Việt Nam: Bất công thu nhập tạo bất ổn xã hội

BBC -- Động cơ của con đường thứ ba, một cuộc giao duyên giữa cách cầm quyền cộng sản và nền kinh tế tư bản tại Việt Nam, phải chăng đã hết sức đẩy?

Đó là ý chính trong bài mới nhất đăng trên báo Asia Times, bản điện tử ra ở Hong Kong hôm 29.01.2008.

Một cuộc đình công của công nhân khu chế xuất phía Nam
Tác giả Long S Le, một nhà nghiên cứu tại đại học Houston, Hoa Kỳ đặt câu hỏi về ‘Con đường Thứ Ba’ mà Việt Nam theo đuổi với công cuộc Đổi Mới từ giữa thập niên 1980.

Trong bài mang tựa đề tiếng Anh ‘Vietnam’s Third Way poses party teaser’ tác giả viết rằng đảng CSVN ngày càng gặp khó khăn trong việc duy trì mô hình này.

Cải tổ kinh tế của Việt Nam chưa được hỗ trợ bởi chính sách tăng tự do kinh tế, tự do chính trị và quản trị hiệu năng.

Bên cạnh đó, hai sân chơi quốc doanh và tư nhân vẫn không bình đẳng, nên khả năng tạo việc làm trong các khu vực tư nhân ngoài xuất khẩu còn kém, gián tiếp nuôi dưỡng bất ổn xã hội.

Theo tác giả bài viết, việc kết hợp hai mô thức cộng sản và tư bản có khả năng duy trì tăng trưởng trong một giai đoạn.

Nhưng về dài hạn, mô hình này không còn năng lực “tạo ra những việc làm có lương cao, dịch vụ công có chất lượng tốt hơn và nâng cao mức sống”.

Các cuộc phản đối của dân chúng thời gian qua như thế, cần được đặt trong bối cảnh khu vực công và tư mất cân bằng.

Bất công dẫn đến bất ổn

Trên lý thuyết, người nghèo và những nhóm dân chúng thua thiệt trong cuộc cải cách chỉ chịu đựng được tình thế chừng nào họ vẫn còn tin rằng việc bất công tạm thời là cần thiết, như nhà cầm quyền hứa hẹn, để tạo điều kiện kinh tế-xã hội chung cho một tương lai tốt hơn.

Nhưng chính vì việc đầu tư tập trung vào khu vực đảng cộng sản và nhà nước kiểm soát trong nền kinh tế tạo ra một hiệu ứng rằng khu vực doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ không phát triển tốt.

Các công ty này của Việt Nam cũng không được chuẩn bị và hỗ trợ để cạnh tranh trong môi trường toàn cầu.

Hậu quả là nguồn vốn bị dùng lệch hoặc rơi vào khu vực công kém hiệu năng, được điều khiển không trên cơ sở năng lực mà do các quan hệ chính trị.

Bài báo dẫn các phân tích của Ngân hàng Thế giới (World Bank) rằng số vốn đổ vào khu vực doanh nghiệp nhà nước để tạo một việc làm cao gấp tám lần so với công ty tư nhân nhỏ. Cũng như vậy, nếu bỏ các đặc quyền doanh nghiệp nhà nước được hưởng thì có thể tiết kiệm được tới 30% chi phí vận tải và dịch vụ kỹ thuật.

Chính vì thu nhập ở khu vực tư thấp nên sức mua của người dân Việt Nam nói chung còn yếu, trừ phi người ta làm việc trong các ngành xuất khẩu.

Mọi biến động về kinh tế hay khi tăng trưởng chậm lại lập tức gây ra hiệu ứng xã hội.

Nếu không cải thiện tình hình này, các cuộc đình công và phản đối mang tính chính trị sẽ còn diễn ra vì lỵ́ do bất công về thu nhập.

Cuộc giao duyên bất cập

Tác giả trích lời các chuyên gia nước ngoài như Jonathan Pincus, một nhà kinh tế của LHQ ở Việt Nam cho rằng "Khi các nhà lãnh đạo Việt Nam nói họ muốn kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa, họ thực sự tin như vậy".

Như thế, chủ nghĩa xã hội vẫn là nền tảng chính cho quyền lực của đảng và tính chính danh của hệ thống.

Bài báo cũng nhận định chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ không từ bỏ con đường cộng sản hoặc đưa vào các cải tổ mở đường cho chủ nghĩa tư bản dựa trên các quyền (rights-based capitalism).

Long S Le tin rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam hoàn toàn ý thức được sự bất cập của mô hình cộng sản-tư bản.

Nhưng cách họ làm, như lời ông Võ Văn Kiệt phát biểu gần đây, là dùng báo chí để chỉ ra các sai lệch trong cách vận hành của mô hình nhằm giúp bộ máy điều chỉnh.

Điểm mấu chốt là báo chí được phê phán mạnh tới mức độ chừng nào các nhà báo vẫn chịu trách nhiệm trước đảng cầm quyền.

Chính vì thế, báo chí sẽ không được tư nhân hóa.

Cũng như thế, Long S Le viết rằng bất cứ hoạt động của một nhóm, tổ chức nào không được nhà nước công nhận sẽ bị quy vào các hoạt động hình sự và chịu sự trừng phạt.

(Nguồn: BBC, ngày 29.1.2008)