LỊCH SỬ VƯƠNG QUỐC ĐÀNG NGOÀI

từ năm 1627 tới năm 1646

Do Giáo Sĩ ALEXANDRE DE RHODES


Chương 41

MẤY TRINH NỮ CHỊU HÀNH HẠ ĐỂ BẢO VỆ ĐỨC TRINH

Có mấy sử gia trong Giáo hội đã nhận thấy rằng đời sống dâm dật và những truỵ lạc của hoàng đế Nêrô đã nhen nhóm những ngọn lửa đầu tiên gây nên cuộc bắt bớ Giáo hội sơ khai trong thành Rôma, nhận xét này được xác mình trong cuộc bắt bớ giáo hội Đàng Ngoài vì đời sống truỵ lạc, nếu không phải là của vua chúa thì ít ra của mấy người trong xứ. Một nữ giáo dân trẻ tuổi tên là Đariê có sắc đẹp lạ thường, nhưng còn có đức hạnh thầm kín đặc biệt hơn nữa. Cô bị viên quan sở tại đòi làm vợ lẽ (việc thông thường trong xứ này). Nhưng cô rất ghét tục lệ ô nhục và bất nhân này. Cô sợ người ta dùng tới võ lực nên chạy đến giáo dân bản hạt để thoát nguy cơ cho danh giá và lương tâm, cũng để cô ẩn lánh an toàn. Nhưng viên quan ngoại đạo nổi cơn điên rồ vì mồi ngon của hắn đã chạy thoát, hắn liền nhờ giáo dân thuộc quyền hắn, vì hắn nghi là Đariê đã cho họ biết ý định trốn lánh của mình. Hắn cũng dùng uy quyền truyền cho họ phải cho hắn biết cô trốn ở đâu và phải đưa về cho hắn nếu không sẽ bị trừng phạt. Thế nhưng tất cả tới sáu chục người đều can đảm trả lời là đạo Kitô không cho phép Đariê làm vợ lẽ và họ không thể trao cô cho hắn để làm việc đó mặc dầu họ biết chỗ cô trú ẩn. Viên bạo quan vô đạo nổi cơn giận vì lời lẽ táo bạo đó, sau khi đổ cơn thịnh nộ đầu tiên trên họ, nào là đe dọa đủ thứ, nào là trách móc chửi rủa, hắn cho lính tự do hành hạ bằng mọi thứ bạo lực, trên bản thân và tài sản họ. Bọn lính vâng lệnh hung ác và bất công, không những chúng cướp phá nhà cửa và tài sản làm mồi cho chúng mà còn đánh đập mấy người rất tàn nhẫn, nhân danh quan bản hạt bắt mọi người phải bỏ đạo mới họ vừa tin theo và cúng tế thần phật, nếu không thì đàn ông sẽ bị bắt giam tù và bị kết án theo luật, còn đàn bà thì cho chết đuối trôi sông. Được lệnh, họ bàn nhau về cách đối phó và sau khi đã thề và hứa với Thiên Chúa là không bao giờ họ bỏ niềm tin vào Đức Kitô mặc dầu có mất mát của cải và mạng sống vì một nguyên cớ vinh quang như thế, thì họ quyết định bỏ nhà cửa và tất cả của cải ở bản quán và bí mật kéo nhau đến kinh thành, nơi họ rất khó bị phát giác vì có rất đông dân cư. Thế là họ rất mực can đảm đem ra thi hành. Tới nơi họ được tiếp đón và bảo dưỡng trong nhà một giáo dân rất tốt và rất thương người. Rồi họ viết thư cho các cha biết lý do việc rút lui về đây, họ xin các cha đến giải tội cho họ trước khi họ chia tay nhau để tránh viên bạo quan lùng bắt. Các cha đã đến nhà đó thăm họ và rất vui mừng thấy họ tỏ ra được hân hạnh chịu thiệt hại vì lòng sốt sắng và vinh quang đạo thánh mà họ mến chuộng hơn tất cả đế quốc tiền tài. Quyết định quảng đại của họ gợi tình bác ái của giáo dân trong kinh thành và đánh động lòng thương của một bà có thế giá, bà nhận bao bọc Đariê và bảo vệ giáo dân không cho viên quan quấy nhiễu và hành hạ.

