LỊCH SỬ VƯƠNG QUỐC ĐÀNG NGOÀI (2)

từ năm 1627 tới năm 1646

Do Giáo Sĩ ALEXANDRE DE RHODES

CHƯƠNG 11

VỀ HÀNH CHÍNH TRONG NƯỚC


Xứ này trước kia là một trong những tỉnh thuộc đại quốc gia Tàu và theo luật pháp Trung Hoa, nhưng rồi từ khi dân ở đây quật cường nổi lên khôi phục nền độc lập tự chủ thì có thay đổi trong chế độ quân chủ, nhưng ít thay đổi trong cách cai trị: cuộc tổng khởi nghĩa đã đưa một ông vua mới lên ngôi, nhưng không thêm gì hết về quyền thế ngài, trừ việc ngài tuỳ tiện và tuý ý cân nhắc và xét xử rất nhiều sự việc mà không cần hỏi ý kiến ai. Thật ra trong các đại sự, ngài thường bàn với các cố vấn. Vì thế trong triều có Viện tối cao, gồm một số đông tiến sĩ quyết định và tối hậu xét xử những vụ thuộc dân chính và hình sự. Trước viện này có thể bác bỏ án các quan và toà án thành lập ở các tỉnh chỉ có quyền thẩm phán hạn định. Ngoài Viện này thì đặt quan tổng trấn trong mỗi tỉnh có chức vụ và quyền thuộc pháp lý và có thể xử tử nếu là trường hợp phải thi hành ngay, nhất là khi tỉnh đó cách xa triều đình : thế nhưng những vụ tử hình thường được gởi về Viện tối cao. Nói chung thì việc thi hành pháp lý trong nước này thu vào hai thủ lĩnh, một thuộc hàng văn và một thuộc hàng vũ. Hàng văn thì có các tiến sĩ giải thích pháp luật, họ luôn mặc áo dài màu đen, đầu đội mũ đen có cắm cành lá cọ, trừ khi đến chầu chúa, lúc đó họ chỉ được mặc áo theo chức vụ nhưng màu tím. Còn hàng vũ thì là những người có khả năng chọn ngành các tướng lãnh để xử kiện, họ đi đâu cũng mang võ khí. Đó là những tổng trấn các tỉnh, thường được chọn trong các hoàng tử hoặc hoàng gia và các tướng lãnh chính yếu trong nước, mỗi vị được kèm thêm một tiến sĩ là phó và cố vấn trong các xử án.

Ngoài ra còn hai toà án đặt ở tỉnh lỵ của mỗi tỉnh, một là toà cao cấp hơn để xử những vụ quan trọng gọi là nha tố, hai là tòa thấp hơn để xử những vụ thông thường gọi là nha hiến. Cả hai đều chung cho toàn tỉnh và đều gồm những vị quan văn. Ngoài hai toà án chung cho tỉnh còn ba toà án riêng phụ thuộc lẫn nhau. Thấp hơn là trong mỗi huyện những công dân và những kỳ mục để xử những vụ thuộc dân sự giữa người đồng hương. Từ toà này có thể nại tới toà cao hơn gọi là nha huyện gồm chừng mười hay mười hai huyện có một quan riêng gọi là cai huyện để xử những vụ đưa tới toà. Từ toà này có thể nại thẳng lên toà cai phủ rồi từ toà này có thể nại thẳng tới toà đã nói ở trên chung cho toàn tỉnh. Lý do sự phân chia về pháp lý này là vì tỉnh quá rộng lớn, phải chia ra cho có trật tự và thuận tiện cho người khiếu nại, thành những phần chính gọi là phủ và mỗi phần lại trao cho một quan hoặc một tướng lãnh chính yếu, có thể so về chức với bá tước hay hầu tước của ta. Và mỗi phủ hay mỗi phần đó lại chia thành huyện như chúng tôi đã nói, dưới quyền một quan, có thể so với nam tước của ta. Sau cùng mỗi huyện gồm một số xã có một quan cấp dưới gọi là cai xã có thể so với các lãnh chúa của ta. Thế nhưng những so sánh về các chức tôi đưa ra ở đây thì không hoàn toàn đúng. Những vị này chỉ có chức vụ cai trị khi sinh thời, không có quyền truyền lại cho con và cả những trấn thủ các tỉnh thường cũng được giữ nhiệm vụ trong ba năm25.

CHƯƠNG 12

TRONG NƯỚC NÀY THI ĐỖ TIẾN SĨ THẾ NÀO

Như chúng tôi đã nói, vì tất cả các cố vấn của chúa thường là những tiến sĩ hay cử nhân luật cho nên chúng ta nên biết họ đi tới cấp bậc đó như thế nào để rồi bước lên chức vụ cao hơn trong ngành pháp lý. Theo tục lệ thì cứ ba năm có niêm yết ở nơi công những kỳ thi long trọng. Tới ngày hết những người đã dùi mài kinh sử thì đến điện nhà vua gọi là đền để chịu sát hạch theo cách thức sau đây. Người ta dựng trong đền vua một số phòng hay lều đủ cho các thí sinh đến trình diện để thi. Thí sinh phải làm bài (để theo bài, người ta xem xét có đủ khả năng) do các tiến sĩ chính yếu được cử ra chủ tọa kỳ thi. Họ bị nhốt trong một phòng đã dọn sẵn, không được mang theo gì ngoài giấy, mực và một bút lông để viết. Mỗi người có một lính hay một người canh gác để phục dịch khi cần và cũng để canh không cho ai tới gần để giúp hay trao dụng cụ gì cho. Người ta cho cả một ngày để làm bài thi, sau khi xong thì nộp cho chủ khảo. Vị này đóng ấn và số riêng vào bản. Ông kỹ lưỡng xem xét những lỗi. Những người ông cho là có khả năng và tỏ ra trí thông minh trong cuộc thi, thì được cấp tú tài gọi là sinh đồ với văn bằng có chữ ký của vua, không những để làm bằng chứng khả năng của mình mà còn được đặc ân miễn một nửa phần thuế hàng năm.

