LỊCH SỬ VƯƠNG QUỐC ĐÀNG NGOÀI

từ năm 1627 tới năm 1646

Do Giáo Sĩ ALEXANDRE DE RHODES

QUYỂN HAI

VỀ SỰ GIA NHẬP VÀ TIẾN TRIỂN CỦA ĐỨC TIN

TRONG XỨ ĐÀNG NGOÀI

CHƯƠNG I

PHÚC ÂM GIA NHẬP VÀO XỨ NÀY THẾ NÀO


Cha Hienrô Rodriguez người Bồ, kinh lý Nhật Bổn và Phó kinh lý Trung Quốc thuộc dòng Tên, một nhân vật rất đạo hạnh và rất trung thực, vì có sự bắt đạo gắt gao ở Nhật1 và bắt hết các người tin theo Chúa Kitô, nên bó buộc phải rời khỏi Nagasaki nơi lâu năm ngài cai quản viện của dòng đã được thành lập ở đó. Cha cùng một số người bị cuộc bắt đạo này trục xuất khỏi Nhật, nên rút lui về Macao là hải cảng của đế quốc Tàu thuộc tỉnh Quảng Châu, nơi vẫn có Viện chính yếu của tỉnh dòng Nhật Bản và chủng viện độc nhất của các vùng truyền giáo thuộc tỉnh dòng này. Ở đây cha nhận thấy những thiệt hại thảm thương do cuộc bắt đạo dữ dằn gây nên cho giáo đoàn Nhật Bản và các thợ lành nghề ở bên cạnh cha nay không còn phương tiện để thi thố nhiệt tình ở Nhật Bản. Họ được chỉ định ở đó để giúp đỡ giáo dân, nhưng nay thành vô ích và trở nên thất nghiệp ở Macao. Vì thế cha nhất định phân chia họ đi những nước lân cận đang xin viện trợ, nơi ánh sáng đức tin chưa chiếu soi. Họ có thể được kết nạp đích đáng vào công việc và đem sử dụng nhiệt tình đúng chỗ.

Theo quyết định, năm 1624 cha sai cha Gabriel de Mattos người Bồ từ Rôma tới làm quản lý tỉnh dòng Nhật Bản cùng với năm cha khác đến xứ Đàng Trong (gọi tên này theo thư các cha truyền giáo ở đó), nơi hạt giống mới đức tin sửa soạn một mùa gặt vinh quang và phong phú, cho dân xứ này trở lại. Đồng thời cha cũng để cha Julio Caesar Margieo người Ý tới nước Thái Lan, một cánh đồng sẵn sàng sinh nhiều hoa trái. Ngay buổi đầu đã thấy hứa hẹn một khu đất phì nhiêu và cha can đảm hoạt động, nhưng cha đã kết thúc đời mình và công cuộc của mình do sự phản bội của mấy người chối đạo bỏ thuốc độc cho cha khi cha bị chúng nhốt trong tù. Cha kinh lý đợi hai năm sau, tức vào đầu năm 1626 mới sai cha Juliano Baldinotti2 người Ý với một thầy phụ tá tên là Juliô Piani tới xứ Đàng Ngoài, nhân dịp có chiếc tàu của thương gia người Bồ từ Macao đi, không phải về hoạt động mà để thăm dò xứ này nổi tiếng khắp nơi và để xem có hy vọng đến rao giảng Phúc âm và đức tin Kitô giáo. Cùng với người đồng sự, cha khởi hành từ hải cảng Macao ngày mồng 2 tháng 2 lễ Nến kính Đức Mẹ, điềm tốt về ánh sáng đẹp của đức tin đem tới xứ tối tăm ngoại đạo. Cha may mắn xuống tàu người Bồ và nhờ thuận buồm xuôi gió, 3 tàu đã đưa cha tới bến Đàng ngoài. Được tin tàu cập bến, chúa rất hài lòng, vì ngài mong muốn thông thương với người Bồ trong nước ngài. Ngài liền ra lệnh cho các tướng lãnh khắp nơi đón tiếp nồng hậu. Chính ngài rất niềm nở và săn sóc bằng mọi thứ tỏ tình quí mến khi họ tới. Ngài còn sợ chỗ ở luộm thuộm trong chốn kinh thành quá đông người và sợ xảy ra hỏa hoạn vì nhà thường làm bằng gỗ, nếu có kẻ ma quái châm lửa đốt nhà. Ngài truyền dựng ở miền ngoại ô rất rộng một nhà để cho họ ở và giữ các thương gia. Ngày đêm cho một đội quân binh canh gác để được an toàn.

Sau những săn sóc đầu tiên và những tỏ tình đặc biệt của chúa thì hai bên theo thông tục, trao đổi phẩm vật quí cho nhau. Thuyền trưởng người Bồ dâng tiến trước những phẩm vật rất được chúa ưa thích về hai quyến rũ, giàu sang và hiếm có. Còn chúa, chúa cũng đáp lễ ngay và ban dồi dào đến nỗi đủ phần phân chia cho mọi người tháp tùng. Cha Baldinotti trong dịp này cũng không quên tiến chúa phẩm vật, tuy đơn sơ và là đồ thuộc về tôn giáo, nhưng chúa rất vui lòng vì mới lạ và chưa bao giờ thấy. Dẫu sao, cha cũng chưa có khả năng dâng ngài kho tàng qúi báu Phúc âm vì chưa thông thạo ngôn ngữ và cũng chưa có người thông dịch để giải thích các mầu nhiệm. Tuy nhiên, sự im lặng và phong cách từ tốn trang trọng của cha cũng đủ cho chúa và các quan triều thần nhận ra có một cái gì lạ lùng và cao cả hơn sự thông thường ẩn nấp dưới bề ngoài khiêm nhượng của chiếc áo nghèo nàn trên người cha. Trước mặt cả triều thần người Bồ tỏ ra trọng kính cha và tư cách đó không ít làm cho người ta càng qúi mến cha. Chúa nhận thấy viên thuyền trưởng ăn mặc sang trọng lộng lẫy và toàn thể người Bồ tháp tùng y phục đẹp đẽ, đều tôn trọng cha, cha ăn mặc rất xuềnh xoàng. Họ kính nể và nhường bước cho cha đi trước, vì thế dư luận cho cha một cái gì hơn cái bề ngoài của cha. Thế là chúa bắt đầu trọng kính cha và từ đó thường cho một thày sãi là một trong những chư tăng chính yếu của giáo phái chúa tin theo và chúa coi như bậc tôn sư, đến thăm cha. Với vị này cha Giulianô tỏ tình rất thân thiết và hai bên cố gắng tìm cách thông giao với nhau. Cha hy vọng vào tính tình ngay thật của thầy sãi, để đưa thầy vào niềm tin đích thực (thầy có thể là một phương tiện rất thuận lợi để vun trồng đức tin trong xứ này), nếu cha thông thạo ngôn ngữ Đàng Ngoài hoặc có người thông ngôn để rao giảng và dạy dỗ những chân lý đạo ta.

