Thật là một nghịch lý khi truyền thông càng tân kỳ, con người càng xa cách và khó hiểu nhau. Cha Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng đã nhận định như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã Công Giáo Zenit

Hỏi: Thưa cha, xin cha cho chúng con biết cảm nhận của cha về các phương tiện truyền thông ngày nay?

Cha Cantalamessa: Đặc điểm của thời đại ngày nay, thành tựu và thành công xuất sắc nhất của nó, là thông tin. Nói khác đi, đó là các phương tiện truyền thông: báo chí, điện ảnh, truyền hình, Internet, điện thoại di động.

Các phương tiện truyền thông đại chúng là đặc thù lớn nhất của thời đại này. Mọi người, bất kể ngày hay đêm, có thể biết được điều gì đang xảy ra trên thế giới và có thể thiết lập được liên lạc trực tiếp với người khác ở bất cứ nơi đâu trên địa cầu này. Tất cả điều này là một dấu chỉ tiến bộ vĩ đại và chúng ta phải tạ ơn Chúa vì kỹ thuật làm cho điều này khả thi. Tuy nhiên, có những nguy hiểm và những khía cạnh tiêu cực nghiêm trọng liên quan đến các phương tiện truyền thông hôm nay.

Hỏi: Thưa cha, chính xác là cha đang nghĩ đến những gì?

Cha Cantalamessa: Các phương tiện truyền thông mang tính chất tiêu thụ, theo nghĩa là chúng kích thích con người tiêu thụ, và khi chúng được tiêu thụ chúng đi đến một chung cuộc là chính chúng. Đặc thù của các phương tiện truyền thông là coi mọi sự ngang bằng. Con người trao đổi những mẫu tin và vì chúng ta là những hữu thể chóng qua và tạm bợ, tin tức cũng được coi là tạm bợ và chóng qua. Tin này tống khứ tin trước đi.

Cùng với một sự gia tăng trong kỹ thuật truyền thông, lại có một kinh nghiệm gia tăng về sự khó cảm thông. Các thông tin bị giới hạn trong âm thanh và những lời đồn thổi. Những lời đồn bảo đảm với chúng ta là chúng ta không cô đơn. Tuy nhiên, nó thiếu chiều đứng, một thứ truyền thông sáng tạo, cho nên nó dẫn đến một sự vắng bóng hoàn toàn của tha nhân. Các phương tiện truyền thông trở thành một tấm gương soi hình ảnh tang thương của nhân loại và vang vọng sự trống rỗng của nhân loại.

Tóm lại, truyền thông hiện đại chuyển tải nỗi buồn. Các phương tiện truyền thông ít gây áp lực cho phía ác và tiêu cực của thế giới nhưng đặt áp lực mạnh trên những khía cạnh tốt và tiêu cực.

Hỏi: Cha còn thấy những nguy cơ nào khác của truyền thông đại chúng nữa không?

Cha Cantalamessa: Các phương tiện truyền thông đại chúng đặt trước mắt chúng ta, vào mọi thời, điều chúng ta có thể trở thành nhưng chưa trở thành, điều người khác làm được mà ta không làm được. Điều này gây gia tăng cảm giác thoái chí và an phận, hay ngược lại, là một ham muốn thoát khỏi tình trạng không tên không tuổi, không ai biết đến của mình và áp đặt ý muốn mình lên người khác.

Một khía cạnh tiêu cực khác nữa trong truyền thông đại chúng, đặc biệt được thấy nơi thương mãi, là việc khai thác phụ nữ, việc lạm dụng thân xác của họ, và nói chung, là một quan điểm tiêu cực về quan hệ giữa các giới tính.

Hỏi: Cha có thể mô tả những đặc tính của truyền thông dựa trên tầm nhìn Kitô Giáo, có thể dùng để đối phó với các phương pháp và nội dung của truyền thông hôm nay?

Cha Cantalamessa: Tôi nghĩ Tin Mừng có thể giúp chúng ta thay đổi tình hình này. Chính là Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thiên Chúa biết rõ chúng ta, nhưng Ngài không dùng hiểu biết này để đoán xét chúng ta nhưng dùng tình yêu.

Tôi có thể nói như một Phan Sinh rằng chúng ta phải đóng góp vào việc truyền bá vui mừng và hy vọng. Thánh Phanxicô là con người hạnh phúc hoàn toàn, một du ca của Thiên Chúa – không phải một ảo tưởng hạnh phúc nhưng là hạnh phúc thật xây dựng trên hy vọng. Chúng ta phải kiên trì trên căn bản này của đức tin – một sự hiệp thông với Chúa Kitô và đặc biệt với Chúa Kitô trên thánh giá.

Hỏi: Như thế, thưa cha có một bí quyết nào dành cho truyền thông Công Giáo?

Cha Cantalamessa: Nếu chúng ta muốn truyền giáo trên các phương tiện truyền thông, bí quyết này khá đơn giản: hãy yêu mến Chúa và Giáo Hội là hiền thê của Ngài.