Kỳ thứ hai thi về pháp chế và dân luật. Cũng như kỳ trước và cũng có những điều khoản như trước, trừ sự khác biệt này. Ban giám khảo không nhận bất cứ ai nộp đơn xin vào kỳ thi như kỳ thứ nhất, nhưng chỉ nhận những ai từ ba năm đã thi tú tài mà thôi. Những người đậu kỳ này được lên cấp cử nhân gọi là hương cống. Họ cũng được văn bằng có chữ ký của vua và được hoàn toàn miễn thuế. Trong những người đậu kỳ này, chúa bổ làm quan toà để xử những vụ không quan trọng lắm ở những toà cấp dưới như chúng tôi đã nói ở trên.

Sau cùng là kỳ thi để đậu tiến sĩ chỉ dành cho những người từ ba năm nay đã đỗ cử nhân luật. Về việc tiến cử này, vì trong nước chỉ có một số tiến sĩ đã chỉ định trước, nên tất cả những người có khả năng không được đậu hết, nhưng chỉ những xuất chúng tài ba lỗi lạc và chiều theo những chức vụ chưa có người thay thế mà thôi. Những người khác không được lên cấp và phải đến vào kỳ sau, ba năm nữa. Tuy nhiên họ vẫn được trọng dụng và thường được bổ vào những văn phòng pháp lý trong và ngoài triều đình vua. Những người cuối cùng được đậu vào kỳ thi này thì gọi là tiến sĩ. Không những họ được miễn thuế thông thường mà con cái họ cũng được miễn mặc dầu chúng không bao giờ đỗ đạt và mặc dầu họ làm một nghề khác. Họ được bổ dụng vào những chức vụ lớn và quan trọng trong và ngoài nước. Trong đám người này ba năm một lần, chúa chọn người làm sứ thần phái sang triều cống vua Tàu theo lệ nhân danh vua và nước Đàng Ngoài. Cũng trong số đó người ta chọn các quan toà và trưởng Viện tối cao đặt trong đền vua. Và tất cả những người được cấp bằng này đều được vua đặc biệt quý trọng như những người có công. Trong số các cận thần nhà vua bao giờ cũng có một số người này. Thời xưa còn một cấp thứ tư nữa nhưng ngày nay không thông dụng. Có một điều rất thông dụng đó là sự tôn trọng Hán học. Không có người nào cao trí hay thấp kém mà không cho con cái theo học bí mật của chữ từ khi còn nhỏ tuổi, vì thế trong nước này, người nào cũng biết vọc vạch một vài chữ và không ai hoàn toàn mù chữ.

CHƯƠNG 13

VỀ NHỮNG HÌNH PHẠT TỘI PHẠM

Sau khi nói về các quan toà thì không phải là ngoài đề nếu nói thêm ở đây về những vụ xử kiện giản dị về thủ tục, tờ bồi và biên bản mà người chưởng lý và trạng sư của ta thường dùng. Thí dụ, khi có người bị tố cáo về tội nào và bị điệu tới quan toà, thì người ta nghe chứng nhân rồi đối chiếu với bị cáo, sau đó nghe lời buộc tội và những thẩm tra khác, nếu đúng với những lời khai thì không tìm kiếm gì hơn nữa, chỉ hỏi xem bị cáo nếu muốn đối kháng hay cãi lại chứng nhân và những lời họ khai. Nếu theo câu trả lời, toà thấy cần phải dãn phiên toà để thu lượm chứng cớ đầy đủ hơn thì giao bị cáo cho lính giam giữ và đưa về ngục, không có cùm sắt, không có gông cổ, gông này làm bằng hai tấm gỗ dài buộc chặt như hình cái thang để ở vai cho thăng bằng rồi buộc hai tấm các khác và ghì chặt vào cổ làm cho không thể nới rộng được. Chiếc gông này rất bất tiện không tưởng tượng được, vì phải mang đêm ngày ngay cả trong ngục. Chỉ có cái tiện là tù nhân không có cái gì để sinh sống nên được tự do ra khỏi ngục mà không có cách nào chạy thoát, cứ mang hình khổ ô nhục này ra giữa phố chợ và xin khách qua đường của bố thí để có thể sinh sống trong tù.

Còn có cách khác để cầm giữ đàn bà phạm tội. Người ta đặt dây thừng ở cổ, hai đầu dây cho thông qua chiều dài của tấm gỗ đục thủng, rồi buộc ép vào cổ một đầu dây, còn đầu kia thắt nút cho tấm gỗ không rơi. Buộc như thế khác nào buộc cổ chó, rồi dẫn đi hành hình khi bị kết án.

Khi người có tội hoặc do chứng nhân khai hoặc chính mình khai nhận vì quan tòa bắt phải nói lên do một phương pháp tra khảo dịu dàng là bóp các ngón tay ngón chân, không đến nỗi mạnh lắm, vì sợ nếu quá dùng võ lực thì ngừơi ta nhận bừa bãi và nói sai với người vô tội. Người ta dẫn tới trước toà rối các thẩm sát giải thích hết các sự việc đã thu lượm được trong vụ án hình sự, sau đó chủ toạ lên án. Nếu không bị án tử hình, thì xử ngay sau khi các quan toà rút lui. Thí dụ tên trộm lần thứ nhất nhận đã ăn cắp một đồ vật gì không đáng giá thì bị chặt một ngón tay trỏ ở tay phải, nếu lần thứ hai bị bắt nữa thì chặt tất cả các ngón còn lại, lần thứ nhất của ăn trộm ước lượng là một trăm đồng êcu. Còn kẻ bắt trẻ con thì bị án tử hình.

