LỊCH SỬ VƯƠNG QUỐC ĐÀNG NGOÀI (5)

từ năm 1627 tới năm 1646

Do Giáo Sĩ ALEXANDRE DE RHODES


CHƯƠNG 11.

NHỮNG ĐIỀU XẢY ĐẾN TRONG CUỘC HÀNH TRÌNH THEO CHÚA

Tất cả hành trình và con đường chúng tôi đi theo chúa về kinh thành, kể từ lúc rời bỏ tỉnh Thanh Hóa, đó là không qua đường biển mà qua đường các sông lớn chảy khắp xứ và thông với nhau rất thuận tiện, nên có thể từ sông này qua sông kia rất dễ dàng. Một hôm có tổ chức một buổi ca hát rất hay trong thuyền để mua vui cho chúa. Chúa phái người đưa một chiếc thuyền nhỏ sơn son thiếp vàng đến đón và đưa chúng tôi tới thuyền ngài, nơi ngài muốn cho chúng tôi dự buổi ca hát. Chúng tôi trịnh trọng đi theo và thấy chúa ham thích cách tiêu khiển tao nhã này. Chúa cho chúng tôi hân hạnh ngồi cạnh chúa và hỏi chúng tôi người ta đàn hát thế nào. Chúng tôi cắt nghĩa cho chúa biết qua, thế nhưng tôi rất khen (cho phải phép) ca nhạc của chúa.20 Khi tôi nói thì chúa để ý tới cỗ tràng hạt Đức Trinh Nữ buộc ở thắt lưng tôi. Chúa liền xin và khi nhận được thì chúa để vào cổ một đưa cháu gái đã ba năm đau bệnh ngồi trên lòng chúa và chúa vuốt ve (chúa chỉ cách dùng trong đạo ta) tưởng rằng đứa bé sẽ được lành bệnh nếu mó vào tràng hạt và được hồi phục sức khỏe thân xác mà không nghĩ đến sức khỏe linh hồn. Thế nhưng tôi suy nghĩ và đề cập tới liều thuốc phép thánh tẩy hiệu nghiệm hơn: tôi thấy nên hoãn lại cho tới khi về tới phủ chúa.

Thế nhưng (thật là thế sự đổi thay) khi chúa vui thích nghe ca hát, chỉ nghĩ đến thưởng thức thì có một sứ giả đến báo tin, nghịch thần chúa Canh thấy Đàng Ngoài cùng triều đình đang còn ở trong rừng núi, và thừa lúc vắng chúa vì bận việc chiến tranh nơi xa, liền kéo quân xuống miền đồng bằng và đổ vào các sông với hai trăm chiếc thuyền, để đánh phá trong nước và cướp bóc như thường lệ. Thế là chúa rất xúc động, ngài liền truyền cho tất cả đạo quân tiến đánh tên địch thù của nước chúa và sự an bình của toàn dân. Khi tên ngụy biết thì vội vã chuẩn bị trốn về miền rừng núi: thế nhưng muộn quá rồi. Chúa Đàng Ngoài cho một số rất lớn các thuyền chiến đi nhanh hơn thuyền của chúng rượt theo. Thấy quân chúa tới gần, ngụy quân không nghinh chiến nổi và cũng không cầm cự hết sức được, liền cho toàn quân bỏ thuyền và lẩn trốn trong đêm tối, vội vã rút lui qua cánh đồng, bỏ lại tất cả thuyền trống rỗng cho quân rượt theo. Thật là một thiệt hại lớn. Đạo binh chúa Đàng Ngoài, vào ban sáng, không thấy đoàn tàu ngụy chống cự, tất cả quân sĩ đã bỏ thuyền, thế là chúa cho lệnh lên bộ và hết sức lùng bắt. Nhưng vì chúng đã được cái lợi lớn là đi suốt đêm nên chỉ bắt được chừng năm mươi tên, chúa truyền chém đầu tất cả ở nhiều nơi khác nhau.

Phần tôi, thấy những người cùng khổ này bị điệu đi xử tử và không thể phân chia tôi cho mọi người để giúp họ chết lành, tôi đã theo một người và chạy lại gần hắn, tôi còn thời giờ giảng về những mầu nhiệm rất cốt yếu của đức tin và chuẩn bị cho hắn chịu phép rửa tội. Hắn vui lòng nhận. Tôi nhìn xem nơi nào có nước để làm phép rửa, nhưng chung quanh tôi không có. Tôi sợ quân lính hành hình trong khi tôi xuống sông lấy nước. Trong khi áy náy, tôi tiến lên mấy bước thì thấy có nước trong một hố đất vì đêm qua đã mưa. Tôi cho là không phải mưa để tưới đất mà là để cứu người cùng khổ này. Tôi lấy lòng bàn tay múc đủ để rửa tội và tôi đã rửa cho hắn đặt tên là Phêrô21 vì hôm đó là ngày lễ thánh Phêrô. Vừa làm xong nghi lễ thì tên lính đã chém một nhát gươm, hắn ngã xuống, hồn được sạch bởi ơn phép bí tích, lên trời (tôi tin vậy). Tôi chạy lại kiếm những người khác, hy vọng có thể cứu giúp họ, nhưng tôi chỉ thấy tất cả đã bị chém đầu, chỉ có một mình Phêrô nhờ Thiên Chúa (thật kỳ diệu sự tiền định nơi các thánh đã được chọn) đã nhận được ơn phép thánh tẩy; tôi chỉ làm được cho Phêrô mà không làm được cho những người khác, do Thiên Chúa đã thúc đẩy tôi.

Sau đó tôi trở về thuyền của chúa và thấy người ta đang chuyên chú chuẩn bị các nghi lễ dị đoan để chúa cử hành lễ tạ trời vì chiến thắng vừa được đối với quân nghịch thần. Tôi lại gần chúa và sau khi tỏ vui mừng vì chiến thắng hiển hách mà không hao tổn quân sĩ. Tôi cũng thổi phồng cái may mắn chúa được và cũng nhẹ nhàng làm cho ngài hiểu là nhờ Thiên Chúa, Đức Chúa trời đất ban cho mọi chiến thắng và người ta phải biết ơn, chứ không phải nhờ trời là một vật vô tri vô giác không thể biết việc chiến thắng ngài đã được. Ngài đáp lại ngài tạ ơn trời vì chiến thắng đã được, theo cách các tướng lãnh tin tưởng, và khi về tới phủ, ngài sẽ có thời giờ rảnh rang hơn để xem xét về cách tạ lễ và cám ơn khác. Vì không thể ngăn cản việc cúng tế dị đoạn, tôi lui về thuyền chúa đã chỉ định, chờ kết thúc phần còn lại của hành trình.

CHƯƠNG 12

CHÚNG TÔI MAY MẮN TỚI PHỦ CHÚA

VÀ LẦN ĐẦU TIÊN RAO GIANG PHÚC ÂM.

Chúng tôi đến xứ Đàng Ngoài lần đầu tiên vào đúng ngày lễ thánh Giuse vinh quang như chúng tôi đã nói ở trên, còn chúng tôi vào tới phủ chúa (Thiên Chúa sắp đặt như vậy) là ngày lễ Đức Trinh Nữ và Nữ vương Thiên quốc đi thăm viếng. Như vậy là nhờ những điềm rất tốt đẹp nơi Đức Nữ Vương cao cả mà ánh sàng Phúc âm gia nhập phủ chúa Đàng Ngoài, như thể Người đã đem phúc lành tới nhà thánh nữ Isave.

