PHẦN III: GIÁO SĨ ĐẮC LỘ VÀ VIỆC HÌNH THÀNH CHỮ QUỐC NGỮ

II. Khái luận Việt ngữ hay Ngữ pháp tiếng Việt (1651)

Trên đây chúng tôi đã nói tới Borri; Borri đã viết mấy trang sách nói về tiếng Việt và ngữ pháp tiếng Việt. Nhưng lần đầu tiên, tiếng Việt được phân tích và học hỏi dựa vào ngữ pháp tiếng Latinh và viết bằng tiếng Latinh. Nói dựa vào ngữ pháp tiếng Latinh, nhưng thực ra người ta cũng chưa thể làm khác đi được. Hơn một nghìn năm, chúng ta học chữ Hán, hơn một nghìn năm có giao thiệp thông thương với Trung quốc, nhưng cả họ cả ta, không nghĩ ra cách học hỏi tiếng nước mình. Đi học là học chữ nho, chứ tiếng mẹ đẻ cần gì phải học, ta học từ lúc lọt lòng mẹ rồi cơ mà. Khái luận của Đắc Lộ có những chương nói về các loại từ như danh từ, động từ, trạng từ, phó từ như ngữ pháp tiếng Latinh đã bàn tới. Về điểm này, chúng tôi thấy, không những chúng tôi biết thêm về tiếng nước tôi mà còn hiểu thêm về tiếng Latinh nữa. Nhất nhất về bất cứ gì trong ngữ pháp, Đắc Lộ đều đưa La ngữ ra làm "tiêu chuẩn", thí dụ tiếng Việt không có những biến cách của danh từ (déclinaison), không có biến ngôi của động từ (conjugaison), nhưng ông cũng đưa La ngữ ra làm thí dụ (4). Thành thử, như đã nói, chúng ta học tiếng Latinh hơn là học tiếng Việt. Buồn cười nhất là ở một chương gần chót, Đắc Lộ bàn tới các "tiếng bất biến" trong Việt ngữ. Tiếng Việt tất cả đều bất biến rồi cơ mà, thế nhưng "bất biến" ở đây là những đại từ, phó từ, liên từ, thán từ, trong La ngữ, chúng đều là những từ bất biến. Chúng tôi đã xem lại một sách Mẹo tiếng Latinh và thấy Khái luận Việt ngữ của Đắc Lộ rập theo ngữ pháp tiếng Latinh với những chương nói về: các danh từ, tính từ, đại từ, động từ, giới từ, liên từ, thán từ... Nhưng Khái luận được viết bằng tiếng Latinh cho người ngoại quốc học, các giáo sĩ thuộc nhiều quốc gia khác nhau, nhưng tất cả đều tinh thông La ngữ. Dầu sao, cách học tiếng Việt này sẽ còn được duy trì và tiếp tục với những sửa đổi, khi nước ta tiếp xúc với nước Pháp vào cuối thế kỉ 19.

Cái đặc sắc và độc đáo hơn cả là ở hai chương đầu, một chương bàn về tự mẫu Latinh dùng trong vần "quốc ngữ" và một chương nói về các thanh hay các dấu trong Việt ngữ. Chúng tôi cũng phải nói ở đây rằng, ở Trung quốc trước năm 1589, vào những năm 1584-1588 đã có một cuốn Từ vựng Bồ Hoa ba cột, một cột tiếng Bồ, một cột chữ nho và một cột chữ Hoa phiên âm với tự mẫu Latinh, nhưng chưa có dấu để ghi các thanh. Phải chờ tới cuối năm 1605 mới phát hiện các kí hiệu để ghi. Năm 1604, tại Phi Luật Tân cũng đã có cuốn từ vựng Hán Tây Ban Nha viết theo tự mẫu Tây Ban Nha và có các dấu để chỉ các thanh.

Về Khái luận của Đắc Lộ, chúng ta thấy có đủ các chữ trong vần mẫu tự Latinh, trừ chữ F được thay thế bằng chữ PH, trừ chữ J vì thực ra vần Latinh thời này chữ J được dùng lẫn với I, nhưng lại thêm chữ Bêta Hylạp để phiên âm giọng nói chữ V người Đàng Trong (vui vẻ = bzui bzẽ), thêm chữ D có ngang thành Đ.

Đắc Lộ nói đọc PH như Phi của Hylạp (); KH như Khi của Hylạp (X); TH như Têta của Hylạp (); NG như Ngain () của Dothái, như thể để cho các người ngoại quốc tìm cách phát âm cho đúng. Một số khác đọc như tiếng Ý thí dụ như cha, che, còn CH ở cuối thì như tiếng Bồ hoặc NH ở đầu cũng như tiếng Bồ, bởi vì đã quen dùng như thế rồi... Nói chung Đắc Lộ xử dụng hết khả năng có trong các tiếng để làm thành vần chữ quốc ngữ. Bởi vì Đắc Lộ biết nhiều thứ tiếng, tổng cộng tới hơn một tá: Pháp, Ý, Tây, Bồ, Anh, một thổ ngữ Ấn độ, Tàu, Nhật, Việt, Ba tư, thêm vào đó còn có Hêbrêu (Dothái), Hylạp, Latinh.

Về các nguyên âm, ngoài a, e, i, o, u còn thêm hai dấu mũ ngửa và sấp để thành ă, â, ê, ô, thêm tí râu để thành ơ và ư.

Nói chung vần quốc ngữ gần vần Latinh và Ý, Bồ, hơn Pháp. Nhưng tới các thanh mà Đắc Lộ coi như "hồn của vần" chúng ta thấy nói tới đủ năm dấu để chỉ năm trong sáu thanh của tiếng Việt. Khái luận không cho biết lý do tìm các dấu, nhưng trong một chương của Lịch sử Đàng Ngoài, ông nói đã dùng dấu huyền trong tiếng Hylạp, như dò, dấu chấm Hylạp iota để làm dấu nặng, như rẹ, dấu uốn nằm để làm dấu ngã, đấu bằng không dấu thì để nguyên như pha, dấu hỏi Latinh để làm dấu hỏi, như sổ, và dấu sắc Hylạp để chỉ dấu sắc, như lá. Thế là chúng ta có sáu nốt nhạc là dò, rẹ, mĩ, pha, sổ, lá.

Đắc Lộ giải thích một vài chi tiết khác, chủ ý để phiên âm đích xác các cung giọng khá phức tạp của tiếng nói Đàng Trong. Và chúng ta để ý còn có mấy phụ âm kép thông dụng trong một vài địa phương thời đó (và có khi cả ngày nay) như BL (blời = trời), ML (mlời = lời, nhời), TL (tla = tla, tlăng = trăng).

Như chúng tôi đã nói, ở bên Tàu, trước chúng ta, người ta đã tìm được các kí hiệu để ghi năm thanh trong tiếng Tàu; tiếng Việt có sáu thanh. Từ năm 1615 và 1617 với De Pina, hẳn người ta cũng đã xử dụng các kí hiệu đã nói trên để viết tiếng Việt, nhưng chưa có tài liệu in nào để lại cho chúng ta. Cho nên Khái luận Việt ngữ của Đắc Lộ tuy rất vắn tắt, chỉ gồm ba mươi mốt trang, làm thành cuốn ngữ pháp tiếng Việt đầu tiên của chúng ta. Dầu D’Amaral đã được hưởng những thành quả các lớp người đi trước ở Đàng Trong, nhưng không để lại một thứ ngữ pháp nào, cũng như không soạn một tác phẩm trường hơi như Phép giảng của Đắc Lộ. Và chúng ta bàn tới cuốn sách quốc ngữ đầu tiên này.