Khi quan toà lên án tử hình một tội nhân thì không dẫn họ từ toà án đến nơi xử ngay, nhưng cho đưa về ngục để cho phép vợ con thân quyến bạn bè tự do đến thăm, phục dịch và an ủi, trừ khi là kẻ phạm tội khi quân. Thường thì lên án vào buổi sáng, nhưng chỉ thi hành khá muộn vào buổi chiều cùng ngày. Về án tử hình thì thường bị chém đầu. Người ta thi hành như sau. Vào khoảng bốn giờ chiều, vị tướng lãnh một đội binh được giao cho việc thi hành đem quân binh đến, người dẫn đầu đưa tội nhân từ trong ngục, cổ vẫn đeo gông như đã nói. Khi mọi người tới nơi hành hình thì quân binh đứng vây quanh tội nhân, người này quỳ gối xuống. Sau khi tháo gông rồi thì người ta dọn một bàn có nhiều thịt thà và bảo tội nhân ăn, muốn chọn gì thì mặc sở thích, nhưng rất ít người còn thèm ăn. Bàn đã dọn đi rồi thì tướng lãnh rung chuông nhỏ ra hiệu hành hình. Tên lính phải làm việc này giơ gườm quay về bốn phương trời và cúi xuống lạy như thể cáo lỗi vì công việc mình sắp làm, trong khi đó các lính khác trói tội nhân, rồi tên đao phủ lại gần chém ngang đầu một nhát đứt ngay đầu, rồi trao cả thủ cấp cả thân mình cho gia quyến người chết đem đi chôn, trừ khi có lệnh chúa truyền (như thỉnh thoảng xảy ra tội cực kỳ ghê rợn) bêu đầu và thân mình mấy ngày ở nơi công không cho chôn. Nếu chúa cho ân xá tha không xử tử về tội đáng chết thì chỉ cạo trọc đầu và không bao giờ được cho tóc mọc, để nhớ lại hình phạt trọng tội và ân xá chúa đã ban và cũng để bó buộc phải nhận tội đó.

Trong khắp nước này còn thi hành một việc kỳ dị và nghiêm khắc không thấy ở các nước mà tôi biết để phạt tội ngoại tình, đàn ông cũng như đàn bà kể cả vợ lẽ. Kẻ bị bắt quả tang ngoại tình thì bị trói tay dẫn ra khu ruộng, nơi đây có con voi đã được luyện để vâng theo mệnh chủ, khi được lệnh thì nó lấy vòi hất tội nhân lên rồi lại đỡ lấy. Tội nhân rơi đúng vào răng sắc nhọn đâm thủng vào thân, sau đó nó rũ xuống đất và lấy chân đè bẹp, nạn nhân trút hết màu và cũng trút linh hồn, nếu chưa chết khi từ trên rơi xuống. Sau khi người ngoại tình chết thì kẻ đồng loã cũng bị voi giày như vậy.

CHƯƠNG 14

VỀ NHỮNG THỔ SẢN CỦA XỨ ĐÀNG NGOÀI

Trong khắp nước này không có nho cho nên cũng không có rượu nho, người ta cũng không gieo lúa mì. Cũng không thấy cây ô liu nào, thế nên cũng chẳng có dầu ô liu. Đó là những thổ sản mà chính Thiên Chúa đã ban. Thế nhưng ở đây lại có rất nhiều hoa trái khác, nên cũng chẳng phải ái náy về sự thiếu sót, trừ về việc dâng thánh lễ, thì phải đưa bánh mì và rượu nho từ Macao tới. Ngoài ra về các nguồn lợi thì có thóc gạo là dồi dào và đất rất phì nhiêu. Có hai mùa gặt vào tháng sáu và tháng một vì thế giá rẻ tới ba lần so với Tàu. Cơm gạo ở đây thay cho bánh mì. Từ thứ gạo này người ta cất một thứ rượu ngon và thơm, không hại dạ dày và để thay cho rượu nho của ta. Còn về canh cháo (potage) và các thứ thịt khác, chúng ta dùng dầu thì họ đổ một chất lấy ở tổ chim26, giống chim sẻ ở trên các mỏm đá và cồn đá ngoài biển gần bờ. Họ trộn với thịt nấu chín làm cho có một hương vị khá tinh vi. Những thứ tổ chim này không có ở nơi nào khác trên thế giới. Những thương gia người tàu mua lại rất đắt để đem về bán ở Tàu. Chỉ có người giàu có sang trọng ở xứ Đàng Trong mới có phương tiện sử dụng. Còn đa số quần chúng chỉ dùng một thứ nước cốt gọi là mắm27, ép ở một loại cá muối đánh được ở biển. Thứ nước cốt này vừa dùng cho dầu và như nước ép ở nho ra trộn vào thịt làm cho món ăn có mùi vị thơm ngon. Mà vì người ta còn trộn với cơm thay bánh mì, nên nhà nào dầu sang dầu hèn đều có tích trữ. Bây giờ tới trái cây.

Không nói tới những trái cây chung cho xứ Đàng Ngoài và các miền An Độ như vả, lê, dứa, mít, carambola, xoài và những trái cây tương tự, chúng tôi đã kể và giới thiệu với người Au Châu, còn có những trái cây riêng, theo tôi biết, không có ở đâu chỉ có ở xứ này.

Thứ nhất, thứ ngon nhất là trái vải màu sắc và hình thù giống như trái coing của ta, nhưng thêm một vòng triều thiên để chỉ sự đặt biệt của nó mà trái của ta không có. Vòng này không như vòng ở trái lựu của ta, không thơm ngon và như thứ trang hoàng vô bổ, nhưng vòng ở trái này chứa đầy nước ngọt giống như vú dầy căng có yếm bao bọc. Người ta bóc vỏ có vị đăng đắng rồi ăn. Trừ một thứ lớn hơn hết, người ta bóc lớp vỏ thứ nhất như da, rồi ăn tất cả, có mùi vị như trái đào và trái lê của ta. Thứ này không những chỉ ăn vì mùi vị và để giải khát mà còn bồi bổ sức khoẻ, nên ăn bao nhiêu cũng không sao, có lần tôi dùng tới mười hay mười trái cùng một lúc. Vì thế hết các nơi đều thấy bày bán với giá rất rẻ, rất thông thường, khắp xứ này đều có. Loại cuối cùng rất hiếm tuy có thể tìm thấy. Người dân bình thường không dùng chỉ kẻ giàu sang là thích thú, nhưng cũng lành mạnh, mùi vị thơm ngọt như nho muscat, trái lớn như thứ vừa nói ở trên.