Ngày mồng 2 tháng 7 năm 1627, chúng tôi vào phủ chúa và kinh thành Kẻ Chợ tháp tùng chúa và đồng hành với chúa đi giao chiến với Đàng Trong về, hay đúng hơn mới ba ngày nay rượt đuổi chúa Canh và thắng một trận rất quan trọng đối với toàn quốc dân. Thực ra nếu chúa vắng mặt lâu hơn trong nước thì ngụy quân đã tước hết những lực lượng chính yếu của chúa và còn nhân cơ hội này thu được thắng lợi và lấy lại bốn tỉnh xưa kia đã chiếm giữ vì đã huy động một số lớn thuyền chiến và quân sĩ, hay ít ra ngụy quân cũng đánh phá vùng lãnh thổ thịnh vượng nhất trong nước mà chúng đã đột nhập. Vì thế đây là nguyên nhân của một niềm vui chung rất lớn trong toàn cõi: dân chúng tất cả đều ra khỏi phủ đi nghênh đón chúa, họ rước chúa như người thắng trận trở về và hoan hô theo ngài cho tới cung điện.

Chúng tôi theo vào phủ và ở trong đám người toàn thắng trở về, nhưng không biết sẽ cư trú ở đâu vì trong kinh thành chưa có ai trở lại làm giáo dân để cho chúng tôi trọ. Thế nhưng Thiên Chúa đã đánh động lòng một lương dân có thế giá tên là Măn tai22. Ông quý trọng chúng tôi và trước hết không cần kiểu cách ông dành nhà ông cho chúng tôi để chúng tôi lui về đó và thừa hành chức vụ, cho tới khi chúa ban cho chúng tôi một nơi ở, theo mối thịnh tình của ngài đối với chúng tôi thì chúng tôi có thể hy vọng thế. Thật là lạ lùng, viên quan này quí mến tất cả những công việc của chúng tôi. Ông còn dọn bàn thờ để chúng tôi dâng thánh lễ. Ông kiên trì nghe bài giáo lý và bài giảng. Ông còn muốn cho vợ ông và tất cả gia nhân (sau khi được dạy dỗ về đức tin của đạo ta) thì xin chịu phép rửa tội, còn ông thì không, vì chưa đủ sẵn sàng, còn vướng mắc một vài điều ông chưa đủ can đảm thắng đoạt. Ông luôn luôn cam đoan rằng ông sẽ chưa chết khi chưa được chịu phép thánh tẩy, ông chỉ xin khất tới thời gian khác mà thôi. Thế là ông nuôi niềm tin tưởng và ao ước của những kẻ mong muốn điều lành cho ông, muốn cởi những dây trói buộc tự do của ông. Ông phiêu lưu trầm trọng trong công việc cứu rỗi vì không thể nắm chắc ơn Thiên Chúa trong thời gian đó, ơn mà ông vẫn lần lữa đợi thời quá mức và trì hoãn việc trở lại tới một ngày mai. Nhưng Thiên Chúa nhân hậu nhận lời cầu nguyện của vợ con ông và có lẽ nhờ vào việc bác ái trọng khách ông đã tận tâm làm, mà Thiên Chúa đã chờ ông mười năm sau khi ông ngã bệnh. Vợ ông, một bà nhân đức tên là Agata liền cho chúng tôi hay, thế là chúng tôi rất sẵn sàng và vui vẻ đến ngay để giúp ông lần cuối cùng, bù đắp lại ơn chúng tôi đã được. Thấy ông đã sẵn sàng chịu phép rửa tội vì đã đuổi ra khỏi nhà ngăn trở chính yếu không cho ông trở lại, hơn nữa từ lâu ông đã hiểu biết mọi mầu nhiệm và các điều về đức tin, chúng tôi rửa tội cho ông và đặt tên là Gioan. Sau đó không lâu ông đã tắt thở và hạnh phúc (như chúng tôi hy vọng) bước qua đời này về đời hằng sống và hoan hỉ.

Vừa được tin chúng tôi tới phủ và đã ra nhà ở, thì rất đông người thuộc mọi tầng lớp tuốn đến. Chúng tôi rất khó nhọc mới làm hài lòng tất cả. Người nổi bật nhất và cũng là người thứ nhất trong đám người chịu phép rửa tội và nhận đức tin, chính là bà em gái của Chúa. 23 Bà rất thông chữ hán lại rất giỏi về thơ, chúng tôi gọi bà là Catarina vì bà giống như thánh nữ, về nhiệt tâm cũng như về đạo hạnh, về những đức tính tinh thần cũng như sang trọng về dòng họ. Thế là bà đã nhanh nhẹn thông báo cho cụ thân mẫu ơn Thiên Chúa đã ban cho bà và đưa bà vào đạo Kitô. Thật là một thu phục rất quan trọng của giáo đoàn mới khai sinh này. Vì bà rất tinh thông hán học và trước đây bà rất sùng đạo tà cho nên các vị sãi gọi bà là thầy nghĩa là bậc tôn sư, vì khả năng bà có để giáo huấn kẻ khác. Bây giờ bà thay đổi đạo bà cũng thay đổi chức vụ, bà chuyên chú giáo huấn các bà còn trẻ về phong cách và đạo đức Kitô giáo.

Còn con gái bà, bà Catarina, bà ham mê học biết và suy ngắm các mầu nhiệm và vì bà rất giỏi về thơ bản xứ 24 nên bà đã soạn bằng thơ rất hay tất cả lịch sử giáo lý, từ tạo thiên lập địa cho đến Đức Kitô giáng thế, cuộc đời, sự thương khó, phục sinh và lên trời của Người. Lại còn thêm ở cuối bài thơ, một đoạn tường thuật việc chúng tôi tới Đàng Ngoài và công cuộc khởi sự rao giảng Phúc âm. Tác phẩm này rất có ích vì không những giáo dân tân tòng ngâm nga trong nhà, nơi thành thị cũng như chốn thôn quê, mà cả nhiều lương dân khi ca hát và thích thú về lời ca dịu dàng thì cũng học biết những mầu nhiệm và chân lý đức tin.

