuộc thảo luận của Thượng hội đồng sẽ tập trung vào tính đồng nghị của Giáo hội.

“Tôi e rằng điều này cũng giống như việc thảo luận xem liệu các tín hữu có nên có nhiều quyền hơn để 'chia sẻ' trách nhiệm của các 'mục tử' trong hệ thống phẩm trật hay không. Nếu những người ủng hộ sự thay đổi này không thể giành chiến thắng ở cấp độ toàn thể Giáo hội, thì phải chăng họ sẽ đấu tranh cho sự đa dạng giữa các giáo hội địa phương?” Đức Hồng Y Quân hỏi.

“Các hội đồng giám mục riêng lẻ có nên có thẩm quyền độc lập đối với giáo lý đức tin không? Đây là một viễn cảnh đáng sợ”, ngài nói tiếp.

“Nếu ý tưởng này thành công, chúng ta sẽ không còn là Giáo Hội Công Giáo nữa – (Giáo hội Anh đã công nhận hôn nhân đồng giới và tín hữu của họ chỉ chiếm thiểu số chưa đến 20 phần trăm trong Giáo hội Anh giáo toàn cầu.) Làm sao chúng ta có thể không cảnh giác?” Đức Hồng Y Quân hỏi.


Source:Catholic Herald
 
Trung Quốc: Tân Giám mục Phó Bắc Kinh được tấn phong
Thanh Quảng sdb
22:31 25/10/2024
Trung Quốc: Tân Giám mục Phó Bắc Kinh được tấn phong

Cha Matteo Zhen Xuebin được tấn phong làm tân Giám mục Phó cho Giáo phận Bắc Kinh, Trung Quốc, theo khuôn khổ Thỏa thuận Tạm thời giữa Tòa thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc bổ nhiệm các giám mục.

(Tin Vatican)

Sau khi được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chấp thuận, Linh mục Matteo Zhen Xuebin đã được tấn phong làm tân Giám mục Phó cho Bắc Kinh.

Một tuyên bố do Văn phòng Báo chí Tòa thánh đưa ra cho biết lễ tấn phong giám mục đã diễn ra vào thứ Sáu, ngày 25 tháng 10 năm 2024.

Tuyên bố cho hay: “Vào ngày 28 tháng 8 năm 2024, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục Phó của Bắc Kinh (Thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc), sau khi chấp thuận ứng viên của ngài trong khuôn khổ Thỏa thuận tạm thời giữa Tòa thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”

Tiểu sử của tân giám mục phó

Tân Giám mục phó Matteo Zhen Xuebin sinh ra tại Changzhi (Sơn Tây) vào ngày 10 tháng 5 năm 1970. Từ năm 1988 đến năm 1993, ngài theo học tại Chủng viện Bắc Kinh. Từ năm 1993 đến năm 1997, ngài tiếp tục học tại Đại học St. John (Hoa Kỳ), hoàn tất văn bằng Cử nhân Phụng vụ. Vào ngày 25 tháng 6 năm 1998, ngài được thụ phong linh mục cho Giáo phận Bắc Kinh. Từ năm 1998 đến năm 2007, ngài giữ chức Phó Viện trưởng Chủng viện Bắc Kinh. Sau đó, ngài năm giữ các chức vụ khác nhau tại một số giáo xứ trong Giáo phận. Từ năm 2007 đến nay, ngài giữ chức Tổng đại diện Giáo phận.
 
Phe cấp tiến thất vọng khi Thượng hội đồng sắp kết thúc, — và đổ lỗi cho những người tổ chức.
Vũ Văn An
23:09 25/10/2024

Hồng Y được chỉ định Timothy Radcliffe thuộc dòng Đa-Minh phát biểu tại cuộc họp báo của Thượng hội đồng vào ngày 21 tháng 10 tại Vatican (ảnh: Daniel Ibáñez / EWTN News)


Jonathan Liedl của National Catholic Register ngày 23 tháng 10, 2024, nhận định rằng: với những vấn đề nóng hổi bị gạt sang một bên và những thay đổi lớn dường như không còn nữa, những người Công Giáo cấp tiến cảm thấy bị dẫn dắt sai đường bởi những lời hứa lớn lao của những người tổ chức Thượng hội đồng.

Đối với những người hy vọng vào những thay đổi mạnh mẽ trong Giáo hội này, Thượng hội đồng về tính đồng nghị được cho là sẽ mở ra một mùa xuân mới.

Thay vào đó, với văn bản cuối cùng được thiết lập để phê duyệt vào thứ Bảy này, những người ủng hộ những thứ như nữ phó tế và chấp nhận quan hệ đồng tính đang chuẩn bị cho một "cơn mưa nước lạnh cuối cùng".

Đó là hình ảnh mà nhà báo Vatican Franca Giansoldati sử dụng để mô tả sự thất vọng lan rộng trong số những người theo chủ nghĩa cấp tiến dường như đang diễn ra trong và xung quanh hội trường của thượng hội đồng.

Những câu chuyện về sự vỡ mộng trong Hội trường Phaolô VI đã lan truyền trên các phương tiện truyền thông, bao gồm một số ít đại biểu ủng hộ việc thụ phong cho phụ nữ, khóc lóc cầu xin thay đổi và thách thức mạnh mẽ những người mà họ cho là phản đối. Bên ngoài, các nhóm cải cách đã đưa ra những tuyên bố chỉ trích về thực tế rằng những thay đổi lớn dường như không có khả năng xảy ra.

Và một số người đang chỉ trích những người tổ chức thượng hội đồng vì đã đặt ra những kỳ vọng của thượng hội đồng mà thực tế chưa đáp ứng được.

"Chúng ta liên tục được thông báo rằng thượng hội đồng này là về một cách thức mới để trở thành Giáo Hội", Zac Davis đã viết trên tạp chí America, ấn phẩm hàng đầu của Dòng Tên Hoa Kỳ. "Tôi lo rằng nhiều người Công Giáo sẽ rời khỏi quá trình này trong sự vỡ mộng nếu cách thức mới dẫn đến những kết quả tương tự".

Sự thất vọng đối với những người Công Giáo tiến bộ hơn đã được nhấn mạnh bởi quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi loại bỏ các chủ đề "nóng" liên quan đến phụ nữ và giáo lý về tình dục khỏi chương trình nghị sự của phiên họp cuối cùng và giao chúng cho các nhóm nghiên cứu chuyên biệt. Sự bất mãn đã chuyển thành gần như bất đồng chính kiến khi Hồng Y Víctor Manuel Fernández, người đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin và là người đứng đầu nhóm nghiên cứu về khả năng phong chức phó tế cho phụ nữ, đã không xuất hiện tại cuộc họp ngày 18 tháng 10 với các đại biểu sau khi trước đó ngài đã nói với họ rằng "vẫn chưa có chỗ cho một quyết định tích cực" về vấn đề này.

Nhưng quyết định gác lại các vấn đề gây tranh cãi của Vatican chỉ được đưa ra sau khi ban tổ chức ban đầu đã tạo cho nhiều người ấn tượng rằng mọi vấn đề đều sẽ được đưa ra thảo luận và khuyến khích các nhóm công khai bất đồng chính kiến với giáo lý đã được Giáo hội chấp nhận đóng góp ý kiến.

Trong giai đoạn đầu của Thượng hội đồng 2021-2024, các nhà hoạt động và nhà thần học Công Giáo tiến bộ đã nhiều lần trình bày Thượng hội đồng như một cơ hội để mở ra những thay đổi lớn. Những người tổ chức Thượng hội đồng và các đối tác truyền thông có xu hướng không chỉnh sửa những câu chuyện này, trong khi dán nhãn những người nêu lên mối quan ngại về phiên bản tính đồng nghị này là bị thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi.

Trong một trường hợp đáng chú ý về việc đặt ra những kỳ vọng lớn, Sơ Nathalie Becquart, phó thư ký của Ban thư ký Thượng hội đồng, thường xuyên lặp lại tuyên bố rằng Thượng hội đồng về tính đồng nghị "là sự kiện quan trọng nhất của giáo hội sau Công đồng Vatican II".

Tuyên bố đó về tầm quan trọng của nó trước đây đã được đưa ra vào năm 2021 bởi nhà thần học tiến bộ Massimo Faggioli, người đã nói rằng thật "giả dối" khi Giáo hội không có nữ phó tế, và Sơ Nathalie đã lặp lại điều đó trong các bài báo và bài thuyết trình trong suốt năm 2022.

Vào những thời điểm khác, những người tổ chức Thượng hội đồng đã nói về quá trình này như một cuộc tham vấn đại diện cho dân Chúa, có khả năng đánh giá "cảm thức của các tín hữu", mặc dù thực tế là ở một số quốc gia, chưa đến 1% người Công Giáo tham gia các phiên lắng nghe.

Kể từ đó, những người tổ chức Thượng hội đồng đã cố gắng giảm bớt những kỳ vọng lớn lao, nhưng hy vọng về những thay đổi mạnh mẽ từ sự kiện này vẫn còn.

Như Andrea Gagliarducci đã lưu ý trên các trang của Register khi bắt đầu phiên họp cuối cùng của Thượng hội đồng, thách thức thực sự mà những người tổ chức phải đối diện trong tháng này sẽ là "làm thế nào để quản lý kỳ vọng của những người hy vọng và thúc đẩy những thay đổi sâu rộng".

Và thậm chí ngay từ tháng 10 năm 2023, Stephen White thuộc Đại học Công Giáo Hoa Kỳ đã lưu ý rằng "một chiến lược truyền thông và tiếp thị của Thượng hội đồng hứa hẹn sự mới lạ và giả định sự thay đổi" đã khiến một số người cảm thấy như họ đã bị "bán một hóa đơn hàng hóa".

"Những kỳ vọng dành cho Thượng hội đồng — kỳ vọng vừa hy vọng vừa sợ hãi — đã lớn đến mức ngày càng khó để hình dung ra một kết quả cho Thượng hội đồng mà không khiến nhiều bộ phận của Giáo hội cảm thấy bị lừa", White đã viết vào thời điểm đó.

Có lẽ dự đoán được sự bất mãn của một số người với hướng đi mà Thượng hội đồng dường như đang hướng tới, Hồng Y được chỉ định Timothy Radcliffe đã có bài suy gẫm vào ngày 21 tháng 10 trước thượng hội đồng, kêu gọi tất cả mọi người có “tự do nội tâm” trước một kết quả có thể không thỏa đáng.

“Chúng ta có thể thất vọng với các quyết định của thượng hội đồng,” vị hướng dẫn tinh thần do giáo hoàng chỉ định của thượng hội đồng cho biết. “Một số người trong chúng ta sẽ coi những quyết định này là thiếu sáng suốt hoặc thậm chí là sai lầm.”

Hồng Y được chỉ định Radcliffe nói thêm rằng “sự quan phòng của Chúa đang nhẹ nhàng, âm thầm hành động,” ngay cả khi mọi thứ dường như đi chệch hướng.

Cựu lãnh đạo của dòng Đa Minh, người mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ phong Hồng Y vào ngày 7 tháng 12, đã tiếp nối suy tư này bằng những bình luận tại một cuộc họp báo khiến những người đọc tài liệu cuối cùng sắp tới không muốn tìm kiếm những thay đổi lớn.

“Tôi nghĩ rằng có lẽ nhiều người, bao gồm cả báo chí, bị cám dỗ tìm kiếm những quyết định gây sốc — tiêu đề,” ông nói. “Nhưng tôi nghĩ đó là một sai lầm. Bởi vì tôi nghĩ rằng thượng hội đồng là về một cuộc đổi mới sâu sắc của Giáo hội trong một tình hình mới.”

Tuy nhiên, Davis trên America đã đặt câu hỏi về sự hướng dẫn này sau nhiều năm những người tổ chức hội đồng cố gắng quảng bá sự kiện này như một sự thay đổi lớn.

Ông viết: “Sau một quá trình kéo dài nhiều năm, trong đó toàn thể Giáo hội và nhiều nơi khác đóng góp thời gian và nguồn lực, liệu có thực sự quá đáng khi chỉ yêu cầu một hoặc hai tiêu đề không?”
 
Liệu thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc có thể tiến triển mà không cần ngoảnh lại không?
Vũ Văn An
23:40 25/10/2024

Hình ảnh chứng khoán Alamy


ED. CONDON của tạp chí mạng The Pillar, ngày 24 tháng 10 năm 2024, tường trình việc Tòa thánh đã thông báo vào thứ Ba rằng họ đã gia hạn "Thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục" với chính phủ Trung Quốc trong bốn năm — tăng so với hai lần gia hạn trước đó sau khi thỏa thuận ban đầu được ký kết vào năm 2018.

Thực vậy, theo tuyên bố báo chí của Vatican, việc gia hạn thỏa thuận diễn ra "theo sự đồng thuận đã đạt được về việc áp dụng hiệu quả" thỏa thuận này trong tương lai.

"Phía Vatican vẫn tận tụy thúc đẩy đối thoại tôn trọng và xây dựng với phía Trung Quốc, hướng đến sự phát triển hơn nữa quan hệ song phương vì lợi ích của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc và toàn thể người dân Trung Quốc", tuyên bố cho biết.

Việc gia hạn thỏa thuận đã được mong đợi rộng rãi và cả hai bên đều thừa nhận là gần như không thể tránh khỏi trong nhiều tháng trước khi có thông báo chính thức.