Còn một loại trái thứ hai có màu sắc “coing” nhưng trái thì to như trái đào lớn, mùi vị thì giống như trái lê khi chín muồi, người ta quý trái này vì còn làm thuốc rất hiệu nghiệm để chữa bệnh lị, không những dùng thịt trái và da mà còn cả vỏ cùng lá cây nữa

Lại còn hai loại trái có mùi vị như trái “cerises” của ta nhưng vỏ cứng như vỏ “chataignes” và ruột thì trắng. Từ thứ trái này, nhất là thứ người Tàu gọi là lệ chi người ta cất được một thứ rượu khá ngon.

Ở xứ này còn một thứ như trái vả, mùi vị và hình thù giống trái của ta: sắc thì đo đỏ khi thật chín, mềm như trái của ta nhưng lành hơn. Khi còn xanh và khá cứng thì không có mùi vị. Tôi không muốn quả quyết là trái cây của ta tốt hơn, ngon hơn. Thế nhưng khi chúa Đàng Ngoài thưởng thức những trái vả Âu Châu chúng ta trồng trong vườn thì ngài rất khen và muốn dành tất cả cho ngài.

Mía thì có rất nhiều đường và rất ngọt, rất phổ thông, nhưng người Đàng Ngoài không có kỹ thuật lọc nên đường hoá ra đen, tuy sắc đen mà người ta vẫn chuộng và mua, nhất là người Nhật.

CHƯƠNG 15

VỀ SÚC VẬT THƯỜNG THẤY Ở NƯỚC ANNAM

Nước này có rất nhiều ngựa, đẹp, khoẻ, hiền lành dễ chăn nuôi và tính khá thuần dễ tập luyện đi đứng chạy nhảy theo như người ta muốn. Cũng có rất nhiều bò to lớn và vạm vỡ, thịt rất tốt và rất ngon. Lợn thì rất thường, lành và thịt ngon, không có dịp lễ nào mà không giết lợn đãi khách, ngay cả những người nghèo không có phương tiện lớn. Trâu thường thì rất cao lớn, vai dô lên, vạm vỡ và rất chăm làm. Chỉ một con cũng đủ để kéo cày, cho dầu cày cắm sâu trong đất, thịt không đến nỗi xoàng, nhưng thịt bò thì thông dụng hơn và ngon hơn.

Về voi28 thì cả nước Annam có những con to lớn và khoẻ mạnh thường đưa từ nước Lào ở ngay kế cận. Họ bán cho người ngoại quốc với giá rất đắt, mua được rồi còn phải nuôi, cũng rất tốn kém, vì một con voi phải đủ lương thực bằng nuôi mười người. Chúa Đàng Ngoài nuôi chừng ba trăm con, thỉnh thoảng mới dùng tới và một phần để thêm lộng lẫy khi chúa ngự ra khỏi kinh thành. Nhưng khi thao luyện một đạo bộ binh thì cho tất cả voi đi diễu. Vì thế rất tốn kém để bảo dưỡng quản tượng làm huấn luyện viên. Thật là lạ lùng khi thấy chúng rất ngoan và dễ dàng để tập nói chuyện với người, thường đi rảo khắp kinh thành mà không làm hại ai hay phá phách gì. Chúng còn giúp rất nhiều cho dân trong thành khi có hỏa tai, thường hay xảy ra, bởi vì nhà làm bằng gỗ. Thế là người ta dẫn mấy con tới để dỡ những nhà ở cạnh ngôi nhà đang cháy không cho lửa bén sang có thể làm thiêu rụi cả thành phố, nếu không dùng cách này để dập tắt. Chúng thi hành rất chính xác, rất khéo léo. Chúng vâng theo hiệu lệnh của quản tượng, lấy vòi dỡ nóc nhà, rồi lấy chân lật đổ tường mà không làm quá lệnh người ta ra cho chúng. Có một vài lần tôi thấy chúng phải qua một nhịp cầu bằng gỗ, chúng lấy vòi lay thử xem ván có vững không, có thể chịu được sức nặng của chúng, và khi thấy không đủ vững thì nó đi tìm con đường khác, chứ không chịu đi qua cầu đó. Có một con bị cột ở một nơi trong thành, trẻ con đến nghịch chơi lấy đá ném rồi lẩn trốn. Voi tức giận liền dùng vòi thay tay cầm đá và khi thấy lũ trẻ thò đầu ra thì ném theo rất khéo và mạnh đến nỗi nếu trẻ không nhanh lẩn trốn sau bức tường thì đã bị thương nặng. Người ta kể về những con voi đó, về tính dễ bảo và nhiều sự rất lạ lùng mà tôi chưa thấy, nên tôi không nói thêm gì ở đây, tôi chỉ kể điều tôi chứng kiến mà thôi.

Về tê giác29, người Bồ gọi là “bada”, tôi chỉ thấy đầu một con người ta vừa giết được ở trong rừng, phải hai người lính mới khiêng nổi, tôi đoán nó phải to lớn gấp đôi con voi. Tôi còn được ăn thịt, cũng khá ngon và mùi vị thơm hơn tất cả thú rừng hay thú săn bắn mà tôi được biết. Người ta cho rằng thịt con vật này cả da, xương và nhất là răng, móng và sừng đều là những liều thuốc chống mọi nọc độc.

Những người đi săn trong rừng thỉnh thoảng cũng bắn được mèo rừng rất đen và nhỏ, người Đàng Ngoài rất chuộng, họ tiến chúa và các quan lớn. Có rất ít dê, không có chiên cừu, cũng không có lừa, chỉ dùng bò và trâu để làm những việc nặng, còn những việc thông thường và nhẹ trong quảng đại quần chúng thì đàn ông cũng như đàn bà họ đều quảy gánh trên vai.