Một nữ giáo dân khác tên là Pia cũng phải đương đầu trong một trận đánh để giữ gìn đức trinh khiết. Cô được vinh hiển vì bị nguy cơ dữ dằn, tưởng như gần thua trận. Số là cô được đức tin và chịu phép rửa mà cả cha mẹ vẫn còn là lương dân, cả người sang trọng đã nuôi cô trong nhà từ lúc cô còn nhỏ tuổi để sau này làm vợ bé cho người ta, tất cả đều không biết cô theo đạo. Theo giáo huấn cô nhận được về sự thánh thiện của đạo thì cô rất tha thiết chuộng sự trinh khiết của thân thể và lương tâm. Vì thế cô từ chối hết mọi lời dụ dỗ bỉ ổi của người bõ nuôi và những lời khuyên răn bất xứng của cha mẹ cô để thuyết phục cô, để cô bằng lòng nhận việc vô nhân đạo. Người sang trọng nổi cơn giận vì bị từ chối và bị lừa sau khi đã chờ đợi và mất nhiều công của, nhưng vô ích. Lúc thì hắn hứa hẹn, dỗ dành, khi thì đe dọa bắt bỏ đạo cô đã tin theo mà không cho hắn biết. Để bắt cô theo ý hắn, hắn quyết định thi hành, hắn cho hành hạ cô, tát, đánh, quất roi rất tàn nhẫn nhiều lần đến nỗi cô phát ốm liệt giường, yếu hẳn vì bị đánh đập và hành hạ, nhưng cô luôn luôn mạnh bạo và kiên quyết trong ý định. Người sang trọng càng lên cơn điên, thấy mình không được việc gì, liền đổi yêu ra ghét, hắn nhất định giết cô. Được biết ý dữ đó, cô bí mật trốn khỏi nhà con sư tử và ẩn nấp trong nhà một nữ giáo dân ngoan đạo đã có tuổi tên là Phanxica, bà này đã cứu danh dự và tính mạng cô.

Tôi có thể kể ra đây rất nhiều thí dụ can tràng mà mỗi ngày giáo dân tỏ ra để bênh vực danh giá đức hạnh và tôn giáo họ tin theo. Tôi không thể không nói tới lòng trung kiên bất khuất của một thanh niên tên là Inhaxu đã theo đạo chống lại ý muốn của cha mẹ còn là lương dân. Cậu bị cha mẹ hành hạ tàn nhẫn không thể tưởng tượng được, để bắt cậu bỏ đạo, nhưng cậu kiên trì mặc dầu chịu sự khắc nghiệt cha mẹ gây nên, ở vào cái tuổi chưa thể định đoạt về một việc khá xa bản năng, nếu không là bản năng từ trời xuống. Cha mẹ cậu dựa vào một cơ hội đặc biệt để cho tái diễn cuộc hành hạ trong mùa chay. Cậu thì muốn kiêng thịt theo luật và tục lệ giáo dân cấm, còn cha mẹ thì vô ích dùng hết các thứ lý lẽ và mưu mô để bắt cậu ăn. Sau cùng họ vừa đe dọa, vừa đánh đập đến nỗi đã dùng roi vọt đánh cậu rất tàn nhẫn đến chảy máu, họ cởi áo tốt áo lành và cho cậu mặc áo xấu áo rách. Không những thế họ còn long trọng tuyên bố từ cậu, đuổi cậu ra khỏi nhà và bêu rếu cậu ở ngoài đình để cho dân làng xỉ vả. Họ cũng chống đối cậu và cố gắng thuyết phục cậu vâng lời cha mẹ và theo đạo cổ truyền của họ. Nhưng khi thấy họ nói như nói với cục đá và chỉ phí lời, mất thời giờ thì họ mắc cỡ đuổi cậu ra khỏi thôn xã. Còn cậu, cậu hiên ngang vì nhận Thiên Chúa là Cha và Trời làm quê hương không ai có thể lấy mất được, cậu đến xin trú ẩn ở nhà chúng tôi tại Kẻ Chợ, tự nguyện làm tôi tớ, mà không xin tiền lương nào ngoài ơn tự do phụng thờ Thiên Chúa trong nhà chúng tôi.