Và trong khi việc Tòa thánh chính thức công nhận vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc bổ nhiệm giám mục đã thu hút sự chỉ trích đáng kể trong sáu năm qua, cả hai bên đều có thể chỉ ra một số khoảnh khắc hợp tác có vẻ chân thành, bao gồm một số cuộc bổ nhiệm giám mục gần đây và sự tham dự của hai giám mục đại lục tại phiên họp hiện tại của thượng hội đồng về tính đồng nghị.

Nhưng trong khi tuyên bố ngắn gọn của Tòa thánh ca ngợi "sự đồng thuận" đạt được về việc thực hiện thỏa thuận trong tương lai, thì vẫn chưa rõ liệu đã có bất cứ giải pháp nào cho các vấn đề khác nhau do việc thực hiện thỏa thuận tạo ra cho đến nay hay chưa.

Những vấn đề đó, mặc dù không được thừa nhận bởi các tuyên bố công khai báo trước việc gia hạn thỏa thuận, vẫn là một trở ngại đang diễn ra đối với bất cứ sự bình thường hóa thực sự nào của Giáo hội tại Trung Quốc — được cho là mục tiêu đã nêu của cả hai bên.

Trong khi các sự kiện gần đây cho thấy có lẽ Bắc Kinh có thiện chí hợp tác thực sự, mặc dù có thể có hạn chế, thì cả hai bên chỉ có thể lịch sự bỏ qua số lượng ngày càng tăng của những con voi giáo hội và giáo hội học trong phòng đàm phán.

Cách giải quyết những vấn đề đó cuối cùng và ai là người phải hy sinh "thể diện" nhiều nhất trong quá trình này có thể báo hiệu sự cân bằng thực sự của "sự đồng thuận" mà Vatican đã tung hô vào thứ Ba.

Bất chấp việc gia hạn thỏa thuận Vatican-Trung Quốc mới, kéo dài hai nhiệm kỳ, mối quan tâm cấp bách nhất đối với Vatican là, hoặc nên là, số phận của nhiều giáo sĩ khác nhau, bao gồm một số giám mục, đã bị chính quyền đại lục bắt giữ hoặc "biến mất" kể từ khi thỏa thuận Vatican-Trung Quốc lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2018, bao gồm cả những người đã từ chối tham gia Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc do nhà nước kiểm soát và bị giam giữ trong năm nay.

Trong khi việc đảm bảo trả tự do cho các giám mục bị giam giữ và bảo vệ quyền tự do của các linh mục Trung Quốc để bất đồng chính kiến với Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc trong nhiều năm dường như là một cuộc chiến thua cuộc nếu không muốn nói là hoàn toàn thua cuộc đối với Vatican, một số diễn biến gần đây có thể mang lại phạm vi cho một số sự lạc quan có điều kiện.

Đầu năm nay, Bắc Kinh đã thực hiện bước đi chưa từng có là công nhận một giám mục đại lục hoạt động ngầm là người lãnh đạo hợp pháp của giáo phận của mình.

Giám mục Melchior Shi Hongzhen, 95 tuổi, đã lãnh đạo Giáo phận Thiên Tân từ năm 1982 — đầu tiên là giám mục phó và sau đó là giám mục giáo phận từ năm 2019 — và là giám mục Công Giáo đầu tiên được chính quyền công nhận mà không chính thức gia nhập Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc.

Một số người đã bày tỏ hy vọng rằng việc chính phủ chấp nhận ngài có thể báo hiệu một con đường mới cho giáo sĩ hầm trú đạt được sự công nhận của nhà nước mà không cần gia nhập Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, vì làm như vậy đòi hỏi phải khẳng định một công thức đặt giáo lý và thẩm quyền của Đảng Cộng sản lên trên chính Giáo hội.

Mặc dù điều đó là khả hữu, nhưng điều đáng lưu ý là thông báo về buổi lễ công nhận chính thức của chính phủ đối với ĐC Shi — một sự kiện hoàn toàn dân sự theo sự khăng khăng của giám mục — đã không được thông báo cho Vatican cho đến sau đó. Và trong khi giám mục hiện được mọi bên công nhận là người lãnh đạo giáo phận của mình, ngài đã 95 tuổi và vẫn chưa có sự đồng thuận tương tự nào về một giám mục phó phù hợp để hỗ trợ và cuối cùng là kế nhiệm ngài.

Thật vậy, trong khi năm nay chứng kiến một loạt các đề cử và thông báo giám mục hợp tác, vẫn còn một lịch sử kéo dài nhiều năm về các cuộc bổ nhiệm giám mục đơn phương của Bắc Kinh, với việc Rome chấp nhận các cuộc bổ nhiệm sau sự kiện, sau khi đầu tiên phủ nhận rằng không có vấn đề gì trước khi thừa nhận Trung Quốc thực sự đã vi phạm thỏa thuận.

Mức độ mà chính phủ Trung Quốc tiếp tục chấp nhận sự tham gia của Rome trong việc bổ nhiệm giám mục — nếu có thể trước khi các cuộc bổ nhiệm được công bố — hoặc quay trở lại việc tự đưa ra quyết định mà không tham khảo ý kiến của giáo hoàng sẽ đưa ra một dấu hiệu hợp lý về việc có bao nhiêu "đồng thuận" thực sự hiện nay, hoặc có bao nhiêu tiến bộ gần đây đã được dàn dựng để phục vụ cho việc đảm bảo gia hạn lâu dài cho thỏa thuận Vatican-Trung Quốc.

Mặc dù điều đó vẫn còn phải chờ xem, nhưng rõ ràng là Bắc Kinh đã sẵn sàng đưa ra một số nhượng bộ đáng ngạc nhiên trong những tuần gần đây — và không chỉ liên quan đến các giám mục chín mươi tuổi.

Trong Vài ngày trước khi thỏa thuận được gia hạn, nhà nước Trung Quốc đã công bố việc bổ nhiệm một giám mục phó mới cho giáo phận thủ đô Bắc Kinh. Đức cha Matthew Zhen Xuebin dự kiến sẽ được tấn phong vào thứ Sáu, sau khi được công bố là giám mục đầu tiên được tấn phong sau thông báo gia hạn chính thức.

Việc bổ nhiệm của ngài đáng chú ý vì một số lý do, không chỉ vì ngài còn khá trẻ (54) và vì người mà ngài sẽ hỗ trợ, Tổng giám mục Li Shan (59), còn trẻ.

Ngoài Tổng giám mục Bắc Kinh, ĐC Li còn là chủ tịch của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc và là nhà lãnh đạo trên thực tế của Giáo hội được nhà nước công nhận tại đại lục. Mặt khác, ĐC Zhen, người sẽ được giao trách nhiệm chính về việc chăm sóc mục vụ của tổng giáo phận do nhiệm vụ quốc gia của Li, được đào tạo ở nước ngoài — một trong những đợt chủng sinh Trung Quốc đầu tiên được đào tạo ở nước ngoài vào những năm 1990.

Các giáo sĩ cao cấp ở Trung Quốc trung thành với Rome mô tả ngài là "cực kỳ tốt" và đã ca ngợi việc bổ nhiệm ngài vào một vị trí cao cấp như vậy là một cú sốc hoàn toàn. Nếu có thêm nhiều cuộc bổ nhiệm như vậy trong những tháng tới, nhiều người — thậm chí cả một số người Công Giáo đại lục hoài nghi — sẽ coi đây là một diễn biến mới đáng ngạc nhiên.

Nhưng ngay cả khi có nhiều cuộc bổ nhiệm hợp tác hơn, và ngay cả khi các giáo sĩ bị giam giữ trước đây được thả tự do một cách lặng lẽ, vẫn còn những trở ngại thực sự đối với bất cứ sự bình thường hóa thực sự nào đối với Giáo hội tại Trung Quốc.

Vấn đề nan giải nhất đối với Rome là vẫn còn vấn đề chưa được giải quyết về việc chính phủ thành lập một giáo phận hoàn toàn mới mà Vatican không công nhận là tồn tại, và việc đàn áp một giáo phận khác mà Rome vẫn coi là tồn tại.

Việc Bắc Kinh chuyển sang thành lập các giáo phận của riêng mình và xóa bỏ các giáo phận khác, thường sáp nhập các giáo phận nhỏ hơn, luôn bỏ trống trong quá trình này, đặt Rome trước một vấn đề cụ thể mà không thể dễ dàng đồng ý sau đó như việc bổ nhiệm giám mục: Không giống như việc đề cử các giám mục mới, không có cơ chế nào trong thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc về việc thành lập hoặc bãi bỏ các giáo phận, và không có vai trò nào được công nhận cho chính phủ trong quá trình như vậy.

Sự xuất hiện của một giáo hội nhà nước ngày càng riêng biệt, độc lập với Vatican không chỉ trong cách đề cử các giám mục mà còn trong các lãnh thổ của các giáo phận mà họ đề cử, không thể bị cả hai bên phớt lờ một cách lịch sự mãi mãi — hoặc thậm chí có thể là trong bốn năm tới.

Nếu Rome chấp nhận bản đồ giáo phận được vẽ lại của lục địa, thì đó sẽ là một sự nhượng bộ phi thường và sự thoái vị quyền lực của giáo hoàng cho một nhà nước thế tục — thậm chí là Cộng sản — chưa từng có trong lịch sử Giáo hội.

Liệu việc làm như vậy có phải là cái giá mà Vatican quyết định trả cho một quá trình bổ nhiệm giám mục suôn sẻ và thân thiện hơn hay không vẫn còn phải chờ xem. Nhưng nếu có, thì nó vẫn có thể phản tác dụng và giúp Bắc Kinh can thiệp đơn phương nhiều hơn vào giáo hội.
 
VietCatholic TV
Putin: Lính Bắc Hàn đang ở Nga. Leopard 2A4 tàn sát chiến xa Nga. Kyiv nhận 50 tỷ trước bầu cử ở Mỹ
VietCatholic Media
03:18 25/10/2024


1. Putin lần đầu bình luận về sự hiện diện của các đơn vị Bắc Hàn trong chiến tranh ở Ukraine

Lần đầu tiên, lãnh đạo Điện Cẩm Linh Vladimir Putin đã bình luận về các báo cáo cho rằng quân đội Bắc Hàn đang được gửi đến Nga để tham gia vào cuộc chiến chống lại Ukraine.

Tại cuộc họp báo cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan, Nga, một câu hỏi đã được đặt ra bởi một nhà báo của công ty truyền hình NBC của Hoa Kỳ. Ông cho biết hình ảnh vệ tinh cho thấy sự hiện diện của quân đội Bắc Hàn. “Họ đang làm gì ở đây?” nhà báo hỏi, “và đây không phải là sự leo thang nghiêm trọng của cuộc xung đột sao?”

Putin một lần nữa tuyên bố rằng “không phải hành động của Nga dẫn đến leo thang” và cáo buộc các nước phương Tây giúp đỡ Ukraine chiến đấu.

Trùm mafia Vladimir Putin nhắc lại rằng Duma Quốc gia đã phê chuẩn thỏa thuận “đối tác chiến lược toàn diện” với Bắc Hàn được Putin ký tại Bình Nhưỡng vào mùa hè này. Văn bản này quy định về “hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp có hành vi xâm lược” đối với một trong những bên tham gia.

“Chúng ta sẽ xem quá trình này diễn ra như thế nào”, Putin nói thêm.

Vào ngày 8 tháng 10, Bộ Quốc phòng Nam Hàn cho biết Bắc Hàn có thể sẽ gửi một số quân đội chính quy của mình tới Ukraine để hỗ trợ Nga.

Vào ngày 13 tháng 10, Zelenskiy cho biết Bắc Hàn không chỉ cung cấp vũ khí cho Nga mà còn cung cấp nhân sự cho lực lượng quân sự của mình, và kêu gọi các đối tác tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Vào ngày 14 tháng 10, Zelenskiy tuyên bố rằng Bắc Hàn về cơ bản đã tham gia vào cuộc chiến. Vào ngày 17 tháng 10, Zelenskiy nhấn mạnh rằng Nga có ý định đưa khoảng 10.000 binh lính từ Bắc Hàn vào cuộc chiến chống lại Ukraine.

Vào ngày 18 tháng 10, Kyrylo Budanov, Trưởng phòng Tình báo Quốc phòng Ukraine, xác nhận rằng khoảng 11.000 lính bộ binh Bắc Hàn hiện đang được huấn luyện ở phía đông nước Nga. Họ sẽ sẵn sàng tham gia vào các hoạt động chiến đấu chống lại Ukraine sớm nhất là vào ngày 1 tháng 11. Tình báo Ukraine dự kiến quân đội Bắc Hàn đầu tiên sẽ đến mặt trận Kursk vào ngày 23 tháng 10.

Vào ngày 23 tháng 10, tình báo Nam Hàn báo cáo rằng Bắc Hàn đã gửi 3.000 quân tới Nga để hỗ trợ lực lượng xâm lược trong cuộc chiến chống lại Ukraine và cũng đang cố gắng cô lập gia đình của những người lính được chọn ở một địa điểm nhất định để ngăn chặn thông tin lan truyền.

Các đơn vị quân đội Bắc Hàn đầu tiên đã trải qua huấn luyện tại các bãi tập ở miền đông nước Nga đã đến vùng chiến sự. Họ được phát hiện tại Kursk của Nga, nơi lực lượng Ukraine đang tiến hành một chiến dịch, vào ngày 23 tháng 10.