CHƯƠNG 13

VỀ MỘT THẦY SÃI DANH TIẾNG TRỞ LẠI

VÀ NHIỀU NGƯỜI KHÁC THẦY ĐƯA VỀ ĐỨC TIN

Đây là một điều chúng tôi nhận thấy ở xứ Đàng Ngoài, trong tất cả lương dân chúng tôi săn sóc và cố gắng làm cho họ nhận biết đức tin đích thực thì không thấy ai sẵn sàng tin theo đạo ta hơn, kiên trì giữ đạo ta hơn những người trước kia rất sùng tà đạo. Trong những người thờ dị đoạn, ở đây có lý mà kể tới một thầy sãi rất được trọng kính, ngụ ở một thôn tên là Vũ Xá xa kinh thành chừng một hay hai ngày đường. Thầy được chọn vì đức hạnh gương mẫu do một cung phi có quyền có thế trong thôn xóm, để trông coi một đền tà đạo bà đã cho xây cất. Trong đền có một bàn thờ ở cuối và một khám chạm trổ rất đẹp, sơn son thiếp vàng và trang trí tranh ảnh, bà điên dại tin rằng sau khi bà mất thì hồn sẽ ở trong khám đó. Nhưng đột nhiên thầy sãi nhận sự giáo huấn của chúng tôi, lại được ánh sáng đầu tiên của ơn Thiên Chúa và được gọi gia nhập đạo Kitô. Thầy không màng tới lợi lộc trần gian và lòng tin tưởng của kẻ đã đặt thầy lên chứ vụ săn sóc đền. Người này rất có thể nổi giận nếu thầy bỏ họ. Thế là thầy ra đi như thể ra khỏi một nơi có hại cho niềm tin thầy sắp nhận và với vợ thày lui về nhà tư để sốt sắng dọn mình chịu phép rửa tội. Thầy sãi này được gọi là Antôn và vợ là Paula. Từ đó Antôn hết sức nhiệt thành, làm cho ơn đã nhận được sinh hoa kết trái, nhà thì biến thành nhà thờ, và vì thầy có danh tiếng nên thầy hô hào và thôi thúc dân trong thôn xóm này lũ lượt kéo đến để chịu giáo huấn, còn đền tà đạo thì vắng ngắt, không tìm được ai thay thế sau khi Antôn đã bỏ. Thế là bà cung phi có quyền thế trong vùng, khi biết sự việc xảy ra thì như điên rồ. Bà nhờ người em bà giữ chức cai quản thôn xã thay bà phải làm cho thầy sãi trở lại đạo, phải tái hồi nhận chức vụ cũ và trong trường hợp thầy từ chối thì phải trừng trị, đem ra phố chợ đánh đòn. Ông này thừa hành ngay, vì Antôn can đảm từ chối. Người ta trói thầy vào cột giữa chợ và dữ dằn đánh đòn trước mặt cả dân xã rùng mình ghê sợ. Nhưng Antôn can tràng chịu đựng, không nản lòng vì bị hành hạ bất công đến thế, trái lại, còn hiên ngang vì được làm chứng giữa nơi công cộng về đức tin của mình. Thầy còn nhiệt thành hơn trước để rao giảng Phúc âm Đức Kitô và mời gọi mọi người vào hàng ngũ mình. Trong khi đó Paula không nhường cho chồng phần nhiệt thành và đạo hạnh. Paula chuyên cần giáo huấn phái nữ và chuẩn bị cho họ chịu phép thánh tẩy. Bà cung phi được tin thì bà đổ cơn giận lên đầu Antôn. Nhưng bà sợ không dám giết một người lương thiện không chê trách vào đâu được, bà chỉ có quyền trục xuất thầy ra khỏi lãnh địa của bà và tịch thu tài sản. Cón thầy, thầy can đảm bỏ hết vì Thiên Chúa và vì vinh quang thánh danh Người. Thầy không buồn phiền vì thiếu thốn, nhưng chỉ buồn phiền vì phải xa chứng một trăm giáo dân thày đã chinh phục được cho Thiên Chúa, những ngườinày con ngây gại trong đức tin và yếu đuối khi phải chống cự cơn dỗ dành tàn bạo. Chính họ cũng rất buồn sầu không ai yên ủi được vì thấy mình trong một ngày mất hai người thiết yếu, họ coi như cha như mẹ. Cơn sầu muộn cũng được dịu bớt vì trong bơ vơ họ xoay trở cách khác, nghĩa là họ làm các việc đạo đức trong một thôn khác thuộc về một quan khác, nơi họ tin chắc được tiếp nhận và được tự do tỏ niềm tin như trước.

Cuộc đầy ải Antôn do dục vọng của một người đàn bà ngạo mạn gây nên, thực ra lại có lý do và chiều theo dự định của Thiên Chúa. Thiên Chúa quan phòng đã như phái Antôn tới lãnh thổ xa lạ để thầy khôn khéo và nhiệt thành dạy dỗ nhiều lương dân nhận đức tin. Thế nên vừa tới nơi, thầy đã bắt đầu làm chức vụ thầy giảng và làm tông đồ, giảng dạy và công bố các mầu nhiệm đạo tà, lay động lương tâm, thuyết phục các tâm hồn và tấn công ma quỷ. Thực thế, không bao giờ thầy tới kinh thành, (thầy thường tới) mà không dẫn người theo để xin chịu phép rửa tội, lần thì hai mươi, lần ba mươi và một lần tám mươi giáo dân tân tòng. Trong số này có nhiều người tinh thông hán học mà chính thầy thì không giỏi cho lắm và nơi người Đàng Ngoài, những người không có khả năng như thế thì thường không được trọng: nhưng Thánh Thần Thiên Chúa ngự trị trong linh hồn thầy và thúc đẩy tất cả những gì nơi thầy, để làm cho thầy được trọng kính, ngay đôi với những kẻ cứng lòng nhất. Có lần thầy nhận thấy một giáo dân tân tòng biếng nhác việc đạo đức và vô cớ bỏ lễ chủ nhật và hội họp chung, thế là thầy đến tìm và báo cho biết tình trạng xấu ông đang sống và cái vực sâu mở rộng cho tan hoang đổ vỡ. Thầy cho biết phải sẵn sàng trở về với bổn phận và theo ơn Thiên Chúa. Thầy cũng đưa ra gương viên trưởng đội Longinô, từ vết thường dữ dằn nơi nương long Chúa Cứu thế, đã nhận được ánh sáng và ơn thiên quốc. Phần chúng tôi, chúng tôi cũng không biết thầy đã học từ người nào khác ngoài Đức Thánh Linh, về thí dụ mà thày đã dùng để thuyết phục người giáo dân sa ngã.

CHƯƠNG 14.

MỘT SỐ ĐÔNG LƯƠNG DÂN CHỊU PHÉP RỬA TỘI

Không xa kinh thành có một cầu danh tiếng gọi là Cầu Giền, tên cả một vùng lân cận có nhiều người lương dân ở, cả đàn ông và đàn bà, cùng chung một nghề riêng. Họ góp sức làm những việc công ích như sửa cầu đổ, cất nhà cho khách hành hương và những việc tương tự. Mà vì những người bên phái nam làm nghề này thì gọi là sãi, còn về phái nữ thì gọi là vãi và để chỉ chung địa vị và chức nghiệp củ họ thì gọi bằng một tên ghép là sãi vãi. Do đó mà những việc từ thiện như thế thì được gọi là sãi vãi. Vậy có một số đông sãi vãi ở thông Cầu Giền, xa kinh thành chừng nửa dặm, được tin chúng tôi tới và được một ơn bí ẩn nào đó của Đức Thánh Linh đánh động, họ tức khắc kéo từng đoàn lũ đến tìm chúng tôi, bất chấp thời tiết mưa dầm và đường xá lẫm lội, để được chịu giáo huấn về đạo chúng tôi rao giảng. Rồi từ đó họ tỏ ra rất ham học hỏi, không bỏ một ngày nào, bất chấp thời tiết nào, họ siêng năng tới nhà thờ vào giờ chúng tôi dạy giáo lý. Thế là ít lâu sau mười hai người trong bọn họ đã học được đầy đủ hơn thì được chịu phép rửa tội. Những người này từ đó giúp rất nhiều cho việc tiến triển Kitô giáo trong xứ này và rất nhiệt thành xây cất và trang bị bệnh viện thứ nhất để đón nhận người nghèo, được dựng lên trong xứ Đàng Ngoài.