Chương 42

CÁC CHA DÒNG CHÚNG TÔI

THỬ TỪ ĐÀNG NGOÀI VÀO NƯỚC LÀO 59

Đạo Công giáo tiến triển nhiều trong xứ Đàng Ngoài đến nỗi ở những nước lân cận người ta cũng quý mến và ca ngợi nhân đức giáo dân ở xứ này. Có một sứ thần của vua Lào lúc đó đang ở trong phủ chúa Đàng Ngoài, ông tọc mạch muốn biết về đạo và học hỏi riêng qua cuộc đàm thoại với các cha dòng chúng tôi. Ông được thuyết phục đến nỗi ông nhận đưa các cha qua nước Lào khi ông trở về. Thế nhưng cha Gaspar d’Amaral lúc này giữ chức vụ điều vùng truyền giáo này, cha xét không nên nhận lời mời thân thiện của sứ thần trước khi dò ý nhà vua và biết rõ ràng lời lẽ công bố đồng tình của nhà vua. Cha liền viết thư đệ lên vua năm 1634, trong đó cha xin phép tới nước ngài để rao giảng đạo và Phúc âm Đức Giêsu Kitô cho thần dân ngài. Đồng thời cha thấy nên sai hai giáo dân Đàng Ngoài rất tinh thông là Gioan và Tôma cùng đi với sứ thần và đem kính biếu vua một bức họa Chúa Cứu Thế rất đẹp làm phẩm vật và làm bằng chứng về ý tốt lành của các cha. Vua nhận thư và phẩm vật với rất nhiều thịnh tình. Ngài trưng bày ảnh trước mặt triều thần và tỏ lòng thành kính và tôn trọng đặc biệt. Nhưng ngài không chị nhận có vậy mà thôi, theo ý kiến triều thần. Ngài phúc đáp cho cha Gaspar d’Amaral và cho biết ngài vui lòng hơn nếu cha chịu phiền tới nước ngài và rao giảng đạo thánh. Ngài muốn cho sứ thần đem thư này trở lại xứ Đàng Ngoài cùng với thầy Tôma (còn Gioan thì ở lại gần vua) với lệnh truyền là nếu cha sẵn sàng đi thì Tôma trở về một hay hai ngày trước thông báo cho ngài để ngài chuẩn bị đón tiếp long trọng khi cha vào kinh thành.

Thật là kỳ diệu khi thấy có sự sẵn sáng tin theo Phúc âm trong toàn cõi nước này. Cả những viên quan chính yếu trong triều khi dự những buổi đàm đạo tư với Tôma về các mầu nhiệm của đạo ta thì cũng tỏ ra sẵn sàng theo đạo và chịu phép rửa khi cha tới. Thế nhưng cha d’Amaral mặc dầu rất ước ao trẩy đi nhưng lại bị giữ lại vì ba lý do. Thứ nhất cha có trách nhiệm điều khiển vùng truyền giáo Đàng Ngoài, nên không thể bỏ đi khi chưa thông báo cho bề trên để đặt người thay thế. Thứ hai, cha rất yếu và kiệt sức, vì quá nhọc mệt và vất vả làm việc truyền giáo ở đây, cha Bernadinô Rêgiô người đồng sự lại mới mất vì quá làm việc nặng nhọc và liên tục để cho giáo dân được toại nguyện. Sau cùng cha thấy có một cản trở rất lớn, nếu muốn sớm mở vùng truyền giáo mới này, đó là thiếu thợ, không đủ người làm các công việc lớn lao và mới mẻ đương mở ra mỗi ngày trong xứ Đàng Ngoài. Thế là cha cáo lỗi với nhà vua, vì bệnh của cha, cha không theo lệnh truyền của ngài được, cha khẩn xin nhà vua cứ giữ mối thịnh tình tốt đẹp cho tới năm sau, lúc đó cha hy vọng phục hồi sức khoẻ để vâng lệnh nhà vua tới phục dịch ngài. Kèm theo thư, cha còn thêm một phẩm vật mới là ảnh thánh để xoa dịu tâm thần nhà vua và để cho nhà vua vui lòng nhận lời cáo lỗi.