[Ukrainska Pravda: Putin comments for first time on presence of North Korean units in war in Ukraine]

2. Xe tăng Leopard 2A4 của Ukraine đã tấn công các xe của Nga ở khoảng cách gần—nhưng một số đã vượt qua

Đẩy mạnh toàn bộ các tiểu đoàn tấn công vào hệ thống phòng thủ của Ukraine tại Tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine, quân đội Nga đã tiến được một phần tư dặm qua đống đổ nát của thị trấn Maksymilyanivka—và tiếp tục cuộc hành quân chậm chạp, tốn kém vào thành phố Kurakhove, cách đó hai dặm về phía tây.

Việc chiếm được một phần tư dặm ở Maksymilyanivka khiến Nga có khả năng mất hàng trăm quân vào một trong những ngày đẫm máu nhất cho đến nay trong cuộc chiến tranh kéo dài 32 tháng của đất nước này với Ukraine. Bộ tổng tham mưu Ukraine tại Kyiv đã báo cáo có hơn 1.460 thương vong của Nga - tử trận, bị thương và bị bắt - vào hôm Thứ Tư, 23 Tháng Mười. Nga đã mất đến 1.700 quân vào hôm Chúa Nhật.

Cuộc chiến ở Donetsk là một mô hình thu nhỏ của cuộc chiến rộng lớn hơn. Người Nga đang chiến thắng, theo nghĩa là họ đang dần giành được thế trận. Nhưng họ cũng đang mất nhiều quân hơn số quân họ có thể huy động. Không phải vô cớ mà Mạc Tư Khoa đã sắp xếp một số lượng lớn quân đội Bắc Hàn tham gia nỗ lực chiến tranh. Người Nga cần những người mới.

Cuộc giao tranh gần đây dọc theo trục Kurakhove diễn ra gần gũi và tàn khốc. Ở phía nam của khu vực này, các trung đoàn và lữ đoàn súng trường cơ giới của Nga đã điều động 19 xe chiến đấu và bốn xe tăng tiến về phía các vị trí của Lữ đoàn Dù số 79 của Ukraine.

Lữ đoàn dù 79 được trang bị nhiều lính hỏa tiễn chống tăng và người điều khiển máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất giàu kinh nghiệm. Họ đã có một buổi tập luyện khác vào Chúa Nhật. “Lính dù của chúng tôi một lần nữa tổ chức một cuộc họp ấm áp cho những kẻ xâm lược”, lữ đoàn báo cáo.

Lữ đoàn Dù 79 tuyên bố đã phá hủy năm xe chiến đấu và một xe tăng của Nga và giết chết 24 người Nga. “Những xe thiết giáp còn sống sót đã sợ hệ thống hỏa tiễn chống tăng và máy bay điều khiển từ xa tấn công của chúng tôi—và bỏ chạy.”

Xa hơn về phía bắc trong cùng khu vực, quân Nga đã may mắn hơn. Lữ đoàn cơ giới số 33 của Ukraine, được trang bị xe tăng Leopard 2A4 bọc thép, đã bắn phá đội tiên phong của Nga. Những chiếc Leopard đã hạ gục một số xe của Nga đang đi qua bằng pháo 120 ly. “Độ chính xác của vũ khí thật điên rồ”, lữ đoàn báo cáo.

Nhưng số quân tấn công đông đảo của Nga đã vượt qua được để chiếm được rìa phía tây của Maksymilyanivka và củng cố quyền kiểm soát của Nga đối với thị trấn bị tàn phá này.

Ít nhất một nhà phân tích người Ukraine đã đánh giá những tiến bộ gần đây của Nga là bằng chứng cho thấy Nga đang thắng thế trong cuộc chiến tiêu hao. “Xu hướng này là tiêu cực trừ khi các biện pháp quyết liệt được thực hiện”, Tatarigami, người sáng lập nhóm phân tích Frontelligence Insight, cảnh báo.

Theo quan điểm của họ, Kyiv không tuyển đủ quân, hoặc không tạo ra đủ thiết bị mới. Quân đội Ukraine đang phải vật lộn để tuyển thêm hơn 20.000 quân mới mỗi tháng. “Ngay cả khi Nga dừng tiến công và chuyển sang thế phòng thủ, chúng ta vẫn thiếu nguồn lực để giành lại lãnh thổ cho biên giới năm 2022, chứ đừng nói đến biên giới năm 1991.”

Nhưng người Nga cũng căng thẳng. Điện Cẩm Linh tuyển khoảng 30.000 quân mới mỗi tháng—và mất 30.000 quân mỗi tháng. Tuyệt vọng vì muốn tránh một đợt nghĩa vụ quân sự bổ sung, điều này sẽ rất không được lòng dân, chế độ của Putin đã đàm phán với chế độ của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân để hàng ngàn binh lính Bắc Hàn tham gia nỗ lực chiến tranh.

Ngược lại, không có đồng minh nào của Ukraine triển khai lực lượng chiến đấu đến Ukraine. Sự mất cân bằng này có thể chứng minh là rất quan trọng. “Nhân lực có thể là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc chiến”, Rob Lee, một nhà phân tích của Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Philadelphia lưu ý.

Lee nói thêm: “Nếu số lượng quân huy động của Ukraine tiếp tục giảm và Nga có thể duy trì các nỗ lực tuyển quân hàng tháng (có thể bao gồm cả binh lính Bắc Hàn)”, “tình hình sẽ tiếp tục xấu đi trừ khi các đối tác nước ngoài của Ukraine có thể cung cấp nhiều hỗ trợ hơn”.

[Forbes: Ukraine’s Leopard 2A4 Tanks Blasted Attacking Russian Vehicles At Close Range—But Some Got Through]

3. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thăm Nga dự hội nghị thượng đỉnh BRICS bất chấp sự chỉ trích của Kyiv

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã đến hội nghị thượng đỉnh BRICS tại thành phố Kazan của Nga vào ngày 22 tháng 10, bất chấp sự chỉ trích từ Ukraine, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin.

Nhóm BRICS, một khối các quốc gia bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đang họp tại Kazan cho hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày từ ngày 22 đến 24 tháng 10. Theo Mạc Tư Khoa, có 36 nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị.

Theo trợ lý tổng thống Nga Yuri Ushakov, Guterres dự kiến sẽ gặp Putin bên lề sự kiện vào ngày 24 tháng 10.

Bộ Ngoại giao Ukraine chỉ trích chuyến thăm của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

“Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã từ chối lời mời của Ukraine tới hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu đầu tiên tại Thụy Sĩ. Tuy nhiên, ông đã chấp nhận lời mời tới Kazan từ tội phạm chiến tranh Putin”, Bộ này cho biết trên phương tiện truyền thông xã hội.

“Đây là một lựa chọn sai lầm không thúc đẩy mục tiêu hòa bình. Nó chỉ làm tổn hại đến danh tiếng của Liên Hiệp Quốc.”

Thụy Sĩ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu của Ukraine vào ngày 15-16 tháng 6, với sự tham dự của đại diện của khoảng 100 quốc gia và tổ chức. Bảy mươi tám quốc gia và bốn tổ chức đã ký thông cáo chung cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh hòa bình. Kể từ đó, nhiều quốc gia đã ký vào danh sách các phái đoàn ngày càng mở rộng.

Guterres đã nhiều lần chỉ trích Nga vì cuộc chiến toàn diện chống lại Ukraine. Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải, cho phép Kyiv xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của mình. Thỏa thuận đã sụp đổ sau khi Mạc Tư Khoa rút lui vào năm 2023.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cùng nhiều nhà lãnh đạo khác, cũng đã đến dự hội nghị thượng đỉnh. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã hủy chuyến đi sau khi bị thương ở đầu tại nhà.

Tại cuộc họp, Nga sẽ tìm cách thuyết phục các nước BRICS tạo ra một nền tảng thay thế cho các khoản thanh toán quốc tế, không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, Reuters đưa tin.

[Kyiv Independent: UN secretary general visits Russia for BRICS summit despite Kyiv's criticism]

4. Chủ tịch Ủy ban Tình báo cho biết Hoa Kỳ nên xem xét ‘hành động quân sự trực tiếp’ nếu quân đội Bắc Hàn tiến vào Ukraine

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hoa Kỳ Michael R. Turner cho biết Hoa Kỳ nên “nghiêm chỉnh xem xét việc thực hiện hành động quân sự trực tiếp chống lại... quân đội Bắc Hàn” nếu họ tham gia vào cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Trong tuyên bố ngày 23 tháng 10, Turner, đại diện đảng Cộng hòa tại Hạ viện Hoa Kỳ, đã kêu gọi chính quyền của Tổng thống Joe Biden, “làm rõ” rằng việc Bình Nhưỡng tham gia cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa sẽ là “lằn ranh đỏ đối với Hoa Kỳ”.

Trước đó, Hoa Kỳ đã lần đầu tiên công khai xác nhận rằng họ có bằng chứng cho thấy quân đội Bắc Hàn đang ở Nga, với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin nói rằng “vẫn chưa biết” liệu họ có tham gia chiến đấu hay không.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 22 tháng 10, hai lữ đoàn Bắc Hàn, mỗi lữ đoàn có tới 6.000 quân nhân, hiện đang được huấn luyện tại Nga.

Turner cho biết: “Giờ đây, khi Bộ trưởng Austin cuối cùng đã thừa nhận rằng quân đội Bắc Hàn đang ở Nga để chuẩn bị tham gia vào cuộc xung đột với Ukraine, Chính quyền Tổng thống Biden-Harris phải làm rõ rằng việc quân đội Bắc Hàn tham gia vào cuộc xung đột này là một ranh giới đỏ đối với Hoa Kỳ”.

“Nếu quân đội Bắc Hàn xâm lược lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine, Hoa Kỳ cần nghiêm chỉnh cân nhắc việc thực hiện hành động quân sự trực tiếp chống lại quân đội Bắc Hàn.”

Bình luận của Turner là bình luận mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của một chính trị gia Hoa Kỳ về vấn đề này và được đưa ra chưa đầy hai tuần trước khi Kamala Harris, phó tổng thống của Tổng thống Biden, ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử mà bà phải đối mặt với Ông Donald Trump từ đảng Cộng hòa.

Trong khi những lời lẽ gay gắt giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang leo thang trước cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi gay gắt, Turner vẫn luôn ủng hộ Ukraine trong suốt cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Vào tháng 2, ông là thành viên của phái đoàn lưỡng đảng đến thăm Kyiv để bày tỏ sự đoàn kết với Ukraine khi dự luật viện trợ quân sự vẫn bị đình trệ tại Quốc hội do xung đột chính trị.

Vào ngày 23 tháng 10, Tòa Bạch Ốc tuyên bố quân đội Bắc Hàn được triển khai để chiến đấu cho Nga chống lại Ukraine là “mục tiêu hợp lệ”.

[Kyiv Independent: US should consider 'direct military action' if North Korean troops enter Ukraine, Intel Committee Chair says]

5. Putin và đồng minh Kim Chính Ân phô trương sức mạnh hạt nhân

Cả Vladimir Putin và Kim Chính Ân, các nhà lãnh đạo của Nga và Bắc Hàn, đều phô trương sức mạnh hạt nhân của mình bằng cách giới thiệu máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo tầm xa.

Hôm Thứ Tư, 23 Tháng Mười, Bộ Quốc phòng Nga đưa tin hai máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS đã thực hiện chuyến bay kéo dài 10 giờ trên Biển Nhật Bản ngoài khơi bờ biển Viễn Đông của Nga với chiến đấu cơ Su-30SM. Loại máy bay ném bom này có thể mang theo từ sáu đến 14 hỏa tiễn hành trình hạt nhân.

Cùng ngày, phương tiện truyền thông nhà nước Bắc Hàn đưa tin Kim đã đến thăm các căn cứ hỏa tiễn chiến lược và kêu gọi duy trì “tư thế phản công” để phóng hỏa tiễn hạt nhân ngay lập tức. Một bức ảnh cho thấy Kim đang kiểm tra các bệ phóng hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18.

Nga và Bắc Hàn nằm trong số chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, ước tính Nga có 4.380 đầu đạn hạt nhân và Bắc Hàn có khoảng 50 đầu đạn hạt nhân.

Hoa Kỳ, Ukraine và Nam Hàn cáo buộc Bắc Hàn gửi hàng ngàn quân tới Nga, làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc xung đột lớn hơn trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine có sự tham gia của một quốc gia thứ ba ở Á Châu.

Nga và Bắc Hàn tiếp tục tăng cường quan hệ song phương khi các nhà lãnh đạo của hai nước ký một hiệp ước mang tính bước ngoặt về hỗ trợ quân sự lẫn nhau trong trường hợp một trong hai nước bị tấn công vào tháng 6.

Chuyến bay thứ ba của máy bay ném bom chiến lược Nga cũng được Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận. Bộ này cho biết hai cặp máy bay ném bom, dưới sự hộ tống của bốn chiến binh, đã tiếp cận bờ biển phía tây của đất nước trên đảo Honshu, một trong bốn hòn đảo chính của Nhật Bản, thành hai nhóm.

Không quân Nhật Bản đã điều động chiến binh và máy bay quân sự Nga đã quay trở lại Biển Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Nga cho biết nhiệm vụ bay được thực hiện theo đúng các quy tắc quốc tế về sử dụng không phận.

Nhật Bản đã thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên khắp đất nước vì an ninh quốc gia, bắt đầu từ nơi không phận có chủ quyền kết thúc và nằm trong không phận quốc tế. Không quân Nhật Bản thường xuyên chặn máy bay quân sự của Nga trong vùng phòng không của mình.