Khắp xứ đầy gia súc nhất là gà, giá rất rẻ, không khác gà của chúng ta. Nhưng gà trống thì to gấp đôi, giá rất đắt, vì họ dùng làm gà chọi. Họ thường hay tổ chức chọi gà, nhiều khi còn cho cầm than củi và thứ gươm nhỏ để thành một cuộc chiến đẫm máu. Như thể võ khí tự nhiên vẫn chưa đủ. Có khi người ta bán một con tới mười hay mười hai ecu, thứ gà chọi thiện chiến. Cũng có chuồng để nuôi chim bồ câu như chúng ta. Còn chim gáy thì nuôi trong những lồng lớn, rất thông thường, chỉ năm xu mà mua được mười lăm hai mươi con.

Có rất nhiều cá, rẻ mạt lại rất tươi và to, to nhất có thể nặng tới mười hay mười hai líu30 cũng chỉ giá chừng năm xu. Nhiều như thế là vì có rất nhiều bến và nhiều ngư phủ trong toàn cõi. Người ta đếm được tới chừng năm mươi hải cảng và (khi trời cho phép) có tới hơn mười ngàn thuyền đi đánh cá. Cho nên thức ăn ở nước này chủ yếu là cơm gạo và cá. Tôi kể ở đây, một hôm chúa Đàng Ngoài hỏi tôi về ngày kiêng của đạo ta thì được dùng thịt gì. Khi biết chúng ta kiêng thịt nhưng không kiêng cá, thì chúa nói như vậy các ngươi sẽ tìm được nhiều công dân của ta vì sống như các ngươi và kiêng như các người thì chẳng khó gì. Nhưng ta không tin các người tìm được kẻ muốn sống trinh khiết và và kiêng đàn bà như các người. Thật là câu chuyện buồn cười của một ông chúa lương dân không hiểu biết gì về Thiên Chúa và đặc ân đạo Kitô đã ban cho giáo dân tân tòng ở nước này. Chúng tôi đã thấy một số người rất đông nam cũng như nữ, trai cũng như gái đã dâng mình cho Thiên Chúa muốn giữ độc thân và trinh khiết. Chúng tôi đã đếm được trong số đó có một trăm thầy giảng và sinh viên can đảm hứa phụng sự Thiên Chúa hiển vinh trong bậc độc thân, trong số này có ba người đã hiến thân cho Giáo Hội mới này bằng máu can tràng đổ ra vì tin vào Thiên Chúa Kitô, như tôi sẽ nói đầy đủ hơn chỗ khác.

CHƯƠNG 16

VỀ THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG HOÁ CỦA NGƯỜI ĐÀNG NGOÀI

Người Đàng Ngoài không đi buôn bán ở các nước ngoài vì ba lý do chính này. Thứ nhất, họ không biết nghệ thuật địa bàn và nghề hàng hải, không bao giờ xa bờ biển hay dãy núi của họ. Thứ hai, thuyền của họ không đủ sức chống lại với sóng biển cả và những cơn bão lớn thường nổi lên trong cuộc hành trình lâu dài: ván gỗ không được ghì chặt và đóng dính hay chốt, nhưng chỉ được cột lại, nên mỗi năm phải làm lại. Và thứ ba, chúa không cho phép họ ra nước ngoài, nơi ngành thương mại bắt các thương gia phải qua lại, vì sợ mất thuế thân công dân nộp chúa. Tuy vậy, mỗi năm chúa phái tàu tới các nước Campuchia và Thái Lan, bởi vì những nước này không xa Đàng Ngoài và tàu thuyền không rời khỏi bờ biển của họ, không cần ra biển khơi biển cả.

Nhưng tuy không ra khỏi nước Annam gồm có (như đã nói) cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong, thương gia trong nước cũng buôn bán rất sầm uất vì có rất nhiều hải cảng thuận tiện. Họ cũng kiếm được rất nhiều nhuận lợi, số vốn lên gấp đôi, hai hay ba lần trong một năm mà không bị nguy hiểm hay tai nạn thường xảy ra nơi biển khơi. Trong suốt dọc bờ biển nước Annam dài chừng 350 dặm Pháp, đếm được chừng 50 cửa biển có thể chứa được ít ra mười hay mười hai tàu lớn, nơi có nhiều sông chảy tới. Những người đi biển mỗi đêm có thể ẩn náu ở những bến này, không cần bỏ neo mà qua đêm an toàn, không sợ những nguy hiểm thường có ở biển cả31. Còn đối với thương gia ngoại quốc thì thật ra có người Nhật và người Tàu, họ vẫn tới buôn bán ở các bến Annam, họ buôn tơ lụa, buôn trầm hương32. Người Tàu ngày nay vẫn còn tiếp tục buôn bán: họ đem đồ sứ, đồ hàng hoa và nhiều hàng hoá tiêu dùng và xa xỉ. Người Nhật ngày xưa đem bạc rất nhiều tới đây buôn tơ lụa, đem nhiều gươm đao và đủ các thứ vũ khí để bán, nhưng từ hai mươi nhăm năm nay họ không tới nữa. Hoàng đế Nhật đã nghiêm khắc cấm hết công dân phải bỏ hết thương mại vì biết có rất nhiều giáo dân, kể từ năm 1614 bắt đầu có sắc lệnh cấm đạo, đã kéo nhau lũ lượt đi, nhất là vào mùa chay, và cả ngoài mùa này nữa, mỗi năm ba hay bốn lần, để được xưng tội với các cha dòng biết nói tiếng Nhật và rước lễ, và mỗi lần có tới ba hay bốn chiếc tàu. Họ tự do đi, lấy cớ buôn bán. Và cứ thế gần mười năm nay họ tiếp tục và rất được mãn nguyện và yên ủi về thiêng liêng. Nhưng vua cấm đạo hung bạo đã không cho được yên ủi này và ra lệnh lên án xử tử hết các công dân nếu còn vượt biển ra khỏi lãnh thổ và truyền cho những người ở nước Annam phải trở về Nhật vì sợ có người sẽ hồi hương với chức linh mục để thừa hành nhiệm vụ trong nội địa nước nhà. Vì cấm đoán này mà dân nước Annam thua thiệt về tiền tệ và những lợi nhuận khác do việc thương mại với người Nhật. Còn giáo dân Nhật thì không còn được chịu các phép bí tích và những việc đạo đức mỗi năm họ thực hành mấy lần để được ích về phần hồn.