Cha d’Amaral thông báo tất cả cho cha Emmanuel Dias đã thay cha Anrê Palmier qua đời làm kinh lý. Cha Dias rất sốt sắng điều động các thợ lành nghề đến giúp các vùng truyền giáo mới, và mới đây đã sai tới Đàng Ngoài cha Fêlix Morelli, người thành Rôma, vào đầu năm 1637. Cha cũng được biết thêm về tất cả công việc xảy ra, nên phái hai thợ lành nghề nữa cho hai vùng truyền giáo Đàng Ngoài và Lào, cha lấy ở học viện Macao và chọn trong số những người tự nguyện, đó là cha Gioan Baotixita Bonel người Ý có chức viện trưởng và cha Raymondô de Gouea người miền Aragon giữ chức giám học. Cha còn thêm cha Martinô Coelho người Bồ, tất cả ba đều đầy can đảm để đi hoạt động trong những vùng truyền giáo này và tự nguyện hy sinh để phụng sự Thiên Chúa và Giáo hội Người.

Chương 43

HÀNH TRÌNH ĐI LÀO, BẤT HẠNH VỀ PHÍA ĐÀNG NGOÀI,

THÀNH CÔNG VỀ PHÍA BÊN KIA

Cha Bonel trẩy đi vùng truyền giáo Đàng Ngoài và được giữ chức vụ kinh lý. Cha hết sức nhiệt thành hăm hở giúp đỡ những nước chưa được viện trợ thiêng liêng để lo việc cứu rỗi và sau mấy tháng ở Đàng Ngoài, cha can đảm tự nguyện đi khởi sự truyền giáo ở Lào và dạy dỗ các dân mà cha biết rất sẵn sàng tin theo mầu nhiệm Kitô giáo. Cha đã năm mươi ba tuổi, thân thể gầy yếu vì làm nhiều việc, nhưng có can đảm nhiều hơn sức khoẻ. Cha khởi hành bằng đường bộ với Anrê thầy giảng cha đã chọn để theo cha, thật cha như một tay thợ rất mực nhiệt thành và không sợ gian lao khổ tứ. Lại thêm mấy thầy giảng trẻ tuổi, cùng thầy Tôma đã biết qua về nước này. Họ lên đường vào đầu tháng 10 năm 1638. Họ tiếp tục đi được một thời gian, không phải là không vất vả, nhưng được yên nủi trong tâm hồn, có vui sướng trong đau khổ và không có gì đáng sợ đối với kẻ tin tưởng vào Thiên Chúa và rộng lòng sốt sắng lo cho vinh quang Người. Thế nhưng vào cuối tháng, phải ở trên rừng núi phân chia hai nước Đàng Ngoài và nước Lào, trên những đường rừng rất đáng sợ, họ bị một thứ lạnh tê tái (nhất là về đêm cực kỳ lạnh, không đem theo gì để đắp) làm máu trong cơ thể như đông lại. Cha Bonel là người đầu tiên bị lạnh rất dữ dằn. Sức lực và nhiệt độ trong người bị tê cứng làm cho hoàn toàn suy sút, thế mà mới đi được nửa đường. Thiên Chúa cho cha thấy giờ đã điểm, cha rất mực bình tĩnh và tâm trí thanh thản hết sức để dọn mình chết. Cha ưng nhận và ôm lấy cái chết tự tay Thiên Chúa ban. Cha vui lòng chết trên rừng thiêng nước độc và trên giường sương tuyết cũng như trên đệm hoa thơm cỏ lạ. Rồi sau khi lấy tay chỉ vạch mấy điểm thuộc chức vụ của cha, cha nài xin Anrê (mà cha đặt làm bề trên các thầy khác và đứng đầu khu truyền giáo) hãy can đảm và tiếp tục hành trình để khởi sự vinh quang Thiên Chúa và dưới sự hộ phù của Chúa Cứu Thế. Người sẽ không bỏ họ, Người sẽ giúp họ thực hiện ý định đi rao giảng lề luật và Phúc âm Người. Cha thôi thúc và yên ủi họ theo sức của cha, yếu ớt nhưng còn nhiệt tình, cha sốt sắng và nhẹ nhàng trút linh hồn nơi Thiên Chúa, ngày mồng 4 tháng 12, ngày lễ kính thánh Carôlô Borrômêô mà cha tôn sùng đặc biệt.