CHƯƠNG 2

CÁC THỢ PHÚC ÂM ĐƯỢC GỌI TỪ ĐÀNG TRONG

TỚI ĐÀNG NGOÀI THẾ NÀO

Trong thời gian cha Giulianô cư trú ở Đàng Ngoài cha cẩn thận xem xét thấy người Đàng Ngoài có tính tình cởi mở và dễ bảo. Như cha xét đoán, phong tục người Đàng Ngoài cho phép và nhận chân lý đạo Kitô, nếu có người giảng cho họ bằng tiếng của họ, và cũng không nên trì hoãn vì là việc quan trọng có hệ tới sự cứu rỗi đời đời của biết bao tâm hồn. Cha biết rằng từ ít lâu nay có một số các cha đã tới Đàng Trong để giảng cho người xứ đó có thể nghe và nói ngôn ngữ xứ này, thứ ngôn ngữ không khác tiếng nói ở xứ Đàng Ngoài. Thế là cha quyết định xin cho được một người từ khu truyền giáo Đàng Trong biệt phái tới gieo hạt giống đầu tiên Phúc âm trên đất Đàng Ngoài. Tất nhiên cha không phải không biết có sự thù địch giữa hai chúa làm cho việc di chuyển các cha từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài thêm khó khăn. Cha còn ngại nếu chúa Đàng Ngoài biết có sự trao đổi thư tín của chúng ta từ xứ này qua xứ kia thì ngài đâm nghi ngờ sợ có mưu cơ bí mật nào giữa chúng ta và chúa Đàng Trong mà ngài biết từ lâu năm đã liên kết với người Bồ.4 Sau khi đã sốt sắng trao phó sự thành công trong việc này cho Thiên Chúa thì cha hết sức giữ bí mật sai một sứ giả và hứa trả công rất hậu, đem thư viết cho cha Gabriel de Mattos lúc này giữ chức vụ kinh lý Đàng Trong. Cha cho biết trong khắp xứ Đàng Ngoài người ta rất sẵn sàng nhận hạt giống Đức tin nếu được những thợ thông hiểu ngôn ngữ họ đến gieo và làm thửa ruộng đẹp đẽ, lại kèm theo những ý hướng tốt lành nhận thấy nơi chúa và những vị quan chức chính yếu trong xứ để công nhận hoạt động của chúng ta và thừa hành chức vụ tôn giáo của ta. Vì thiết tha với vinh quang Thiên Chúa và sự cứu rỗi biết bao linh hồn mà cha khẩn khoản sắp xếp cho công việc này một cha nào trong chúng ta đang ở trong trú sở truyền giáo Đàng Trong. Mà vì có khó khăn và nhất là có nguy cơ nếu thợ nào đi thẳng từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài bởi vì giữa hai chúa có sự chia rẽ và hai bên đang sửa soạn giao chiến sắp tới đây, nên cha nhắn người nào trong chúng ta được chọn làm việc này, thì nên rẽ về Macao phía Trung Quốc, rồi mới từ Macao tới Đàng Ngoài để tránh cho người Đàng Ngoài khỏi nghi ngờ về việc đến lãnh thổ họ.

Sứ giả đã may mắn cầm thư của cha Giulianô tới. Các bề trên chúng ta ở Đàng Trong, sau khi đọc đơn xin rất chính đáng thì nghĩ ngay đến tôi đã cư trú gần hai năm trong xứ và trong thời gian đó đã học hỏi chút ít về ngôn ngữ thông dụng. Thế là tôi chuẩn bị theo ý cha Julianô trở về Macao. Tôi rất may mắn đáp tàu về tới nơi sau có một ít ngày và theo dự định đã sắp đặt, tôi chờ có dịp để trẩy đi xứ Đàng Ngoài.

Thế nhưng mặc dầu đã tức thời được trở lại và gửi về với thứ trả lời cam đoan với cha Giulianô là chúng tôi theo ý cha thi hành lời bàn giải cha đã khôn ngoan đưa ra, sứ giả Đàng Ngoài khi về đã không cẩn thận làm cho cha Giulianô nóng lòng trông đợi và sợ hãi khổ sở. Chúng tôi còn cho rằng, chúa Đàng Ngoài biết sơ qua hoặc ít ra nghi ngờ về những thư gửi từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong, vì thấy ngài tỏ ra ngờ vực. Thế nhưng vì không muốn tuyệt giao với người Bồ mà ngài vừa sợ thế lực vừa muốn giao hảo, nên để phá tan mối lo sợ nghĩ ngợi về dự định tôn giáo của họ, ngài bằng lòng bắt họ thề là không có ý xấu phản lại bản thân và đất nước ngài.5 Thế là họ đã làm, cha Giulianô có mặt (để cho trong việc này không xảy ra điều gì trái lương tâm hay tôn giáo) và thề, nhân danh Thiên Chúa Chúa trời đất, Chúa sự sống và sự chết làm chứng mình không làm gì chống lại bản thân chúa Đàng Ngoài hay xứ Đàng Ngoài. Như vậy chúa an tâm. Nhưng người Bồ không hài lòng vì cuộc rắc rối trong phủ này mà họ phải hoãn ngày trở về Macao một thời gian và chỉ trẩy đi với cha Giulianô hai tháng sau khi tôi đã từ Đàng Trong tới Macao.

CHƯƠNG 3.

NHỮNG NGƯỜI ĐEM PHÚC ÂM TỚI ĐÀNG NGOÀI

KHỞI HÀNH VÀ MAY MẮN TỚI NƠI

Trong khi đó cha Anrê Palmier người Bồ, giữ chức kinh lý trong tám năm ở Ấn Độ đã từ Ấn Độ tới, để tiếp tục chức vụ này trong tỉnh dòng Nhật và phó tỉnh dòng Trung Quốc. Cha đem việc truyền giáo ở Đàng Ngoài ra bàn lại vì có mấy điều khó khăn mà ma quỷ thù ghét những việc lành đã gây nên để ngăn cản hay cấm đoán không cho thi hành. Bởi vì một đàng người Bồ tỏ vẻ e ngại chúa Đàng Ngoài nghi ngờ họ, cũng như e ngại ý xấu mà một quan ở trong phủ Đàng Ngoài có tín nhiệm đối với chúa đã tỏ ra chống đối quốc gia Bồ. Và đàng khác các thương gia thấy bị lỗ vốn nhiều nên làm cho người khác chán ngán và không tìm được thương gia nào muốn khởi hành đi một chuyến mới, nếu không hy vọng kiếm lời và cầm chắc lỗ vốn. Thêm vào đó, cha Giulianô cũng tỏ ra lạnh lùng không muốn trở lại xứ này. Mặc dầu cha công bố những điều kỳ diệu và mùa gặt thiêng liêng phong phú được chuẩn bị trong cánh đồng rộng lớn nhưng vì thấy mình không tinh thông ngôn ngữ nên dầu có ý muốn tốt nhưng vô hiệu. Do đó cha không tỏ ra nhiệt tình trở lại Đàng Ngoài nữa. Cha vẫn thiết tha với việc truyền giáo ở Nhật, nơi cha hy vọng lượm được nhiều kết quả hơn, bởi vì cha thông hiểu ngôn ngữ Nhật. Nhưng dự định mới mà Thiên Chúa quan phòng đã sắp xếp thì khác, đã không đem lại thành công như nhiệt tình của cha cho phép cha mong chờ. Bởi vì khởi hành từ hải cảng Macao để đi Nhật cùng bốn đồng sự, vừa đi một chút thì gặp cơn bão bất thần và hung bạo đánh gẫy lái tàu, bắt phải trở về bến. Thế là trong khi cha đợi ngày này qua ngày khác may ra có dịp trẩy đi Nhật thì Thiên Chúa cho cha một việc khác làm ở trên trời, để lãnh phần thưởng về những công lao và ý chí cao cả cha có sẵn để làm việc truyền giáo ở Nhật. Cũng như để thưởng những gì cha ân cần săn sóc để khởi sự và thành lập việc truyền giáo ở Đàng Ngoài nơi cha không có phương tiện vì không có thông thạo ngôn ngữ và không có thông ngôn (như cha mong muốn) để giảng và công bố Phúc âm cho những người có khả năng lãnh nhận, cha chỉ rửa tội được bốn trẻ nhỏ hấp hối. Đó là hoa đầu mùa của dân tộc trở lại đạo này, cha đã gửi về trời. Ở đây hẳn chúng khẩn nài Thiên Chúa cho dự định truyền giáo được thực hiện và cho phương tiện thành đạt vì vinh danh Người và việc cứu rỗi xứ Đàng Ngoài.

Thật vậy khi người ta gần như mất hết hy vọng thì có một người muốn khởi hành đi Đàng Ngoài. Số là có một người Bồ quen biết ở Macao, cao sang về đức hạnh và về cả đại lượng và tâm huyết tên là Gioan Pinto de Fonseca, ông chuẩn bị một chiếc tàu và chất đầy đủ những gì cần thiết cho một hành trình, ông không quên lương thực thiết yếu cho các cha dòng và để các cha có phương tiện đem Phúc âm tới xứ này. Ông khôn ngoan nghĩ đến ích lợi thiêng liêng hơn, cho dù có lỗ về của cải vật chất. Việc này làm cho cha Anrê Palmier vui mừng khôn tả. Cha liền cho tôi một đồng sự là cha Pierre Marquez người Bồ làm bề trên đoàn truyền giáo, một người có tuổi và có nhiều kinh nghiệm trong những đoàn truyền giáo Đông phương, tuy cha không biết tiếng nói ở xứ cha được gửi tới.