Trong chuyến thị sát các căn cứ hỏa tiễn chiến lược chưa được tiết lộ, ông Kim cho biết sức mạnh hạt nhân của Hoa Kỳ đang ngày càng đe dọa đến môi trường an ninh của Bắc Hàn, do đó Bắc Hàn cần tăng cường “khả năng răn đe chiến tranh” và có tư thế phản công hạt nhân.

Hỏa tiễn Hwasong-18 mà ông Kim kiểm tra là loại ICBM cơ động có tầm bắn ước tính 9.320 dặm, có khả năng tấn công lục địa Hoa Kỳ sau khi phóng từ Bán đảo Triều Tiên.

Theo một bức ảnh do phương tiện truyền thông nhà nước công bố, Kim cũng đã kiểm tra Hwasong-16B, một hỏa tiễn đạn đạo tầm trung, gọi tắt là IRBM mang theo một phương tiện lướt siêu thanh. Phương tiện này là một loại đầu đạn có thể cơ động và lướt với tốc độ gấp năm lần tốc độ âm thanh.

IRBM có tầm bắn từ 1.860 dặm đến 3.410 dặm, cho phép Bắc Hàn tấn công các tiền đồn quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, chẳng hạn như đảo Guam. Điều này đe dọa khả năng triển khai sức mạnh quân sự của Mỹ trên khắp khu vực trong một cuộc xung đột.

[Newsweek: Putin and Ally Kim Jong Un Flex Nuclear Muscles]

6. 4 tù binh chiến tranh Ukraine bị lực lượng Nga hành quyết gần Selydove. Văn phòng Tổng công tố báo cáo

Văn phòng Tổng công tố đưa tin vào ngày 24 tháng 10, quân đội Nga đã giết chết bốn quân nhân Ukraine bị bắt gần thị trấn Selydove ở Tỉnh Donetsk.

Tổng Công Tố Ukraine, Andriy Kostin, cho biết bốn thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine đang chiến đấu gần thị trấn thì bị bắt làm tù binh trong một cuộc tấn công của Nga vào ngày 6 tháng 10.

Những người lính Nga đã quay phim cuộc thẩm vấn của họ, nhưng khi lực lượng Ukraine chiếm lại các vị trí này vào ngày 7 tháng 10, thi thể của họ đã được phát hiện.

Văn phòng Tổng công tố đã mở cuộc điều tra sơ bộ về vụ việc.

Đã có nhiều báo cáo về việc binh lính Nga hành quyết tù binh chiến tranh Ukraine trong cuộc xâm lược toàn diện, nhưng chúng đã tăng đáng kể trong năm qua.

Các video và hình ảnh đã ghi lại những tội ác chiến tranh tiềm tàng, bao gồm cảnh quay bằng máy bay điều khiển từ xa cho thấy cảnh bắn vào tù binh chiến tranh khi họ đầu hàng quân đội Nga.

Các video và hình ảnh khác cho thấy cảnh tra tấn và cái chết thảm khốc khi bị giam cầm ở Nga.

Văn phòng Tổng công tố cho biết tính đến ngày 18 tháng 10, lực lượng Nga đã hành quyết ít nhất 102 tù nhân chiến tranh Ukraine kể từ năm 2022.

Andrii Kostin cho biết việc hành quyết tù binh chiến tranh Ukraine không phải là những vụ việc đơn lẻ mà là “chính sách có chủ đích” của Nga, trích dẫn các bản ghi âm mà Kyiv thu được. Selydove, một thị trấn nằm cách Pokrovsk 18 km, hay 11 dặm, về phía nam, đã trở thành tâm điểm tấn công của Nga trong những tuần gần đây.

[Kyiv Independent: 4 Ukrainian POWs killed by Russian forces near Selydove, Prosecutor General's Office reports]

7. Ukraine sẽ nhận được 50 tỷ đô la tiền vay từ Hoa Kỳ và G7 từ các quỹ đóng băng của Nga

Hôm Thứ Tư, 23 Tháng Mười, Tòa Bạch Ốc tuyên bố nhóm bẩy cường quốc trên thế giới, thường được gọi là G7, sắp đạt được thỏa thuận cung cấp cho Ukraine khoản vay 50 tỷ đô la.

Được hỗ trợ bởi lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga, các quỹ này nhằm mục đích hỗ trợ quốc phòng và nền kinh tế của Ukraine trong quá trình nước này tiếp tục chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Quyết định của G7 ủng hộ khoản vay 50 tỷ đô la được đưa ra sau nhiều tháng đàm phán về cách sử dụng hợp pháp lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Nga mà không tịch thu tài sản hoàn toàn. Phương pháp này ngăn chặn các thách thức pháp lý tiềm ẩn từ Nga hoặc hậu quả không mong muốn trên thị trường toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo của các quốc gia G7 bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ—đã đồng thanh tiến hành kế hoạch vào đầu năm nay.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết động thái lịch sử này sẽ không liên quan đến người nộp thuế Mỹ.

“Chúng tôi sắp hoàn tất phần của Hoa Kỳ trong gói vay 50 tỷ đô la này”, Yellen xác nhận tại một cuộc họp báo gần đây, nhấn mạnh rằng toàn bộ khoản vay sẽ được trả bằng thu nhập từ tài sản của Nga.

'Chưa từng có điều gì như thế này được thực hiện trước đây'

Hoa Kỳ có kế hoạch đóng góp 20 tỷ đô la, trong khi các thành viên khác đóng góp 30 tỷ đô la còn lại.

Sau khi hoàn tất, động thái này sẽ đánh dấu lần đầu tiên một liên minh như thế này đóng băng tài sản của một quốc gia có hoạt động quân sự tích cực và sử dụng lợi nhuận để hỗ trợ nạn nhân.

Bà cho biết: “Nói một cách rõ ràng, chưa từng có điều gì giống như thế này được thực hiện trước đây”.

“Chưa bao giờ có một liên minh đa phương đóng băng tài sản của một quốc gia xâm lược rồi khai thác giá trị của những tài sản đó để tài trợ cho việc bảo vệ bên bị thiệt hại, trong khi vẫn tôn trọng pháp quyền và duy trì sự đoàn kết”.

Bộ Trưởng cho biết khoản đóng góp của Hoa Kỳ cho khoản vay này sẽ được chia thành hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine. Bà nói thêm rằng các chi tiết cụ thể hơn sẽ được hoàn thiện trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G7 tuần này tại Stresa, Ý.

Khoản thanh toán sẽ được phân phối như thế nào?

Việc thanh toán dự kiến sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn cho đến cuối năm 2025.

Các quan chức Ukraine dự kiến sẽ quyết định cách sử dụng tốt nhất số tiền này, và Kyiv đã nhấn mạnh đến nhu cầu hỗ trợ tài chính nhanh chóng để củng cố nền kinh tế và nỗ lực quân sự của mình.

Phần lớn tài sản được nắm giữ trong Liên Hiệp Âu Châu và một số quốc gia G7 đã bày tỏ lo ngại về tính hợp pháp của việc sử dụng tiền của Nga, trong đó có khoảng 260 tỷ đô la đã bị tịch thu.

Để bảo đảm an toàn cho khoản vay, Liên Hiệp Âu Châu có ý định tiếp tục đóng băng tài sản trong thời gian dài, ngay cả khi cần gia hạn nửa năm một lần. Yellen cho biết các biện pháp này sẽ bảo đảm người nộp thuế Hoa Kỳ không phải chịu trách nhiệm trả nợ khoản vay.

Khung pháp lý xung quanh việc đóng băng tài sản đã làm gia tăng căng thẳng.

Đại diện của các nước đóng góp ở Âu Châu đang lo ngại về khả năng trả đũa của Nga.

Tại Nghị viện Âu Châu, cuộc bỏ phiếu đã được thông qua với 518 phiếu thuận, 56 phiếu chống và 61 phiếu trắng.

Trong khi một số nhà lãnh đạo vẫn còn ngần ngại tịch thu toàn bộ số tiền, nhiều người lại coi đây là cơ hội quan trọng để tận dụng lợi nhuận mà không gây ra hậu quả tài chính lớn hơn.

Mặc dù vậy, ưu tiên của họ vẫn rõ ràng: tăng cường năng lực quân sự của Ukraine và giúp xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị hư hại của nước này.

Karin Karlsbro, một thành viên người Thụy Điển của Nghị viện Âu Châu, cho biết: “Nga phải trả giá vì đã tấn công người Ukraine và tàn phá cơ sở hạ tầng, thành phố, làng mạc và nhà cửa của đất nước này”.

Bà nói thêm: “Gánh nặng tái thiết Ukraine sẽ do những người chịu trách nhiệm cho sự tàn phá của nước này gánh chịu, cụ thể là Nga”.

Một số đối tác quốc tế thân cận nhất của Putin có vẻ đồng ý.

Tại hội nghị BRICS tuần này, ông phải đối mặt với những lời kêu gọi trực tiếp từ các quốc gia yêu cầu hạ nhiệt căng thẳng và đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết xung đột.

[Newsweek: Ukraine to Receive $50B in Loans From US and G7 From Frozen Russian Funds]

8. Các quan chức tình báo Hoa Kỳ cho biết chiến dịch thông tin sai lệch liên quan đến Nga đã lan truyền những tuyên bố sai sự thật về Tim Walz

Các nguồn tin tình báo Hoa Kỳ cho biết vào ngày 22 tháng 10 rằng các nhóm phát tán thông tin sai lệch của Nga có liên quan đến các cuộc tấn công lan truyền nhằm vào ứng cử viên phó tổng thống đảng Dân chủ Tim Walz.

Walz đã giữ chức thống đốc Minnesota kể từ năm 2019 sau 12 năm hoạt động tại Quốc hội. Ông là cựu chiến binh, đã nhập ngũ Vệ binh Quốc gia khi còn là thiếu niên và phục vụ thêm 24 năm nữa. Walz cũng là giáo viên trung học trước khi tham gia chính trường.

Nội dung sai sự thật được lan truyền, bao gồm những tuyên bố vô căn cứ về quá khứ làm giáo viên của Walz, được phát hiện có một số dấu hiệu bị thao túng.

Các nhà phân tích đã liên hệ thông tin sai lệch này với các hoạt động của Nga nhằm mục đích làm suy yếu liên danh đảng Dân chủ của Kamala Harris và Tim Walz.

Các nhà nghiên cứu tư nhân đã đánh dấu những video này là giả mạo, với một tuyên bố sai sự thật đặc biệt liên quan đến một người đàn ông mạo danh một cựu học sinh của Walz để cáo buộc ông có hành vi lạm dụng tính dục.

Kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu, Walz đã lên tiếng ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga, ký luật cấm các cơ quan nhà nước làm ăn với các công ty Nga và Belarus.

Tiểu bang Minnesota của ông cũng là nơi có nhiều nhà sản xuất vũ khí cung cấp vũ khí quan trọng cho quốc phòng của Ukraine.

Walz trước đó đã gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy vào năm 2023 trong một cuộc trò chuyện do Hiệp hội Thống đốc Quốc gia tổ chức.

Walz đã phát biểu vào thời điểm đó rằng: “Chúng tôi rất vinh dự khi được trực tiếp lắng nghe Tổng thống Zelenskiy và bày tỏ sự ủng hộ vững chắc của chúng tôi đối với ông”.

“Minnesota tự hào là ngôi nhà của nhiều gia đình Ukraine và chúng tôi sẽ tiếp tục chào đón và hỗ trợ những người tị nạn Ukraine tại tiểu bang của mình.”

Theo phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby, sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ “tinh vi hơn” trước đây.

Kirby tuyên bố rằng Nga đang sử dụng trí tuệ nhân tạo và tài trợ cho các công ty ở Hoa Kỳ, bao gồm cả Tenet Media, một kênh tuyên truyền cực hữu có trụ sở tại Tennessee.

“Không chỉ có bot Nga, troll và những người giả mạo trên mạng xã hội, mặc dù điều đó cũng là một phần của nó, nhưng chúng đã trở nên tinh vi hơn nhiều”, Kirby cho biết

[Politico: Russia-linked disinformation campaign spreads false claims about Tim Walz, US intelligence officials say]

9. Lukashenko nói rằng quân đội Bắc Hàn chiến đấu cho Putin sẽ là một ‘sự leo thang’ của chiến tranh Ukraine

Hôm Thứ Năm, 24 Tháng Mười, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nhận xét rằng việc quân đội Bắc Hàn được triển khai để hỗ trợ cuộc tấn công của Nga tại Ukraine là “vô lý” - nhưng thừa nhận rằng đó sẽ là sự leo thang lớn trong cuộc xung đột.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, Lukashenko đã bác bỏ các báo cáo về việc Bắc Hàn cử quân lính chiến đấu cùng lực lượng Nga, nhưng cho biết: “Sẽ là một bước tiến tới leo thang xung đột nếu quân đội của bất kỳ quốc gia nào, kể cả Belarus, có mặt trên giới tuyến”.

Bình luận của Lukashenko được đưa ra sau khi cả Hoa Kỳ và NATO đều nói rằng họ có bằng chứng cho thấy quân đội Bắc Hàn đã được triển khai tới Nga.