CHƯƠNG 17

VỀ TIỀN BẠC TRAO ĐỔI TRONG NƯỚC

Ở nước này người ta không đúc tiền như ở Trung Quốc, trừ tiền bằng đồng. Người Đàng Ngoài dùng vàng và bạc để buôn bán những hàng hoá quan trọng, nhưng họ không dùng vàng bạc giáp khuôn hay cối đúc, chỉ chặt thành miếng hay thành thỏi sau khi nấu trong lò. Về bạc33 họ dùng thì có những thứ dùng trong việc thương mại, thường là bạc nén, tương đương với mười ecu, còn về vàng thì nhẹ hơn nhiều, về giá thì tuỳ theo trọng lượng, tuỳ theo giá cao hay thấp.

Hơn nữa về bạc, không bao giờ nhận mà không cho thử và cân trước. Thí dụ, giữa thương gia với nhau họ thoả thuận bao nhiêu líu lụa, thí dụ mười lăm hay hai mươi, mỗi đồng bạc giá mười ecu, khi bán lụa thì cân mười nhăm hay hai mươi líu lụa và trong cân thì đặt đồng bạc, nếu đúng số cân thí dụ mấy đồng bạc nặng một liú. Họ thi hành như thế cách gọn gàng và không gian dối. Nếu ai còn nghi ngờ về vàng hay bạc tốt xấu thì có quyền đập ra thành mảnh con để dễ nhận hơn.

Còn thứ tiền đồng trao đổi giữa người Đàng Ngoài thì có hai loại, loại lớn hay loại bé. Lọai lớn thông dụng trong khắp nước và đa số do thương gia Tàu đem tới và xưa kia do người Nhật nữa. Còn loại nhỏ thì chỉ dùng trong kinh thành và trong bốn tỉnh ở chung quanh chứ không dùng ở Đàng Trong. Hẳn là vì từ khi bốn tỉnh chính đã li khai với các tỉnh khác do cuộc phản nghịch chúng tôi nói ở trên. Tất cả loại tiền đồng, lớn hay bé đều nhẵn và tròn, còn khắc bốn chữ trên mặt và tất cả đều có lỗ ở giữa, để dùng dây xỏ vào như thường lệ34. Vì thế mỗi dây buộc chừng sáu trăm hoặc mười lần sáu mươi có đánh dấu để phân biệt mỗi sáu chục đồng. Như vậy rất thuận tiện để quàng vào cánh tay hay khoác lên vai khi đi chợ, không cần dùng túi như chúng ta, chỉ dùng dây mà thôi. Còn về giá của thứ tiền này, thì chưa bao giờ chắc chắn và hay thay đổi, bởi chỉ có quy luật theo sự có nhiều hoặc ít trong việc trao đổi trong nước. Do đó mấy năm trước đầy mười một trăm tiền đồng lớn giá bằng năm đồng nhỏ. Nhưng vào một thời gian khác, giá những đồng này thay đổi và cao hơn vì trong nước có ít bạc hơn.

CHƯƠNG 18

VỀ NHỮNG MÊ TÍN DỊ ĐOAN CỦA NGƯỜI ĐÀNG NGOÀI

VÀ VỀ GIÁO PHÁI THỨ NHẤT

Người Đàng Ngoài cũng như người Tàu nói chung, tin theo ba thứ tôn giáo gọi là tam giáo. Nhưng dân tộc này tuy rất chất phác và rất có lương tri, lại theo rất nhiều dị đoan trước khi ánh sáng Phúc âm đến soi sáng cho họ. Từ khi đức tin Kitô giáo được rao giảng và nhiều người nhận biết Đức Giêsu Kitô thì họ đã thoát khỏi u minh và tăm tối sai lầm bao trùm lên họ. Họ thoát khỏi cảnh nô lệ khốn đốn ma quỷ bắt họ chịu.

Giáo phái thứ nhất và thời danh hơn cả là đạo nho. Người khai sáng đạo này là một người Tàu, theo sử liệu vào cùng thời với Aristote bên Hy Lạp, nghĩa là vào khoảng ba trăm năm trước Thiên Chúa giáng sinh. Người Đàng Ngoài tôn ông là thánh nhân, nhưng vô lý và trái lẽ, như tôi đã có lần thuyết phục họ. Bởi vì theo tôi, nếu ngài được gọi là thánh nhân, thì ngài phải biết có một Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất, nếu ngài không biết thì sao là thánh nhân được; không biết đấng là cội nguồn và là nguyên nhân mọi sự thánh, ngài chỉ thông truyền cho loài có lý trí bằng sự hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa cao cả. Nếu ông nhận biết, vì ông tự xưng là bậc tiến sĩ và tôn sư thì ông phải giảng dạy sự hiểu biết cần thiết cho sự cứu rỗi, đàng này ông không dạy như rõ ràng trong kinh sách của ông, ông không đề cập tới Thiên Chúa nguyên lý mọi sự, thì sao có thể gọi ông là thánh35?

Khi tôi giảng như thế trong nhà thờ trước mặt chừng bốn chục người theo đạo này là đồ đệ của Khổng Tử, thì tôi trách giáo dân tân tòng và không cho họ được gọi ông như thế nữa để khỏi phạm tới tên thánh và khỏi trái với lương tâm, thì người ta rất chăm chú nghe và rất bằng lòng, nhưng phái của Khổng Tử ở trong nhà thờ liền rút lui buồn nản và xấu hổ nhưng vẫn ngoan cố trong sai lầm như xưa, trừ một người đã lôi cuốn được mấy người khác, ông đã ở lại với chúng tôi, chứ không theo đám kia và ông đã nhận được lời giáo huấn đầy đủ về các chân lý đạo Kitô và chịu phép rửa tội, tôi đặt tên là Gioan, ông đã muốn làm đồ đệ Đức Giêsu Kitô hơn là môn đồ của Khổng Tử mà cho tới nay ông đã theo.