Vậy ngày 12 tháng 3 ngày lễ thánh Grêgôriô Cả chúng tôi khởi hành từ Macao và căng buồm theo chiều gió đưa chúng tôi đi qua kính chào mộ xưa kia chôn cất thánh Phanchicô Xavie ở đảo Tam Châu, rồi từ đó vào biển Hải Nam nổi tiếng về những trận bão thường xuyên hành hạ dữ dội các tàu biển, thế nhưng đối với chúng tôi thì lặng và lành nhờ các thiên thần hộ mệnh xứ Đàng Ngoài che chở, trong ba ngày chúng tôi đi theo bờ biển rộng lớn. Nhưng sau sáu hay bảy ngày thuận buồm xuôi gió và khi gần tới bến thì trời nổi mây đe dọa trên đầu chúng tôi. Đêm tới tàu chúng tôi bị một trận bão rất lớn, làm tàu lay chuyển rất hiểm nghèo và đồng thời trên không có sấm sét vạch thành những hình thù quái dị do ma quỷ gây nên làm cho thủy thủ rất sợ hãi. Mãi tới sáng ngày lễ thánh Giuse hiển vinh, trời trở nên quang đãng, hình quái dị tan và sóng hạ, chúng tôi khám phá ra một cửa biển người Đàng Ngoài gọi là Cửa Bạng. Chúng tôi muốn gọi là cửa thánh Giuse, vì chúng tôi may mắn được vào bến đúng ngày lễ kính Người và chúng tôi hy vọng Thiên Chúa để Ngài làm vị quan thày bảo hộ và làm cha nuôi giáo đoàn Đàng Ngoài mới khai sinh này. Viên hoa tiêu liền xuống một chiếc xuồng để thăm dò bến, khi thấy là tốt và có thể cập bến được thì chúng tôi dễ dàng đi xuống và cảm tạ Thiên Chúa đã dẫn chúng tôi may mắn tới nơi.

Chúng tôi vừa cập bến thì một số đông dân xứ này thấy chúng tôi đến gần liền lấy thuyền của làng lân cận đến mừng chúng tôi, chất vấn chúng tôi xem chúng tôi là những người nào, từ đâu mà tới và đem những hàng hóa mới lạ vào. Tôi làm thông ngôn cho tất cả đoàn thể, tôi đáp đây là một chiếc tàu người Bồ, những người khắp vùng Đông phương đều khá biết về giá trị võ khí và hàng hóa tinh xảo từ lâu vẫn đem tới xứ này và nhân dịp này họ tới bán cho người Đàng Ngoài một hạt trai quý mà không đắt để cho người nghèo khó nhất cũng có thể mua được miễn là có ý ngay lành. Thấy dân chúng tỏ ra muốn xem, thì tôi cho họ hiểu là hạt trai này không thể coi bằng con mắt thân thể nhưng bằng con mắt tinh thần biết phân biệt thật giả. Nói tóm lại, người ta đến giảng dạy đạo thật có giá hơn hết các hàng hóa của người Ấn Độ và một mình nó có thể mở đường tới cõi phúc đích thực và trường cửu.

Khi nghe nói về điều mà họ thường gọi là đạo theo ngôn ngữ các nho sĩ và Đàng theo ngôn ngữ bình dân có nghĩa là đường lối thì họ tò mò muốn tôi cho biết đạo thật và đàng thật mà chúng tôi định rao giảng. Sau đó tôi lấy đề tài thảo luận với họ về nguyên lý vạn vật, tôi quyết định công bố dưới danh hiệu Chúa Trời đất,6 vì không tìm được trong ngôn ngữ họ một tên riêng để chỉ Thượng đế, vì họ thường gọi là Phật hay Bụt với nghĩa nơi họ là một thần. Nhưng biết việc tôn thờ vị này không được trọng dụng nơi những người quyền quí và các nho gia trong nước, nên tôi tưởng không nên dùng danh hiệu ấy để xưng Thiên Chúa, nhưng tôi dùng danh hiệu mà thánh Phaolô tông đồ đã xưng khi giảng cho người thành Atênê đã dựng bàn thờ kính Thiên Chúa vô danh, Thiên Chúa mà theo như ngài, đã nói với họ: các người thờ mà chẳng biết, đó là Đức Chúa trời đất. Thế là dưới danh hiệu đầy uy nghi trong tâm trí lương dân, ngay ban đầu tôi rao giảng đạo thật trước hết và chính yếu nhất là thi hành nghĩa vụ chính đáng của ta đối với đức Chúa trời đất theo cách thức Người mạc khải cho ta. Giảng cho họ như thế, tôi tin là họ có đủ khả năng hiểu và hai người trong đám thính giả đã động lòng, sau mấy ngày được dạy dỗ đầy đủ hơn về những niềm tin của chúng ta và đã chịu phép rửa tội cùng cả gia đình. Người thứ nhất chúng tôi gọi là Giuse để dâng kính bạn thánh Đức Trinh Nữ mà ngày lễ Người là ngày chúng tôi cập bến, còn người thứ hai là Inhaxu vị tổ phụ dòng chúng tôi.

CHƯƠNG 4

NHIỀU NGƯỜI NHẬN ĐỨC TIN TRONG XÓM THÁNH GIUSE

VÀ NHỮNG XÓM LÂN CẬN

Đã qua đi mười lăm ngày trước khi chúa Đàng Ngoài nhận được tin chúng tôi tới lãnh thổ ngài. Trong những ngày này chúng tôi không ra khỏi cửa thánh Giuse và để tranh vô công rỗi nghề, thì chúng tôi đàm đạo với rất nhiều người ở xóm thánh Giuse cũng như trong những xóm lân cận. Thiên Chúa đã chiếu giọi những ánh sáng đầu tiên của ơn Người để kích động các tâm hồn. Cuộc chinh phục quan trọng đầu tiên để gây dựng đức tin đó là một thầy đồ dạy chữ hán cho thanh thiếu niên xóm này và dạy cả những giáo thuyết sai lầm tà giáo. Nhưng sau khi đã làm thầy và làm tiến sĩ dạy sai lầm thì thầy trở lại làm đồ đệ chân lý với tất cả gia quyến mà thầy lôi cuốn theo gương thầy.

Chúng tôi đặt tên rửa tội cho ông là Phêrô và trao cho ông những bản kinh đạo Kitô viết trên giấy để ông dạy trẻ em trong lớp học của ông, 7 vào những ngày chủ nhật. Để thay thế ông trong công việc, chúng tôi còn cho con ông lấy tên rửa tội là Phaolô, một người rất có tinh thần và đã rất thông thạo chữ hán.

Từ một xã khác đã đến trình diện chúng tôi một thầy phù thủy danh tiếng, trong nhà ông có dựng tới hai mươi nhăm bàn thờ thần phật, ông bị chúng hành hạ rất dữ dằn. Ông xin tôi cách để thoát nạn nô lệ khổ sở ông vô phúc đã dấn thân vào. Ông có nhiều ý tốt muốn từ bỏ sự tin theo dị đoan và tôn thờ những thù địch hung hãn của sự sống và phá đổ các bàn thờ ông dâng kính chúng. Nhưng ông sợ chúng hành hạ ông hơn sau khi làm chúng giận dữ. Chúng tôi khuyên can ông can tràng và cho ông chịu ơn phép thánh tẩy, cho tới khi ông phá đổ các bàn thờ vô đạo ông đã dựng. Rồi khi ông đã kính cẩn làm trọn mọi nhiệm vụ thì ồng được chịu phép rửa tội, được kể vào số những con cái Thiên Chúa và nhà ông được thoát khỏi ma quỷ hãm hại nhờ dấu thánh giá và rảy nước phép.