Thầy giảng Anrê theo mệnh lệnh cha ban, tiếp tục hành trình cùng các bạn đồng sự. Sau rất nhiều vất vả và rất nhiều khó khăn vì là mùa mưa và đường rừng thì tới nước Lào. Các thầy liền sốt sắng bắt đầu giảng đạo thánh và lề luật Đức Giêsu Kitô đã học được từ xứ Đàng Ngoài. Nhưng nhà vua và triều thần chú ý tới bản thân người giảng hơn là lời các thầy giảng, nên chê chối không nghe. Thêm vào đó có một khó khăn khác đó là việc chê bai đạo thờ tà thần người ta đã dạy họ (vì từ Đàng Ngoài là nước lân bang mà tà giáo đã gia nhập nước Lào). Nếu các thầy muốn cho lời mình có uy tín thì phải đem theo mình một đạo trưởng Tây dương như đã hứa và được họ tin tưởng. Các thầy giảng tốt lành thưa lại là đã đem theo nhưng người đã chết dọc đường. Thế nhưng họ vẫn chưa hài lòng, họ vẫn nài nẵng cho được xem thấy một Tây dương đạo trưởng. Họ sẽ tin theo và vâng lời người. Các thầy giảng Đàng Ngoài phải chờ đợi vô ích suốt một năm trời, xem có cha nào ở vùng truyền giáo Đàng Ngoài tới cứu giúp (điều này không thuộc quyền các thầy vì thiếu người có thể bỏ công việc lúc này). Thế là các thầy trở về. Nhưng trong khi trở về, thầy Anrê, tay thợ rất quý và có lòng nhiệt thành khôn sánh, nhờ thầy mà Giáo hội Đàng Ngoài được hàng nghìn người trở lại, thầy đã chết vì buồn phiền và đau khổ, cùng với Hiênrô người trai tráng có rất nhiều triển vọng. Thiên Chúa muốn như vậy, việc truyền giáo được khởi sự với những ý nghĩ rất tốt lành nhưng không thành công như người ta mong đợi.

Vinh quang và công phúc lại dành cho cha Gioan Maria Leria, sau khi bị trục xuất khỏi Đàng Trong nơi cha sốt sắng hoạt động cho vinh quang Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn, thì cha tự nguyện đem lòng nhiệt thành đi chinh phục nước Lào. Cha thử đi qua Thái Lan. Nhưng theo lối này thì gặp nhiều cản trở và sau cùng cha tìm được đường vào thuận tiện qua con sông Campuchia từ miền rừng núi Lào chạy xuống Campuchia và ra tới biển. Cha khởi hành rất may mắn, đem theo mấy thầy giảng người Đàng Trong để giúp cha, Thiên Chúa ban phúc lành cho dự định và lao khổ của cha. Cha rất được lòng nhà vua và triều thần, nhờ mấy phẩm vật ảnh thánh cha đem theo và môn toán học cha rất thông thạo. Bây giờ cha hoạt động đắc lực để chinh phục họ. Một số đông dân nước này xin chịu phép rửa tội và tin theo đạo Kitô, với hy vọng số dân trở lại càng ngày càng đông và đức tin sẽ có ngày ngự trị và thánh giá với Phúc âm Chúa Cứu Thế được tôn thờ.