Không phải chỉ có kẻ thờ tà thần và những người chất phác mới đón nhận ách chân lý, mới được gọi là tin theo Kitô giáo trong những buổi đầu này, nhưng còn có nhiều văn nhân và người trí thức đến với chúng tôi, rất mực khiêm tốn, đến lãnh nhận những giáo huấn tiên khởi về đức tin. Trong số này có một ông Nghè (tên gọi những văn nhân đã hay đang giữ chức vụ một nhiệm sở nào) đã bảy mươi tuổi. Ông tới cùng bà vợ cũng đã có tuổi, xin chịu giáo huấn chúng tôi giảng cho những người khác và sau đó xin chịu phép rửa tội. Hai ông bà tỏ ra biết ơn Thiên Chúa đã chờ họ lâu năm đến thế và gìn giữ họ cho tới tuổi này để đem ánh sáng đức tin soi cho họ. Họ hết sức khoe ơn họ được và để tỏ lòng biết ơn họ dẫn tới chúng tôi một số họ hàng từ các tỉnh khác nhau, để những người này được hưởng sự lành thánh họ rất quí trọng. Sau ông này còn một ông cử trẻ tuổi rất khôn ngoan, ông không mặc cả nhiều về sự trở lại và được gọi là Gioan khi chịu phép rửa tội, rồi từ đó rất vui sướng được gieo rắc tâm tình của mình vào tâm trí thân mẫu và tất cả gia đình. Ông dẫn tất cả tới chúng tôi, tất cả đã hiểu biết giáo lý của đạo, để được chịu phép rửa tội. Thân phụ ông thì bằng lòng, nhưng chưa đủ tâm huyết và chưa nhất định tin theo. Ngay từ buổi đầu có nhiều văn nhân đi lại nhà chúng tôi. Họ đến vì tọc mạch hơn là vì nhiệt tình tin theo hoặc vì mong muốn học hỏi những gì có ích cho họ; thế nên không sinh nhiều hoa trái, vì họ bị mù quáng bởi tinh thần hư vô tự mãn của họ, họ tìm cách chống đối những điều chúng tôi nói và giảng về các mầu nhiện hơn là chịu giáo huấn bổ ích cho họ. Thật là xác minh lời Con Thiên Chúa đã phán: nhiều người được gọi, nhưng ít kẻ được chọn.

CHƯƠNG 15.

CHÚA ĐÀNG NGOÀI CHO DỰNG GẦN CUNG ĐIỆN NGÀI NHÀ Ở VÀ NHÀ THỜ CHO CHÚNG TÔI THƯA HÀNH CHỨC VỤ CHO RẤT ĐÔNG GIÁO DÂN.

Tàu người Bồ đã đem chúng tôi tới Đàng Ngoài, nay sắp sửa trẩy đi, nhưng chúa đã gia ơn giữ chúng tôi lại, lại còn quá tốt muốn viết một thư lịch thiệp gửi tàu đem tới cha Anrê Palmier lúc này làm kinh lý để cám ơn cha đã phái chúng tôi đến nước ngài và trình bày cho cha biết ngài hài lòng về việc chúng tôi tới. Để tỏ lòng quí mến và trang trọng, ngài không muốn viết trên giấy bản xứ quá thông thường (mặc dầu có giấy rất đẹp vẽ hoa và thiếp vàng rất nghệ thuật) nhưng trên một tấm bạc tráng mỏng rồi khắc và gấp thành cuộn.

Thế nhưng tàu gặp tai nạn và đắm ở đảo Hải Nam. Thế là bức thư của chúa rơi vào tay dân đảo vì họ lượm nhặt được những mảnh tàu đắm. Sau đó cha Palmier đã chuộc lại và đem về Macao.25

Nhưng rồi chúng tôi thấy nhà chúng tôi ở chật hẹp quá, khó thừa hành các chức vụ và không đủ chỗ cho số rất động người đến với chúng tôi. Chúng tôi liền vào chầu chúa và từ tốn trình bày sự khó khăn, xin ngài cho chúng tôi một nơi nào khác thuận tiện hơn và ngài cho là tốt hơn. Không những chúa ưng thuận và còn gia ơn quyết định dựng cho chúng tôi một nhà ngay trong phủ chúa. Thế là chúng tôi chọn nơi chúng tôi cho là thuận tiện cho chức vụ chúng tôi và ngài sẽ tức thời cho xây cất phù hợp với việc sử dụng của chúng tôi. Về điều này không thiếu người có ý tốt khuyên chúng tôi nhận lời Chúa và ở bên trong luỹ phủ để bảo đảm về nguy cơ hỏa hoạn thường xảy ra trong kinh thành cũng như về trộm cướp thường có do những kẻ gian hoành hành. Thế nhưng vì việc ra vào đi lại phủ chúa có nhiều thủ tục nên rất khó cho giáo dân tân dòng lui tới, chúng tôi liền chọn ở ngoài phủ với một chút bất tiện, tuy không xa, để dễ đi vào chầu chúa khi được vời. Thế là trong một ít ngày sau, chúng tôi đã được một nhà do lệnh chúa cho dựng, ở địa điểm chúng tôi chọn, với tất cả nhựng sự thuận tiện chúng tôi mong muốn. Ngôi nhà chỉ bằng gỗ theo kiểu nhà người bản xứ, nhưng khá rộng và cấu trúc cũng giống như các nhà của những bậc quyền quí. 26

Thế là vào cuối tháng 9, bốn tháng sau khi chúng tôi tới kinh thành, chúng tôi sang ở nhà mới, một phần dùng làm nhà thờ và là nơi (ngay sau khi chúng tôi tới ở) rất đông người tới, đến nỗi chúng tôi phải giảng mỗi ngày sáu buổi, ba buổi vào ban sáng và ba buổi vào ban chiều, để làm thỏa mãn sự chờ đợi của những người liên tiếp luân phiên nhau tới. Kết quả lượm được từ những việc chúng tôi làm và từ hạt giống lời Thiên Chúa chúng tôi gieo thì rất lớn đến nỗi chúng tôi phải bỏ ra hai ngày trong tuần để làm phép rửa tội cho những người xin và thường là hai mươi và thỉnh thoảng tới bốn mươi, trong số đó có người thuộc thành phần quyền quý, cả trong hoàng tộc. Thực ra ngay từ đầu chúng tôi còn phải đáp lại những câu phản đối giáo lý chúng tôi rao giảng. Không những việc này làm xáo trộn thứ tự các bài giảng, làm mất thời giờ quí giá dành cho họ để đáp lại câu họ chất vấn và giải quyết những nghi ngờ, nhưng còn gieo xáo trộn tâm trí và ngăn cản không cho Phúc âm sinh hoa kết trái. Thế là chúng tôi quyết định không nhận cho ai chất vấn nếu suốt tám ngày27 chưa nghe liên tục chúng tôi giảng giáo lý. Kết quả hoặc là những kẻ có tinh thần soi mói rút lui vì không đủ nhẫn nại chờ cho tới cuối, hoặc là họ kiên trì nghe suốt thời gian đã chỉ định, họ được soi sáng về các nghi ngờ và không còn gì phản đối. Như vậy ít mất thời giờ và ít có nguy cơ làm xáo trộn những thính giả thiện chí và có những tranh luận phù phiếm.

CHƯƠNG 16.

PHƯƠNG PHÁP CHÚNG TÔI DÙNG ĐỂ DẠY GIÁO LÝ.