Cũng trong thôn này còn gặp một người thờ thần Phật, nhưng khi nhận thấy những giả trá và bịp bợm thì không những ông bỏ hết việc phục dịch trong đền mà vì lòng rất nhiệt thành đối với niềm thực hiện, ông được đặt làm thầy và dìu dắt giáo dân tân tòng. Từ đó ông chăm chỉ hội các người đó trong nhà ông vào ngày chủ nhật, để cùng nhau đọc kinh chung theo thể thức Kitô giáo, vì chưa được hạnh phúc dự thánh lễ và sử dụng thánh đường.

Lúc này là vào tuần thánh, trong thời gian chúng tôi đợi trả lời, thì chúng tôi bàn chung với người Bồ dựng cậy thánh giá trên đỉnh ngọn núi bên cạnh đó, từ ngoài xa khơi đều trông thấy, không những để tôn sùng và ghi nhớ sự thương khó Chúa cứu thế và làm gương cho giáo dân tân tòng biết kính trọng và tôn thờ dụng cụ thánh của ơn cứu rỗi, mà còn để nhờ vào thế lực dấu này xua đuổi ma quỷ từ lâu năm chiếm đoạt những lãnh thổ này và cứu người Đàng Ngoài thoát khỏi đô hộ tàn bạo của chúng. Thật vậy trong cửa biển này có một đền kính dâng người thiếu nữ Trung Hoa vô đạo bị chết đuối ngoài biển, như trên tôi đã nói, đền này chúng tôi không có quyền phá, chúng tôi chỉ tin rằng thánh giá bao quát cửa biển này sẽ dùng thế lực của mình mà xua đuổi ma quỷ được thờ ở đó. Thế là chúng tôi hạ một cây cao nhất trong rừng gần đó và làm thành cây thánh giá, rồi tất cả giáo dân cũ cũng như mới, vào ngày thứ sáu tuần thánh, chúng tôi vác lên vai đưa lên đỉnh cao nhất của quả núi này, sau những lời làm phép thông thường chúng tôi dựng lên như chiến tích vinh quang thắng mọi thế lực hỏa ngục và chúng tôi khiêm nhường và cung kính thờ lạy. Chúa Đàng Ngoài đã thấy thánh giá khi chúa đi qua cửa bến này để chuẩn bị chiến dịch chống Đàng Trong. Ngài hỏi xem có phải đó là dấu hiệu người Bồ đã dựng trên các bến và một người tháp tùng có thịnh tình với giáo dân đã trả lời là từ xa khi người ta thấy dấu hiệu này ở đâu thì đều bị thu hút tới đó. Chúa hài lòng vì cho rằng nhờ cách này mà tàu người Bồ bị thu hút tới hải cảng của ngài để thông thương buôn bán.8

CHƯƠNG 5.

CHÚA TIẾP ĐÓN CHÚNG TÔI VÀ NGƯỜI BỒ,

KHI NGÀI ĐI GIAO CHIẾN VỚI ĐÀNG TRONG

Trong khi chúng tôi ân cần dạy dỗ và chinh phục những thôn xã lân cận với bến chúng tôi đậu và chúng tôi đã rửa tội được ba mươi hai người là những hoa quả đầu mùa chúng tôi hái được ở Đàng Ngoài, thì có một sứ giả nhân danh chúa cho chúng tôi hay rằng vì chúa thân chinh xuất trận đánh Đàng Trong 9 nên chúa đợi chúng tôi trên quãng đường chúa đi.

Thế là chúng tôi từ biệt các giáo dân tân tòng và khuyên họ trung kiên giữ đức tin đã nhận được, rồi chúng tôi xuống một chiếc thuyền dành cho chúng tôi do viên hoạn quan được chúa sai đến để dẫn chúng tôi. Hai ngày sau chúng tôi vào một sông lớn rộng hơn mười dặm và chúng tôi được gặp chúa và đoàn thuyền chiến hùng mạnh của hải quân xếp hàng rất trật tự như tôi sẽ nói sau.

Trước thuyền của chúa, mở đầu là hơn trăm thuyền chiến rất trau chuốt, lóng lánh vàng, và tô những bức họa đẹp. Quân bình đều mặc nhung phục như chúng tôi đã phác họa ở trên, và mỗi người đều đội thứ mũ tròn màu tía với võ khí hợp thời đẹp và bóng loáng. Tất cả quân bình đều tỏ ra vừa trịnh trọng vừa làm cho người ta khiếp sợ. Điều làm cho hết các người trông thấy đều cảm phục và thực ra người ta đã để ý tới, đó là tất cả đoàn tàu đông đúc đó tiến, quay, dừng đều hòa, bằng nhau coi như chỉ có một cơ thể, chỉ có một sức chuyển làm lay động tất cả. Theo sau là đoàn tháp tùng chúa, gồm hai mươi bốn thuyền chiến, dài hơn các thuyền khác và tô điểm lộng lẫy hơn. Gỗ thị chạm trổ và sơn son thiếp vàng, chão buộc hay giữ buồm thì bằng tơ lụa đỏ sẫm. Chiếc thuyền rất đẹp chở chúa thì ở giữa các thuyền khác. Ngài tiếp chúng tôi rất nhân hậu và tỏ ra rất hài lòng thấy chúng tôi tới lãnh thổ ngài.

Người Bồ đi với chúng tôi dâng ngài những phẩm vật rất thích hợp và rất đúng lúc, nghĩa là những vũ khí đẹp và hoàn bị để bảo vệ bản thân ngài nếu ngài muốn sử dụng khi ra trận. 10 Còn chúng tôi, chúng tôi dâng chúa những phẩm vật thuộc tôn giáo rất khiêm tốn, chúa nhận mặc dầu nhỏ mọn và thưởng chúng tôi những đồ vật qúi. Ngài không có thời giờ để làm đạo lâu hơn, vì tất cả chí hướng đều qui về cuộc tấn công chúa sắp thi hành. Nhưng chúa truyền cho chúng tôi theo đạo binh trong chiếc thuyền đã đến đón chúa và chúng tôi có dịp thấy đoàn thủy quân cùng đoàn hậu quân cũng nhiều bằng đoàn hải quân mở đầu, không kể vô số thuyền nhỏ và một số lớn đàn bà sẽ để lại ở tỉnh Thanh Hóa sắp tới, để tránh xa tầm quân địch. Người ta đếm được năm trăm thuyền theo sau và chở lương thực cần thiết để nuôi thủy quân và lục quân đã tới trước theo bờ biển gần đó với ba trăm cỗ voi kéo súng. Chúng tôi có thể ước lượng đạo quân mỗi bên có tới gần hai trăm ngàn binh trực chiến. Chúng tôi ở trong đoàn quân theo chúa chừng tám ngày, trong thời gian đó, chúng tôi không thiếu dịp, nhất là khi đạo quân lên đất để giải khát, để đàm đạo với những người lại gần chúng tôi và cho họ biết đạo thật. Nhưng mặc dầu họ để ý tới lời tôi giảng, nhưng tâm trí họ dồn cả vào trận chiến và không tha thiết nghe theo. Một hôm chúa dừng lại cùng tất cả đạo binh ở một cánh đồng rộng lớn, gần một thôn gọi là An Vực để cúng tế khi thấy mỏm núi đá cao bên bờ sông lớn, giống như một kim tự tháp cao, trên đỉnh xây một đền thờ thần. Những cỗ voi mới đây từ nước Lào đánh về và chưa được luyện nên đi lộn xộn đẩy một tên lính xuống nước từ bờ sông rất cao. Tưởng là người đó chết và thật ra khi kéo lên khỏi nước thì không thấy dấu hiệu sống. Vì bác ái, chúng tôi chạy tới và sau khi cầu nguyện Thiên Chúa và cho uống một chút gì, thế là trong chốc lát chúng tôi cho hồi phục và lấy lại sức, rồi cầm khí giới trở lại đơn vị. Được tin này chúa rất khen sự cứu độ nhân ái của chúng tôi đối với người lính này, rồi ngài truyền cho chúng tôi chờ ngài ở tỉnh này cho tới khi chúa đi trận về. Chúa giao chúng tôi và người Bồ cho một hoạn quan trong phủ, một người chính đáng săn sóc chúng tôi và cắt lính gác để không ai làm gì phiền lụy đến chúng tôi. Viên quan này thừa hành rất tốt, ông còn sửa soạn cho chúng tôi một nơi ở khá rộng, bằng gỗ, theo kiểu nhà trong xứ này, nơi chúng tôi đặt một nhà nguyện và một bàn thờ với ảnh Chúa cứu thế.