Chương 44

MỘT VỤ BẮT BỚ DO NGƯỜI TÀU GÂY NÊN,

NHƯNG ĐÃ XOAY TRỞ LẠI LÀM CHO HỌ XẤU HỔ VÀ LÀM VINH DANH CHO GIÁO DÂN ĐÀNG NGOÀI

Trong khi cha d’Amaral được gọi về Macao do lệnh bề trên để cha tĩnh dưỡng và chữa bệnh dài hạn cha chịu ở vùng truyền giáo Đàng Ngoài cha cai quản và để cha phục hồi sức khoẻ rất cần cho các dân này, thì giáo dân tỉnh Nghệ An chịu cơn bắt bớ, nhưng Thiên Chúa đã đặt ở nơi Người không gieo, Thiên Chúa được vinh quang và giáo dân được yên ủi và công phúc. Số là trong tỉnh này số giáo dân khá đông đã dựng một nhà thờ đẹp ở thôn Rum để hội nhau và để mỗi ngày thu hút lương dân có cảm tình với đạo. Thế là những kẻ thờ tà thần không chịu nổi nhưng không dám dùng võ lực do lòng ghen ghét và giận dữ thôi thúc. Họ liền xúi mấy thương gia người Tàu theo tà giáo buôn bán ở cửa biển này để (như họ đã làm) phạm tới bản thân giáo dân và nơi dùng vào việc phụng tự. Đó là ngày giáo dân hội nhau trong nhà thờ và cha Hiênrô Majorica dạy giáo lý và làm việc đạo đức như thường lệ. Thế là chừng năm mươi ngừơi Tàu hung hăng xông vào nhà thờ mang theo võ khí đánh đập không những mấy giáo dân mà cả cha Hiênrô. Cha bị một tên phang mấy phát búa trên vai. Có một gia nhân của chúng tôi không thể chịu được việc này và theo gương thánh Phêrô, để trả thù cho thầy mình, anh liền đánh lại tên người Tàu phạm thánh đó và tất cả giáo dân đều xúm lại đuổi bọn chúng bắt bọn người Tàu phải ra khỏi nhà thờ. Nhưng ngày hôm sau người Tàu đem xác chết một người trong bọn họ đã đánh đập cha Hiênrô và đã bị gia nhân của ta đánh lại. Đồng thời họ kiện chúng tôi ở quan tòa, ghép cho giáo dân tội sát nhân. Viên quan vốn ghét đạo ta liền bỏ tù cha Hiênrô bị thương nặng, cùng mấy giáo dân. Việc này xảy ra trước khi cha được giải về phủ để xử trước mặt chúa. Nhưng được biết vụ này và nhận thấy lời tố cáo không căn cứ và gian dối của người Tàu thì chúa liền bịt miệng họ và tuyên bố cha vô tội. Mà vì vụ án mạng của cha được xử ở phủ nên lương dân lợi dụng sự bối rối của giáo dân tân tòng, chúng đến nhà thờ và tiếp tục hoành hành cho tới khi cha Hiênrô trở về tỉnh đem theo bản án của chúa tuyên bố long trọng là cha vô tội. Thế là hạ hẳn sự xấc láo hỗn hào của những ngừơi theo tà đạo và đem lại đầy đủ yên hàn cho giáo dân. Không những giáo dân tỏ ra rất mừng rỡ vì cha trở về, mà viên đệ nhất quan tòa của tỉnh, khi nhận biết cha vô tội thì đón mừng cha, mời cha dùng cơm tại nhà, cho cha hoàn toàn tự do đi lại với giáo dân và truyền phải dựng lại nhà thờ y như cũ. Thật là thanh bình đã trở lại sau cơn bão táp do người Tàu gây nên. Chúng đã ngăn chặn đường tiến triển của Kitô giáo trong tỉnh này mà trong chỉ một năm 1639 đã tính được hai nghìn bốn trăm bảy mươi hai lương dân trở lại đạo và được rửa tội do tay cha. Lại còn một niềm vui mới yên ủi giáo dân khi có một chiếc thuyền khác của người Tàu cập bến tỉnh này. Họ vào nhà thờ mới dựng lại và đến trước ảnh Chúa Cứu Thế, thuyền trưởng rất có thịnh tình với giáo dân và cả những người đi theo đều quỳ gối tạ tội cho những người nước mình và tặng cha quà đem từ Trung Quốc.