Mặc dầu có nhiều người rao giảng giáo lý Phúc âm cho những nước lương dân chủ trương trước hết phải hủy diệt sai lầm và tà giáo làm cho tâm trí từ bỏ những quan niệm mơ hồ, trước khi xây dựng và giảng dạy những điểm và những nguyên lý của Kitô giáo, theo lệnh Thiên Chúa đã truyền cho một tiên tri rằng: Ta đặt người để diệt và nhổ, để dựng và trồng, còn về mầu nhiệm cao cả về Thiên Chúa Ba Ngôi thì chỉ trình bày cho người tân tòng vào lúc họ đã sẵn sáng chịu phép rửa tội, trước là để không làm rối trí họ vì những hoài nghi có thể nảy sinh về mầu nhiệm cực kỳ cao cả và khôn lường đó. Thế nhưng theo kinh nghiệm, giữa hai cách trên đây, tôi chọn một phương pháp giáo huấn cho các dân nước này.28 Nghĩa là không chống đối sai lầm các giáo phái Đàng Ngoài trước khi đặt một số các nguyên lý mà chỉ ánh sáng tự nhiên cũng hiểu biết được, như về việc sáng tạo vũ trụ, về cứu cánh và nguyên lý tuyệt đối vạn vật đã được dựng nên và về an bài những loài có lý trí và nhiệm vụ phải nhận biết Người và phụng thờ Người.29 Như vậy để đặt vào tâm trí họ một nền tảng chắc chắn trên đó đều dựa vào mọi niềm tin khác để không làm cho họ chán nản khi nghe người ta đả phá và khinh dể những thờ tự của mình mặc dầu là giả dối và những tập tục mê tín, đó là sự thường xảy ra. Tôi đã thành công hơn, theo như tôi nhận xét, nếu tôi đem cho họ một ít tâm tình hiếu thảo và mộ mến tự nhiên đối với Đấng Hóa Công và Nguyên lý đệ nhất bản thể họ. Rồi khi đề cập tới truyện đại hồng thủy và lộn lạo các ngôn ngữ thì cho họ biết sợ Thiên Chúa họ phải tôn kính và thờ phượng, từ đó mới đả phá tà đạo mà ma quỷ cũng chỉ đưa vào thế gian sau đại hồng thủy.30 Rồi sau đó tôi mới đồng ý với những người khác và chưa trình bày cho lương dân mình muốn chinh phục những mầu nhiệm Ba Ngôi thánh, sự Nhập thể và thương khó của Con Thiên Chúa và gieo mầm các chân lý đó trong tâm hồn họ, trước khi nhổ những sai lầm và mê tín dị đoan.31

Thế nhưng tôi thiết nghĩ không nên chờ tới lúc gần chịu phép rửa tội mới giảng cho kẻ tân tòng về niềm tin Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng nên bắt đầu trình bày mầu nhiệm này đã rồi mới dễ dàng xuống tới sự nhập thể Con Thiên Chúa là Ngôi thứ hai, sau đó nói về việc Người chịu thống khổ để cứu chuộc trần gian bị sa đọa vì tội lỗi, về phục sinh và những mầu nhiệm khác trong đạo. Đó là thứ tự và phương pháp các tông đồ đã giữ trong kinh tin kính và truyền lại cho chúng ta. Phần tôi, suốt bao nhiêu năm tôi giảng dạy lương dân, chưa bao giờ tôi thấy người nào thối lui vì đức tin của ta, vì sự trình bày bí ẩn không thể hiểu nổi của mầu nhiệm Ba Ngôi. Trái lại tôi thấy họ khó tin hơn về mầu nhiệm nhập thể. Lý do là vì họ không cho là kỳ dị Đấng Thiên Chúa với lý luận tự nhiên họ coi là bản thể khôn lường và cao cả vượt lên hết mọi nhận thức, Đấng không thể dùng lời mà cắt nghĩa những đặc tính và khó trình bày cho người ta tin theo được. Nhưng điều rất khó đối với chúng tôi là thuyết phục được rằng Đấng là một Thần Linh thuần túy, hằng hữu và bất tử, Đấng ngự trên trời vinh quang chói lọi, lại mắc lấy xác thịt, sinh trong thời gian, chết (như mọi người) và chịu đủ thứ cực hình và thống khổ. Vì thế khi phải trình bày cho kẻ tân tòng những mầu nhiệm thương khó thì phải rất khôn khéo và làm khác với cách chúng ta trình bày cho giáo dân của ta và phải giữ ba điều này.32 Thứ nhất phải nhấn mạnh đến những điều lạ xảy ra khi Đức Kitô tắt thở, như thể toàn vũ trụ đều kinh sợ vì tội phạm tới bản thân Người, tỉ như mặt trời không chiếu sáng và không muốn soi cho trái đất đã phạm tội ghê gớm tới Người, tỉ như mồ mở tung và muôn loài tỏ ra sự đau đớn vì Đấng dựng nên mình đã tắt thở. Do đó kết luận rằng nếu Người tắt thở thì là vì Người muốn và vì Người cho phép kẻ sát nhân thi hành để cứu chuộc và cứu rỗi loài người. Thứ hai sau khi đã cắt nghĩa Người đã chịu thống khổ và chịu chết vì Người muốn tỏ tình thương bao la và nhân đức đặc biệt, thì lúc đó lần đầu tiên trưng bày ảnh thánh giá để cho họ tôn thờ, với nến thắp và những nghi lễ tôn sùng tương tự. Thứ ba, không bao giờ cắt nghĩa sự thương khó và sự chết của Chúa Cứu thế mà không tức khắc kể truyện Người sống lại hiển vinh, thực ra Người tự quyền phép mình mà sống lại ngày thứ ba và toàn thắng ra khỏi mồ người ta đã chôn cất Người, để cho thấy rõ nếu Người đã tự cho mình sự sống bằng thắng cái chết, thì Người là Chủ sự sống và sự chết và như vậy người có quyền không để cho mình chết và tự cứu mình khỏi tay người Do Thái, nếu Người muốn. Và lời giảng này phải được lắp lại luôn và in vào tâm khảm, để họ được lòng mộ mến và kính trọng Chúa Cứu Thế. Kinh nghiệm cho chúng tôi nhận thấy rằng họ càng mộ mến và tôn thờ sự thương khó Chúa Cứu Thế thì họ càng là những giáo dân vững chãi và kiên trì thực hành nhân đức.

CHƯƠNG 17.

MẤY CƠ HỘI LÀM CHO GIÁO DÂN RẤT VỮNG LÒNG TIN

Trong những người kiên trì đến nghe giáo lý chúng tôi giảng dạy mỗi ngày trong nhà thờ, có một thầy sãi mà hoàng thái hậu, trước khi trở lại đạo đã trao cho chức vụ quản lý một trong những đền tà thần, ở cạnh phủ chúa mà bà đã cho xây cất. Trong năm ngày liền ông đến dự và đặc biệt chăm chú nghe chúng tôi cắt nghĩa giáo lý. Nhưng đến ngày thứ năm vợ ông hốt hoảng và giận dữ như một nữ thần nông chạy đến. Thấy ông trong đám người nghe, bà liền mắng ông: kìa, bây giờ ông điên rồi, ông mất trí khôn rồi, ông đi theo một đạo bắt ông phải bỏ thần bỏ thánh bỏ đền. Hừ, ông điên rồi, ông bỏ việc quản lý đền thì ai sẽ nuôi ông, ông lấy của đâu bảo dưỡng cả nhà, vợ ông, con cái ông? Ông kiếm đâu ra để chi tiêu vào tất cả sự cần dùng? Thế là bà lớn tiếng giận dữ kêu la, còn ông sãi thì không hé môi đáp lại một lời hay cưỡng lại khi bà lôi ông ra khỏi nhà thờ và dẫn ông về nhà. Ông đã có thái độ hèn nhát làm cho những người đặt hy vọng vào ông thì đều tiếc.