Không phải là ngoài đề nếu chúng tôi thêm ở đây cái nguyên nhân tại sao chúa Đàng Ngoài lại tuyên chiến với chúa Đàng Trong. Số là khi chúa ông11 (như đã kể ở quyển nhất) chiếm đoạt những tỉnh Đàng Trong nơi anh rể phái đi làm quan trấn thủ và để giữ tình hòa hảo ông phải trả một thứ thuế. Từ đó ông tiếp tục nộp (ông cùng con ông là chúa Sãi kế nghiệp ông) cho chúa Đàng Ngoài họ hàng với ông, thế nhưng xảy ra việc chúa Sãi thông thương với người Bồ dám ra gan dạ và hiếu chiến, lại dựa vào tình thân thiện và giúp đỡ của mấy viên quan Đàng Ngoài có thế lực trong phủ chúa nên chúa Sãi nhất quyết không nộp thuế mà đức thân phụ đã buộc mình phải trả. Thế nhưng để không cắt đứt với họ hàng, chúa cho người đem phẩm vật là hai cái tráp chạm trổ rất đẹp dựng đầy những của lạ vật hiếm tuyệt diệu chúa lấy được của người Bồ hay mua lại của các thương gia Trung Quốc và Nhật Bản. Người đem đi đã rõ ràng được chỉ thị (sau khi chúc mừng chúa Đàng Ngoài nhân danh thân chủ mình) thì dâng một tráp lên chúa, còn tráp thứ hai thì dâng các hoàng tử trong phủ lúc đó cũng có mặt.

Việc này làm cho chúa giận vì chúa cho là khinh miệt phạm tới thế giá của chúa. (chúa phẫn nộ nói với sứ giả): thế là chủ ngươi dùng hai phẩm vật bằng nhau để tỏ ý công nhận hai chúa ở Đàng Ngoài và xử với ta bằng vai với thần dân ta phải không; ngươi hãy về đi trả tráp cho chủ ngươi và nhắn rằng ta không cần phẩm vật; còn về thuế phải nộp thì ta sẽ thân hành đi lấy lại các tỉnh của ta cùng với đạo binh ta. Đó là nguyên nhân cuộc chinh chiến của chúa Đàng Ngoài theo đuổi, khi chúng tôi tới lãnh thổ ngài, cuộc chiến đã được chuẩn bị từ hơn ba năm nay.

CHƯƠNG 6

RẤT ĐÔNG LƯƠNG DÂN TUỐN ĐẾN NGHE LỜI THIÊN CHÚA

TRONG NHÀ THỜ ĐẦU TIÊN CỦA CHÚNG TÔI Ở ĐÀNG NGOÀI

Ngay khi chúng tôi có một nơi riêng để thừa hành chức vụ và giảng Phúc âm thánh, thì có rất nhiều thính giả tuốn đến và sau khi được dạy dỗ về đức tin thì họ chịu phép rửa tội. Trong số đó mấy vị sư mở đường làm gương cho dân chúng trở lại. Vị sãi chính yếu và kỳ cựu hơn cả được các đồng sự trong tỉnh cảm phục và tôn trọng như bề trên, cũng là người đầu tiên theo đức tin và Kitô giáo, tuổi đã tám mươi lăm và lấy tên rửa tội là Gioakim, một nhân vật có thế giá và đạo hạnh, đã thu hút được nhiều người khác thuộc cả hai giới. Trong những nhân đức của vị lão thành đáng kính này, đặc biệt tôi nhận thấy một nguyện vọng hăng say học hỏi những gì cần cho sự cứu rỗi. Ông thu xếp ở với chúng tôi luôn để học biết sâu rộng hơn về các chân lý đạo Kitô và những mầu nhiệm đức tin. Một ngày kia sau bữa tối, tôi nhờ một cậu bé viết mấy kinh công giáo12 cho giáo dân tân tòng mà không nhờ tới vị lão thành, vì tôi tưởng là tôi tôn trọng thời giờ ông dành để nghỉ ngơi. Khi biết việc này thì ông khiển trách tôi nặng lời vì tôi đã nhờ một người khác chứ không nhờ ông là bậc tôn sư và tiến sĩ của sai lầm. Theo lẽ phải, trong việc tôi muốn tìm người giúp tôi để giảng dạy chân lý thì tôi phải dùng ông hơn người nào khác. Tôi khen lòng nhiệt thành của ông và hứa sẽ dùng ông khi có dịp và xét ra có ích. Vì thực ra ông tinh thông chữ hán hơn những người khác nên ông viết đúng hơn và nhanh hơn những điều tôi đọc cho ông biết. Không những ông chỉ làm việc này giúp ích cho giáo đoàn mới của xứ sở ông, nhưng còn nhận thấy nơi chúng tôi dâng thánh lễ và giảng dạy lời Thiên Chúa thì quá chật hẹp đối với số người hội họp tới nghe. Ông liền dâng một thửa ruộng cạnh đấy thuộc về ông để dựng một nhà thờ rộng hơn, nhà thờ làm bằng gỗ như lối bản xứ do lòng sốt sắng của giáo dân tân tòng và trang trí do hảo tâm của người Bồ. Chúng tôi làm phép trọng thể ngày mồng 3 tháng 5, ngày tìm thấy thánh giá.

Đồng thời xảy ra một vụ một quân binh của chúa ngã bệnh nặng ở thôn chúng tôi đang ở gọi là No. Mấy giáo dân cho chúng tôi biết, thế là chúng tôi đến thăm và trong câu chuyện chúng tôi gợi nên những tâm tình tin tưởng chân thật làm cho anh xin chịu phép rửa tội. Anh đã sốt sắng chịu trước khi nhắm mắt mấy hôm. Ở đây chúng tôi nhận thấy có những dấu hiệu lớn về Thiên Chúa tiền định. Chúng tôi làm đám tang hết sức linh đình và trọng thể, có tất cả người Bồ chỉnh tề tham dự cùng các giáo dân tân tòng. Việc này chúng tôi làm công khai cho rất đông lương dân trông thấy, không những họ cảm phục về bác ái người giáo dân mà còn xúc động về tinh thần của đạo ta.

Người em gái của chúa lúc đó cũng ở trong thôn này. Bà biết sự thể xảy ra và cho mời chúng tôi đến để chúng tôi cho bà biết về niềm tin của chúng tôi. Thế là trong thời gian tôi đàm đạo với bà trước mặt hai trăm quân binh thị vệ của bà. Ít lâu nay bà mất chồng là một vị quan trọng yếu trong phủ chúa, bà quá thương xót và bà mê mải muốn dùng quyền thế của mình để tìm cách giúp ông trong cõi đời sau ông vừa tới. Thế là bà đặt câu hỏi thứ nhất: các ông thấy người quân binh vừa mất có công trạng gì mà được an táng thân thương đến thế? Chúng tôi đáp không phải vì công trạng nhưng vì lòng nhân hậu và thương xót của Thiên Chúa mà anh nhận được ơn tin theo Đức Kitô trước khi chết và nhờ ơn đó anh có bảo đảm một cuộc sống đời đời hạnh phúc ở đời sau. Bà bỡ ngỡ về câu trả lời và vì bà dồn hết tâm trí và thương yêu vào việc cứu giúp chồng bà hơn vào sự cứu rỗi, nên bà khóc lóc đặt câu hỏi thứ hai, xem chúng tôi có cách nào hiệu lực giúp người chồng quá cố? Chúng tôi theo lời Sách thánh mà đáp lại rằng cây ngả bên nào, Nam hay Bắc, thì cứ nằm đó không chỗi dậy được. Còn chúng tôi, chúng tôi không được Chúa trời đất sai đi giảng Phúc âm cho người chết, nhưng cho người sống, vì thế chúng tôi bất lực không sao cứu được những người đã chết trong vô đạo. Nghe lời này bà hết sức buồn khổ khóc lóc vì tình trạng bất hạnh chúng tôi nói về chồng bà đã chết mà chúng tôi không làm gì được, cũng không sao cứu linh hồn ông được. Nhưng có mấy bà trong phủ nhận ngay lấy cơ hội tốt và quyết định ngay khi còn sống phải sắm cho mình việc tốt lành chúng tôi rao giảng. Một bà thầm nghĩ, vì sau đó bà kể cho tôi biết, nếu những người ngoại quốc này muốn bợ đỡ bà em của chúa trong khi bà âu sầu và cho bà tin rằng họ có cách giúp đỡ hồn chồng bà trong đời sau, thì chắc chắn họ sẽ được lòng bà và sự tin cậy của bà và sẽ được tất cả những gì họ muốn. Nhưng vì họ ít quí trọng sự che chở của bà và những ích lợi họ có thể nhận được từ nơi bà trong cơ hội này, thì phải tin đạo họ giảng là thật và phải tin theo để được sự tốt lành đã hứa. Đó là lý luận khôn ngoan của bà này. Thế là bà quyết định trở thành giáo dân và chịu phép rửa tội cùng mấy người khác bà lôi cuốn được bằng gương sáng và lời thuyết phục của bà. Tên bà là Monica. Còn bà em gái chúa tuy sao nhãng việc cứu rỗi, nhưng để cho mẹ chồng đã có tuổi và rất đau yếu theo đạo. Bà cho mời chúng tôi tới để dạy đạo và làm phép rửa tội, lấy tên là Anna. Bà còn sống được ít lâu sau khi trở lại đạo, rồi trở về trời, như chúng tôi hy vọng, hưởng đời tốt lành hơn, hạnh phúc hơn.