Thực ra Khổng Tử nhà hiền triết này, trong những sách ông để lại, có nhiều giáo huấn về thuần phong mỹ tục: như khi ông nói, trước hết hãy sửa mình và muốn thế thì xét mình mỗi ngày ba lần để sửa điều lầm lỗi. Sau đó mới đem tâm trí và chuyên cần xếp đặt và điều khiển gia đình. Và sau khi đã cẩn thận chu toàn chức vụ đầu tiên này chứ không trước khi đó, thì bây giờ mới lo dìu dắt và cai trị quốc gia36.

Ông còn luận về nhiều điều liên hệ tới pháp lý dân chính, về xét xử các vụ kiện và về thi hành công lý, do đó các tiến sĩ Đàng Ngoài nghiên cứu kinh sách của ông một cách chuyên cần như chúng ta khảo sát hiến pháp hay bộ luật. Ông còn trình bày và phân giải những châm ngôn về chính trị và luật pháp tự nhiên. Vì thế ông nói trái với những nguyên lý của Kitô giáo và cũng không nói những gì bác bỏ hay bị kẻ tin theo lên án.

Nhưng khi ông đề cập trong một bộ sách về nguyên lý độc nhất của vạn vật thì ông rơi vào một cảnh hỗn độn to lớn và mù quáng trí khôn và lý luận không sao hiểu được. Ông nhận nguyên lý đệ nhất thuộc vật thể và vô tri không đáng được kính thờ. Thế nhưng ông muốn người ta tôn kính và thờ cúng Trời mà ông công nhận đã phát sinh và thoát ra từ nguyên lý đệ nhất mà ông chối không cho tôn thờ đó. Và những sự tôn thờ này ông còn cho rằng tất cả mọi người không đồng hàng xứng đáng được thực hiện, chỉ có các bậc vua chúa trị dân mà thôi, như thể nghĩa vụ tôn giáo không chung cho người dân cũng như bậc vua chúa. Lại còn đáng trách hơn nữa, trong giáo thuyết và kinh sách nhà hiền triết, đó là ông không đề cập đến đời hằng sống và hồn bất tử, nghĩa là ông chỉ coi con người thuộc về vật thể và nếu có hồn thì cũng là thứ hồn vật lý, chìm trong khối và tan trong các phần thân thể, như hồn súc sinh mà thôi. Ông cho con người chết là hết, không còn gì, những yếu tố cấp trên nhận di hài những phần tinh vi và những yếu tố cấp dưới thì nhận thi hài những phần thô kệch. Rõ ràng là đưa tới vô thần và mở xấu, chỉ còn để lại một hình ảnh, một cái bóng hay hiện tượng bên ngoài của nhân đức.

Thế mà người Đàng Ngoài, sang hay hèn đều có lòng tôn kính Khổng Tử rất mực thờ kính như một Thượng đế. Họ dạy con cái lòng tôn thờ đó ngay từ khi chùng còn nhỏ, vì ngay ngày đầu tiên đến trường để học chữ Tàu, thì ông thầy trước khi nhận trò làm môn đồ, đã quỳ gối cùng trò và dạy bái thứ nhất cho trò biết cách phải xưng Khổng Tử thế nào và phải kêu xin ngài phù hộ cho để được trí khôn minh mẫn và dễ dàng học những điều người ta chỉ bảo cho, gọi là sáng dạ nghĩa là có bụng sáng. Điều mơ ước này còn tha thứ được vì họ tưởng các khoa học cũng như thịt thà được nhận và chứa trong bụng; họ tin rằng từ một người chết và vô đạo, họ hy vọng nhận được một trí thông minh. Cả những tiến sĩ và các văn nhân cũng rơi vào điên cuồng này, khi họ đi thi để được bằng cấp, và khi được rồi thì tới phục dưới đất trước bàn thờ ông Khổng Tử để lễ tạ. Thật là một dị đoan điên dại thông dụng nơi lương dân. Nhưng giáo dân tân tòng chỉ nhận có Đức Giêsu Kitô là nguyên lý tối cao và là ánh sáng soi tất cả, do đó mà nảy sinh trí minh mẫn. Họ phục lạy ba lần trước ảnh Người, từ lúc còn thơ ấu, xin Người ban ơn vì được hạnh phúc khởi sự, được tiến bộ trong việc học hành và thành đạt trong thi cử. Họ còn tạ ơn Người vì những ơn huệ đã được.

CHƯƠNG 19

VỀ GIÁO PHÁI DỊ ĐOAN THỨ HAI

CỦA NGƯỜI ĐÀNG NGOÀI

Giáo phái thứ hai người Đàng Ngoài tin theo (gọi là Đạo Thích). Người sáng lập đạo này, theo kinh sách của họ và tập truyền của họ, là con một vua Ấn Độ, người Nhật gọi là Xaca, người Tàu gọi là Xechia và người Đàng Ngoài gọi là Thích Ca, mỗi nơi đọc sai đi một chút. Họ nói là ngài sống vào khoảng một ngàn năm trước công lịch37. Phụ thân ngài là Tịnh Phạn cai trị nước Ấn Độ cùng một thời với vua Salomon. Đức Thích Ca chưa đầy mười bảy tuổi thì đã kết duyên cùng một công chúa trẻ tuổi tên là Adulala, con gái một vua Ấn khác. Hai năm sau thì sinh hạ được một người con gái tên là Hầu La. Nhưng (…) ngài đã rút lui ẩn dật trong rừng hẻo lánh, ngoài ý của thân phụ ngài (người rất không bằng lòng), cũng như vợ ngài, bà rất phàn nàn về sự ly thân này. Sau năm năm ngài trở về cung điện vua cha (…), nỗ lực phổ biến học thuyết của mình trong tâm trí dân chúng. Nhưng vì do những nguyên lý đệ nhất của lý trí, tính tự nhiên con người không nhận sai lầm và khó bỏ được niềm tin tưởng từ bên trong cho biết là có một thần thánh, nghĩa là một hiện hữu và nguyên nhân đệ nhất làm cội nguồn cho tất cả những gì không thể hiện hữu tự mình được, nên ngài không tìm được kẻ tin theo ngài và làm môn đệ ngài. Đức Thích ca bực tức vì không được kết quả trong công việc, liền dựa vào lời bàn của thần thánh quen thuộc để (…) gieo rắc một thứ truyện hoàng đường về thần thánh (…) Thế là có thành quả ngay đến nỗi trong bốn mươi năm hoạt động …, vừa dựa vào quyền thế, vừa dựa vào ma thuật, ngài đã cho thành lập và phổ biến khắp An Độ tín ngưỡng trước đây chưa ai biết…