Tôi không quên ở đây việc Thiên Chúa công bằng báo oán những người Tàu phạm thượng, những người đã đập phá trong nhà thờ như chúng tôi đã nói, nhạo báng các sự thánh và ngạo mạn mặc áo lễ. Khi biết chúa Đàng Ngoài định phạt chúng về tội xấc láo thì chúng âm mưu với các thương gia Hoà Lan và đồng tình trốn sang Nhật Bản. Nhưng vì sự ma quái của kẻ dữ bao giờ cũng lên tới mức thái quá, nên trong cuộc hành trình, chúng đã làm một việc rất mực phản trắc. Một hôm chúng thấy người Hòa Lan uống rượu và đã quá chén say sưa, chúng liền giết tất cả và chiếm hết số tơ lụa chiếc tàu này chở. Chúng chia làm ba phần và để trong ba chiếc tàu khác nhau để tránh bị phát giác. Một chiếc cập bến Trung Quốc, liền bị các quan tỉnh đó bắt và tịch thu. Chiếc thứ hai tới Đàng Trong cũng bị giữ lại và các con buôn bị trừng trị vì đến từ một lãnh thổ thù địch. Còn chiếc thứ ba thì vào tới nước Campuchia và các sĩ quan nhà vua nhận thấy những kiện hàng có đóng dấu Hoà Lan, thế là lái buôn Tàu bị giữ lại để tra khảo và theo lời đầu thú chúng bị án tử hình vì tội chúng đã phạm. Thật là Thiên Chúa công bằng đã rượt bắt tất cả bọn phạm thánh trong khi chúng định tẩu thoát và Người đã ra án phạt chúng rất xứng đáng.

CHƯƠNG 45

NHỮNG TIẾN TRIỂN LỚN LAO CỦA GIÁO ĐOÀN ĐÀNG NGOÀI

VÀ CÓ MẤY THỢ MẤT TRONG KHI HÀNH SỰ

Cho dù hỏa ngục và trái đất chống đối sự trở lại của những dân tộc này, nhưng Ơn Thiên Chúa vẫn mạnh hơn, đến nỗi số giáo dân tăng lên rất nhiều trong xứ Đàng Ngoài. Năm 1639 chúng tôi tính sổ được tám mươi hai nghìn năm trăm giáo dân, chỉ trong một năm đã có mười hai nghìn hai trăm ba mươi người gia nhập giáo hội, không kể những người được rửa tội trong tỉnh Bố Chính. Có hơn một trăm nhà thờ lớn dựng ở nhiều nơi để giáo dân hội nhau chịu các phép bí tích và nghe lời Thiên Chúa, khi các cha tới thăm và một trăm hai mươi nhà thờ nhỏ để đọc kinh trong các ngày lễ và chủ nhật, ngoài ra còn có một số rất lớn nhà nguyện làm trong các nhà tư. Trong một tỉnh Nghệ An có bảy mươi thôn đã nhận đức tin: Điều kỳ diệu là đó chỉ là do ơn Chúa Thánh Linh muốn được những đền sống động ở nơi dân tộc này, nên không có một thôn xã nào mà không có thanh niên, thiếu nữ khấn ở trinh khiết trọn đời. Có những đôi tân hôn cũng khấn như vậy ngay hôm đầu mới cưới. Có mấy người khác sống trong bậc phu phụ trong mấy năm, họ đã tỏ ra rất tiếc vì không được biết sớm hơn về đức tin và cái nhân đức đẹp đẽ đó để khấn hứa lúc còn trẻ tuổi. Các bà quả phụ thường cũng khấn ở tiết phụ. Có khá nhiều trường hợp thanh niên thiếu nữ đã chịu khổ sở nhiều vì những người ngoại quốc để bảo vệ đức trinh khiết của mình và vì chính cha mẹ mình, để giữ không lập gia đình. Thật khó thấy một nước nào có những công dân mới tin theo Kitô giáo mà lòng mộ mến đức trinh khiết chiếm chỗ độc tôn như vậy.