CHƯƠNG 7

Ở NHỮNG THÔN LÂN CẬN VỚI TRỤ SỞ ĐẦU TIÊN CỦA CHÚNG TÔI

CÓ MẤY LƯƠNG DÂN TRỞ LẠI

Từ nơi chúng tôi làm trụ sở thứ nhất, việc rao giảng Phúc âm được truyền bá tới vùng lân cận và các thôn xã gần đó cũng bắt đầu trở lại. Một trong các viên quan chính yếu của tỉnh này đã mời chúng tôi đến nhà nhân ngày lễ lớn ông ăn mừng cùng rất đông người, thế là chúng tôi được dịp đàm đạo sâu rộng hơn trước mặt một đám hội lớn về những mầu nhiệm chính yếu của đức tin. Buổi đàm đạo này chẳng làm ích gì cho ông bởi vì ông quá mê của cải, nhưng nhiều người khác được dịp nhận chân lý đức tin mà tới nay họ không biết. Trong số này có một ông sãi rất danh tiếng trong vùng, ông giữ chức quản trị ngôi đền xây trên đỉnh núi hình kim tự tháp chúng tôi đã nói ở trên. Ông cũng được mọi người trong cả nước kính trọng về nhân đức và thánh thiện, chúa đi đánh Đàng Trong cũng nhờ ông cúng lễ. Nhưng ngay khi nhận biết đạo sai lầm của ông và sự thật đạo ta thì ông bỏ những dụng cụ mê tín ma quái và chịu phép thánh tẩy lấy tên là Gioan, vợ thì gọi là Anna và tất cả gia quyến. Ông đã cho biến nhà ông thành một nhà nguyện và một đền thánh. Đa số dân xã An Vực trước kia theo giáo phái dị đoan ông giảng dạy, nay xúc động về gương sáng và lời khuyên giải của ông, đã xin chịu phép rửa tội sau ông. Thế là giáo dân Kitô trở lại thêm đông số. Anna vợ ông cũng không kém chồng về nhân đức và nhiệt thành làm tiến triển việc Thiên Chúa, bà hăng hái hoạt động với họ hàng và bạn hữu một cách chuyên cần và kiên trì đến nỗi khi chồng bà còn sống và sau khi mất, bà thu phục được mọi người nhận biết đức tin, sự tốt lành bà đã nhận được thì bà cũng muốn cho mọi người cùng hưởng.

Ở một thôn bên kia sông gọi là Van Nô có một bà lão xưa kia thờ mê tín, nhưng từ khi nhận đức tin với phép rửa tội thì hết sức nhiệt thành chinh phục mọi đồng hương. Bà đã sửa soạn được một số đông tin theo đạo thật, nhờ lời đầy lửa nóng cũng như nhờ những việc bác ái mà bà đạo đức Lina (người ta gọi bà như vậy) không ngừng thi thố. Bà chỉ buồn phiền vì ông chồng phản đối không nhận ơn thánh và lời mời Phúc âm, ông vẫn dấn thân ở cái tuổi gần đất xa trời vào những dục vọng điên dại và bê tha không sao cởi bỏ được. Nhưng những lời Lina cầu xin tha thiết cho chồng trở lại và sự kiên trì khuyên dụ ông theo sự lành, cuối cùng làm mềm được lòng cứng rắn của ông để nhận ơn đức Thánh Linh, sau khi ông bỏ vợ bé làm cho ông nô lệ tội lỗi thì ông được chịu phép thánh tẩy và lấy tên là Giuse và với ông có tất cả những con cái của bà vợ mọn ông giữ lại trong nhà. Và hai ông bà già này chuyên chú làm các việc bác ái và biến nhà mình thành một nhà nguyện thờ kính cho giáo dân tới, lại còn hăm hở làm các việc nghĩa, thêm vào việc nhà thờ (giáo dân tân tòng đã dựng ở đây) lại có một nhà thương cho người nghèo,13trong đó hai ông bà thi thố các việc bác ái rất đáng khen.

Không xa nhà thờ chúng tôi, có một bệnh xá cho một số người cùi. Chúng tôi đã đi thăm và không mất nhiều khó nhọc để thuyết phục họ nhận chân lý đức tin và sửa soạn chịu phép rửa tội (theo tình trạng) chúng tôi cho họ biết nếu đời này họ chịu một cuộc sống đau buồn và đầy thống khổ thì họ có thể một ngày kia được một đời sống khác hạnh phúc hơn, đầy những điều lành và vui sướng. Người chính yếu trong họ gọi là Simon và khá thông thạo chữ hán, nên đã viết các kinh và mười điều răn chúng tôi đọc cho. 14 để ông học và dạy cho người khác và ông mẫn cán thi hành. Vì bệnh tật hôi thối và sống xa biệt với người khác, nên họ đã dựng trong hàng rào họ ở một nhà nguyện để hội nhau mỗi chủ nhật để đọc kinh trước ảnh chúng tôi cho họ.