Nhưng sự hèn nhát của ông sãi này không ít làm cho kẻ tân tòng thêm mạnh tin, do một câu truyện ông này đã kể và (không còn nghi ngờ gì nữa) đây là hiệu quả của việc Thiên Chúa quan phòng đặc biệt. Ông sãi này lúc đó có tâm hồn thấm nhuần mọi điều trong giáo lý đạo Kitô mà ông đã nghe, một buổi sáng ngày chủ nhật kia ông bước vào nhà thờ, vào đúng giờ giáo dân sửa soạn dự thánh lễ. Ông giơ cho xem một cuốn sách bằng chữ hán ở trang đầu có in thánh danh Chúa Giêsu bằng chữ đại tự. Tôi đã coi và tức thì nhận thấy đây là sách từ Trung Quốc đưa về do một cha dòng chúng tôi soạn. Nhưng tôi bỡ ngỡ tự hỏi bởi đâu ông sãi lại có trong tay cuốn sách này. Thế là ông kể cho biết, khi xưa thân phụ ông đi theo sứ thần cứ ba năm một lần sang thăm viếng và triều cống vua Trung Quốc, chính thân phụ ông đã đem sách này từ triều đình Bắc Kinh về.33 Cha ông cẩn thận giữ sách này cho tới khi mất, lối lại cho các con và như một kho tàng quí báu ông mến chuộng hơn tất cả của cải nào khác, chính cha ông cũng cho biết thêm là khi ở Bắc Kinh đi theo sứ thần thì cha ông đã được những tiến sĩ đại Tây dương làm quà cho, lại căn dặn rằng người nào tin và giữ điều chứa trong sách này thì sẽ vượt qua đời này cách lành thánh và sung sướng vào thiên quốc. Từ khi thân phụ ông mất để ông mồ côi từ nhỏ, mới lên sáu tuổi, ông quí mến giấu sách này trong một nơi kín trong ba mươi năm trời, rồi thỉnh thoảng mở ra và đọc những điều trong sách, ông chẳng hiểu gì cho tới ngày cuối cùng đây, sau khi nghe giảng, ông bắt đầu hiểu một chút. Tôi hỏi xem ông có biết nghĩa những chữ đại tự in ở đầu cuốn sách, nhưng ông thành thực trả lời là không. Thế là tôi đem cho ông coi những chữ như thế trong một cuốn sách của chúng tôi, đó là thánh danh Đức Giêsu. Đây là việc làm cho hết các kẻ tân tòng đều mừng rỡ và làm cho họ càng tin những chân lý chúng tôi giảng dạy. Họ đã nhận thấy, khi tôi cho họ coi, là nội dung cuốn sách ông sãi đem tới cũng là nội dung giáo lý của họ, không khác về thứ tự các điều, hay phương pháp giảng dạy. Giáo dân chúng tôi yêu cầu ông sãi để lại sách đó cho chúng tôi để chúng tôi sao chép lại, nhưng ông không chịu và muốn đem về. Ông cũng chân thật cho mọi người biết, cũng không ai ép uổng ông, rằng đức tin Kitô giáo bàn giải trong cuốn sách của ông và đức tin chúng tôi rao giảng đều phù hợp nhau, đó là đường cứu rỗi đích thực và bảo đảm. Và nếu chính ông chưa tin theo điều lương tâm nói thì là tại sự nghèo khó, bởi ông không có phương tiện sinh sống ở chỗ nào khác, không có cách nào nuôi gia đình ngoài việc phục dịch trong đền. Ước gì Thiên Chúa cho ông một ngày kia nhận biết Người và thắng được trở ngại còn giữ ông trong tà đạo.

Giáo dân tân tòng còn được vững đức tin và quí mến thực hành đạo Kitô khi thấy nhiều phép lạ Thiên Chúa làm trong cùng một thời gian này bởi phép cây thánh giá và nước thánh, nhất là khi chúng tôi làm cho các bệnh nhân, cả người hấp hối và những người bị thần dữ ám. Bởi thế khi chúng tôi được mời tới giúp những kẻ xin chúng tôi (mà thường chúng tôi chưa đủ sức làm hết) có rất nhiều lương dân đi theo chúng tôi, trà trộn với giáo dân và kẻ tân tòng, họ đón đường chúng tôi đi qua. Họ tọc mạch đến xem nghi lễ đặt tay trên bệnh nhân; chúng tôi đặt tay trên người bệnh, rẩy nước thánh và đặt thánh giá trên người bị quỉ ám. Họ thường rất bỡ ngỡ và rất mừng thấy bệnh nhân được khỏi tức thời và người bị quỉ ám được thoát khỏi ma quỉ hành hạ.

CHƯƠNG 18.

GIÁO DÂN TÂN TÒNG DÙNG NƯỚC PHÉP VÀ THÁNH GIÁ

LÀM PHÉP LẠ CHỮA NGƯỜI BỆNH.

Người ta có thể áp dụng rất đúng vào giáo hội mới Đàng Ngoài lời thánh Grêriô Cả nói về giáo hội nguyên thủy: như phải tưới cho cây non vừa mới trồng cho tới khi chúng đâm rễ và bám chắc trong đất thì giáo hội Kitô sơ khai cũng phải được bồi dưỡng bằng những phép lạ, cho tới khi lớn lên và có đủ sức để tồn tại. Và tôi cũng muốn nói rằng vào buổi đầu để tăng sức cho giáo dân tân tòng của giáo hội Đàng Ngoài thì Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ để ưng chuẩn niềm tin họ xưng tụng. Họ thường vẩy nước phép hay cho bệnh nhân uống từng giọt nhỏ mà chữa khỏi nhiều thứ bệnh. Vì thế họ rất sùng kính nước thánh. Không những họ giữ trong nhà mà còn khi đi đường đem theo những lọ nhỏ như một thứ nước hoa thơm quí báu để dùng cho mình và cho người khác.

Có một quan binh tên rửa tội là Simon, ông trở về quê quán xa kinh thành chứng mấy dặm. Ông xin chúng tôi một lọ con đựng đầy nước thánh để đem theo. Vừa tới nhà, ông thấy có nhiều đồng hương bị bệnh, ông đã chữa cho lành hết, bằng cho uống một chút nước phép. Vì rất đông người từ các nơi mời ông tới và ông chỉ cho uống một vài giọt thế mà trong một thời gian thì đã gần hết. Thấy chỉ còn chút ít dưới đáy và không muốn để cho người khác mời ông tới không nhận được ơn lành bệnh họ mong mỏi, ông liền nhất định, mà hẳn là Thiên Chúa gợi lên cho ông, đi đến một suối nước trong núi gần đấy, ông đổ đầy nước suối vào, ông cũng ngây thơ vô tội đọc mấy kinh công giáo ông đã học và bỏ mấy hạt muối vào như ông đã thấy chúng tôi làm. Và thật kỳ diệu, từ đó ông cho rất nhiều bệnh nhân uống và họ được lành tất cả, Thiên Chúa cho vậy, như Người đã làm trong Giáo Hội nguyên thủy.

Có một viên quan lớn, còn là lương dân, rể của chúa, thấy trong một thôn thuộc lãnh thổ mình hầu hết dân đều bị chứng bệnh truyền nhiễm phá hoại cả một miền và đem đi một số dân làm cho lợi nhuận của ông sụt xuống trầm trọng. Ông đến khẩn khoản chúng tôi đem thuốc đến chữa và nhất là đem nước phép để chặn đứng thứ bệnh dịch tàn phá mọi vật. Để làm việc này ông truyền cho hai gia nhân đưa hai bình lớn để đem đầy nước chúng tôi làm phép về. Chúng tôi vui lòng làm theo điều ông xin, cho rằng đây là việc của Thiên Chúa và chúng tôi chọn sáu giáo dân nhiệt tâm để đi làm việc bác ái cho thôn xóm đau khổ đó. Họ rất can đảm ra đi mỗi người đeo thánh giá và tràng hạt. Vừa tới nơi thì trong nhà thứ nhất họ đến, họ lập bàn thờ với ảnh thánh, rồi họ đọc một kinh vắn tắt nhưng rất sốt sắng, sau đó họ làm ba cây thánh giá lớn đem cắm hai cây ở hai đầu và một cây ở giữa, biểu hiệu của cuộc đại thắng. Xong đâu đấy, họ chia tay nhau, hai người một, rảo khắp các nhà có người bệnh, trong mỗi nhà cột một thánh giá ở nơi trọng nhất, chú ý để đuổi tà ma ám ảnh. Ở vài nơi nghe thấy chúng kêu la, than van lẩm bẩm vì bị võ lực đàn áp. Trong tám ngày, nhờ thế lực cây thánh giá và cho bệnh nhân uống nước phép, họ chữa khỏi được hết, con số lên tới hai trăm bảy mươi người, trừ một người hấp hối gần chết, họ đã rửa tội sau khi sơ lược dạy những mầu nhiệm đức tin và việc ăn năn tội mà người bệnh sẵn sàng làm. Người ta nhận thấy hết những người được khỏi bệnh truyền nhiễm sau khi uống chút nước phép thì nhổ ra một thức nước bẩn và hôi thối là dấu chỉ có bùa ma quỉ họ đã nhận và cũng là dấu họ được khỏi.