Nhà độc tài Belarus, người ủng hộ chính của Vladimir Putin và cuộc chiến của ông ở Ukraine, cho biết tổng thống Nga không yêu cầu quân đội Belarus tham gia cuộc xâm lược. Nhưng Belarus vẫn chưa hề tách khỏi cuộc chiến của Nga — và Nga đã chuyển một loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật sang nước láng giềng vào tháng 6 năm 2023.

Khi được hỏi liệu Putin có sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân đồn trú tại Belarus hay không, Lukashenko khẳng định đồng minh của mình sẽ “không bao giờ” sử dụng vũ khí này nếu không có sự đồng ý của nhà lãnh đạo Belarus.

Lukashenko cho biết đất nước của ông “hoàn toàn sẵn sàng” sử dụng vũ khí nếu cần thiết, nhưng “chỉ khi có một đội quân nước ngoài tiến vào Belarus”.

“Chúng tôi không có kế hoạch tấn công bất kỳ ai,” ông nói thêm.

[Politico: Lukashenko says North Korean troops fighting for Putin would be ‘escalation’ of Ukraine war]

10. Anh và Đức ký Hiệp ước quốc phòng lịch sử để chống lại mối đe dọa của Nga

Máy bay săn tàu ngầm của Đức sẽ sớm tuần tra Bắc Đại Tây Dương từ một căn cứ ở Tô Cách Lan theo hiệp ước quốc phòng được Anh và Đức ký kết.

Các bộ trưởng quốc phòng đã họp tại Luân Đôn vào hôm Thứ Tư, 23 Tháng Mười, để ký kết những gì mà Vương quốc Anh gọi là “thỏa thuận quốc phòng mang tính bước ngoặt”, đánh dấu động thái quan trọng nhằm ứng phó với căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây kể từ khi Nga phát động chiến tranh chống lại Ukraine.

Thỏa thuận này là sự hợp tác quốc phòng chính thức đầu tiên giữa hai đồng minh NATO vốn là đối phương không đội trời chung trong Thế chiến II.

Thỏa thuận Trinity House nhằm mục đích tăng cường an ninh Âu Châu bằng cách tăng cường hợp tác trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng và cải thiện năng lực tấn công tầm xa.

“Hôm nay là ngày quan trọng đối với quan hệ Anh và Đức cũng như trong lịch sử hai nước chúng ta,” Bộ trưởng Quốc phòng John Healey phát biểu tại một cuộc họp báo cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius.

Nhu cầu của cả Âu Châu trong việc tăng cường an ninh của chính mình và nhu cầu của Vương quốc Anh trong việc đóng vai trò lớn hơn trong NATO, “là động lực thúc đẩy chiến lược phòng thủ Anh quốc ưu tiên NATO của chúng tôi, và thúc đẩy việc thiết lập lại quan hệ giữa Anh và Âu Châu”.

Theo thỏa thuận, máy bay P-3C Orion của Đức sẽ hoạt động định kỳ từ Scotland và sẽ được giao nhiệm vụ giám sát vùng biển Bắc Đại Tây Dương, một khu vực hoạt động hải quân ngày càng gia tăng của Nga.

Ngoài ra, các đồng minh sẽ hợp tác để bảo vệ các tuyến cáp ngầm quan trọng ở Biển Bắc, rất cần thiết cho việc truyền thông và cung cấp năng lượng trên khắp Âu Châu.

Các quan chức khẳng định rằng những động thái này sẽ bảo đảm một thế trận phòng thủ mạnh mẽ và phối hợp.

Trong trường hợp bị tấn công, Pistorius khẳng định họ muốn “sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng nếu cần thiết”.

“Chúng ta không được coi nhẹ vấn đề an ninh ở Âu Châu,” Pistorius nói. “Nga đang tiến hành chiến tranh chống lại Ukraine, họ đang tăng cường sản xuất vũ khí rất nhiều và đã nhiều lần tiến hành các cuộc tấn công hỗn hợp vào các đối tác của chúng ta ở Đông Âu.”

Tuy nhiên, hiệp ước này còn mở rộng ra ngoài phạm vi tuần tra bằng tàu ngầm.

Thỏa thuận này cũng bao gồm việc phát triển chung các loại vũ khí tấn công tầm xa, dự kiến sẽ vượt xa tầm bắn của hỏa tiễn Storm Shadow hiện tại của Anh. Công ty quốc phòng Đức Rheinmetall sẽ thành lập một nhà máy tại Anh để sản xuất nòng pháo bằng thép của Anh, tạo ra 400 việc làm.

Những sự hợp tác công nghiệp này là một phần của mối quan hệ kinh tế rộng lớn hơn giữa hai quốc gia, với việc các công ty Đức cam kết đầu tư hơn 8 tỷ bảng Anh, hay 10,36 triệu đô la, vào Vương quốc Anh, qua đó củng cố hơn nữa mối quan hệ song phương.

Không phải ngẫu nhiên mà thỏa thuận này được đưa ra chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ.

Healey cho biết: “Trong một thế giới nguy hiểm hơn, các đồng minh là sức mạnh chiến lược của chúng ta và chúng ta phải cùng nhau hành động nhiều hơn”.

Hai quốc gia này cũng đang mở rộng hợp tác quân sự ở Đông Âu.

Lực lượng Anh và Đức đồn trú tại Estonia và Lithuania sẽ tiến hành tập trận chung, tăng cường khả năng sẵn sàng ngăn chặn mọi hành động xâm lược tiềm tàng ở sườn phía đông của NATO.

[Newsweek: Britain and Germany Sign Historic Defense Pact to Counter Russian Threat]
 
Đoàn xe Vệ binh Quốc gia Nga bị lực lượng bí mật tấn công. EU nổi giận với Orbán. ICC lên án Mông Cổ
VietCatholic Media
14:58 25/10/2024


1. Đoàn xe của Vệ binh Quốc gia Nga bị tấn công ở Chechnya, một người thiệt mạng

Những cá nhân không rõ danh tính đã tấn công một đoàn xe của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga, thường được gọi là Rosgvardiya, ở ngoại ô Grozny tại Chechnya, khiến ít nhất một quân nhân thiệt mạng và một người khác bị thương.

Các kênh Telegram của phe đối lập Chechnya đã chia sẻ cảnh quay về những gì họ tuyên bố là hậu quả của vụ tấn công. Video cho thấy một chiếc xe quân sự với lỗ đạn, vết máu trên đường và thi thể của những người đã chết.

Các kênh truyền hình Mash và Baza đưa tin vụ tấn công xảy ra vào khoảng 12:00 giờ trưa Thứ Năm, 24 Tháng Mười, theo giờ địa phương, tại làng Petropavlovskaya thuộc quận Groznensky.

Rosgvardiya tuyên bố lực lượng an ninh đang tích cực truy tìm những kẻ tấn công.

[Ukrainska Pravda: Russian National Guard convoy attacked in Chechnya, one killed – BBC Russian Service]

2. Tòa Bạch Ốc cho biết quân đội Bắc Hàn chiến đấu ở Ukraine cho Nga sẽ là ‘mục tiêu công bằng’

Hôm Thứ Năm, 24 Tháng Mười, Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby cho biết rằng quân đội Bắc Hàn được triển khai để chiến đấu cho Nga chống lại Ukraine là “mục tiêu hợp lệ”.

Trước đó Hoa Kỳ đã lần đầu tiên xác nhận công khai rằng họ có bằng chứng về việc binh lính Bình Nhưỡng được gửi đến Nga, sau các báo cáo trước đó từ Ukraine và Nam Hàn.

Kyiv và Hán Thành cho biết Mạc Tư Khoa đang có kế hoạch đưa hàng ngàn quân lính Bắc Hàn vào cuộc chiến tranh toàn diện.

“Nếu họ triển khai để chiến đấu chống lại Ukraine, họ sẽ là mục tiêu hợp lý, và quân đội Ukraine sẽ tự vệ trước quân đội Bắc Hàn giống như cách họ tự vệ trước quân đội Nga”, Kirby phát biểu trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc.

“Vì vậy, khả năng có thể có binh lính Bắc Hàn tử trận và bị thương… là hoàn toàn có thật nếu họ được triển khai.”

Kirby cũng tiết lộ thông tin chi tiết về đánh giá của tình báo Hoa Kỳ, nói rằng Washington tin rằng Bắc Hàn “đã điều động ít nhất 3000 binh lính vào miền đông nước Nga”.

“Chúng tôi đánh giá rằng những người lính này đã đi tàu từ khu vực Wan ở Bắc Hàn đến Vladivostok, Nga”, ông nói và nói thêm: “Sau đó, những người lính này đi tiếp đến nhiều địa điểm huấn luyện quân sự của Nga ở miền đông nước Nga, nơi họ hiện đang được huấn luyện”.

Kirby cho biết vẫn còn quá sớm để khẳng định chắc chắn liệu họ có “tham chiến cùng quân đội Nga” hay không, nhưng nói thêm rằng đó là “một khả năng rất đáng lo ngại”.

Ông cho biết: “Chúng tôi đã thông báo cho chính phủ Ukraine về hiểu biết của chúng tôi về tình hình này và chúng tôi chắc chắn sẽ tham vấn chặt chẽ với các đồng minh, đối tác và quốc gia khác trong khu vực về những tác động của một động thái mạnh mẽ như vậy và về cách chúng tôi có thể ứng phó”.

“Tôi hy vọng sẽ có nhiều điều để chia sẻ hơn về vấn đề này trong những ngày tới.”

Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR, cho biết các đơn vị đầu tiên của Bắc Hàn dự kiến sẽ đến Kursk vào ngày 23 tháng 10. Ukraine đã bắt đầu một cuộc tấn công xuyên biên giới vào tháng 8 và vẫn nắm giữ một vùng lãnh thổ đáng kể tại đó.

Đầu tháng 10, Budanov cho biết nhóm đầu tiên sẽ bao gồm 2.600 binh sĩ.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết, hiện có hai lữ đoàn Bắc Hàn, mỗi lữ đoàn có tới 6.000 quân nhân, đang được huấn luyện tại Nga.

Theo tình báo quân sự, một số sĩ quan Bắc Hàn hiện đã có mặt ở vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine, ông cho biết vào ngày 17 tháng 10.

Bắc Hàn đã phủ nhận các báo cáo, trong khi phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh đưa ra câu trả lời né tránh về vấn đề này.

Một nguồn tin tình báo quân sự nói với tờ Kyiv Independent vào ngày 21 tháng 10 rằng chính quyền Nga đã bắt giữ 18 binh lính Bắc Hàn đã bỏ vị trí của họ ở Kursk. Đoạn phim video cũng đã được lưu hành cho thấy quân đội Bắc Hàn tại một trại huấn luyện quân sự của Nga.

Truyền thông Nam Hàn đưa tin ngày 22 Tháng Mười rằng Bình Nhưỡng đã cử các phi công có thể lái chiến binh của Nga tham gia cuộc chiến ở Ukraine. Hãng thông tấn Yonhap của Nam Hàn cũng cho biết Nam Hàn đang cân nhắc việc cử nhân sự tới Ukraine để giám sát quân đội Bắc Hàn.

[Kyiv Independent: North Korean troops fighting in Ukraine for Russia would be 'fair game,' White House says]

3. Orbán nói với người Hung Gia Lợi: Hãy chống lại Brussels như chúng ta đã chống lại Liên Xô năm 1956

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán hôm thứ Tư đã cáo buộc Liên minh Âu Châu cố gắng thành lập một “chính phủ bù nhìn” tại Budapest, và kêu gọi người dân Hung Gia Lợi thách thức Brussels như họ đã đối đầu với quân đội Liên Xô năm 1956.

“Brussels đã tuyên bố rằng họ sẽ loại bỏ chính phủ quốc gia Hung Gia Lợi. Họ cũng đã tuyên bố rằng họ muốn áp đặt một chính phủ bù nhìn Brussels lên đất nước này. Một lần nữa câu hỏi cũ lại được đặt ra: Chúng ta có nên khuất phục trước ý chí của một thế lực nước ngoài, lần này là ý chí của Brussels, hay chúng ta nên chống lại nó?” Orbán phát biểu trước đám đông tụ tập tại thủ đô Hung Gia Lợi để kỷ niệm ngày đất nước nổi dậy chống lại Liên Xô cũ.

“Tôi đề xuất rằng phản ứng của chúng ta phải rõ ràng và dứt khoát như năm 1956”, Orbán nói, đồng thời nói thêm rằng ông sẽ “không dung thứ cho việc Hung Gia Lợi một lần nữa bị biến thành một quốc gia bù nhìn, thành chư hầu của Brussels”.

Khi cuộc nổi dậy năm 1956 bị dập tắt, chưa đầy ba tuần sau khi bắt đầu, khoảng 2.500 người Hung Gia Lợi đã chết và hơn 20.000 người bị thương; gần một phần tư triệu người đã chạy trốn khỏi đất nước.

Gần 70 năm sau, dưới sự cai trị phi tự do của Orbán, Hung Gia Lợi ngày càng tự định vị mình chống lại các đồng minh được cho là của mình trong NATO và Liên Hiệp Âu Châu, và đã làm thất bại những nỗ lực của phương Tây nhằm trừng phạt Nga vì cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 hoặc ủng hộ Kyiv. Cuộc nổi dậy ở Budapest, bắt đầu vào ngày 23 tháng 10 năm 1956, cuối cùng đã bị Hồng quân dập tắt; Orbán đã sử dụng khoảnh khắc văn hóa này để chỉ trích Brussels và kế hoạch chiến thắng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy muốn đánh bại quân đội Nga xâm lược.