CHƯƠNG 8

CÁC THẦY SÃI HAY CHƯ TĂNG PHẢN ĐỐI CHÚNG TÔI

Trong một thời gian ngắn đức tin Kitô giáo đã tiến triển khả quan làm cho ma quỷ điên rồ chống đối chúng tôi. Không tự mình làm được thì chúng dùng các thầy sãi, nghĩa là chư tăng và đồ đệ tay sai để làm hại chúng tôi. Họ bực mình thấy đạo họ bị nhiều người chính yếu bỏ rơi, ngay cả mấy vị sư danh tiếng trong giáo phái cũng đi theo phía chúng tôi. Thế là bực tức, có một ngày kia, họ hội nhau và kéo đoàn lũ đến phản đối chúng tôi và khiêu khích muốn tranh luận với chúng tôi về vấn đề tôn giáo. Chúng tôi sẵn lòng nhận điều họ yêu cầu. Và vì đa số người bao vây chúng tôi (cả lương dân) muốn chúng tôi mở đầu cuộc tranh luận bằng việc trình bày một vài điều thuộc đức tin và nhất là về nguyên lý tiên khởi và tác tạo vạn vật, còn họ trái lại họ đòi bắt đầu cuộc tranh luận (chúng tôi đã được báo tin) bằng việc đọc một tờ giấy đầy những lời xúc phạm và phỉ báng đạo Kitô. Chúng tôi nói là chúng tôi không ngăn cản để họ nói trước và để họ đọc tờ giấy của họ, miễn là làm việc này ở ngoài nhà chúng tôi vì nếu ở đây chúng tôi chịu những lời phạm thượng thì chúng tôi sợ Thiên Chúa chúng tôi thờ sẽ oán phạt họ và trừng phạt chúng tôi. Chúng tôi cũng muốn phá ý xấu của họ nên chúng tôi lịch sự xin họ cho biết người soạn bản viết họ muốn công bố đó, để căn cứ vào giá trị của chữ viết mà biết thế giá của người biên soạn. Nhưng họ ngoan cố không chịu công bố. Thế là trước mặt mọi người chúng tôi mở Kinh Thánh chứa đựng những điều Thiên Chúa mạc khải cho chúng tôi và lớn tiếng đọc mấy lời đầu tiếng bằng tiếng atinh trong sách Sáng thế: từ nguyên thủy Thiên Chúa dựng trời dựng đất. Mọi người đều khen cuốn sách đóng rất gọn và chữ rất rõ (tuy nhỏ). Họ khẩn khoản chúng tôi cắt nghĩa bằng tiếng họ lời chúng tôi vừa đọc. Thế là các sư sãi kêu la để làm rối cuộc và lại yêu cầu để cho họ đọc tờ giấy của họ. Không được như lời mong muốn, họ giận dữ lăng mạ chửi bới chúng tôi và chắc là họ có thể dùng võ lực nếu không có một viên hoạn quan trong phủ chúa tình cờ đến (một người có quyền thế) và dẹp tắt cơn điên rồ của họ. Trước mặt viên hoạn quan này họ không còn dám động đậy nữa và chúng tôi được tự do giải nghĩa (như chúng tôi đã làm) những lời sách Sáng thế, trong khi đó các thầy sãi rút lui oán thù và đe dọa tai họa đổ xuống trên những kẻ tin theo giáo lý chúng tôi giảng. Nhưng điều này không làm cho mấy người, kể cả đồ đệ của họ, đứng vào phe chúng tôi và từ bỏ dị đoan.

Gần trụ sở chúng tôi có một công trường, mỗi sáng có nhiều người tới đó, cũng là nơi chúng tôi phải đi qua. Thấy có dịp gặp những kẻ vô công rỗi nghề tụ họp nhau, thì thỉnh thoáng chúng tôi giảng về đời sau và về phần thưởng đời đời hay hình phạt, thưởng công hay phạt vạ tội loài người. Và vì lời Thiên Chúa là hạt giống làm sinh sôi nảy nở nên không bao giờ không sinh trái, bao giờ cũng được đón nhận và sinh ích trong một số người lòng thành. Một hôm có một thanh niên có tinh thần tốt lành và thông thạo chữ hán, cảm xúc về bài giảng, đã theo chúng tôi về tận nhà để được dạy dỗ sâu rộng hơn vvà đã dễ dàng tin chân lý Kitô giáo, tuy trước đây rất sùng dị đoan. Anh đã nhất quyết bỏ để tin Đức Kitô. Anh còn tỏ ý muốn nhiệt thành từ đây sống với chúng tôi và theo chúng tôi đi dạy dỗ và chinh phục những người khác. Việc này anh không thể làm được vì anh còn ở trong bậc vợ chồng và không thể bỏ gia đình được. Nhưng anh bằng nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi trong những việc anh có thể làm được. Một người khác tên là Simon, sau khi trở lại, cũng muốn theo chúng tôi và chúng tôi phải vất vả đuổi anh ra khỏi nhà chúng tôi để lui về với vợ con anh. Sau đó anh đem cả gia đình đến xin nhận đức tin. Cuối cùng trong những thính giả đó có một người đã luống tuổi ở một thôn bên cạnh gọi là Hai An, khi nghe giảng rồi thì tin theo Thiên Chúa và được vào sổ các giáo dân bởi phép rửa tội. Ông có lòng nhiệt thành làm cho người khác được ơn ông đã được. Sau khi cho gia nhân của ông nhận biết chân lý thì ông đem lòng nhiệt thành tới hết các người trong thôn xóm, ông vừa làm thày giảng vừa làm cha giảng và làm tông đồ trong thôn xã của ông. Khi biết có một bà sang trọng bị ma quỷ hành hạ, thì ông đến thuyết phục bà trở lại đạo nếu bà muốn thoát khỏi địch thù hung hãn làm cho bà mất an nghỉ. Bà bằng lòng và với phép rửa tội, bà nhận được hiệu quả đã hứa là thoát ách ma quỷ hành hạ. Tất cả gia quyến bà đều theo bà chịu phép thánh tẩy và trở thành Kitô hữu. Chúng tôi được mời tới làm phép nhà. Ma quỷ thì chịu rút lui, nhường chỗ cho ảnh đức Trinh Nữ chúng tôi đem tới: Người tới chiếm đoạt vậy.

CHƯƠNG 9

CHÚA ĐÀNG NGOÀI ĐI ĐÁNH ĐÀNG TRONG TRỞ VỀ

Đã qua đi hai tháng, kể từ khi chúa Đàng Ngoài đi giao chiến với Đàng Trong để chúng tôi ở lại trong tỉnh Thanh Hóa. Ở đây chúng tôi đã chinh phục được hai trăm giáo dân, một đoàn nhỏ mọn, nhưng đầy nhiệt huyết và tinh thần ơn thánh và ma quỉ phải sợ hãi. Khi chúa thấy khó xâm nhập được nước chúa tấn hơn lúc ban đầu chúa tưởng và để khỏi tan vỡ đạo binh vì lương thực bắt đầu thiếu và cũng để tránh cảnh hỗn độn quần hồi vô phèng, nếu chúa còn ngoan cố vào cho kỳ được nơi địch rất can đảm chống giữ; hơn nữa chúa còn sợ có nội loạn trong hàng ngũ quân nhân15 trong đó chúa Đàng Trong có nhiều thân thuộc quyền thế và bạn hữu, thế là chúa quyết định bỏ cuộc tiến quân và rút lui toàn đạo binh, lục quân cũng như thủy quân. Lúc này không thiếu người báo tin cho chúng tôi, cho chúng tôi nghĩ rằng chúa Đàng Ngoài rất giận chúng tôi, vì người Bồ đã cung cấp võ khí cho chúa Đàng Trong chống lại chúa. Điều này không đúng, tuy ban đầu có tin đồn như vậy, do mưu kế người Đàng Trong dùng, họ đặt trên đỉnh núi ở biên giới một số rất đông hình nộm mặc theo người Bồ, cầm gậy và nhằm súng đe dọa người Đàng Ngoài không cho họ đến gần, thực ra chỉ là mưu kế vô tội dọa cho sợ mà thôi.

Nhưng người Đàng Trong còn khéo dùng một mưu mô tinh quái khác tác hại rất nhiều cho đạo binh chúa Đàng Ngoài. Đó là trong bến thứ nhất gọi là Cửa Sài, nơi các thuyền chiến Đàng Ngoài phải chấn giữ để cho quân kéo xuống, đây là cửa một sông lớn đoàn hải quân phải vào, chúa Đàng Trong giấu dưới nước nhiều dây chão lớn căng ngang mặt nước với những cọc nhọn và mũi sắc mục đích là để ngăn cản thuyền chiến không cho tiến gần. Thế là đã xảy ra như đã trù tính, vì một phần đoàn tàu dễ dàng vào bến, nhưng khi muốn tấn công thuyền địch đậu ở cửa sông để ngăn chặn quân Đàng Ngoài đi xuống thì bị cạm bằng dây chão đã căng làm lật đổ một số và cọc nhọn làm bị thương và sát hại gần hết binh sĩ ngã xuống nước, đến nỗi chết mất chừng ba nghìn ở lối vào bến. Tuy thế vẫn không ngăn nỗi một số thuyền vượt qua và một phần đạo quân đổ bộ và giao chiến. Nhưng một phần vì chúa Đàng Ngoài sợ cạm bẫy mới nào khác hoặc vì thiếu lương thực cho đạo quân, nếu chúa ngoan cố, thế là ngài cho rút quân về.16