Những giáo dân tốt lành này khi trở về thì công bố những chiến thắng đã đạt được của Satăng và tỏ ra rất vui mừng. Thế nhưng lại buồn phiền vì một tai họa xảy đến cho người chúng tôi đặt làm bề trên và thủ lĩnh của đoàn. Ông này đã chết bất thần ít ngày sau khi trở về và không thuốc nào chữa khỏi. Về cái chết đột ngột này, khi chúng tôi tỏ ra xúc động và không sửng sốt, (thì một trong các đồng sự nói) xin đừng lấy làm lạ về cái chết của người này: đây là hình phạt công bằng của Thiên Chúa, vì ông đã được biết phải làm việc đạo đức bác ái này nhưng không như đã được lệnh, nhưng ông đã không làm như thế, ông đã nhận một bộ áo viên quan cai trị miền chúng tôi đến biếu để thưởng công. Người giáo dân này đã tường thuật trước mặt các người khác, thế là tất cả đều rất sợ. Và chúng tôi nhớ lại bệnh cùi mà Grêzi đã mắc phải vì tội biển lận tương tự, Grêzi bị phạt mắc cũng thứ bệnh mà Naaman được khỏi, bởi đã nhận thưởng vì sức khỏe đã giúp cho người khác. Việc này từ đây làm cho giáo dân dè dặt về điểm này, họ còn áy náy cả lúc ăn uống nơi bệnh nhân họ đến chữa.

CHƯƠNG 19.

CÓ MẤY GIÁO DÂN TÂN TÒNG HIẾN THÂN

SUỐT ĐỜI PHỤC DỊCH CHÚNG TÔI

Ở xứ Đàng Ngoài có tục lệ, nghĩa là có những người nhiệt tình giả trá hiến thân suốt đời phụng sự tà thần hay ma quỉ làm cho họ thành nô lệ quyền lực của chúng. Có một quân binh tốt lành là giáo dân tên là Antôn thân thể cường tráng và chừng ba mươi xuân xanh, xúc động bởi tâm tình rất đạo hạnh và rất thánh, đến xin tướng lãnh còn là lương dân cho mình nghỉ việc quân binh phục vụ hàng ngũ chúa Đàng Ngoài để phục vụ Đức Chúa trời đất và Đức Giêsu Kitô trong giáo hội Người. Được rồi anh không muốn cho hoặc bán võ khí của anh cho người khác có thể dùng vào việc xấy, nhưng anh ném xuống một hồ sâu, để không ai có thể bị hại. Thế rồi anh đến nhà chúng tôi, rất khiêm tốn và nhiệt thành xin được ở với chúng tôi như những người đầy tớ sẵn sàng (theo anh nói) phục dịch và vâng lời chúng tôi trong mọi điều chúng tôi truyền, không mong phần thưởng nào của chúng tôi, ngoài phần thưởng của Thiên Chúa mà anh phụng sự nơi bản thân chúng tôi. Chúng tôi rất bằng lòng nhận thiện chí của anh và để anh ở nhà chúng tôi. Anh giúp rất nhiều việc cho chúng tôi, nhất là anh gánh trên vai, từ sông ở khá xa nhà, đưa về tất cả số nước cần dùng không những cho việc bếp núc mà cho cả việc làm phép nước thánh. Vì mỗi ngày phải dùng tới rất nhiều nước, để làm thỏa mãn lòng sốt sắng của những người đến xin. Đó cũng là một lý do khiến anh Antôn siêng năng lạ lùng, vì anh tưởng tượng nước anh gánh được dùng vào việc trừ ma quỷ, chữa lành bệnh nhân và làm cho danh Thiên Chúa và vinh quang Đức Kitô lan rộng. Anh kiên trì suốt hai mươi năm, cho tới bây giờ, trong những việc khiêm tốn. Anh rất quí mến và kính trọng chúng tôi, ngay trong những lúc khó khăn nhất, như sẽ nói sau.

Thiên Chúa không những thương ban cho chúng tôi người phục dịch việc trong nhà mà còn ban cho người giúp đỡ để chinh phục và dạy dỗ dân chúng. Vì một mình tôi cáng đáng hết, tôi phải vừa giảng vừa dạy giáo lý bốn, năm hay sáu lần mỗi ngày. Người đầu tiên có khả năng giữ chứa vụ này là Phanchicô, ngày nay còn hoạt động rất có ích và rất nhiệt thành. Ông đã trở lại đạo như sau. Một hôm trước mặt giáo dân tân tòng và lương dân, tôi bài bác đạo giáo của Xaca hay Thích ca mà tôi đã nói ở trên … Phanchicô có mặt trong buổi nói truyện. Lúc này ông giữ chức vụ thầy sãi … Sau bài giảng đó, ông đứng lên và lớn tiếng nói với tôi trước mặt mọi ngườit ương tự như sau. Tôi đã trải qua mười bảy năm tuổi đời để trung thành và kiên trì phụng sự nhà chùa, vì tôi xác tín rằng với những việc phục dịch của tôi, tôi được các thần tôi tôn thờ trả công cho tôi, nghĩa là ở đời sau các ngài đối đãi tốt với vong linh cha tôi đã quá cố bỏ tôi từ hồi tôi còn nhỏ dại. Nhưng khi nghe bài giảng của cha, tôi thấy tôi đã phí phạm thời giờ. . Bây giờ tôi phải làm gì để đền tội và sửa sai ? Tôi đáp là tôi khuyên ông can đảm và Thiên Chúa cao cả làm chủ mọi việc, một mình Người đáng cho ta phục dịch, Người rất nhân hậu, Người không bỏ những kẻ thành tâm trở lại cùng Người. Vậy ông nên làm như người lữ hành đã mất một phần ngày lạc đường nhưng vừa thấy mình lạc thì tìm đường ngay nẻo chính để chuyên chú tiến bước, không còn để mất thời giờ tìm lại nữa. Phần ông đã bỏ mất những năm tháng tốt đẹp để phụng thờ hư vô và tội ác biết bao thần giả trá, thì không trì hoãn, ông phải bỏ việc đã làm và nhập hàng ngũ những kẻ tin theo chân lý ông đã bắt đầu nhận biết. Ông sẽ được tha thứ các tội và được thưởng công xứng đáng. Ông thành tâm nghe lời tôi khuyên bảo và thực hành ngay tức thì. Ông liền bỏ đền ông đã phục dịch và những bổng lộc lớn ông được để vâng theo chức vụ và ơn Đức Thánh Linh. Ông cũng thông truyền cho một số lương dân tin tưởng nơi ông và bây giờ ông dẫn dụ cho biết chân lý. Còn ông (được rửa rội ngày lễ thánh Phanchicô Xavie) ông lấy tên rửa tội là Phanchicô. Lòng sốt sắng của ông không ngừng ở đây, mà mấy ngày sau, ông đến tìm chúng tôi và nài xin chúng tôi cho ông được ở với chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận ông, vừa để có ông là chứng nhân quan trọng của đời tư chúng tôi và vừa để cho ông tinh thông các điều giáo lý mà chúng tôi đọc cho ông mỗi ngày một giờ để ông học thuộc lòng trong mấy tháng. Ông chăm chỉ họ cho có đủ khả năng dạy kẻ khác, như ông vẫn làm cho tới nay, với nhiều kết quả. Thế rồi ông tự thú với chúng tôi, chính là để khám phá xem đời sống chúng tôi có phù hợp với giáo lý chúng tôi dạy và khi nhận thấy chúng tôi còn sống khắc khổ hơn điều chúng tôi khuyên răn kẻ khác thì bấy giờ ông mới chịu khuất phục và vững vàng tin theo. Từ đó ông vào dòng chúng tôi, mười lăm năm sau khi ông trở lại, ông không bao giờ ngừng (cả ngày trong thời gian nhà tập vì cần phải có thợ ) làm chức vụ thày giảng mà ông thừa hành rất xứng đáng và có kết quả không lường được.