Nhưng trong khi giáo hội Đàng Ngoài tăng rất nhiều số giáo dân và cách ăn ở thánh thiện, thì những công việc vất vả đè nặng trên vai một số ít thợ làm cho giảm số lượng. Một vài người ngã bệnh không hoạt động được; các người khác đã qua đời trong khi thừa hành chức vụ nặng nề. Từ khi cha d’Amaral rút về Macao,60 kiệt sức trong việc truyền giáo, thì cha Emmanuel Dias kinh lý đã sai hai thợ khác đến hỗ trợ, cha Balthasar Calderia thuộc dòng quý phái bậc nhất ở Bồ và cha Giuse Maurô quốc tịch Ý. Vừa tới, thì tỉnh Thanh Hoá là nơi có rất đông số giáo dân, được chia về phần cha Maurô, vì phải là người rất nhiệt thành và rất sốt sắng, nên ngài làm hết mọi chức vụ, giải tội, giảng, dạy giáo lý và làm phép rửa tội cho trẻ em và người tân tòng, nhưng với lòng chuyên cần đặc biệt là không bao giờ cho thân xác nghỉ ngơi, đến nỗi trước cuối năm, ngài bị sốt cấp tính. Nhận thấy ngay là giờ chót đã điểm, ngài đưa tin cho cha Balthasar lúc đó tình cờ đang ở trong một thôn xã không xa. Tức thì cha chạy đến giúp đỡ ngài, mặc dù có trận mưa lớn như muốn giữ ngài ở lại. Vừa xưng tội xong thì cơn sốt làm cho ngài bất tỉnh rồi ngài bỏ đời này luôn để được (chúng tôi hy vọng thế) đời hằng sống, ngài mới trọn ba mươi mốt tuổi. Mọi người đều thương tiếc ngài, không những giáo dân trong tỉnh từ đây mất người nhiệt thành cứu trợ mà cả hết những người được biết tinh thần và nhân đức ngài có để phục vụ dân chúng.

Cha Antôn Barbosa 61 cũng vất vả mà không được may mắn trong vùng truyền giáo này, bởi vì sau khi đã hoạt động bốn hay năm năm một cách rất can đảm và quá sức của ngài thì ngài bị sốt cách nhật làm cho ngài kiệt lực tuy không giảm bớt tinh thần để ngài vẫn tiếp tục làm các việc như trước, những việc mà ngài chỉ rời bỏ khi rời bỏ sự sống. Các bề trên đã lấy quyền rút ngài ra khỏi vùng truyền giáo và những việc làm cho ngài đau yếu để cố gắng chăm sóc ngài trong một môi trường khác và trong sự tĩnh dưỡng. Nhưng cho dầu có thuốc thang để chữa chạy, cơn sốt vẫn phá hoại một chút sức khoẻ còn lại và trong ít năm đã chấm dứt công phúc của một đời người hao mòn vì vinh quang Thiên Chúa và vì công ích. Bây giờ Thiên Chúa cho linh hồn ngài hưởng nơi thiên quốc.

Nguồn: www.Dunglac.net