Vậy là chúa trở về, còn chúng tôi tuy bâng khuâng không biết tâm trí thế nào đối với chúng tôi và với thương gia người Bồ, chúng tôi nhất định ra đón ngài và tỏ ra vui mừng vì bản thân ngài được an toàn. Thế là chúng tôi còn giữ trong các đồ đạc lặt vặt của chúng tôi một sách hình cầu 17Euclide mà một cha ở bên Tàu đã dịch ra chữ Tàu và có trang trí nhiều hình toán học rất đẹp, chúng tôi liền lấy ra đem dâng chúa sau khi bái chào ngài. Mặt ngài hớn hở và tỏ ra rất hài lòng nhận phẩm vật, ngài ra lệnh cho chúng tôi ngồi bên ngài để nói chuyện với ngài và cắt nghĩa về cuốn sách. Chúng tôi khởi công làm việc ngay, nhưng đêm tới và cũng đã khá khuya chúng tôi vẫn đàm đạo về bầu trời bao la và vận chuyển điều hòa các tầng trời. Chúa rất chú ý nghe và rất thỏa thích. Tuy ngài mệt vì cuộc hành trình và bể động nhưng vẫn còn muốn cho chúng tôi tiếp tục nói. Ngài lịch sự (đây là một nét tỏ ra tính tình rất nhân hậu của ngài) xin chúng tôi cho phép ngài được nằm nghỉ trên giường và điều này không ngăn cản ngài chú ý tới những gì chúng tôi nói. Chúng tôi cám ơn về mối thịnh tình. Thấy ngài nằm nghỉ và sẵn sàng nghe chúng tôi, chúng tôi tiếp tục giảng giải về vận chuyển các tinh tú, từ đó mới dễ dàng chuyển qua về Người Thợ toàn năng đã làm tất cả cơ giới này và về triều đình nơi Người đặt những khối lớn lao đó để làm sáng tỏ vinh quang Người, nơi Người cho tất cả triều thần được hạnh phúc và vinh hiển muôn đời. Người đón về đó sau khi đã trung thành phụng sự Người ở đời này. Buổi đàm đạo này dài gần hai tiếng đồng hồ và đã quá khuya, thế mà chúa cùng các quan không tỏ dấu chán nản, khi chúng tôi xin phép chúa ngừng để khỏi làm phiền đến ngài. Thế là chúng tôi tạm biệt ngài. Ngài cho quân binh theo chúng tôi cùng cho nhiều phẩm vật và tiền bạc. Chúng tôi an tâm, không những chúa không giận mà còn ưu đãi và quí mến chúng tôi. Chúng tôi cảm tạ Thiên Chúa, coi như một việc quan trọng không hy vọng mà đã xảy đến với chúng tôi.

Chúng tôi còn vững dạ hơn trong suy nghĩ lo toan của chúng tôi vì lời Thiên Chúa không trở về vô hiệu với kẻ rao giảng vì mục đích lành thánh. Tuy không ảnh hưởng gì mấy tới tâm trí chúa vì chúa chưa được ơn Đức Thánh Linh sửa soạn trước, nhưng viên tướng lãnh đội thị vệ đã bị xúc động cách rất rõ ràng và rất mạnh mẽ, vì sau đó ít lâu ông đến tìm chúng tôi xin được học các chân lý đức tin và chịu phép rửa tội. Chúng tôi đã rửa tội cho ông và cả gia đình theo gương ông và những tâm tình của một thủ lãnh.

CHƯƠNG 10

CHÚA ĐÀNG NGOÀI NHẤT ĐỊNH ĐƯA CHÚNG TÔI

VỀ PHỦ ĐỂ Ở VỚI NGÀI

Chúng tôi được chúa trân trọng và thịnh tình tiếp đón, đến nỗi chúng tôi được tự do lại gần bản thân ngài. Nhưng trong phủ chúa, trong số những người quí mến chúng tôi, chúng tôi chưa tìm được ai nhận lời hoặc dám xin chúa cho chúng tôi một việc rất quan trọng đối với chúng tôi, đó là được ở lại trong nước ngài khi tàu người Bồ trở về Macao. Khi chúng tôi còn đang áy náy và khẩn khoản phó thác việc đó nơi Thiên Chúa vào ngày vọng lễ thánh Gioan Tẩy giả,18 tôi được hân hạnh đến chầu ngài, rồi ngài đem đồng hồ có bánh xe và đồng hồ cát tôi đã dâng ngài trước đây khi ngài vào Đàng Trong. Ngài hỏi chúng tôi xem dùng đồng hồ thế nào, vì chưa bao giờ ngài thấy và không còn nhớ những điều chúng tôi đã nói về cách sử dụng. Tôi liền vặn cho đồng hồ đánh đúng giờ đã định, rồi chúng tôi xoay trở đồng hồ cát và nói với chúa rằng khi cát trong ngăn trên rơi hết xuống ngăn dưới thì chuông đồng hồ đánh một giờ khác. Chúa rất chú ý và muốn đợi cho đánh giờ, ngài còn đặt vào tay chúng tôi cuốn sách chữ hán chúng tôi đã dâng ngài mấy hôm trước để cắt nghĩa cho ngài một vài điều. Chúng tôi tuân theo và trong khi cắt nghĩa thì cát đã rơi xuống hết, chúa vẫn để ý và chờ. Ngài nói: kìa, cát đã rơi hết, nhưng đồng hồ chưa đánh. Vừa nói xong thì đồng hồ đánh giờ, chúa rất bỡ ngỡ và rất vui mừng không thể cầm giữ được. Thế rồi đồng thời có một tiến sĩ chính yếu trong nước, được chúa rất quí trọng, tiến đến. Chúa cho ngồi bên chúa. Chúa liền khoe và rất khen chiếc đồng hồ cũng như sách toán học. Vị tiến sĩ rất thích. Nhưng khi rút lui thì thưa với chúa rằng: thưa chúa, về nghệ thuật chiếc đồng hồ thì thật là đáng khen và xứng với sự hám của lạ của một vị chúa, nhưng về cuốn sách thì đức Khổng của chúng ta là đủ cả cho nước Annam chúng ta không cần sách nào khác, nói rồi ông bái chào và đi ra.19

Nhưng chúa tỏ thịnh tình và quí mến chúng tôi, (Thiên Chúa đã an bài như thế) nhờ những phẩm vật nhỏ mọn đó mà chúa biệt đãi chúng tôi, thêm vào mối lợi nhờ có người Bồ đến buôn bán trong nước, nên ngài muốn giữ chúng tôi ở lại, nếu chúng tôi nhận. Thế là chúa quay về phía chúng tôi và thân thiện nói tương tự như sau: Tàu người Bồ đã đưa các người tới, lại sắp sửa trở lại nơi cũ, còn phần các người, các người sẽ làm vui lòng ta và ta yêu cầu các người ở lại với ta một người hay cả hai người cũng được, để đàm đạo với ta về nhiều việc. Tôi liền kính cẩn thưa là chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng vâng lời chúa, nếu chúa truyền và nếu chúa hài lòng về việc phục dịch của chúng tôi trong nước ngài thì không phải một hay hai năm mà thôi, nhưng suốt đời chúng tôi. Rồi chúa hỏi xem chúng tôi muốn ở lại cả hai hay chỉ một mình tôi là người biết tiếng bản xứ? Tôi đáp là không nên chia rẽ hai chúng tôi và nhất là đối với tôi còn trẻ, tôi được người bạn đồng sự mà tôi coi như cha, vậy nếu ngài đoái thương tới thì cả hai chúng tôi đều ở lại phụng sự ngài. Chúa rất bằng lòng và thêm rằng, chúa thấy không nên để tôi ở lại một mình và không có bạn đồng sự trong một xứ ngoại quốc và không quen biết. Sau khi cảm tạ chúa, chúng tôi vui mừng trở về nhà chúng tôi để sửa soạn tiếp tục hành trình với chúa. Chúng tôi nhận thấy ở việc này có sự quan phòng của Thiên Chúa, Người đã gợi ý cho chúa giữ chúng tôi lại mà không cần nhờ đến ai khác trong phủ để làm đơn xin, điều này có thể làm cho chúa nghi ngờ. Còn giáo dân tân tòng thì rất hớn hở thấy chúa ưu đãi và quí mến chúng tôi. Chúng tôi dặn dò họ hãy quí trọng sứ mệnh của mình và kiên trì giữ đức tin nhận được bởi ơn riêng Thiên Chúa ban. Chúng tôi tạm biệt họ và lên buồm khi chúa trẩy đi cùng cả đạo binh.