Ngài còn khôn khéo làm cho dân chúng theo tin tưởng mà ngài đã nghiền ngẫm, đó là những thưởng công trên trời đối với kẻ lành và hình phạt dưới địa ngục đối với kẻ dữ. Do cách này mà đạo được lan tràn ở An Độ (…) Ngài nói là tất cả những gì ngài giảng dạy chỉ là một bức màn che những bí quyết về thân xác mà ngài đã giải thích sơ lược (…) Thế rồi sau khi đã giảng dạy như vậy thì ngài qua đời…

Đạo Thích ca do ngài khởi xướng bởi đâu mà truyền đạt từ An Độ qua Trung Quốc, rồi sau đó vào tới Đàng Ngoài như chúng tôi đã nói, lúc đó chỉ là một tỉnh nội thuộc nước Tàu. Thật khó mà biết đích xác vì sự việc đã cũ kỹ lắm rồi. Nếu theo sử liệu Tàu thì do một sứ thần Trung Quốc đã được vua Hán Minh Đế phái tới Tây Phương để thỉnh chính đạo, theo như Thượng đế đã báo cho ông trong mộng. Đáng lẽ ông phải qua Tây phương, như lệnh và việc Người uỷ thác cho ông, nhưng ngại đường xa và những khó khăn hành trình, ông đã dừng lại ở An Độ. Ở đây ông học hỏi với Người Balamôn, được biết kinh sách và giáo thuyết Phật (nghĩa là) nhà hiền triết, tên người ta đặt cho, Thích Ca như chúng tôi đã nói. Ông đã đưa về cho vua Trung Quốc là người đầu tiên gia nhập vào nước mình đạo giáo này…

CHƯƠNG 20

VỀ CÁC THẦN THÁNH NGƯỜI ĐÀNG NGOÀI THỜ KÍNH

Mong sao cho người Đàng Ngoài đã rũ ách nô lệ người Tàu thì cũng bỏ được những dị đoan người Tàu truyền lại và dạy dỗ cho. Nhưng những nguyên lý tôn giáo dầu tốt dầu xấu đã ăn sâu vào lòng người do tập quán lâu đời thì không dễ dàng xoá bỏ đi được. Thế nên người Đàng Ngoài sau khi không còn chịu người Tàu đô hộ nữa thì vẫn còn duy trì những mê tín của họ và tất cả giáo thuyết về thần thánh du nhập từ An Độ. Từ đó tới nay họ còn thêm nhiều điều dị đoan khác trở nên mê tín hơn cả người Tàu. Thật ra ngày nay trong nước Đàng Ngoài có rất nhiều đền chùa và thần thánh, không một làng xã nhỏ bé nào mà không có chùa chiền và dân chúng rất mê theo, dù đền chùa đó dơ bẩn, bệ rạc vì các thầy sãi không sửa sang, thường nhận cúng lễ để chi dùng cho mình và cho vợ con mình, không chủ ý trang hoàng đền chùa và lau chùi tượng thánh cho sạch sẽ.

Nhưng mỗi tháng hai lần, nghĩa là vào ngày mồng một và ngày rằm, dân mộ đạo tới đền chùa nghi ngút khói hương, họ cầu khẩn và cúng tế. Họ rất kính cẩn tin theo, không một ai dù túng bấn đến đâu cũng không đem đồ lễ tới và đặt dưới chân tượng đầy bụi bặm. Rồi họ quỳ phục ít là bốn lần, mặt sát đất, sau đó (nếu không ai đi theo) họ tụng kinh và khấn vái, bắt đầu bằng việc xưng tên mình, quê quán, tưởng như thần thành không biết. Nếu có nhiều người và thường là như vậy, thì người nào giàu sang hơn lên tiếng thỉnh cầu nhân danh tất cả, những người khác chỉ đồng tâm theo bằng việc sấp mình xuống lạy. Còn các thầy sãi thì thu của lễ, dành cho thầy nhất và chính yếu sử dụng mà không ai được biết sử dụng và phân phát thế nào. Ay là chưa kể nhiều ruộng công dành riêng cho chùa chiền chính yếu mà các thầy sãi được thụ hưởng.

Thế nhưng ở xứ này không thấy có những cộng đồng các sư như ở Trung Quốc, mỗi sãi ông (tức thầy sãi chính yếu) ở một phòng sát cạnh chùa với bà vợ và con cái cùng những thầy sãi khác cũng làm việc trong chùa, coi như người phục dịch và thường là những hy sinh đời mình để phụng thờ thần thánh. Về các con của thầy sãi thì họ không để cho thừa kế chức vụ, trong khi còn sống họ tìm cho một chức vụ khác khá hơn, vì thế ở xứ này có dư luận không tốt đối với các thầy phục dịch mà họ cho là có khả năng hơn, có lòng nhiệt thành săn sóc chùa chiền và thần thánh hơn.

Số các thầy phục dịch không những được dùng trong chùa chiền mà cả trong các đám tang kẻ giàu sang, không phải để chôn cất, việc này thuộc về người khác, như chúng tôi sẽ nói sau, mà để tụng kinh cầu hồn ở giữa ngã ba đường phố, họ dựng bàn thờ với những đồ tang, các thầy đứng thành hai hàng và suốt đêm tụng niệm theo cung điệu rất bi thảm, với tiếng nặng nề và cao thấp không đều. Người ta còn nghe hát những kinh bằng thứ tiếng chính người hát cũng không hiểu, họ nói là các bậc tiền bối truyền lại, người ta cho là những kinh theo tiếng cổ An Độ từ buổi đầu đã truyền lại cùng với dị đoan.