"Vắn tắt: Hơn 700 thanh niên Công giáo đã tham gia các buổi đốt nến cầu nguyện tại Công viên Victoria. Đối với họ, việc tưởng niệm và đức tin là những giá trị quan trọng. Đức tin giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của sự sống và phẩm giá con người."

Hong Kong (AsiaNews) - Hôm 4 tháng 6, các bạn thanh niên Công giáo nằm trong số 150.000 người tụ tập tại công viên Victoria đã đốt nến canh thức để tưởng niệm lần thứ 21 Vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, họ yêu cầu công lý cho các phong trào dân chủ cùng với việc thả tự do cho Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) và những nhà hoạt động nhân quyền khác tại Trung Quốc.

Mang theo bức tượng Nữ thần Dân chủ, các cuộc biểu tình nhận được sự hậu thuẫn của Liên minh tại Hong Kong Yểm trợ cho các Phong trào Dân chủ Yêu nước ở Trung Quốc, đơn vị tổ chức sự kiện này. Các bức tượng được cảnh sát trả lại sau khi người biểu tình phản đối họ tịch thu một vài ngày trước đây.

Trước cuộc biểu tình, 700 người Công giáo đã tụ tập tại công viên để cầu nguyện với chủ đề: "Phúc thay ai bị bách hại" (Mátthêu, 5:10)

Ba bạn trẻ Công giáo, ở độ tuổi 20, nói với AsiaNews rằng, đức tin cho họ hy vọng để họ có thể yêu cầu sự thật về những gì đã xảy ra vào ngày 4 tháng 6 (1989). Họ tưởng nhớ những nỗi đau khổ của các bạn sinh viên Bắc Kinh, không phải hận thù và trả thù, nhưng để làm chứng cho những việc hy sinh mà các bạn ấy đã làm - như Chúa Giêsu trên cây thập giá - cho tự do, dân chủ và nhân phẩm con người.

Michelle Siu, một giáo viên trẻ và là thành viên của Ủy ban Công lý và Hòa bình cho biết, năm 2004, cô đã đến viếng mộ ba thanh niên bị thiệt mạng vào ngày 3 và 4 tháng 6 năm 1989. Cả ba được chôn cất tại nghĩa trang Babao Shan, ngoại ô Bắc Kinh. Họ là Yin Jing - công chức 36 tuổi, Wu Xiangdong - sinh viên 20 tuổi, và Sun Tie - nhân viên nhà băng 26 tuổi.

"Khi tôi còn là một đứa trẻ, cha mẹ tôi thường đưa tôi đến dự những cuộc tuần hành vào ngày 4 tháng 6. Tôi vẫn còn nhớ khẩu hiệu thường được la hét: "máu đền máu". Tôi đã được các thầy cô giáo thời trung học tác động, giải thích cho chúng tôi về những sự kiện ngày 4 tháng 6, và bây giờ, tôi lại đang chia sẻ nó cho các học sinh của tôi".

Cô nhấn mạnh, "Ngày nay, chúng tôi không đòi hỏi một sự trả thù, nhưng cần sự ủng hộ cho phong trào và sự thật của nó".

Còn Jacky Liu, 21 tuổi, chủ tịch Liên đoàn Sinh viên Công giáo Hong Kong nói rằng, bắt đầu từ giữa tháng trước, sinh viên Công giáo trong nhiều trường cao đẳng và đại học đã tổ chức các cuộc tụ họp cầu nguyện và chia sẻ cho các bạn sinh viên khác về sự kiện ngày 4 tháng 6.

Sinh ra vào tháng 7 năm 1989, tức là một tháng sau vụ thảm sát, Liu cho biết, anh đã tham gia vào các sự kiện tưởng niệm ngày 4 tháng 6 sau khi anh bước vào đại học.

"Sự sống là do Thiên Chúa ban cho. Sự sống của tất cả các sinh viên và những người ủng hộ sự kiện 1989 thật đáng quý, không nên chối bỏ", anh nói.

Các sinh viên Bắc Kinh đã gây xúc cảm trong anh. Họ muốn thay đổi xã hội và thoát khỏi sự bất công, tham nhũng của nó. "Tuổi trẻ có trách nhiệm thực hiện việc nói lên sự thật và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn", anh lưu ý.

Bosco Wong, 25 tuổi, bắt đầu quan tâm về phong trào dân chủ tại Trung Quốc sau khi tham gia hoạt động Công giáo ở trường đại học từ năm 2005. Anh nhớ lại, đó là một trong những tác nhân khiến anh nghĩ rằng, thật khó khăn "nếu không có tự do", và động cơ ấy đã thúc đẩy anh tìm hiểu thêm các phong trào dân chủ tại Trung Quốc.

"Các sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 cũng muốn có những giá trị phổ quát về tự do và dân chủ, giống như các giá trị Kitô giáo của chúng tôi. Nhưng hơn hết, trong đức tin, chúng tôi hiểu cuộc sống và phẩm giá con người quý giá nhường nào, và không có lý do gì để giết chóc và đàn áp cả".

"Những sự kiện như ngày 4 tháng 6 không nên có thêm nữa. Không cần phải chứng minh, chúng tôi sẽ tiếp tục lan truyền thông điệp này tới thế hệ trẻ", anh lưu ý.