CHƯƠNG 20.

CHÚA ĐÀNG NGOÀI BẮT ĐẦU XA LÁNH CHÚNG TÔI

Chúng tôi ước mong được những thành quả lớn lao và tốt đẹp trong giáo đoàn mới ở Đàng Ngoài. Vì thực ra từ lễ giáng sinh cho tới lễ phục sinh đã trở lại hơn năm trăm lương dân, trong đó có mấy người khác có nhiều vợ trước khi chịu phép rửa tội, theo phong tục bản xứ, nay đã can đảm bỏ chỉ giữ lại một vợ chính thức mà thôi. Đây là một thắng lợi làm đẹp lòng Thiên Chúa và để thưởng công, Người đã cho một số nhờ lời cầu nguyện được ơn trừ quỉ khỏi người chúng ám.

Nhưng cũng là điều làm cho ma quỉ điên rồ chống lại chúng tôi. Từ đó, chúng dùng hết thế lực của chúng để gây trong tâm trí nhà chúa sự ghen ghét chúng tôi và các công việc chúng tôi làm. Trước hết chúng lợi dụng chính các bà vợ bé mà các giáo hữu tân tòng lại li dị. Các bà này khinh dể không chịu lấy những người chồng ở giai cấp thấp hơn người trước, nên gây xôn xao trong kinh thành, đến nỗi các tiếng đồn và tiếng than vãn tới tai chúa, ngài cũng có nhiều cung phi và không muốn bỏ, nên phật ý vì thấy có thần dân tốt hơn và có lương tâm hơn mình. Do đó chúa giận chúng tôi vì chúng tôi bắt dân tân tòng phải li dị các vợ mọn. Chúa gửi một văn thư tai hại và khá chua xót, không phản chiếu mối thịnh tình tới nay chúa vẫn có đối với chúng tôi. Văn thư này được thảo tương tự như sau : “Đạo này (hở các ngươi) các ngươi giảng trong nước ta? Các ngươi truyền cho thần dân ta chỉ được lấy một vợ mà ta thì muốn có nhiều để sinh nhiều con trung thành với ta. Từ nay các ngươi hãy gạt đi đừng giảng đạo nữa: nếu các ngươi không tuân lệnh thì ta sẽ chém đầu các ngươi và ngăn cấm các ngươi từ nay chớ tiếp tục làm điều ta cấm”. Nhận được văn thư mà người ta nói là do chúa gửi tới, chúng tôi hơi nghi ngờ không biết có thật do chúa, ngài chưa bao giờ nói với chúng tôi với cung giọng này hay với những lời lẽ như thế, hoặc nếu không phải do sự bày đặt của người mang văn thư mà chúng tôi biết là có rất nhiều vợ. Chúng tôi nhớ lại việc xảy ra ít lâu nay, có một tên trộm ban đêm đột nhập nhà chúng tôi và gặp một ông già không ngủ được, hắn nói, để ngăn cản không cho ông hô hoán lên, rằng nó được lệnh chúa đến giết tôi trong giường, thế là ông già ngậm miệng để nó vào phòng tôi lấy hết những gì nó thích, thế nhưng không động đến bản thân tôi. Do đó chúng tôi vẫn nghi ngờ không sao giải quyết nổi và cũng không dám lên trình chúa. Chúng tôi vẫn tiếp tục như thường lệ: phấn đấu và lên án đa thê, không sợ đe dọa bị chết, vì đó là điều chúng tôi mong mỏi và vì là phần thưởng vinh quang nhất về những việc nhỏ mọn chúng tôi làm và biết rằng hạnh phúc của chúng tôi ở đời này là sửa soạn vinh quang đó.

Ma quỉ còn khích động nhiều thù địch hơn nữa nơi chúa, đó là những hoạn quan có nhiệm vụ săn sóc các cung phi. Họ sợ chúa trong quá khứ vẫn quí mến chúng tôi, nếu ngài tin đạo và chiều theo đạo thì phải ruồng bỏ các cung phi, mà họ thì dựa vào các bà để được mọi nguyện vọng, thế là họ thuyết phục chúa rằng tôi là thầy phù thủy làm mê hoặc người ta bằng lời nói của tôi, tôi sai khiến làm các việc theo ý tôi và có thể sát hại nếu tôi muốn bằng hơi thở của tôi. Họ vận động thế nào mà chúa không còn muốn nghe tôi nói và không còn vời tôi đến gần chúa, bởi vì (theo họ phao tin) hơi thở tôi có thể làm cho chết. Tôi không biết cảm tưởng ấy họ đồn về tôi thế nào, nên tôi sửng sốt thấy chúa chẳng còn vời tôi đến đàm đạo với chúa và dự tiệc như trước vẫn có lệ, như cho tôi ngồi cạnh ngài và tự tay tiếp thức ăn cho tôi, thực ra nếu tôi được vời và thường rất hiếm, để thưa truyện với chúa, thì bây giờ tôi phải đứng ra, đến nỗi như thể chúa nặng tai, phải có viên hoạn quan đem lời tôi đến chúa, mà thường hoạn quan tự ý làm sai lạc lời tôi nói. Tôi không biết việc thay đổi này bắt nguồn từ đâu.

Tin đồn tôi là phù thủy và tôi giết hại bởi hơi thở tôi nếu ai đến gần tôi, tin đó đã gieo rắc sâu trong phủ chúa, đến nỗi một hôm có một tướng lãnh trong phủ đến nhà thờ chúng tôi đúng lúc tôi đang giảng. Ông đứng ngoài cửa. Vì lịch sử tôi cho mời ông lại gần tôi để nghe rõ điều tôi giảng, nhưng ông đi ra và rút lui, sau này người ta cho tôi biết, vì ông sợ đến gần tôi khi tôi mời ông, tôi có thể làm ông chết vì hơi thở của tôi. Thật ra tôi thán phục những con người ngây ngô và ma quỉ mưu mô xảo quyệt đã làm cho người ta xa lánh không nghe lời Thiên Chúa. Tên quỷ quái này còn dùng cách đó để gièm pha và làm cho người ta nghi ngờ phép rửa tội chúng tôi cử hành. Bởi vì một ngày chủ nhật, sau cơm tối, tôi sửa soạn làm phép rửa tội cho hơn tám mươi người, tới nghi thức muối phép đặt trên địa thì có một lương dân do ma quỉ xúi giục bước vào nhà thờ và lớn tiếng kêu lên: hãy coi chừng, quân khốn nạn, hãy coi chừng bùa ngải trong dĩa. Nói xong, hắn chạy mất. Thế là buộc lòng tôi phải giơ cho mọi người dự xem trong dĩa chỉ là thứ muối bản xứ đã làm phép. Mọi người đều tin và không bị ngăn cản chịu phép rửa tội cách sốt sắng.