“Kế hoạch chiến thắng của Zelenskiy là kéo dài cuộc chiến ở Ukraine,” Orbán nói với đám đông. “Nói cách khác, chúng ta, những người Hung Gia Lợi, sẽ thức dậy vào một buổi sáng và thấy những người lính Slavic từ phía đông lại đồn trú trên lãnh thổ Hung Gia Lợi. Chúng ta không muốn điều đó.”

Orbán hiện đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền cai trị của mình. Thách thức lớn nhất của ông ta là Peter Magyár, một nhân vật bảo thủ ủng hộ Âu Châu từ đảng đối lập Tisza, người từng là một phần trong vòng tròn thân cận của Orbán. Magyár tiếp tục giành được sự ủng hộ của cử tri bằng cách chỉ trích các mối quan ngại về tham nhũng và pháp quyền liên quan đến chính phủ Hung Gia Lợi.

Vài giờ trước bài phát biểu của thủ tướng, một cuộc thăm dò mới cho thấy Tisza nhận được sự ủng hộ của 42 phần trăm cử tri Hung Gia Lợi, trong khi đảng Fidesz của Orbán tụt lại phía sau với 40 phần trăm. Đây là lần đầu tiên Fidesz tụt lại phía sau trong các cuộc thăm dò kể từ khi Orbán lên nắm quyền vào năm 2010.

[Politico: Resist Brussels like we resisted the Soviets in 1956, Orbán tells Hungarians]

4. Ukraine có thể thành lập một nhánh quân đội khác

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Rustem Umerov, cho biết Lực lượng quốc phòng đã thảo luận về việc thành lập Lực lượng mạng trong cơ cấu của Quân đội Ukraine.

Ông nói: “Việc thành lập Lực lượng Không gian mạng như một nhánh riêng biệt sẽ tăng cường đáng kể năng lực của quân đội Ukraine và bảo đảm việc lập kế hoạch và thực hiện hiệu quả toàn bộ các nhiệm vụ trong không gian mạng, được công nhận là một phạm vi hoạt động riêng biệt bên cạnh đất liền, biển, không phận và vũ trụ.”

Theo thông tin được biết, dự thảo khái niệm thành lập Lực lượng Không gian mạng như một nhánh riêng biệt của Quân đội Ukraine đã được đại diện của lực lượng phòng vệ Ukraine, các thành viên quốc hội từ Ủy ban An ninh, Quốc phòng và Tình báo của Verkhovna Rada (quốc hội) và các chuyên gia thảo luận tại một cuộc họp do Tổng tham mưu trưởng Trung tướng Anatolii Barhylevych chủ trì.

Những người tham dự cuộc họp đã xem xét các điều khoản chính của dự thảo khái niệm, xem xét kinh nghiệm thành lập và vận hành Lực lượng Không gian mạng ở các quốc gia hàng đầu trên thế giới.

Ngoài ra, các bên đã phân tích kinh nghiệm của Quân đội Ukraine và các thành phần khác của lực lượng phòng thủ Ukraine trên không gian mạng trong quá trình đẩy lùi cuộc xâm lược vũ trang toàn diện của Nga chống lại Ukraine, xác định các nhiệm vụ và chức năng chính của Lực lượng không gian mạng theo sự phân bổ thẩm quyền giữa các thành phần của lĩnh vực an ninh và quốc phòng.

[Ukrainska Pravda: Ukraine may establish another branch of the military]

5. Liên Hiệp Âu Châu “rất lo ngại” về quân đội Bắc Hàn ở Nga, sẽ thảo luận về “phản ứng”

Liên minh Âu Châu đã phản hồi các báo cáo về quân đội Bắc Hàn có mặt tại Nga, đang trong quá trình huấn luyện và có khả năng được triển khai để tham gia vào cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Josep Borrell, Đại diện cao cấp của Liên Hiệp Âu Châu về Chính sách đối ngoại và an ninh, thay mặt cho Liên minh Âu Châu, đã cho biết như trên hôm Thứ Năm, 24 Tháng Mười.

Ông cho biết Liên Hiệp Âu Châu vô cùng quan ngại về thông tin Bắc Hàn đang cử quân tham gia vào cuộc chiến tranh xâm lược phi pháp của Nga chống lại Ukraine.

“Điều này sẽ cấu thành hành vi chà đạp nghiêm trọng luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc cơ bản nhất của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Đây sẽ là hành động thù địch đơn phương của Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Bắc Hàn với hậu quả nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh của Âu Châu và toàn cầu”, Borrell nói thêm.

Ngoài ra, Liên Hiệp Âu Châu kêu gọi Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Bắc Hàn “ngừng hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh phi pháp của Nga” và lưu ý đến sự thay đổi đáng báo động của Mạc Tư Khoa về lập trường giải trừ vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

“Liên minh Âu Châu sẽ phối hợp với các đối tác quốc tế về vấn đề này, bao gồm cả việc ứng phó”, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu kết luận, nhưng không nêu rõ những bước đi đó có thể là gì.

Hôm thứ Tư, tình báo Nam Hàn đưa tin Bình Nhưỡng đã gửi 3.000 quân tới Nga để hỗ trợ lực lượng Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine và cũng đang cố gắng cô lập gia đình của những người lính được chọn ở một địa điểm nhất định để ngăn chặn thông tin bị lan truyền.

Tòa Bạch Ốc sau đó đã xác nhận các báo cáo rằng có hàng ngàn quân lính Bắc Hàn ở Nga và tuyên bố rằng nếu quân lính Bắc Hàn bị lôi kéo vào cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, họ sẽ được coi là mục tiêu hợp pháp, giống như quân đội Nga.

[Ukrainska Pravda: EU “deeply alarmed” about North Korean troops in Russia, will discuss “response”]

6. Văn phòng Tổng thống phủ nhận 7 nước phản đối lời mời Ukraine gia nhập NATO

Văn phòng Tổng thống Ukraine đã phủ nhận thông tin cho rằng bảy nước NATO phản đối lời mời Ukraine gia nhập Liên minh, đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ tích cực của phần lớn các quốc gia thành viên.

Serhii Nykyforov, phát ngôn nhân của Văn phòng Tổng thống Ukraine đã cho biết như trên vào chiều Thứ Năm, 24 Tháng Mười.

Ông cho biết “Thông tin trên phương tiện truyền thông nói rằng bảy quốc gia phản đối lời mời Ukraine gia nhập NATO là không đúng sự thật. Những tin đồn này có lợi cho những người muốn tạo ra ấn tượng sai lầm rằng việc Ukraine gia nhập không nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong số các thành viên của Liên minh. Trên thực tế, ý tưởng mời Ukraine được phần lớn các quốc gia thành viên ủng hộ và các nỗ lực vận động tích cực đang được tiến hành cho phần còn lại.

Lời mời là điểm đầu tiên trong Kế hoạch Chiến thắng của Tổng thống và là con đường đáng tin cậy hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài. Zelenskiy đã trình bày Kế hoạch này cho các đối tác quốc tế, quốc hội và xã hội Ukraine, đại diện truyền thông và xã hội dân sự, và đang củng cố nỗ lực của họ để đưa lời mời của Ukraine tới NATO đến gần hơn.”

Một ngày trước đó, Politico đã đăng một bài viết nêu rằng Kế hoạch Chiến thắng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đang gặp vấn đề vì nó dựa trên việc Ukraine nhận được lời mời gia nhập NATO, và một số thành viên chủ chốt của liên minh không muốn điều này xảy ra. Theo Politico, các quốc gia thành viên này là Đức, Hoa Kỳ, Hung Gia Lợi, Slovakia, Bỉ, Slovenia và Tây Ban Nha.

[Ukrainska Pravda: President's Office denies that 7 countries oppose Ukraine's NATO invitation]

7. Đồng minh của Putin có vẻ chắc chắn sẽ kéo dài chế độ độc tài của mình

Belarus đã lên lịch bầu cử tổng thống vào ngày 26 tháng Giêng, một động thái gần như chắc chắn sẽ kéo dài sự cai trị lâu dài của nhà lãnh đạo độc tài Alexander Lukashenko.

Thời điểm diễn ra cuộc bầu cử này có vẻ phù hợp chặt chẽ với lợi ích của Putin, người ủng hộ ông Lukashenko rất quan trọng, đặc biệt là sau các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử gây tranh cãi năm 2020.

Lukashenko đã xác nhận ý định tìm kiếm nhiệm kỳ thứ bảy liên tiếp trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước Nga, củng cố thêm liên minh giữa hai nhà lãnh đạo.

Lãnh đạo phe đối lập lưu vong Sviatlana Tsikhanouskaya nhanh chóng lên án cuộc bầu cử sắp tới là một “trò hề”, kêu gọi cả người dân Belarus và cộng đồng quốc tế bỏ qua những gì bà gọi là quá trình bầu cử giả mạo.

“Lukashenko đã ấn định ngày 'tái đắc cử' của mình là ngày 26 tháng Giêng, nhưng đó chỉ là màn trình diễn giả tạo mà không có tiến trình bầu cử thực sự diễn ra trong bầu không khí khủng bố”, Tsikhanouskaya tuyên bố, phản ánh sự đàn áp chính trị đang diễn ra dưới chế độ của Lukashenko.

Bối cảnh chính trị ở Belarus bị chi phối bởi sự đàn áp bất đồng chính kiến. Cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất vào năm 2020 được đánh dấu bằng những cáo buộc gian lận lan rộng, gây ra các cuộc biểu tình lớn trên khắp cả nước.

Để đáp trả, chính quyền của Lukashenko đã tiến hành một cuộc đàn áp tàn bạo, dẫn đến việc bắt giữ và đánh đập hàng ngàn người biểu tình. Nhiều nhà lãnh đạo đối lập kể từ đó đã bị bỏ tù hoặc buộc phải chạy trốn khỏi đất nước, tạo ra bầu không khí sợ hãi và đàn áp.

Theo Viasna, tổ chức nhân quyền lâu đời nhất của Belarus, hiện có khoảng 1.300 tù nhân chính trị ở Belarus, bao gồm cả các nhà lãnh đạo của các đảng đối lập.

Trong một động thái có phần bất ngờ, Lukashenko gần đây đã tuyên bố trả tự do cho 115 tù nhân chính trị, một động thái mà các nhà phân tích cho rằng nhằm mục đích thu hút sự công nhận của phương Tây đối với cuộc bầu cử sắp tới.

Động thái này có thể là một nỗ lực nhằm nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế và cải thiện hình ảnh của chế độ khi tiến tới cuộc bầu cử.

Trong khi nhiệm kỳ hiện tại của Lukashenko sẽ hết hạn vào mùa hè năm sau, các quan chức bầu cử đã tuyên bố rằng việc đẩy nhanh quá trình bầu cử đến Tháng Giêng sẽ cho phép ông “thực hiện tốt hơn quyền hạn của mình ở giai đoạn đầu của quá trình lập kế hoạch chiến lược”. Nhà phân tích chính trị Valery Karbalevich lập luận rằng việc lựa chọn Tháng Giêng là chiến thuật, vì nhiệt độ đóng băng ít có khả năng thúc đẩy các cuộc biểu tình quần chúng. “Sẽ không có các cuộc biểu tình quần chúng vào Tháng Giêng đóng băng”, ông lưu ý, nhấn mạnh nỗi sợ bất đồng chính kiến của chế độ.

Chính quyền Belarus vẫn chưa làm rõ liệu có bất kỳ quan sát viên quốc tế nào được mời để giám sát cuộc bầu cử hay không. Đầu năm nay, Belarus đã từ chối cho các quan sát viên từ Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu Châu tiếp cận để giám sát cuộc bầu cử quốc hội lần đầu tiên sau nhiều thập niên.

Việc thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình làm dấy lên những lo ngại đáng kể về tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu sắp tới và sự xói mòn liên tục các chuẩn mực dân chủ ở Belarus.

[Newsweek: Putin Ally Looks Certain to Extend His Authoritarian Rule]

8. Scholz bác bỏ điểm đầu tiên trong Kế hoạch Chiến thắng của Zelenskiy

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bác bỏ ý tưởng mời Ukraine gia nhập NATO, đây là điểm đầu tiên trong Kế hoạch Chiến thắng của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

Thủ tướng Scholz đưa ra lập trường trên trong một cuộc phỏng vấn với ZDF, theo báo cáo của European Pravda

Scholz nhắc lại rằng NATO đã đưa ra quyết định về triển vọng thành viên của Ukraine tại các hội nghị thượng đỉnh Vilnius và Washington, và theo quan điểm của ông, “hiện tại không cần đưa ra bất kỳ quyết định mới nào ngoài quyết định này”.

Ông nói: “Một quốc gia đang có chiến tranh không thể trở thành thành viên NATO. Mọi người đều biết điều này và không có bất đồng nào về điểm này. Trong NATO, lời mời thường nhanh chóng được liên kết với tư cách thành viên”, ông nói thêm.

Thủ tướng Đức tuyên bố thêm rằng cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine đòi hỏi những hành động có chừng mực, một mặt bảo đảm sự ủng hộ cho Kyiv, mặt khác bảo đảm rằng điều này không leo thang thành một cuộc chiến tranh giữa Mạc Tư Khoa và NATO.

“Đây là lập trường rất rõ ràng của tôi và tôi sẽ không thay đổi nó,” Scholz nhấn mạnh.

Ngày 17 tháng 10 tại Brussels, Volodymyr Zelenskiy phát biểu rằng ông hy vọng có thể thuyết phục Thủ tướng Scholz về những vấn đề quan trọng đối với Ukraine, bao gồm vũ khí tầm xa và hỗ trợ lời mời Ukraine gia nhập NATO.

Bình luận về Kế hoạch Chiến thắng, trong đó có lời mời Ukraine gia nhập NATO, Scholz nhận xét rằng có những quyết định ông đã đưa ra “sẽ không thay đổi”.

Vào ngày 22 tháng 10, tờ European Pravda đưa tin rằng Zelenskiy tin rằng Berlin đã giảm bớt sự hoài nghi về việc Ukraine gia nhập NATO.

[Ukrainska Pravda: Scholz rejects first point of Zelenskyy's Victory Plan]

9. Tòa án Mạc Tư Khoa tuyên án nhà sản xuất phim người Ukraine 8 năm rưỡi tù giam vắng mặt vì đưa tin về tội ác chiến tranh của Nga

Tòa án quận Basmanny của Mạc Tư Khoa đã tuyên án nhà sản xuất phim người Ukraine Alexander Rodnyansky 8 năm rưỡi tù giam vắng mặt vào ngày 21 tháng 10 vì “phát tán thông tin giả mạo” về Quân đội Nga.

Rodnyansky đã làm việc ở Nga trong nhiều thập niên và bỏ trốn sau khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu vào năm 2022.

Nhà sản xuất phim 63 tuổi được đề cử giải Oscar này bị cáo buộc đưa tin về vụ pháo kích vào một bệnh viện phụ sản ở Mariupol và các cuộc tấn công khác vào cơ sở hạ tầng dân sự trong suốt cuộc chiến.

Rodnyansky tuyên bố rằng vụ việc bắt nguồn từ “các bài đăng phản chiến trên Instagram” của anh, bày tỏ sự bất đồng mạnh mẽ với phán quyết.

“Không có tòa án Basmanny nào có thể ngăn cản tôi lên tiếng,” ông nói trên Telegram.

“ Công tố viên nói trong bài phát biểu của bà rằng các bài đăng của tôi 'thể hiện thái độ tiêu cực đối với quân đội Nga bằng cách mô tả các hoạt động của họ là xâm lược.' Và tôi đồng ý với công tố viên. Và phần còn lại của thế giới cũng vậy. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine là xâm lược và đáng khinh bỉ.”

Cuộc đàn áp bất đồng chính kiến của Putin kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine đã khiến hàng ngàn công dân của ông bị bắt giữ và nhiều người bị bỏ tù.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, vào năm 2023, ít nhất 21.000 người đã trở thành mục tiêu của “luật đàn áp” của Nga được sử dụng để “đàn áp” các nhà hoạt động phản chiến.

[Kyiv Independent: Moscow court sentences Ukrainian-born film producer to 8 and a half years in absentia for reporting on Russian war crimes]

10. ICC tuyên bố Mông Cổ vi phạm nghĩa vụ khi không bắt giữ Putin

Hội đồng sơ thẩm II của Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC đã xác nhận rằng Mông Cổ đã vi phạm nghĩa vụ của mình với tư cách là một quốc gia thành viên của Quy chế Rôma khi không bắt giữ Vladimir Putin theo lệnh bắt giữ của ICC.

Trong quyết định ngày 24 tháng 10, Hội đồng sơ thẩm II tuyên bố rằng việc Mông Cổ từ chối bắt giữ Putin đã cản trở khả năng thực hiện chức năng và quyền hạn của ICC, đồng thời lưu ý rằng quyền miễn trừ của nguyên thủ quốc gia không phủ nhận lệnh bắt giữ.

“Do Mông Cổ không hợp tác nghiêm trọng với Tòa án, nên Tòa án thấy cần phải chuyển vấn đề này lên Đại hội các quốc gia thành viên”.

Hậu quả quan trọng nhất mà Mông Cổ có thể phải đối mặt là việc đình chỉ các quyền tố tụng, bao gồm quyền đề cử thẩm phán mới cho ICC. Đáng chú ý, vào năm 2024, lần đầu tiên trong lịch sử, một đại diện từ Mông Cổ đã được bầu vào ICC với nhiệm kỳ chín năm.

Chuyến thăm Mông Cổ của Putin vào ngày 3 tháng 9 đánh dấu lần đầu tiên ông đến thăm một quốc gia thành viên của Quy chế Rôma kể từ khi ICC ban hành lệnh bắt giữ ông vào tháng 3 năm 2023 vì liên quan đến vụ bắt cóc trẻ em Ukraine.

Trước đó, Politico đưa tin chính quyền Mông Cổ đã bảo đảm với Putin rằng ông sẽ không bị bắt giữ, với lý do nước này phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Để đáp trả, Ukraine đã đưa ra công hàm phản đối Mông Cổ vì nước này không thực thi lệnh bắt giữ Putin của ICC.

[Ukrainska Pravda: Mongolia breached obligations by not arresting Putin – ICC]

11. Cuộc tấn công của Nga làm hư hại đường ray xe lửa giữa Mykolaiv và Kherson

Người Nga đã làm hỏng đường ray xe lửa giữa các thành phố Mykolaiv và Kherson, khiến các chuyến tàu Ukrzaliznytsia hay Hỏa xa Ukraine chỉ hoạt động đến Mykolaiv. Xe buýt đưa đón sẽ được sử dụng để chở hành khách cho quãng đường còn lại.

Phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết trong cuộc họp báo chiều Thứ Năm, 24 Tháng Mười, rằng

“Đường ray trên đoạn giữa Mykolaiv và Kherson đã bị hư hại do một cuộc tấn công của đối phương. Các chuyến tàu đi Kherson sẽ dừng ở Mykolaiv. Hành khách sẽ được đưa đến Kherson bằng xe buýt.”

Tất cả “78 hành khách đi Kherson” đều được cam kết sẽ được đưa đến đích “trong sự thoải mái tối đa có thể”.

“Các đội sửa chữa hỏa xa đã có mặt tại hiện trường để sửa chữa đường ray. Chúng tôi dự định khôi phục dịch vụ tàu hỏa vào thời điểm tàu quay trở lại”, Ukrzaliznytsia cho biết.

Cô cho biết thêm: Vào khoảng 12:00, Ukrzaliznytsia đưa tin rằng đội sửa chữa hỏa xa đã hoàn tất việc sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hại do cuộc tấn công của Nga dọc theo đoạn đường giữa Mykolaiv và Kherson.

[Ukrainska Pravda: Russian attack damages railway tracks between Mykolaiv and Kherson]

12. ‘Đừng đổ lỗi cho chúng tôi, hãy tự trách mình’: Giận dữ với Harris, người Mỹ gốc Ả Rập ở Michigan phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn

Chiến dịch tranh cử của Kamala Harris đang phải đối mặt với sự hoài nghi sâu sắc từ các cử tri người Mỹ gốc Ả Rập tại Michigan, nhiều người trong số họ kinh hoàng trước cách Tổng thống Joe Biden giải quyết cuộc chiến ở Trung Đông và vẫn chưa quyết định có nên ủng hộ một ứng cử viên ủng hộ các chính sách của ông hay không.

Với cuộc bỏ phiếu sớm đã diễn ra, cử tri người Mỹ gốc Ả Rập cho biết họ thất vọng vì Harris không chia tay Tổng thống Biden về cách Israel tiến hành chiến tranh. Một số người coi bà là đồng lõa trong cuộc ném bom Gaza và Li Băng của Israel, nhắm vào Hamas và Hezbollah trong khi gây ra thiệt hại khủng khiếp cho dân thường.

Harris và cựu tổng thống Donald Trump đang bám đuổi sát nút ở Michigan, nơi có dân số người Mỹ gốc Ả Rập gần 400.000 người, theo Viện Người Mỹ gốc Ả Rập, chủ yếu tập trung bên ngoài Detroit. Những cử tri đó đã ủng hộ đảng Dân chủ vào năm 2020, giúp đưa tiểu bang này đến tay Tổng thống Joe Biden.

Nhưng chưa đầy hai tuần nữa là đến Ngày bầu cử, cuộc chiến leo thang ở Trung Đông đang trở nên lớn hơn đối với nhiều người Mỹ gốc Ả Rập, những người coi Tổng thống Biden và Harris là đồng lõa trong cuộc ném bom của Israel vào Gaza và Li Băng. Và họ liên tục thất vọng vì Harris vẫn chưa chia tay Tổng thống Biden về cuộc chiến.

“Mọi người thực sự đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ thực sự không biết phải đi đâu. Giống như có ai đó đập họ bằng một thanh gỗ ngay vào đầu họ vậy,” Osama Siblani, chủ bút của một tờ báo người Mỹ gốc Ả Rập có trụ sở tại Dearborn, Michigan, cho biết. “Vì vậy, bây giờ họ hoàn toàn hỗn loạn. Họ có thể bỏ phiếu cho Ông Donald Trump, chỉ để trừng phạt Tổng thống Biden và Harris, chỉ để nói rằng, 'Hãy nhìn xem các người đã làm gì.'“

Theo một cuộc thăm dò do Viện nghiên cứu người Mỹ gốc Ả Rập công bố đầu tháng này, Harris và Ông Trump gần như ngang bằng nhau trong số các cử tri người Mỹ gốc Ả Rập trên toàn quốc, khiến phó tổng thống kém Tổng thống Biden 18 điểm về mức độ ủng hộ trong năm 2020.

Theo James Zogby, chủ tịch của Viện, nơi đã thăm dò ý kiến người Mỹ gốc Ả Rập từ những năm 1990, người Mỹ gốc Ả Rập đã có xu hướng thiên về đảng Dân chủ trong nhiều thập niên.

Zogby, cựu chiến binh 31 năm của Ủy ban Quốc gia Dân chủ và hiện là chủ tịch Hội đồng Dân tộc của đảng này, cho biết: “Những gì tôi đã nói với chiến dịch ngay từ đầu: Đừng đổ lỗi cho chúng tôi, hãy tự đổ lỗi cho chính mình”.

Harris được một số cử tri coi là cứng rắn hơn với Thủ tướng Israel cánh hữu Benjamin Netanyahu và thông cảm hơn với người Palestine so với cả Tổng thống Biden và Ông Trump, người đã thiết lập lệnh cấm đi lại từ một số quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi khi ông còn là tổng thống và con rể của ông, Jared Kushner, đã gọi Gaza là “tài sản ven sông” “có giá trị”. Mặc dù Ông Trump là đồng minh của Netanyahu, nhưng ông đã đưa ra những lời chỉ trích gay gắt đối với thủ tướng Israel, ngay cả sau vụ tấn công ngày 7 tháng 10.

Tuần trước, Harris đã phát biểu trên X rằng “Luật nhân đạo quốc tế phải được tôn trọng”, chỉ trích Israel vì “Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết không có thực phẩm nào được đưa vào miền bắc Gaza trong gần 2 tuần”. Bà đã được một giáo sĩ Hồi giáo hàng đầu ở Detroit và một số ít nhà lãnh đạo địa phương ở Dearborn và Hamtramck, Michigan, nơi có hội đồng thành phố toàn người Hồi giáo, ủng hộ - mặc dù thị trưởng Hamtramck đã ủng hộ Ông Trump.

Và trong chuyến đi khắp tiểu bang vào đầu tháng này, Harris đã họp với các nhà lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Hồi giáo và người Mỹ gốc Ả Rập tại Flint — và kéo dài cuộc họp lên 20 phút thay vì 10 phút như dự kiến.

Đảng Dân chủ đang lo lắng về cơ hội của Harris ở Michigan, một tiểu bang mà đảng này đã giành chiến thắng vào năm 2022, một phần vì bà không được lòng cử tri người Mỹ gốc Ả Rập.

[Politico: ‘Don’t blame us, blame yourself’: Furious at Harris, Arab Americans in Michigan face a hard choice]
 
Hi hữu: Giám Mục trẻ nổi tiếng được vinh thăng Hồng Y lại xin thôi. Âu lo của ĐHY Trần Nhật Quân
VietCatholic Media
18:14 25/10/2024


1. Đức Cha Syukur từ chối chức Hồng Y để ‘thăng tiến đời sống linh mục’

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận lời thỉnh cầu của Giám mục Paskalis Bruno Syukur, Giáo phận Bogor Nam Dương, xin không nhận chức Hồng Y trong cuộc tấn phong sắp tới vào ngày 7 tháng 12 năm 2024.

Giám mục dòng Phanxicô người Indonesia Paskalis Bruno Syukur, 62 tuổi, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyển chọn làm Hồng Y vào ngày 21 tháng 11 năm 2013, sau khi phục vụ với tư cách là Giám tỉnh của Dòng Anh em Hèn mọn tại Indonesia từ năm 2001 đến năm 2009. Tuy nhiên, vị Giám mục đã thỉnh cầu không tấn phong làm Hồng Y trong Công nghị sắp tới.

Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, vào tối thứ Ba, cho biết Đức Cha Syukur đã bày tỏ mong muốn tiếp tục phát triển bản thân “trong việc phục vụ Giáo hội và dân Chúa”, một sự lựa chọn, xuất phát từ mong muốn đào sâu hơn nữa đời sống linh mục của mình.

Kết quả là, số lượng Hồng Y nhận mũ đỏ từ Đức Thánh Cha sẽ là 20 thay vì 21.

Tiểu sử của Đức Giám Mục Syukur

Đức Giám Mục Paskalis Bruno Syukur sinh ngày 17 tháng 5 năm 1962 tại Ranggu, thuộc Giáo phận Ruteng, trên Đảo Flores, Indonesia. Sau khi hoàn tất chương trình tiểu học, ngài theo học tại Chủng viện Piô X ở Kisol và sau đó theo học triết học tại Khoa Triết học Driyakara ở Jakarta, và sau đó là thần học tại Khoa Thần học ở Yogyakarta.

Ngài tuyên khấn trọn đời trong Dòng Anh em Hèn mọn vào ngày 22 Tháng Giêng năm 1989 và được thụ phong linh mục vào ngày 2 tháng 2 năm 1991.

Cha Syukur đã đảm nhiệm nhiều vai trò mục vụ và lãnh đạo trong suốt thời gian phục vụ. Từ năm 1991 đến năm 1993, ngài phục vụ với tư cách là một linh mục tại giáo xứ Moanemani, Giáo phận Jayapura (Tây Papua). Từ năm 1993 đến năm 1996, ngài theo học chương trình Cử nhân Tâm linh tại Antonianum ở Rôma.

Sau khi hoàn tất văn bằng, ngài trở thành cha tập sự ở Depok từ năm 1996 đến năm 2001, và từ năm 1998 đến năm 2001, ngài cũng là Người cổ súy dòng Phanxicô ở Depok và là thành viên của Hội đồng Tỉnh.

Từ năm 2001 đến năm 2009, ngài giữ chức Giám Tỉnh của Dòng tại Indonesia, và năm 2009, ngài được bổ nhiệm làm Tổng cố vấn cho Á Châu và Châu Đại Dương tại Rôma.

Vào ngày 21 tháng 11 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục Giáo phận Bogor.

2. Thỏa thuận giám mục Vatican-Trung Quốc được gia hạn thêm bốn năm

Vatican thông báo hôm thứ Ba rằng Tòa Thánh đã gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo thêm bốn năm nữa.

Việc gia hạn diễn ra vài ngày sau khi một báo cáo từ Viện Hudson nêu chi tiết về việc bảy giám mục Công Giáo ở Trung Quốc đã bị giam giữ mà không có thủ tục tố tụng hợp pháp, trong khi các giám mục khác đã phải chịu áp lực, giám sát và điều tra của cảnh sát dữ dội kể từ khi thỏa thuận Trung quốc-Vatican được ký kết lần đầu tiên cách đây sáu năm.

Với việc gia hạn, thỏa thuận Trung-Vatican hiện sẽ có hiệu lực cho đến ngày 22 tháng 10 năm 2028.

Bản dịch tiếng Anh của tuyên bố chính thức từ Tòa thánh cho biết “Phía Vatican vẫn tận tụy thúc đẩy đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng với phía Trung Quốc, vì sự phát triển hơn nữa của quan hệ song phương vì lợi ích của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc và toàn thể người dân Trung Quốc”.

Tuyên bố nói thêm rằng cả hai bên đã đồng ý gia hạn thỏa thuận tạm thời sau khi “tham vấn và đánh giá phù hợp”.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian cũng xác nhận việc gia hạn, nói rằng hai bên sẽ duy trì “liên lạc và đối thoại theo tinh thần xây dựng”, theo hãng tin Associated Press.

Ban đầu được ký vào tháng 9 năm 2018, thỏa thuận tạm thời trước đó đã được gia hạn thêm hai năm vào năm 2020 và một lần nữa vào tháng 10 năm 2022.

Các điều khoản của thỏa thuận chưa được công khai, mặc dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng thỏa thuận bao gồm một ủy ban chung giữa chính phủ Trung Quốc và Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo, do Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh Vatican giám sát.

Đối thoại của Vatican với Trung Quốc không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tòa thánh đã thừa nhận rằng Trung Quốc đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận khi đơn phương bổ nhiệm các giám mục Công Giáo tại Thượng Hải và “giáo phận Giang Tây”, một giáo phận lớn do chính phủ Trung Quốc thành lập nhưng không được Vatican công nhận.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ sự hài lòng với cuộc đối thoại đang diễn ra với Trung Quốc trong một cuộc họp báo vào tháng 9. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, Tổng giám mục Paul Richard Gallagher, đã thận trọng hơn, gọi thỏa thuận này là “không phải là thỏa thuận tốt nhất có thể” và lưu ý những nỗ lực đang diễn ra để cải thiện việc thực hiện thỏa thuận.

Kể từ năm 2018, “khoảng 10 giám mục” đã được bổ nhiệm và tấn phong theo các điều khoản của thỏa thuận Trung Quốc-Vatican, theo Vatican News.

Theo Asia News, một giám mục phó mới của Bắc Kinh dự kiến sẽ được bổ nhiệm vào thứ sáu này theo thỏa thuận với Vatican. Giám mục phó sẽ chỉ trẻ hơn năm tuổi so với Tổng giám mục hiện tại của Bắc Kinh là Joseph Li Shan, người vẫn còn cách tuổi nghỉ hưu thông thường của các giám mục Công Giáo hơn một thập niên.

Vào tháng 8, chính phủ Trung Quốc đã chính thức công nhận Giám mục Melchior Shi Hongzhen, 95 tuổi, một cựu giám mục hầm trú. Vatican gọi sự công nhận này là “thành quả tích cực của cuộc đối thoại” với Bắc Kinh.

Những người ủng hộ nhân quyền đã chỉ trích sự im lặng của Vatican về các hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán, bao gồm việc giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và giam giữ những người ủng hộ dân chủ như Công Giáo Jimmy Lai ở Hương Cảng.

Theo một báo cáo gần đây của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, các quan chức Trung Quốc được cho là đã ra lệnh gỡ bỏ thánh giá khỏi các nhà thờ và thay thế hình ảnh Chúa Kitô và Đức Mẹ Đồng Trinh bằng hình ảnh của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ cũng báo cáo rằng chiến dịch “Hán hóa tôn giáo” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, gọi tắt là ĐCSTQ đã dẫn đến việc kiểm duyệt các văn bản tôn giáo, buộc các giáo sĩ phải rao giảng ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc và yêu cầu phải trưng bày các khẩu hiệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong các nhà thờ.

“Mặc dù một số người Công Giáo chọn thờ phượng hợp pháp trong Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc do nhà nước kiểm soát, nhưng họ chắc chắn không được tự do vì họ phải tuân thủ các cơ chế kiểm soát và can thiệp khắc nghiệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc,” Ủy viên Asif Mahmood của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đã nói với CNA vào đầu tháng này.

“Cuối cùng, chính phủ Trung Quốc chỉ quan tâm đến việc truyền bá sự tuân thủ và tận tụy không lay chuyển đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, chương trình nghị sự chính trị của họ và tầm nhìn của họ đối với tôn giáo, chứ không phải bảo vệ quyền tự do tôn giáo của người Công Giáo,” ông nói

3. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân chỉ trích sự thao túng của Thượng Hội Đồng

Đức Hồng Y Quân chỉ trích 'sự kiêu ngạo đáng kinh ngạc' và sự bất nhất trong việc Vatican chấp thuận các phước lành cho người đồng giới mà không tham khảo ý kiến của Thượng hội đồng

Một trong những Hồng Y nổi tiếng nhất của Trung Quốc cho biết Thượng hội đồng về tính đồng nghị đã phải chịu tổn thất từ những người ủng hộ việc công nhận nhiều hơn các mối quan hệ đồng giới.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, cựu Giám mục Hương Cảng, 92 tuổi, cho biết hai vị Hồng Y chủ trì hội nghị – Đức Hồng Y Mario Grech người Malta và Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich người Luxembourg – cùng với tân Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y Victor Manuel Fernández người Á Căn Đình, “không nhấn mạnh đến việc bảo tồn đức tin, nhưng nhấn mạnh đến những thay đổi, đặc biệt là những thay đổi về cơ cấu và giáo lý đạo đức của Giáo hội; đặc biệt là về vấn đề tình dục”.

Vị Hồng Y người Trung Quốc được coi là nhân vật chủ chốt trong phe bảo thủ của Giáo hội, và từ lâu đã bị coi là người phản đối phương pháp cai trị của Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt là trong cách đối xử với Bắc Kinh.

Trong một bài viết trực tuyến, Đức Hồng Y Quân lưu ý rằng cụm từ “synod” có ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau.

Ngài thừa nhận dựa trên nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “Synod”, có nghĩa là “cùng nhau bước đi”, nhưng nói thêm rằng trong lịch sử của Giáo hội, các synod là những cấu trúc “mà thông qua đó, hàng giáo phẩm của Giáo hội dẫn dắt Giáo hội đi qua lịch sử”.

Đức Hồng Y người Trung Quốc cho biết vào năm 2021, Bộ Giáo lý Đức tin đã được hỏi “liệu có được phép ban phước cho các cặp đồng giới hay không” và câu trả lời là “không”, điều này đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô xác nhận, trước khi những điều này lại bị phủ nhận bởi Tuyên ngôn Fiducia Supplicans.

Đức Hồng Y Quân cho biết hội đồng hiện tại được thiết kế “nhằm lật đổ hệ thống phẩm trật của Giáo hội và thực hiện một hệ thống dân chủ”.

“Điều đáng ngạc nhiên nhất là trong số những người tham dự Thượng hội đồng, có tới 96 người 'không phải giám mục' (bằng 26 phần trăm của toàn bộ nhóm) và có quyền bỏ phiếu”, ngài viết.

“Giáo hoàng có quyền triệu tập bất kỳ cuộc họp cố vấn nào. Tuy nhiên, Thượng hội đồng giám mục do Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục khởi xướng được thiết kế cụ thể để cho phép giáo hoàng lắng nghe ý kiến của các giám mục anh em của mình. Với việc 'những người không phải giám mục' bỏ phiếu cùng nhau, thì đó không còn là Thượng hội đồng giám mục nữa”, vị Hồng Y nói.

Quay trở lại vấn đề quan hệ đồng tính, ngài nhớ lại rằng ngay sau khi kết thúc phiên họp năm 2023 của Thượng hội đồng về tính đồng nghị, Bộ Giáo lý Đức tin đã ban hành Fiducia Supplicans, trong đó nêu rõ giáo sĩ có thể ban phước cho các đôi đồng giới trong một số trường hợp nhất định.

“Vị bộ trưởng của bộ thậm chí còn nói rằng bản tuyên bố đã đủ rõ ràng và ông ta không chuẩn bị để thảo luận thêm về nó. 'Họ' đã quyết định về vấn đề này, không tham khảo ý kiến của các giám mục trong suốt thời gian diễn ra Thượng Hội Đồng. Đây là sự ngạo mạn đáng kinh ngạc!” Đức Hồng Y Quân viết.

“Sau khi công bố bản tuyên bố đó, đã có một sự chia rẽ lớn trong Giáo hội và sự nhầm lẫn lớn giữa các tín hữu. Điều này hiếm khi xảy ra trong lịch sử của Giáo hội… Đức Giáo Hoàng và Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin đã bày tỏ 'sự hiểu biết' về tình hình mà không thu hồi bản tuyên bố. Vậy, vấn đề này vẫn sẽ được thảo luận tại cuộc họp năm 2024 chứ? “ ngài hỏi.

Đức Hồng Y Quân tuyên bố nếu vấn đề này không được giải quyết tại Thượng hội đồng, “tương lai của Giáo hội sẽ rất mờ mịt, bởi vì một số giáo sĩ và bạn bè của Giáo hoàng, những người khăng khăng muốn thay đổi truyền thống của Giáo hội về vấn đề này, vẫn tiếp tục thúc đẩy các kế hoạch của họ một cách mạnh mẽ.”

“Trong khi Thượng hội đồng đang diễn ra, họ đã tích cực thúc đẩy chương trình nghị sự của mình bên ngoài hội trường cuộc họp. Điều đáng lo ngại là ngay cả cái gọi là nhóm các Con Đường Mới, ủng hộ trào lưu chuyển giới, cũng đã được Đức Giáo Hoàng đón nhận rất nồng nhiệt cách đây vài ngày”, vị Hồng Y nói.

Ngài nói thêm rằng không có vấn đề cụ thể để tranh luận, cuộc thảo luận của Thượng hội đồng sẽ tập trung vào tính đồng nghị của Giáo hội.

“Tôi e rằng điều này cũng giống như việc thảo luận xem liệu các tín hữu có nên có nhiều quyền hơn để 'chia sẻ' trách nhiệm của các 'mục tử' trong hệ thống phẩm trật hay không. Nếu những người ủng hộ sự thay đổi này không thể giành chiến thắng ở cấp độ toàn thể Giáo hội, thì phải chăng họ sẽ đấu tranh cho sự đa dạng giữa các giáo hội địa phương?” Đức Hồng Y Quân hỏi.

“Các hội đồng giám mục riêng lẻ có nên có thẩm quyền độc lập đối với giáo lý đức tin không? Đây là một viễn cảnh đáng sợ”, ngài nói tiếp.

“Nếu ý tưởng này thành công, chúng ta sẽ không còn là Giáo Hội Công Giáo nữa – (Giáo hội Anh đã công nhận hôn nhân đồng giới và tín hữu của họ chỉ chiếm thiểu số chưa đến 20 phần trăm trong Giáo hội Anh giáo toàn cầu.) Làm sao chúng ta có thể không cảnh giác?” Đức Hồng Y Quân hỏi.


Source:Catholic Herald